Updated at: 23-03-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức ” chuẩn nhất 10/2024.

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức- mẫu 1

Câu 1

Chủ đề của Chữ người tử tù đã được tác giả bài viết khái quát qua những câu nào?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

– Chú ý vào những câu văn nói về nội dung của bài viết để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Chủ đề của Chữ người tử từ được tác giả khái quát qua những câu:

– Chữ người tử tù dựng lên một thế giới tăm tối, tù ngục, trong đó, kẻ tiểu nhân, bọn độc ác bất lương làm chủ. Trên cái tăm tối ấy, hiện lên ba đốm sáng lẻ loi, cô đơn: Huấn Cao, viên quản ngục và viên thơ lại- những con người có tài và biết trọng tài, có nghĩa khí và biết trọng nghĩa khí.

– Ba đốm sáng cô đơn ấy cuối cùng cũng tụ lại, tạo thành ngọn lửa ngùn ngụt rực sáng giữa chốn ngục tù – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

– Cái đẹp, cái tài, sự trong sạch của tâm hồn đã tập hợp họ lại giữa cái nơi xưa nay chỉ có gian ác, thô bỉ và hôi hám.

Câu 2

Để tô đậm ý tưởng của bài viết, tác giả đã chọn cách dẫn dắt như thế nào?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết tham khảo.

– Chỉ ra cách dẫn dắt trong bài được tác giả sử dụng.

Lời giải chi tiết:

Để tô đậm ý tưởng của bài viết, tác giả đã chọn cách dẫn dắt gián tiếp vô cùng khéo léo.

– Tác giả đã giới thiệu khái quát về thế giới nhân vật trong những tác phẩm của Nguyễn Tuân, từ đó định hướng nhìn nhận vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, và sau đó mới khái quát chủ đề của câu chuyện.

– Người viết đã khẳng định sự nhìn nhận sự chi phối của chủ đề với nhân vật, và rút ra kết luận là khẳng định lại ý nghĩa của chủ đề.

Video hướng dẫn giải

Câu 3

Ý nghĩa của chủ đề và nhân vật được khẳng định như thế nào qua bài viết?

Phương pháp giải:

– Đọc kĩ bài viết tham khảo.

– Chỉ ra ỹ nghĩa của chủ đề và nhận vật được khẳng định qua bài viết.

Lời giải chi tiết:

Ý nghĩa của chủ đề và nhận vật được tác giả khẳng định là vô cùng quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm và được thể hiện qua câu văn:

“Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện hơn. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sáng trong hơn, Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương”.

Thực hành viết

Thực hành viết bài nghị luận đánh giá tác phẩm truyện (Chủ đề và nhân vật trong tác phẩm truyện)

Phương pháp giải:

– Ôn lại những kiến thức về văn nghị luận.

– Giới thiệu về tác giả và tác phẩm đã lựa chọn: Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà.

– Triển khai luận điểm, luận cứ một cách rõ ràng và logic.

– Chú ý ngôn ngữ, giọng điệu, lời văn cần có sự liên kết và mạch lạc.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài

– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Quang Sáng.

– Giới thiệu khái quát truyện ngắn Chiếc lược ngà.

2. Thân bài

– Tóm tắt sơ lược nội dung tác phẩm:

+ Ông Sáu nóng lòng muốn nhận con sau 8 năm xa cách nhưng bé Thu không nhận ông Sáu là ba chỉ vì vết thẹo trên má mãi tới khi mọi người chuẩn bị trở lại chiến trường miền Đông thì bé Thu mới chịu nhận ba.

+ Ở chiến trường vì thương nhớ con ông Sáu đã làm cho con chiếc lược ngà nhưng chưa kịp trao cho con thì ông hy sinh.

– Đặc điểm tình huống truyện Chiếc lược ngà:

+ Giàu kịch tính: gây bất ngờ, tò mò cho người đọc.

+ Giàu chất thơ: có cảm xúc, sức lay động lòng người.

– Kịch tính trong tình huống truyện:

+ Tình huống gặp gỡ của ông Sáu và bé Thu: Ông Sáu cố gắng để bé Thu chấp nhận mình làm ba và sự cố gắng được đền đáp, trước khi ông Sáu đi thật bất ngờ bé Thu đã thét lên “Ba…a…a…ba!” nhận ông Sáu là ba.

+ Trở lại chiến khu miền Đông, tất cả tình yêu thương ông Sáu dồn vào làm cho con chiếc lược ngà nhưng chưa kịp trao cho con thì ông hy sinh. Trước khi hy sinh ông Sáu trao lại cây lược ngà cho bác Ba – người đồng đội thân thiết cũng là người chứng kiến câu chuyện của cha con ông Sáu.

– Tình huống truyện cuộc gặp gỡ của cha con ông Sáu giàu chất thơ thể hiện cảm xúc mãnh liệt, xúc động của tình cha con.

– Tình huống ông Sáu làm cây lược ngà và trao lại trước khi hy sinh là điểm nhấn cho giai điệu về tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh, toát lên tình cảm, cảm xúc mãnh liệt tinh tế, tạo chất thơ cho thiên truyện này.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Chiếc lược ngà.

Bài văn mẫu

     Nguyễn Quang Sáng là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Các sáng tác của ông tập trung chủ yếu về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc chiến cũng như sau hòa bình. Chiếc lược ngà là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông được sáng tác năm 1966. Tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Tác phẩm xây dựng tình huống truyện éo le: Ông Sáu sau tám năm xa nhà đi kháng chiến, ông được nghỉ ba ngày phép về thăm nhà, thăm con. Trước nỗi xúc động và tình cảm yêu mến của ông, bé Thu – đứa con gái ông yêu quý, mong nhớ suốt tám năm trời đã không nhận ra ông là ba. Ngày ông phải trả phép về đơn vị cũng chính là ngày con bé nhận ông là ba. Ở đơn vị, ông Sáu dồn tất cả tình yêu, nỗi nhớ, nỗi ân hận vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con. Nhưng chưa kịp trao cây lược cho con thì ông đã hi sinh trong một trận càn lớn của Mỹ. Từ tình huống truyện, tác phẩm đề cao, ngợi ca tình ca tình cha con sâu nặng, đồng thời tố cáo tội ác chiến tranh.

Truyện xoay quanh hai nhân vật chính là bé Thu và ông Sáu, thông qua tình huống truyện éo le, mỗi nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất của mình. Trước hết về bé Thu, em là con của ông Sáu nhưng từ nhỏ đã phải xa cha do ba vào chiến trường. Sau tám năm xa cách, Thu được gặp lại ba, những tưởng đó sẽ là cuộc đoàn viên đầy hạnh phúc, nhưng trái ngược với ông Sáu mừng rỡ lao về phía em thì Thu dửng dưng, thậm chí hốt hoảng gọi “Má! Má!”. Những ngày sau đó, dù ông Sáu hết lòng chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, thậm chí xa lánh, ngang ngạnh cự tuyệt ông Sáu. Dù ông đã làm hết cách nhưng bé Thu vẫn không gọi ông là ba. Những lúc gặp khó khăn, nguy cấp Thu chỉ gọi trống không, không nhận được sự trợ giúp của ông Sáu, nó cũng loay hoay tự làm một mình.

Trong bữa cơm, ông Sáu gắp cho nó cái trứng cá, Thu gạt ra, bị ông Sáu đánh, cô bé lập tức bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả thật chính xác thái độ, hành động khác thường của bé Thu. Bởi trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt em không hiểu những éo le mà chiến tranh gây ra, nên chỉ vì một vết thẹo trên mặt ông Sáu em kiên quyết không nhận ba. Điều đó cũng cho thấy Thu là đứa trẻ bướng bỉnh, cá tính nhưng đằng sau sự từ chối đến cứng đầu đó là tình yêu thương thắm thiết Thu dành cho ba mình.

Bé Thu cứng đầu chối từ sự ân cần của cha bao nhiêu thì giây phút nhận ra cha lại mãnh liệt, xúc động bấy nhiêu. Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người, tiếng gọi ba của Thu là tiếng gọi kìm nén suốt tám năm, tám năm yêu thương, đợi chờ ngày ba về. Không chỉ gọi, con bé con lao tới, nhảy lên người ba và hôn khắp cùng, hôn mặt, hôn má, và hôn cả vết thẹo dài trên mặt ba, vết thẹo đã khiến con bé bướng bỉnh không nhận ba. Thu ôm chặt anh, quàng cả chân vào người anh Sáu, bởi nó sợ buông lơi anh Sáu sẽ đi mất, cái ôm cái hôn ấy còn như muốn bày tỏ tất cả tình cảm Thu dành cho ba. Trong khoảnh khắc đó, ai cũng như lặng người đi vì xúc động. Với lối miêu tả chân thực, giàu cảm xúc tác giả đã cho thấy tình yêu thương sâu nặng Thu dành cho ba, dù có những lúc gan góc, bướng bỉnh nhưng em rất giàu tình cảm và dễ xúc động.

Về phía ông Sáu, trong ba ngày về nghỉ phép, ông dành trọn yêu thương cho đứa con gái bé bỏng. Thuyền chưa cập bến ông đã vội vàng nhảy lên bờ, chạy về phía con, đôi bàn tay sẵn sàng dang ra chờ đợi đứa con sà vào lòng. Nhưng trái ngược với điều ông tưởng tượng, bé Thu cự tuyệt, lảng tránh, điều đó làm ông hết sức đau lòng, hai tay ông buông thõng như bị gãy. Khuôn mặt ấy thật đáng thương biết bao, ông không biết làm thế nào để có thể xóa nhòa khoảng cách thời gian và không gian ấy. Để bù đắp cho con, ba ngày nghỉ phép ông không đi đâu, chỉ quanh quẩn bên con, yêu thương, ân cần bên con mong Thu sẽ thay đổi. Trước sự cứng đầu của Thu, ông chỉ khẽ lắc đầu, chứ không hề trách mắng con. Chỉ đến khi ông gắp thức ăn cho nó bị Thu bỏ ra, bao nhiều buồn đau dồn nén bấy lâu ông đã đánh Thu, điều ấy đã làm ông ân hận mãi về sau. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất mà cũng đau lòng nhất của ông chính là được nghe tiếng gọi ba thiêng liêng, nhưng đó cũng là lúc ông phải chia tay con trở về đơn vị.

Một người lính từng trải, gan góc trên chiến trường lại khóc bởi tiếng gọi đầy thân thương. Những giọt nước mắt không thể kiềm chế, cứ thế trào ra. Trong những ngày ở chiến trường ông ân hận vì đánh con, không quên lời hứa, ông dồn tâm huyết vào làm chiếc lược ngà. Ông chi chút, tỉ mẩn mài từng chiếc răng lược cho nhẵn bóng. Thậm chí, cái chết cũng không cướp đi được tình yêu thương con của ông Sáu. Vết thương nặng trong một trận càn khiến ông kiệt sức, không trăng trối được điều gì nhưng ông vẫn dồn hết tàn lực móc cây lược trao cho đồng đội và gửi gắm đồng đội mình qua ánh mắt đây yêu thương. Cây lược ấy đã được người đồng đội trao lại cho bé Thu. Tình cha con đã không chết, nâng đỡ cô bé trưởng thành, vượt lên mọi đau thương mất mát. Ông Sáu là biểu tượng cho tình yêu thương, sự ân cần và che chở của người cha dành cho con mình. Qua đó ta thấy được sự bất tử của tình cảm cha con trong hoàn cảnh chiến tranh.

Tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, bất ngờ qua đó thể hiện chủ đề của tác phẩm cũng như cách sử dụng nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc, phù hợp với lứa tuổi của Nguyễn Quang Sáng. Cùng với đó, truyện ngắn có lối kể chuyện chân thực, tự nhiên, giàu cảm xúc kết hợp với hình ảnh giản dị, mà giàu giá trị, ý nghĩa biểu tượng, kết tinh trong hình tượng chiếc lược ngà với ngôn ngữ đậm giản dị và đậm chất Nam Bộ. Chiếc lược ngà đã tái hiện thành công bức tranh về tình cha con sâu nặng của bé Thu và ông Sáu. Từ đó, tác giả cũng thể hiện hoàn hảo sự tàn bạo của chiến tranh; những bi kịch cùng tình cảm gia đình đẹp đẽ trong thời chiến và đồng thời tác phẩm cũng ca ngợi tình cảm phụ tử thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức- Mẫu 2

*Yêu cầu

– Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện (nhan đề, tên tác giả…) và ý kiến khái quát của người viết tác phẩm.

– Tóm tắt tác phẩm truyện (vừa đủ để người đọc nắm được nội dung chính).

QUẢNG CÁO

– Phân tích cụ thể, rõ ràng về tác phẩm (chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng) với những cứ liệu sinh động.

– Đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

– Khẳng định giá trị của tác phẩm truyện.

* Phân tích bài viết tham khảo

Giá trị hay là sự vô giá của quà tặng trong truyện ngắn Quà Giáng sinh của O.Hen-ry

– Nhan đề bài viết cho biết tên truyện, tên tác giả và hướng phân tích của người viết.

– Đoạn văn 1: Giới thiệu và cung cấp thông tin khái quát về tác phẩm.

– Đoạn văn 2: Tóm tắt nội dung chính của truyện ngắn.

– Đoạn văn 3: Phân tích cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, lời thoại, …; Phân tích lời kết của truyện dựa vào các dẫn chứng lấy từ văn bản truyện.

– Đoạn văn 4: Nêu tác dụng của việc kể chuyện từ ngôi thứ 3 và xác định chủ đề của truyện.

QUẢNG CÁO

– Đoạn văn 5: Nhấn mạnh và mở rộng chủ đề của truyện.

– Đoạn văn 6: Phần kết luận tóm lược các ý kiến đánh giá đã trình bày trong bài viết.

Khẳng định giá trị của truyện: độ phổ biến, sức sống lâu bền, khả năng tái sinh, …

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 32 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Vấn đề chính được bàn luận là gì?

Trả lời:

– Vấn đề chính: Sự vô giá của quà tặng trong truyện ngắn Quà giáng sinh của O -Hen-ry.

Câu 2 (trang 32 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Bài nghị luận trên giúp người đọc có được hiểu biết gì về truyện ngắn Quà giáng sinh?

Trả lời:

– Bài văn nghị luận cung cấp nhiều thông tin giá trị về truyện ngắn Quà Giáng sinh của O.Hen-ry: Nội dung chính của truyện, cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, lời thoại, ngôi kể,…

Câu 3 (trang 32 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Tác giả bài viết đã triển khai các luận điểm theo trình tự nào?

Trả lời:

– Tác giả bài viết đã triển khai các luận điểm theo trình tự đánh giá các đặc sắc nghệ thuật, sau đó đến phân tích, đánh giá chủ đề.

*Thực hành viết

Bài văn tham khảo

Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ tài hoa suốt đời đi tìm cái đẹp. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, mỗi lời văn đều trở thành những tín hiệu thẩm mĩ tuyệt đẹp qua lớp vỏ ngôn từ. Và đề cập tới cái đẹp thì không thể không nhắc tới tuyệt tác “Chữ người tử tù” của ông, tác phẩm khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật Huấn Cao với khí phách và phẩm chất hơn người cùng khung cảnh cho chữ đầy đặc sắc.

Mang đặc trưng của tư tưởng sáng tác, các tác phẩm của ông thường hướng đến xây dựng những nhân vật tài hoa bất đắc chí, đó là những con người có tâm, có tài với tâm lòng trong sáng, tuy chí lớn không thành nhưng vẫn nổi bật với vẻ hiên ngang, bất khuất. Huấn Cao là nhân vật điển hình cho phong cách sáng tác đó.

Truyện ngắn “Chữ người tử tù”, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng nhân vật Huấn Cao theo bút pháp lãng mạn, một người anh hùng với những vẻ đẹp đầy lí tưởng. Tác giả không miêu tả trực tiếp vẻ đẹp của Huấn Cao mà hiện lên gián tiếp qua cuộc đối thoại giữa viên quản ngục và thơ lại. Đó là một con người hoàn hảo, văn tài võ lược lại mang chí lớn cứu nước, cứu dân, uy danh của Huấn Cao vang xa khắp cõi Tỉnh Sơn.

Cái tài của của Huấn Cao còn được thể hiện thông qua tài viết chữ đẹp, nét chữ của ông đẹp đẽ, vuông vắn. Với tài năng này đã có rất nhiều người ngưỡng mộ và mong muốn xin được nét chữ của ông để treo trong nhà, trong đó có viên quản ngục. Nét chữ của Huấn Cao là sự kết hợp tài tình giữa tài năng, vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ nên mỗi nét chữ viết ra như hiện thân của khí phách, của thiên lương và tài hoa hơn người.

Nét chữ của Huấn Cao trở nên quý giá không chỉ bởi nó “đẹp lắm, vuông lắm” mà mỗi con chữ còn thể hiện được sự tài hoa cũng như khát vọng tung hoành của một con người. Xin được chữ của Huấn Cao cũng là tâm nguyện lớn nhất của người biệt nhỡn liên tài như viên quản ngục.

Huấn Cao là con người có bản lĩnh hơn người, hiên ngang không chịu khuất phục trước quyền lực và danh lợi. Ông không dùng tài năng của mình để đổi trác lấy danh lợi, có rất nhiều người sẵn sàng mua chữ của ông nhưng ông không bán, theo tâm sự của Huấn Cao thì trong cuộc đời ông, ông chỉ cho chữ những người tri kỉ, đáng kính và những người biết trân trọng, thưởng thức cái đẹp. Đây cũng là lí do vì sao Huấn Cao đã đồng ý cho chữ viên quản ngục trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt – trong ngục tù vì ông cảm động trước tấm lòng trong sáng của viên quản ngục.

Trong không gian ngục tù u ám, đen tối toàn mùi phân gián, phân chuột, dưới ánh sáng không rõ ràng của ngọn đuốc, Huấn Cao đã viết chữ tặng cho viên quản ngục. Không chỉ cho chữ, Huấn Cao còn tặng viên quản ngục những lời khuyên chân thành nhất, rằng hãy rời xa môi trường đen tối đầy tội ác của ngục tù trở về quê sinh sống để giữ gìn cho thiên lương được trong sáng. Ngay cả trong hoàn cảnh éo le nhất, tấm lòng trong sáng, thiên lương tốt đẹp của Huấn Cao vẫn có thể tỏa sáng và soi đường cho viên quản ngục để trở về với cuộc sống tốt đẹp, trong sạch hơn.

Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, nhà văn Nguyễn Tuân đã mang đến cho người đọc niềm tin sâu sắc về sức mạnh của cái đẹp, cái thiện, nó có thể tỏa rạng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong không gian ngục tù đầy tối tăm nhất.

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức- Mẫu 3

* Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

– Rà  soát lại trong trí nhớ, lựa chọn truyện có chủ đề nổi bật và các nhân vật gây được ấn tượng mạnh, để lại những bài học sâu sắc về cuộc sống.

2. Tìm ý, lập dàn ý 

a. Tìm ý: 

Lựa chọn truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam)

– Chủ đề của truyện là gì? Nêu nét đặc biệt của chủ đề đó

+ Chủ đề: khát vọng hướng về ánh sáng, tương lai tốt đẹp của những kiếp người éo le trong cuộc sống

– Các nhân vật trong truyện có đặc điểm gì nổi bật? Ngoại hình, lời nói, hành động, nội tâm của các nhân vật hướng đến việc thể hiện chủ đề như thế nào?

– Nhìn từ chủ đề và nhân vật, tác phẩm có gì đặc biệt?

b. Lập dàn ý: 

Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

Thân bài: Sắp xếp các ý đã tìm được theo trật tự hợp lí để bài viết được triển khai mạch lạc, chặt chẽ

– Khát quát chủ đề của truyện

– Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật

– Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa đối với cuộc sống

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận

Dàn ý tham khảo: 

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

2. Thân bài

– Khái quát chủ đề của truyện

+ “Dưới bóng hoàng lan” gửi gắm tình yêu gia đình, quê hương và mối tình đầu trong sáng của nhân vật Thanh.

– Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật

+ Nhân vật Thanh: yêu thương bà, yêu gia đình, trân trọng cô gái hàng xóm

+ Nhân vật bà: yêu thương cháu, nhân hậu, giàu đức hi sinh

+ Nhân vật Nga: hiền lành, thuỷ chung

– Phân tích vai trò cuả nhân vật trong việc thể hiện chủ đề

+ Mối quan hệ giữa các nhân vật góp phần làm nổi bật chủ đề

– Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra bài học cuộc sống

3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận

* Bài viết tham khảo: 

Thạch Lam cây bút văn xuôi lãng mạn tiêu biểu của văn học 1930 – 1945, các sáng tác của ông tập trung đi sâu khai thác vào cuộc sống đời thường, bình dị. Với những tác phẩm thường “truyện không có truyện” nhưng lại để lại những dư âm sâu sắc trong lòng người đọc về vẻ đẹp cuộc sống, tâm hồn con người. Một trong những tác phẩm được đánh giá “truyện không có truyện” của Thạch Lam, không thể không kể đến truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.

Câu chuyện kể về Thanh – một chàng trai mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Chàng lên tỉnh đi làm rồi hằng năm có dịp nghỉ phép sẽ về thăm quê. Lần trở về lần này đã cách kỉ nghỉ trước 2 năm, vì vậy Thanh mang trong mình nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.

Quê hương đối với mỗi con người là mái ấm không bao giờ có thể quên. Và Thanh cũng vậy! Dù xa nhà 2 năm nhưng khi trở về, chàng cảm thấy bình yên và quen thuộc đến lạ. Căn nhà với thửa vườn như một nơi mát mẻ và hiền lành luôn sẵn sàng dang tay đón chờ Thanh. Có thể nói, dù lên tỉnh làm việc nhưng cuộc sống chốn phồn hoa đô thị không khiến chàng trai ấy thay tính đổi nết. Vẫn là một con người hiền lành, trân quý những điều giản dị và yêu thương mái ấm gia đình mình dù còn nghèo khó. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của Thanh. Quê hương không chỉ là nơi con người “đi để trở về” mà còn là như một làn suối thanh mát làm thanh sạch tâm hồn.

Hơn hết, vì mồ côi cha mẹ từ bé, Thanh rất yêu và hiếu thảo với bà của mình. Với bà, Thanh vẫn như một chàng trai bé bỏng, để bà săn sóc, vỗ về. Nghe tiếng bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Thanh nằm yên cảm nhận bà ở bên mình quạt nhẹ trên mái tóc, cảm giác như được trở về những ngày thơ ấu. Chàng không dám động đậy, có lẽ để tận hưởng thêm những giây phút hạnh phúc ấy. Được bà yêu thương vỗ về, Thanh cảm động gần ứa nước mắt. Với Thanh, bà là tất cả. Chàng cố gắng học tập, làm việc cũng chỉ mong được báo đáp những tình cảm bag dành cho mình.

Ở quê hương, dưới bóng hoàng lan, không chỉ có bà, Thanh còn có một mối tình trong sáng, đơn sơ, giản dị. Đó là những tình cảm trong sáng đầu đời dành cho Nga – cô gái hàng xóm. Thấy Nga, Thanh vui vẻ gọi. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ. Đối với chàng, Nga như một người thân mật. Thanh rủ Nga đi nhặt hoàng lan rơi, hai người có không gian riêng tư để hoài niệm những kí ức tươi đẹp. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng. Trước sự bày tỏ của Nga, Thanh chẳng biết nói gì, chàng vít một cành lan hái cho Nga như thay cho lời muốn nói. Đoá hoa ấy phải chăng như một lời ước hẹn thầm kín giữa hai người? Thế nhưng, cuộc đoàn tự không được bao lâu, Thanh sớm phải quay lại thành phố. Khi rời đi, chàng còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn đầy lưu luyến. Chàng không trực tiếp chào Nga, có lẽ vì sợ sự lưu luyến khiến chàng không làm chủ được lòng mình. Chàng bước đi nửa buồn mà nửa vui. Buồn vì phải xa bà, xa quê và xa người con gái ấy. Nhưng cũng vui vì một chút tình cảm đã được nhen nhóm trong lòng. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Nơi ấy có bà, có Nga và có cây hoàng lan của hai người. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Đó là tình yêu và niềm tin mà Thanh dành cho Nga.

Bên cạnh nhân vật chính là Thanh, hình ảnh người bà trong truyện ngắn hiện lên mang theo bóng hình người phụ nữ Việt Nam. Một con người tần tảo, hi sinh, vị tha, hết lòng vì gia đình. Bà không chỉ là bà mà còn là cha, là mẹ, là trụ cột gia đình đối với Thanh. Trong mắt bà, Thanh vẫn luôn bé bỏng như ngày nào. Một mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc nhưng đã nuôi Thanh khôn lớn trưởng thành. Bà săn sóc Thanh từng chút một, thấy chàng ngủ, bà nhẹ buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Thanh có lẽ chính là động lực sống của bà.

Còn Thanh – một cô bé hàng xóm hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng là người đã thay Thanh ở bên bà những lúc Thanh vắng nhà. Nga dành cho Thanh một tình yêu chân thành mà kín đáo. Trong bữa cơm cùng bà và Thanh, cô gái ấy chỉ ăn nhỏ nhẹ, cầm chừng và buông đũa luôn để sới cơm cho Thanh. Người con gái ấy hồi hộp, căng thẳng như lần đầu về nhà chồng. Thỉnh thoàng, nàng nhìn Thanh mang theo bao yêu thương, trìu mến. Khi cùng Thanh đi nhặt hoa lan, Nga thẹn thùng nhưng cũng mạnh mẽ mà bày tỏ tình cảm của mình: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”. Mỗi lời bày tỏ nỗi nhớ nhưng cũng như một lời tỏ tình đối với Thanh. Nga nâng niu đoá hoa mà Thanh hái cho mình, khoe bà: “Anh con hái đấy ạ” đầy vui sướng, hạnh phúc. Đoá hoa ấy như chan chứa sự kết trái cho mối tình của Nga và Thanh. Để rồi, mỗi mùa hoa hoàng lan, cô lại giắt hoa trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương. Cũng là để nhớ về người mình yêu thương.

Như vậy, qua những nhân vật Thanh, bà và Nga, chúng ta thấy rằng cách xây dựng nhân vật của Thạch Lam không quá nổi bật, nhưng lại mang những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là câu chuyện về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước.  Bóng hoàng lan là Kkông gian quen thuộc nơi con người bộc lộ tình cảm chân thành cho nhau, là không gian mát mẻ, tĩnh lặng, đối lập với cuộc sống phồn thị ngoài kia và cũng là nơi ươm mầm mối tình trong sáng, đẹp đẽ.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

– Đọc  lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý để thực hiện việc chỉnh sửa hoàn thiện.

Chú ý:

– Bổ sung những phân tích cụ thể đối với các chi tiết, hình ảnh, sự việc trong truyện, tránh tình trạng nêu những nhận định chung chung, thiếu chứng cứ về nhân vật.

– Kiểm tra những ý phân tích về mối quan hệ giữa chủ đề truyện với hệ thống nhân vật, lược bớt những câu, đoạn phân tích không dẫn tới việc hiểu thấu đáo về chủ đề.

– Kiểm tra tính logic giữa các câum đoạn; bổ sung bằng các phương tiện liên kết phù hợp hay đảo trật tự của các câu, đoạn ấy nếu thấy chưa đảm bảp.

– Rà soát, phát hiện các lỗi chính tả, lỗi về từ ngữ, ngữ pháp để chỉnh sửa.

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức- Mẫu 4

Bài viết tham khảo

Câu 1

Bài viết tham khảo cảm nhận và phân tích bài thơ Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính) vừa theo tuyến hình ảnh trải dọc bài thơ, vừa theo trình tự câu thơ, khổ thơ. Cách cảm nhận và phân tích đó có những ưu thế gì nổi bật?

Lời giải

Bài viết tham khảo cảm nhận và phân tích bài thơ Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính) vừa theo tuyến hình ảnh trải dọc bài thơ, vừa theo trình tự câu thơ, khổ thơ. Cách cảm nhận và phân tích đó có những ưu thế nổi bật là:

– Chỉ ra được các hình ảnh nổi bật trong bài thơ qua đó đánh giá và nhận xét được những quan niệm và suy nghĩ của tác giả một cách chính xác nhất.

– Thể hiện mạch lạc, rõ ràng mạch cảm xúc của bài thơ, phân tích bài thơ theo từng câu, từng khổ rõ ràng để người đọc có  thể hiểu được nội dung bài thơ từ đầu đến cuối.

–  Cách cảm nhận và phân tích này chẳng những làm nổi bật nội dung của bài thơ, chỉ ra được tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ mà còn nhấn mạnh được các chi tiết, hình ảnh quan trọng trong bài thơ.

=> Tóm lại cách cảm nhận và phân tích theo tuyến hình ảnh dọc kết hợp theo trình tự câu thơ, khổ thơ giúp quá trình phân tích mạch lạc, người đọc cảm nhận được trọn vẹn cái hay, cái đẹp của bài thơ và không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào quan trọng của bài thơ.

Câu 2

Trong bài nghị luận phân tích, đánh giá về một tác phẩm thơ, thực chất của việc phân tích chủ đề là gì?

Lời giải 

Trong bài nghị luận phân tích, đánh giá về một tác phẩm thơ, thực chất của việc phân tích chủ đề là để cảm nhận những đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đồng thời nhận xét và đánh giá quan niệm của tác giả qua bài thơ đó.

Câu 3

Người viết đã đánh giá bài thơ như thế nào? Nêu nhận xét khái quát về tính thuyết phục của đánh giá đó.

Lời giải

– Người viết đã đánh giá bài thơ giản dị nhưng vẫn toát lên không khí và sức sống của mùa xuân đang về. Bài thơ thể hiện rõ niềm vui của sự sống, của sự chan hòa giữa con người với tạo vật, là khúc dạo đầu của tình yêu đôi lứa.

– Nhận xét khái quát về tính thuyết phục của đánh giá trên

+ Người viết phân tích chi tiết các câu thơ, khổ thơ để chứng minh những nhận xét trên.

+ Người viết phân tích được tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ và khái quát được phong cách nghệ thuật của tác giả.

+ Ngoài ra, người viết so sánh với các câu thơ, bài thơ có cùng chủ đề đề tăng sức thuyết phục cho bài viết của mình.

=> Tóm lại những đánh giá của người viết với bài thơ đã có đủ sức thuyết phục, có những luận điểm, lí lẽ và bằng chứng hợp lý, xác đáng, làm nổi bật được giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ này

Thực hành viết

Viết bài văn phân tích và đánh giá bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ.

Lời giải 

Dàn ý

1. Mở bài

– Khái quát về đề tài mùa thu trong thơ Đường, vốn là đề tài quen thuộc và có nhiều bài thơ hay viết về đề tài này.

– Giới thiệu nhà thơ Đỗ Phủ “ một trong những thi thánh” của thơ ca Trung Quốc. Khái quát về bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) là bài thơ đầu tiên trong chòm 8 bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ

2. Thân bài

a) Bốn câu đầu: Cảnh thu

* Câu 1 và câu 2:

– Hình ảnh cổ điển “ngọc lộ, phong thụ lâm’’ vốn rất quan thuộc trong thơ ca viết về mùa thu.

– “Vu sơn Vu giáp”: là những địa danh nổi tiếng của Trung Quốc được nhắc đến trong thơ Đỗ Phủ. Nơi này có khí trời âm u, rất gợi cảm giác của mùa thu. Bản dịch đánh rơi mất hai địa danh này

– “Khí tiêu sâm”: hơi thu ảm đạm, hiu hắt, đượm buồn.

=>Không khí của mùa thu vườn buồn, vừa thê lương thể hiện cảm giác cô đơn, lạnh lẽo của tác giả.

* Hai câu 3 và câu 4:

– Không gian của mùa thu được khai thác trên ba chiều rộng, cao và xa. Tầm nào cũng thấy không khí ảm đạm, thê lương:

+ Tầng xa: với hình “sóng vọt lên tận lưng trời” giữa lòng sông.

+ Tầng cao: miền quan ải với mây sa sầm.

+ Tầng rộng: thể hiện qua không gia mặt đất, bầu trời, dòng sông

– Sử dụng những hình ảnh đối lập cao – thấp

=> Không gian, cảnh sắc mùa thu tiếp tục được cảm nhận ở cái xơ xác, tiêu điều, thể hiện tâm trạng bí bách, ngột ngạt của con người.

b) Bốn câu sau: Tình thu

* Câu 5 và 6

– Sử dụng hình ảnh nhân hoá, tượng trưng, ẩn dụ.

+ Khóm cúc nở hoa: Hình ảnh tượng trưng quen thuộc của mùa thu

+ Hình ảnh “Cô phàm”: con thuyền lẻ loi, đơn độc như thân phận của con người

– Cách sử dụng từ ngữ độc đáo, hàm súc, cô đọng:

+ “Lưỡng khai”: nỗi buồn trải dài từ quá khứ đến hiện tại

+ “Nhất hệ”: Dây buộc thuyền cũng là sợi dây buộc mối tình nhà của tác giả.

+ “Cố viên tâm”: Tấm lòng thương nhớ quê hương của kẻ xa quê

=> Hai câu thơ diễn tả nỗi lòng da diết, dồn nén nỗi nhớ quê hương của tác giả.

* Hai câu 7,8

  • Xuất hiện hình ảnh của người lao động

+ Mọi người nhộn nhịp may áo rét

+ Thành Bạch Đế nhân dân giặt áo rét chuẩn bị cho mùa đông

– Âm thanh: tiếng chày đập vải

=> Hình ảnh, âm thanh của cuộc sống lao động bình dị, gợi đến quê hương ấm áp, yêu dấu, càng dấy lên trong lòng người con xa quê tình yêu tha thiết và nỗi mong chờ được trở về quê hương xum họp với gia đình

3. Kết bài: 

Tổng kết, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật, mở rộng liên hệ, đánh giá tài năng, tấm lòng của nhà thơ.

Bài văn mẫu

Đỗ Phủ được mệnh danh là một trong những thánh thơ của Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình. Nền tảng giáo dục tốt và với năng khiếu bẩm sinh, Đỗ Phủ đã sáng tác rất nhiều những bài thơ hay, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống cũng như thời đại của ông. Đó là lý do vì sao ông được Unesco công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới. Bài thơ “Thu hứng” là bài thơ đầu tiên trong chòm 8 bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ được sáng tác trong thời gian ông lưu bạt ở Quý Châu, trong thời gian nhà thơ xa quê hương. Bao trùm toàn bài thơ chính là tâm trạng nhớ quê hương sâu sắc và niềm mong ngóng được đoàn tụ với gia đình.

Kể từ khi bùng nổ loạn lạc do An Lộc Sơn gây ra, đất nước Trung Quốc bị chia cắt, nhân dân đói khổ, lầm than, Đỗ Phủ theo chân gia đình đi phiêu bạt đến nhiều nơi, sau cùng đặt chân ở Tứ Xuyên. Đây là một trong những vùng đất hiểm trở , núi non hùng vĩ và cách xa quê hương nhà thơ mấy ngàn dặm. Người ta thường nói “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nhớ quê hương tha thiết, nhà thơ đã viết lên những dòng thơ chan chứa cảm xúc:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm

Hai câu đề là một vài nét chấm phá về cảnh thu nơi vùng núi hoang vu, hiểm trở ở Tứ Xuyên. Có thể thấy nhà thơ đứng ở một vị trí rất cao để bao quát toàn bộ phong cảnh nơi rừng núi Tứ Xuyên. Chính vì điểm nhìn cao nên tầm nhìn xa và rộng, nhà thơ quan sát được toàn bộ cảnh núi non hùng vĩ với hình ảnh rừng phong đỏ rực của mùa thay lá, sương trắng phủ kín cánh rừng, gợi không khí lạnh lẽo, hoang sơ. Hình ảnh cây phong, sương là hình ảnh ước lệ, tượng trưng rất quen thuộc của mùa thu. Những nét chấm phá này gợi lên một không khí lạnh lẽo, hoang vu, tiêu điều, thể hiện một tâm trạng buồn, ngao ngán của nhà thơ. Hình ảnh “ Vu Sơn”, “Vu giáp” gắn với khí tiêu sâm gợi ra không khí hiu hắt ảm đạm. Toàn cảnh núi rừng bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Bản dịch đã bỏ rơi chữ “Vu” và đánh mất cái không khí đượm buồn, lạnh lẽo nơi rừng núi hoang vu. Vào mùa thu khung cảnh ảm đạm, hoang vu nơi đây càng trở nên tiêu điều, hiu hắt thông qua ngòi bút của nhà thơ.

Hai câu thực nhà thơ tiếp tục khám phá vẻ đẹp mùa thu ở tầm thấp, không gian ở chiều sâu

Giang gian ba lăng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm

Cảnh thu ở trên là hình ảnh của cây cối, núi non. Đến đây cảnh thu được cảm nhận qua sông nước, mây trời. Đây là hình ảnh của dòng sông nơi thượng nguồn với dòng chảy xiết, mạnh, dữ dội, có cảm giác sóng ở lòng như vọt lên tận chân trời. Các từ rợn rồi sâu thẳm diễn tả sự dữ dội, mạnh mẽ của dòng sông, qua đó cũng thể hiện cảm giác choáng ngợp của con người trước thiên nhiên hùng vĩ, hoang vu. Câu 4 “tái thượng phong vân tiếp địa âm” tạm dịch là “ mặt đất mây trắng sà xuống thấp đến mức giống như mây được đùn từ mặt đất lên”.

Với 4 câu thơ đã lột tả được trọn vẹn cái khung cảnh mùa thu nơi rừng núi hiểm trở: Đó là rừng phong thay lá, là sông nước chảy mạnh mẽ dữ dội nơi thượng nguồn, là mây trắng sà xuống chân trời. Bức tranh mùa thu thật tráng lệ, với nhiều nét vẽ và nét nào cũng đậm đặc cái hồn thê lương, buồn bã. Cảnh ấy đập vào mắt con người thì làm sao không khơi gợi lên một nỗi nhớ nhà da diết của người thi sĩ nhạy cảm được.

Nếu 4 câu thơ trên là cảnh mùa thu, tất nhiên cảnh thu đã được cảm nhận qua lăng kính tình cảm của con người, nhuốm màu tâm trạng của con người nhưng tình của con người vẫn chưa lộ rõ. Thì đến 4 câu thơ sau cái tình của người đã được bộc lộ cụ thể, chan chứa cảm xúc dạt dào:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Có thể nói hai câu luận này là hai câu thơ hay nhất trong bài thơ này. Nó cũng được dịch khá sát nghĩa trong bản dịch của Nguyễn Công Trứ. Ta tạm hiểu câu thơ đầu tiên là khóm cúc nở hoa giống như tuôn những dòng lệ hoặc là mỗi lần khóm cúc nở hoa nhà thơ lại rơi lệ vì nhớ quê hương. Hai lần cúc nở hoa, hai mùa thu đã trôi qua đồng nghĩa nhà thơ đã xa quê hai năm. Nhìn hoa nở nhà thơ bồi hồi, xúc động nỗi niềm nhớ về quê hương. Đặc biệt ở câu thơ tiếp theo với hình ảnh “cô chu” tức là con thuyền lẻ loi, cô đơn trôi giữa dòng nước, giống như thân phận của kẻ tha hương là Đỗ Phủ. Hình ảnh con thuyền buộc chặt nỗi niềm nhớ thương quê cũ đã phản ánh đúng tâm trạng của nhà thơ với nỗi nhớ quê hương mãi trong tâm tưởng.

Hai câu thơ kết:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đệ thành cao cấp mộ châm.

Hai câu thơ có âm thanh của sự sống, âm thanh của cuộc sống lao động thường nhật. Nó xuất hiện thật bất ngờ, có vẻ không ăn nhập với cái không khí bên trên, nhưng nó lại vô cùng hợp lý trong mạch vận động tâm trạng của tác giả. Bởi những câu thơ bên trên là hình ảnh của mùa thu của thiên nhiên, với hình ảnh buồn, tiêu điều ảm đạm. Và hình ảnh ấy tất nhiên sẽ gợi ra tâm trạng nhớ thương quê nhà của những người xa quê. Nhất là khi nhìn thấy hoạt động thường ngày của người lao động. Đó là khung cảnh hối hả khẩn trương may áo rét, giặt áo rét cũ để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Tiếng chày đập vải, tiếng tay dao thước mang không khí của cuộc sống thường nhật, gợi lại cảnh sum họp nơi quê nhà. Thấy cảnh này nỗi nhớ quê càng dâng trào hơn trong lòng nhà thơ.

Bài thơ sử dụng thủ pháp quen thuộc của thơ Đường, đó là những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng quen thuộc. Nói về cảnh thu không thể thiếu rừng phong, khóm cúc, nói đến nỗi niềm của người xa quê là hình ảnh cô chu… Đề tài viết về mùa thu cũng không có gì mới mẻ, phải nói là rất quen thuộc trong thơ ca. Nhưng thông qua cấu tứ, cách liên kết các hình ảnh, sự vận động của mạch cảm xúc trong thơ, chúng ta thấy được sự liên kết rất mạch lạc, bố cục rất chặt chẽ. Và hơn cả nổi bật trên đó là tấm lòng nhớ thương quê hương đến da diết, cháy bỏng của nhà thơ, niềm mong mỏi, khát khao được trở về đoàn tụ với quê hương.

Có thể nói “Thu hứng” là một trong những bài thơ hay nhất trong chùm bài thơ thu của Đỗ Phủ. Câu nào, từ nào cũng phản ánh các phong vị đặc trưng của mùa thu. Thông qua cảnh chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn con người, khẳng định tài năng kiệt xuất của nhà thơ Đỗ Phủ.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 10/2024!