Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách nêu cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao chuẩn và hay nhất hiện nay.
Dàn ý Cảm nhận về tác phẩm Lão Hạc
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Lão Hạc và dẫn dắt vào nhân vật nhân vật lão Hạc.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.
2. Thân bài
Lão Hạc là người cha yêu thương con: khi con đi làm đồn điền cao su luôn nhớ về con, luôn cố gắng chắt chiu cuộc sống để sau này con có nền móng an cư lạc nghiệp.
Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ, bất hạnh: gia đình nghèo khiến người con trai phải đi làm đồn điền cao su vì không đủ tiền lấy vợ, lão ở một mình với con chó, rau cháo sống qua ngày, cuối đời vẫn sống trong cảnh cô quạnh vô cùng đáng thương.
Lão Hạc là một người có lòng nhân hậu, sống tình nghĩa: lão đối xử với con chó Vàng của lão rất tốt, coi nó như một người bạn tâm giao, lão ăn gì cho nó ăn nấy, cùng nhau bầu bạn trong cuộc sống. Đến khi túng quẫn vào bước đường cùng phải bán chó đi để lấy tiền, lão đã vô cùng đau khổ, day dứt, thậm chí đã chảy nước mắt vì đã lừa một con chó đã gắn bó với mình. Lão đau xót trước cảnh người ta trói con chó mang đi.
Lão Hạc là người giàu lòng tự trọng: dù là một người bạn thân của ông giáo nhưng lão không nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào của ông giáo. Vì xấu hổ khi đã lừa một con chó, lão quyết định tự tử bằng cách ăn bả chó để chuộc lỗi với nó, trước khi tự tử đã gửi lại ông giáo chút tiền để lo ma chay và nhờ ông giáo giúp đỡ trông coi mảnh vườn để cho cậu con trai khi về có cái làm ăn.
→ Lão Hạc là một người dân nghèo nhưng tốt bụng, có lòng nhân hậu, tự trọng và yêu thương con. Thế nhưng cuộc đời của lão Hạc vô cùng đau khổ, bế tắc, không có lối thoát, cuối cùng phải chọn 1 kết thúc đau khổ.
→ Số phận của lão hạc cũng là số phận của biết bao người nông dân khác trong xã hội phong kiến đương thời. Thông qua đó tác giả muốn tố cáo xã hội phong kiến bất công, thối nán, vì tiền
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề, nêu cảm nghĩ của bản thân về nhân vật lão Hạc.
Cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao- Mẫu 1
Chúng ta đã từng học qua những truyện như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.
Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.
Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thâm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.
Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỳ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống? Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão “không nên” sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự “sắp xếp” cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.
Lão Hạc chết. Cái chết của Lão Hạc sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm. Cái chết của Lão Hạc thay cho lời tố cáo cái xã hội phi nhân đạo – một thứ sản phẩm hỗn tạp của phong kiến, thực dân.
Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là Lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?
Ở tác phẩm Lão Hạc, ta có thấy niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.
Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.
Cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao- Mẫu 2
Trong chương trình trung học cơ sở, truyện ngắn để lại cho em nhiều ấn tượng nhất đó là truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Sau khi đọc xong truyện ngắn, em cảm thấy rất thương cho hoàn cảnh của lão Hạc, thương cho Cậu Vàng. Lão Hạc là hiện thân của người nông dân, trước cách mạng tháng Tám.
Truyện ngắn “Lão Hạc” được Nam Cao sáng tác năm 1943, tác phẩm đã được đánh giá cao về sức phản ánh hiện thực xã hội trước cách mạng tháng Tám.
Truyện viết về ông lão – lão Hạc, một người nông dân chất phác, hiền lành. Lão góa vợ và có một người con trai, anh đi làm cao su để làm ăn kiếm tiền.Ông lão sống bằng nghề làm vườn – mảnh vườn mà vợ lão đã mất bao công sức để mua về và để lại cho con trai lão. Cuộc sống ngày một khó khăn với lão, lão nuôi một con chó, lão đặt tên nó là Vàng, con chó ấy do người con trai của lão trước khi đi đồn điền cao su để lại cho lão. Lão coi cậu Vàng như một người bạn, khó khăn hoạn nạn chia sẻ cùng mình. Lão nhận thấy rằng trong hoàn cảnh bấy giờ, mình miệng ăn của lão đã không nổi vì khó khăn nên lão đã quyết định bán con chó của mình đi. Lão đã rất dằn vặt bản thân mình, lão đã khóc rất nhiều sau đó. Rồi sau những sự việc đó, lão quyết định tự tử. Trước ấy, lão đã gửi nhà cửa, tài sản cho ông giáo – người hàng xóm của lão. Lão chọn một cái chết đau đớn và dữ dội. Lão đã xin bả chó từ Binh Tư, và một cái chết của lão để lại bao xót xa cho người đọc.
Lão Hạc là hiện thân của người nông dân trước cách mạng tháng Tám, người nông dân bị dồn vào đường cùng, cuối cùng chọn cho mình cái chết để giải thoát cho bản thân. Trước số phận bất hạnh của lão, người kể chuyện – ông giáo, người chứng kiến đã đại diện cho cách nhìn của xã hội về con người. Khi ông giáo kể lại câu chuyện cho vợ của mình nghe, cô vợ nói rằng đấy là chuyện của người ta, và ông lão không dùng tiền để tiêu mà để dành,… cái nhìn, cách nhìn của con người về một xã hội, về người nông dân trước cách mạng, cái nhìn bất lực. Qua đó Nam Cao muốn gửi gắm tâm sự của mình đến bạn đọc, xã hội cần những người quan tâm, suy nghĩ đúng đắn về những con người sống quanh mình, nhìn nhận và đánh giá họ bằng sự đồng cảm, bằng đôi mắt của tình thương.
Cái chết của lão Hạc là biểu hiện cao nhất của đức hi sinh. Là cách giải thoát của con người khi bị dồn vào bước đường cùng cực. Tình cảnh cùng cực, đói quẫn đã đẩy lão đến với cái chết như là một sự giải thoát. Cái chết ấy đầy tức tưởi, đầy tình thương. Cái chết phản ánh số phận bi thảm, bế tắc của người dân nghèo trong xã hội đầy áp bức bất công.
Đọc “Lão Hạc” là một sự phản ánh hiện thực đầy rõ ràng, chính xác, cái chết của lão đầy bi thương, cái chết của cậu Vàng cũng vậy, cậu Vàng như một thành viên trong gia đình lão, không chỉ đơn thuần là sắm một vai trong ấy, cách mà lão đối đãi với cậu, cách mà lão lừa để người ta bắt cậu. Lão mất cậu cũng như mất đi người thân của lão. Cậu Vàng và cái chết của cậu khiến bạn đọc vô cùng ám ảnh.
Qua truyện ngắn “Lão Hạc” ta phần nào hiểu hơn về tình cảnh của người nông dân trước cách mạng tháng Tám, cuộc sống lầm than, nghèo khổ, không lối thoát. Đọc “Lão Hạc” để lại bao ám ảnh. Tác giả có thể chết nhưng nhân vật thì sống mãi. Nam Cao đã mất từ rất lâu nhưng những tác phẩm của ông để lại có sức phản ánh cực kì mãnh liệt. Đọc “Lão Hạc” của Nam Cao, ta thấy rõ được số phận những người dân cùng cực khi chưa có thắng lợi cách mạng tháng Tám. Trước những nỗi cùng cực, con người phải cảm thông, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau trong cuộc sống. Đề cao giá trị con người cũng như đề cao phẩm chất của con người cũng chính là cách mà giúp con người đoàn kết hơn trong cuộc sống để vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
Cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao- Mẫu 3
Nhà văn Nam Cao rất nổi tiếng nền văn học nước nhà, ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng cho văn học nước nhà. Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong số các tác phẩm thể hiện nỗi khổ người nông dân trong cảnh nghèo khổ, túng quẫn, bí bách dẫn đến con đường chết, Lão Hạc là nhân vật như vậy.
Lão Hạc xuất thân là người nông dân sống cảnh nghèo đói, khổ cực, Lão Hạc góa vợ, hoàn cảnh khó khăn buộc lão phải để con lão bỏ làng đi vào đồn điền cao su làm ăn. Với lão chỉ còn người bạn duy nhất đó là con chó mà con trai lão đã mua.
Lão thương con chó lắm, có gì cũng cho nó ăn, chăm sóc chu đáo nhưng cuộc sống nghèo đói, lão không có mà ăn lấy đâu cho nó ăn. Cuối cùng quyết định bán con chó đi, một quyết định khiến chính bản thân lão cũng cảm thấy có lỗi.
Cuộc sống ngày càng túng quẫn lão quyết định không nên sống, lão tự tử để số tiền dành dụm được cho đứa con trai cùng mảnh đất cũng để lại cho nó. Nhân vật Lão Hạc tự sắp xếp trước cái chết, một cái chết giải thoát, đây là tình cảnh chung của người nông dân nghèo khổ, túng quẫn bị áp bức đến đường cùng.
Nhân vật Lão Hạc trong những thời khắc cuối cùng vẫn giữ được nhân phẩm, đạo đức không để cho thân danh một đời bị nghèo đói làm vẩn đục. Cái chết đó chính là tâm điểm của tác phẩm khi sáng lên tinh thần nhân văn cao cả của con người, càng khiến người đọc cảm phục hơn tinh thần của một người nông dân nghèo khổ.
Tác phẩm Lão Hạc khiến người đọc không khỏi xót xa, nghẹn ngào trước một lão nông đến chết vẫn giữ được nhân phẩm của mình. Hình ảnh ông giáo học thức nhưng vẫn không tìm ra giải pháp cứu thoát cuộc đời mình khỏi áp bức bóc lột, nỗi lo cơm áo gạo tiền, các nhân vật trong truyện đều vô cùng đáng thương.Số phận của họ đều đang chịu cảnh bí bách, áp bức bóc lột đến thậm tệ.
Tác giả đã cho người đọc thấy cái nhìn chân thực, sâu sắc về những con người nghèo khổ trong xã hội xưa, qua đó chính là cái nhìn nhân sinh của tác giả Nam Cao.
Cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao- Mẫu 4
Trong dòng văn học hiện thực Việt Nam, Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu và thành công nhất, đặc biệt là với thể loại truyện ngắn. Các tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến như Một bữa no, Chí Phèo,…Truyện ngắn Lão Hạc cũng là một thành công lớn của tác giả khi khắc họa hình ảnh người nông dân Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp bằng những trang văn sâu sắc, thấm đẫm tình người.
Truyện ngắn lấy bối cảnh từ nạn đói những năm trước cách mạng tháng Tám. Truyện ngắn Lão Hạc kể về cuộc đời và số phận của nhân vật Lão Hạc – một nông dân nghèo mà hiền lành, chất phác.
Cũng như bao người nông dân khác, lão Hạc cũng vất vả, phải lao động chân tay để kiếm từng đồng nuôi sống bản thân qua ngày. Nhưng lão có phần kém may mắn hơn khi trong cái đói người ta có hạnh phúc sum vầy, có người để ủi an, động viên nhau thì lão phải sống một mình. Vợ lão mất sớm, người con trai vì bất mãn với sự nghèo khó mà bỏ nhà đi mấy năm không về. u cũng là cái nghèo khiến đứa con bồng bột của lão trở nên ích kỉ hơn, khó bảo hơn rất nhiều. Người bạn thân duy nhất còn bên lão và cũng là kỉ vật quý giá mà cậu con trai để lại cho lão là một con chó mà lão đặt với cái tên đầy thương mến – cậu Vàng.
Dù nghèo khó nhưng Lão Hạc là người giàu yêu thương. Trước hết lão là một người cha đầy trách nhiệm. Dù bị con bỏ rơi, bị con ruồng rẫy, trách mắng lão vẫn không một lần trách móc bởi lão hiểu chỉ vì nghèo mà nên cơ sự ấy. Lão vẫn luôn mong chờ con trở về và tin vào điều ấy. Khi cuộc sống khó khăn hơn, biết mình không thể gượng nổi nữa vì đói, lão đành chấp nhận bán cậu Vàng, giữ lại mảnh vườn cho con trai. Mảnh vườn ấy nếu đem bán đi, chắc chắn lão sẽ có tiền để nuôi thân, lão sẽ có thể sống thêm nhiều năm nữa, nhưng lão đã không lựa chọn điều ấy. Dù có chết thì lão vẫn quyết giữ lại mảnh vườn ấy cho con. Trước lúc mất, lão Hạc cũng đã lo toan đủ đường, gắng gửi gắm những điều nghĩ suy lại cho ông Giáo – người hàng xóm mà lão vốn vẫn coi trọng và tin cậy. Những lời vừa xót xa, vừa ân tình của lão khi nói chuyện với ông Giáo khiến ta không khỏi ngậm ngùi: “Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu? Đã đành rằng là thế, nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao?”
Lão sống một đời với những cực nhọc, lo toan, lão yêu đứa con trai của mình hơn tất thảy. Trước khi chết, lão vẫn dành cho con điều tốt đẹp nhất mà cuộc đời lão có được, nỗi lo lắng cho đứa con trai duy nhất ấy luôn thường trực trong lão. Qua Lão Hạc ta thấy được hình ảnh một người cha ấm áp và đầy trách nhiệm biết bao.
Lão Hạc còn dành tình yêu thương của mình cho cậu Vàng yêu quý. Với lão, cậu Vàng là người bạn thân duy nhất khi cô đơn bủa vây. Lão chăm bẵm, cho ăn, tắm rửa rồi trò chuyện với cậu Vàng. Lão cũng lo lắng , săn sóc như một người cha dành sự chở che, săn sóc yêu thương cho con mình vậy. Lão sợ cậu Vàng đói, vì nghèo đến lão còn không nuôi nổi thân mình thì làm sao có thể nuôi nổi cậu Vàng đây? Dù rất thương nó nhưng bán cậu Vàng đi là sự lựa chọn duy nhất của lão lúc bấy giờ. Lão đau xót, dằn vặt biết bao sau khi bán nó, hình ảnh “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước..Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…” ấy làm sao ta có thể quên được. Phải là người có trái tim yêu thương và một tình cảm lớn lao dành cho người bạn của mình, Lão mới khổ đau đến như thế.
Không chỉ là người nông dân hiền lành, giàu tình cảm, Lão Hạc còn là hiện thân của một con người giàu tự trọng. Dù nghèo khó đấy nhưng lão không hề cầu cứu hay chờ mong sự giúp đỡ của ai. Khi được ông Giáo ngỏ lời, lão cũng từ chối. Trước lúc mất, lão cũng để dành một ít tiền gửi ông Giáo nhằm lo hậu sự cho mình vì sợ thân già phải lụy phiền đến bà con, hàng xóm. Đặc biệt, lòng tự trọng ấy được thể hiện rõ qua cái chết của Lão Hạc. Lão xin bả chó của Binh Tư, khi nghĩ về điều đó người ta ngán ngẩm, đến cả ông Giáo cũng phải nghĩ suy, chẳng lẽ cái đói là đẩy con người vào đường cùng, tha hóa nhân cách đến như vậy. Nhưng không, lão Hạc đã chứng minh sự lương thiện và trong sạch ấy bắn bằng cái chết đau đớn của chính mình. Lão chọn cái chết để giữ trọn sự thiện lương trong tâm hồn mình, giữ trọn tình nghĩa với cuộc đời. Một cái chết đầy nghiệt ngã mà cao đẹp biết bao.
Trong truyện, ta còn cảm nhận được vẻ đẹp của tình làng nghĩa xóm tốt đẹp nơi làng quê lúc bấy giờ, mà tiêu biểu là qua nhân vật ông Giáo. Cuộc sống của người làm nghề dạy học có phần đỡ vất vả hơn nhưng cũng không sung sướng là bao. Ông Giáo biết được hoàn cảnh lão Hạc, thương và luôn muốn giúp đỡ lão. Ông cũng hiểu được những nỗi đau và dằn vặt mà lão Hạc phải chịu đựng khi bán đi con chó mà bấy lâu hết mực yêu quý. Người hàng xóm ấy cũng chưa một lần từ chối khi lão Hạc nhờ vả, là người luôn lắng nghe lão một cách chân thành và thấu hiểu nhất. Có lẽ vì thế mà lão Hạc luôn dành cho ông Giáo sự tôn trọng hết mực. Trước cái chết của Lão Hạc, ông Giáo không khỏi xót xa, suy ngẫm về số phận con người.
Truyện ngắn được kể thật tự nhiên, bình dị, lôi cuốn ta bước vào từng trang văn như một trải nghiệm trong cuộc sống đời thực, một chân dung hiện hữu thực. Thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, miêu tả tâm lí nhân vật qua hành động, ngoại hình đầy tinh tế cùng giọng điệu linh hoạt, cốt truyện giản dị mà hấp dẫn. Qua đó tác giả không chỉ nói lên tiếng nói thương cảm cho phận nghèo đói của người nông dân xưa mà còn tố cáo xã hội thực dân phong kiến đã đẩy đời sống của nhân dân vào khốn cùng, thậm chí phải tìm đến cái chết để bảo vệ, giải thoát chính mình. Hơn tất cả là tiếng hát ngợi ca cốt cách cao đẹp của người nông dân Việt Nam xưa, họ thật xứng đáng như lời ca dao xưa từng ngợi ca:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao- Mẫu 5
Nông dân Việt Nam muôn đời nay luôn lam lũ, vất vả. Họ sống có khi sung túc, có khi cơ cực. Nhưng ở họ luôn sáng ngời phẩm chất tốt đẹp. Việt Nam những năm 1930-1945 đói khổ, nghèo nàn, lạc hậu phải chịu ách áp bức vừa của thực dân vừa của phong kiến. Cái đói cái nghèo tròng lên cổ nhân dân đặc biệt người nông dân áo vải lấm lem. Trước hình tượng ấy, rất nhiều nhà văn đương thời chọn lựa làm hình mẫu cho đề tài viết văn của mình. Trong đó có Nam Cao. Ông đã khắc họa bức chân dung Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên sinh động, chân thực.
Lão Hạc dưới ngòi bút Nam Cao là lão nông nghèo. Ba sào vườn, một túp lều, một con chó vàng… đó là tài sản, vốn liếng của lão. Vợ chết đã lâu, cảnh gà trống nuôi con, lão lần hồi làm thuê kiếm sống. Lão có đứa con trai nhưng vì nghèo mà không cưới được vợ cho con khiến con bỏ đi đồn điền không biết ngày về. Lão sống với con chó Vàng, chăm sóc, nuôi nấng nó như đứa con. Ngoài con chó làm bạn, Lão Hạc thường kể chuyện và tin tưởng duy nhất chỉ mình ông giáo cạnh nhà.
Trước hết hiện lên ở lão Hạc là phẩm chất sáng ngời của một tâm hồn thuần nông chất phác. Lão Hạc là một người giàu tình yêu thương. Lão yêu con, hi sinh tất cả vì con. Không cưới được vợ cho con lão day dứt, luôn trăn trở vì điều đó. Lão đau đớn khi con sắp đi làm phu đồn điền cao su. Lão chỉ biết khóc: “Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi (…). Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi ?”. Những gì trong vườn, bán được bao nhiêu lão dành dụm cho con, hi vọng khi con trở về “có chút vốn mà làm ăn”. Lão không chỉ yêu thương đứa con của mình mà còn yêu cả con chó Vàng, chăm nó như người con cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu. Bắt rận hoặc đem nó ra cầu ao tắm. Lão ăn gì cũng chia cho cậu Vàng cùng ăn. Lão ngồi uống rượu, cậu Vàng ngồi dưới chân, lão nhắm một miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Lão tâm sự với cậu Vàng như tâm sự với một người thân yêu ruột rà.
Lão còn giàu lòng tự trọng, lương thiện. Bán con chó mà lão thấy ân hận, day dứt không nguôi. Lão chọn cái chết đau đớn. Chết vì ăn bả chó khiến người đọc đau lòng thay cho lão. Cái chết ấy là sự minh chứng cho lòng tự trọng của lão. Lão thà chết cũng không bao giờ chịu làm vẩn đục tâm hồn, lương tâm của mình. Đến khi chết lão vẫn nghĩ về đứa con, nghĩ về con Vàng. Quả thực thật đáng trân trọng.
Nhưng lão Hạc cũng như bao người nông dân khác. Lão nghèo đói, cơ cực. Mất mùa thêm trận ốm khiến lão đã nghèo lại càng nghèo và chính vì thế dẫn đến nhiều chuyện về sau. Lão nghèo nên chẳng thể cưới vợ cho đứa con duy nhất. Lão nghèo nên con Vàng không nuôi nổi phải bán đi. Lão không dám ăn, chỉ ăn dè ăn dặt, ăn củ khoai, củ chuối vớ được cái gì lão ăn cái nấy vì sợ động vào tiền của con. Lão nghèo đến mức phải tìm đến cái chết vì nghĩ sẽ không chịu được mà động vào tiền cho con. Cái nghèo khiến lão đáng thương. Nhưng đó là cái nghèo chung của toàn người nông dân thời bấy giờ. Luôn thiếu ăn, thiếu mặc, đời sống khó khăn, cơ cực.
Và lão Hạc sống cuộc đời không lúc nào yên ổn. Khi còn sống luôn day dứt vì không lấy vợ được cho con khiến con bỏ đi đồn điền. Lão đau khổ, khóc trong đau đớn vì bán con Vàng. Đến khi chết lão chọn cái chết đau đớn. Cái chết biết trước, cái chết chủ ý đầy đau lòng. Sống hay chết lão đều khổ tâm.
Dưới ngòi bút của Nam Cao, Lão Hạc hiện lên chân thực vẻ đẹp của một lão nông nghèo khổ, đáng thương nhưng thiên lương luôn trong sạch. Để từ đó ta trân trọng mến yêu người nông dân thời xưa và cả thời nay.
Cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao- Mẫu 6
Lão Hạc là một lão nông nghèo nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Nhân vật Lão Hạc là nhân vật điển hình, đại diện cho mỗi tầng lớp người nông dân rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nhưng toát lên những vẻ đẹp tâm hồn sáng trong.
Lão Hạc có một cuộc đời hết sức bi thảm. Vợ lão mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Đến tuổi anh con trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái lại thách cao, nên anh con trai không lấy được vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão ngày ngày, vò võ mong mỏi con về, đơn độc, chỉ có con chó Vàng – kỉ vật của con bầu bạn cùng. Lão sống qua ngày, trong cái đói nghèo và đơn độc. Và chính vì đói, vì nghèo như thế, nên cuối cùng, lão phải bán đi người bạn duy nhất của lão, chỗ dựa cuối cùng của lão – cậu Vàng. Để giữ được tấm lòng thanh sạch của mình, lão phải ăn bả chó tự tử, chết như một con chó. Cuộc đời của lão Hạc là một cuộc đời đơn độc, quay quắt trong cái đói nghèo, bị cái đói nghèo đày đọa. Nam Cao đã thông qua cuộc đời của lão Hạc để tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, dồn đẩy người nông dân tới bước đường cùng bằng tiếng nói đanh thép, nhưng không kém phần chua xót.
Tuy ở một hoàn cảnh đáng buồn như vậy, nhưng lão Hạc có một tấm lòng vị tha, nhân hậu. Với cậu Vàng – kỉ vật của con trai lão, lão yêu quý nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng, vỗ về, vuốt ve nó; cho nó ăn cơm như nhà giàu ăn cơm bát; lão ăn gì cũng không quên phần nó, gắp cho nó một miếng, lão ăn bao nhiêu, nó cũng ăn như thế, thậm chí có phần hơn lão… Lão cũng coi nó như một người bạn, ngày ngày lão tâm sự, trò chuyện với nó như thể nó cũng là một con người. Lão đối với một con chó, một loài vật mà ông giáo cho là sinh ra để người ta giết thịt lại nhân hậu, yêu thương đến vậy thì với con người, lão còn đối xử đến như thế nào nữa? Tấm lòng của lão quả thật khiến chúng ta cảm phục.
Đối với cậu Vàng, lão yêu quý như vậy, thì đối với anh con trai của lão, thì tình cảm ấy còn được nhân lên gấp vạn lần. Chỉ vì nhà nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con uất chí, bỏ đi đồn điền cao su mà lão tự dằn vặt mình mãi. Để cưới vợ, anh con trai đòi bán mảnh vườn, nhưng lão không cho không phải vì lão muốn giữ mảnh vườn cho lão, mà lão nghĩ nếu cưới vợ về, vườn bán rồi thì ở đâu mà làm ăn sinh sống, và rồi có bán thì cũng làm sao mà đủ tiền. Lão nghĩ thế, nhưng anh con trai có thấu cho lão? Anh bỏ đi đồn điền cao su, để lại lão ở nhà vò võ chờ con. Lão nghĩ tốt, lo cho tương lai con, nhưng khi con trai bỏ đi, lão lại tự dằn vặt mình, đày đọa tinh thần mình. Những câu nói lão nói với cậu Vàng, nhưng lại chất chứa biết bao nhiêu tình cảm nhớ thương cho anh con trai. Lão nói với cậu Vàng đấy, nhưng lại như nói với con mình. Lão làm việc gì, lão suy nghĩ gì cũng là hướng về con trai mình. Tiền bòn vườn lão để dành, không tiêu tới để khi con trai về, lão nhẩm tính sẽ có gần trăm đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai.
Thế nhưng, lão lại ốm. Một cơn ốm kéo dài buộc lão phải tiêu tới số tiền đó. Chỉ vậy thôi mà lão đã thấy đau lòng. Lão ăn vào tiền của con trai lão – số tiền mà khi con trai về lão định trả con. Điều này làm lão khổ tâm hết sức. Hành động của lão gửi ông giáo mảnh vườn, nhờ ông giáo giữ hộ cũng là để giữ hộ cho con lão: “Của mẹ nó thì nó hưởng”. Mọi suy nghĩ, việc làm của lão đều hướng tới con trai. Thậm chí, cái chết của lão cũng là vì con. Lão chết để mở ra đường sống cho con lão, lão chết một cái chết trong sạch để lại tiếng thơm cho con vì lão sống ngày nào là ăn vào tiền, vào đường sống của con ngày ấy. Xưa nay, không ít người cha, người mẹ hi sinh cơm ăn, áo mặc vì con, hy sinh một phần thân thể vì con nhưng hy sinh cả mạng sống của mình như lão Hạc lại là một trường hợp hiếm thấy. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt. Không ồn ào, sôi nổi, không thể hiện qua hành động hay lời nói, lão lặng lẽ yêu con trong tâm tưởng, mọi hành động của con lão đều cho là do lão. Là do lão đẩy con tới những hành động ấy rồi tự dằn vặt mình, tự gánh lấy những suy nghĩ, hành động để chuộc lại lỗi lầm. Quả thật, tình yêu thương con của lão khiến chúng thật vô cùng cảm động.
Lão Hạc mang một tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình. Khi bán con chó, lão đau khổ, vì lão “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”. Lão nhớ ánh mắt của cậu Vàng, mà theo như lời lão là một ánh mắt đầy trách móc, mắng lão tệ hại: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế mà lão đối xử với tôi thế này à?”. Ánh nhìn đó làm lão ám ảnh và day dứt không nguôi. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo, lão lại chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua, ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Có lẽ hành động bán cậu Vàng của lão chính là bước chuẩn bị cho cái chết của lão. Lão xin Binh Tư ít bả chó với lý do bắt cho nhà khác – một lý do làm Binh Tư tự nghĩ lão giả bộ hiền lành thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người đã “khóc vì trót lừa một con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”.
Vậy nhưng hóa ra, lão ăn bả chó để tử tự, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão. Lão ăn bả chó, lão chết như một con chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn, để chuộc tội với cậu Vàng. Lão ăn bả chó cũng là để không bị cuộc sống dồn đẩy, bị tha hóa biến chất như Binh Tư, hay Chí Phèo… Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão sống mà phải dựa vào tiền của con thì thà lão chết con hơn. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng trân trọng – lòng tự trọng của lão nông nghèo nhưng trong sạch. Lão chọn “chết trong còn hơn sống đục” khi bị dồn vào đường cùng. Tấm lòng nhân đạo của Nam Cao đã được thể hiện rất rõ. Thông qua cuộc đời bi thảm, nhưng phẩm chất thì sáng trong của lão Hạc, Nam Cao quả đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và chính điều này đã đưa ông lên một vị trí vững chắc trong dòng văn học 1930-1945.
Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc. Đây là một nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: Tuy đói nghèo nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Nam Cao đã rất thành công trong cách xây dựng nhân vật. Thông qua cái nhìn ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng của mình với người nông dân và đặt ra vấn đề “đôi mắt”: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”. Tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất rõ nét. Tâm lý nhân vật lão Hạc được thể hiện qua những hành động, lời nói của lão, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.
Nhân vật lão Hạc quả thật đã để lại trong lòng người đọc ít nhiều suy nghĩ. Qua đó cũng thể hiện tài năng, tấm lòng của Nam Cao. Phải là một cây bút xuất sắc, một nhà văn thấu hiểu, am tường về người nông dân tới tận cùng, dành cho họ những tình cảm yêu mến, trân trọng cảm thông sâu sắc mới viết nên một truyện ngắn hay như thế. Với một nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên, Nam Cao đã khẳng định được tên tuổi của mình. Ông đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và ghi lại trong lòng độc giả những tình cảm yêu mến.
Kết luận
Hy vọng với hướng dẫn về cách nêu cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao chuẩn và chính xác nhất hiện nay được admin cập nhật bên trên đã giúp ích được cho quý độc giả. Mong các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!