Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy có một kết thúc thật bi kịch, sao chúng ta không thử viết nên một kết cục tươi đẹp hơn cho câu chuyện này. Dưới đây chúng tôi đã gợi ý rất chi tiết về cách kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, bằng lời của anh (chị) với một kết thúc khác với kết thúc của tác giả dân gian. Rất mong các bạn tham khảo.
Dàn ý Kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy bằng lời văn của em
Dàn ý số 1
1. Mở bài
Giới thiệu về An Dương Vương và đất nước Âu Lạc
2. Thân bài
a. Quá trình xây thành
– Thành xây đến đâu lở đến đó
– Lập đàn trai giới cầu bách thần
– Được sự giúp đỡ của sứ Thanh Giang, thành xây xong trong nửa tháng
– Sứ Thanh Giang từ biệt về, tặng vuốt làm Nỏ thần
b. Quá trình đánh quân xâm lược
– Triệu Đà đưa quân sang đánh nước ta
– An Dương Vương dùng Nỏ thần đánh thắng
– Quân Triệu Đà bỏ chạy, ngưng chiến
c. Bi kịch nước mất, nhà tan
– An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy- con trai kẻ thù
– Trọng Thủy lừa dối, đánh tráo Nỏ thần
– Triều Đà đem quân sang xâm lược, An Dương Vương bị động, bỏ chạy.
3. Kết bài
Mị Châu nhận tội lỗi kết liễu đời mình, Trọng Thủy chết cùng vợ. Ăn Dương Vương được sứ Thanh Giang giúp đỡ, xuống sống ở Long Cung.
Dàn ý số 2
1. Mở bài:
* Giới thiệu về hoàn cảnh xảy ra câu chuyện:
– An Dương Vương kế tục sự nghiệp dựng nước của 18 đời Hùng vương; đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu xuống Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
2. Thân bài:
* Diễn biến của chuyện:
– An Dương Vương bắt tay vào việc xây thành, gặp rất nhiều khó khăn.
– Nhờ sứ Thanh Giang (Rùa Vàng) giúp đỡ, sau nửa tháng thì thành xây xong.
– Rùa Vàng cho An Dương Vương một chiếc vuốt để làm lẫy nỏ.
– Triệu Đà mang quân sang xâm lược, An Dương vương có nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn giặc nên Triệu Đà thua to, phải rút về nước.
– Triệu Đà giả vờ cầu hòa, rồi cầu hôn cho con trai là Trọng Thuỳ. An Dương Vương chủ quan, mất cảnh giác nên đã mắc mưu.
– Trọng Thuỳ lấy cắp lẫy thần. Triệu Đà tấn công Loa Thành, An Dương Vương mang Mị Châu lên ngựa bỏ chạy về phương Nam.
3. Kết bài:
* Kết thúc câu chuyện:
– Rùa Vàng chỉ đích danh Mị Châu là giặc. An Dương Vương rút gươm toan chém đẩu Mị Châu.
– Trọng Thuỷ vừa đuổi theo tới nơi, lấy thân đỡ lưỡi gươm thay cho Mị Châu.
Kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy với kết thúc khác – Mẫu 1
Sau khi nhận được ngôi báu từ 18 đời vua Hùng, An Dương Vương Thục Phán đã lành đạo nhân dân đánh tan hàng vạn quân xâm lược nhà Tần. Lập tức đổi tên nước thành Âu Lạc và rời thủ đô từ Nghĩa Lĩnh Phong Châu xuống Phong Khê nay là Đông Anh Hà Nội.
An Dương Vương bắt đầu tiến hành xây thành để bảo vệ kiên cố cho nhân dân nhưng chỉ có điều cứ xây chắc chắn vào buổi sáng thì đến đêm thành lại đổ xuống vì thế nên việc xây thành cứ kéo dài mãi mà không xong. Điều đó khiến An Dương Vương vô cùng lo lắng ngài liền sai các quan quân lập đàn cầu xin bách thần phù trợ. Ngày mồng bảy tháng ba năm ấy từ phía đông xuất hiện một cụ già râu tóc bạc phơi chống gậy trúc đi đến trước cổng thành mà than rằng : “Xây thành thế này biết bao giờ cho xong được!”. An Dương Vương mừng rỡ liền rước cụ già vào điện ân cần hỏi han : “Ta đắp thành này tốn bao nhiêu công sức mà không được là cớ vì sao?”. Cụ già thong thả đáp : “ Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây thành thì mới thành công”. Nói rồi cụ già cáo lui.
Đúng như lời cụ già nói sáng hôm sau có một con rùa lớn nổi lên trên mặt nước tự xưng là sứ Thanh Giang và nói với An Dương Vương rằng nếu muốn xây thành thành công thì phải dẹp hết bè lũ yêu quái hay quấy nhiều. Quả nhiên sau khi Rùa Vàng giúp nhà vua diệt yêu quái thì thành xây nhanh thoăn thoắt chỉ trong vòng nửa tháng đã xong cả. Thành hình trôn ốc, rộng hơn ngàn trượng nên còn được gọi là Loa Thành. Rùa Vàng chỉ ở lại 3 năm thì ra đi. Lúc chia tay An Dương Vương có hòi rằng : “Nhờ ơn thần mà thành xây xong. Nếu sau này có giặc thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng bèn tháo một chiếc vuốt đưa cho nhà vua và dặn hãy lấy làm lẫy nỏ phòng khi quân giặc kéo đến chỉ cần lấy nỏ ra mà bắn thì không ai dám đến gần. Dứt lời Rùa Vàng quay trở về biển Đông. Nhà vua bèn sai một vị tướng quân tên Cao Lỗ ngày đêm chế chiếc vuốt Rùa vàng làm lẫy. Đặt tên là nỏ thần Kim Quy.
Ít lâu sau Triệu Đà bèn đem quân sang xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương lấy nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn tên giặc. Triệu Đà hoảng sợ liền rút quân về nước. Dân chúng Âu Lạc vô cùng hân hoan trước chiến công lẫy lừng của vị Vua tài giỏi.
Biết không thể đánh bại được Âu Lạc, Triệu Đà bèn nghĩ ra một âm mưu hết sức ngoan độc. Hắn mang con trai Trọng Thủy ra kết thân với Mị Châu, con gái yêu của An Dương Vương. Chẳng chút hoài nghi nhà vua gả Mị Châu cho Trọng Thủy và cho ở rể tại Loa Thành.
Nghe lời cha Trọng thủy bèn dò la khắp nơi nhằm tìm kiếm ra bí mật của nỏ thần do An Dương Vương cất giữ. Mị Châu vì tin chồng nên đã dẫn hắn đến nơi cất giấu nỏ thần. Trọng thủy liền chế ra được một chiếc lẫy nỏ y hệt với chiếc nỏ thần Kim Quy kia. Xong việc, Trọng Thủy liền nghĩ cách chuồn về nước. Trước khi đi hắn có hỏi vợ : “ Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa cha mẹ không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha nếu đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt ta trở lại tìm nàng thì lấy gì làm dấu?” Mị Châu ngây thơ đáp : “ thiếp có chiếc áo lông ngỗng hay mặc, khi gặp biến đi đến đâu thiếp sẽ rắc lông ngỗng đến ngã ba đường làm dấu mà tìm nhau”.
Trọng Thủy mang nỏ thần về đến nhà, Triệu Đà liền đem quân tấn công Âu Lạc. Trong lúc ấy mặc cho cả hàng chục vạn quân giặc đang tiến gần cửa thành nhà vua vẫn ung dung đánh cờ mà nói rằng : “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Đến khi quân giặc tiến sát cửa thành nhà vua mới sai quân lính mang nỏ thần đến bắn thế nhưng lúc ấy đã không còn linh nghiệm nữa.
An Dương Vương bèn cưỡi ngựa mang theo con gái yêu chạy về phía Nam. Nhưng ngặt nỗi đi đến đâu quân giặc cũng đuổi theo đến đó. Tới sát biển An Dương Vương cùng đường mà kêu lớn : “ Sứ Thanh Giang ở đâu mau đến cứu ta”. Lúc bấy giờ Rùa Vàng mới từ mặt nước hiện lên mà nói rằng : “kẻ thù ở ngay đằng sau người kia”. An Dương Vương tức giận liền tuốt gươm chém chết Mị Châu rồi nhảy xuống biển theo Rùa Vàng. Cùng lúc đó Triệu Thủy cũng chạy đến nơi nhìn thấy xác vợ nằm trên vũng máu Trọng thủy khóc lên đau đớn rồi cầm đao tự kết liễu đời mình.
Kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy bằng lời văn của em – Mẫu 2
Xưa kia, nhà nước Âu Lạc do vua An Dương Vương trị vì, là người nổi tiếng anh minh, sáng suốt, được nhân dân hết mực tin tưởng.
Vua quyết định dời đô từ vùng núi về đóng đô tại Phong Khê, để tăng cường sức mạnh cho đất nước, ông đã cho binh lính xây dựng thành lũy, nhưng dù đã rất cố gắng, xem xét mọi việc cẩn thận và tỉ mỉ nhưng thành xây đến đâu thì lại lở đến đấy, mãi không xong. Sau khi hội họp quần thần trong triều, nhà vua quyết định lập một dàn trai giới khẩn cầu trăm vị thần linh khắp chốn. Đúng vào ngày mồng bảy tháng ba, một cụ già râu tóc bạc phơ trong như một vị thần xuất hiện, tự xưng là người từ phương Đông tới, cụ đứng trước cổng thành mà than: “Thành này xây khó lòng mà xong được đấy!”, An Dương Vương mừng vui ra đón, làm nghi lễ chào hỏi rồi thưa: “Thưa ngài, thành này ta cũng đã xây đắp một thời gian rồi, tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của vậy mà chẳng xong, vừa xây đã lở, không biết là cớ làm sao vậy?”
Nhà vua vừa dứt, cụ già bèn bảo rằng: “Sắp tới đây sứ Thanh Giang tới giúp, thành mới được xây xong trọn vẹn”. Nói xong, cụ từ biệt vua và quần thần ra về.
Ngày mồng tám tháng ba, nhà vua nhận được tin sứ Thanh Giang đang trên đường tới. Nhanh chóng sai người chuẩn bị đồ tế rồi ra nghênh đón. Từ phương đông một con Rùa Vàng nổi trên mặt nước tới, Rùa Vàng xưng là sứ Thanh Giang, có khả năng thông tỏ việc âm dương, trời đất, quỷ thần. Nhà vua mừng rỡ, sai quân đưa xe bằng vàng ra để rước Rùa vàng vào thành.
Nhờ sự giúp đỡ của sứ Thanh Giang, thành nhanh chóng được xây xong chỉ trong vòng nửa tháng. Thành lũy kiên cố, vững chắc thuận lợi cho việc phòng thủ, thành xây theo hình trôn ốc, rộng hơn ngàn trượng, thành được gọi với tên Loa Thành, vào đời Đường người ta gọi với cái tên khác là Côn Lôn Thành.
Sau khi thành được xây xong, dần đi vào ổn định, An Dương Vương mời Rùa Vàng ở lại cùng, sứ Thành Giang đồng ý và ở lại đây 3 năm, sau đó dặn dò để về. Lúc đó, nhà vua đang một nỗi băn khoăn về sự tham lam cuồng phá xâm lược của giặc, lại lúc thế nước còn chưa vững, bèn nói lời cảm tạ và hỏi: “Thành xây được là nhờ đức ơn của thần, cảm tạ người đã thương lòng giúp đỡ. Nhưng nay còn có một nỗi trăn trở là nếu chẳng mày giặc ngoài có đến thì không biết lấy gì mà chống?” Nghe vậy, Rùa Vàng từ tốn bảo: “Vận nước suy hay thịnh, xã tắc an hay nguy phụ thuộc mệnh trời, nước có kéo dài thời vận hay không là do phúc phần, đức độ của con người, biết tu tâm tích đức, biết cảnh giác trước âm mưu thù địch thì ắt nước nhà vững bền. Ngươi ước muốn điều tốt cho xã tắc thì ta có tiếc chi”.
Nói rồi, sứ tháo vuốt trao cho vua mà dặn: “Giặc có đến, hãy đem vật này làm lẫy nỏ, nhắm vào địch mà bắn thì sẽ không còn lo gì nữa” rồi theo biển Đông mà mất hút.
Nghe lời sứ, vua bèn sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy luốt làm lẫy thần, gọi nỏ là : “Lĩnh Quang Kim Quy thần cơ” như một sự tri ân, đời đời nhớ đến ơn sứ thần.
Thời gian sau đó, Triệu Đà đem quân sang xâm lược nước ta, giao chiến với An Dương Vương. Khi chúng kéo đến quân đến thành, vua lấy nỏ thần ra chiến, quân Đà bại trận phải bỏ chạy về chân núi Trâu Sơn, không dám chiến bèn xin hoà hoãn với vua An Dương Vương.
Không bao lâu, Trọng Thủy là con trai của Triệu Đà sang câu hôn, lấy cớ kết tình thân ái mà xin gả Mị Châu- con gái của An Dương Vương. Tin vào sự hoà hiếu của Đà, vua đồng ý con gái. Mị Châu luôn tin tưởng chồng hết mực, lời ngon ngọt của Trọng Thủy xin xem nỏ thần khiến nàng động lòng mà đưa cho chàng xem. Nhân lúc đó, Trọng Thủy làm một cái Nỏ khác, đánh tráo Nỏ thần, rồi trả lại cho Mị Châu, sau đó, mượn cớ về phương Bắc thăm cha mà đi. Trước lúc về, hắn bảo Mị Châu: “Vợ chồng nghĩa sâu, tình nặng, ơn mẹ cha biển rộng, sông sâu, khó lòng dứt bỏ. Này ta trở về thăm cha, nhỡ sự hai nước thất hoà, ta đi tìm nàng bất lấy gì mà làm dấu?”. Mị Châu âu yếm nhìn chồng mà dặn: “Vốn là phận nữ nhi, gặp cảnh lý biệt ắt hẳn đau đớn bội phần. Chiếc áo lông ngỗng này thiếp luôn mang bên mình, nếu có giặc, đi đến đâu có ngã ba đường, thiếp sẽ rắc lông làm dấu, chàng cứ lần theo dấu vết ấy sẽ cứu được nhau”.
Trọng Thủy đem lẫy về với vua cha, quân Đà nắm được điểm yếu của vua An, bèn tức tốc đưa quân sáng chiếm đánh. An Dương Vương cậy mình có nỏ thần mà vẫn chẳng mảy may lo sợ, điềm nhiên chơi cờ, còn tự tin mà bảo “Nỏ thần bất bại, Đà lại không sợ sao?”.
Khi quân Đà kéo sát chân thành, vua mới lấy Nỏ thần ra bắn, nào ngờ lẫy mất, sợ hãi, tính mưu bỏ chạy. An Dương Vương cùng Mị Châu lên ngựa, nhắm thẳng phương Nam mà chạy. Khi đánh tan quân trong thành, Trọng Thủy lần theo dấu ngỗng đuổi theo cha con Mị Châu. An Dương Vương chạy đến bờ biển thì đường cùng, bèn khẩn thiết cầu xin sứ Thanh Giang cứu: “Vận nước đã suy, trời đã khiến ta mất nước, mất đi Âu Lạc yêu quý. Sứ Thanh Giang ở chốn nào, mong ngài màu mau lại cứu”. Rùa Vàng hiện lên vừa lúc Trọng Thủy đuổi tới. Sứ chỉ vào Mị Châu rồi nói: “Giặc đâu có xa xôi, ở ngay sau lưng ngươi đấy”, bây giờ cả An Dương Vương và Mị Châu mới vỡ lẽ. Đau đớn xót xa, Mị Châu đưa ánh mắt tủi hờn, đau đớn về phía Trọng Thủy mà nói trong nỗi uất hận, nghẹn ngào: “Trọng Thủy, sao chàng lại bội bạc với ta như thế? Sao chàng lại hành động bất nhân đến vậy? Chàng đã phản bội niềm tin yêu của ta, đã khiến cha con ta đến đường cùng, đẩy nhân dân Âu Lạc vào lầm than, tăm tối. Kẻ hai lòng như chàng sao xứng đáng có được tình yêu từ ta. Ta đã sai, đã sai thật rồi!”. Trọng Thủy mắt đẫm lệ, dù biết có thanh minh trăm lần không hết tội, nhưng nhìn thấy Mị Châu đau khổ, Thủy không cầm lòng được mà rằng: “Mị Châu nàng ơi, lòng ta yêu nàng là thực, trái tim ta chưa một lần giả dối với tình yêu ấy. Nhưng nợ nước phải trả, ơn cha phải đền, đó là lòng trung hiếu. Nếu ta không nghe lời vua cha thì là kẻ bội nước, bội dân, mong nàng hiểu, nghĩ đến những ngày mặn nồng mà thứ tha cho ta. Hãy cùng ta trở về và sống hạnh phúc bên nhau. Ta xin nàng đấy!”
Mị Châu cười trong nước mắt:
“Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Tha thứ cho chàng ư, không bao giờ. Kẻ như chàng nào xứng đáng”. Nói rồi Mị Châu nhảy xuống ngựa, quỳ gối trước thần Kim Quy và vua cha mà nói: “Thưa cha, nay có sứ Thanh giang chứng giám, con một lòng với cha, với nhân dân Âu Lạc, chưa một lần dám nghĩ đến việc phản nước, bán nhân dân. Nhưng đau đớn thay cho kẻ ngu muội như con, lòng tin đem đặt nhầm chỗ, cuối cùng lại là kẻ tiếp tay hại cha nước mất nhà tan. Con xin lấy cái chết của mình như lời đền tội, dù biết trăm thân mình cũng không xoá hết mọi lỗi gây ra. Chỉ mong rằng khi chết đi, nếu trời cao thấu hiểu tấm lòng này, hãy cho thân ta thành ngọc Mị Nương để rửa mối nhục thù”. Nói rồi, nàng rút kiếm nơi yên ngựa mà tự kết liễu mình.
An Dương Vương thấy con gái chết, lòng đau như cắt, nhìn nước nhà tan càng vạn lần đau đơn. Nhà vua nhảy xuống biển, được sứ Thanh Giang rẽ nước dẫn xuống Long Cung.
Mình Trọng Thủy ở lại chốn nhân gian, đắng cay trước cái chết của Mị Châu, chàng đến bên ôm lấy Mị châu mà khóc lóc thảm thiết. Dường như nỗi dằn vặt, khổ đau khôn thấu đã khiến Trọng Thủy không thể chịu đựng được, chàng vùng dao đâm thẳng vào tim chết cùng Mị Châu. Máu Mị Châu chảy xuống biển được trai sò ăn phải biến thành hạt châu. Xác Trọng Thủy hoá thành giếng nước bên cạnh, những viên ngọc dưới biển Đông được người đời mò thấy đem rửa bằng nước giếng ấy sáng lại càng thêm sáng. Có lẽ rằng, ở chốn xa xôi, Trọng Thủy đã tìm gặp nàng và được nàng tha thứ.
Kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy bằng lời văn của em – Mẫu 3
Sau khi kế tục sự nghiệp dựng nước của 18 đời Hùng Vương, An Dương Vương Thục Phán đã đánh tan năm mươi vạn quân Tần xâm lược; đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc và dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh, Phong Châu xuống vùng Phong Khê, hay còn gọi là vùng Kẻ Chủ, tức cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay.
An Dương Vương bắt tay ngay vào việc xây thành nhưng ngặt nỗi cứ ngày xây lên đêm lại đổ xuống, mãi không xong. Nhà vua bèn sai các quan lập đàn để cầu đảo bách thần, xin thần linh phù trợ. Ngày mồng bảy tháng ba năm ấy, nhà vua bỗng thấy có một cụ già râu tóc bạc phơ, tay chống cây gậy trúc, thong thả từ phía Đông đi tới trước cổng thành, ngửa cổ mà than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được!”. Mừng rỡ, An Dương vương rước cụ già vào trong điện, kính cẩn hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã tốn nhiều công sức mà không được, là cớ làm sao?”. Cụ già thong thả đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây dựng thi mới thành công.” Nói xong, cụ già từ biệt ra đi.
Sáng hôm sau, có một con rùa lớn nổi lên mặt nước, tự xưng là sứ Thanh Giang, bảo với An Dương Vương rằng muốn xây được thảnh thì phải diệt trừ hết lũ yêu quái thường hay quấy nhiễu. Quả nhiên, sau khi Rùa Vàng giúp nhà vua diệt trừ yêu quái thì chỉ khoảng nửa tháng là thành đã xây xong. Thành xây theo hình trôn ốc, rộng hơn ngàn trượng nên gọi là thảnh Ốc hay Loa Thành. Rùa Vàng ở lại ba năm thì ra đi. Lúc chia tay. An Dương Vương cảm tạ nói: “Nhờ ơn Thần mà thành đã xây xong Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống ?”. Rùa Vàng tháo một chiếc vuốt trao cho An Dương Vương, dặn hãy lấy làm lẫy nỏ. Giặc đến, cứ nhằm mà bắn thì sẽ không lo gì nữa. Dứt lời, Rùa Vàng trở về biển Đông. Nhà vua sai một tướng tài là Cao Lỗ chế ra chiếc nỏ lớn, lấy vuốt của Rùa Vàng làm lẫy. Đó là nỏ thần Kim Quy.
Ít lâu sau, Triệu Đà đem quân sang xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, mỗi phát chết hàng vạn lên giặc. Chúng hoảng sợ quay đầu chạy về đến núi Trâu, cầm cự được vài ngày rồi rút về nước. Dân chúng Âu Lạc hân hoan mừng chiến thắng vẻ vang của vị vua tài giỏi.
Thấy không nuốt nổi Âu Lạc bằng phương cách tấn công, Triệu Đà nghĩ ra một âm mưu thâm hiểm khác. Hấn cho con trai là Trọng Thuỷ qua cầu hôn Mị Châu, con gái yêu của An Dương Vương Không chút nghi ngờ, nhà vua vui lòng gả và còn cho phép Trọng Thuỳ được ở rể trong Loa Thành.
Theo lời cha dặn, Trọng Thuỷ ngầm để ý dò xét khắp nơi và rắp tâm phát hiện bằng được bí mật của nỏ thần Mị Châu nhẹ dạ, lại thực lòng yêu thương chồng nên đã đưa Trọng Thuỷ vào tận nơi cất giấu nỏ thần Trọng Thuỷ chế ra chiếc lẫy giống y như thật rồi đánh tráo, thay vuốt Rùa Vàng. Xong việc, Trọng Thuỷ nói với vợ : “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu đến lúc hai nước thất hoà, Bắc Nam cách biệt, ta trở lại tìm nàng, lấy gì làm dấu ?”. Mị Châu ngây thơ đáp : “Thiếp có cái áo lông ngỗng thường mặc, khi gặp biến, đi đến đâu sẽ rắc lông ngỗng ở ngã ba đường làm dấu mà tìm nhau”.
Trọng Thuỷ về đến nhà, Triệu Đà lập tức cất binh sang đánh Âu Lạc. Nghe tin báo hàng chục vạn quân giặc đã tràn sang, cậy có nỏ thần, An Dương Vương vẫn ngồi ung dung đánh cờ và cười nói: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Quân Đà tiến sát cổng thành, vua mới sai lấy nỏ thần ra bắn nhưng không linh nghiệm nữa.
Hai cha con đành lên ngựa, nhằm hướng phương Nam mà chạy, nhưng chạy đến đâu quân giặc cứ theo dấu lông ngỗng mà đuổi theo đến đó. Ra tới sát bờ biển, An Dương Vương cùng đường bèn kêu lớn: “Sứ Thanh Giang ở đâu mau đến cứu ta!”. Ngay lập tức, Rùa Vàng hiện lên, chỉ tay vào Mị Châu mà nói với An Dương Vương rằng: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!”. Hiểu ra cớ sự, An Dương Vương nổi giận, tuốt gươm định chém Mị Châu thì vừa lúc ấy, Trọng Thuỷ cũng đến nơi. Chàng lao vào đỡ nhát kiếm oan nghiệt của An Dương vương thay cho người vợ thân yêu. Bỗng nhiên, mặt nước rẽ ra, Rùa Vàng đón An Dương Vương xuống biển. Mị Châu nước mắt chan hoà, vùng chạy theo cha nhưng những đợt sóng giận dữ tung bọt trắng xoá đã ngăn bước chân nàng. Nàng gục xuống bên xác chồng, nức nở.
Kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy bằng lời văn của em – Mẫu 4
Truyền thuyết kể rằng: vua An Dương Vương xây Loa Thành cứ gần xong lại đổ, bèn lập đàn trai giới, cầu khấn thần linh. Ngày mồng bảy tháng ba, thần hiển linh thành một cụ già từ phương Đông tiến thẳng tới trước cửa thành. Cụ già nhìn thành mà than rằng: “Tiếc cho công sức của biết bao người!”. Vua mừng rỡ đón cụ già vào điện, thi lễ và xin cụ già cho biết nguyên nhân vì sao việc xây thành lại chiếm nhiều công sức mà cứ xây xong lại đổ. Cụ già nói với nhà vua là sẽ có sứ Thanh Giang (một sứ giả đến từ dòng sông Xanh linh thiêng) đến giúp. Nói rồi, cụ già từ biệt nhà vua.
Quả nhiên, ngày hôm sau, nhà vua gặp được sứ Thanh Giang. Vị sứ giả này chính là Rùa Vàng (Thần Kim Quy) vật tổ linh thiêng của người Việt. Rùa Vàng đã giúp nhà vua xây thành chỉ nửa tháng là xong. Thành rộng hơn ngàn trượng xây hình trôn ốc nên gọi là Loa Thành (Quy Long Thành, Côn Lôn Thành).
Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt ra về, nhà vua cảm tạ và xin Thần Rùa kế sách giữ nước. Rùa tháo vuốt đưa cho nhà vua để chế làm lẫy nỏ và dặn: “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận”.
Vuốt Rùa được Cao Lỗ chế làm lẫy nỏ thần có thể bắn một phát trúng cả ngàn tên giặc khiến cho Triệu Đà bao lần xâm lược Âu Lạc đều thất bại phải xin hoà.
Không bao lâu, Đà xin cầu hôn. An Dương Vương gả con gái là Mỵ Châu cho con trai Đà là Trọng Thuỷ với mong muốn cuộc hôn nhân này sẽ nối lại hoà hiếu bang giao hai nước. Không ngờ cuộc hôn nhân này lại nằm trong mưu đồ xâm lược của Triệu Đà. Trọng Thuỷ sau khi lấy được Mỵ Châu đã dỗ nàng cho xem trộm nỏ thần rồi ngấm ngầm làm một cái lẫy nỏ khác giống hệt đánh tráo lẫy nỏ làm bằng vuốt Rùa Vàng. Xong việc, Trọng Thuỷ lấy cớ về phương Bắc thăm cha, đem lẫy nỏ thần về phương Bắc cho Triệu Vương. Trước khi đi, Trọng Thuỷ còn đề phòng “Bắc Nam cách biệt” hỏi Mỵ Châu cách tìm nàng khi có biến. Mỵ Châu mang áo gấm ra nói rằng nàng sẽ dứt lông ngỗng trên áo rải dọc đường làm dấu.
Trọng Thuỷ về nước, Triệu Đà cất quân đánh Âu Lạc, An Dương Vương chủ quan cậy có nỏ thần nên quân giặc đến gần vẫn điềm nhiên đánh cơ nói cười như không. Đến khi cầm nỏ mới biết lẫy thần đã bị mất, nhà vua lập tức hiểu hết sự tình. Nhà vua nhìn Mỵ Châu đầy trách móc, Mỵ Châu biết tội bèn quì xuống xin cha trừng phạt. Không nỡ giết con, An Dương Vương sai người lấy ngựa đem Mỵ Châu chạy trốn, còn mình thì nhanh chóng tập hợp quân sĩ quyết một phen tử chiến. Khi quân hai bên đánh nhau đến bờ biển, thế giặc mạnh không thể chống đỡ, An Dương Vương cùng đường, gọi: “Sứ Thanh Giang đâu! Mau mau giúp ta!”. Rùa Vàng hiện lên, rẽ nước đưa nhà vua xuống Thủy cung.
Triệu Đà chiếm được Loa Thành. Trọng Thuỷ nhớ lời dặn bèn theo vết lông ngỗng mà tìm. Đến bờ biển, Trọng Thuỷ nhìn thấy Mỵ Châu đang nắm chặt chuôi kiếm đứng đợi. Trọng Thuỷ tiến lại gần, Mỵ Châu tuốt kiếm chĩa về phía Trọng Thuỷ mà rằng: “Chàng vì nghĩa vụ quốc gia mà trở thành kẻ lừa dối, phản bội. Thiếp vì yêu chàng mà đem trái tim đặt nhầm lên khối óc. Nhưng thiếp thề rằng, tấm lòng thiếp vẫn trong sáng và trung thành với vua cha và xã tắc. Nếu có lòng phản trắc, sau khi chết xin làm mồi cho cá. Ngược lại, xin được làm ngọc trai dưới biển Đông”. Dứt lời, nàng vung kiếm tự vẫn. Trọng Thủy đem xác Mỵ Châu về chôn cất tại Loa Thành. Xong xuôi, chàng quá ân hận và thương nhớ Mỵ Châu bèn nhảy xuống giếng tự vẫn.
Người đời sau đem ngọc trai biển Đông về rửa ở giếng nước Trọng Thủy, viên ngọc bỗng sáng khác thường.
Kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy bằng lời văn của em – Mẫu 5
Kế tục sự nghiệp dựng nước của 18 vị Hùng vương, An Dương Vương Thục Phán đã đánh tan năm mươi vạn quân Tần xâm lược, đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc và dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh, Phong Châu xuống vùng Phong Khê, hay còn gọi vùng Kẻ Chủ, nay là cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.
Sau khi dời đô, An Dương vương bắt tay ngay vào việc xây thành nhưng ngặt nỗi cứ ngày xây lên đêm lại đổ xuống, mãi không xong. Nhà vua bèn sai các quan lập đàn để cầu đảo bách thần, xin thần linh phù trợ. Ngày mồng bảy tháng ba năm ấy, bỗng thấy có một cụ già từ thong thả từ phía Đông đi tới, vua lập tức mời vào và hỏi chuyện. Cụ già nói rằng sẽ có sứ Thanh Giang tới giúp nhà vua xây thành rồi ra về.
Sáng hôm sau, có một con rùa lớn nổi lên mặt nước, tự xưng là sứ Thanh Giang, bảo với An Dương Vương rằng muốn xây được thành thì phải diệt trừ hết lũ yêu quái thường hay quấy nhiễu. Nhờ sự giúp đỡ của Rùa Vàng mà chỉ trong vòng nửa tháng, thành đã được xây xong. Thành có hình trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Sau ba năm, Rùa Vàng từ biệt ra về. An Dương Vương suy nghĩ về việc giữ nước nên chia tay, ông cảm tạ nói: “Nhờ ơn Thần mà thành đã xây xong. Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng nghe vậy, tháo một chiếc vuốt trao cho An Dương Vương, dặn hãy lấy làm lẫy nỏ. Giặc đến, cứ nhằm mà bắn thì sẽ không lo gì nữa. Dứt lời, Rùa Vàng trở về biển Đông. Nhà vua sai một tướng tài là Cao Lỗ chế ra chiếc nỏ lớn lấy vuốt của Rùa Vàng làm lẫy. Đó là nỏ thần Kim Quy.
Ít lâu sau, Triệu Đà đem quân sang xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, mỗi phát chết hàng vạn tên giặc. Quân Triệu Đà thất bại thảm hại. Chúng hoảng sợ quay đầu chạy về đến núi Trâu, cầm cự được vài ngày rồi rút về nước. Dân chúng Âu Lạc hân hoan mừng chiến thắng vẻ vang. Thấy không xâm lược được Âu Lạc bằng cách tấn công, Triệu Đà nghĩ ra âm mưu thâm hiểm khác. Hắn cho con trai Trọng Thủy sang Âu Lạc. Trọng Thủy gặp Mị Châu – con gái yêu của An Dương Vương, hai người đem lòng yêu mến nhau rồi Trọng Thủy cầu hôn. Không chút nghi ngờ, An Dương Vương vui lòng gả con gái cho Trọng Thủy, cho phép hắn được ở rể ngay trong cung.
Trọng Thủy vờ ngạc nhiên như không biết đến nỏ thần, ngỏ ý muốn xem với Mị Châu. Mị Châu nhẹ dạ, lại thực lòng yêu thương, tin tưởng chồng, ngây thơ lấy nỏ cho hắn xem, còn giảng giải cho hắn cấu tạo và cách sử dụng nỏ thần. trở về nước, làm một cái nỏ y hệt rồi quay lại Âu Lạc, nhân lúc An Dương Vương và Mị Châu đã say, lẻn vào đánh tráo.
Một hôm sau đó, Trọng Thủy nói với Mị Châu:
– Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta trở lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?
Mị Châu ngây thơ đáp:
– Thiếp có cái áo lông ngỗng thường mặc, khi gặp biến, đi đến đâu sẽ rắc lông ngỗng ở ngã ba đường làm dấu mà tìm nhau.
Trọng Thủy về, Triệu Đà lập tức cất binh sang đánh Âu Lạc. Nghe tin báo quân giặc tấn công, cậy có nỏ thần, An Dương vương vẫn ngồi ung dung đánh cờ. Khi quân Đà tiến sát cổng thành, vua mới sai lấy nỏ thần ra bắn nhưng không linh nghiệm nữa.
Hai cha con vội lên ngựa, nhằm hướng phương Nam mà chạy, nhưng cứ chạy đến đâu quân giặc lại theo dấu lông ngỗng mà đuổi theo đến đó. Ra tới sát bờ biển, An Dương Vương cùng đường bèn kêu lớn: “Sứ Thanh Giang ở đâu mau đến cứu ta!”. Ngay lập tức, Rùa Vàng hiện lên, chỉ tay vào Mị Châu mả nói với An Dương Vương rằng: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!”.
Hiểu ra cơ sự, An Dương Vương nổi giận, tuốt gươm định chém Mị Châu. Nhưng ngay lúc ấy, Trọng Thủy cũng đuổi tới nơi. Thấy Mị Châu gặp nguy hiểm, hắn vội giương cung. Mũi tên xé gió lao đến làm thanh gươm sắp chạm vào cổ Mị Châu rơi xuống đất. An Dương Vương tức giận nhìn Trọng Thủy rồi theo Rùa Vàng rẽ nước xuống biển. Mị Châu khuỵu chân, lặng nhìn theo cha, nước mắt rơi lã chã. Lòng nàng ngập tràn hối hận về sai lầm của mình. Trọng Thủy xuống ngựa, toan đỡ nàng đứng lên. Nhưng Mị Châu bất ngờ cầm lấy thanh gươm dưới chân mình, chĩa thẳng về phía hắn.
Nàng đau đớn chất vấn:
– Tại sao lại dối gạt ta, dối gạt cha, dối gạt bách tính Âu Lạc? Là ta phụ chàng? Hay là cha đối xử tệ bạc với chàng? Cha và ta đều tin tưởng chàng như vậy, cớ sao lại lợi dụng chúng ta? Chàng là hoàng tử một nước, ta cũng là công chúa Âu Lạc. Tại sao phải tìm mọi thủ đoạn xâm chiếm Âu Lạc? Chàng hại ta nước mất nhà tan, biến ta thành kẻ tội đồ của Âu Lạc. Chàng còn muốn đuổi giết tới cùng cha con ta. Tình nghĩa vợ chồng bao lâu hóa ra bạc bẽo đến vậy.
Trọng Thủy nhìn nàng cười chua xót, một chữ cũng không cách nào giải thích. Nàng đối xử với hắn tốt như vậy, hắn lại khiến nàng đau khổ. Hắn nói:
– Mị Châu, giờ nàng đã không còn nơi nào để đi. Theo ta trở về, ta sẽ bù đắp cho nàng mọi lỗi lầm ta gây ra…
– Trở về? Trở về đâu? Mị Châu ta không phải nữ trung hào kiệt, nhưng khí tiết công chúa của một nước ta vẫn có. Âu Lạc đã mất, dân chúng đã nhà tan cửa nát, cha ta còn không rõ sẽ sống như thế nào, ta sao có thể làm như không có chuyện gì mà hưởng thụ? – Nàng ngắt lời Trọng Thủy.
Mị Châu lặng người đứng đó, trong mắt nàng lóe lên sự đau đớn nhưng kiên định. Nàng dùng gươm đâm thẳng vào Trọng Thủy đang đứng trước mặt.
– Thù mất nước không thể bỏ qua. Trọng Thủy, nhân duyên hai ta từ nay chấm dứt. Mị Châu là phản đồ, không thể sống. Chàng khiến trăm nghìn bách tính rơi vào cảnh khốn cùng chiến tranh, thù này ta nhất định phải báo. Kiếp sau, hẹn không gặp lại.
Nói đoạn, Mị Châu rút gươm ra tự sát. Trọng Thủy và Mị Châu cùng ngã xuống, máu chảy xuống lòng đại dương…
Trên đây là một số bài văn mẫu với đề bài: “Hãy kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy, bằng lời của anh chị với một kết thúc khác” nhằm giúp bạn tham khảo, hiểu rõ hơn về câu chuyện Mị Châu Trọng Thủy. Hy vọng những bài văn mẫu này sẽ giúp bạn tìm được gợi ý cho bài viết của mình.
Kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy bằng lời văn của em – Mẫu 6
An Dương Vương là vua nước Âu Lạc, tên húy là Thục Phán. Ông cho xây dựng thành trì ở Việt Thường, nhưng mãi mà vẫn không xong. An Dương Vương bèn lập đàn tế lễ, cầu thánh thần giúp đỡ, không lâu sau thấy xuất hiện một cụ già từ phương đông tới. Người này nói rằng sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp nhà vua xây thành. Quả nhiên, hôm sau vua ra của đông chờ đợi, thì thấy một con Rùa Vàng biết nói, tự xưng là sứ Thanh Giang. Vua vội rước về thành. Nhà vua hỏi chuyện xây thành mãi không xong, Rùa Vàng bảo có yêu quái hoành hành, phải tiêu diệt thì thành mới xây được, sau đó đó Rùa Vàng giúp An Dương Vương tiêu diệt yêu quái và xây thành.
Chỉ có hơn nửa tháng mà tòa thành nguy nga, cao hơn ngàn trượng đã xong xuôi, nó như hình trôn ốc nên người ta quen gọi là Loa thành, ngoài ra còn có tên là Côn Lôn thành hay Qủy Long Thành. Sau ba năm Rùa Vàng từ biệt nhà vua để trở phục mệnh. Trước khi đi Rùa Vàng để lại cho An Dương Vương chiếc vuốt của mình, dặn rằng lấy đó làm lẫy nỏ, ngộ nhỡ có quân xâm lược thì cứ lấy ra mà bắn, ắt đẩy lùi được. Vài năm sau, Triệu Vương là Triệu Đà đem quân sang xâm lược, nhà vua lấy nỏ thần ra bắn, quân giặc thua thảm hại, đành rút quân và xin hòa.
Tuy nhiên Triệu Đà vốn gian xảo, hắn cho con trai là Trọng Thủy cầu hôn Mị Châu. An Dương Vương thấy không có gì phải đề phòng nên đồng ý, hơn nữa còn cho Trọng Thủy được ở rể, mà không biết đó là nội gián của giặc. Trọng Thủy chung sống với Mị Châu ít lâu, chiếm được lòng tin của nàng rồi thì bắt đầu xin nàng cho xem trộm nỏ thần. Mị Châu vốn do dự, bởi đó là báu vật của đất nước, nhưng vì tin tưởng Trọng Thủy nàng vẫn lén lấy cho hắn xem. Trọng Thủy sau khi xem nỏ thần, thì lập tức làm một cái lẫy giả y hệt đánh tráo vào đó, rồi tìm cớ thăm cha để về nước. Trước khi đi Trọng Thủy nói chuyện với Mị Châu, phòng việc lỡ hai nước giao chiến, thì làm sao có thế tìm nhau. Mị Châu bảo nếu vậy thật thì nàng sẽ rắc lông ngỗng dọc đường đi để Trọng Thủy tìm đến, vợ chồng đoàn tụ.
Chỉ ít lâu sau, Triệu Đà lại lần nữa mang quân sang xâm lược, An Dương Vương cậy mình có nỏ thần, thì cứ ngồi ung dung uống trà, đánh cờ. Đến khi quân địch đã gần, vua đem nỏ ra bắn mới bàng hoàng nhận ra nỏ đã không còn tác dụng nữa. An Dương Vương vội đưa Mị Châu cùng cưỡi ngựa tháo chạy về phương Nam, trên đường đi Mị Châu chốc chốc lại bứt lông ngỗng ở áo, rải xuống đường làm dấu. Khi chạy đến biển đông, biết đã cùng đường, nhà vua đành cầu cứu Rùa Vàng, rùa nổi lên, chỉ đích danh Mị Châu là giặc. An Dương Vương quay lại nhìn con gái bằng ánh mắt căm giận và ngỡ ngàng, rút kiếm toan chém nhưng do dự, bởi suy cho cùng nguồn cơn sự việc cũng do ông mà ra. Thế rồi nhà vua vứt kiếm lại, trầm mình xuống biển tự vẫn. Về phần Mị Châu, lúc này Trọng Thủy đã đuổi tới nơi, thấy Mị Châu ôm kiếm của cha mà khóc, hắn chỉ biết đứng sững sờ. Mị Châu ngước đôi mắt đỏ hoe cùng căm phẫn nhìn Trọng Thủy mà rằng: “Ta đối với ngươi hết lòng hết dạ, nhưng ngươi lại nhẫn tâm lừa dối. Thề rằng kiếp sau nếu có gặp lại cũng chỉ có thể là kẻ thù không đội trời chung!”. Rồi nàng lại hướng trời cao mà khấn: “Nay ta đã nước mất nhà tan, thân lại mang mối nhục thù khó rửa sạch. Xin ông trời làm chứng cho tấm lòng trung hiếu của ta, nếu ta chết máu của ta sẽ hóa thành châu ngọc. Còn nếu ta thực sự làm chuyện bất nghĩa thì khi chết, sẽ mãi không được siêu sinh, chịu giam cầm nơi 18 tầng địa ngục”. Sau đó Mị Châu hướng biển khấu đầu ba cái, rồi cầm kiếm tự vẫn, Trọng Thủy ngăn cản không kịp, chỉ có thể ôm lấy Mị Châu đang lúc hấp hối, nàng đến chết vẫn mang nỗi hận với hắn: “Kiếp sau đừng gặp lại!”, rồi buông tay nhắm mắt. Máu nàng theo bờ cát trôi xuống biển, trai ăn vào lập tức nhả ra những viên ngọc vừa tròn vừa sáng rực rỡ, đẹp khôn tả xiết. Xác của nàng cũng hóa thành khối ngọc bích tuyệt đẹp nằm gọn trong tay Trọng Thủy.
Trọng Thủy ôm khối ngọc trở về, đi như người mất hồn, hắn thấy ân hận và nhục nhã đến cùng cực, hắn nhớ lại những ngày tháng trước kia, thật hạnh phúc biết mấy. Giờ đây đã có quyền lực trong tay, nhưng hắn nào vui, hắn đã làm ra việc khốn nạn, hắn lợi dụng Mị Châu, rồi lại bức chết nàng, cuối cùng nàng đã mang theo cả nỗi hận xuống hoàng tuyền. Ngày hôm sau người ta thấy, tóc Trọng Thủy đã chuyển màu trắng xóa, hóa ngây dại, ngày ngày ôm khối ngọc của Mị Châu mà khóc bên giếng Mị Châu thường tắm, vừa khóc vừa tạ lỗi, lay lắt như vậy đến cuối đời. Nước mắt Trọng Thủy ngày ngày rơi xuống giếng, tương truyền nước giếng đó lấy rửa ngọc trai mò ở biển nơi Mị Châu chết thì ngọc sáng và đẹp hơn. Có câu đôi khi chết không phải là đau khổ nhất, mà sống trong nỗi cắn rứt, hối hận mới là tận cùng của địa ngục.
Lời kết
Trên đây là một số gợi ý hay nhất về cách kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, bằng lời của anh (chị) với một kết thúc khác với kết thúc của tác giả dân gian. Một kết thúc vui vẻ hơn bi kịch dân gian này. Rất mong quý độc giả thích thú
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!