Updated at: 21-03-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức ” chuẩn nhất 03/2024.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức – Mẫu 1

Câu 1

Nhận xét về cách đặt nhan đề bài viết.

Phương pháp giải:

– Đọc bài viết tham khảo.

– Chú ý vào cách đặt nhan đề và nêu nhận xét.

Lời giải chi tiết:

Nhan đề bài viết “Sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI”, nhan đề hết sức ngắn gọn nhưng đã nói được bao quát nội dung của cả bài. Nhan đề này cũng không gây cảm giác nhàm chán, khó chịu cho người đọc vì tính ngắn gọn của mình.

Câu 2

Vấn đề đã được người viết triển khai bằng những luận điểm nào?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết tham khảo.

– Chú ý những luận điểm được đề ra trong bài viết.

Lời giải chi tiết:

Vấn đề được người viết triển khai bằng những luận điểm:

– Khái niệm về sống đơn giản

– Quan điểm về cách để sống đơn giản trong cuộc sống hiện tại

– Ý nghĩa của việc sống đơn giản

– Đề xuất giải pháp sống đơn giản trong cuộc sống hiện nay

Câu 3

Chỉ ra các yếu tố làm nên sức thuyết phục của văn bản.

Phương pháp giải:

– Đọc bài viết tham khảo.

– Chú ý vào những luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để chỉ ra yếu tố làm nên sức thuyết phục của một văn bản nghị luận.

Lời giải chi tiết:

Yếu tố để làm nên sức thuyết phục của văn bản:

– Luận điểm rõ ràng, lí lẽ dẫn chứng thuyết phục

– Tư tưởng quan điểm trong bài văn hướng tới giải quyết vấn đề mà đề bài đưa ra

– Sử dụng kết hợp các yếu tố tự sự, biểu cảm để tăng sức biểu đạt cho bài văn

Thực hành viết

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (tình yêu tuổi học trò).

Phương pháp giải:

– Triển khai luận điểm nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề nghị luận.

– Lưu ý việc đưa ra luận điểm, lí lẽ, bằng chứng cần mạch lạc, khoa học.

– Khái quát, tổng kết lại vấn đề.

Lời giải chi tiết:

Bài làm

     Tuổi học trò, ít nhất một lần bạn đã lỡ cảm nắng một cô nàng dễ mến hay một anh chàng đẹp trai và ngầu nào đó. Và có lẽ, đó là tình cảm trong sáng, thiêng liêng nhất mà bạn không thể nào quên. Các bạn biết đấy, tình yêu rất khó để giải nghĩa và tình yêu tuổi học trò cũng vậy. Những cung bậc cảm xúc đan xen, vui, buồn, hờn, giận,… là thứ bạn cảm nhận được. Đúng vậy, mỗi chúng ta đều trưởng thành từ những kỉ niệm và tình cảm tốt đẹp. Một trong số những tình cảm cao đẹp không thể không nhắc đến chính là tình yêu tuổi học trò.

Tình yêu là vấn đề muôn đời được xã hội quan tâm. Tình yêu giúp cho sự sống được nối dài, giúp con người gắn kết với nhau và làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Mỗi thời đại sẽ có cách nhìn nhận và quan điểm khác nhau về tình yêu. Đặc biệt là vấn đề về tình yêu tuổi học trò. Tình yêu tuổi học trò là những tình cảm, thứ rung động đầu đời của nam sinh và nữ sinh khi còn cắp sách đến trường, là tình cảm khi ta biết yêu thương một người khác giới, muốn cố gắng, hoàn thiện bản thân mình hơn nữa để xứng đáng với người mình thích. Tình yêu tuổi học trò là một thứ tình cảm tốt đẹp, để lại cho mỗi người nhiều trải nghiệm cũng như kỉ niệm quý giá. Theo quan điểm của riêng tôi, tình yêu tuổi học trò là tình cảm đẹp nhất, trong sáng nhất, thánh thiện nhất và giàu mơ mộng nhất.

Người ta vẫn gọi những tình cảm tinh khôi đó là những “rung động đầu đời”. Trong đời học sinh, có lẽ đã hơn một lần bạn cảm thấy “rung động” trước một chàng trai nào đó. Trước những cử chỉ, hành động quan tâm đến bạn, trước một ánh nhìn đầy trìu mến hay đơn giản chỉ là một nụ cười thân thiện của người bạn khác giới, tất cả có thể khiến cho trái tim bạn phải rung lên những cảm xúc của tình yêu. Bạn có thể đã mến người ấy, đã thích người ấy nhưng chưa hẳn là bạn đã yêu. Người ấy luôn hiện hữu trong tâm trí bạn mỗi lúc vui buồn, bạn luôn quan tâm đến người ấy từng li từng tí. Bạn buồn vì người ấy tỏ ra lạnh lùng với bạn hay thờ ơ trước những cử chỉ quan tâm của bạn. Đó là những biểu hiện của tình yêu nhưng chưa hẳn là tình yêu đích thực.

Ở lứa tuổi học trò như tôi và các bạn, tình yêu không phải là điều xấu. Đó đơn giản là những rung động đầu đời rất đỗi đáng yêu của con người. Có rất nhiều người cảm thấy tiếc nuối về những tình cảm trong sáng đó khi đã qua rồi thời tuổi học trò. Bởi vậy, chúng ta cần tôn trọng, nâng niu những tình cảm đó. Đừng để khi thời gian qua rồi, ngoảnh đầu nhìn lại, ta cảm thấy nuối tiếc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên coi tình yêu là tất cả. Bạn có thể dành thời gian để quan tâm đến người ấy nhưng bạn đừng quên rằng nhiệm vụ chính của mình vẫn là học tập, là xây dựng tương lai cho bản thân mình. Bạn giống như một con ong cần mẫn, mỗi ngày đều chăm chỉ hút mật để xây dựng tương lai của mình, để cuộc đời tỏa hương thơm ngát. Tuy nhiên dù chỉ một chút lầm lỡ, một giây phút bồng bột trong tình yêu cũng đủ làm cho tòa lâu đài tương lai của bạn xây dựng bị sụp đổ.

Thay vì để tình yêu làm mất tương lai của mình, chúng ta có thể biến nó thành động lực để giúp cả hai cùng tiến bộ, cùng giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống từ đó có thể là nền tảng để xây dựng một mối quan hệ lâu dài và bền chặt. Tình yêu học trò là những kỉ niệm đẹp khắc sâu trong tâm trí con người, khiến cho chúng ta có một phần kí ức tươi đẹp để nhớ về. Chính vì vậy bạn nên biến nó thành những kỉ niệm đáng nhớ, đừng vì quá chú tâm vào nó mà đánh mất tương lai của bản thân. Hãy để tình yêu trở thành động lực, trở thành kỉ niệm tươi đẹp nhất trong lứa tuổi học trò.

Mỗi người có một cách hiểu, một cách cảm nhận về tình yêu tuổi học trò khác nhau, các bậc phụ huynh cũng sẽ thấy lo lắng cho tương lai của con mình vì những hành động, việc làm thể hiện tình yêu đã ảnh hưởng đến việc học. Nhiều bạn học sinh đã khiến cho nét đẹp của tình yêu tuổi học trò trở nên xấu xí và có phần phản cảm. Các bạn chỉ vì yêu đương sớm mà trở nên chểnh mảng, thờ ơ chuyện học tập khiến cho thành tích ngày càng đi xuống khiến cho ba mẹ và thầy cô phải lo lắng cho mình. Bên cạnh đó, việc thể hiện tình cảm một cách công khai, thái quá và thậm chí quá lố lăng đã khiến cho quan niệm về tình yêu tuổi học trò trở nên sai lệch và bị biến chất, khiến cho nhiều người có cái nhìn không tốt về tình yêu tuổi học trò.

Tình yêu tuổi học trò không phải là một điều gì xấu xa, không tốt mà là một điều tất yếu trong quy luật trưởng thành của con người. Những người trẻ phải biết rõ được giới hạn, biết phân biệt điều đúng và sai trước khi hành động. Mỗi chúng ta ở lứa tuổi học trò cần biết tôn trọng, nâng niu những tình cảm ấy, biến nó thành những kỉ niệm đẹp và đáng nhớ của tuổi học trò. Đừng để khi thời gian qua rồi, ngoảnh đầu nhìn lại, ta cảm thấy nuối tiếc một thời đã qua.

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội – Biến đổi khí hậu

Thế giới đang trên đà phát triển không ngừng, tạo ra những cơ hội mới nhưng đồng thời kéo theo không ít những thách thức cần phải trải qua. Một trong những thách thức mà con người cần phải đối mặt đó là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề vô cùng cấp bách và được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống của con người.

Biến đổi khí hậu là một cụm từ khá phổ biến hiện nay, bởi nó là vấn đề của cả cộng đồng. Biến đổi khí hậu nghĩa là sự thay đổi về thời tiết trong môi trường tự nhiên và trải qua trong một quá trình dài. Đó là các hiện tượng liên quan đến tự nhiên như hiệu ứng nhà kính, sự xâm lấn của nước biển, băng tan,..

Những biến chuyển tiêu cực của khí hậu ngày càng được thể hiện rõ hơn trong những năm gần đây. Nó diễn ra trên toàn thế giới ở bất cứ khu vực nào từ đất liền đến hải đảo. Sự nóng lên của Trái Đất đang ở mức báo động và gây ra nhiều hệ lụy kèm theo.

Như ta đã biết, khí hậu đang ngày càng thay đổi: Hiện tượng sa mạc hóa đang diễn ra trên diện rộng, hay băng tuyết ở hai cực đang tan làm cho mực nước biển dâng cao. Thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột, xuất hiện ngày càng nhiều thiên tai. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề này một cách cấp bách. Ở đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị thiếu nước ngọt thay vào đó là sự ngập mặn đang ngày càng lấn vào sâu trong đất liền. Có nhiều thiên tai xảy ra nhiều hơn như lũ lụt, lũ quét, cháy rừng… đã gây ra nhiều thiệt hại cho con người.

Sự biến đổi khí hậu đã tạo thành một chuỗi hậu quả khôn lường trên tất cả các lĩnh vực, đời sống, kinh tế xã hội. Sau những trận mưa bão, lũ quét hay sóng thần động đất, những con số thiệt hại được công bố, đó là những con số lớn về thiệt hại cả người lẫn tài sản. Bởi con người sẽ phải mất công gây dựng lại cơ sở vật chất hạ tầng. Là người nông dân, họ phải đối mặt với sự mất mùa, dịch bệnh, cuộc sống khó càng khó hơn. Nền kinh tế, hay sự phát triển của một đất nước cũng bị kéo xuống theo…

Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến hiện tượng này? Đầu tiên ta xét về yếu tố khách quan. Môi trường tự nhiên trên trái đất luôn thay đổi và sự thay đổi là một yếu tố không thể tránh khỏi, nó sẽ vẫn mãi tiếp tục luân hoàn xảy ra. Tuy nhiên ta phải xét đến mặt chủ quan, đó chính là nguyên nhân hàng đầu hiện nay gây nên sự biến đổi khí hậu. Con người chính là nguồn tác động nhiều nhất đối với sự biến đổi khí hậu. Hiệu ứng nhà kính xảy ra là vì có quá nhiều lượng khí CO2 được thải ra không khí, mà lượng khí đó từ đâu mà ra, đó là từ con người, khói bụi từ các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông… Nhiều người thiếu ý thức xả rác bừa bãi, trên đường, trong ao hồ, trên bờ biển… tràn ngập đầy rác là rác, hay nạn chặt phá rừng làm mất cân bằng, rồi dẫn đến xói mời đất, lũ quét, sạt lở đất,…

Nguyên nhân chính là đến từ con người vì vậy các biện pháp được đề ra cũng phải xuất phát từ con người. Mọi người dân cần phải nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường từ những việc làm đơn giản như không xả rác bừa bãi hoặc trồng thêm nhiều cây xanh… Các tổ chức chính phủ, nhà nước cần phải đưa ra các biện pháp, không ngừng nỗ lực tìm cách khắc phục, làm giảm thiểu tối đa sự biến đổi khí hậu cũng như những hậu quả mà nó gây ra.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng và cấp thiết hiện nay, đó là một vấn đề không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người sống trên trái đất này. Là thế hệ trẻ, chúng ta càng phải nhận rõ hơn về vấn đề này, cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng các buổi tuyên truyền về môi trường từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Hãy cùng nhau đóng góp bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta!

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội – Ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội

Trong nhiều năm trở lại đây, con người đã không ít lần phải chứng kiến, đối mặt với dịch bệnh. Kể từ sau Covid-19, chưa bao giờ chúng ta thấy rõ được hậu quả mà dịch bệnh để lại đến thế. Trong bài viết này, tôi sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn toàn diện về ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội.

Trước hết, chúng ta cần làm rõ và giải thích khái niệm đại dịch. Khi có sự lây lan trên phạm vi rộng của một loại bệnh mới thì ta gọi đó là đại dịch.

Trải qua hơn 2 năm chiến đấu với Covid 19, chắc hẳn mỗi người đều sẽ có cho mình những kỉ niệm, suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Để đến ngày hôm nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, ta mới thấy trân trọng cuộc sống. “Rùng mình”, “sợ hãi” chính là những từ ngữ để diễn tả nỗi ám ảnh của tất cả chúng ta khi nghĩ về những hậu quả to lớn mà đại dịch để lại.

Trước hết, đối với mỗi cá nhân, việc lây lan các loại virus, vi khuẩn trên phạm vi rộng với tốc độ nhanh chóng đã làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu ai đó mắc phải, virus sẽ tấn công vào cơ thể, gây suy giảm miễn dịch và để lại những di chứng nặng nề sau khi khỏi bệnh. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Vào những lúc đỉnh điểm của đợt dịch, Nhà nước, chính quyền buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân cách li trong nhà. Phải ở nhà suốt thời gian dài, không có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với người khác, một số người rơi vào trầm cảm, khủng hoảng. Dịch bệnh là nguyên nhân chính gây nên một số bất ổn về mặt tâm lí, kéo theo đời sống của mỗi người cũng bị đảo lộn xáo trộn theo.

Không chỉ ảnh hưởng tới mỗi cá nhân, dịch bệnh còn tác động trực tiếp tới mọi mặt của xã hội. Giáo dục bị trì trệ, học sinh, sinh viên phải nghỉ học ở nhà. Đại dịch làm thay đổi hình thức học tập, giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, buộc mỗi người phải thích ứng, nắm bắt nhanh chóng, kịp thời. Đại dịch xảy ra, ngành nghề phải “đứng mũi chịu sào” nhiều nhất chính là y tế. Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, không đủ xe vận chuyển, thiết bị y tế và nguồn nhân lực trong các trường hợp cần thiết. Nhiều cán bộ công nhân viên thường xuyên phải túc trực, làm việc hết công suất. Đặc biệt, các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để nghiên cứu, điều chế và sản xuất ra các loại vắc-xin kịp thời.

Khi đại dịch bùng nổ, nền kinh tế của các nước trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người không thể giao thương, buôn bán trực tiếp. Các cơ sở sản xuất bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và phá sản. Vì thế, người lao động không có việc làm, phải nhận hỗ trợ từ địa phương, nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch diễn ra, tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em luôn ở mức báo động. Rất nhiều câu chuyện đau buồn, đáng tiếc đã xảy ra.

Để thích ứng với đại dịch, mọi người cần tuân thủ các biện pháp, quy định của nhà nước trong phòng chống và ứng phó với dịch bệnh; luôn luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Khi mắc bệnh, mỗi người cần có ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng bằng cách theo dõi biểu hiện bệnh và nhờ đến sự can thiệp, trợ giúp của nhân viên y tế. Không lan truyền những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Chúng ta cũng cần xây dựng thói quen lành mạnh, chăm tập thể dục, vận động thân thể thường xuyên, uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh.

Sự tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến cho tình trạng dịch bệnh ngày một gia tăng. Có thể thấy, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Điều chúng ta cần làm là nâng cao nhận thức, ứng phó chủ động và thích nghi kịp thời trước những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức – Mẫu 2

Bàn luận về các vấn đề xã hội đã trở thành một nhu cầu phổ biến, tất yếu của con người hiện đại. Khi bàn luận, chúng ta không chỉ thể hiện ý kiến cá nhân mà còn muốn thuyết phục người khác đồng tình với quan điểm của mình; qua đó, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

 

* Yêu cầu:

– Giới thiệu được vấn đề xã hội cần bàn luận. 

– Nêu rõ lí do lựa chọn và quan điểm cá nhân về vấn đề xã hội cần bàn luận. 

– Chứng minh quan điểm của mình bằng hệ thống luận điểm chặt chẽ, hợp lí, sử dụng

các lí lẽ thuyết phục và bằng chứng chính xác, đầy đủ. 

– Biết sử dụng yếu tố biểu cảm để tăng sức thuyết phục của văn bản. 

– Khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần bàn luận.

 

* Phân tích bài viết tham khảo:

Sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

– Nêu quan điểm của người viết về vấn đề.

– Triển khai vấn đề thành các luận điểm.

– Kết hợp các yếu tố nghị luận, biểu cảm…

– Khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần bàn luận.

 

Trả lời câu hỏi: 

Câu 1 (trang 29 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Nhan đề trực tiếp nêu lên hiện tượng được bàn luận trong bài: sống đơn giản; đồng thời đánh giá chung về hiện tượng – sống đơn giản là một xu thế của thế kỷ 21.

 

Câu 2 (trang 32 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

– Luận điểm 1: Giải thích thế nào là “sống đơn giản”.

– Luận điểm 2: Làm thế nào để có thể “sống đơn giản”?

– Luận điểm 3: Ý nghĩa của lối sống đơn giản.

– Luận điểm 4: Thực trạng của lối sống đơn giản.

 

Câu 3 (trang 32 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

– Bố cục đầy đủ, mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai thành các luận điểm, kết bài khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề

– Lập luận chặt chẽ, có các câu văn nêu luận điểm sáng rõ, kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng.

– Kết hợp giữa các yếu tố nghị luận, biểu cảm, miêu tả.

– Lời văn khách quan, khoa học, giàu sức thuyết phục.

 

* Thực hành viết

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội 

Chuẩn bị viết

– Lựa chọn một vấn đề mang tính thời sự hoặc vấn đề mà bản thân có hứng thú và quá trình suy ngẫm lâu dài: Thái độ thờ ơ của con người đối với môi trường

 

Tìm ý, lập dàn ý 

Tìm ý: 

– Vấn đề là gì? Vì sao lựa chọn vấn đề đó? Vấn đề đó có ý nghĩa thế nào với cá nhân và cộng đồng?

→ Vấn đề thái độ thờ ơ của con người đối với môi trường vẫn luôn là một vấn đề đáng suy ngẫm, bởi thái độ đối với môi trường sẽ quyết định hành động của con người cũng như sự sống của con người.

– Bạn có quan điểm như thế nào về vấn đề này? Có những lí lẽ, bằng chứng nào để chứng minh quan điểm và thuyết phục người khác đồng tình với mình?

→ Tôi thấy hiện nay vẫn có những người vẫn thờ ơ với tình trạng môi trường nguy cấp. Đây là một thái độ không đúng, để lại nhiều hậu quả, cần phải thay đổi.

 

Lập dàn ý: 

Phân bố các ý tìm được ở trên vào từng phần của của bài viết theo gợi ý sau: 

– Mở bài: Giới thiệu vấn đề – thái độ của con người đối với môi trường.

– Thân bài:

+ Giải thích vấn đề.

+ Trình bày thực trạng môi trường hiện nay.

+ Trình bày biểu hiện của thái độ thờ ơ của con người đối với môi trường.

+ Trình bày quan điểm và nhận thức của bản thân.

– Kết bài: 

+ Khẳng định ý nghĩa của vấn đề.

+ Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong việc giải quyết vấn đề.

 

Dàn ý tham khảo

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề – thái độ của con người đối với môi trường.

* Thân bài: 

Ý 1: Giải thích môi trường là gì? Khẳng định thái độ của con người sẽ tác động đến môi trường.

Ý 2: Thực trạng môi trường hiện nay.

Ý 3: Thái độ của con người thờ ơ, không quan tâm đến môi trường 

– Biểu hiện của thái độ:

+ Con người thờ ơ trước cái đẹp của thiên nhiên

+ Con người thờ ơ trước sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường (ngắn gọn)

+ Chính sự thờ ơ đó đã khiến con người tiếp tục những hành động gây tổn hại đến môi trường

– Nguyên nhân của thái độ:

+ Con người không ý thức được sự nguy hiểm khi môi trường đi xuống

+ Con người không ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ môi trường

+ Khoa học hiện đại khiến người ta quên mất giá trị của tự nhiên

Ý 4: Cảnh báo nguy cơ của sự thờ ơ mà con người dành cho chính môi trường sống của mình.

Ý 5: Đánh giá thái độ và liên hệ bản thân

* Kết bài: 

+ Khẳng định ý nghĩa của vấn đề.

+ Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong việc thay đổi thái độ đối với môi trường.

 

Viết 

Viết bài theo dàn ý đã lập.  

* Bài viết tham khảo: 

Theo thống kê của các tổ chức khoa học trên thế giới, kể từ năm 1960, cứ mỗi giây trôi qua, hơn 1 héc-ta rừng bị phá hủy hoặc suy thoái nghiêm trọng do tác động của con người. Cứ mỗi năm, trái đất lại chứng kiến từ một đến năm loài động, thực vật tuyệt chủng. Dường như, văn minh của nhân loại đang được đánh đổi bằng sự hủy hoại môi trường. Nhưng con người ngày nay, vẫn còn số đông thờ ơ, không quan tâm đến môi trường mình đang sống.

 

Môi trường: tất cả những yếu tố thuộc về tự nhiên như đất đai, cây cối sinh vật, khí hậu,…. và rất nhiều tài nguyên thiên nhiên khác có ảnh hưởng đến sự sống của con người. Cuộc sống ngày càng phát triển, càng nhiều phát minh mới ra đời nhằm nâng cao chất lượng sống của con người, nhưng mặt trái của văn minh là những hệ lụy tiêu cực đối với môi trường. Nhà máy, rác thải, đồ nhựa, đồ điện lạnh, khí ga, đến cả giấy vở ta hay dùng…, những vật dụng gắn liền với đời sống con người lại gián tiếp khiến không khí ngày một ô nhiễm, nguồn nước ngày càng bớt sạch, rừng ngày một thu hẹp.

 

Thế nhưng, đứng trước thực trạng đó, rất đông người dù biết vẫn lựa chọn thờ ơ. Họ thờ ơ trước môi trường ngày một xuống cấp; thờ ơ trước không khí mịt mù khói bụi bao lấy họ trên những chiếc xe máy, ô tô mỗi ngày; thờ ơ trước dòng sông đã ngập đầy rác thải và bốc mùi hôi thối; thờ ơ trước tin vắn về một loài động vật hôm nay đã tuyệt chủng vì rừng bị người ta tàn phá; thờ ơ trước thông tin về băng tan, nước biển dâng, sa mạc hóa, tầng ozone chưa được vá xong… Họ thờ ơ trước cả lời cảnh báo, nhắc nhở của một người khác biết lo nghĩ cho môi trường này.

 

Chính thái độ thờ ơ đó đã dẫn đến những hành động tiếp tay cho việc tàn phá môi trường. Người ta thẳng tay vứt rác xuống ao hồ, sông biển, núi đồi. Câu chuyện về những núi rác trên đỉnh Everest như một tấm kính chiếu rọi tất cả những mặt trái của con người – chúng ta có thể vĩ đại đến đâu khi chinh phục được đỉnh núi cao nhất thế giới thì cũng chỉ là một người được xếp vào danh mục “kẻ hủy hoại môi trường, không có văn hóa” khi người đời sau xét đến. Người ta tiếp tục dùng các chất không thể phân hủy như bao bì ni lông, đồ nhựa. Người ta tiếp tục chặt cây, phá rừng. Người ta tiếp tục thải khí độc ra môi trường. Người ta tiếp tục săn bắt các loài động, thực vật, ảnh hưởng đến sự phát triển của giới tự nhiên… Con người ta thờ ơ với môi trường xung quanh mình, thờ ơ trước cái đẹp của tự nhiên. Nếu không còn quý trọng vẻ đẹp của tự nhiên, thì việc thờ ơ trước sự xuống cấp của môi trường cũng là điều dễ hiểu.

 

Sự thờ ơ ấy bắt nguồn từ việc nhiều người không ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với môi trường sống này. Họ cho rằng chuyện bảo vệ môi trường chỉ là việc của chính phủ, còn họ chỉ cần sống vui, sống tốt, sống giàu sáng, tận hưởng mọi tiện nghi dù phải đánh đổi bởi sự trong lành của môi trường sống. Hoặc do họ cho rằng tàn phá môi trường không phải chuyện quá to tát vì nguồn tài nguyên sinh ra là để cho con người sử dụng. Nguy hiểm hơn, sự thờ ơ còn đến từ nhận thức môi trường này không hề thay đổi. Tức là, có những người chẳng hề ý thức được sự nguy hiểm khi môi trường đi xuống. Bởi khoa học hiện đại, đời sống tiện nghi có khi đã khiến người ta quên mất giá trị của tự nhiên.

 

Thái độ thờ ơ đối với môi trường thực sự là một suy nghĩ sai lầm, bởi vì nếu cứ tiếp tục những hành động đấy, nguồn nước sẽ ô nhiễm mà khiến con người ko thể uống, không khí ra ngoài hít toàn là khí độc, hệ sinh thái bất ổn. Và hậu quả lớn hơn là con người sẽ phải đối diện với tất cả những mầm bệnh do môi trường ô nhiễm đem lại. Nguy cơ của sự tuyệt chủng, của cái chết cuối sự sống ẩn hiện bất cứ lúc nào. Có một câu hát rằng: “Thế giới này không phải của chúng mình đâu, loài người được đằng chân rồi lân đằng đầu”, quả thực câu hát đã nói lên sự “quá đáng” của con người đối với Trái Đất này. Nếu không gánh vác những gì đã gây ra, một ngày nào đó, thiên nhiên sẽ trả lại con người tất cả những điều tệ hại ấy.

 

Đâu đó giữa cuộc sống vội vàng này, ta vẫn bắt gặp thông tin của những tổ chức bảo vệ môi trường, những hiệp ước về ngăn ngừa biến đổi khí hậu, hoặc trông thấy một hành động đẹp như nhặt rác bỏ vào thùng. Những hành động đó có khi chỉ nhỏ như một giọt nước nhỏ, nhưng khi mỗi người gom lấy một giọt nước thì có thể góp được cả dòng sông xanh. Nhưng nếu chỉ có một, hai người làm, vài trăm, vài nghìn, vài trăm nghìn, vài triệu người làm đi chăng nữa, thì cũng không theo kịp độ bốc hơi của biển. Vì thế, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn cầu, của mỗi người đã được sinh ra trên Trái Đất này. Và khởi đầu của công cuộc đó, là thay đổi sự thờ ơ của nhân loại.

 

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại bài viết, đối chiếu với các yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để tìm các lỗi cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bài viết. Có thể tự rà soát bài viết theo một số tiêu chí sau: 

– Vấn đề xã hội cần bàn luận đã được triển khai thành các luận điểm rõ ràng. 

– Các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng đã được sắp xếp hợp lý và sử dụng một cách hiệu quả. 

– Nội dung thể hiện được quan điểm cá nhân về vấn đề cần bàn luận. 

– Văn phong phù hợp với mục đích và đối tượng cần thuyết phục. 

– Vị thế phát ngôn và giọng điệu được xác lập, lựa chọn phù hợp với mục đích viết và đối tượng thuyết phục. 

– Bài viết đảm bảo tuân thủ các quy định về chính tả, không mắc lỗi dùng từ và đặt câu.

Bài soạn "Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội" (Ngữ văn 10 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 1

Bài viết tham khảo

Hiện nay, bạo hành trẻ em đang trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của của toàn xã hội.

Trẻ em là thế hệ mầm non tương lai của đất nước, là đối tượng cần được bảo vệ, định hướng nhưng cũng chính bởi sự “định hướng” chưa đúng mực của một số bộ phận người bảo hộ, cụ thể là cha, mẹ, ông, bà…đã dẫn tới những hệ lụy vô cùng thương tâm gần đây.

 

Bạo hành trẻ em là hành vi đánh đập, xâm hại về thể chất và bạo lực, sỉ nhục, mắng nhiếc về tinh thần gây ra hệ lụy khôn lường về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới tử vong. Cụ thể là trường hợp gần đây của cháu bé 8 tuổi sống cùng cha và mẹ kế, bị cha và mẹ kế bạo hành đến chết hay trường hợp cháu bé 3 tuổi sống cùng mẹ và người tình của mẹ, bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu và cho uống thuốc chuột cùng những hành vi dã man khác dẫn đến tử vong sau một thời gian điều trị. Những sự việc thương tâm đã xảy ra gây trấn động dư luận trước những hành vi cho là “sự giáo dục” con em của bậc cha mẹ hay sự vô trách nhiệm khi tin tưởng và giao con cho người tình của người mẹ cháu bé 3 tuổi. Đáng lên án thay, khi pháp luật vào cuộc bậc cha mẹ ấy vẫn không thôi quanh co giấu giếm, không có chút mảy may hối hận hay thương xót cho đứa con đã mất của mình.

 

Vậy chúng ta hãy thử đặt câu hỏi, đó là những trường hợp đã phát hiện do tử vong hoặc một tổ chức bệnh viện nào đó thấy bất thường và tố cáo, vậy còn bao nhiêu trường hợp chưa được phát hiện hay mãi mãi chẳng phát hiện, có bao nhiêu đứa trẻ chịu sự bạo lực về thể xác và tâm hồn hay nguyên nhân của những vụ tự tử ở trẻ em có bao nhiêu % là do bố mẹ áp lực tinh thần.

 

Trên thực tế đã có luật trẻ em được Quốc hội ban hành. Tại Việt Nam đang có đường dây nóng bảo vệ trẻ em 24/7: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Nhưng theo khảo sát gần 9000 người được công bố tháng 4/2020: khoảng 10% người lớn trả lời “không biết có Luật trẻ em”, gần 45% người lớn trả lời có nghe về luật bảo vệ trẻ em nhưng không rõ nội dung, 1800 độc giả cho thấy 2/3 số người được hỏi khẳng định chưa hề biết đến số điện thoại hay tổ chức nào hỗ trợ trẻ em bị bạo hành, vài chục người “nghe nói tới” nhưng không nhớ và chỉ vài chục người cho rằng nó hiệu quả.

 

Đáng chú ý, một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng từ trẻ em 11 đến 18 tuổi – con số đặt ra câu hỏi các trẻ nhỏ hơn 11 tuổi có biết tổng đài để xin gọi trợ giúp hay không? Tỉ lệ người lớn gọi tới vấn đề của trẻ em chỉ chiếm 5,5%, nhân viên tư vấn, giáo viên, công an, bộ đội, ban, ngành liên quan gọi đến khoảng 4,6%, cán bộ xã hội chỉ chiếm 1,1%. Số cuộc gọi từ vùng sâu vùng xa chỉ chiếm 4%, nhóm trẻ dân tộc thiểu số chỉ liên quan 1,7% cuộc gọi. Những con số quá nhỏ so với tỉ lệ trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

 

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề bạo hành trẻ em là bởi vì đại đa số mọi người đều cho rằng nên “đóng cửa bảo nhau”, mặc định việc đánh trẻ là chuyện riêng của mỗi gia đình và tổn thương lớn nhất chính là những đứa trẻ. Gần đây có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do áp lực tâm lý từ việc học dẫn đến tự tử, nguyên nhân cũng phần nào do sự áp đặt của bố mẹ lên con cái gây ra những chứng bệnh nguy hiểm như trầm cảm và suy nghĩ đến cái chết.

 

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta có trách nhiệm phải xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện và thúc đẩy sự phát triển về trí tuệ và nhân cách của trẻ nhưng chúng ta không có quyền áp đặt hay trút giận lên trẻ gây ra tổn thương cho thể xác và trí tuệ.

 

Thay vì phẫn nộ, chúng ta phải hành động để ngăn chặn việc những đứa trẻ quanh mình trở thành nạn nhân tiếp theo. Cần tuyên truyền cho người lớn, bậc cha mẹ phụ huynh hiểu về luật trẻ em, quyền trẻ em, bồi dưỡng nhận thức trong phương pháp giáo dục con đúng cách cho cha mẹ. Bên cạnh đó, cần dạy cho trẻ ý thức được việc bảo vệ mình, cần lên án, tố cáo cho các cơ quan tổ chức có thẩm quyền để được trợ giúp khi gặp bạo hành. Đặc biệt, mỗi chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của mình, không thể coi bạo hành là “việc dạy con của người ta” mà làm chậm mất cơ hội cứu những đứa trẻ đáng thương ra khỏi cái chết cận kề. Chúng ta hãy chung tay để xây dựng một xã hội nói không với “bạo lực trẻ em”.

Bài soạn "Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội" (Ngữ văn 10 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 3

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức – Mẫu 3

Câu 1 (trang 56, SGK Ngữ Văn 10, tập một)

Đề bài: Ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội hay chưa?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ ngữ liệu tham khảo.

– Đọc kĩ yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội ở phần Tri thức về kiểu bài.

– Đối chiếu và đưa ra nhận xét.

Lời giải chi tiết:

– Ngữ liệu trên đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội:

+ Đã nêu và giải thích được vấn đề cần nghị luận.

+ Có hệ thống luận điểm rõ ràng, lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, xác thực, gần gũi.

Câu 2 (trang 56, SGK Ngữ Văn 10, tập một)

Đề bài: Việc tác giả dùng đoạn đầu trong thân bài để đưa ra cách hiểu về khái niệm “thần tượng” có tác dụng như thế nào trong cách triển khai vấn đề?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ ngữ liệu tham khảo.

– Đặt ra tình huống ngược lại “Nếu tác giả không giải thích khái niệm “thần tượng” thì sẽ gây ra khó khăn gì?”

Lời giải chi tiết:

Việc đưa ra cách hiểu về khái niệm “thần tượng” ở đoạn đầu trong phần thân bài là rất hợp lí. Bởi nó sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề người viết đang muốn nói tới; là cơ sở cho những luận điểm tiếp theo và tăng sức thuyết phục cho một bài văn nghị luận.

Câu 3 (trang 56, SGK Ngữ Văn 10, tập một)

Đề bài: Nhận xét về cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản.

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ toàn bộ ngữ liệu tham khảo.

– Chú ý cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản.

Lời giải chi tiết:

Cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản rất thuyết phục, xác thực và được trình bày theo một trình tự hợp lí. Lí lẽ và bằng chứng được sử dụng ngay sau luận điểm chính mà nhờ đó vấn đề nghị luận được làm sáng rõ hơn.

Câu 4 (trang 56, SGK Ngữ Văn 10, tập một)

Đề bài: Nêu một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình, nhận xét về cách thể hiện ấy.

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ ngữ liệu tham khảo.

– Chú ý một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã thể hiện quan điểm của mình.

Lời giải chi tiết:

– Một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình:

+ “Xung quanh vấn đề này, theo tôi, có mấy câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng”.

+ “Theo tôi” được lặp lại nhiều lần.

→ Nhận xét: việc sử dụng một số từ ngữ và câu văn như vậy giúp cho bài viết nghị luận mang tính chủ quan, thể hiện rõ cách nhìn của người viết đối với vấn đề chính trong bài. Từ đó, tìm được sự đồng cảm nơi người đọc về cùng một vấn đề.

Câu 5 (trang 56, SGK Ngữ văn 10, tập một)

Đề bài: Bạn rút được kinh nghiệm hay lưu ý gì trong cách trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống từ ngữ liệu trên?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ ngữ liệu tham khảo để tìm hiểu cách viết.

– Từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Lời giải chi tiết:

– Cần nêu lên quan điểm của cá nhân.

– Nêu rõ vấn đề mình sẽ nghị luận.

– Cần có hệ thống luận điểm, dẫn chứng, lí lẽ thuyết phục.

Thực hành viết theo quy trình

Video hướng dẫn giải

Hãy viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về một trong những vấn đề sau:

– Tầm quan trọng của động cơ học tập;

– Ứng xử trên không gian mạng;

– Quan niệm về lòng vị tha;

– Thị hiếu của thanh niên ngày nay,…

Phương pháp giải:

– Xác định rõ vấn đề sẽ viết.

– Tìm ý và lập dàn ý rõ ràng.

– Viết bài.

Lời giải chi tiết:

Bài làm

     Học, học nữa, học mãi, câu nói của Lênin vẫn đúng cho đến tận bây giờ. Học để tiếp thu kiến thức, những điều cần biết, là hành trang vững chãi trên con đường tương lai. Tuy nhiên, một số bộ phận học sinh đã lơ là việc học và việc tạo cho mình một động cơ học tập là điều rất cần thiết.

     Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là động cơ học tập? Theo J. Piaget, “Động cơ là tất cả các yếu tố thúc đẩy cá thể hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng cho hoạt động đó”. Theo Phan Trọng Ngọ, “Động cơ học tập là cái mà việc học của họ phải đạt được để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nói ngắn gọn, học viên học cái gì thì đó là động cơ học tập của học viên”. Từ một số kết quả tìm hiểu được, tóm lại, động cơ học tập chính là yếu tố định hướng, thúc đẩy hoạt động học tập, nó phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức của người đọc. Bởi vậy, động cơ học tập đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình học tập của mỗi người.

     Vậy, động cơ học tập được hình thành như thế nào? Động cơ học tập không có sẵn hay tự bộc phát mà được hình thành dần dần trong quá trình học tập của mỗi học sinh. Nhu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là “phải hiểu biết” và một bên là “chưa hiểu biết” (hay hiểu biết chưa đủ, chưa đúng) là nguyên nhân chính để hình thành động cơ học tập. Ngoài ra, động cơ nói chung và động cơ học tập nói riêng cũng thường có mối liên hệ mật thiết với hứng thú của con người. Theo tôi, động cơ học tập được chia thành hai loại: động cơ bên ngoài (động cơ xã hội) và động cơ bên trong (động cơ hoàn thiện tri thức). Động cơ xã hội chính là những yếu tố bên ngoài tác động đến người học (bố mẹ, tương lai, thầy, cô giáo). Động cơ này thường mang yếu tố áp lực hơn bởi đôi khi có một số trường hợp sẽ mang tính chất cưỡng chế (ví dụ: kết quả học tập không đáp ứng được nhu cầu của bố mẹ). Động cơ bên trong là tự bản thân người học tạo ra hứng thú trong việc học của mình (cố gắng học để đạt điểm cao, để hiện thực hóa ước mơ). Trong từng hoàn cảnh cụ thể, hai động cơ này sẽ xuất hiện đồng thời bởi chúng có mối liên hệ với nhau. Động cơ xã hội “bám vào”, “hiện thân” trên động cơ hoàn thiện tri thức, trở thành một bộ phận của động cơ hoàn thiện tri thức. Tuy nhiên, động cơ hoàn thiện tri thức vẫn đóng vai trò chính.

     Động cơ học tập có tầm quan trọng như thế nào? Đối với học sinh, việc học là quan trọng nhất. Bởi hành trang tri thức là hành trang vững chãi, thiết thực và cần thiết nhất trên con đường thành công. Bất kể làm việc gì, khi chúng ta có hứng thú, mọi việc mới được tiến hành một cách nhanh chóng nhất. Chính vì vậy, động cơ học tập chính là yếu tố then chốt tạo nên hứng thú học tập cho học sinh. Nếu có được những động cơ học tập phù hợp, việc học sẽ không còn áp lực với mỗi học sinh, chúng sẽ thấy đó là điều thú vị cần phải chinh phục được. Từ đó, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất nhiều.

     Tuy nhiên, để kích thích sự hứng thú ấy cũng cần những người “nghệ sĩ”. Trước hết, mỗi học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc học, cần có mục tiêu rõ ràng (Đặt câu hỏi “Học để làm gì?”), có phương pháp học tập đúng đắn. Việc tự hoàn thiện mình như vậy cũng là yếu tố quan trọng để khơi dậy động cơ học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên cũng rất cần thiết. Cha mẹ cần giải thích rõ cho con hiểu về lợi ích của việc học và tác hại nếu như con người không có tri thức để tạo một động cơ học tập tích cực cho con. Đặc biệt, phụ huynh không nên sử dụng phương pháp “con nhà người ta” để giúp con tiến bộ hơn bởi phần lớn sẽ sinh ra mặt trái là sự đố kị chứ không phải sự cố gắng. Giáo viên hãy tăng hứng thú trong mỗi giờ học bằng lối giảng truyền cảm, đôi khi pha chút thú vị, thường xuyên thay đổi phương pháp dạy để học sinh tìm kiếm được những điều mới lạ trong những trang sách.

Với tất cả những điều đã phân tích ở trên, theo tôi, tự mỗi người hãy đề ra cho mình cách học và mục đích học đúng đắn, xác thực; cố gắng để đạt được thành công đó. Đồng thời, cha mẹ và giáo viên cũng chính là những bước đệm quan trọng để giúp con tìm ra động cơ học tập. Có như vậy, việc học đối với mỗi học sinh sẽ không còn là ác mộng.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 03/2024!