Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách viết đoạn văn cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm trong truyện cùng tên của An-đéc-xen chuẩn và hay nhất hiện nay.
Dàn Ý Cảm Nhận Về Cái Chết Của Cô Bé Bán Diêm
I. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu đoạn kết về kết cục thương tâm của em bé bán diêm.
II. Thân bài
a. Giới thiệu hoàn cảnh cô bé bán diêm
- Nhà nghèo, mồ côi mẹ, bà mất khiến gia đình phá sản, sa sút
- Phải đi bán diêm kiếm tiền
- Thường xuyên bị bố đánh đập, hành hung nếu không bán được diêm.
b. Về kết thúc truyện
- Em đã đón nhận một cái chết thương tâm – chết vì giá rét nhưng đôi má vẫn hồng hào và đôi môi đang mỉm cười khiến người đọc không khỏi bàng hoàng, xúc động và lặng người trước số phận đáng thương của con người.
c. Thông qua kết thúc truyện, tác giả lên án sự thờ ơ, vô cảm của xã hội.
- Người đáng lên án đầu tiên đó chính là cha của cô bé, một người cha tàn ác, nhẫn tâm, không thể lo nổi cho con mình còn bóc lột, hành hung cô bé một cách tàn nhẫn. Đó chính là sự tha hóa, băng hoại về đạo đức con người.
- Không chỉ vậy, chính xã hội cũng thờ ơ, vô cảm với em. Họ không thể mua cho cô bé lấy nổi 1 bao diêm hay cho cô bé bất cứ một thứ gì mà chỉ quan tâm đến bản thân mình. Khi thấy xác cô bé bên đường, sự vô tâm lại càng khiến ta tức giận khi họ chỉ buông một câu xanh rờn “Chắc nó muốn sưởi ấm!”.
d. Tấm lòng nhân đạo của tác giả
- Đồng cảm, thương xót trước số phận bất hạnh của cô bé bán diêm
- Đồng cảm với những ước mơ, khát khao giản dị, chân thành của con người nhỏ bé.
- Lên án, tố cáo sự thơ ơ, vô tâm, vô cảm của một lớp người trong xã hội.
- Hướng đến sự giải thoát cho cô bé bằng cách cho cô đoàn tụ với bà của mình trên Thiên đường, dưới sự bảo vệ của Chúa.
III. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị tác phẩm: “Cô bé bán diêm” là tác phẩm gây xúc động mạnh cho người đọc với hoàn cảnh đáng thương của con người nhỏ bé trước xã hội vô cảm.
- Liên hệ đến chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: Tác phẩm thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 1
Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen khiến chúng ta sẽ không thể nào quên đi hình ảnh cô bé bán diêm với những ánh lửa diêm bé nhỏ le lói. Đó là một đêm giao thừa giá rét gắn với những mộng tưởng ngọt ngào và hạnh phúc nhất của cô bé nghèo khổ bất hạnh. Truyện đã kết thúc nhưng sức ám ảnh về những mộng ước và giấc mơ của cô bé vẫn đầy ắp, đặc biệt là cái chết của cô bé vẫn là sự hoài niệm trong tâm trí người đọc.
Câu chuyện kết thúc khi cảnh đời đang vui vẻ nhưng cô bé bán diêm lại có cái chết bi thảm. Trong đêm giao thừa hôm ấy, em chịu đói chịu rét cả một ngày mà không dám về nhà vì sợ cha đánh. Vì quá đói rét mà em đã chết với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Buổi sáng đầu năm mới, tuyết phủ kín mặt đất, khi mặt trời bắt đầu lên, bầu trời bắt đầu xanh, mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.
Trong sự háo hức và vui vẻ của mọi người thì em đã chết ở một xó tường nơi vỉa hè, nằm giữa những bao diêm và que diêm đã quẹt, hình ảnh đó xoáy sâu vào tâm can người đọc, đó cũng là kết thúc khác hoàn toàn so với những kết thúc của truyện cổ tích. Cô bé bán diêm chẳng có cái kết có hậu, cũng chẳng tìm được hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại, ngược lại em đã phải chết một cách bi kịch, đầy xót thương.
Tuy nhiên, cái tài của nhà văn chính là viết bi kịch nhưng không gợi ra bi thảm và nỗi buồn cuộc đời của nhân vật. Bởi cô bé bán diêm đã ra đi trong niềm hạnh phúc vô bờ, sự mãn nguyện khi em được đến bên bà, được bà yêu thương và hết mực che chở. Hình ảnh em đã chết nhưng đôi má vẫn hồng và đôi môi vẫn đang mỉm cười là minh chứng cho việc em không chết, em chỉ bước từ thế giới đầy đắng cay, đen tối sang một thế giới tươi đẹp hơn.
Cũng chỉ có cái chết mới giải thoát được cuộc đời em khỏi những nỗi khổ, niềm vui sướng và hạnh phúc của em khi được ở bên bà, được bay lên về với Thượng đế chí nhân. Nhà văn An-đéc-xen đã thấu hiểu và trân trọng một các sâu sắc, bởi ông có tấm lòng thuộc về những con người khốn khổ, bất hạnh trong xã hội. Kết thúc của truyện tuy bi kịch nhưng lại tỏa sáng giá trị nhân văn.
Đối lập với sự bất hạnh trong cái chết của cô bé bán diêm chính là sự thờ ơ của người đời. Khi nhìn thấy những que diêm cháy dở kia, con người ta trở nên lạnh lùng, vô cảm, thiếu tình thương, chỉ thốt ra được một câu lạnh lùng: “Chắc nó muốn sưởi ấm”. Cô bé bán diêm thật đáng thương, chính trong xã hội vô cảm, thiếu tình thương giữa con người với con người này, nhà văn An-đéc-xen đã viết nên truyện này. Một phần để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với cô bé bán diêm nói chung và số phận của những con người khốn khổ trong xã hội nói chung, an ủi và xoa dịu nỗi đau của họ. Một phần cũng là để lên án và tố cáo sự vô tâm của những con người thiếu tình cảm trong xã hội.
Hình ảnh về cái chết của cô bé bán diêm luôn là hình ảnh xúc động nhất, dù cho nhà văn đã miêu tả đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Dù có khép lại trang sách thì hình ảnh của cô bé bán diêm vẫn còn đọng lại trong tâm hồn tất cả những ai đọc truyện.
Nguyên nhân cái chết của cô be bán diêm
Em bé chết vì đói rét vì sự vô tâm của mọi người, đôi má hồng, đôi môi mỉm cười cách miêu tả của tác giá đã thể hiện sự cảm thông, thương yêu của tác giả dành cho nhân vật cô bé bán diêm
Nhận xét về cái chết của cô bé bán diêm
Dưới ngòi bút đầy chất thơ của nhà văn, cô bé bán diêm đã phải chết. Em bé đã chết mà đôi má vẫn hồng và đôi môi đang mỉm cười. Hình ảnh cái chết đấy thật đẹp đã thể hiện sự hạnh phúc, mãn nguyện của cô bé. … Em đã chết vì lạnh, vì đói ở một xó tường, đó là cái chết đau đớn nhưng chắc chắn sẽ thanh thản về tâm hồn
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 2
Nhà văn An- đéc – xen (1805 – 1875) Đan Mạch, nhà văn say mê văn chương và có nhiều tác phẩm nổi tiến, ông nổi tiếng tác phẩm: “Cô bé bán diêm” truyện cổ tích xuất sắc trên toàn thế giới. Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần cuối câu chuyện đầy bi thương. Câu chuyện cô bé bán diêm được trích trong phần cuối, truyện đã kể về em bé mồ côi mẹ đi bán diêm theo lệnh của người bố ngay trong đêm giao thừa rét buốt. Cô không dám về nhà khi chưa bán hết diêm vì sợ bố đánh, em đành ngồi nép vào góc tường, liên tục quẹt diêm để sưởi ấm. Hết một bao diêm thì em bé chết cóng trong giấc mơ cùng bà nội lên trời. Sáng hôm sau – mồng 1 Tết, mọi người qua đường vẫn thản nhiên nhìn cảnh tượng thương tâm trên. Qua cái chết của em bé trong câu truyện, nhà văn muốn gửi đến mỗi chúng ta thông điệp về giàu tính nhân đạo: Phê phán cả xã hội vô tâm, ích kỉ trước cái chết của em bé nghèo mồ côi, bên cạnh đó luôn nhắc nhở mọi người quan tâm và yêu thương trẻ em nhiều hơn, để những đứa trẻ luôn sống trong tình cảm yêu thương gia đình.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 3
Em bé đã chết một cách thê lương như vậy trong đêm giao thừa. Cái chết mang trong nó sức mạnh tố cáo xã hội. Cho dù người ta nhìn thấy trong xó tường một em bé gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười.Em bé bán diêm thật tội nghiệp. Người đời đối xử tàn nhẫn với em biết mấy. Họ chẳng thèm để ý đến những lời chào hàng tha thiết của em thậm chí đến lúc chết, cái thi thể lạnh cóng của em cũng chỉ nhận được những ánh nhìn lạnh nhạt.
Trong cái xã hội thiếu tình thương ấy, nhà văn An-đéc-xen đã tỏ lòng thương cảm sâu sắc đối với em bé bất hạnh. Chính tình yêu ấy đã khiến nhà văn miêu tả thi thể em với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười, đồng thời tưởng tượng ra cảnh huy hoàng của hai bà cháu lúc về trời. Song nhìn chung cả câu chuyện nói chung và đoạn kết của truyện nói riêng là một cảnh tượng thương tâm thực sự. Nó gợi lên ở chúng ta bao nỗi xót xa cho những kiếp người nghèo khổ.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 4
“Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà. Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường, người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”.
Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa. Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy và nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”
Em đã đi vào bầu ánh sáng vĩ đại, vào sống trong một thế giới của ánh sáng, tình thương, nơi ấy có người bà hiền hậu thân thương, có những lò sưởi ấm, những bữa ăn thịnh soạn, những cây thông trang hoàng rực rỡ, được sống trong sự bao dung chở che và lòng độ lượng nhân từ vô hạn của Chúa. Em đã vĩnh viễn thoát khỏi những đọa đày trên mặt đất đau thương, vĩnh viễn thoát khỏi những cơn đói hành hạ, thoát khỏi cái rét cắt da cắt thịt, khỏi nỗi cô đơn, bất hạnh.
Em ra đi thanh thản và mãn nguyện “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Chắc hẳn gương mặt ấy sẽ còn ám ảnh độc giả bao thế hệ: Cô bé ra đi trong niềm vui, sự bao dung, tha thứ. Cô mỉm cười từ giã tất cả, tha thứ tất cả: Những lời chửi mắng thậm tệ, những trận đòn roi, những sự lạnh lùng vô cảm của con người…. Cô bé ra đi tựa như một thiên thần, sau khi chịu đựng những đọa đày thế gian đã được trở về với Chúa, về nước thiên đàng.
Ở phương diện đó, kết thúc câu chuyện là một cái kết có hậu, ấm áp và đầy tính nhân văn. Andersen đã không dùng đôi cánh tưởng tượng để thoát li mà cúi sát xuống hiện thực khốc liệt của cuộc sống, để cảm thông và yêu thương những số phận bất hạnh, để nhận ra và trân trọng những ước mơ trong sáng, thánh thiện của con người.
Nhưng không hẳn là một cái kết hoàn toàn có hậu. Truyện của Andersen khép lại nhưng lòng người đọc vẫn không nguôi băn khoăn, trăn trở, day dứt suy nghĩ về con người, cuộc đời, về tình người, tình đời. Nhà văn không né tránh hiện thực nghiệt ngã.
Cô bé có tâm hồn trong sáng, thánh thiện ấy đã chết, chết trong chính đêm giao thừa, trong cái đói, cái rét hành hạ. Một năm mới sang hứa hẹn những khởi đầu mới nhưng cô bé đã kết thúc cuộc hành trình của mình tại chính ngưỡng cửa của năm mới. Chẳng có cơ hội, chẳng có tương lai nào cho em.
Trước khi chết vì đói, vì rét, em đã chết vì chính sự lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn, ích kỉ của con người. Em không dám về nhà vì sợ những lời chửi mắng, đánh đập của bố, em trơ trọi, bơ vơ, tuyệt vọng chống chọi với cái giá rét trước ánh mắt vô cảm, thờ ơ của những người qua đường, em cô đơn, buồn tủi khi mọi người vui vẻ, hân hoan đón chào năm mới, em nằm đó trong những lời đàm tiếu vô tâm của mọi người.
Em từ giã cõi đời, giã từ cuộc sống vì không ai thương em, không ai che chở, bảo vệ em. Cái chết của em mãi để lại nỗi xót thương, niềm day dứt như một câu hỏi ám ảnh trong lòng mỗi người: Làm sao để không bao giờ trên mặt đất này còn có những trẻ em bất hạnh như cô bé bán diêm?
Truyện nhẹ nhàng, dung dị nhưng đặt ra những vấn đề vô cùng sâu sắc, thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp qua tấm lòng yêu thương, trân trọng con người của nhà văn. Cái kết truyện như một câu hỏi đầy day dứt, như một lời đề nghị nhà văn gửi tới độc giả nhiều thế hệ, ở mọi phương trời về cách sống, về thái độ, tình cảm đối với những người xung quanh, nhất là những mảnh đời bất hạnh.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 5
Truyện “Cô bé bán diêm” là một tác phẩm tiêu biểu của An-đéc-xen. Dưới ngòi bút đầy chất thơ của nhà văn, cô bé bán diêm đã phải chết.
Em bé đã chết mà đôi má vẫn hồng và đôi môi đang mỉm cười. Hình ảnh cái chết đấy thật đẹp đã thể hiện sự hạnh phúc, mãn nguyện của cô bé. Có lẽ em đã thanh thản, tại nguyện vì chỉ mình em được sống trong những điều huy hoàng, kì diệu. Cái chết của em bé bán diêm thể hiện tấm lòng nhân hậu, nhân ái của nhà văn dành cho số phận trẻ thơ, đó là sự cảm thông yêu thương và trân trọng thế giới tâm hồn.
Thực tế em bé đã chết rất tội nghiệp, đó là cái chết bi thảm, làm nhức nhối trong lòng người đọc. Em đã chết trong đêm giao thừa rét mướt, em nằm ngoài đường sáng mùng một đầu năm trong khi mọi người vui vẻ ra khỏi nhà, kẻ qua người lại mà không hề ai quan tâm đến em. Em đã chết vì lạnh, vì đói ở một xó tường, đó là cái chết đau đớn nhưng chắc chắn sẽ thanh thản về tâm hồn.
Như vậy, bằng ngòi bút nhân ái lãng mạn của nhà văn, qua cái chết của cô bé bán diêm tác giả muốn tố cáo phê phán xã hội thờ ơ lạnh lùng với những nỗi bất hạnh của những người nghèo khổ bất hạnh, đặc biệt đối với trẻ thơ. Đồng thời, nhà văn còn muốn gửi gắm thông điệp tới người đọc. Đó là hãy biết san sẻ yêu thương đừng phũ phàng hoặc vô tình trước nỗi đau bất hạnh, cay đắng của các em bé. Cái chết của em sẽ mãi ám ảnh trong lòng người đọc, khơi dậy cho ta về tình yêu thương con người.
Với lối viết bay bổng, nhẹ nhàng, An-đéc-xen đã trở thành nhà văn nổi tiếng của mọi người, mọi nhà, mọi thời đại.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 6
Ai đã từng đọc “Cô bé bán diêm” của nhà văn Đan Mạch An-đéc-xen hẳn sẽ không thể nào quên những ánh lửa diêm nhỏ nhoi bùng lên giữa đêm giao thừa giá rét gắn với một thế giới mộng tưởng thật đẹp của cô bé nghèo khổ. Truyện đã kết thúc nhưng sức ám ảnh của những giấc mơ tuyệt đẹp vẫn đầy ắp trong tâm trí người đọc, người nghe qua những lời kể và sự miêu tả vô cùng cuốn hút của nhà văn.
Kết thúc câu chuyện là sự đối lập giữa cảnh đời vui vẻ và cái chết bi thảm của em bé bán diêm. Trong đêm giao thừa, vì quá đói rét nên em đã chết với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười, Sáng hôm sau tuyết phủ kín mặt đất, khi mặt trời bắt đầu lên, bầu trời xanh nhạt, mọi người ra khỏi nhà vui vẻ. Trước sự vui sướng, háo hức của mọi người, em đã chết ở một xó tường, nằm giữa những que diêm đã quẹt làm xoáy sâu vào tâm can người đọc. Đây là một kết thúc vô cùng đọc đáo và khác hoàn toàn với kết thúc của truyện cổ tích.
Nếu như truyện cổ tích là một kết thúc có hậu và nhân vật sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong chính cuộc sống thực tại thì truyện “Cô bé bán diêm” lại là một kết thúc đầy bi kịch, đau xót cho số phận nghèo khổ, bất hạnh của em bé bán diêm. Nhưng cái tài của An-đéc-xen là miêu tả bi kịch mà không gợi ra bi thảm và nỗi buồn của cuộc đời nhân vật. Bởi vì em bé ra đi trong hạnh phúc vô bờ và sự mãn nguyện khi em được bà hết mực yêu thương, che chở. Từ đó, em mãi mãi được sống bên bà.
Qua chi tiết em chết má vẫn hồng, môi vẫn nở nụ cười tác giả muốn khẳng định một điều em bé chưa chết vì em đã từ dã hiện thực cay đắng, đen tối, phũ phàng để bước sang một thế giới khác tươi đẹp hơn. Và chỉ có cái chết mới giải thoát nỗi khổ của cuộc đời và hạnh phúc chỉ đến khi em chết đi “môi mỉm cười”. Điều kì diệu hơn thế nữa mà không ai biết được chính là niềm vui sướng hạnh phúc với em khi ở bên bà đầy yêu thương bay lên về với Thượng đế chí nhân.
Chỉ có nhà văn An-đec-xen mới thấu hiểu và trân trọng bởi tấm lòng ông đã thuộc về những con người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc đời. Kết thúc ấy vẫn là bi kịch day dứt ám ảnh trái tim người đọc, tỏa sáng giá trị nhân văn sâu sắc. Đối lập với sự bất hạnh tột cùng của em bé là sự thờ ơ của người đời.
Chúng ta càng trân trọng ước mơ của cô bé biết bao nhiêu thì lại càng đau đớn trước cái chết thương tâm của em bấy nhiêu. Và chúng ta phải cảm ơn nhà văn An-đéc-xen đã miêu tả cái chết của cô bé với một tấm lòng cảm thông sâu sắc. Ánh sáng của những giấc mơ hiện về mỗi khi một que diêm vụt lên đã trở thành vầng hào quang toả sáng bên cô bé tội nghiệp trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, xua đi mọi giá băng, lạnh lẽo, giúp em quên hết mọi đau buồn, tủi cực của cuộc sống trần gian.
Đến với truyện “Cô bé bán diêm”, người đọc không thể không cảm nhận ý nghĩa của hình tượng những ngọn lửa diêm. Đó là ngọn lửa của ước mơ tuổi thơ về một mái ấm gia đình, về ấm no hạnh phúc, được ăn ngon mặc đẹp, được vui chơi và sống trong tình yêu thương của mọi người. Đây chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác phẩm.
Và hình ảnh em bảo bà cầu xin Thượng đế chí nhân cho em đi theo bà càng nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương trẻ thơ và để trẻ có một cuộc sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trong tình cảm nâng niu, trân trọng của tất cả mọi người.
Em bé thật đáng thương! Trong xã hội thiếu tình thương yêu giữa người với người, nhà văn An-đéc-xen đã viết truyện này để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với em bé bán diêm nói chung và tầng lớp những người nghèo khổ nói riêng để làm dịu bớt nỗi đau đang nhức nhối trong tim và cũng để an ủi những linh hồn tội nghiệp.
Mặc dù tác giả đã miêu tả em bé chết với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười nhưng vẫn khiến người đọc cảm động rơi nước mắt. Dù khép trang sách lại nhưng hình ảnh cô bé bán diêm vẫn mãi mãi đọng lại và hiện hữu trong em và tất cả những ai đã từng đọc truyện. Bức thông điệp mà ông gửi gắm vẫn còn ý nghĩa sâu sắc đến tận bây giờ.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 7
“Cô bé bán diêm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn An-đéc-xen. Có lẽ khi đọc câu chuyện này, người đọc sẽ không thể quên được kết thúc của truyện chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Truyện kể rằng trong đêm giao thừa rét mướt, một cô bé đầu trần, chân đi đất, bụng đói nhưng phải đi bán diêm. Cô bé ấy đã mồ côi mẹ và ngay cả bà nội – người yêu thương em nhất cũng đã qua đời. Em không dám về nhà vì sợ bố sẽ đánh em. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm.
Que diêm thứ nhất cho em có cảm giác ấm áp như ngồi bên lò sưởi. Em vội quẹt que diêm thứ hai, một bàn ăn thịnh soạn hiện lên. Đến quẹt que diêm thứ ba thì một cây thông Noel. Quẹt que diêm thứ tư được thắp lên, lần này là bà nội với khuôn mặt hiền từ hiện ra. Những ảo ảnh đó nhanh chóng tan đi sau sự vụt tắt của que diêm. Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm để mong níu bà nội lại.
Kết thúc truyện là cái chết đầy thương tâm của cô bé bán diêm. Sáng hôm sau, ở một xó tường lạnh lẽo, người ta thấy một cô bé có đôi má hồng, đôi môi mỉm cười dường như rất hạnh phúc. Nhưng em đã chết cóng. Cái chết của em bé bán diêm xuất phát từ nguyên nhân nào?
Đầu tiên có lẽ phải kể đến sự thờ ơ, vô tâm của những người thân trong gia đình, chính người cha đã bắt cô bé phải ra đường bán diêm trong đêm giáng sinh lạnh giá. Cô bé không thể trở về nhà khi thấy lạnh vì sợ hãi những trận đòn roi của người cha khi không bán được diêm.
Đồng thời, cái chết của em bé bán diêm cũng do sự vô tâm của con người trong xã hội lúc bấy giờ. Giả sử như vào đêm hôm ấy có một ai chịu mua diêm cho cô bé. Thì chắc có lẽ cô bé đã có thể trở về nhà mà không phải ở ngoài đường chịu giá rét. Sự lạnh lùng, thờ ơ của con người đã gián tiếp giết chết cô bé.
Cái chết của cô bé bán diêm chính là lời tố cáo một xã hội đương thời với những con người dường như đã vô cảm với sự bất hạnh của người khác. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện nhân văn ở chỗ An-đéc-xen đã xây dựng một cái kết mở. Hình ảnh cô bé chết nhưng vẫn mỉm cười – nụ cười khi được đoàn tụ với bà được tác giả tưởng tượng nhằm giảm bớt nỗi đau cho câu chuyện.
Cô bé chết đi nhưng sẽ được đến với những người yêu thương là mẹ, là bà. Ở trên thiên đường, cô bé bán diêm sẽ nhận được tình yêu thương của họ. Cái kết này đã phản ánh được ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc của con người.
Tóm lại, cái kết của truyện “Cô bé bán diêm” đã thể hiện được những giá trị nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 8
Có thể nói, Cô bé bán diêm là một thành công của nhà văn An-đéc-xen khi nội dung mà ông mang đến luôn đầy đủ ý nghĩa và những bài học đáng trân trọng trong cuộc sống. Câu chuyện nói về một cô bé phải đi bán diêm giữa sự khắc nghiệt và giá lạnh của thời tiết nhưng chẳng một ai quan tâm đến cô.
Ở cái xứ sở Đan Mạch khi ấy, người ta đi chơi cùng nhau, vui vẻ cùng nhau và quây quần bên nhau nhưng chỉ có cô bé phải chịu những bất hạnh và nhìn người khác hạnh phúc. Em phải đi bán diêm giữa cái thời tiết lạnh đến run người. Em chẳng có gì trong bụng vì làm gì có tiền để mua những đồ ăn ngon cho mình.
Gương mặt em tím tái, đôi môi thì nhợt nhạt vì cái giá lạnh của thời tiết đó đã làm cho em phải thành ra như vậy. Em rảo bước một mình trên những con đường đầy bóng người. Nhưng không một ai quan tâm đến em, vì họ đang vui vẻ cùng với những người thân thương của mình.
Rốt cuộc thì em chẳng bán được que diêm nào, nên em quyết định vào một xó tường để quẹt một chiếc que diêm thôi nhưng đủ để em sưởi ấm. Em quẹt diêm lần thứ nhất, em thấy một chiếc lò sưởi hiện ra và toàn thân của em đang được sưởi ấm. Lần quẹt diêm thứ hai, em thấy bao nhiêu đồ ăn nào là ngỗng quay trên một chiếc bàn ăn đã được dọn sẵn nhưng rồi cũng biến mất. Em quẹt diêm lần thứ ba, một cây thông lộng lẫy và tuyệt đẹp hiện ra trước mắt em, bao nhiêu ngọn nến rực rỡ và lấp lánh nhưng em không thể chạm tới.
Lần thứ tư, rồi lại thứ năm, em lại quẹt một chiếc diêm, thì em nhìn thấy người bà thân yêu đang mỉm cười với mình. Em thấy em và bà vụt lên trời cao trong sự yêu thương và em không phải cô đơn một mình.
Em muốn đi cùng bà đến nơi cao xa đằng kia, vì ở đây em cô đơn và một mình. Nhưng rồi tất cả dần dần biến mất và không có điều gì ở lại với em nữa rồi. Ngày hôm sau, người qua đường phát hiện em đã chết ở một xó tường. Nhưng có lẽ em đã rất hạnh phúc khi được nhìn thấy những điều tốt đẹp và mỉm cười để lên thiên đường rồi. Có lẽ, những mộng tưởng của cô bé bán diêm đã được nhà văn tái hiện lại vô cùng đẹp đẽ và đó cũng là nguyện ước của cô bé khi đang sống ở một cuộc đời thật.
Em xứng đáng có được nhiều hơn thế, vì em là một cô bé tốt bụng và có một trái tim nhân hậu. Nhà văn đã dành những tình yêu thương và một sự đồng cảm dành cho cô bé, đồng thời ông cũng lên án những con người không có tình yêu thương trong cuộc đời này.
Thông điệp về tình yêu, sự quan tâm giữa những người xung quanh với nhau là những gì mà nhà văn hướng tới và mong muốn tất cả mọi người hãy quan tâm nhau khi còn có thể, vì cuộc đời này chúng ta chẳng thể nào biết trước được điều gì. Hãy biết chia sẻ, cảm thông và quan tâm đến những người có số phận kém may mắn hơn mình, vì khi mình cho đi tức là mình đang những điều đẹp đẽ và hạnh phúc còn hơn thế nữa.
Tác phẩm Cô bé bán diêm đã mang đến những giá trị về mặt nghệ thuật vô cùng đặc sắc và thể hiện được tài năng của nhà văn An-đéc-xen. Tác giả đã xây dựng những tình tiết được lặp đi lặp lại đó là khi em quẹt những chiếc diêm để mong thầy những điều rực rỡ và đẹp đẽ và sự thật đời sống em không thể có được nó. Tác giả đã xây dựng trong truyện những hiện thực đan xen với những mộng tưởng của cô bé bán diêm vô cùng hợp lý và tài tình.
Ngoài ra, An-đéc-xen còn xây dựng cho nhân vật của mình từng lời thoại cho đến sự độc thoại nội tâm với chính mình cũng đều vô cùng đắt giá. Đặc biệt là cái chết của em đã chạm được đến mạch cảm xúc của người đọc. Em đã được giải thoát khỏi sự cô đơn và giá lạnh nơi trần gian, và đã mỉm cười để lên thiên đường gặp người bà thân thương của mình.
Cô bé bán diêm đã mang đến cho người đọc những cảm xúc vô cùng đặc biệt và khó tả. Tác phẩm cũng đã có những giá trị nhân văn vô cùng ý nghĩa về tình yêu và sự quan tâm giữa mọi người xung quanh với nhau. Cô bé bán diêm đã không nhận được tình yêu thương của tất cả mọi người, giữa một đêm giá lạnh của thời tiết, chỉ có mình em với những điều ước mong manh qua từng que diêm.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 9
“Cô bé bán diêm” là một câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn. Trước hết chuyện thể hiện lòng thương xót đối với những số phận bất hạnh như cô bé. Sau đó, truyện lên tiếng phê phán một xã hội vô cảm, dần mất đi tình thương yêu đồng loại. Điều đó được thể hiện qua đoạn kết của truyện.
Kết thúc của “Cô bé bán diêm” như sau: “Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà. Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường, người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.
Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy và nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”. Cái chết của cô bé đã đẻ lại bao nhiêu niềm tiếc thương cho bạn đọc.
Đằng sau cái kết của câu chuyện, nhà văn muốn gửi gắm nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Một cô bé trong sáng, thánh thiện đã chết đi trong một đêm mùa đông lạnh giá. Khi một năm mới đến cũng là lúc cô bé kết thúc cuộc đời đầy bất hạnh của mình. Thực tế rằng chẳng có hạnh phúc nào trong tương lai khi con người kết thúc cuộc sống của mình bằng cái chết. Cô bé không chỉ chết vì đói, vì giá rét. Mà cô bé chết vì sự lạnh lùng, vô cảm của những con người trong xã hội lúc bấy giờ.
Từ những người thân yêu đến những người xa lạ. Em không dám về nhà vì không bán được diêm sẽ bị bố mắng nhiếc hay đánh đập. Em một mình bơ vơ nơi góc tương lạnh giá nhưng không một ai quan tâm đến. Trong những căn nhà đèn điện vẫn sáng chưng, đồ ăn bày biện hấp dẫn với mùi thơm ngào ngạt. Người đi lại trên đường đông đúc nhưng không ai chịu dừng chân mua giúp cô bé lấy một bao diêm.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tuy cô bé bán diêm đã ra đi nhưng trên đôi môi vẫn mỉm cười. Chi tiết này gợi cho người đọc niềm tin về một phép màu. Nụ cười trên gương mặt em tựa như sự thanh thản và mãn nguyện. Chắc hẳn bà đã đến, đưa cô bé bán diêm lên thiên đường.
Ở thế giới đó, cô bé sẽ không còn phải sợ hãi những trận đòn roi của người cha độc ác. Cũng không phải một mình chịu đựng cái giá lạnh của mùa đông. Cô sẽ được sống trong sự che chở, tình yêu thương của mẹ, của bà. Hình ảnh của cô bé bán diêm ở đây hiện ra giống như một thiên thần, sau khi chịu đựng những đọa đày thế gian đã được trở về với Chúa, về nước thiên đàng. Đó là tính nhân văn của câu chuyện mà An-đéc-xen muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Qua phân tích trên, có thể thấy “Cô bé bán diêm” là một câu chuyện giàu ý nghĩa. Nó đã thể hiện được khát vọng được yêu thương, hạnh phúc của con người.
Cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm: Mẫu 10
Có những câu chuyện, đọc xong chúng ta dường như không còn ấn tượng gì về nó. Thế nhưng, có những câu chuyện, gấp sách lại, nhưng nó vẫn luôn làm cho chúng ta suy nghĩ, day dứt và cảm thấy muốn làm một điều gì đó. Truyện ngắn “Cô bé bán diêm” là một trong những câu chuyện như vậy. Chính vì cái kết mở của truyện, làm cho người đọc luôn cảm thấy thương cảm cho số phận của em bé bán diêm.
An-đéc-xen là nhà văn của “Mọi thời, mọi người và mọi nhà” với loại truyện kể cho trẻ em. Các truyện của ông nhẹ nhàng tươi mát toát lên lòng thương yêu con người nhất là những người nghèo khổ và niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng của cái tốt đẹp trên thế gian. Người ta gọi ông là người viết chuyện cổ tích hiện đại cho trẻ em.
Truyện “Cô bé bán diêm” được viết 1845 khi ông đã có trên hai mươi năm cầm bút, tên tuổi lừng danh. Nó thuộc loại truyện vừa thực vừa ảo, vừa mang màu sắc cổ tích, thần kỳ đậm đà chất trữ tình, gợi lên một tình thương, một vẻ đẹp nhân văn sáng giá.
Có người cho rằng, truyện chỉ nên kết thúc ở đoạn em bé và bà bay về chầu thượng đế, không còn đói rét hoặc đau buồn đe dọa em bé nữa. Thế nhưng nhà văn người Đan Mạch đã không để truyện kết thúc ở đó. Truyện kết thúc với hình ảnh em bé bán diêm chết trong giá rét với “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Với tấm lòng nhân ái của nhà văn, thì đoạn kết truyện được coi là rất cần thiết.
Nếu kết thúc ở câu “Họ đã về chầu thượng đế” thì ý nghĩa của truyện sẽ bị giảm đi. Em bé bán diêm mặc dù chết trong giá rét, nhưng nhà văn đã miêu tả em rất đẹp, hơn thế nữa em còn cười với nụ cười mãn nguyện. Cái chết của em là bi, nhưng hình ảnh em trong cái chết đã làm giảm đi cái bi của truyện. Với hình ảnh này đã tạo cho người đọc nhiều liên tưởng sâu xa.
Có lẽ, khi chết đi, khi lên thiên đường, em bé đã được gặp bà, đã được sống trong tình yêu thương và sự đùm bọc của bà. Em đã không còn phải chịu cảnh đói rét, cảnh bị bố đánh đập như ở trên trần gian nữa. Như vậy, Đoạn kết truyện còn cho thấy cái nhìn đầy cảm thông cùng tấm lòng nhân hậu và lãng mạn của tác giả viết lại câu chuyện thương tâm này khiến người đọc bớt đi cảm giác bi thương để đưa tiễn cô bé lên trời với niềm vui, hy vọng chợt bùng, lóe sáng sau những lần đánh diêm.
Nếu như kết thúc ở đoạn văn hai bà cháu bay lên trời, người đọc không thấy được sự đối lập giữa một bên là hình ảnh cô bé bán diêm ngây thơ, hồn nhiên đẹp đẽ như tiên đồng ngọc nữ với một bên gió lạnh của ngày đầu năm. Và người đọc cũng không thấy được sự đối lập giữa một bên là thái độ lạnh lùng thờ ơ của mọi người khi chứng kiến cảnh thương tâm này.
Cô bé rất cô đơn, mồ côi, bố nghiệt ngã, vô tình còn người dân thì thờ ơ, lạnh lẽo với số phận cô bé: “Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm; trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”…”. Trong buổi sáng ngày đầu năm đấy, người ta tấp nập đi qua em bé bán diêm mà không ai cảm thấy thương cảm cho số phận của cô bé.
Họ lạnh lùng, thờ ơ. Đó là một xã hội thiếu tình thương, ngay cả đối với một em bé bất hạnh như cô bé bán diêm, họ cũng không dành cho em một chút thương cảm nào. Chi tiết này đã thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của An-đéc-xen. Nhà văn lên tiếng phê phán hiện thực xã hội vô cùng nghiệt ngã, giả dối, lạnh lùng lúc bấy giờ.
Cái hay của đoạn kết không chỉ là người đọc được chứng kiến cả xã hội Đan Mạch đương thời tàn nhẫn thiếu tình thương từ đó lên án, mà còn cho thấy tấm lòng nhân ái của nhà văn: “… nhưng chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”.
Nhà văn đã cho em bé được nhìn thấy những cảnh huy hoàng, những niềm vui đầu năm mà lúc còn sống em bé không được hưởng. Có thể nói rằng, đoạn kết truyện chứa chan tấm lòng nhân đạo và tình yêu thương của An-đéc-xen dành cho số phận của những cô bé nghèo khổ như em bé bán diêm.
Kết thúc truyện “Cô bé bán diêm” thật đẹp, thật hay và ý nghĩa. Cũng là kết thúc, nhưng nếu như ở “Lão Hạc” của Nam Cao, truyện kết thúc với cái chết đau đớn và bi thương của lão Hạc thì ở truyện này, nhà văn đã mở ra cho người đọc nhiều liên tưởng, nhiều suy nghĩ mới. Có thể nói rằng, truyện có kết thúc mở, vừa có hậu vừa không có hậu và đầy ý nghĩa nhân văn.
Kết luận
Hy vọng với hướng dẫn về cách viết đoạn văn cảm nhận về cái chết của Cô bé bán diêm trong truyện cùng tên của An-đéc-xen chuẩn và chính xác nhất hiện nay được admin cập nhật bên trên đã giúp ích được cho quý độc giả. Mong các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 10/2024!