Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên” chuẩn nhất 11/2024.
Đề bài: Anh/chị hãy phân tích để thấy được vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên
Dàn ý phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên
a. Mở bài.
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du.
– Giới thiệu đoạn trích Trao duyên và vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật trong đoạn trích.
b. Thân bài.
– Vấn đề sử dụng ngôn ngữ: luôn được văn thi nhân quan tâm. Nó là điều làm nên sự sống còn của tác phẩm.
– Thế nào là ngôn ngữ nghệ thuật: còn là ngôn ngữ văn chương, ngôn từ: văn học đòi hỏi phải có tính gợi hình, gợi cảm. Đó là ngôn ngữ được tổ chức, sắp xếp, lựa chọn để đạt hiệu quả thẩm mĩ cao.
1. Ngôn ngữ nghệ thuật trước hết đảm bảo chức năng thông tin
– Gia đình Kiều gặp tai biến.
– Kiều bán mình chuộc cha.
– Trong hoàn cảnh đó, nàng đã trao duyên cho em.
Tình cảm nhân đạo của tác giả thấm đẫm trong từng câu chữ.
2. Vẻ đẹp ngôn ngữ trong đoạn trích thể hiện ở tính hình tượng (Đó là khả năng ngôn ngữ gợi lên những hình ảnh làm các nhân vật như chuyến động và hiện hữu như ngoài đời).
– Không những khắc họa cử chỉ, hành động của Kiều mà còn thể hiện được suy nghĩ, ý nguyện của mình.
+ Cậu em.
+ Quạt nồng ướt lạnh -► những từ ngữ bộc lộ nỗi đau đóm, xót xa và diễn tả.
+ Chén thề.
+ Bồ liễu.
+ Trúc mai.
Ngoài nghĩa đen tình cảm của Kim Trọng những từ ngữ này còn gợi lên cá dáng điệu mảnh mai, yếu ớt của Kiều.
Hiện lên từng câu, từng chữ là bóng dáng tội nghiệp, yếu ớt, đau khổ của Thúy Kiều, là sự dày vò vì tình yêu bị chia rẽ, là nỗi xót xa vì tình yêu tan vỡ, là sự hoảng hốt vì tương lai lắm bất trắc.
3. Vẻ đẹp ngôn ngữ của đoạn trích còn thể hiện ở tính cá thể hóa.
– Cả đoạn trích là ý chí, bình thản khi trao duyên nhưng rồi lại chìm vào tình yêu và bi kịch tinh thần của mình.
– Qua ngôn ngữ nhận ra Kiều là người thông minh, sắc sảo, tinh tế, ý nhị nhưng nàng vẫn là một người yếu đuối, một người trong lưới tình giăng mắc, ở Kiều ta thấy mọi phụ nữ và đau đớn vì yêu.
c. Kết luận:
Khẳng định ngôn ngữ nghệ thuật làm nên sức sống của Truyện Kiều.
Bài Văn Mẫu số 1: Vẻ Đẹp Của Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Qua Đoạn Trao Duyên
Đại thi hào Nguyễn Du, một tượng đài, một vầng tinh tú trọng lịch sử văn học Việt Nam, người đã để lại cho kho tàng văn chương nước nhà tuyệt tác “Truyện Kiều”. Tác phẩm không chỉ là tinh hoa của thể loại thơ Nôm mà còn là kết tinh của ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo, khéo léo, uyển chuyển. Đoạn trích “Trao duyên” trích trong ” Truyện Kiều” đã được tác giả vận dụng khả năng sử dụng ngôn từ linh hoạt, tinh tế, thể hiện tài năng trời phú, xứng đáng là chuẩn mực ngôn từ trong nền văn chương nhân loại.
Ngôn ngữ được sử dụng trong một tác phẩm văn học luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, quyết định chỗ đứng của tác phẩm ấy trong bản đồ văn học. Ngay từ khi chắp bút, người nghệ sĩ cần cẩn trọng lựa chọn phong cách ngôn ngữ, đảm bảo cả về mặt nội dung và hình thức, vừa tuân theo những chuẩn mực nghệ thuật, vừa cần có cái tôi cá nhân. Ngôn từ là kênh giao tiếp duy nhất giữa tác giả và độc giả, vì vậy, thơ văn chính là sản phẩm tinh lọc từ cuộc sống đời thường, dưới con mắt và tâm hồn duy mĩ. Một tác phẩm thơ hay không chỉ là vần điệu, mà ngôn từ còn phải sắc sảo, ngắn gọn nhưng đủ ý, câu thơ ngắn nhưng ý tử phải khơi gợi, tạo ra cái nhìn đa chiều cho độc giả. Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ văn chương, ngôn từ văn học đòi hỏi phải có tính gợi, được sắp xếp và lựa chọn cẩn thận nhằm truyền tải nội dung, tư tưởng của người viết.
Trong đoạn trích Trao duyên, ngôn ngữ nghệ thuật được thể hiện ở ba khía cạnh: tính thông tin, đảm bảo nội dung, diễn biến sự kiện, tính hình tượng gợi tả, gợi cảm chân thực và tính cá thể hóa, bộc lộ được tâm tư, tình cảm cụ thể của nhân vật. Ba yếu tố đó được Nguyễn Du chắp bút hài hòa, điều độ, cân bằng, tạo nên một tổng thể cân đối nhưng không kém phần đặc sắc, mới mẻ.
Ngôn ngữ nghệ thuật trong “Trao duyên” thể hiện chức năng thông tin. Qua đoạn trích, người đọc có thể nắm bắt được hoàn cảnh của nhân vật Thúy Kiều, gia đình gặp biến cố, Kiều buộc phải bán mình chuộc cha, phải xa rời người thân và người yêu đã thề non hẹn biển. Rơi vào đường cùng, chẳng còn cách nào khác, nàng phải nhờ cậy vào người em gái Thúy Vân mong em hoàn thành mối duyên với Kim Trọng giúp mình. Mở đầu đoạn trích, người đọc nhận thấy sự xuất hiện của những từ “cậy”, “chịu”, “lạy”, “thưa” đều là những từ nhún nhường, nhờ vả. Tuy là chị gái, lớn tuổi hơn em, nhưng Thúy Kiều vẫn cung kính, van lơn mong em chấp nhận lời nhờ cậy của mình. Vài động từ vỏn vẹn đã mở ra hình dung về một số phận thấp kém, đáng thương, chỉ có thể phụ thuộc vào người khác. Cái cốt ở đây Nguyễn Du muốn làm rõ là tính thương tâm của số phận nàng Kiều, người con gái liễu yếu đào tơ tại sao lại có cuộc đời khốn khổ đến như vậy, phải lạy nhờ em gái mình. Tác giả không trực tiếp cung cấp thông tin về những diễn biến sự việc, mà qua lời nhân vật để thể hiện sự việc “trao duyên”. Tình cảm nhân đạo cũng được lồng ghép, thấm đẫm trong từng câu chữ, gửi gắm nỗi thương cảm và sẻ chia đối với số phận bất hạnh của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
Vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật của đoạn trích được thể hiện ở tính hình tượng, khả năng gợi tả hình ảnh khiến cho nhân vật và sự việc như bước ra ngoài đời thật, mang lại cho độc giả cảm giác gần gũi, chân thực và đồng cảm. Tác giả khắc họa những cử chỉ, hành động của Thúy kiều để làm nổi bật lên suy nghĩ của nàng. Từ “cậy em” đặt ở đầu đoạn trích gợi ra một tình huống bắt buộc, không còn cách nào có thể giải quyết. Xét theo vai vế, Thúy Kiều là chị của Thúy Vân, nhưng vì thân phận đang đi nhờ vả em gái nên nàng chấp nhận “lạy”, “thưa” em mình. Nỗi lòng đắng cay của người con gái buộc phải bán mình chuộc cha, hi sinh cả hạnh phúc của bản thân để đổi lấy sự ấm êm của gia đình. Kiều van xin, lạy lục em, đồng thời khiến cho Thúy Vân cảm thấy phải có trách nhiệm thực hiện lời nhờ vả của chị vì chị đã bán thân chuộc cha, nay nàng chỉ có thể san sẻ với chị bằng cách hoàn thành trọn vẹn lời ước thề của chị với Kim Trọng. Chỉ với từ “cậy” thôi, tác giả cũng có thể gợi ra nhiều đặc điểm về nhân vật Kiều, một cô gái mỏng manh yếu đuối nhưng bất hạnh, phải đi trong nhờ vào người khác, hằng mong họ hãy tiếp tục giữ trọn lời hứa với người yêu của nàng.
Tác giả sử dụng những điển cố, điển tích điển hình để thể hiện nỗi đau đớn, xót xa của Thúy Kiều.” “Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”, “trâm gãy bình tan”, “ngậm cười chín suối”, “Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”. Hàng loạt những hình ảnh gợi tả được tác giả đề cập đến nhằm làm nổi bật nỗi thống cổ trong hoàn cảnh éo le của nàng Kiều. Điển tích “quạt ước”, “chén thề”, những điển tích gợi sự kết duyên đôi lứa. Quạt ước là vật làm tin Thúy Kiều trao cho Kim Trọng, “chén thề” là chén rượu giao duyên, hai người vòng tay nhau cùng uống chén rượu lứa đôi thề nguyện bên nhau trọn đời. Tình cảm lứa đôi mơn mởn, tươi đẹp là thế, nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Giờ đây, Thúy Kiều sắp phải lìa xa người mình yêu, chẳng rõ khi nào tương phùng. Cái đau đớn nhất, khổ tâm nhất của cuộc đời là không thể cứu vãn được những điều mình trân quý, phải tự tay cắt đứt mối duyên, chấp nhận trao lại cho người khác. “Trâm gãy bình tan”, “trâm”, “bình” cũng là những vật được xuất hiện trong đám cưới thời phong kiến, “trâm gãy bình tan” là lứa đôi đổ bể, mối tình chia cắt. Thúy Kiều phải rời xa Kim Trọng khi thậm chí chàng còn đang ở quê nhà, không hay biết gì về tin người yêu mình bán thân. Còn gì đau xót bằng cho mối tình dở dang này, khi cả hai còn mặn nồng thắm thiết, nhưng “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”, Kiều chấp nhận bán mình chuộc cha, để lại mối tình dở dang. Hình ảnh “bồ liễu”, “trúc mai” gợi sự yếu ớt, mong manh của số phận người con gái trong xã hội cũ, nơi mà đạo tam tòng đã ăn mòn vào suy nghĩ của nhân dân, người phụ nữ không có tiếng nói. Đi kèm với “nát thân”, “đền nghì” và “ngậm cười chín suối”, người đọc dễ liên tưởng đến kết cục bi thảm, đến cái chết của Thúy Kiều. Đáng thương thay một cô gái đang đổ tuổi trăng tròn như vậy mà chỉ nghĩ đến sự kết thúc của cuộc đời đang cận kề. Bán mình chuộc cha, Kiều cũng đã xác định về cái chết, xác định mãi mãi không thể trở về bên gia đình thân thương. Hiện lên trên từng câu chữ là hình bóng tội nghiệp, đau khổ, yếu đuối của nàng Kiều, chọn báo hiếu nhưng sự chia rẽ tình cảm vẫn dày vò nàng khôn nguôi. Nỗi xót xa về tình yêu tan vỡ cùng sự mất phương hướng. tương lai mù mịt, trắc trở. Sự chân thật trong cách miêu tả của Nguyễn Du khiến người đọc đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của nhân vật, đồng thời thương xót cho một kiếp người nghiệt ngã kiếp người bé nhỏ như thân liễu trong gió, mỏng manh không thể chống cự. Vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật đã khắc họa rõ nét hình ảnh nhân vật, mang đến cho người đọc không chỉ hình tượng chân thực mà còn chạm đến trái tim và lòng trắc ẩn, nhân ái.
Vẻ đẹp ngôn từ của “Trao duyên” còn được thể hiện ở tính cá thể hóa. Có người từng nói, “Trao duyên” là đối thoại nhưng thực chất là độc thoại, độc thoại của Thúy Kiều thể hiện ý chí quyết tâm cắt bỏ đoạn tình cảm với chàng Kim, nhưng rồi lại khổ đau tột cùng khi nghĩ đến việc phải rời xa người yêu. Điều này thể hiện rất rõ qua những câu thơ: “Duyên này thì giữ, vật này của chung.”, ” Dù em nên vợ nên chồng/ Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.”/ Rõ ràng, Kiều đã trao cho Vân những kỉ vật làm tin giữa hai người, nhưng “Duyên này thì giữ, vật này của chung”, duyên đã trao đi rồi nhưng kỉ vật lại luyến tiếc, chẳng nỡ rời xa. Kiều vẫn muốn giữ lại chút tấm lòng, chút tình cảm sâu nặng giữa hai người, thể hiện lối suy nghĩ của một cô gái sắc sảo, thông minh. Chẳng cô gái nào muốn san sẻ tình yêu của mình với ai khác. “Dù em nên vợ nên chồng / Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”. Du đã nhờ Thúy Vân thay mình kết duyên cùng Kim Trọng, nhưng xét đến cùng, chị mới thật sự là người chàng yêu thương. Nếu sau này có hạnh phúc, hãy nhớ đến chị là người đã nên duyên, đã chấp nhận trao lại mối tình này cho em. Có người cho rằng, Kiều là một cô gái ích kỉ, nhỏ nhen, rành rành thân phận nhờ vả mà còn đòi hỏi, yêu cầu. Nhưng nhìn về mặt tình cảm, sự ngập ngừng, không rõ ràng từ Kiều cũng chỉ bắt nguồn từ tình yêu chân thành, từ tấm lòng người con gái lần đầu biết yêu mà lại buộc phải chia lì. Nguyễn Du đã rất thành công trong việc khắc họa tính cách đặc trưng của nhân vật, tạo nên một hình tượng nàng Kiều tuy bị đưa đẩy vào bước đường cùng nhưng vẫn có cá tính, luôn mong muốn, mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Tính cá nhân hóa đảm bảo cho tác phẩm mang nét độc đáo, riêng biệt, không bị hòa lẫn với bất cứ tác phẩm nào khác.
Đặc sắc của ngôn ngữ nghệ thuật trong “Trao duyên” là đảm bảo nội dung, tiến trình câu chuyện, sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt những điển cố, điển tích, những câu nói mang tính thường nhật làm tăng sự gần gũi, chân thực, dễ hiểu và xây dựng hình tượng nhân vật nổi bật, sắc nét. Tính gợi tả, gợi cảm luôn được Nguyễn Du đảm bảo trong từng câu thơ, sử dụng từ ngữ chắt lọc nhưng mang nhiều ý nghĩa, để cho độc giả tự có cơ hội dàn trải suy nghĩ, cảm nhận nhân vật. Bút lực sắc bén cùng tư duy ngôn từ nghệ thuật phong phú, đa dạng đã tạo nên dấu ấn “Đại thi hào Nguyễn Du”.
Bài Văn Mẫu số 2: Vẻ Đẹp Của Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Qua Đoạn Trao Duyên
Nói tới Nguyễn Du là nói tới một hiện tượng vô song của văn học Việt Nam. Với “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, Truyện Kiều đến bây giờ vẫn là mẫu mực cho nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Đoạn trích “Trao duyên” có thể được xem là một minh chứng cụ thể cho tài năng ngôn ngữ bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du.
Vấn đề sử dụng ngôn từ bao giờ cũng được quan tâm hàng đầu của người cầm bút. Nhà văn chỉ có thế gửi gắm những suy nghĩ, những quan điểm của mình qua ngôn ngữ. Không rèn câu, luyện chữ thì không thế tạo ra những tác phẩm có giá trị. Nhưng những từ ngữ cầu kì, gọt rũa một cách không cần thiết lại trở nên vô duyên và sáo rỗng. Chính vì vậy để ngôn ngữ thăng hoa cần đến cả cái “tài” và cái “tâm”.
Ngôn ngữ nghệ thuật hay còn gọi là ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ văn học đòi hỏi phải có tính gợi hình, gợi cảm. Đó là ngôn ngữ được tổ chức, xếp đặt, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ để đạt được giá trị nghệ thuật – thẩm mĩ cao.
Cũng như các phong cách ngôn ngữ khác, ngôn ngữ nghệ thuật trước hết đảm bảo chức năng thông tin. Gia đình Kiều gặp cơn tai biến. Bao ngày tháng êm đềm. hạnh phúc bỗng chốc trở thành ảo ảnh xa xôi. Kiều buộc phải bán mình chuộc cha, gác lại mối tình đầu vừa mới chớm nở với chàng Kim. Trong hoàn cảnh đó, nàng đã trao duyên cho em là Thúy Vân, mong Thúy Vân giúp nàng làm tròn nghĩa tình với Kim Trọng. Những chi tiết ấy, người đọc chỉ biết được khi tiếp cận với tác phẩm, qua lớp ngôn từ. Nhưng Truyện Kiều hấp dẫn người đọc không phải ở nội dung mà nó thông báo. Hơn bao giờ hết, Nguyễn Du đã để lại cho văn học dân tộc những trang thơ tuyệt tác. Nếu Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho thơ nôm thì Nguyễn Du là người đưa nó đến đỉnh cao. Ngôn ngữ Truyện Kiều trong sáng, giản dị mà tinh tế. Nỗi đau khổ, dằn vặt của Thúy Kiều, sự xót xa cay đắng cho thân phận, sự nuối tiếc một tình yêu, sự băn khoăn cảm thấy có lỗi với chàng Kim…, tất cả những tâm trạng đó đã được Nguyễn Du miêu tả rất thành công. Bởi lẽ ông hoàn toàn nhập thân vào nhân vật, đồng cảm và thấu hiểu. Chẳng phải thế mà Mộng Liên Đường chủ nhân đã nhận xét: “Nguyễn Tố Như viết Kiều như có máu rỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy”.
Vẻ đẹp ngôn ngữ trong đoạn trích trước hết thể hiện ở tính hình tượng. Đó là khả năng ngôn ngữ gợi lên những hình ảnh làm các nhân vật như chuyển động và hiện hữu như ngoài đời. Chỉ với hai câu thơ:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Tác giả không những khắc họa được cử chỉ, hành động của Kiều mà còn thể hiện được suy nghĩ, ý nguyện của nàng. Thúy Kiều là chị nhưng khi nhờ em lại dùng từ “cậy”. Kiều lại dùng từ “chịu” chứ không dùng từ “nhận” để hỏi ý kiến Thúy Vân. Đó hẳn không phải là cách dùng từ “ngẫu hứng”. Thúy Kiều hiểu rằng việc nàng sắp nói ra là một điều hệ trọng mà Thúy Vân không có quyền lựa chọn. Và Nguyễn Du đã để nàng kể lại câu chuyện ấy… Chuyện tình yêu vốn của riêng hai người nên khi phải kể cho người thứ ba, Thúy Kiều đã cố lược đi những chi tiết rườm rà. Đó là sự tế nhị của một người con gái sâu sắc, Nguyễn Du đã truyền tải điều đó như thế nào? Chỉ với hai hình ảnh: “quạt ước”, “chén thề”, tác giả đã vẽ nên một không gian tình ái mà chỉ Kiều và Kim mới biết, chỉ “vầng trăng vằng vặc giữa trời” là nhân chứng. Rồi “chiếc vành với bức tờ mây”, hay “phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”… những đồ vật ý nghĩa tưởng chừng rất giản đơn ấy đã gợi dậy trong Kiều những kỉ niệm mãnh liệt của thời yêu thương. Và dường như chúng khiến Kiều không còn đủ sáng suốt. Nàng “Trao duyên” cho Thúy Vân nhưng “tình” thì không.
“Duyên này thì giữ, vật này của chung”.
Kể cả khi Kiều nghĩ đến cái chết, thì tình nghĩa ấy vẫn không thôi rực cháy:
“Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghi trúc mai”…
“Bồ liễu”, “trúc mai” vốn là những hình ảnh tượng trưng quen thuộc trong văn thơ bác học. Nó xuất hiện trong câu thơ mang lại tính hàm súc. Cũng một nghĩa là đền đáp tình cảm của Kim Trọng nhưng câu thơ còn gợi lên cả dáng điệu mảnh mai, yếu ớt của Kiều, cả mối tình hai người vun đắp.
Tác giả không nói với chúng ta về sự đau khổ, không nói về tình yêu thiết tha của Thúy Kiều nhưng tiếng kêu: “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!” đã nói lên tất cả. Kim Trọng với Kiều đã không đơn thuần là người yêu mà là một đức lang quân, một người chồng mà nàng trao thân gửi phận. Vị trí của Kim Trọng trong trái tim nàng thật vô cùng to lớn.
Cứ hiện lên trên từng cầu chữ một bóng dáng tội nghiệp, vật vã của nàng thiếu nữ xinh đẹp mà bạc phận. Cứ hiện lên trong trang thơ những giọt nước mắt đắng cay cho thân phận của nàng Kiều. Điều mà chúng ta cảm nhận được chính là do tính hình tượng của ngôn từ nghệ thuật và tính truyền cảm của nó. Hẳn rằng Nguyễn Du cũng đã khóc rất nhiều cùng nhân vật, hẳn rằng nhà thơ đã xót xa đau khổ rất nhiều. Để bây giờ trở thành “người cho máu” nói như En-xa Tri-ô-lê, làm rung động tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ. Chắc chắn rằng không chỉ có một Nguyễn Du mà còn có muôn triệu con người cùng chung nhịp đập với tác giả và nhân vật của ông. Thương cho cuộc tình duyên của Kiều, lại càng thấm thía những điều:
“Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”
Càng căm ghét xã hội mà con người phải chịu tước bỏ những giá trị tinh thần đẹp đẽ, thiêng liêng nhất chỉ về thế lực “cường quyền” và “đồng tiền”.
Vẻ đẹp ngôn ngữ trong đoạn trích còn thể hiện ở tính cá thể hóa. Cả đoạn trích là lời Thúy Kiều cùng những giằng xé nội tâm đau đớn. Kiều tỏ ra là người sâu sắc, có ý chí khi trao duyên cho Thúy Vân. Nhưng rồi nàng lại chìm sâu vào dòng tâm tưởng với những hồi ức, với viễn cảnh tương lai và bi kịch tinh thần, để rồi sau tiếng gọi tưởng chừng đứt ruột “Ôi, Kim lang, hỡi Kim lang!”. Nàng hoàn toàn khủng hoảng, sụp đổ vì nỗi đau đứt ruột:
“Cạn lời hồn ngất máu say
Một hơi lạnh ngắt, đôi tay giá đồng”
Nguyễn Du rất tài tình khi khắc họa nhân vật của mình. Một Thúy Kiều thông minh, sắc sảo, tinh tế, ý nhị nhưng nàng vẫn là một con người, một người con gái yếu đuối, một người trong lưới tình giăng mắc Trong Thúy Kiều ta thấy mọi phụ nữ, nhưng cũng lại không thể nhầm Kiều với ai khác được. Đó chính là nhờ tính cá thể của ngôn ngữ nghệ thuật. Qua đoạn trích, ta cũng phần nào thấy được phong cách nghệ thuật Nguyễn Du. Một giọng điệu rất riêng: thiết tha, đằm thắm mà chỉ Tố Như bằng ngọn gió yêu thương của tâm hồn mình mới tạo ra được.
Còn nhớ Nguyễn Du Trong Truyện Kiều từng mượn lời nhân vật khác để khen Thúy Kiều:
“Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này “.
Thiết nghĩ lời ấy dành cho Truyện Kiều cũng hoàn toàn xứng đáng. Truyện Kiều – một hòn ngọc vô giá trong kho tàng văn học dân tộc.
Bài Văn Mẫu số 3: Vẻ Đẹp Của Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Qua Đoạn Trao Duyên
Nhận xét về ngôn ngữ Truyện Kiều, Đào Nguyên Phổ viết: “Truyện Kiều” là một khúc Nam âm tuyệt xướng còn Giáo sư Lê Trí Viễn thì cho rằng: Trình độ lời thơ được phổ cập đến mọi người. Quả thực, trong mọi thành công của cuốn Đoạn trường tân thanh thì ngôn ngữ là một trong những phương diện làm nên vị trí bậc thầy của Nguyễn Du trong văn học dân tộc. Qua một số đoạn trích, chúng ta có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp ngôn từ của Truyện Kiều. Ngôn từ trong Truyện Kiều đẹp trước hết bởi cách sử dụng từ Hán Việt và các điển cố của Nguyễn Du. Truyện Kiều là một truyện thơ Nôm những nhà thơ đã khéo léo đưa vào một số lượng tương đối các từ Hán Việt và các điển tích, điển cố Hán. Điều đáng nói là các từ ngữ, các điển tích, điển cố đó được dùng rất đúng chỗ và sáng tạo.
Với Thúy Kiều, trao duyên cho em là một việc hết sức hệ trọng. Nàng coi việc cậy nhờ Thúy Vân trả nghĩa cho chàng Kim là chuyện lớn, nghiêm túc, khẩn thiết chứ không chỉ phải đơn thuần chỉ là chuyện gá nghĩa hay “tình chị duyên em”. Vậy nên, trong đoạn trích Trao duyên, Nguyễn Du đã sử dụng linh hoạt khá nhiều từ ngữ Hán Việt: tương tư, mệnh bạc, dạ đài, tình quân, Kim lang. Đặc biệt, khi để Kiều gọi Kim Trọng là “Kim lang”, nhà thơ muốn khẳng định rằng trong tâm tưởng, nàng đã coi Kim Trọng là chồng, tình nghĩa giữa hai người đã rất sâu đậm và cũng bởi thế, nỗi đau trong lòng nàng khi phải đứt tình là vô cùng sâu sắc.
Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều và Từ Hải là những nhân vật lí tưởng, được Nguyễn Du rất mực yêu mến, trân trọng. Khi viết về các nhân vật này, nhà thơ thường ưu tiên lựa chọn các từ ngữ Hán Việt để ngợi ca, tôn vinh. Tác giả gọi Từ Hải là trượng phu, để Từ Hải nói những lời lẽ dứt khoát mà trang trọng, đẹp đẽ:
Từ rằng: “Tâm phúc tương trì,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tỉnh bình,
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tỉnh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia…”
Cùng với các từ Hán Việt, nhà thơ còn đưa vào lời thơ các điển tích, điển cố:
– Đập dầu lá gió cành chim, .
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh.
– Mặc người mưa Sở, mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì. –
– Tiếng sen đã động giấc hòe
– Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần.
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Các điển tích, điển cố được Nguyễn Du bố trí vào những văn cảnh nhất định khiến người đọc dẫu không biết điển cố, điển tích đó vẫn nắm được nội dung chính của câu thơ. Chẳng hạn nếu chưa hề biết Tống Ngọc Trường Khanh là những danh sĩ nổi tiếng thời Chiến quốc và thời Hán thì việc đặt giữa các câu thơ Biết bao bướm lả ong lơi, Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm, Dập dìu lá gió cành chim, chúng ta cũng có thể đoán biết Nguyễn Du muốn nói đến những khách phong lưu, sang trọng đến với Kiều ở chốn lầu xanh. Hay với điển tích gió mây bằng, nếu không biết điển Trang Tử nói chim ở bể Bắc mỗi lần bay thì tung cánh như đám mây ngang trời, bay một hơi chín vạn dặm mới nghỉ thì người đọc cũng có thể hiểu lời thơ của Nguyễn Du mang ý nghĩa ngợi ca người anh hùng đội trời đạp đất Từ Hải.
Cái tài của Nguyễn Du trong việc sử dụng các điển tích, điển cố không chỉ ở đó mà còn ở khả năng thâu tóm các điển cố, điển tích ấy trong một vài từ ngắn gọn, nôm na. Chẳng hạn, với điển tích xưa một người có vợ đẹp lấy vàng đúc những đóa hoa sen lót xuống nền nhà cho vợ bước lên rồi nói :“Từng bước nở hoa sen”, nhà thơ đã khéo léo đúc gọn trong hai chữ tiếng sen vừa gợi hình, gợi thanh mà lại gợi cảm. Tương tự, điển tích giấc mơ gốc hòe cũng được tác giả viết bằng hai tiếng giấc hòe.
Với cách dùng các từ ngữ Hán và các điển cố, điển tích như thế Nguyễn Du đã làm giàu cho kho từ vựng ngôn ngữ tiếng Việt, tránh được hiện tượng trùng lặp mà vẫn đảm bảo cách gieo vần uyển chuyển khiến âm hưởng câu thơ trở nên trang trọng.
Không chỉ sử dụng từ Hán Việt tài tình, Nguyễn Du còn rất thành công trong việc sử dụng từ ngữ thuần Việt. Cái tài của Nguyễn Du không đơn thuần chỉ là viết Truyện Kiều dài 2354 câu thơ bằng chữ Nôm mà ở chỗ thi nhân thực khéo léo trong cách lựa chọn các từ ngữ. Trong Trao duyên, ông đã rất tỉnh tế khi để Kiều dùng từ các từ cậy, chịu lời:
“Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”
Sở dĩ nhà thơ lựa chọn từ cậy thay vì từ nhờ là bởi cậy còn có ý tin chắc người khác nhất định sẽ nghe mình. Cũng vậy, chịu lời và nhận lời có vẻ như nhau nhưng chịu lời là nhận lời làm việc không do mình tự nguyện hoặc một việc khó chối từ. Hai chữ mặc em hàm ý giao phó trách nhiệm và như vậy thì làm sao Thúy Vân có thể chối từ được..
Đọc thêm Lẽ ghét – thương trong Lục Vân Tiên và tình yêu trong cuộc sống
Tài năng ngôn ngữ của Nguyễn Du còn được thể hiện ở việc sử dụng tài tình lời thơ lục bát cổ điển. Toàn bộ Truyện Kiều được viết bằng thể lục bát, trong đó tác giả có sử dụng nhiều tiểu đối, ẩn dụ, phép sóng đôi… Trong Nỗi thương mình, nhà thơ đã khai thác triệt để các hình thức đối xứng nhằm tô đậm nỗi thương thân xót phận của nhân vật Thúy Kiều. Đối xứng ở cấp thấp
nhất là tiểu đối trong bốn chữ: bướm lả / ong lơi, lá gió / cành chim, dày gió / dạn sương, bướm chán / ong chường, mưa Sở / mây Tần, gió tựa / hoa kề. Đây là thủ pháp chẻ những cụm từ thông thường tạo thành quan hệ đối xứng nhằm nhấn mạnh mức độ cao hơn của nội dung cụm từ không có tiểu đối. So sánh bướm ong lả lơi với bướm lả ong lợi, ta thấy nếu tách hai yếu tố bướm -ong, lả – lơi ra và đặt ở thế đối xứng thì rõ ràng thân phận bẽ bàng của người kĩ nữ được tô đậm, nhấn mạnh hơn, gây cảm giác xót xa hơn. Đối xứng ở cấp tiểu đối trong khuôn khổ một câu có Khi tỉnh rượu / lúc tàn canh hay Nửa rèm tuyết ngậm / bốn bề trăng thâu. Đối xứng kiểu này có giá trị nhấn mạnh sự liên tục, kéo dài của sự việc hay cái mênh mông của không gian. Trong. đoạn trích, chúng ta còn bắt gặp lối đối xứng tạo nên giữa hai câu thơ lục /bát: Khi sao phong gấm rủ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường (đối lập gay gắt giữa quá khứ êm đêm hạnh phúc và hiện tại đầy nghiệt ngã), Mặt sao dày gió dạn sương / Thân sao bướm chán ong chường bấy thân! (nhấn mạnh có ý so sánh: thân thể còn đau khổ khổ hơn là sự bẽ bàng chua chát trên về mặt); Mộc người mưa Sở mây Tên / Những mình nào biết có xuân là gì (đối lập người / ta). Các hình thức đối này có chức năng khác nhau tuỳ theo mỗi cặp đối, nhưng đều có tác dụng nhấn mạnh ý cần nói, tạo điều kiện nhìn nỗi niềm thương thân xót phận của nhân vật từ nhiều góc nhìn khác nhau (chuyển đổi góc nhìn). Trong một khuôn khổ hết sức cô đọng của câu thơ lục bát, Nguyễn Du đã có thể khai thác triệt để các khả năng tu từ có thể có để “tăng hiệu suất” tối đa.
Với Truyện Kiều, vốn từ vựng tiếng Việt được mở rộng nhờ năng lực sáng tạo từ ngữ tuyệt vời của Nguyễn Du. Căn cứ vào đặc điểm về âm thanh và ngữ điệu, nhiều khi nhà thơ đã dịch những từ ghép gốc Hán và những thành ngữ gốc Hán ra thành những từ ngữ Hán Việt. Chẳng hạn, trong câu thơ Chị dù thịt nát xương mòn, Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây., từ Hán Việt tuyên đài đã được tác giả dịch thành chín suối. Hoặc có khi ông tự ghép các từ ngữ lại với nhau, tạo thành những từ ngữ mới để gọi tên cho các sự vật như mảnh hương nguyễn (mảnh trầm hương đốt trong buổi Thúy Kiều thể nguyễn với Kim Trọng), tờ mây (tờ giấy có trang trí hình mây, ghi lời thề thủy chung của Kim – Kiều).. Bằng những cách tân trong việc sử dụng từ ngữ như thế, Nguyễn Du đã làm giàu thêm cho ngôn ngữ tiếng Việt.
Nguyễn Du là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Sáng tác của ông không chỉ có Truyện Kiều nhưng chỉ với tác phẩm này thôi, thông qua đẹp ngôn từ, chúng ta cũng có thể hình dung được tài năng nghệ thuật của thi nhân. Phải có một vốn liếng ngôn từ phong phú, một năng lực sáng tạo và sử dụng từ ngữ tài hoa, Nguyễn Du mới có thể viết nên Truyện Kiều – tập đại thành về ngôn ngữ của văn học dân tộc.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 11/2024!