Updated at: 01-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách ” Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức” chuẩn nhất 04/2024.

Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 1

Câu 1

 Vấn đề (câu hỏi) nghiên cứu của tác giả trong bài viết là gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, dựa vào tiêu đề các nội dung và đối tượng chính để xác định vấn đề nghiên cứu của tác giả.

Lời giải chi tiết:

Vấn đề nghiên cứu của tác giả trong bài viết là dấu ấn của sử thi Ấn Độ Ra-ma-ya-na trong văn hóa Việt Nam.

Câu 2

Để triển khai bài viết, tác giả đã sử dụng những luận điểm chính nào?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và chú ý tới các mục, các ý chính được triển khai để rút ra các luận điểm chính.

Lời giải chi tiết:

Những luận điểm chính được tác giả sử dụng để triển khai bài viết là:

– Dấu ấn của sử thi Ra-ma-ya-na trong văn học dân gian và văn học viết thời trung đại

  + Sử thi Tewa Mưno được xem là phiên bản bản địa của Ra-ma-ya-na

  + Dạ thoa vương, truyện truyền kì ra đời dưới thời nhà Trần là một phiên bản tóm lược của sử thi này

– Dấu ấn của sử thi Ra-ma-ya-na trong nghệ thuật điêu khắc

– Dấu ấn của sử thi Ra-ma-ya-na trong văn hóa đương đại

Câu 3

Tác giả đã sử dụng những loại bằng chứng nào để làm sáng tỏ các luận điểm chính?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ các luận điểm chính và tìm ra bằng chứng của nó trong văn bản.

Lời giải chi tiết:

Để làm sáng tỏ các luận điểm chính của mình, tác giả đã đưa ra rất nhiều bằng chứng để chứng minh, có những loại bằng chứng chính sau:

– Bằng chứng liên quan đến những đặc trưng của thể loại sử thi: “Trong sử thi của người Chăm… nhân vật”

– Bằng chứng liên quan đến văn hóa của dân tộc tiếp nhận dấu ấn (Chăm): “Trong văn hóa cộng đồng của Việt Nam… đậm nét nhất”

– Bằng chứng liên quan đến vật thể: “Tại bảo tàng điêu khắc… sử thi Ấn Độ”

Thực hành viết

Sau khi đọc và tìm hiểu về đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời và những hiểu biết của mình về thể loại sử thi, viết báo cáo nghiên cứu về hình thức biểu diễn sử thi trong đời sống những người dân Ê đê hiện nay.

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ đề bài để tìm ra vấn đề.

– Tìm hiểu thông tin, tư liệu liên quan để triển khai báo cáo.

– Tìm và sắp xếp luận điểm trong bài báo cáo hợp lý và mạch lạc.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần phân tích

2. Thân bài

– Khái quát về thể loại sử thi: người Êđê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Hát kể klei khan không phải là hát kể thông thường mà bao gồm ý nghĩa ngợi ca.

– Hình thức biểu diễn sử thi của người dân Ê đê là hình thứ hát, hát kể,…

+ Hát kể sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của cộng đồng người Ê đê, được tồn tại bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác.

+ Nội dung của hát kể sử thi chủ yếu ca ngợi các anh hùng dân tộc, tôn vinh những người có công tạo lập buôn làng, những người anh hùng có công bảo vệ cộng đồng thoát khỏi sự diệt vong, áp bức và sự xâm chiếm của các thế lực khác; …

+ Ngôn ngữ diễn xướng của sử thi Êđê là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời và nhạc.

– Sự ảnh hưởng của sử thi đến đời sống người dân Ê đê:

+ Ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần: Người Ê đê thực hiện hát sử thi trong cuộc sống hàng ngày, trong lễ nghi và lao động.

+ Sự tôn sùng của người Ê đê về sử thi.

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề

Bài viết mẫu

1. Đặt vấn đề

Sử thi Ê đê ra đời trong điều kiện xã hội loài người có những biến động lớn về những cuộc di cư lịch sử, đặc biệt là những cuộc chiến tranh giữa các thị tộc, bộ lạc để giành đất sống ở vùng rừng núi Tây Nguyên.

2. Giải quyết vấn đề

a) Khái quát về đồng bào Ê đê và sử thi Ê đê.

Đồng bào dân tộc Ê đê xếp thứ 12 trong cộng đồng 54 dân tộc anh em tại Việt Nam. Ước tính có hơn 331.000 người Ê đê cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắk Lắk, phía Nam của tỉnh Gia Lai và miền Tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên của Việt Nam. Người Êđê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Hát kể klei khan không phải là hát kể thông thường mà bao gồm ý nghĩa ngợi ca. Thực chất đây là một hình thức kể chuyện tổng hợp được thông qua hát kể.

Các tác phẩm sử thi đều phản ánh quan niệm về vũ trụ với thế giới thần linh có ba tầng rõ rệt: tầng trời, tầng mặt đất và tầng dưới mặt đất – thế giới mà con người và thần linh gần gũi với nhau; phản ánh xã hội cổ đại của người Ê đê, cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng bình đẳng, giàu có; phản ánh quyền lực gia đình mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong quản lý và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

3. Hình thức hát kể sử thi

Hát kể sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của cộng đồng người Ê đê, được tồn tại bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác.Nội dung của hát kể sử thi chủ yếu ca ngợi các anh hùng dân tộc, tôn vinh những người có công tạo lập buôn làng, những người anh hùng có công bảo vệ cộng đồng thoát khỏi sự diệt vong, áp bức và sự xâm chiếm của các thế lực khác; đề cao sự sáng tạo, mưu trí tài giỏi, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn, nêu cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; ca ngợi cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn tâm hồn, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn; miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của buôn làng…

Ngôn ngữ hát kể của sử thi Êđê là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời và nhạc. Về phần lời, sử thi Ê đê đều thể hiện một hình thức ngôn ngữ đặc biệt là lời nói vần (klei duê). Trong khi diễn xướng người nghệ nhân còn vận dụng các làn điệu dân ca của dân tộc mình, như: Ay ray, kưưt, mmuin… để tạo nên nhịp điệu vừa có chất thơ vừa có chất nhạc. Trong hình thức ngôn ngữ đó, các câu chữ như một móc xích nối các câu vần với nhau. Chính đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến nghệ nhân có thể thuộc được cả những tác phẩm dài hàng vạn câu.

Trong sử thi thường nhắc nhiều về những cánh rừng bạt ngàn, rõ nét nhất là cảnh buôn làng giàu có của các tù trưởng, những người hùng nổi tiếng khắp vùng như Đăm Săn, Khing Ju… Trong trí tưởng tượng của người kể, những cánh rừng đi săn bắn, nơi làm rẫy và bến nước đều ở hướng đông. Đây là hướng mỗi buổi sáng thức dậy và đi lên rẫy đều nhìn thấy mặt trời ló trên đỉnh núi, họ quan niệm đây là sự sống, sự sinh sôi, nẩy nở khi tiếp nhận ánh sáng của nữ thần mặt trời mỗi ngày. Ánh mặt trời là sự báo ứng của những điều tốt lành, là sự hy vọng trở thành hiện thực.

Ví dụ như trong sử thi Khing Ju có đoạn kể: “Đến sáng hôm sau, khi mặt trời lên khỏi ngọn núi, Prong Mưng Dăng lấy nước trong bầu rửa mặt. Sau đó, vít cần rượu và tiếp tục uống. Càng uống nước trong ché càng đầy, có lúc nước tràn ra ngoài”. Đây là điều tốt lành báo ứng cho Prong Mưng Dăng dắt bà đỡ đẻ về gấp cho em gái mình H’Ling kịp sinh con, trong khi Prong Mưng Dăng đang mải mê tỏ tình với H’Bia Ling Pang.

4. Ảnh hưởng của sử thi đối với dân tộc Ê đê.

Với bất cứ sử thi nào, khi một nhân vật đi tìm ai và hỏi người nào đó trong làng thì sẽ có câu trả lời khéo léo. Đó là: “Nhìn cột nhà sàn nó dài hơn nhà khác, có nhiều cái bành voi để ngoài hiên, cầu thang rộng bằng trải ba chiếc chiếu. Cầu thang rộng đến nỗi những chàng trai xuống một lúc năm, các cô gái thì xuống được ba người, con heo, con chó chạy đầy dưới sân”. Câu trả lời này làm cho người nghe tưởng tượng về ngôi nhà đó đẹp, dài, rộng hơn hẳn những ngôi nhà trong buôn mình. Riêng nội thất trong nhà, người kể luôn tạo ra những lời kể bằng ngôn từ tượng hình. Ví dụ: “Cột nhà trong chạm trổ rất đẹp, sàn nhà láng bóng. Gian trong cột bằng chỉ đỏ, gian ngoài cột bằng chỉ vàng”. Những hình ảnh gần như có thực với không gian hiện thực.

Ví dụ: “Từ trong bành voi, Mtao Grư đạp lên đầu voi nhảy xuống sàn hiên, từ sàn hiên nhảy qua ngạch cửa, từ ghế Jhưng (ghế chủ nhà), nhảy đến chỗ ngồi đánh Jhar (chiêng lớn tiếng ngân vang), từ chỗ đánh Jhar đến chỗ đánh chiêng (ghế kpan), từ chỗ đánh chiêng nhảy đến chỗ đánh hgơr (trống cái)”. Hình ảnh này làm người nghe hình dung ra những hành động nhẹ nhàng, nhanh nhẹn của Mtao Grư đi vào qua các vị trí đặt chiêng, chỗ để của những vật dụng (như jhưng, kpan, thứ tự từ gian ngoài đi vào gian trong). Qua tình tiết của câu chuyện, người nghe đã hình dung đây là một nhà giàu có nhất trong buôn làng

Tại không gian lễ hội bỏ mả của người Êđê M’Dhur, về khuya, sau khi mọi nghi lễ tạm dừng lại, thì nghệ nhân kể khan bắt đầu kể những bài khan nổi tiếng của dân tộc mình cho mọi người nghe. Đây là hình thức sinh hoạt kể sử thi vô cùng độc đáo. Bên đống lửa bập bùng tại không gian nhà mồ rộng lớn, nghệ nhân hát kể sử thi cho hàng nghìn người nghe. Dân làng, già trẻ gái trai và khách gần xa ngồi im lặng say sưa lắng nghe kể sử thi suốt đêm thâu cho đến khi con gà trống gáy vang núi rừng, báo hiệu ông mặt trời đã thức giấc thì nghệ nhân hát kể sử thi mới dừng câu chuyện lại để chuẩn bị cho các nghi lễ tiếp theo của lễ hội bỏ mả. Ở đây, lễ hội bỏ mả được tổ chức bao nhiêu ngày đêm, thì những người đến dự lễ được nghe kể sử thi bấy nhiêu đêm.

5. Kết luận.

Sử thi Ê đê, chính là một bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân và về những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho cộng đồng. Người dân Ê đê hát kể sử thi như một cách để bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc đồng thời tuyên truyền nét đẹp này đến với nhiều đồng bào dân tộc khác.

6. Tài liệu tham khảo

GS.TS Nguyễn Xuân Kinh, Quá trình sưu tầm và nhận thức lí luận đối với sử thi ở Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hoá.

Khan (sử thi) của người Ê Đê, Cục Di sản văn hoá.

Hoàng Hưng (2021), Ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê, Văn hóa Việt Nam.

Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 2

Câu 1

Nhan đề của báo cáo nghiên cứu cho biết điều gì về nội dung và phạm vi nghiên cứu?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết tham khảo.

– Từ nhan đề của báo cáo để chỉ ra nội dung và phạm vi nghiên cứu của bài báo cáo.

Lời giải chi tiết:

Nhan đề của báo cáo nghiên cứu cho thấy nội dung và phạm vi nghiên cứu là về loại hình sân khấu chèo và ngôn ngữ đối thoại của chèo.

Câu 2

Báo cáo nghiên cứu có những luận điểm chính nào?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết tham khảo.

– Dựa vào cách triển khai nội dung nghiên cứu để chỉ ra những luận điểm chính của bản báo cáo.

Lời giải chi tiết:

Những luận điểm chính của bản báo cáo:

– Ngôn ngữ sân khấu chèo ở đoạn này có thể là những câu thơ chữ Hán đầy điển cố, khó hiểu, đến đoạn khác lại gần như là một câu ca dao nuột nà, phơi phới tình người.

– Một câu đối thoại hay là một câu nói vừa giải thích được những đặc điểm riêng của nhân vật đồng thời lại là sự thể hiện của nhân vật đó.

– Ngôn ngữ trong vở chèo mang tính tư tưởng, là sức sống bên trong của nhân vật, đồng thời là chiếc xe chở tư tưởng của tác giả.

– Trong khi viết ngôn ngữ cho nhân vật, các tác giả xưa rất chú ý đến nhịp điệu và âm luật câu văn.

– Ở một số vở chèo xưa, có những nhân vật không hề có tiếng nói của bản thân họ mà nói bằng một loại ngôn ngữ nâng cao.

– Một đặc điểm nữa trong ngôn ngữ đối thoại trong chèo là tính ước lệ.

– Về mặt hình thái văn học, ngôn ngữ trong chèo được trình bày dưới ba dạng: nói thường, nói có tuyền luật và hát.

Câu 3

Tác giả đã sử dụng cứ liệu như thế nào để làm sáng tỏ các luận điểm?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết tham khảo.

– Dựa vào những luận điểm chính đã tìm được để chỉ ra những cứ liệu mà tác giả đã sử dụng

Lời giải chi tiết:

Tác giả đã sử dụng những cứ liệu là những thông tin, nghiên cứu đã có trước đấy về chèo; ngôn ngữ trong các kịch bản chèo phổ biến và thông tin chọn lọc từ một số cuốn sách viết về chèo,…

Câu 4

Cuối báo cáo nghiên cứu không có danh mục tài liệu tham khảo? Hãy cho biết suy nghĩ của bạn về điều này.

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết tham khảo.

– Đọc kĩ phần cuối của báo cáo và nêu những thông tin được nhắc đến.

Lời giải chi tiết:

Phần cuối của báo cáo nghiên cứu đã

– Tổng kết lại những thông tin thu thập được khi nghiên cứu ngôn ngữ trong chèo,

– Nhắc đến những vấn đề nghiên cứu chèo chưa được giải quyết,

– Cuối cùng là thông tin về những tài liệu tham khảo dùng trong nghiên cứu.

Phần cuối không có danh mục tài liệu tham khảo, từ đó cho thấy người viết báo cáo này có kiến thức rất tốt về chèo và chủ động, tích cực, không dựa dẫm vào các nguồn tài liệu có sẵn.

Thực hành viết

Viết bài báo cáo nghiên cứu về việc vận dụng tục ngữ, ca dao trong lời thoại của nhân vật chèo.

Phương pháp giải:

– Đọc lại phần tri thức ngữ văn về chèo.

– Đọc kĩ hướng dẫn các bước viết bài báo cáo trong phần Viết.

– Dựa vào bài viết tham khảo và các kiến thức đã tìm hiểu để hoàn thành bài báo cáo.

Lời giải chi tiết:

Bài báo cáo mẫu

Chèo là nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống xuất hiện từ lâu đời và mang bản sắc dân tộc đậm đà nhất của dân tộc Việt Nam. Chèo là một loại kịch hát dân gian có tính chất tổng hợp, sản phẩm của sinh hoạt xã hội nông nghiệp cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.Việc vận dụng tục ngữ, ca dao trong lời thoại của nhân vật chèo có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu chèo.

Qua khảo sát một số kịch bản chèo truyền thống trong cuốn Tuyển tập Chèo cổ của GS. Hà Văn Cầu, chúng tôi nhận thấy không thể lấy khía cạnh văn học để nghiên cứu các câu ca dao, tục ngữ trong chèo. Qua thống kê, khảo sát có thể thấy số câu tục ngữ được cải biên được sử dụng nhiều hơn số câu tục ngữ nguyên dạng và có những câu tục ngữ được sử dụng ở những tác phẩm khác nhau, trong lời thoại của nhiều nhân vật khác nhau sẽ mang mục đích khác nhau. Điều này có liên quan đến nội dung từng kịch bản và theo từng phong cách riêng của tác giả nên cách vận dụng những câu tục ngữ truyền thống rất đa dạng.

Chèo đã sử dụng một cách tài tình tục ngữ, thành ngữ vốn là những kinh nghiệm được đúc kết từ trong lao động sản suất, trong đời sống xã hội, … để đưa trực tiếp vào lời thoại của nhân vật. Chẳng hạn như trong vở chèo Kim Nham, câu tục ngữ “lòng chim dạ cá” được sử dụng trong lời nhân vật Xúy Vân ý chỉ lòng dạ mình đã đổi thay, đã trót say giăng hoa ở ngoài:

Xúy Vân:

Tôi Xúy Vân quỳ xuống thềm hoa

Nguyện thiên địa quỷ thần soi xét

Tôi có ở ra lòng chim dạ cá

Say giăng hoa không sợ thế gian cười

Khi thác thời thi thể trôi nổi

Hình hài mặc cá sông vùi lấp

(Kim Nham)

Bên cạnh việc sử dụng nguyên dạng các câu tục ngữ dân gian, chèo truyền thống cũng đã cải biến, thêm lời và đổi ý khi đưa những câu tục ngữ trong dân gian vào lời thoại nhân vật. Có những câu tục ngữ được chèo tiếp thu cả lời lẫn ý nhưng vẫn có sự sửa đổi đôi chút. Chẳng hạn như đoạn lính hầu mắng Lưu Bình:

“Anh này chỉ nói láo. Quần trứng sáo, áo nước dưa khăn gói gió đưa bạn tôi không đáng mà dám bảo là bạn quan tôi à!” (Lưu Bình – Dương Lễ)

So với câu tục ngữ gốc “Quần trứng sao, áo hoa tiên” nhằm để chỉ những người nhàn hạ trong xã hội xưa, khi được vận dụng vào lời thoại của nhân vật lính hầu đã có sự thêm bớt thành câu có vần vè hơn “quần trứng sáo, áo nước dưa khăn gói gió đưa …” ám chỉ rằng lúc này Lưu Bình đang gặp khó khăn và ăn mặc như thường dân nên chỉ bằng vai với anh lính hầu thôi.

Chèo thường đề cao một khía cạnh đạo đức nào đó của nhân vật vậy nên có một số câu tục ngữ quen thuộc thường xuất hiện nhiều trong chèo như câu “xuất giá tòng phu phu tử tòng phụ” được sử dụng nhiều trong các kịch bản quen thuộc. Ngoài ra, chèo truyền thống còn xây dựng nên những mô hình nhân vật nữ chính như nhân vật Thị Kính, Thị Phương, Châu Long, … mang ý đồ giáo huấn phụ nữ về những chuẩn mực của luân lý tam tòng tứ đức.

Chèo cũng đưa một số câu tục ngữ có khía cạnh đạo đức hay một số tục ngữ mang tính khẳng định triết lý, tư tưởng nào đó, … Không chỉ sử dụng các câu tục ngữ thuần Việt, các tác giả chèo truyền thống còn đưa các câu tục ngữ Hán Việt vào lời thoại của nhân vật như “ác giả ác báo” (Quan Âm Thị Kính), “Bần tiện bất năng di” (Chu Mãi Thần), … Đây cũng là một cách để tạo nên sự kết hợp giữa tính dân gian và tính bác học trong Chèo.

Ngoài vận dụng tục ngữ thì chèo truyền thống cũng đưa những câu ca dao vào lời thoại nhân vật, có thể dùng nguyên văn hoặc sử đổi một số từ của câu ca dao khi đưa vào lời thoại. Ví dụ Châu Long đã mượn nguyên lời ca dao để bộc lộ tâm trạng của mình:

Vì chàng thiếp phải long đong

Những như thân thiếp cũng xong một bề

Hay lời Thị Mầu trong điệu hát sắp đã được sửa đổi một vài từ trong câu ca dao:

Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình chẳng xinh

Một trong những giá trị độc đáo của văn học chèo chính là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân gian và yếu tố bác học làm cho chèo có tính chất bác học mà vẫn đậm đà tính chất dân gian. Việc sử dụng ca dao, tục ngữ đưa vào lời thoại của các nhân vật đã góp phần quan trọng tạo nên tính dân gian trong chèo, giúp chèo giữ được cái chất của mình đồng thời kết thừa và tiếp tục truyền thống dân tộc.

Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 3

1. Đặt vấn đề

Sử thi “Đăm Săn” là pho sử thi nổi tiếng của người Ê-đê. Đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời” là một trong những trích đoạn tiêu biểu kể lại hành trình chinh phục Nữ Thần Mặt Trời của người anh hùng Đăm Săn. Đồng thời, nó còn phản ánh diện mạo đời sống tinh thần, niềm tin cộng đồng người Ê-đê. Thông qua đoạn trích, không gian sinh hoạt của người Ê-đê được hiện lên rõ nét và trở thành một điểm nhấn thú vị, đáng để khám phá.

2. Giải quyết vấn đề

a. Kiến trúc nhà ở của người Ê-đê trong đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời”

Trước hết, kiến trúc nhà ở của người Ê-đê trong đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời” gắn liền với hình ảnh nhà sàn dài. Nhà sàn dài là kiến trúc độc đáo và đặc biệt của người Ê-đê ở Tây Nguyên. Đặc trưng của nhà dài Tây Nguyên bao gồm: hình thức của thang, cột sàn và cách bố trí vật dụng trên mặt bằng sinh hoạt. Điều này được miêu tả rất rõ trong đoạn trích ở các chi tiết: “Chồm lên hai lần, chàng leo hết cầu thang. Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây”, “cầu thang trông như cái cầu vồng”, “tòa nhà dài dằng dặc”, “voi vây chặt sàn sân”, “các xà ngang xà dọc đều thếp vàng”. Hình ảnh nhà sàn dài dằng dặc, cầu thang, xà ngang xuất hiện nhiều lần và được lặp đi lặp lại cho thấy dấu ấn kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào người Ê-đê. Tuy kiến trúc nhà ở không được miêu tả một cách tỉ mỉ nhưng những hình ảnh tiêu biểu như vậy cũng đủ để làm đồng hiện nền văn hóa đặc sắc của vùng Tây Nguyên.

b. Sinh hoạt của người Ê-đê trong không gian nhà ở trong đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời”

Không gian nhà dài chính là nơi cư trú của người dân Ê-đê. Tại đây diễn ra rất nhiều hoạt động gắn liền với văn hóa của người Ê-đê như hội họp, ăn mừng, kể chuyện sử thi, tổ chức nghi lễ thờ cúng thần linh,… Đoạn văn trong đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời” đã miêu tả lại khung cảnh của người dân như sau: “tôi tớ trải dưới một chiếu trắng, trải trên một chiếu đỏ làm chỗ ngồi cho nhà tù trưởng. Rồi họ đem thuốc sợi cả hòm đồng, thuốc lá cả sọt đại, trầu vỏ cả gùi to, không còn sợ thiếu thuốc thiếu trần cho Đăm Săn ăn, hút. Họ đốt một gà mái ấp, giết một gà mái đẻ, giã gạo trắng như hoa êpang, sáng như ánh mặt trời, nấu cơm mời khách. Họ đi lấy rượu, đem một ché tuk da lươn, một ché êbah Mnông, trên vẽ hoa kơ-ụ, dưới lượn hoa văn, tai ché hình mỏ vẹt xâu lỗ. Đó là những cái ché ngã giá phải ba voi. Ai đi lấy nước cứ đi lấy nước, ai đánh chiêng cứ đánh chiêng, ai cắm cần cứ cắm cần. Cần cắm rồi, người ta mời Đăm Săn vào uống.”. Các vật dụng xuất hiện trong đoạn văn như: ché tuk, ché êbah, là những đồ vật được làm bằng gốm với hình hoa văn đa dạng, được xem là những đồ vật quý của người Ê-đê. Nó biểu thị cho sự sung túc, giàu có, phải “ngã giá bằng ba voi” mới có được.

Hơn nữa, đoạn văn còn làm nổi bật được hoạt động và tính cách của người dân Ê-đê. Để thiết đãi vị tù trưởng Đăm Săn – vị khách quý của buôn làng, người dân nô nức thi nhau mang ra những món ăn ngon nhất, những loại thuốc quý nhất để thiết đãi: thuốc sợi, thuốc lá, trầu vỏ, gà mái ấp, gà mái đẻ, gạo trắng. Người Ê-đê hiện lên với nét tính cách xởi lởi, hào phóng, nồng hậu. Những hoạt động thiết đãi tù trưởng Đăm Săn cũng chính là những hoạt động của dân làng khi tiếp đón những vị khách quý từ phương xa.

Bên cạnh đó, chi tiết “chiêng xếp đầy nhà ngoài”, “cồng chất đầy nhà trong” và “ai đánh chiêng cứ đánh chiêng, ai cắm cần cứ cắm cần” đã phản ánh phong tục đánh cồng chiêng và uống rượu cần của người dân vùng Tây Nguyên. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà nó còn chứa đựng giá trị văn hóa của cộng đồng người Ê-đê. Chính vì vậy, chi tiết Đăm Săn đến nhà Nữ Thần Mặt Trời thấy hình ảnh “chiêng xếp đầy nhà ngoài, cồng xếp đầy nhà trong” biểu thị cho sự quyền lực và giàu có. Người Ê-đê tin rằng: mỗi một chiếc cồng đều ẩn chứa một vị thần cho nên càng nhiều cồng, cồng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Ngoài ra, tục uống rượu cần cũng là một nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần trong đoạn trích chính là phương tiện để gắn kết tình cảm giữa người tù trưởng Đăm Săn và Đăm Par Kvây. Rượu không chỉ đóng vai trò trong các buổi thực hành nghi lễ để cầu xin đấng thần linh mà nó còn thể hiện đầy đủ tinh thần tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của chủ nhà.

Có thể nói, những vật dụng trong căn nhà của người Ê-đê không chỉ gắn liền với hoạt động sống mà còn phản ánh được tính cách, sự giàu có, phồn vinh của cả một cộng đồng.

3. Kết luận

Đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời” là đoạn trích quan trọng của sử thi “Đăm Săn”. Đoạn trích không chỉ khắc họa vẻ đẹp phi thường, khát vọng mãnh liệt của người anh hùng Đăm Săn mà qua đó, chúng ta còn thấy được những nét đẹp văn hóa, đặc biệt là không gian sinh hoạt của người Ê-đê ở Tây Nguyên. Sử thi “Đăm Săn” cho thấy kiến trúc nhà dài, vật dụng gắn liền với sinh hoạt và lối sống, tính cách của đồng bào người Ê-đê. Các giá trị vật chất, tinh thần của người Ê-đê trong thời đại mới cần phải được bảo tồn và phát huy hơn nữa.

Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 4

Một trong những dân tộc của Việt Nam có nền văn hóa đặc sắc tiêu biểu, có nét đặc trưng riêng biệt ấn tượng nhất phải kể đến dân tộc Tày. Dân tộc Tày đã đóng góp nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cùng nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn, làm văn hóa, nét đẹp chung của các dân tộc Việt Nam thêm phong phú và đa dạng.

Dân tộc Tày hay còn được gọi là dân tộc Thổ, có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Hiện nay, tổng số người dân tộc Tày khoảng 1.845.492 người (Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019).

Người Tày cư trú ở vùng thung lũng các tỉnh Ðông Bắc, từ Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang đến Lào Cai, Yên Bái. Họ thích sống thành bản làng đông đúc, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà.

Do cư trú rộng khắp nên đời sống văn hoá, tinh thần khá phong phú, đa dạng, có sự giống và khác nhau đôi chút giữa các vùng do có nét riêng biệt mang tính bản địa, trong quá trình giao tiếp, văn hoá với các dân tộc khác có sự giao thoa, cộng sinh càng làm tăng thêm vẻ đẹp phong phú, đa dạng từ bao đời nay.

Có thể kể đến như:

1. Phong tục tập quán

Phong tục tập quán là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự đặc sắc cũng như độc đáo cho văn hóa dân tộc Tày. Đã từ bao đời, đồng bào dân tộc Tày đã cư trú tập trung thành bản, thường ở ven các thung lũng, triền núi thấp trên một miền thượng du, mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà.

Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, họ thường chọn những loại gỗ quý để dựng nhà, nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hoặc lá cọ. Điểm khác biệt và độc nhất của dân tộc tày đó chính là tục kết hôn trong cùng dòng họ. Các cặp nữ sẽ được quyền tự do tìm hiểu trước khi tiến tới hôn nhân nhưng có được phép kết hôn hay không là tùy theo theo quyết định của hai gia đình.

Theo phong tục truyền thống, hôn lễ sẽ được tiến hành qua các nghi thức như lễ dạm, lễ ăn hỏi, lễ sêu tết, lễ báo ngày cưới, lễ cưới, lễ đón dâu, đưa dâu. Bên cạnh đó, dân tộc Tày còn có những phong tục tập quán khác như lễ tảo mộ, tang lễ.

2. Ẩm thực

Theo văn hóa dân tộc Tày, truyền thống làm ruộng nước, thâm canh, áp dụng các biện pháp thủy lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng đã trở nên quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Tày.

Nhờ sự gắn bó với cuộc sống thiên nhiên, vì vậy nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu của người Tày thường là những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng có rừng, sông, suối, đồi núi bao quanh như lúa, ngô, khoai, sắn, các loại rau và quả lê, táo, mận, quýt, hồng. Bên cạnh đó, các món ăn trong bữa cơm gia đình của đồng Tày rất phong phú và đa dạng.

Người Tày ưa chuộng những món ăn có vị chua như món thịt trâu xào măng chua, thịt lợn chua, cá ruộng ướp chua, canh cá lá chua và các loại quả có vị chua như khế, sấu, trám, tai chua đều được họ sử dụng trong các món ăn.

3. Trang phục

Khi nhắc đến những nét đặc sắc và ấn tượng của văn hóa dân tộc Tày thì không thể nào bỏ qua yếu tố về trang phục. Nếu như những bộ trang phục của người Mường được thiết kế cầu kỳ với nhiều họa tiết được thêu dệt tỉ mỉ thì trang phục của người Tày lại có vẻ giản đơn hơn.

Tuy vậy nhưng những bộ y phục của đồng bào dân tộc này luôn tạo ra nét riêng biệt và mang lại cho người mặc vẻ đẹp thuần khiết, giản dị. Nhìn chung trang phục cổ truyền của người Tày thường được làm từ vải sợi bông tự dệt, được nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí cầu kỳ. Người dân tộc sẽ đeo phụ kiện để trang trí là các đồ trang sức làm từ bạc và đồng như khuyên tai, kiềng, lắc tay, xà tích.

Ngoài ra còn có thắt lưng, giày vải có quai, khăn vấn và khăn mỏ quạ màu chàm đồng nhất. Trang phục của người dân tộc Tày có thể được coi là đơn nhất trong những bộ trang phục của 54 thành phần dân tộc khác nhau của Việt Nam, tuy thế nó lại chứa đựng những ý nghĩa tốt đẹp và có giá trị văn hóa.

Người Tày luôn có một sự tự hào to lớn về những nét văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, kết tinh nên những giá trị nhân văn cao đẹp. Qua bản báo cáo sơ lược văn hóa truyền thống dân tộc Tày, mong rằng cộng đồng sẽ cùng chắt lọc các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, có kế hoạch bảo tồn và sinh hoạt ở cộng đồng dân tộc Tày tại các thôn bản, góp phần xây dựng văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu… phát huy vai trò chủ động của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình, không để giá trị văn hóa dân tộc bị biến dạng, bị mai một.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!