Updated at: 06-07-2022 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Người phụ nữ đã chịu không ít tủi hờn trong xã hội phong kiến xưa. Để lên án xã hội tàn độc ấy, chúng tôi đã tổng hợp lại những mẫu dàn ý gợi ý phân tích về một số bài ca dao về số phận người phụ nữ xưa. Rất mong quý độc giả tham khảo!

I. DÀN Ý: PHÂN TÍCH MỘT SỐ BÀI CA DAO ĐỂ LÀM NỔI BẬT SỐ PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN XƯA

1. Mở Bài

Giới thiệu và khái quát về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa: Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, những bài ca dao không chỉ mang ý nghĩa ca ngợi, bộc lộ tâm tư tình cảm mà còn là những lời than thân trách phận của số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

2. Thân Bài

· Số phận nhỏ bé, bị coi thường rẻ rúng: Hình ảnh hạt mưa sa gợi lên sự nhỏ bé, dường như vô nghĩa giữa cuộc đời, có biết bao hạt mưa rơi, hạt nào cũng giống nhau nhưng vị trí rơi xuống lại khác nhau, có hạt được vào đài các, có hạt lại ra ruộng cày, cũng giống như số phận người phụ nữ, người nào cũng tốt nhưng không phải ai cũng có số phận may mắn.

· Số phận trôi nổi, không có quyền quyết định cuộc đời mình: Số phận trở thành trò chơi may rủi, bấp bênh, không thể lường trước và cũng không có sự lựa chọn, chỉ đành cam chịu chấp nhận

· Là nạn nhân của chế độ phong kiến cũ, tư tưởng trọng nam khinh nữ: Họ mất đi quyền sống, quyền được yêu thương, đàn ông có thể năm thê bảy thiếp, nắm quyền hành trong xã hội nhưng phụ nữ chỉ là cái bóng mờ nhạt, cả một đời cung phụng, hầu hạ cho chồng cho con

3. Kết Bài

Khẳng định vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa: Không chỉ mang ý nghĩa phê phán hiện thực đầy khắc nghiệt của xã hội cũ mà thông qua đó còn khẳng định và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

II. BÀI MẪU: PHÂN TÍCH MỘT SỐ BÀI CA DAO ĐỂ LÀM NỔI BẬT SỐ PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN XƯA

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, những bài ca dao không chỉ mang ý nghĩa ca ngợi, bộc lộ tâm tư tình cảm mà còn là những lời than thân trách phận của những số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Người phụ nữ hiện lên trong các bài ca dao là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam với bao phẩm chất giá trị tốt đẹp nhưng số phận lại đầy cay đắng khi sống dưới chế độ phong kiến cũ.

Có một điều chắc chắn và không thể phủ nhận được đó chính là người phụ nữ trong xã hội phong kiến vốn không được tôn trọng, ngược lại còn bị coi thường một cách rẻ rúng, những người phụ nữ này trở nên nhỏ bé, mỏng manh giữa cuộc đời. Điển hình như một số bài ca dao đã ví những người phụ nữ với những thứ tầm thường, nhỏ bé:

“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”,

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Dù là hạt mưa sa hay tấm lụa đào cũng chỉ một ý nghĩa tầm thường, nhỏ bé và rẻ mạt. Bắt đầu bằng cụm từ “thân em” dường như là muốn nhấn mạnh lời thở than, thân mang những phẩm chất tốt đẹp, cao quý nhưng lại phải chịu số phận hẩm hiu, bất hạnh. Hình ảnh hạt mưa sa gợi lên sự nhỏ bé, dường như vô nghĩa giữa cuộc đời, có biết bao hạt mưa rơi, hạt nào cũng giống nhau nhưng vị trí rơi xuống lại khác nhau, có hạt được vào đài các, có hạt lại ra ruộng cày, cũng giống như số phận người phụ nữ, ai cũng tốt nhưng không phải ai cũng có số phận may mắn. Số phận trở thành trò chơi may rủi, bấp bênh, không thể lường trước và cũng không có sự lựa chọn, chỉ đành cam chịu chấp nhận. Hình ảnh “tấm lụa đào” là tượng trưng cho vẻ đẹp nhan sắc, phẩm chất của phụ nữ nhưng họ chỉ như một món hàng được đem ra cân đo đong đếm ngoài chợ, là đồ rẻ rúng người ta nâng lên đặt xuống, may mắn thì gặp được người quân tử, bằng không rơi vào tay kẻ tiểu nhân. Số phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh, cuộc đời như bể dâu trôi nổi không biết sẽ đi về đâu và cũng không thể lựa chọn được bến đỗ của đời mình. Từ khi sinh ra, mang phận con gái đã thiệt thòi, sống trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ lại càng bất mãn hơn, cha mẹ và xã hội là người quyết định hoàn toàn cuộc đời của họ, cha mẹ gả bán, miễn cưỡng hôn nhân, người phụ nữ không được làm chủ cuộc đời mình, hoàn toàn phải sống theo sự sắp đặt của người khác.

“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi, nếm thử mà xem !
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.”

Người phụ nữ trong xã hội cũ tuy phải chịu nhiều vất vả, gian khổ và lam lũ nhưng tâm hồn và phẩm chất bên trong – những điều không ai biết luôn rạng ngời. Người ta chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài mà không tìm hiểu sâu về bên trong, người phụ nữ phải tự khẳng định phẩm chất và vẻ đẹp của mình, phải mời mọc mọi người nhìn nhận, công nhận vẻ đẹp của mình. Người phụ nữ muốn được xã hội công nhận giá trị của mình, tuy nhiên, sống trong xã hội phong kiến hà khắc họ chịu sự đè nén của tư tưởng trọng nam khinh nữ, tư tưởng đó đang chà đạp lên quyền sống và nhân phẩm của người phụ nữ. Họ mất đi quyền sống, quyền được yêu thương, đàn ông có thể năm thê bảy thiếp, nắm quyền hành trong xã hội nhưng phụ nữ chỉ là cái bóng mờ nhạt, cả một đời cung phụng, hầu hạ cho chồng cho con. Số phận người phụ nữ phong kiến sau khi lấy chồng còn chịu trăm đường tủi cực, ngậm đắng nuốt cay, bởi quan niệm ngày xưa “Xuất giá tòng phu” buộc người phụ nữ nhất nhất chăm lo và phụ thuộc vào nhà chồng, buồn thay nỗi khôn nguôi khi nhớ về quê mẹ mà không thể trở về:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Lời kết

Như chúng ta đã thấy, ca dao xưa đã nêu lên rất rõ số phận tơ trêu của người phụ nữ xưa. Trên đây là toàn bộ những gợi ý đầy đủ nhất về phân tích một số bài ca dao để làm nổi bật số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của quý độc giả.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!