Updated at: 10-07-2022 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Tình yêu thiên nhiên, cảnh vật non sông gấm vóc quê hương vốn không phải là một đề tài mới mẻ. Trương Hán Siêu cũng gửi gắm niềm tự hào quê hương qua tác phẩm Phú sông Bạch Đằng. Để đi phân tích tác phẩm trên một cách sâu sắc, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Đề bài: Hãy bình luận về chiến thắng sông Bạch Đằng

hay binh luan ve chien thang song bach dang

Bài làm:

Sông Bạch Đằng là dòng sông có chứng tích lịch sử lâu bền. Đó là những lần quân dân ta lập những chiến công lẫy lừng trong các trận chiến với giặc ngoại xâm. Vào năm 938 – Ngô Quyền lãnh đạo dập tan quân Nam Hán, năm 981- quân Tống thất bại trước đội quân hùng mạnh của Lê Hoàn. Đặc biệt, là năm 1288, chiến thắng vẻ vang lịch sử với quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trận chiến hào hùng và oanh liệt này được Trương Hán Siêu viết nên thành những trang văn chói lọi để lại cho con cháu muôn đời nhìn lại một quá khứ hào hùng của dân tộc qua bài Phú sông Bạch Đằng.

Đó là một trận chiến vô cùng dũng cảm, một mất một còn của dân tộc, thể hiện được hào khí Đông A của đời Trần.

“Đây là chiến địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.”

Con sông đã cùng nhân dân dành thắng lợi qua bao cuộc chiến. Đó là chiến thắng vang dội của vua Trần bắt Ô Mã, là trận Ngô Quyền tiêu diệt quân Nam Hán, bêu đầu tên tướng Hoằng Thao. Vậy mà quân xâm lược chẳng màng rút ra bài học chiến trường, để nhận lấy thất bại, mang theo mối nhục suốt đời cho con cháu. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt giữa ta và địch:

“Đương khi ấy:
Thuyền tàu muôn đội,
Tinh kì phấp phới.
Hùng hổ sáu quân,
Giáo gươm sáng chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ bắc nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.”

Trận đánh được tái hiện thật dữ dội khiến trời đất cũng phải thay đổi. Nó có ý nghĩa to lớn trong chiến lược đấu tranh của quân dân ta, đó là trận chiến quyết định đến số phận, tương lai của quân địch. Hai bên đều dùng toàn bộ lực lượng, dốc hết sức lực, vũ khí để bước vào cuộc chiến. Thuyền tàu chở quân muôn đội, gươm giáo sáng chói, khí thế cao ngất trời, cờ quân bay phấp phới giữa đất trời lộng gió. Lực lượng đôi bên quá hùng hậu, ngang sức, khí thế dũng mãnh, hành động khôn lường. Trận đấu ngày càng cam go, quyết liệt, trong thế giằng co của hai phe. Quân giặc càng hống hách, bạo ngược, khoác lác, cứ tưởng đem quân một lần mà quét hết trời Nam. Sau cùng, chiến thắng thuộc về quân ta, khiến kẻ bại trận trong nhục nhã, ê chề, mối nhục ấy ngàn cũng không rửa nổi.

“Kìa:
Tất Liệt thế cường,
Lưu Cung chước dối.
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi.
Thế nhưng:
Trời cũng chiều người,
Hung đồ hết lối
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.
Đến nay sông nước tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.
Tái tạo công lao,
Nghìn xưa ca ngợi.”

Trận chiến trên sông Bạch Đằng chiến thắng là nhờ “đất trời cho nơi hiểm trở”, “nhân tài giữ cuộc điện an”, “đại vương với thế giặc nhàn”. Chính là ở thiên thời – địa lợi – nhân hòa cho cuộc chiến. Sông, yếu tố nhân kiệt vẫn là yếu tố giữa vai trò quan trọng nhất. Trần Quốc Tuấn – một người yêu nước thương dân, tài đức vẹn toàn. Người lãnh đạo tài ba, xuất chúng, có khát vọng, nuôi chí lớn cho dân tộc. Một người giỏi mưu lược lại dũng cảm nơi chiến trận, cùng với tinh thần đấu tranh bất diệt của nhân dân nhà Trần đã mang lại chiến thắng, mang lại tiếng thơm vẻ vang, bất tử cùng thời gian cho dân tộc.

Trương Hán Siêu đã tái hiện trận chiến trên sông Bạch Đằng một cách đầy tự hào bằng những áng văn tuyệt mỹ. Qua đó, tác giả thể hiện được tinh thần yêu nước sâu sắc, lòng tự hào dân tộc, niềm tự hào về cảnh sắc quê hương, về dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Bồi đắp trong mỗi chúng ta niềm tự hào về nhân dân, về quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó thêm yêu đất nước, trân trọng độc lập, yên bình của hiện tại. Cố gắng phấn đấu trở thành một người công dân tốt, sẵn sàng trong tư thế chiến đấu “khi Tổ quốc gọi chúng ta lên đường”, xứng đáng là thế hệ con cháu noi gương những vị anh hùng bất tử với non sông.

Lời kết

Trên đây là phần bình luận tác phẩm Phú sông Bạch Đằng chính xác và đầy đủ nhất mà chúng tôi gửi đến các bạn tham khảo. Rất mong các bạn cảm thấy thú vị.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 03/2024!