Updated at: 23-03-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức” chuẩn nhất 07/2024.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 1

Chuẩn bị nói

Đề tài: Đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Phương pháp giải:

Bài nói sẽ xoay quanh những giá trị của văn bản trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, có sự mở rộng và tương tác với người nghe.

Có thể sử dụng các từ ngữ then chốt như “Đây là lý do tác phẩm được yêu thích…”, “Có thể nói sức phản kháng mãnh liệt của người dân miền núi phía Bắc được thể hiện…”

Lời giải chi tiết:

Dàn ý chi tiết:

  1. Giới thiệu về tác phẩm:

– Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn đặc sắc và tiêu biểu của Tô Hoài viết về đời sống của người dân miền núi phía Bắc

– Giá trị của truyện không chỉ ở nội dung thể hiện được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi bị áp bức, vùng lên phản kháng mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được sử dụng

  1. Giá trị của truyện
  2. a) Giá trị nội dung

* Giá trị hiện thực:

– Phản ánh chân thực số phận của người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo.

– Thấy rõ sự tàn bạo, độc ác của kẻ thù mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã bóc lột, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần người dân lao động nghèo, miền núi.

– Thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã diễn tả thật sinh động quá trình thức tỉnh vươn lên tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc.

* Giá trị nhân đạo:

– Cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần và thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ.

– Phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở họ.

– Tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến xương tủy.

– Hướng người lao động nghèo khổ đến con đường tươi sáng là tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.

  1. b) Giá trị nghệ thuật

– Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề…)

– Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ.

– Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo, tạo sức lôi cuốn.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Mỗi nhân vật được sử dụng bút pháp khác nhau để khắc họa tính cách khác nhau trong khi họ có số phận giống nhau. Tác giả tả ngoại hình, tả tâm lý với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn.

– Ngôn ngữ tinh tế mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.

  1. Kết luận

Có thể thấy Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm tiêu biểu viết về người dân miền núi phía Bắc trong thời kỳ cách mạng của nhà văn Tô Hoài. Truyện đã thể hiện được cuộc sống khổ cực, bị đẩy đến đường cùng của người dân và cho thấy sức phản kháng mãnh liệt của họ bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật thành công, ngôn ngữ sinh động mang đậm màu sắc miền núi, hình ảnh giàu chất thơ.

Bài nói chi tiết:

Chào cô và các bạn, mình là Minh Trang, hôm nay mình sẽ thuyết trình bài nói về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, mọi người lắng nghe cùng mình nhé!

  Vợ chồng A Phủ được đánh giá là truyện ngắn đặc sắc và tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đời sống của người dân miền núi phía Bắc. Giá trị của truyện không chỉ ở nội dung thể hiện được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi bị áp bức, vùng lên phản kháng mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được sử dụng một cách khéo léo trong văn bản.

Về nội dung, tác phẩm có hai khía cạnh chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Ở giá trị hiện thực, tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực số phận của người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo. Sự vạch trần của Tô Hoài giúp người đọc thấy rõ sự tàn bạo, độc ác của bọn chúa đất áp bức mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã bóc lột, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần người dân lao động nghèo, miền núi. Bên cạnh đó, thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã diễn tả thật sinh động quá trình thức tỉnh vươn lên tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc.

Tác phẩm còn cho thấy giá trị nhân đạo và tấm lòng của nhà văn Tô Hoài qua cái nhìn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần lẫn thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ. Nhà văn phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở họ. Tiếng nói tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến xương tủy cũng được nêu cao, thể hiện mạnh mẽ trong văn bản. Nhà văn còn đưa ra lối thoát cho nhân vật bằng cách hướng những con người lao động nghèo khổ đang bị chà đạp, dồn nén đến con đường tươi sáng là tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.

Bên cạnh những giá trị hiện thực và nhân đạo ấy, nghệ thuật được sử dụng trong văn bản cũng là một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề…). Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ. Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo, tạo sức lôi cuốn. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công, mỗi nhân vật được sử dụng một bút pháp riêng để khắc họa tính dù họ đều có chung số phận và hoàn cảnh sống. Cách miêu tả ngoại hình, tâm lý cũng được thể hiện một cách tinh tế, với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn. Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.

Có thể thấy Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm tiêu biểu viết về người dân miền núi phía Bắc trong thời kỳ cách mạng của nhà văn Tô Hoài. Truyện đã thể hiện được cuộc sống khổ cực, bị đẩy đến đường cùng của người dân và cho thấy sức phản kháng mãnh liệt của họ bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật thành công, ngôn ngữ sinh động mang đậm màu sắc miền núi, hình ảnh giàu chất thơ.

Bài thuyết trình về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Mọi người hãy đưa ra góp ý và nhận xét cho mình nhé!

Chuẩn bị nghe

Người nghe nên tìm hiểu trước về vấn đề mà người nói đưa ra

Nên tập trung lắng nghe, nắm bắt keyword

Nhận xét về nội dung bài nói và cả phong cách của người thuyết trình (giọng điệu, ngôn ngữ)

Có thể nêu câu hỏi sau khi người nói thuyết trình xong nếu có thắc mắc

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 2

Chuẩn bị nói

– Xác định đối tượng truyện kể.

– Xác định mục đích nói.

– Xác định đối tượng người nghe.

– Xác định không gian và thời gian nói.

– Tìm ý và lập dàn bài cho bài nói.

Trình bày bài nói

Dựa vào dàn ý đã lập ở trên để trình bày bài nói.

 Cần có lời chào, giới thiệu ở phần đầu và lời cảm ơn khi kết thúc bài nói.

 Nói với mực âm thanh vừa phải, đủ nghe, rõ ràng.

 Dùng những từ ngữ có tác dụng liên kết để bài nói mạch lạc và thuyết phục người nghe hơn.

 Chú ý khi nói không nên phân tâm và có thái độ tôn trọng người nghe.

Bài nói chi tiết

     Chào thầy/ cô và các bạn. Mình là Tuệ Nhi, hôm nay mình sẽ thuyết trình về vấn đề giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng. Cả lớp mình cùng lắng nghe nhé!

     Ếch ngồi đáy giếng là câu chuyện không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta đúng không ạ? Ếch ngồi đáy giếng là một trong những truyện ngụ ngôn hay và nổi bật nhất, mượn hình ảnh chú ếch sống trong giếng để nói về những người có tầm nhìn hạn hẹp, thiển cận nhưng lại rất huênh hoang, tự đại để rồi nhận một kết cục không đẹp. Chủ đề của câu chuyện này đề cập đến tầm hiểu biết hạn hẹp và thái độ huênh hoang của con người – một tính cách khá phổ biến trong đời sống xã hội.

Đầu tiên, mình xin được tóm tắt câu chuyện. Có một con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng, xung quanh chỉ có nhái, cua, ốc, chúng rất sợ tiếng kêu của ếch. Ếch tưởng mình oai như vị chúa tể và coi trời bé bằng cái vung. Năm trời mưa to khiến nước mưa ngập giếng và đưa ếch ra ngoài, quen thói cũ ếch đi lại nghênh ngang đã bị một con trâu đi ngang dẫm bẹp.

Và để tạo nên thành công cho truyện và giúp chúng ta nhìn nhận ra những bài học sâu sắc thì không thể quên sự đóng góp của giá trị nội dung cùng giá trị nghệ thuật trong tác phẩm. Trước hết là giá trị nội dung. Vì bản chất, Ếch ngồi đáy giếng thuộc thể loại truyện ngụ ngôn nên nội dung truyện chủ yếu là đưa ra những bài học để răn dạy con người. Câu chuyện phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp nhưng rất huênh hoang. Đồng thời, khuyên nhủ con người cần biết cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.

Nghệ thuật cũng là một phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm truyện, góp phần tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc và hỗ trợ để làm nổi bật nội dung của truyện. Giống với những câu chuyện ngụ ngôn khác, cốt truyện của Ếch ngồi đáy giếng khá ngắn gọn nhưng cũng rất đỗi chặt chẽ. Chuyện chỉ xoay quanh những diễn biến xảy ra với chú ếch nhưng từ đó một bài học đã ra đời. Một thủ pháp nghệ thuật không thể thiếu trong một câu chuyện ngụ ngôn đó là cách xây dựng hình ảnh biểu trưng gần gũi với đời sống con người. Truyện đã nhân hóa, hình tượng hóa nhân vật con ếch để nói về con người. Điều này, vừa tạo sự hấp dẫn, thích thú cho người đọc, vừa giúp họ tự rút ra bài học cho bản thân. Nghệ thuật cuối cùng là cách xây dựng tình huống kết thúc truyện bất ngờ và hài hước. Kết truyện xuất hiện hai hình ảnh đối lập về hình dáng là con ếch và con trâu, chú ếch huênh hoang đã bị trâu đè bẹp. Chính cách kết truyện này vừa gây tiếng cười cho người đọc, vừa giúp chúng ta nhận ra hậu quả của thái độ hống hách khi luôn cho rằng mình là giỏi nhất.

Qua những điều mình vừa chia sẻ ở trên, chúng ta có thể thấy rằng giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đã có sự kết hợp hài hòa, đồng điệu, tương hỗ cho nhau để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm cũng như những bài học sâu sắc được gửi gắm trong đó.

Bài nói của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã chú ý lắng nghe và mình rất mong sẽ nhận được lời góp ý, nhận xét của cả lớp để bài nói được hoàn thiện hơn.

Trao đổi và đánh giá

Học sinh lắng nghe, ghi chép những nhận xét, đánh giá, góp ý của mọi người về bài nói của mình và tự rút kinh nghiệm.

Chuẩn bị nghe

– Tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến truyện kể sẽ được nghe.

– Chuẩn bị giấy, bút để ghi chép.

Lắng nghe và ghi ché[

– Tập trung lắng nghe bài đánh giá.

– Ghi chép ngay những thắc mắc, những câu hỏi muốn trao đổi với người nói về bài đánh giá.

Trao đổi, nhận xét, đánh giá

– Gửi lời cảm ơn trước khi muốn trao đổi với người nói.

– Đưa ra những lời nhận xét, thắc mắc, trao đổi của mình với người nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thái độ tôn trọng.

– Chú ý: không nên quá áp đặt quan điểm cá nhân, cái nhìn chủ quan của mình lên bài đánh giá của người nói.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 3

Chuẩn bị nói và nghe

a. Lựa chọn đề tài:

– Nếu sử dụng lại kết quả của bài viết thì đề tài của bài nói đã được xác định (nói về cùng một tác phẩm và vấn đề nổi bật của tác phẩm ấy).

– Có thể tìm đọc một tác phẩm khác, chọn nói về một vấn đề, khía cạnh nổi bật của tác phẩm đó.

b. Tìm ý và sắp xếp ý

Để tránh nói chung chung hoặc lan man, bạn cần đặt tên cho bài nói (tên bài thể hiện rõ điều muốn nói, cả về nội dung và định hướng). Việc xác định và sắp xếp ý tưởng cũng được thực hiện giống theo quy trình giống như ở bài viết trước đó.

c. Xác định từ ngữ then chốt

Có thể sử dụng các cụm từ phù hợp với kiểu bài nói này như: về tác phẩm này, tôi xin tập trung nói về vấn đề…, ấn tượng nổi bật của tôi về tác phẩm là…

Thực hành nói và nghe

a. Người nói

  • Mở đầu: Nêu đề tài, trình bày lí do chọn đề tài.
  • Triển khai: Trình bày các ý của bài nói (theo dàn ý đã chuẩn bị)
  • Kết luận: Tóm tắt lại nội dung chính của bài nói.

b. Người nghe

  • Chú ý lắng nghe bài nói.
  • Nghe trên tinh thần sẵn sàng đưa ra các ý kiến của mình để đối thoại với người nói.
  • Đặt câu hỏi để người nói trình bày, giải thích nội dung còn chưa rõ.
  • Trao đổi với người nói về những điểm mà mình chưa đồng tình.

Trao đổi

Người nghe đưa ra nhận xét, góp ý về bài nói. Người nói tiếp nhận và trao đổi lại (thể hiện sự tán đồng hoặc không tán đồng, trả lời câu hỏi, bàn bạc mở rộng…).

* Hướng dẫn ôn tập:

Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi sẽ giới thiệu về tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của nhà văn Nguyễn Dữ. Đây là một trong hai mươi truyện trong tập truyện “Truyền kì mạn lục”.

Truyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn, vốn nổi tiếng là một người khẳng khái, chính trực. Vì không chịu được sự tác yêu quái của hồn một tên tướng bại trận nên đã đốt đền của hắn, trừ hại cho dân. Sau khi về nhà, chàng lên cơn sốt rét. Trong cơn mê, tướng giặc hiện lên đe dọa Tử Văn và kiện chàng ở âm phủ. Chàng còn được Thổ công mách bảo về tung tích và tội ác của tên tướng giặc. Đồng thời bày cho cách đối phó với hắn. Tử Văn bị bắt xuống âm phủ. Đứng trước Diêm Vương, chàng đã không hề run sợ mà dũng cảm vạch trần mọi tội ác của tên hung thần. Tử văn yêu cầu đối chất với lời khai của Thổ thần. Tên tướng giặc bị trừng trị, thổ thần được phục chức, Tử Văn được sống lại. Một tháng sau, Thổ thần bày tổ ý muốn Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên chuyên trông coi việc xử án. Tử Văn vui vẻ nhận lời, rồi không bệnh mà mất.

Về nội dung, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức nước Việt. Đồng thời tác phẩm còn thể hiện niềm tin vào công lý, chính nghĩa của nhân dân ta. Nhân vật Ngô Tử Văn là con người có tính tình khẳng khái và dũng cảm, thấy sự tà gian thì không chịu được. Trước việc “hung yêu tác quái” của tên tướng giặc tử trận, chàng đã quyết định đốt đền để trừ hại cho dân. Khi bị đe dọa, chàng không hề sợ hãi. Dưới Âm phủ, Tử Văn một mực kêu oan, đưa ra các bằng chứng thuyết phục để vạch tội kẻ thù. Kết quả là chàng đã đòi được công lý cho bản thân, còn bộ mặt xảo trá của kẻ thù bị lật tẩy. Hoàn toàn trái ngược với Ngô Tử Văn, tên Bách hộ họ Thôi được xây dựng nhằm đại diện cho cái ác. Hắn vốn là một tên tướng giặc bị tử trận, lưu vong nơi đất khách và cướp ngôi đền của Thổ thần để làm điều sai trái, bạo ngược. Qua nhân vật này, tác giả muốn tố cáo chế độ phong kiến đương thời với những tên tham quan, chà đạp lên đời sống của người dân.

Về nghệ thuật, cốt truyện đầy kịch tính được kết hợp với các yếu tố kì ảo đã làm nổi bật sự đối lập giữa Ngô Tử Văn và hồn ma tên tướng giặc. Bên cạnh đó, lối kể chuyện lôi cuốn giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Ngôi kể thứ ba được sử dụng làm nổi bật cái nhìn linh hoạt, khách quan, tự do của người kể về những sự kiện diễn ra. Đặc biệt, thế giới tâm linh, ma quỷ được tác giả xây dựng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Dưới đây là phần giới thiệu, đánh giá của tôi về tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của nhà văn Nguyễn Dữ. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 4

noi va nghe gioi thieu danh gia ve noi dung va nghe thuat cua mot tac pham truyen ngu van 10 ket noi tri thuc voi cuoc song

 Dàn Ý

1. Dàn ý số 1: Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật tác phẩm “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên”
a. Mở đầu:
– Nêu đề tài của bài nói, trình bày lý do lựa chọn đề tài.
b. Triển khai:
– Nội dung: Kể về chiến thắng của Ngô Tử Văn trước cái xấu, cái ác (chàng đã vạch trần bộ mặt hồn ma tên tướng giặc, trả lại đền cho Thổ công, sau này, chàng được nhận chức Phán sự đền Tản Viên).
– Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: Ngô Tử Văn được khắc họa là một nhân vật khảng khái, cương trực. Tác phẩm ca ngợi Tử Văn trước cái xấu, cái ác. Đồng thời, qua nhân vật Tử Văn, tác giả còn làm nổi bật ước mơ về một lẽ sống công bằng của nhân dân.
+ Yếu tố kì ảo hấp dẫn: Nhân vật kì ảo: hồn ma tên tướng giặc, Diêm Vương, Thổ công, quỷ Dạ Xoa,… Chi tiết kì ảo: Ngô Tử Văn chết đi sống lại, không gian âm dương nối liền,….
+ Lời kể chuyện thú vị.
c. Kết luận:
– Tóm tắt lại nội dung chính của bài nói, đưa ra một số ý tưởng mở rộng.
2. Dàn ý số 2: Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật truyện ngắn “Chữ người tử tù”
a. Mở đầu:
– Nêu đề tài của bài nói, trình bày lý do lựa chọn đề tài.
b. Triển khai:
– Nội dung: Kể về cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao – người dũng cảm, kiên cường, có tài năng viết chữ đẹp và viên quản ngục – người đại diện cho trật tự xã hội đương thời.
– Nghệ thuật:
+ Thủ pháp xây dựng nhân vật với hai tuyến đối lập: Một bên là người tử tù với ý chí dũng cảm và tài năng thư pháp, một bên là viên quản ngục đại diện cho giai cấp cầm quyền trong xã hội đương thời nhưng có lòng yêu cái đẹp.
+ Tình huống truyện hấp dẫn, thú vị.
+ Ngôn từ gần gũi, hình ảnh sinh động tạo ấn tượng cho người đọc.
c. Kết luận:
– Tóm tắt lại nội dung chính của bài nói, đưa ra một số ý tưởng mở rộng.

Bài tham khảo 1:

Xin chào cô và các bạn, em là Hà Linh. Sau đây, em xin trình bày bài nói: “Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên”. Hi vọng cô và các bạn lắng nghe, đóng góp ý kiến để bài thuyết trình của em được tốt hơn.

Trước hết, em xin trình bày lý do lựa chọn tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” để giới thiệu, phân tích. Nguyễn Dữ sống ở thế kỉ XVI, quê ở Hải Dương, ông là “danh sĩ thời Lê Sơ”. Tác phẩm”Truyền kì mạn lục” của ông đã để lại những rung động sâu sắc trong lòng người đọc. Nguyễn Dữ đã ghi chép lại những câu chuyện lạ trong dân gian từ thời Lý đến thời Lê Sơ với nhiều sáng tạo. Nổi bật trong tập truyện truyền kì này không thể không nhắc tới “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên”.

Tiếp theo, em xin phép tóm tắt sơ lược nội dung tác phẩm. Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, Lạng Giang, chàng nổi tiếng trong vùng với “tính cách cương trực, khảng khái”. Ở nơi chàng sinh sống có một ngôi đền rất thiêng. Vào cuối đời nhà Hồ, khi “quân Ngô sang lấn cướp”, viên Bách hộ họ Thôi tử trận gần đó đã chiếm lấy ngôi đền rồi yêu làm quái trong dân gian”. Điều này khiến Ngô Tử Văn rất tức giận, chàng quyết định đốt đền. Sau khi đốt đền và trở về nhà, chàng lên cơn sốt. Hồn ma tên bại tướng phương Bắc hiện lên đe dọa chàng trả lại ngôi đền như cũ nếu không sẽ khiến chàng gặp phải tai vạ. Ngô Tử Văn không hề sợ hãi mà vẫn ngồi “ngất ngưởng tự nhiên”. Trong cuộc đối chất ở điện Diêm Vương, Ngô Tử Văn đã dũng cảm vạch trần sự gian dối của tên tướng giặc. Kết thúc truyện cũng là lúc Ngô Tử Văn nhận lời tiến cử của Thổ Công làm Phán sự đền Tản Viên.

Tác phẩm đã thành công xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn với những nét đẹp lý tưởng. Qua nhân vật Ngô Tử Văn, tác giả đã đề cao tính cương trực, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Không chỉ vậy, nhân vật còn góp phần còn thể hiện ước mơ của nhân dân ta về một cuộc sống công bằng, yên bình, ấm no.

Trái ngược với Tử Văn, viên Bách hộ họ Thôi chính là đại diện của cái ác. Một tên tướng bại trận lưu vong nơi đất khách mà cướp ngôi đền của Thổ thần để tác oai, tác quái, hắn còn xảo trá tới mức đút lót, dọa nạt những tên quỷ Dạ Xoa.

Tác phẩm còn lên án, tố cáo chế độ phong kiến đương thời với những tên tham quan, chà đạp lên đời sống của người dân. Ta có thể nhận thấy điều này qua không gian kì ảo ở thế giới âm ti. Nhân vật Diêm Vương được khắc họa là một người chính trực, phán xử đúng tội. Lời nói của Diêm Vương khi răn đe lũ quỷ sai cũng thể hiện ước mơ của nhân dân về lẽ công bằng trong xã hội.

Cốt truyện đầy kịch tính kết hợp với các yếu tố kì ảo dày đặc đã làm nổi bật sự đối lập giữa Ngô Tử Văn và hồn ma tên tướng giặc. Bên cạnh đó, lối kể chuyện lôi cuốn giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Ngôi kể thứ ba được sử dụng làm nổi bật cái nhìn linh hoạt, khách quan, tự do của người kể về những sự kiện diễn ra.

Tác phẩm “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” rất hay và giàu ý nghĩa. Tác phẩm đề cao sự dũng cảm, kiên cường, dám đương đầu trước cái xấu và cái ác. Đồng thời, góp phần lên án chế độ phong kiến đương thời với những tên tham quan; thể hiện khát vọng về cuộc sống công bằng của nhân dân.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc, cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe! Rất mong nhận được những ý kiến góp ý của cô và các bạn.

Gioi thieu danh gia ve noi dung va nghe thuat cua mot truyen

Bài tham khảo số 2

Xin chào cô và các bạn, em là Hà Linh. Sau đây, em xin trình bày bài nói: “Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Chữ người tử tù”. Mong cô và các bạn lắng nghe, đóng góp ý kiến để bài thuyết trình của em được hoàn thiện hơn.

Đầu tiên, em xin phép trình bày lý do lựa chọn tác phẩm “Chữ người tử tù” để giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật. Khi tìm hiểu về tác giả Nguyễn Tuân, hẳn chúng ta đều biết ông là người “suốt đời đi tìm cái đẹp”, trước cách mạng tháng Tám, tác phẩm của ông “thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng”. “Vang bóng một thời” là tập truyện tiêu biểu cho phong cách ông trước cách mạng, trong đó, ta không thể không nhắc đến “Chữ người tử tù” – một tác phẩm nổi bật lên quan điểm của Nguyễn Tuân về cái đẹp và cái tâm.

Tiếp theo, em xin trình bày phần giới thiệu, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn. “Chữ người tử tù” ban đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” được in trên tạp chí Tao Đàn, sau khi in thành sách mới đổi lại tên. Chủ đề của tác phẩm góp phần cho người đọc thấy rõ quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân “Cái đẹp có thể sinh ra từ cái xấu, cái ác nhưng không thể sống chung với cái xấu, cái ác”.

Mở đầu tác phẩm là tình huống gặp gỡ hết sức éo le của Huấn Cao – người tử tù có tài năng viết chữ đẹp và viên quản ngục – người mê tài năng viết chữ của Huấn Cao. Vị thế của hai nhân vật tỏ rõ sự đối lập, một người là tử tù, một người đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Ấy vậy mà trên phương diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau.

“Chữ người tử tù” đã thành công khắc họa nhân vật Huấn Cao với tài năng và tâm hồn cao đẹp. Khi phản đối triều đình và bị bắt, ông vẫn giữ tư thế hiên ngang trước lời đe dọa của những tên lính áp giải. Khi viên quản ngục đối xử đặc biệt với Huấn Cao, ông tỏ ra khinh thường. Tài viết chữ đẹp của Huấn Cao được nhiều người biết đến “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Không chỉ có tài năng viết chữ, ông còn là người có tấm lòng thiên lương, Huấn Cao bình sinh không ép mình vì vàng bạc mà cho chữ bao giờ, chữ của ông là mong mỏi của bất cứ ai “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Tấm lòng thiện lương còn được thể hiện qua việc ông cho chữ viên quản ngục “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.

Viên quản ngục là người yêu và coi trọng cái đẹp nhưng phải làm việc ở nơi đầy dối gian, tàn nhẫn. Nhưng dù vậy, ông vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp với mong muốn có được chữ Huấn Cao để treo trong nhà. Vẻ đẹp tâm hồn viên quản ngục được thể hiện rõ trong cảnh cho chữ “viên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Trước lời khuyên của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Bằng ngôn ngữ tinh tế, tình huống truyện hấp dẫn, tác phẩm đã thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về “cái tài gắn với cái tâm”. Tác phẩm cũng gợi lên cho người đọc hình dung về không khí cổ xưa nay chỉ còn một thời vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả kết hợp với thủ pháp xây dựng nhân vật đối lập, hấp dẫn cũng tạo nên thành công cho tác phẩm.

Nội dung và nghệ thuật góp phần làm nổi bật quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân “Cái tài đi với cái tâm”, “Cái đẹp có thể sinh ra từ cái ác nhưng không thể sống chung với cái xấu và cái ác”.

Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Mong cô và các bạn đóng góp ý kiến để bài thuyết trình của em được hoàn thiện hơn. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!

Đối với bài nói giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một tác phẩm truyện, các em cần triển khai đủ các phần: tóm tắt tác phẩm; phân tích, đánh giá chủ đề của truyện; phân tích nghệ thuật được sử dụng. Mong rằng, qua bài tham khảo trên đây, các em sẽ có thêm định hướng để hoàn thiện bài nói của bản thân.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 5

Thiên nhiên và con người trong bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh).

Bài làm:

Nói

– Chuẩn bị dàn ý trước khi nói.

– Nói ở mức độ vừa phải, rõ ràng, rành mạch,

– Mắt hương về người nghe.

– Tôn trọng, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người khác.

Bài nói chi tiết

Chào thầy/cô cùng toàn thể các bạn. Tôi tên Nguyễn Văn A. Sau đây tôi xin thuyết trình về chủ đề thiên nhiên và con người trong bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh).

Hồ Chí Minh một vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó với tài năng của mình người đã sáng tác nên những áng thơ văn vô cùng nổi bật. Trong đó bài thơ Cảnh Khuya là một tác phẩm thơ văn được viết trong thời kì kháng chiến tiêu biểu. Bài thơ là sự miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng đẹp, qua đó cho ta thấy tâm tư, tình cảm của một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

Với giọng thơ bình dị, vẻ đẹp của cảnh vật hiện lên trong thơ Hồ Chí Minh vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Thiên nhiên, cảnh núi rừng Việt Bắc vắng vẻ nhưng vô cùng huyền ảo và thơ mộng. Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của “tiếng suối trong”. Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối. Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng.

Chỉ với hai câu thơ mở đầu mà bức tranh phong cảnh hiện lên vô cùng sinh động, với thật nhiều màu sắc.

Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến câu thơ thứ ba là sự khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình vô cùng tự nhiên.

“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”

Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng.

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ cuối nêu lên cái thực tế của nhân vật trữ tình và mở sâu và hiện thực tâm trạng của nhà thơ. Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. Nghệ thuật ấy vô cùng chân thực, giản dị, đi thẳng vào lòng người nên cũng là nghệ thuật cao quí, tinh vi nhất.

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh miêu tả bức tranh đêm khuya thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng sâu hơn nữa là thể hiện tâm tư, tình cảm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng vì nhân dân, lo cho dân, cho nước.

Nghe

Bước 1: Chuẩn bị nghe

– Tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến truyện kể sẽ được nghe.

– Chuẩn bị giấy, bút để ghi chép.

Bước 2: Lắng nghe và ghi chép

– Tập trung lắng nghe bài đánh giá.

– Ghi chép ngay những thắc mắc, những câu hỏi muốn trao đổi với người nói về bài đánh giá.

Bước 3: Trao đổi, nhận xét, đánh giá

– Gửi lời cảm ơn trước khi muốn trao đổi với người nói.

– Đưa ra những lời nhận xét, thắc mặc, trao đổi của mình với người nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thái độ tôn trọng.

– Chú ý: không nên quá áp đặt quan điểm cá nhân, cái nhìn chủ quan của mình lên bài đánh giá của người nói.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 6

Chuẩn bị nói trang 67 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1

* Đề tài: Giới thiệu bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử.

* Tìm ý và sắp xếp:

– Bài thơ là một bức tranh mùa xuân nơi thôn dã, tất cả đều đậm vẻ xuân, xuân trong cảnh vật và xuân trong lòng người.

– Dấu hiệu báo xuân sang: Làn nắng ửng; Khói mơ; Mái nhà tranh bên giàn thiên lý. -> Thanh tĩnh, bình dị, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương.

– Cảnh vật thôn quê đẫm hơi xuân: Làn mưa xuân tưới thêm sức sống; Cỏ cây xanh tươi” gợn tới trời”; Niềm vui của con người khi xuân đến.

– Ngôn ngữ kết tinh với tấm lòng hồn hậu của thi nhân, Hàn Mạc Tử đã viết nên một ” mùa xuân chín” vẹn tròn, đầy đặn, thiết tha.

 

Chuẩn bị nghe trang 68 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1

Một số lưu ý khi nghe người khác nói:

– Chú ý lắng nghe, ghi chép;

– Đưa ra những câu hỏi cần giải đáp.

Thực hành nói và nghe trang 68 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1

Học sinh tự thực hành.

Bài nói mẫu

Không biết mùa xuân có tự bao giờ và thơ xuân có tự bao giờ, chỉ biết người ta sinh ra đã có mùa xuân đẹp đầy sức sống và thổi vào các hồn thơ, sống trong cuộc đời, nếu thiếu đi mùa xuân, thiếu đi những câu thơ xuân thì thật buồn. Mùa xuân mỗi khoảnh khắc một vẻ, lúc là “mùa xuân nho nhỏ”, lúc là “mùa xuân xanh”… và đây Mùa xuân chín nghe vừa mới, vừa sôi nổi, vừa có một sức sống dồn nén đang thầm nảy nở giống như cái mới, cái lãng mạn và khao khát trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.

Mỗi dòng thơ đều phảng phất hơi xuân, đều thấm đượm cái đẹp của tâm hồn thi sĩ. Mùa xuân bắt đầu từ cái nắng mới lạ thường:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang

Mở đầu bài thơ cái cái nắng mùa xuân, chẳng phải tia nắng, hạt nắng, cũng chẳng phải giọt nắng mà là “làn nắng”. Chữ “làn” như gợi một hơi thở nhẹ nhàng, nắng như mỏng tang, mềm mại trải đều trong thơ và trong không gian. Làn nắng lại “ửng” lên trong “khói mơ tan”, cảnh sắc nhẹ nhàng, đẹp dân dã mà huyền diệu. Sương khói quyện với nắng; cái “ửng” của nắng được tôn lên trong làn khói mơ màng đang “tan” ấy. Trong câu thơ này, ngòi bút thi sĩ đã hướng đến một nét thơ truyền thống, cổ điển, miêu tả cái nắng xuân vừa như có hồn, vừa như có tình chan chứa.

Khung cảnh ấy rất giản dị, chỉ có “đôi mái nhà tranh” hiện lên trong “làn nắng ửng” nhưng nó vẫn gợi lên một sức sống dân dã bình yên hết sức thân thuộc với mọi người. Nắng như đang rắc lên “đôi mái nhà tranh” chút sắc xuân và hương xuân: “Sột soạt gió trêu tà áo biếc”. Cái âm thanh của gió “trêu” tà áo và cái gam màu “biếc” của lá, chính là cái tình xuân. Một chữ “trêu” đáng yêu quá, thân thương quá, như có gì đó mang hương sắc đồng quê từ những câu ca dao, hát ghẹo tình tứ thuở nào cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Gió cũng biết kén chọn, không phải áo nào cũng “trêu”, mà phải chọn áo biếc mới thật thơ, thật đẹp.

Tác giả miêu tả từ cái cụ thể, từ làn nắng, từ mái nhà tranh, từ gió rồi mới đến cái khái quát: “Trên giàn thiên lý / Bóng xuân sang”. Câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, lại mang nỗi vấn vương khi đón “bóng xuân sang”. Cảm xúc ngưng tụ như nín thở ấy ẩn mình vào dấu chấm giữa dòng thơ. Bên giàn thiên lí, mùa xuân đã sang. Mùa xuân nhẹ nhàng bước đi như có thể cầm được, có thể ngắm được ngay trước mắt mỗi chúng ta. Mùa xuân hiện ra trong mắt Hàn Mặc Tử nó nhẹ nhàng, dịu dàng như thế đấy!

Sau cái ngưng tụ và run rẩy như dây đàn căng lên trong tâm hồn nhà thơ thì ở những câu sau, mùa xuân lại ào đến:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi

Hình ảnh ẩn dụ “sóng cỏ” và ba chữ “gợn tới trời” đã gợi tả làn cỏ xanh dập dờn trong làn gió xuân nhè nhẹ thổi. Cỏ như xanh mãi, tươi mãi trong không gian mênh mông, bao la ấy. Gam màu “xanh tươi” đầy sức sống yên bình trong thơ Hàn Mặc Tử cứ “gợn tới trời”, nó trải dài mãi như không dứt, trải mãi, trải mãi và rồi ngâm vào hồn thơ. Trong sắc xuân ấy, cây cỏ cứ xanh mãi nhưng thứ tình cảm con người đã đến độ chín rồi. “Đám xuân xanh ấy” là hình ảnh ẩn dụ chỉ các cô thôn nữ đang hát, đang “thầm thì với ai ngồi dưới trúc” kia, sẽ chín cùng mùa xuân và sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Những cô thôn nữ dần lớn, dần “chín” và đến độ tuổi lấy chồng, theo chồng. Thiên nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua. Hàn Mặc Tử như chợt thấy buồn, thấy hẫng hụt, bâng khuâng, như mất mát đi một cái gì trong lòng khi mùa xuân đang chín…

Mùa xuân chỉ thực sự “chín” khi có con người và có dư âm tiếng hát:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây

Tiếng hát giữa mùa xuân thân quen quá, yêu thương quá. Tiếng hát “vắt vẻo” và “thơ ngây” của những nàng xuân, của bao cô thôn nữ chính là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đẹp như ca dao, dân ca, như lễ hội mùa xuân muôn thuở của cái xứ sở này. Câu thơ gợi lên cái “chín” trong tâm hồn bao cô thôn nữ qua âm thanh “vắt vẻo”, trong trẻo, tươi mát của câu hát giao duyên, của trai gái nơi đồng quê, mộc mạc mà tình tứ. Tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống thiết tha của thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã bắt vào lời hát ấy nhiều xao xuyến. Hai câu thơ vừa tả cảnh vừa tả người, trong cái mùa xuân khi mà vạn vật nở hoa, xanh tươi thì con người đã đến tuổi chín rồi.

Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung, “vắt vẻo” hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” thể hiện một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái thế giới âm thanh mùa xuân ấy. Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi”. Dư âm tiếng hát dường như rung lên “vắt vẻo” gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng nhà thơ. Tiếng hát “hổn hển” được so sánh “với lời của nước mây”, lời của thiên nhiên. Hai tiếng “hổn hển” như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao mà đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn ngập cả không gian, góp phần làm nên một “mùa xuân chín”. “Vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì” là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu. Sự phong phú về giai điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng nhà thơ bâng khuâng cảm nhận: “Nghe ra ý vị và thơ ngây…”.

Gặp lúc mùa xuân chín ấy mà thổn thức:

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

– Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Hình ảnh của kí ức hiện lên một thoáng buồn đẹp và trải rộng mênh mông xa vắng. Nhà thơ nhớ đến con người như khao khát một tình người, một tình quê; mỗi một nỗi nhớ đều rất bâng khuâng, xao xuyến. Nhà thơ nhớ từng chi tiết, nhớ một công việc cụ thể: “gánh thóc” trong một không gian cụ thể: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Những chỉ có “chị ấy” là người đọc không thể biết đó là ai, chỉ có tác giả mới biết để mà “sực nhớ”, mà thầm hỏi, mà man mác sợ “mùa xuân chín” ấy sẽ trôi qua. Hình như đó là nét thơ của Hàn Mặc Tử, là tâm hồn Hàn Mặc Tử luôn khao khát giao cảm với đời, luôn có một nỗi niềm cô đơn, trống vắng, hẫng hụt như thế.

Mùa xuân chín là một bài thơ xuân rất hay, là một bức tranh xuân mới nhất, trong sáng, rạo rực, say mê, thơ mộng mà thoáng buồn nhất. Hàn Mặc Tử với cảm hứng thiên nhiên trữ tình, màu sắc cổ điển hài hòa kết hợp với chất dân dã, trẻ trung bình dị đã làm hiện lên một bức tranh xuân tươi tắn thơ mộng. Mùa xuân đẹp với con người trẻ trung, hồn nhiên, đáng yêu. Yêu mùa xuân chín cũng là yêu đồng quê, yêu làn nắng ửng, yêu mái nhà tranh, yêu giàn thiên lí, yêu tiếng hát vắt vẻo của những nàng xuân trên “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 07/2024!