Updated at: 23-03-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức” chuẩn nhất 04/2024.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 1

Chuẩn bị nói

* Đề tài: Giới thiệu bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử.

* Tìm ý và sắp xếp:

– Bài thơ là một bức tranh mùa xuân nơi thôn dã, tất cả đều đậm vẻ xuân, xuân trong cảnh vật và xuân trong lòng người.

– Dấu hiệu báo xuân sang: Làn nắng ửng; Khói mơ; Mái nhà tranh bên giàn thiên lý. -> Thanh tĩnh, bình dị, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương.

– Cảnh vật thôn quê đẫm hơi xuân: Làn mưa xuân tưới thêm sức sống; Cỏ cây xanh tươi” gợn tới trời”; Niềm vui của con người khi xuân đến.

– Ngôn ngữ kết tinh với tấm lòng hồn hậu của thi nhân, Hàn Mạc Tử đã viết nên một ” mùa xuân chín” vẹn tròn, đầy đặn, thiết tha.

Chuẩn bị nghe

Một số lưu ý khi nghe người khác nói:

– Chú ý lắng nghe, ghi chép;

– Đưa ra những câu hỏi cần giải đáp.

Thực hành nói và nghe

Học sinh tự thực hành.

Bài nói mẫu

Không biết mùa xuân có tự bao giờ và thơ xuân có tự bao giờ, chỉ biết người ta sinh ra đã có mùa xuân đẹp đầy sức sống và thổi vào các hồn thơ, sống trong cuộc đời, nếu thiếu đi mùa xuân, thiếu đi những câu thơ xuân thì thật buồn. Mùa xuân mỗi khoảnh khắc một vẻ, lúc là “mùa xuân nho nhỏ”, lúc là “mùa xuân xanh”… và đây Mùa xuân chín nghe vừa mới, vừa sôi nổi, vừa có một sức sống dồn nén đang thầm nảy nở giống như cái mới, cái lãng mạn và khao khát trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.

Mỗi dòng thơ đều phảng phất hơi xuân, đều thấm đượm cái đẹp của tâm hồn thi sĩ. Mùa xuân bắt đầu từ cái nắng mới lạ thường:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

 Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang

Mở đầu bài thơ cái cái nắng mùa xuân, chẳng phải tia nắng, hạt nắng, cũng chẳng phải giọt nắng mà là “làn nắng”. Chữ “làn” như gợi một hơi thở nhẹ nhàng, nắng như mỏng tang, mềm mại trải đều trong thơ và trong không gian. Làn nắng lại “ửng” lên trong “khói mơ tan”, cảnh sắc nhẹ nhàng, đẹp dân dã mà huyền diệu. Sương khói quyện với nắng; cái “ửng” của nắng được tôn lên trong làn khói mơ màng đang “tan” ấy. Trong câu thơ này, ngòi bút thi sĩ đã hướng đến một nét thơ truyền thống, cổ điển, miêu tả cái nắng xuân vừa như có hồn, vừa như có tình chan chứa.

Khung cảnh ấy rất giản dị, chỉ có “đôi mái nhà tranh” hiện lên trong “làn nắng ửng” nhưng nó vẫn gợi lên một sức sống dân dã bình yên hết sức thân thuộc với mọi người. Nắng như đang rắc lên “đôi mái nhà tranh” chút sắc xuân và hương xuân: “Sột soạt gió trêu tà áo biếc”. Cái âm thanh của gió “trêu” tà áo và cái gam màu “biếc” của lá, chính là cái tình xuân. Một chữ “trêu” đáng yêu quá, thân thương quá, như có gì đó mang hương sắc đồng quê từ những câu ca dao, hát ghẹo tình tứ thuở nào cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Gió cũng biết kén chọn, không phải áo nào cũng “trêu”, mà phải chọn áo biếc mới thật thơ, thật đẹp.

Tác giả miêu tả từ cái cụ thể, từ làn nắng, từ mái nhà tranh, từ gió rồi mới đến cái khái quát: “Trên giàn thiên lý / Bóng xuân sang”. Câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, lại mang nỗi vấn vương khi đón “bóng xuân sang”. Cảm xúc ngưng tụ như nín thở ấy ẩn mình vào dấu chấm giữa dòng thơ. Bên giàn thiên lí, mùa xuân đã sang. Mùa xuân nhẹ nhàng bước đi như có thể cầm được, có thể ngắm được ngay trước mắt mỗi chúng ta. Mùa xuân hiện ra trong mắt Hàn Mặc Tử nó nhẹ nhàng, dịu dàng như thế đấy!

Sau cái ngưng tụ và run rẩy như dây đàn căng lên trong tâm hồn nhà thơ thì ở những câu sau, mùa xuân lại ào đến:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

 Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

 Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi

Hình ảnh ẩn dụ “sóng cỏ” và ba chữ “gợn tới trời” đã gợi tả làn cỏ xanh dập dờn trong làn gió xuân nhè nhẹ thổi. Cỏ như xanh mãi, tươi mãi trong không gian mênh mông, bao la ấy. Gam màu “xanh tươi” đầy sức sống yên bình trong thơ Hàn Mặc Tử cứ “gợn tới trời”, nó trải dài mãi như không dứt, trải mãi, trải mãi và rồi ngâm vào hồn thơ. Trong sắc xuân ấy, cây cỏ cứ xanh mãi nhưng thứ tình cảm con người đã đến độ chín rồi. “Đám xuân xanh ấy” là hình ảnh ẩn dụ chỉ các cô thôn nữ đang hát, đang “thầm thì với ai ngồi dưới trúc” kia, sẽ chín cùng mùa xuân và sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Những cô thôn nữ dần lớn, dần “chín” và đến độ tuổi lấy chồng, theo chồng. Thiên nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua. Hàn Mặc Tử như chợt thấy buồn, thấy hẫng hụt, bâng khuâng, như mất mát đi một cái gì trong lòng khi mùa xuân đang chín…

Mùa xuân chỉ thực sự “chín” khi có con người và có dư âm tiếng hát:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây

Tiếng hát giữa mùa xuân thân quen quá, yêu thương quá. Tiếng hát “vắt vẻo” và “thơ ngây” của những nàng xuân, của bao cô thôn nữ chính là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đẹp như ca dao, dân ca, như lễ hội mùa xuân muôn thuở của cái xứ sở này. Câu thơ gợi lên cái “chín” trong tâm hồn bao cô thôn nữ qua âm thanh “vắt vẻo”, trong trẻo, tươi mát của câu hát giao duyên, của trai gái nơi đồng quê, mộc mạc mà tình tứ. Tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống thiết tha của thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã bắt vào lời hát ấy nhiều xao xuyến. Hai câu thơ vừa tả cảnh vừa tả người, trong cái mùa xuân khi mà vạn vật nở hoa, xanh tươi thì con người đã đến tuổi chín rồi.

Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung, “vắt vẻo” hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” thể hiện một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái thế giới âm thanh mùa xuân ấy. Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi”. Dư âm tiếng hát dường như rung lên “vắt vẻo” gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng nhà thơ. Tiếng hát “hổn hển” được so sánh “với lời của nước mây”, lời của thiên nhiên. Hai tiếng “hổn hển” như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao mà đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn ngập cả không gian, góp phần làm nên một “mùa xuân chín”. “Vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì” là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu. Sự phong phú về giai điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng nhà thơ bâng khuâng cảm nhận: “Nghe ra ý vị và thơ ngây…”.

Gặp lúc mùa xuân chín ấy mà thổn thức:

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

– Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Hình ảnh của kí ức hiện lên một thoáng buồn đẹp và trải rộng mênh mông xa vắng. Nhà thơ nhớ đến con người như khao khát một tình người, một tình quê; mỗi một nỗi nhớ đều rất bâng khuâng, xao xuyến. Nhà thơ nhớ từng chi tiết, nhớ một công việc cụ thể: “gánh thóc” trong một không gian cụ thể: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Những chỉ có “chị ấy” là người đọc không thể biết đó là ai, chỉ có tác giả mới biết để mà “sực nhớ”, mà thầm hỏi, mà man mác sợ “mùa xuân chín” ấy sẽ trôi qua. Hình như đó là nét thơ của Hàn Mặc Tử, là tâm hồn Hàn Mặc Tử luôn khao khát giao cảm với đời, luôn có một nỗi niềm cô đơn, trống vắng, hẫng hụt như thế.

      Mùa xuân chín là một bài thơ xuân rất hay, là một bức tranh xuân mới nhất, trong sáng, rạo rực, say mê, thơ mộng mà thoáng buồn nhất. Hàn Mặc Tử với cảm hứng thiên nhiên trữ tình, màu sắc cổ điển hài hòa kết hợp với chất dân dã, trẻ trung bình dị đã làm hiện lên một bức tranh xuân tươi tắn thơ mộng. Mùa xuân đẹp với con người trẻ trung, hồn nhiên, đáng yêu. Yêu mùa xuân chín cũng là yêu đồng quê, yêu làn nắng ửng, yêu mái nhà tranh, yêu giàn thiên lí, yêu tiếng hát vắt vẻo của những nàng xuân trên “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 2

I. Giới Thiệu, Đánh Giá Về Nội Dung Và Nghệ Thuật Thu Hứng

1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật “Thu hứng”.
a. Mở đầu:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu nội dung khái quát cần giới thiệu, đánh giá: nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
b. Nội dung chính:
– Mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ cảm xúc trước khung cảnh thiên nhiên đến cảm xúc về khung cảnh sinh hoạt của con người.
– Nội dung bài thơ: nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.
– Hình thức nghệ thuật: thể thơ, nhịp thơ, hình ảnh thơ,…
c. Kết thúc:
– Khẳng định lại giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
2. Bài nói mẫu: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Thu hứng.

Em chào cô và các bạn. Em tên là Hiếu. Hôm nay, em xin được trình bày bài nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật “Thu hứng” – Đỗ Phủ.
Trong những ngày thu năm 766, nhà thơ Đỗ Phủ đã sáng tác bài thơ “Thu hứng” (Bài 1). Đây là bài đầu tiên nằm trong chùm tám bài thơ thất ngôn bát cú có nhan đề chung là “Thu hứng”. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt của con người khi thu đến, đồng thời thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu đậm của Đỗ Phủ.
Các bạn ạ, khi đọc bài thơ này, chúng ta dễ dàng thấy được mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ tâm trạng trước không gian thiên nhiên đến cảm nhận về khung cảnh sinh hoạt của con người.
Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ Đỗ Phủ đã phác họa bức tranh thiên nhiên mùa thu ảm đạm, hắt hiu. Không gian rộng lớn của rừng phong được bao trùm bởi làn sương trắng xóa “Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm”. Xa xa kia, núi Vu, kẽm Vu với những vách núi cao lớn đã thu hút tầm nhìn của nhân vật trữ tình. Hai địa danh này dường như cũng u ám, mờ mịt bởi làn sương dày đặc “Núi vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt”. Từ láy “hiu hắt” càng làm cho không gian núi rừng trở nên hoang sơ, lạnh lẽo. Ở hai câu thơ tiếp theo “Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng/ Tái thượng phong vân tiếp địa âm”, nhà thơ đã chuyển tầm nhìn của mình xuống dòng sông. Giữa lòng sông, sóng tung những dòng nước cuồn cuộn như muốn bao trùm lấy bầu trời. Đặc biệt, gió mây ở trên cao như đang sà xuống, làm cho mặt đất càng thêm âm u. Tất cả các cảnh vật với những sắc thái khác nhau đã tạo nên bức tranh thiên nhiên mùa thu tiêu điều, hiu hắt.

Tiếp đến, ở bốn câu thơ cuối, Đỗ Phủ khéo léo bộc lộ nỗi nhớ quê hương da diết của mình. Đứng trước khung cảnh sinh hoạt của con người, nhà thơ không thể ngăn nổi nỗi xúc động. Hai lần khóm cúc nở hoa cũng là hai năm xa nhà của Đỗ Phủ “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ”. Không chỉ vậy, hình ảnh con thuyền lẻ loi như gợi ra lênh đênh của kiếp người “Cô chu nhất hệ cố viên tâm”. Câu thơ cũng đã làm nổi bật hoàn cảnh cô đơn của tác giả nơi đất khách. Nỗi nhớ quê nhà càng thêm da diết khi nhà thơ nghe thấy âm thanh rộn ràng của dao thước may quần áo mùa rét và sự dồn dập của tiếng chày nện vải.


Qua bài thơ, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt của con người trong tiết trời thu ảm đạm, hắt hiu. Đồng thời, từ cảnh vật ấy, nhà thơ khéo léo bày tỏ nỗi nhớ thương quê nhà của mình.
Bên cạnh những thành công về nội dung, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp trong hình thức nghệ thuật của “Thu hứng” (Bài 1). Bài thơ sử dụng ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi. Ngoài ra, cách gieo vần, ngắt nhịp, phép đối cùng lối viết tả ít gợi nhiều đã khơi gợi nỗi nhớ quê nhà một cách tinh tế của nhà thơ.
Trên đây là bài trình bày của em về Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật “Thu hứng” – Đỗ Phủ. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe!
Soan bai Truyen ve cac vi than sang tao the gioiII. Giới Thiệu, Đánh Giá Về Nội Dung Và Nghệ Thuật Mùa Xuân Chín

1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Mùa xuân chín.
a. Mở đầu:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu nội dung khái quát cần giới thiệu, đánh giá: nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
b. Nội dung chính:
– Chủ đề của bài thơ: tình yêu thiên nhiên cùng khát khao giao cảm với đời, với người của Hàn Mặc Tử.
+ Nhan đề bài thơ khiến người đọc hình dung về mùa xuân đang vào giai đoạn tươi đẹp và tràn đầy sức sống.
+ Mạch cảm xúc: đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.
– Hình thức nghệ thuật: ngôn ngữ, hình ảnh thơ, các biện pháp tu từ…
c. Kết thúc:
– Khẳng định lại giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
2. Bài nói mẫu: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Mùa xuân chín.
Em chào cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu, em tên là Hà Anh. Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật “Mùa xuân chín”.
Các bạn ơi, chắc hẳn mỗi người chúng ta đã từng đọc hoặc học về một bài thơ viết về mùa xuân đúng không nào? Mình nhớ chúng ta đã từng học đoạn trích “Cảnh ngày xuân” (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du) và bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn một bài thơ cũng viết về mùa xuân, nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 – Kết nối tri thức với cuộc sống. Đó là bài thơ “Mùa xuân chín” của tác giả Hàn Mặc Tử.

Đọc nhan đề bài thơ, mình thấy sự kết hợp tinh tế giữa danh từ “mùa xuân” với động từ chỉ trạng thái “chín”. Nhan đề ấy đã khiến mình hình dung về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Mạch cảm xúc ấy được khắc họa rõ nét qua các hình ảnh thơ và ngôn ngữ tinh tế.
Đầu tiên, ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh thơ “làn nắng ửng”, “khói mờ tan”, “bóng xuân sang” đã gợi ra khung cảnh mùa xuân ấm áp. Biện pháp nhân hóa “gió trêu tà áo biếc” kết hợp với từ láy “sột soạt” và phép đảo ngữ “Sột soạt gió trêu tà áo biếc” cho thấy những tinh tế trong quan sát của nhà thơ khi xuân đến. Ngọn gió không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên sống động với âm thanh tình tứ, đang trêu đùa tà áo biếc. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “bóng xuân sang” còn góp phần miêu tả dáng điệu nhẹ nhàng của mùa xuân.
Trên nền thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống còn xuất hiện hình ảnh con người “Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Lắng nghe tiếng hát ấy, nhân vật trữ tình càng thêm tiếc nuối trước độ xuân thì của người con gái “- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc cuộc chơi”. Biện pháp ẩn dụ “xuân xanh” kết hợp cùng các từ láy “hổn hển”, “vắt vẻo” và biện pháp nhân hóa “tiếng ca vắt vẻo”, so sánh “hổn hển như lời nước mây” đã mang đến cho người đọc vẻ duyên dáng của người con gái. Vẻ đẹp ấy hòa trong tiếng hát trầm bổng, thiết tha như tô đậm khung cảnh thiên nhiên căng tràn sức sống.
Đặc biệt, trong khổ thơ cuối, mình cảm nhận được tâm trạng chùng xuống của nhân vật trữ tình – “khách xa”. Từ láy “bâng khuâng” gợi ra cảm xúc lâng lâng, xen chút buồn tiếc nuối trong lòng. Nhưng rồi, nhân vật trữ tình lại có sự chuyển biến đột ngột trong cảm xúc khi “sực” nhớ làng và “- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc theo bờ sông trắng nắng chang chang?”. Câu hỏi cuối bài thơ cùng đại từ nhân xưng không cụ thể “chị ấy” đã phác họa nỗi niềm cô đơn, hụt hẫng cùng tấm lòng nhớ quê hương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Qua bài thơ “Mùa xuân chín”, mình thấy được nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật như cách tổ chức ngôn ngữ và hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp với nhiều biện pháp nhân hóa, cách gieo vần chân (“vàng-sang, “trời-chơi”,…). Bên cạnh đó, bài thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân từ những chất liệu như âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động của thiên nhiên và con người. Đọc bài thơ, chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

III. Giới Thiệu, Đánh Giá Về Nội Dung Và Nghệ Thuật Một Bài Thơ Hai-Cư Nhật Bản.

1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.
a. Mở đầu
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu nội dung khái quát cần giới thiệu, đánh giá: nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
b. Nội dung chính:
– Nội dung bài thơ: tâm trạng của con người trong cảnh chiều thu:
+ Hình ảnh trung tâm: “con quạ”.
+ Không gian: trên cành cây khô.
+ Thời gian: chiều thu.
– Hình thức nghệ thuật:
+ Dung lượng ngắn.
+ Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc.
+ Hình ảnh thơ gần gũi.
c. Kết thúc:
– Khẳng định lại giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
2. Bài nói mẫu: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.
Chào cô và các bạn học sinh lớp 10A1, em tên là Đại Dương. Hôm nay, em xin trình bày bài nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.
Các bạn ơi, không biết trong ba bài thơ thuộc “Chùm thơ hai-cư Nhật Bản” được học ở chương trình Ngữ văn 10 – Kết nối tri thức thì các bạn thích bài thơ nào nhất? Đối với mình, mình ấn tượng với bài thơ đầu tiên. Đây là bài thơ do nhà thơ Ba-sô sáng tác.
Theo mình tìm hiểu, Ba-sô (1644-1694) là nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Nhật. Ông có đóng góp lớn trong việc hoàn thiện thơ hai-cư. Bài thơ hai-cư của ông mà mình muốn giới thiệu tới mọi người hết sức ngắn gọn:
“Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.”
Có thể thấy, khi đọc bài thơ, các bạn dễ dàng phát hiện ra hình ảnh trung tâm của bài thơ là “con quạ”. Con quạ này đang đậu ở một cành cây khô. Cụm từ “trên cành khô” gợi cho chúng ta không khí man mác buồn của trời thu. Cảnh vật dường như đang lụi tàn, héo mòn theo thời gian. Bức tranh mùa thu trở nên tĩnh lặng, chỉ có một màu ảm đạm, u ám và thiếu sức sống. Trong buổi chiều thu ấy, đứng trước khung cảnh thiên nhiên như vậy, con người thêm cô độc, lẻ loi mà lâng lâng cảm xúc trong lòng.
Bên cạnh đặc sắc về nội dung, mình còn ấn tượng với những độc đáo trong hình thức nghệ thuật của bài thơ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên mình được đọc và học một bài thơ ngắn như vậy. Chắc hẳn mọi người cũng giống như mình đúng không? Tuy dung lượng bài thơ khá ngắn, chỉ có ba câu, mỗi câu khoảng 2-3 tiếng nhưng đã làm nổi bật tâm trạng của nhà thơ. Nếu các bạn để ý thì sẽ phát hiện ra các chữ đầu dòng ở câu thơ 2, 3 không được viết hoa. Điều này giúp bài thơ giống như một câu chuyện kể, một lời bộc bạch tâm sự của con người. Ngoài ra, hình ảnh thơ cũng rất gần gũi, thân thuộc với mỗi chúng ta. Hình ảnh “cành khô”, “con quạ” mang đậm tính tượng trưng cho thiên nhiên mùa thu. Nét độc đáo về nghệ thuật còn được thể hiện trong việc tác giả sử dụng ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc. Bài thơ chỉ với 8 tiếng nhưng đã gợi cho người đọc khung cảnh mùa thu và bức tranh tâm trạng của con người.
Có thể nói, đọc bài thơ hai-cư của Ba-sô đã giúp mình tiếp thu thêm kiến thức về thể thơ hai-cư độc đáo của Nhật Bản. Từ đây, mình sẽ chăm chỉ đọc sách và bồi dưỡng tri thức để khám phá nhiều điều thú vị từ nền văn học của các quốc gia khác.
Như vậy, bài thuyết trình của em về: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản đến đây là kết thúc. Em rất mong sẽ nhận được lời nhận xét của cô và những ý kiến đóng góp của các bạn để bài thuyết trình ngày càng hoàn thiện.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 3

Đề tài: Phân tích đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ “Mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử).

1. Dàn ý chi tiết:
a) Mở đầu:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu vấn đề chính sẽ được tập trung phân tích trong bài viết.
b) Triển khai:
Trình bày lần lượt các khía cạnh đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ
– Nhan đề.
– Mạch cảm xúc.
– Sự phát triển của mạch thơ qua cách tổ chức ngôn từ nghệ thuật.
– So sánh với tác phẩm cùng đề tài, chủ đề, thể loại.
c) Kết luận:
– Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ.
Gioi thieu danh gia ve noi dung va nghe thuat cua mot truyen

2. Bài nói mẫu tham khảo:
Kính chào cô và các bạn, em tên là ….. Sau đây, em xin trình bày bài nói của mình “Giới thiệu, đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử.
Khi nhắc đến mùa xuân trong thơ, các bạn sẽ nghĩ đến tác giả, tác phẩm nào đầu tiên? Chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh hay bài thơ nào khác? Cùng viết về đề tài mùa xuân, nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng gửi tới độc giả tác phẩm “Mùa xuân chín” với bức tranh thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống, thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử được bộc lộ thông qua những nét đặc sắc nghệ thuật.
Trước hết, nhan đề bài thơ là sự kết hợp giữa động từ trạng thái “chín” với danh từ “mùa xuân” gợi ra liên tưởng về mùa xuân đang vào giai đoạn đẹp nhất, tràn đầy sức sống nhất. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự tiếc nuối của thi nhân trước cảnh đẹp đang dần trôi qua, không thể tồn tại vĩnh viễn. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.
Bên cạnh đó, khi tìm hiểu bài thơ em nhận thấy mạch thơ được triển khai thông qua hệ thống hình ảnh, các biện pháp tu từ, sự phối hợp nhịp và vần trong toàn bộ bài thơ.
Thứ nhất, khung cảnh mùa xuân được khắc họa qua hình ảnh thơ giàu sức gợi: “làn nắng ửng”, “khói mơ tan”, “bóng xuân sang”, “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. Tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “bóng xuân sang” để nhấn mạnh vào dấu ấn của mùa xuân. Đảo ngữ “Sột soạt gió trêu tà áo biếc” với từ láy “sột soạt” có tác dụng miêu tả âm thanh của gió thổi tình tứ, trêu đùa tà áo biếc. Nhịp thơ 2/2/3 được chuyển sang nhịp 4/3 và cách gieo vần “vàng” – “sang”, “trời” – “chơi” cho thấy được không gian rộng lớn của mùa xuân.

Thứ hai, ta còn thấy được sự xuất hiện của hình ảnh con người thông qua các từ ngữ khơi gợi: “bao cô thôn nữ”, “đám xuân xanh”, “tiếng ca vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì”, “ngồi dưới trúc”, “khách xa”, “chị ấy”. Trong câu thơ “- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi” có sự thay đổi về cách ngắt nhịp từ 2/2/3 sang 4/3 khiến cho cảm xúc bị chùng xuống. Dấu gạch ngang đầu câu khiến cho câu thơ giống như một lời nói nhằm bộc lộ sắc thái tiếc nuối tuổi xuân thì của người con gái ngay khi đang ở trong mùa xuân. “Tiếng ca” được nhân hóa “vắt vẻo” “hổn hển” và được so sánh với “lời của nước mây” đã cho thấy được vẻ đẹp và sự ngân vang của tiếng hát đang lan tỏa, hòa mình cùng với thiên nhiên mùa xuân. Tiếng hát ấy được miêu tả thông qua từ láy “vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thĩ” tạo ra âm thanh trầm bổng khác nhau, lúc thì dồn dập, gấp gáp, lúc thì nhỏ nhẹ, thiết tha. Trong khung cảnh mùa xuân, con người hiện lên với tiếng ca trong trẻo, ngây thơ.
Thứ ba, khổ thơ cuối đã thể hiện rõ nét tâm trạng của nhân vật trữ tình – “khách xa”. Hai chữ “bâng khuâng” diễn tả được cảm xúc lâng lâng buồn xen lẫn chút tiếc nuối ngẩn ngơ nhưng động từ mạnh “sực” khiến ta cảm giác về sự bất chợt, ngay tức khắc ở thời điểm đó cho thấy nỗi nhớ làng dâng trào, tràn ngập trong suy nghĩ, tâm tưởng của thi nhân. Câu hỏi tu từ “- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?” dấu gạch ngang khiến cho câu thơ giống như một lời nói. Cách gieo vần “làng” -“sang” gợi ra sự vang vọng trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình. Nó cho thấy sự bâng khuâng trong tâm trạng và nỗi niềm nhớ làng, nhớ quê hương của “khách xa”.
Nếu như “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính thể hiện một bức tranh thiên nhiên tươi tắn, hồn hậu, làm toát lên sức sống phơi phới của vạn vật lúc xuân về và cả nét chất phác “chân quê” để bày tỏ tình cảm với người con gái thì “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử lại diễn tả bức tranh mùa xuân ngập tràn sức sống, tròn đầy, rực rỡ nhất từ đó thể hiện tiếc nuối và mặc cảm thân phận của tâm hồn thi nhân trước cuộc sống. Hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều gắn liền với các hình ảnh vùng quê. Nhưng điều tạo nên khác biệt của “Mùa xuân chín” chính là cách sử dụng ngôn ngữ giàu sức gợi, khắc họa nên một bức tranh xuân sống động, ở độ “chín”, tràn đầy sức sống nhất.
Như vậy, bằng cách tổ chức ngôn từ độc đáo Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh sống động với đầy đủ màu sắc, đường nét, âm thanh của thiên nhiên, con người trong mùa xuân và khát khao được giao cảm với đời, với người của một hồn thơ sâu sắc.
Trên đây là phần giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Mùa xuân chín”! Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 4

Thiên nhiên và con người trong bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh).

Bài làm:

Nói

– Chuẩn bị dàn ý trước khi nói.

– Nói ở mức độ vừa phải, rõ ràng, rành mạch,

– Mắt hương về người nghe.

– Tôn trọng, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người khác.

Bài nói chi tiết

Chào thầy/cô cùng toàn thể các bạn. Tôi tên Nguyễn Văn A. Sau đây tôi xin thuyết trình về chủ đề thiên nhiên và con người trong bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh).

Hồ Chí Minh một vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó với tài năng của mình người đã sáng tác nên những áng thơ văn vô cùng nổi bật. Trong đó bài thơ Cảnh Khuya là một tác phẩm thơ văn được viết trong thời kì kháng chiến tiêu biểu. Bài thơ là sự miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng đẹp, qua đó cho ta thấy tâm tư, tình cảm của một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

Với giọng thơ bình dị, vẻ đẹp của cảnh vật hiện lên trong thơ Hồ Chí Minh vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Thiên nhiên, cảnh núi rừng Việt Bắc vắng vẻ nhưng vô cùng huyền ảo và thơ mộng. Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của “tiếng suối trong”. Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối. Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng.

Chỉ với hai câu thơ mở đầu mà bức tranh phong cảnh hiện lên vô cùng sinh động, với thật nhiều màu sắc.

Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến câu thơ thứ ba là sự khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình vô cùng tự nhiên.

“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”

Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng.

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ cuối nêu lên cái thực tế của nhân vật trữ tình và mở sâu và hiện thực tâm trạng của nhà thơ. Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. Nghệ thuật ấy vô cùng chân thực, giản dị, đi thẳng vào lòng người nên cũng là nghệ thuật cao quí, tinh vi nhất.

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh miêu tả bức tranh đêm khuya thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng sâu hơn nữa là thể hiện tâm tư, tình cảm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng vì nhân dân, lo cho dân, cho nước.

Nghe

Bước 1: Chuẩn bị nghe

– Tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến truyện kể sẽ được nghe.

– Chuẩn bị giấy, bút để ghi chép.

Bước 2: Lắng nghe và ghi chép

– Tập trung lắng nghe bài đánh giá.

– Ghi chép ngay những thắc mắc, những câu hỏi muốn trao đổi với người nói về bài đánh giá.

Bước 3: Trao đổi, nhận xét, đánh giá

– Gửi lời cảm ơn trước khi muốn trao đổi với người nói.

– Đưa ra những lời nhận xét, thắc mặc, trao đổi của mình với người nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thái độ tôn trọng.

– Chú ý: không nên quá áp đặt quan điểm cá nhân, cái nhìn chủ quan của mình lên bài đánh giá của người nói.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 5

Chuẩn bị nói và nghe

a. Lựa chọn đề tài:

– Nếu sử dụng lại kết quả của bài viết thì đề tài của bài nói đã được xác định (nói về cùng một tác phẩm và vấn đề nổi bật của tác phẩm ấy).

– Có thể tìm đọc một tác phẩm khác, chọn nói về một vấn đề, khía cạnh nổi bật của tác phẩm đó.

b. Tìm ý và sắp xếp ý

Để tránh nói chung chung hoặc lan man, bạn cần đặt tên cho bài nói (tên bài thể hiện rõ điều muốn nói, cả về nội dung và định hướng). Việc xác định và sắp xếp ý tưởng cũng được thực hiện giống theo quy trình giống như ở bài viết trước đó.

c. Xác định từ ngữ then chốt

Có thể sử dụng các cụm từ phù hợp với kiểu bài nói này như: về tác phẩm này, tôi xin tập trung nói về vấn đề…, ấn tượng nổi bật của tôi về tác phẩm là…

Thực hành nói và nghe

a. Người nói

  • Mở đầu: Nêu đề tài, trình bày lí do chọn đề tài.
  • Triển khai: Trình bày các ý của bài nói (theo dàn ý đã chuẩn bị)
  • Kết luận: Tóm tắt lại nội dung chính của bài nói.

b. Người nghe

  • Chú ý lắng nghe bài nói.
  • Nghe trên tinh thần sẵn sàng đưa ra các ý kiến của mình để đối thoại với người nói.
  • Đặt câu hỏi để người nói trình bày, giải thích nội dung còn chưa rõ.
  • Trao đổi với người nói về những điểm mà mình chưa đồng tình.

Trao đổi

Người nghe đưa ra nhận xét, góp ý về bài nói. Người nói tiếp nhận và trao đổi lại (thể hiện sự tán đồng hoặc không tán đồng, trả lời câu hỏi, bàn bạc mở rộng…).

* Hướng dẫn ôn tập:

Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi sẽ giới thiệu về tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của nhà văn Nguyễn Dữ. Đây là một trong hai mươi truyện trong tập truyện “Truyền kì mạn lục”.

Truyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn, vốn nổi tiếng là một người khẳng khái, chính trực. Vì không chịu được sự tác yêu quái của hồn một tên tướng bại trận nên đã đốt đền của hắn, trừ hại cho dân. Sau khi về nhà, chàng lên cơn sốt rét. Trong cơn mê, tướng giặc hiện lên đe dọa Tử Văn và kiện chàng ở âm phủ. Chàng còn được Thổ công mách bảo về tung tích và tội ác của tên tướng giặc. Đồng thời bày cho cách đối phó với hắn. Tử Văn bị bắt xuống âm phủ. Đứng trước Diêm Vương, chàng đã không hề run sợ mà dũng cảm vạch trần mọi tội ác của tên hung thần. Tử văn yêu cầu đối chất với lời khai của Thổ thần. Tên tướng giặc bị trừng trị, thổ thần được phục chức, Tử Văn được sống lại. Một tháng sau, Thổ thần bày tổ ý muốn Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên chuyên trông coi việc xử án. Tử Văn vui vẻ nhận lời, rồi không bệnh mà mất.

Về nội dung, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức nước Việt. Đồng thời tác phẩm còn thể hiện niềm tin vào công lý, chính nghĩa của nhân dân ta. Nhân vật Ngô Tử Văn là con người có tính tình khẳng khái và dũng cảm, thấy sự tà gian thì không chịu được. Trước việc “hung yêu tác quái” của tên tướng giặc tử trận, chàng đã quyết định đốt đền để trừ hại cho dân. Khi bị đe dọa, chàng không hề sợ hãi. Dưới Âm phủ, Tử Văn một mực kêu oan, đưa ra các bằng chứng thuyết phục để vạch tội kẻ thù. Kết quả là chàng đã đòi được công lý cho bản thân, còn bộ mặt xảo trá của kẻ thù bị lật tẩy. Hoàn toàn trái ngược với Ngô Tử Văn, tên Bách hộ họ Thôi được xây dựng nhằm đại diện cho cái ác. Hắn vốn là một tên tướng giặc bị tử trận, lưu vong nơi đất khách và cướp ngôi đền của Thổ thần để làm điều sai trái, bạo ngược. Qua nhân vật này, tác giả muốn tố cáo chế độ phong kiến đương thời với những tên tham quan, chà đạp lên đời sống của người dân.

Về nghệ thuật, cốt truyện đầy kịch tính được kết hợp với các yếu tố kì ảo đã làm nổi bật sự đối lập giữa Ngô Tử Văn và hồn ma tên tướng giặc. Bên cạnh đó, lối kể chuyện lôi cuốn giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Ngôi kể thứ ba được sử dụng làm nổi bật cái nhìn linh hoạt, khách quan, tự do của người kể về những sự kiện diễn ra. Đặc biệt, thế giới tâm linh, ma quỷ được tác giả xây dựng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Dưới đây là phần giới thiệu, đánh giá của tôi về tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của nhà văn Nguyễn Dữ. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức- Mẫu 6

Chuẩn bị nói và nghe

  • Lựa chọn đề tài: Đề tài của bài nói có thể được khai thác từ đề tài của bài viết.
  • Tìm ý và sắp xếp ý: Xem lại hệ thống luận điểm ở bài viết, lựa chọn những ý quan trọng nhất, thể hiện quan điểm và phát hiện của bàn thân cần được trình bày trong bài viết.
  • Xác định từ ngữ then chốt: Ghi nhớ từ ngữ quan trọng đã được dùng trong bài viết nhằm phân tích một điểm sáng nào đó ở bài thơ.
  • Phương tiện hỗ trợ: Chuẩn bị bài trình chiếu PowerPoint với các thông tin chắt lọc…

Thực hành nói và nghe

Gợi ý:

Phạm Ngũ Lão là một tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam trung đại. Bài thơ “Tỏ lòng” của ông đã để lại nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật.

Trước hết, tác phẩm đã thể hiện được tinh thần của thời đại nhà Trần. Đó là vẻ đẹp của hào khí Đông A, cũng như sức mạnh của con người và quân đội thời Trần. Đến với hai câu thơ đầu tiên, người đọc có thể thấy được một cách rõ nét, chân thực hình ảnh con người, quân đội thời Trần:

“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

Câu thơ cho thấy hình ảnh người anh hùng tay cầm ngọn giáo để chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời, tác giả còn đặt người anh hùng vào không gian “giang sơn” – rộng lớn của đất nước và thời gian “kỷ thu” – vô tận, kéo dài từ năm này qua năm khác để tô đậm thêm tư thế hiên ngang của người anh hùng. Tiếp đó, hình tượng quân đội nhà Trần với tiềm lực mạnh mẽ cũng được nhà thơ thể hiện rõ ràng. Với hình ảnh “Tam quân” có nghĩa là ba quân đã cho thấy đó là một quân đội tinh nhuệ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ vậy, Phạm Ngũ Lão còn làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh so sánh: “tì hổ” – sức mạnh như loài hổ, “khí thôn ngưu” – khí thế hào hùng ngút trời của quân đội nhà Trần đã làm lu mờ ánh sáng của sao Ngưu. Đó chính là sức mạnh của con người, quân đội nhà Trần.

Nếu hai câu thơ mở đầu, Phạm Ngũ Lão muốn làm nổi bật vẻ đẹp của con người, đội quân nhà Trần. Thì hai câu thơ cuối, tác giả tập trung thể hiện nỗi lòng của chính mình:

“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

Theo tư tưởng Nho giáo, “công danh” chính là lập công để lưu danh vào sử sách, để lưu lại tiếng thơm cho đời sau. Đó chính là một món nợ lớn của bất kì đấng nam nhi nào thời xưa. “Công danh” đã trở thành lý tưởng đối với họ dưới trong triều đại phong kiến. Phạm Ngũ Lão là một người văn võ song toàn, nhưng vẫn luôn thấy bản thân còn mắc nợ – món nợ “công danh”. Nhà thơ đã mượn điển tích về nhân vật Vũ Hầu – một bề tôi trung thành nhất nhì trong lịch sử Trung Quốc để nói chí tỏ lòng. Khi nhắc đến điển tích này, Phạm Ngũ Lão tự cảm thấy “thẹn” – hổ thẹn với lòng khi chưa lập được công danh với đời. Qua đó, ta thấy được một nhân cách cao đẹp của nhà thơ, với hoài bão to lớn đáng ngưỡng mộ.

Bài thơ đã sử dụng hình ảnh giàu tính biểu tượng, kết hợp với các biện pháp tu từ góp phần thể hiện được tư tưởng nhân văn cao đẹp của tác giả. Thể thơ thất ngôn Đường luật cũng góp phần thể hiện giá trị của bài thơ.

Với “Tỏ lòng’, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện rõ sức mạnh của “hào khí Đông A”. Đồng thời, bài thơ đã thôi thúc trong lòng người đọc một ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ”  Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!