Updated at: 05-07-2022 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Trong cuộc đời nhà văn Nguyễn Bá Học đã để lại nhiều câu nói tâm đắc, trong đó phải nói đến câu “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Để hiểu rõ hơn về câu nói trên, dưới đây chúng tôi đã có những giải thích cụ thể nhất mời độc giả tham khảo!

Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Anh (chị) hiểu câu nói đó như thế nào? Hãy giải thích và chứng minh. Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 01/2025!

Bài mẫu

Bài tham khảo 1

Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói "Đường đi khó ..."

Nguyễn Bá Học là một nhà văn, một nhà giáo đầy nhiệt huyết đầu thế kỉ XX. Ông rất quan tâm đến việc giáo dục lớp trẻ. Trong tác phẩm Lời khuyên học trò, để động viên thanh niên rèn luyện thành người hữu ích, nhắc nhở học trò lấy tinh thần vượt khó làm trọng, ông đã nhấn mạnh.

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Đây là một lời khuyên sâu sắc mà học sinh chúng em cần phải tim hiểu ý nghĩa.

Lời khuyên của Nguyễn Bá Học nêu lên hình ảnh trở ngại trên một con đường, đó là “núi sông và lòng người ngại núi e sông”. Trước hết, con đường là hình tượng cụ thể hóa mục đích của con người. Để đạt được mục đích ấy, nhiều khi ta phải vượt qua núi cao, sông sâu. Nếu quyết tâm, ta vẫn tới đích an toàn. Suy rộng ra, đường lối ở đây còn ẩn dụ với mọi ước mơ mà con người muốn đạt đến. Sông, núi ở đây chỉ những trở ngại to lớn của hoàn cảnh khách quan là những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho những thách thức, khó khăn trên đường đời. Lòng người ở đây chỉ ý chí của con người. Câu nói trên đã nêu rõ hai trở ngại thường gặp: trở ngại sông rộng núi cao của thiên nhiên và trở ngại do lòng người thường mất tự tin, e ngai gặp khó khăn. Nhà văn khẳng định nếu có nghị lực, quyết tâm thì dù núi có cao, sông có sâu con người vẫn qua được.. Câu nói trên là một bài học cô đúc giàu hình ảnh về sự quyết tâm vượt khó.

Hiểu như vậy, ta thấy ý trọng tâm của câu nói là: sức mạnh của ý chí con người có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách dù to lớn đến chừng nào.

Tại sao đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông? Thực vậy, những trở ngại trong cuộc sống tuy có nhiều nhưng không phải là không thể vượt qua. Núi cao bao nhiêu đi nữa, nếu trèo mãi, cũng sẽ qua. Mọi khó khăn, gian khổ mà ta gặp phải trên con đường đi tới đích chỉ là những thử thách, không thể nào chặn đứng quyết tâm của ta, buộc ta phải lùi bước. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi như vậy. Người ta phải leo lên đỉnh núi, lặn xuống thám hiểm đại dương. Đó là những minh chứng cho ý kiến trên. Như vậy ta thấy ý chí, tinh thần vượt khó cần thiết cho chúng ta. Đã từng gặp khó hăn trong công việc, ta thấy quả thực tinh thần vượt khó đã giúp ta kiên trì nhẫn lại để đi đến thành công. Vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đường đời nhiều lối quanh co. Trên đường ta đi đâu phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ mà biết bao nguy hiểm, khó khăn luôn chờ ta phía trước. Nếu muốn thực hiện được ước mơ, ta phải dự tính trước để đương đầu với trở ngại gian nan. Thậm chí cả sự nguy hiểm. Câu chuyện rùa và thỏ chạy đua đã cho ta thấy rõ điều đó. Ý chí kiên trì, quyết tâm cao của rùa đã giúp rùa đạt được mục đích. Ngược lại, thỏ ỷ sức chạy nhanh nhưng chểnh mảng, cuối cùng lại thua rùa. Lòng người ở đây chính là ý chí, là sự kiên trì, nhẫn nại. Liên tục vượt khó thì dù có trở ngại về năng lực bản thân, vẫn có thể đạt đến đích. Sự chiến thắng bản thân còn có ý nghĩa quyết định hơn vì từ đó ta có thể chiến thắng cả thiên nhiên.

Khó khăn trờ ngại là chuyện thường tình. Đó chỉ là những yếu tố khách quan thử thách ý chí và nghị lực chứ không thể nào chặn đứng bước chân hăm hở của những con người có quyết tâm cao:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,Thập bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.

(Ca dao)

Lịch sử cũng chứng minh rằng nhờ có ý chí, quyết tâm sắt đá, kiên tri bền bỉ ta sẽ thành công. Bài học ấy đã được Bác Hồ của chúng ta thực hiện trong quá trình đấu tranh cách mạng của Người. Và với kinh nghiệm của bản thân, Bác đã dạy ta rằng:

Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bèn Đào núi và lấp biểnQuyết chí ắt làm nên.

Thực hiện lời dạy của Người, biết bao thanh niên đã vượt khó trong những năm tháng đánh giặc Pháp xâm lược mà tầm vóc anh bộ đội còn đẹp đẽ, to lớn hơn cả núi đồi:

Rất đẹp hình ảnh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo.

(Tố Hữu)

Trong kháng chiến chống Mĩ, bao thanh niên đã làm nên trang sử vàng với tinh thần sắt đá:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

(Tố Hữu)

Tại sao đường đi khó vì lòng người ngại núi e sông? Nghị lực có ý nghĩa quyết định khi muốn làm bất cứ việc gì. Có ý chí quyết tâm, ta có thể vượt mọi khó khăn, trở ngại để đi tới đích. Thiếu ý chí, đường đi dù thuận lợi, cũng chẳng vượt qua được.

Tìm hiểu ý nghĩa câu nói trên và qua kinh nghiệm sống thực tế, ta sẽ hiểu rõ quan niệm trên là bài học tâm đắc của những người có ý chí và thành đạt xưa nay.

Ai qua bến phà Nhật Lệ mới thấy rõ dòng sông rộng chừng nòa. Vậy mà, dưới bom đạn, mẹ Suốt đã chèo đò đưa bộ đội vượt sông đánh Mĩ:

Một tay lải chiếc đò ngang,

Bên sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày.

Sợ chi sóng gió tàu bay…

Tây kia mình đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua.

(Tố Hữu)

Thế mới biết sức mạnh của ý chí, của lòng quyết tâm có giá tri vô ngần. Chính vì thấu hiểu lời khuyên ấy và sau khi đất nước hòa binh, nhân dân ta cùng nhau xây dựng nhiều công trình lớn: công trình thủy điện Sông Đà, công trình thùy điện Trị An. Như một bài thơ đã viết:

“Bạt núi đồi, ta moi đất làm gang

Ngăn thác dữ, ta bắt sông làm điện”

(Tố Hữu)

Ta nên biết rằng sự thành công nào cũng đều trải qua cam go, thử thách. Sự nghiệp càng lớn thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều thì ý chí phải càng cao. Đến lúc ấy sự thành công mới có ý nghĩa, ta mới quý trọng, nâng niu và giữ gìn những thành quả mình có được.

Hiểu được ý nghĩa của lời dạy ấy, chúng ta phải cố gắng rèn luyện tính bền bỉ, dẻo dai, kiên nhẫn, cố gắng trang bị cho mình vốn kiến thức sâu rộng, một trình độ học vấn vững vàng để mai sau thành con người tài năng và hữu ích cho xã hội. Vàng không sợ lửa, người có tài không sợ gian nan.

Christop Colomb (Crít-tốp Cô-lông) đã vượt biển cả với bao thử thách gay go tìm ra châu Mĩ. Nhờ có ý chí, con người đã bay vào vũ trụ, đổ bộ lên Mặt Trăng xa xôi.

Ý chí không chỉ giúp ta chiến thắng thiên nhiên mà còn giúp dân tộc ta chiến thăng kẻ thù xâm lược. Thực vậy, trong hội nghị Diên Hồng, các bô lão đời Trần đã đồng thanh trả lời “Quyết chiến” và cảm động thay đổi với câu hỏi “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?” là câu trả lời “Hi sinh”. Do vậy, cuối cùng dân tộc ta đã đánh bại kẻ thù.

Thế mới biết sức mạnh ý chí là sức mạnh giúp ta vượt qua mọi cam go thử thách để đi đến thành công. Ước mơ càng cao đẹp thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều đòi hỏi ý chí càng cao. Có vượt qua gian lao thử thách, ta mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của sự thành công.

Hiểu được ý nghĩa cao quý của lời dạy, em quyết tâm rèn luyện cho bản thân một ý chí vượt khó, một tinh thần kiên trì, bền bỉ trong học tập. Em sẽ cố gắng để trở thành người có tài năng vững vàng trong công việc, trở thành người chủ xứng đáng của đất nước.

Tóm lại, đường đời gian nan hiểm trở là môi trường tốt để thử thách con người. Núi có cao, sông có sâu bao nhiêu nếu con người không ngại núi, e sông thì sẽ vượt qua tất cả. Chỉ có quyết tâm cao, vượt mọi trở lực trên bước đường mơ ước, con người mới đạt được kết quả như ý. Thực vậy muốn đến với vinh quang ta phải vững tin để vươn tới bằng quyết tâm và nghị lực của chính bản thân mình. Vì “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Lời nói của Nguyễn Bá Học có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong việc rèn luyện ý chí của chúng ta. Không có mục đích rõ ràng, không có chí phấn đấu thì suốt đời chúng ta sẽ “Người không có chí như thuyền không lái như ngựa không cương, trôi dạt lênh đênh không ra thế nào cả” (Vương Dương Minh) Đó là lời nói của một nhà chính trị, nhà tư tưởng lớn bên Trung Hoa từđời nhà Minh, mà đến nay vẫn còn đáng cho ta suy nghĩ.

Bài tham khảo 2

Câu nói của Nguyễn Bá Học cho ta thấy rõ hai vấn đề. Trước hết cái “khó vì ngăn sông cách núi”: Sông rộng, núi cao là những chướng ngại vật của thiên nhiên gây ra nhằm cản chở bước tiến của con người. Kế đó là cái “khó vì lòng người”: Lòng người hay nản chí thiếu tự tin thì sẽ sợ núi cao sông sâu, chưa đi mà đã vội thối lui, chùn bước. Trước hai cái khó ấy thì cái khó ở lòng người mới đáng ngại. Con người thiếu quyết tâm, không có tinh thần vượt khó thì không thể nào có thể vượt núi, qua sông được.

Ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó đúng là một bí quyết giup ta thành công trong cuộc đời. Bởi cuộc sống muôn màu muôn vẻ đường đời lại nhiều ngả rẽ quanh co. Trên đường ta đi đâu phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ mà bao nguy hiểm, khó khăn luôn chờ ta phía trước. Nếu muốn đạt được mục đích của cuộc đời thì chúng ta không thể lùi bước mà phải đương đầu với những việc khó khăn mà sức người tưởng chừng như không thể nào làm được. Đứng trước những tình huống khó khăn, phức tạp ấy, chúng ta cần phải có lòng tự tin, có ý chí quyết tâm thì mới có thể thành đạt. Và để vượt được lên trên mọi chướng ngại, điều trước tiên là ta phải chiến thắng bản thân mình. Ta phải tự rèn luyện cho mình ý chí kiên nhẫn, lòng quyết tâm, tinh thần gan thép để có đủ sức mạnh vượt qua sông sâu, núi cao. Chính có ý chí, có lòng quyết tâm cao nên những đòn thám hiểm mới dám vượt đại dương, leo tận đỉnh núi Hi Mã Lạp Sơn trong những điều kiện khó khăn để chinh phục thiên nhiên…

Thế nhưng trong thực tế, có không ít những người không tự rèn luyện mình để có được ý chí bền vững như vậy. Họ dể nản chí, ngã lòng trước phong ba bão táp. Đó là những kẻ thiếu nghị lực, gặp khó là chùn bước, là thối lui. Những hạng người này luôn gặp thất bại trong cuộc đời. Ta phải nên hiểu rằng không khó khăn nào mà con người không vượt qua được cả. Sống trong đất nước bị nô lệ, dân tình khốn khó lầm than, Bác Hồ với tấm lòng yêu nước, thương dân, chỉ bằng đôi tay trắng cùng với lòng quyết tâm, ý chí kiên cường, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy trước mặt để cho ta có được ngày hôm nay. Đây là một tấm gương đáng để cho chúng ta cần học tập mà Bác đã từng dạy:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.

Đúng là “quyết chí thì ta sẽ làm nên”. Nếu tất cả mọi chúng ta ai cũng hiểu được chân lí ấy, thông minh sáng suốt nhận định mọi sự vào quyết tâm hành động thì chúng ta sẽ biến được ước mơ thành hiện thực.

Bài học:​ Lời răn dạy học trò của Nguyễn Bác Học là một phương châm sống đúng đắn. Trong bất kì hoàn cảnh nào, tình huống nào, chúng ta vẫn có thể chiến thắng nếu có ý chí và lòng quyết tâm cao. Đây là một bài học sâu sắc mà chúng ta cần ghi nhớ trong việc rèn luyện bản thân. Ngay từ trong học tập, nếu ta thực hiện tốt lời khuyên trên thì ta sẽ đạt được kết quả mong muốn. Và đừng bao giờ quên ” Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Bài tham khảo 3

Thực tế cuộc sống cho ta thấy rõ một điều hiển nhiên như chân lý. Đó là dù hành trình cuộc đời luôn luôn gặp biết bao khó khăn, trở ngại, đầy thử thách, chông gai, nhưng nếu có ý chí, nghị lực, không lùi bước, không sờn lòng nản chí, luôn luôn biết vươn lên phía trước, thì chúng ta sẽ vượt qua và đi về tới đích. Đúng như Nguyễn Bá Học đã từng nói “Đường đi khó không phải vì ngăn sông, cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”.

Con đường đi cũng như con đường đời là một con đường vô cùng gian khổ, đầy những chông gai, trở ngại. “Đường đi khó không phải khó vì ngăn sông, cách núi”. Con “đường đi” mà Nguyễn Bá Học nói ở đây vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa bóng. Nghĩa đen là dùng để chỉ con đường ta thường đi hàng ngày. Còn nghĩa bóng là muốn chỉ con đường đời. Ai đã từng thường xuyên đi đường, nhất là đi xa sẽ thấy rõ rất ít con đường trên thế gian này lại toàn bằng phẳng, êm dịu, mà trái lại thường đầy sông suối, núi non điệp trùng, khúc khuỷu, gập ghềnh, quanh co làm cản trở bước chân con người. Và con đường đời, hành trình về phía chân trời tương lai sự nghiệp của chúng ta cũng vậy: khó khăn chồng chất khó khăn, luôn luôn bị “ngăn sông cách núi”:

“Hình khe, thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”

(Chinh Phụ Ngâm)

Trong bài thơ “Đi Đường”, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta chẳng từng đã viết “Đi đường mới biết gian lao; Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”, đó sao?

Cái khó của đường đi như thế vẫn chưa đáng sợ, cái đáng sợ nhất là lòng người “Ngại núi, e sông”, nghĩa là lòng người sợ khó khăn gian khổ.

Nhưng cái khó khăn của đường đời như thế vẫn chưa đáng sợ, mà cái đáng sợ nhất mà Nguyễn Bá Học nhấn mạnh ở đây là “lòng người ngại núi, e sông”. Nghĩa là lòng người sợ khó khăn, gian khổ. Thực tế đã cho ta thấy rõ trên con đường đi tới mục đích cuối cùng cao đẹp của cuộc đời, vì gặp quá nhiều chông gai, gian nan, trắc trở, nên đã có biết bao người mềm lòng, nản chí, buông xuôi đầu hàng. Và kết cục họ chẳng làm được việc gì có ý nghĩa cho đời, chẳng đạt được mục đích nào cao đẹp. Chả thế mà Marai Sador đã từng khẳng định” Trong mắt người khác, bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đây là thất bại thảm hại nhất”. Sự thất bại với chính bản thân mình, nghĩa là sự thất bại của sự yếu mềm, của lòng “người ngại núi, e sông” là sự thất bại của mhững người thiếu ý chí, không dám đương đầu với khó khăn thử thách. Những con người ấy chẳng thành công trong bất cứ công việc gì. Họ không xứng đáng làm “Một hành nhân” trên con đường đời đầy chông gai của cuộc sống.

Khi con người đã có quyết tâm, tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên phía trước, thì dù khó khăn trở ngại đến mấy, cũng có thể đi tới đích, đạt được thắng lợi.

Ở câu nói trên, ông Nguyễn Bá Học đã sử dụng cặp từ “không phải …mà”, theo cách phủ định để khẳng định: điều quan trọng nhất là thái độ của con người trước khó khăn, gian khổ, chấp nhận để khắc phục mà tiến lên, hay buông xuôi, đầu hàng? Trước cuộc sống trăm màu, nghĩa vẻ, đường đời lại khúc khuỷnh gập ghềnh, cheo leo họ, chỉ có những người không sợ mỏi gối, chồn chân, với bản lĩnh kiên cường và ý chí nghị lực mạnh mẽ, sẵn sàng đạp bằng mọi gian khổ, quyết vươn lên phía trước, không bao giờ lùi bước, không một chút mảy may “ngại núi e sông” và luôn luôn biết chiến thắng bản thân mình… thì mới hoàn toàn đi tới đích cuối cùng và giành được thắng lợi vẻ vang.

Tóm lại lời khuyên của Nguyễn Bá Học hoàn toàn đúng đắn và rất sâu sắc, có ý nghĩa như một phương châm, triết lý hành động để phấn đấu cho sự nghiệp vinh quang của tất cả chúng ta ngày nay.

Lịch sử dân tộc ta đã chỉ rõ những tâm gương cao đẹp gặt hái được nhiều chiến công trên đường đời và làm “nên sự nghiệp lớn” đều là những con người ý thức được một cách sâu sắc vai trò quan trọng của sức mạnh ý chí, bản lĩnh tinh thần thép, luôn luôn biết chế ngự hoàn cảnh, không sợ khó, sợ khổ quyết không mềm yếu, đầu hàng trước khó khăn trở ngại. Tấm gương vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta đang sống là tấm gương Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Với lý tưởng và ham muốn tột bậc “Tổ quốc tôi được độc lập, nhân dân tôi được tự do, đồng bào tôi ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Lời Bác Hồ trả lời các nhà báo), chàng trai Nguyễn Tất Thành đã xuất dương tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Bằng ý chí nghị lực, tinh thần vượt khó phi thường và với khát vọng độc lập tự do cho Tổ quốc cháy bỏng, Bác Hồ chỉ với một viên gạch hồng đã chống lại cả mùa đông băng giá của Châu Âu, đã đi khắp chân trời châu Mỹ, châu Phi quyết tìm cho được “Chiếc cẩm nang thần kỳ”- đó là chủ nghĩa Mác – Lênin. Khi trở về nước, với “Chiếc cẩm nang” thần diệu ấy, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn ngàn ghềnh thác và đi đến bến bờ thắng lợi để có ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 lịch sử: “Thủ đô Hoa vàng nắng Ba Đình” và “Chín năm làm một Điện biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Thấm nhuần lời khuyên của Bác “Không việc gì khó; chỉ sợ lòng không bền; đào núi và lấp biển; quyết chí ắt làm nên”, lớp lớp cháu con đã lên đường vượt Trường Sơn nhiều núi cao vực thẳm, sông sâu, quyết tâm chống Mỹ, giải phóng Miền Nam để có ngày 30/4 “Tuyệt trần nắng đẹp; Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta! Chúng con đến xanh ngời ánh thép; Thành phố Người lộng lẫy cờ hoa” (có thể lấy thêm dẫn chứng về những tấm gương khác trong các lĩnh vực thể thao, khoa học, văn hoá: Nhờ có ý chí, nghị lưc, tinh thần vượt khó, không ngại núi, e sông không gục ngã trước số phận éo le nên đã làm nên sự nghiệp lớn như Bạch Đình Vinh bị bại liệt, bị mất tiếng nói… mà vẫn là sinh viên của ba trường Đại học: Giao thông vận tải, Thương mại và Công nghệ thông tin của Bách khoa hay tấm gương người thương binh Nguyễn Xuân Năng cụt cả hai cánh tay mà vẫn giành được huy chương bạc môn bóng bàn trong đại hội Paragames được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen…)

Những điều đã phân tích trên cho ta thấy đường đời không chỉ toàn rợp bóng mát dịu êm và hạnh phúc mà là đầy chông gai với muôn vàn thử thách. Đừng mềm lòng, nản chí bạn nhé! Hãy coi những thử thách ấy là “Lửa thử vàng” làm cho sức lực ý chí và bản lĩnh của ta vững vàng hơn, dễ đi đến thẳng lợi hơn. Đúng như lời Bác Hồ đã từng dạy “Sống ở trên đời người đúng vậy; gian nan rèn luyện mới thành công”.

Bài tham khảo 4

Tục ngữ có câu: “có công mài sắt có ngày nên kim”. Để nhấn mạnh vai trò ý chí trong mọi công việc, Nguyễn Bá Học, trong bài lời khuyên học trò, cũng khẳng định:

“Đường đi không khó, không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”

Ta thử tìm hiểu ý nghĩa lời khuyên trên để vận dụng trong thực tế để có thêm ý chí nghị lực và tinh thần sức mạnh vươn lên.

Lời khuyên nêu lên hai hình ảnh trở ngại trên một con đường, đó là “núi sông” và “lòng người ngại núi e sông”. Trước hết, con đường là hình tượng cụ thể hóa mục đích của con người. Để đạt được mục đích ấy, nhiều khi ta phải vượt qua núi cao, sông sâu. Nếu quyết tâm, ta vẫn phải ta vẫn phải tới đích an toàn. Suy rộng ra, đường đi là hình ảnh ẩn dụ với mọi ước mơ mà con người muốn đạt đến. sông núi ở đây, chỉ những trở ngại to lớn của hoàn cảnh khách quan, lòng người ở đây chỉ ý chí của con người. Như vậy, ý trọng tâm của câu nói là: sức mạnh của ý chí con người có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách dù khó khăn đó to lớn đến chừng nào.

Tại sao “Đường đi không khó, không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”? Thực vậy, những trở ngại trong cuộc sống tuy có nhiều nhưng không phải là không thể vượt qua. Núi cao đi bao nhiêu nữa thì ta trèo mãi cũng tới đỉnh, sông sâu hay rộng như thế nào nếu ta quyết tâm vượt thì vượt cũng qua. Mọi khó khăn, gian khổ mà ta gặp phải trên con đường đi tới đích chỉ là những thử thách, không thể nào chặn đứng quyết tâm của ta, buộc ta phải dừng lại, lùi bước được. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi là vậy. Người ta đã từng leo lên đỉnh núi, lặn xuống thám hiểm đại dương là những minh chứng cho ý đó. Hay những cô cậu học trò cư cho là mình thông minh nên nghĩ dù có thế nào thì ta vẫn không thể vượt qua được kì thi tốt nghiệp, như vậy là một sai lầm. nếu ta không thông minh nhưng ta vẫn cố gắng siêng năng, chăm chỉ, ngày đêm cần cù trong việc học tập thì thế nào ta cũng thành công trong việc vượt qau kì thi tốt nghiệp.

Nhưng tại sao đường đi khó vì lòng người ngại núi e sông? Nghị lực để thực hiện ý muốn là điều có ý nghĩa quyết định khi muốn làm bất cứ việc gì. Có ý chí quyết tâm, ta có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đi tới đích. Thiếu ý chí, đường đi dù thuận lợi thì ta cũng chẳng vượt qua được. Chẳng hạn, những cô cậu học trò cứ cho là mình thông minh nên nghĩ dù có thế nào thì ta vẫn không thể vượt qua được kì thi tốt nghiệp, như vậy là một sai lầm. Nếu ta cứ ỷ lại, trông cậy vào sựu thông minh của mình mà không chú tâm vào việc học thì chắc chắn ta sẽ thất bại. Còn nếu ta không thông minh nhưng ta vẫn cố gắng siêng năng, chăm chỉ, ngày đêm cần cù trong việc học tập thì thế nào ta cũng thành công trong việc vượt qua kì thi tốt nghiệp. Hay câu chuyện rùa và thỏ chạy đua đã cho ta thấy rõ điều đó. Ý chí kiên trì, quyết tâm cao của rùa đã giúp rùa đạt được mục đích. Ngược lại, thỏ ỷ sức chạy nhanh nhưng chểnh mảng, cuối cùng lại thua rùa. Lòng người ở đây chính là ý chí, là sự kiên trì, nhẫn nại; liên tục vượt khó thì dù có nhiều trở ngại về năng lực bản thân, vẫn có thể đến đích. Sự chiến thắng bản thân còn có ý nghĩa quyết định hơn vì từ đó ta có thể chiến thắng cả thiên nhiên. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng nhờ có ý chí, quyết tâm sắt đá, Crit-tốp Cô-lông đã vượt biển cả với bao thử thách gay go để tìm ra châu Mĩ. Nhờ có ý chí, con người đã bay vào vũ trụ, đổ bộ lên mặt trăng xa xôi.

Ý chí không chỉ giúp ta chiến thắng thiên nhiên mà còn giúp dân tộc ta chiến thắng kẻ thù xâm lược. Vì thế, sức mạnh của ý chí là sức mạnh giúp ta vượt qua mọi cam go thử thách để đi đến thành công. Ước mơ ngày càng cao đẹp, thì khó khăn càng nhiều mà khó khăn càng nhiều thì đòi hỏi ý chí càng cao. Có vượt qua hết gian lao thử thách thì ta mới thấy được gái trị của sự thành công.

Hiểu được ý nghĩa cao quý của lời dạy, em quyết tâm rèn luyện cho bản thân một ý chí vượt khó, một tinh thần kiên trì, bền bỉ trong học tập và rèn luyện. Em sẽ cố gắng để trở thành người có tài năng vững vàng trong công việc, người chủ nhân xứng đáng trong tương lai của đất nước. Lời nói của Nguyễn Bá Học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rèn luyện ý chí của chúng ta, không có ý chí phấn đấu thì suốt đời chúng ta sẽ không thành công như thuyền không lái, trôi dạt lênh đênh. Chúng ta hãy cố gắng thực hiện lời Bác Hồ dạy:

“không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

……………………………..

Lời kết

Trên đây là toàn bộ những cách giải thích cụ thể và chi tiết nhất về câu nói “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” của nhà văn Nguyễn Bá Học. Chúng tôi hy vọng sẽ mang đến những cách giải thích mởi mẻ đến với độc giả.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 01/2025!