Updated at: 20-06-2022 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Tấm Cám câu truyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của mọi thế hệ mang đậm nét đẹp của người con gái mộc mạc nhưng số phận đầy bất hạnh. Để hiểu rõ hơn vẻ đẹp của truyện Tấm Cám, mời quý độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

Bài làm:

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích dân gian truyền miệng thể hiện ước mơ công lí, ước mơ hạnh phúc của người dân đất Việt. Thông qua cuộc đời và số phận của nhân vật cô Tấm, nhân dân ta muốn khẳng định một triết lí nhân gian sâu sắc “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” và khuyên nhủ con người nên làm những điều tốt đẹp, sống thiện lương và tránh làm những điều xấu. Tác phẩm chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Mâu thuẫn chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa cô Tấm mồ côi cha và mẹ từ nhỏ, nết na, hiền thảo sống lương thiện với dì ghẻ và Cám độc ác, tàn nhẫn. Đây cũng là mâu thuẫn mang tính biểu tượng cho cuộc đấu tranh giai cấp khi Tấm là hiện thân cho những người bị áp bức và mẹ con Cám là hiện thân cho những kẻ cai trị, chuyên đàn áp và bóc lột sức lao động. Vì thế, câu chuyện chính là sự phản chiếu tâm tư và tình cảm của những người dân bị áp bức với mong muốn có cuộc sống công bằng và tốt đẹp hơn.

Mở đầu tác phẩm là những mâu thuẫn xoay quanh về mối quan hệ giữa dì ghẻ – con chồng, xoay quanh những quyền lợi về mặt vật chất, tinh thần trong một cuộc sống gia đình thường ngày. Đó là cách đối xử không công bằng giữa những đứa con không cùng chung dòng máu. Sự bất công ấy không chỉ thể hiện giữa việc con chồng thì ghét, con đẻ thì cưng mà còn thể hiện sang mối quan hệ giữa những người chị em trong gia đình với nhau. Nếu Cám được nuông chiều hết mực, không phải vất vả làm lụng, được ăn sung mặc sướng thì ngược lại Tấm phải chịu cảnh bị hắt hủi, lao động quần quật suốt ngày. Chính sự bất công trong cách cư xử thiên vị đó đã hình thành nên một tính cách ích kỉ, luôn tranh giành phần hơn của Cám và sự thua thiệt của Tấm như một điều hiển nhiên. Đó là việc Tấm bị Cám tranh mất giỏ cá để giành lấy chiếc yếm đỏ, mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều dồn lên vai Tấm, dì ghẻ bắt cô phải đi chăn trâu cắt cỏ đồng xa, để chúng ở nhà thực hiện những mưu đồ đen tối. Và mỗi lần như thế, Tấm không phản kháng bởi không có ai đứng ra bênh vực, không có ai an ủi, vỗ về Tấm, nỗi tủi thân, ấm ức chỉ biết thể hiện bằng việc “bưng mặt khóc”.

Vì vậy, hình tượng ông Bụt được dân gian sáng tạo ra để che chở và giành lại cho Tấm những điều xứng đáng nhất, lẽ ra nàng phải được hưởng. Bụt đã dạy cho Tấm cách nuôi cá bống, dạy cho Tấm cách gọi chim sẻ đến để nhặt thóc giúp, bày cho Tấm cách chôn xương cá bống vào chân giường để sau này có quần áo đẹp đi dự hội. Hình ảnh Bụt xuất hiện được coi là một sáng tạo, đại diện cho ước mơ, cho quan niệm, cho trí tưởng tượng, tín ngưỡng của nhân dân ta. Nhờ vào những phép thuật quyền năng cao siêu, Bụt đã giúp Tấm từ một nàng “Lọ Lem” trở thành hoàng hậu của vua qua sự việc thử giày. Chi tiết này đã chứng tỏ một điều Bụt chính là đấng tối cao vạn năng luôn soi xét và bênh vực những người yếu thế, hiền lành, tốt bụng, giúp họ đổi đời, giải quyết các khó khăn chỉ trong thoáng chốc, có được cuộc sống như trong mơ. Đây được coi là một vẻ đẹp của câu chuyện, nó thể hiện cho khát vọng của nhân dân về một cuộc sống công bằng.

Phần tiếp theo của câu chuyện cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác qua những xung đột ngày càng trở lên gay gắt mẹ con Cám tiếp tục hãm hại Tấm từ này tới lần khác, nhưng rồi Tấm đều vượt qua một cách ngoạn mục. Mỗi lần hoá kiếp của Tấm từ chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị thì mức độ độc ác của mẹ con Cám càng tăng lên gấp bội. Mẹ con Cám đã không từ mọi thủ đoạn từ những lời dụ dỗ ngon ngọt, đến những mưu mô nham hiểm, độc ác vô nhân tính quyết giành cho bằng được vinh hoa, phú quý mà Tấm đang có. Khi Tấm đang là hoàng hậu, chúng dùng những lời ngon ngọt dụ dỗ Tấm về quê giỗ cha, sau đó lập mưu hại sát nàng. Khi Tấm hoá kiếp thành vàng anh, ngày ngày quấn quýt bên vua, Cám nổi cơn ghen ghét, giết hại vàng anh bắt làm thịt. Vàng anh lại hoá kiếp thành hai cây xoan đào ngày ngày toả bóng mát cho vua nằm, Cám liền sai thợ chặt cây xoan đào đóng thành khung dệt cửi. Khi Cám ngồi vào khung cửi tiếng cót két vang lên với những lời cảnh cáo :

Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị

Chị khoét mắt ra

Những lời nguyền rủa đó khiến Cám không thể ngồi yên liền mang khung cửi đốt, đem tro đổ đi. Từ đống tro lại mọc lên cây thị xanh tốt, đơm hoa, kết trái và chỉ có một quả đậu trên cành, toả mùi hương ngào ngạt. Thị đã rụng vào bị của một cụ bà bán hàng nước. Tấm đã tái sinh một lần nữa, trở thành nàng thục nữ thảo hiền bước ra từ quả thị, trở lại với cuộc đời trong hình hài của một con người đã phải trải qua những kiếp nạn đầy oan trái. Sự đoan trang, tiết hạnh của nàng đã gửi gắm vào những cánh trầu têm cánh phượng đã khiến nhà vua nhìn vào đó và nhận ra người vợ xinh đẹp, hiền thục của mình.

Sự đố kị và lòng ích kỉ của mẹ con Cám đã được đẩy lên thành mức độ độc ác thâm hiểm. Hết lần này, tới lần khác chúng muốn triệt tiêu sự sống của Tấm, chúng muốn xoá bỏ sự hiện diện của Tấm một cách vĩnh viễn, để yên lòng hưởng thụ những vinh hoa phú quý. Các thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, tiểu xảo hơn. Nhưng cũng bắt đầu từ lần hoá kiếp thành chim vàng anh, sự phản kháng của Tấm ngày càng rõ nét hơn và cụ thể hơn. Tấm không còn cam chịu, nhẫn nhịn để người khác chà đạp lên hạnh phúc của mình nữa bằng những lời cảnh cáo từ chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi. Tấm đã dũng cảm đứng ra chiến đấu để lấy lại hạnh phúc của mình. Quá trình biến hoá của Tấm đã thể hiện sức chiến đấu kiên cường, bất khuất, sức sống mạnh mẽ bất diệt của người dân lao động nghèo khó, sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Lẽ công bằng lúc này không phải do sự giúp đỡ của Bụt nữa mà chính là nhờ vào những phẩm chất của Tấm, từ sự bất tử của cái thiện đã khuất phục những thế lực đen tối, tàn bạo, xoá bỏ mọi âm mưu quỷ quyệt.

Có thể nhận thấy, xuyên suốt trong phần hai của tác phẩm, tác giả dân gian đã có phần ưu ái dành cho Tấm, khi qua mọi lần hoá thân ở những hình hài khác nhau, nhà vua vẫn giành cho Tấm một sự trân trọng và yêu thương hết mực. Hình bóng của nàng Tấm luôn hiện hữu trong suy tư và trái tim của nhà vua, dành trọn tình cảm cho nàng mà không hề mảy may đến sự xuất hiện của Cám. Tấm là hiện thân của tấm lòng trinh bạch, thuần khiết, vẻ đẹp ấy chỉ xuất hiện nơi cuộc sống dân dã, gắn bó với sự chân phương, mộc mạc, từ những điều giản đơn trong cuộc sống thường ngày nấu cơm, gói bánh, têm trầu. Chính vẻ đẹp trong sáng và bình dị của Tấm đã giữ được trái tim ấm áp của nhà vua, nó hiện thân cho tinh thần nhân văn cao cả của dân tộc.

Không dừng lại kết thúc như trong sách giáo khoa, phần kết của câu truyện được lưu truyền trong dân gian với nhiều dị bản khác nhau nhưng về cơ bản là sự trừng phạt của Tấm dành cho mẹ con Cám với những tội ác đã gây ra. Hành động đó của Tấm đã thể hiện, cái ác bị trừng trị đến lúc phải tận diệt, người tốt sẽ trở thành người phán xử, đòi lại những bất công mà mình đã phải chịu đựng. Đó cũng chính là thái độ của nhân dân kiên quyết diệt trừ cái ác, đứng về cái thiện, bảo vệ lẽ phải, khát khao về những công bằng trong cuộc sống. Và đó cũng là triết lí, niềm tin của nhân dân “ác giả, ác báo”. Câu chuyện Tấm Cám mãi mãi là một bài ca về những ước mơ cao đẹp, giàu giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

Lời kết

Qua những gợi ý trên, chúng ta thấy rất rõ chuyển biến của câu chuyện từ đó thấy được vẻ đẹp ẩn sau trong từng biến hóa. Rất mong quý độc giả cảm thấy thích thú.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 12/2024!