Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách Tổng hợp các cách đọc hiểu về nhân vật Tử Hải chuẩn nhất 12/2024.
Từ Hải – một “anh hùng cái thế”, nhân vật thể hiện giấc mơ công lý của Nguyễn Du. Đoạn trích khắc họa hình ảnh Từ Hải với tính cách anh hùng chí khí phi thường, khát vọng tự do mãnh liệt
Dàn ý số 1: Cách đọc hiểu về nhân vật Tử Hải chuẩn nhất
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều và đoạn trích Chí khí anh hùng.
– Giới thiệu nhân vật Từ Hải
II. Thân bài
1. Từ Hải với những ý chí, khát vọng vùng vẫy giữa trời đất.
– “Trượng phu”: Cách gọi thể hiện sự trân trọng đối với những bậc anh hùng có tài năng, đức độ hơn người
– Hai không gian đối lập:
+ “Hương lửa đương nồng”: Mái ấm gia đình với tình yêu, hạnh phúc ngọt ngào
=> Không gian nhỏ hẹp, gắn với thói thường
+ “Bốn phương”, “trời bể mênh mang”: Không gian vũ trụ mênh mông, rộng lớn nâng tầm vóc người anh hùng lên tầm vũ trụ.
=> Thể hiện ước mơ, khát vọng lớn lao của người anh hùng.
=> Từ Hải quyết tâm từ bỏ không gian gia đình ấm êm để đến với không gian vũ trụ để vùng vẫy với những khát vọng.
– Tính từ “thoắt”: Sự mau lẹ, quyết đoán, tự tin không phân vân
=> Sự thức dậy của lí trí, khí phách anh hùng vượt lên những điều bình thường để làm những điều phi thường.
– Ánh mắt “trông vời” và tư thế “thẳng dong”: Khắc họa hình tượng người tráng sĩ với khát vọng vùng vẫy giữa trời cao
=> Người tráng sĩ lên đường với tư thế dứt khoát, mạnh mẽ đi liền một mạch không ngoảnh lại
2. Từ Hải với chí khí, hoài bão, lớn lao, phi thường.
– Hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường”:
=> Thể hiện hoài bão phi thường của Từ Hải, muốn xây dựng cơ đồ của một bậc đế vương, chí khí xứng đáng tầm vóc của một bậc anh hùng.
– Hình ảnh “bốn bể không nhà” kết hợp với câu hỏi tu từ “theo càng thêm bận biết là đi đâu”
=> Cảm giác cô đơn thấp thoáng của bậc anh hùng khi thực hiện hoài bão. Nhưng càng cô đơn, quyết tâm càng lớn.
– Khoảng thời gian “một năm”: Thái độ tự tin, quyết tâm thực hiện lí tưởng anh hùng.
=> Với những hình ảnh ước lệ đã cho thấy chí khí hoài bão, khát vọng lớn lao phi thường của người anh hùng Từ Hải.
3. Từ Hải với tình yêu và khát vọng hạnh phúc phi thường.
– Trước lời nói của Kiều, Từ Hải đã trách móc nhẹ nhàng:
+ “Tâm phúc tương tri”: Là người tri kỉ, hiểu rõ lòng dạ của nhau.
=> Từ Hải lấy đạo tri kỉ ra để thuyết phục Kiều ở lại, với Từ Hải Kiều không phải người vợ, người tình mà là một người tri kỉ
+ “Nữ nhi thương tình”: Thói nữ nhi tầm thường
=> Với Từ Hải, Kiều không phải cô gái tầm thường mà là người thông minh, sắc sảo, tinh tế.
=> Lời trách móc của Từ Hải cho thấy tình yêu của chàng đối với Thúy Kiều không phải tình cảm tầm thường mà hết sức phi thường. Đó là mối tình tri kỉ, trân quý lẫn nhau.
– Khát vọng hạnh phúc phi thường của Từ Hải:
+ “Làm cho rõ mặt phi thường”: Thực hiện được hoài bão, lí tưởng anh hùng.
+ “Rước nàng nghi gia” Rước Thúy Kiều danh chính ngôn thuận về làm vợ, cho nàng một danh phận.
=> Từ Hải ra đi không chỉ hướng đến sự nghiệp của một bậc anh hùng mà còn hướng đến khát vọng hạnh phúc phi thường của “trai anh hùng với gái thuyền quyên”
4. Từ Hải – con người dứt khoát, tự tin, đầy bản lĩnh
– “Quyết lời”: Lời nói dứt khoát, quyết đoán
– “Dứt áo ra đi”: Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm, dứt khoát.
– “Gió mây bằng đã…đến kì dặm khơi”: Bút pháp lí tưởng hóa đã cực tả dáng vẻ tựa như cánh chim bằng cất mình bay thẳng vào muôn trùng dặm khơi của người anh hùng
=> Từ Hải là người có chí khí anh hùng, hoài bão lớn lao cùng bản lĩnh phi thường.
5. Ý nghĩa hình ảnh Từ Hải
– Thể hiện ước mơ về người anh hùng lí tưởng của thời đại: chí khí, hoài bão lớn lao, khát vọng phi thường
– Là biểu tượng về khát vọng tự do và lẽ công bằng.
6. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Bút pháp miêu tả, khắc họa nhân vật qua dáng vẻ, hành động, lời nói
– Ngôn ngữ đối thoại trực tiếp
– Hình ảnh ước lệ với các danh từ, động từ, tính từ giàu giá trị biểu đạt.
III. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề
Dàn ý số 2: Cách đọc hiểu về nhân vật Tử Hải hay nhất
a. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu nhân vật Từ Hải.
b. Thân bài:
* Bối cảnh cuộc gặp gỡ của Từ Hải – Thúy Kiều
– “Nửa năm hương lửa đương nồng/Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”: Không cam chịu cuộc sống ấm êm, giản dị mà quyết tâm để lại sau lưng tình riêng ra đi làm nghiệp lớn.
* Chí khí anh hùng của Từ Hải:
– Hành động ra đi mạnh mẽ, quyết liệt của Từ Hải lại được thể hiện rất rõ ở những câu thơ “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” và “Quyết lời dứt áo ra đi”. Tác giả lựa chọn sử dụng một loạt những từ ngữ “thẳng rong” tức là đi liền một mạch, “quyết lời”, “dứt áo” thể hiện hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn. Từ đó thấy được khí phách mạnh mẽ của bậc đại trượng phu.
– “Từ rằng: Tâm phúc tương tri/Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”: Lời trách, nhưng đồng thời cũng là lời động viên Thúy Kiều rằng hãy cố gắng vượt ra khỏi cái suy nghĩ của bậc nữ nhi thường tình để trở thành phu nhân của một bậc anh hùng cái thế, có công danh sự nghiệp hiển hách, thể hiện ý thức của Từ Hải về sự hơn đời, hơn người của bản thân mình.
– “Bao giờ… nghi gia”: Lời động viên ngầm của Từ Hải là lời ước hẹn của Từ Hải với Thúy Kiều.
– “Bằng nay bốn bể không nhà/Theo càng thêm bận biết là đi đâu”: An ủi, lo lắng, giải thích cho Thúy Kiều để nàng an lòng ở lại. Đồng thời ở hai câu thơ này ta còn lờ mờ nhận ra đằng sau nó là sự cô đơn, lạc lõng của Từ Hải trong giây phút bắt đầu gây dựng công danh sự nghiệp.
– Các hình ảnh “bốn phương”, “trời bể mênh mang”, “bốn bể”, “gió mây”, “dặm khơi”, hình ảnh cánh chim “bằng”. Đây đều là những hình ảnh gợi ra bối cảnh không gian khoáng đạt rộng lớn, góp phần nâng tầm vóc của người anh hùng mang hùng tâm tráng chí Từ Hải lên sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Bên cạnh đó còn thể hiện chí lớn của người anh hùng khao khát được vẫy vùng, tùng hoành trong bốn bể.
c. Kết bài:
– Nêu tổng kết nội dung và nghệ thuật.
Bài mẫu số 1: Cách đọc hiểu về nhân vật Tử Hải chuẩn nhất
Sau nửa năm chung sống, Kiều và Từ Hải có một mái ấm gia đình, đương lúc tình cảm giữa hai người nồng đượm nhất, Từ Hải lại “thoắt động lòng bốn phương”. Người đời nói rằng anh hùng chí ở bốn phương, Nguyễn Công Trứ lại có câu “Chí làm trai nam bắc đông tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”. Nam nhi chi chí, đầu đội trời, chân đạp đất, sống là phải làm rạng danh dòng họ, rạng danh gia đình, “Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Có lẽ chính chế độ phong kiến đã tách Từ Hải ra khỏi Kiều – bởi chính chế độ ấy đã đem tư tưởng nam nhi áp đặt lên đầu chàng. Nhưng cũng chính tư tưởng ấy khiến chàng bảo vệ nàng, tạo nên nét riêng của chàng.
“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”
Và Từ Hải đã luôn ở trong vị thế sẵn sàng – chàng luôn cầm chắc thanh gươm, yên ngựa luôn được đặt sắn – chàng biết chẳng chóng thì chầy chàng cũng sẽ ra đi. Chàng đã chuẩn bị sẵn tinh thần để không lưu luyến, bịn rịn, vì chàng là một nam tử hán, “nam nhân thà rơi máu chứ không rơi lệ”.
“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”
Không gian xung quanh – rộng lớn, bao la, khoáng đạt, mênh mang đến cùng trời cuối bể – như khắc họa thêm vào bóng lưng quyết liệt, dứt khoát của chàng. Chàng như hòa vào với trời đất, chàng như trở nên khổng lồ – vì ý chí và hoài bão – vươn đến tận vũ trụ xa xôi.
“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”
Từ Hải như không còn là một người thường nữa – Nguyễn Du tả chàng như một vị tiên nhân – lướt gió, đạp mây mà đi – vượt bể, vượt núi cao, vượt qua bao sóng gió. Lòng chàng vẫn không thay đổi – chàng vẫn ‘quyết lời’, vẫn ‘dứt áo ra đi’. Bởi:
“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”
Chàng muốn cho Kiều một cuộc sống hạnh phúc. Chàng tự tin vào tài năng của mình, giống như cách Đào Uyên Minh tự tin “Thiếu thời tráng thả lệ/ Vũ kiếm độc hành du”.
“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Từ Hải tin rằng chàng sẽ thực hiện được hoài bão của mình – ấy là trở thành một vị tướng quân dẫn “mười vạn tinh binh”, chiêng trống “dậy đất”, cờ xí “rợp đường”. Mọi người rồi sẽ biết chàng tài năng thế nào. Đến lúc ấy, chàng sẽ cho kiệu tám người khiêng, đường đường chính chính rước Kiều vào phủ đệ – để Kiều làm một vị phu nhân, để những kẻ từng hãm hại Kiều phải ngày đêm sợ hãi. Việc ấy sẽ không lâu, “chầy chăng là một năm sau vội gì”.
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi
Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”
Từ Hải một mặt trách Kiều “sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”, một mặt lại lo lắng cho nàng:
“Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu”
Chàng cũng rất mâu thuẫn – chàng muốn vợ mình cũng là một cô gái phóng khoáng, hiệp nghĩa để sánh đôi với chàng, tựa như Mộc Lan trong thơ của Đào Uyên Minh:
“Vạn dặm đi theo quân
Vượt núi ải như bay
Tướng quân đánh trăm trận rồi chết
Tráng sĩ mười năm mới trở về”
Nhưng đồng thời, Từ Hải cũng không muốn Kiều phải chịu khổ sở – buổi đầu anh hùng lập nghiệp, ngao du tứ phương xem đất tựa giường, rơm tựa nệm chăn. Một tiểu thư khuê các như Kiều sao có thể chịu khổ như vậy? Đó là tấm lòng nghĩ cho vợ, tấm lòng hết sức tình cảm của một kẻ võ biền, thật đáng quý biết bao.
Nguyễn Du đã xuất sắc miêu tả một Từ Hải – một con người bình thường, với những hoài bão và ý chí to lớn, với những hành động phi thường, và rồi lại trở lại như một người chồng quen thuộc – một người chồng luôn lo lắng, quan tâm đến vợ.
John S.Mill từng nhận định rằng: “Châm ngôn sự thật luôn chiến thắng tội ác là lời dối trá ngọt ngào nhất mà con người cứ nhắc đi nhắc lại cho đến khi nó trở nên phổ biến. Lịch sử tràn ngập ví dụ về lòng bác ái và sự thật bị quật ngã bởi tội ác.” Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như vậy. Dù đưa vào nhân vật Từ Hải – một anh hùng trong mắt Kiều và những người có số phận như Kiều hay phường giặc cỏ trong mắt triều đình phong kiến, nhưng cuối cùng, chàng vẫn bị quật ngã trước những thế lực đen tối xấu xa. Thế nhưng, chỉ với một đoạn xuất hiện ngắn ngủi, Từ Hải cũng đã soi sáng khát khao về một cuộc sống công bằng và hạnh phúc – một cuộc sống lý tưởng cho tất cả mọi người của Nguyễn Du.
Bài mẫu số 2: Cách đọc hiểu về nhân vật Tử Hải chuẩn nhất
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Nó thể hiện rõ tấm lòng của Nguyễn Du với số phận con người trong xã hội phong kiến. Đồng thời, nó cũng thể hiện ước vọng của Nguyễn Du về một xã hội công bằng với người anh hùng xứng đáng là bậc trượng phu. Và ước vọng ấy được ông đã thể hiện qua hình tượng nhân vật Từ Hải – một người anh hùng “đội trời đạp đất”
Khi lần đầu xuất hiện trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã để cho Từ Hải sánh vai cùng Kiều. Người anh hùng Từ Hải đã giải thoát Kiều khi nàng đang rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, khi mà:
“Thoắt mua về, thoắt bán đi
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi”
Và chính lúc đau khổ ấy của Kiều, Từ Hải đã xuất hiện như vị cứu tinh của đời Kiều. Kiều đã được Từ cứu vớt khỏi chốn ô nhục và mang cho nàng một cuộc sống mới.
Hình ảnh Từ Hải hiện lên thật bất ngờ, thật đột ngột, bất ngờ với chúng ta và cả chính Kiều nữa:
” Lầu thâu gió mát, trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đinh sang chơi”
Không chỉ hiện lên như bậc cứu nhân, Từ Hải còn hiện lên là một người anh hùng mang cốt cách phi thường, sánh ngang với tầm vóc của thiên nhiên và vũ trụ. Nguyễn Du đã dựng lên hình ảnh về một người anh hùng vĩ đại, với ngoại hình tướng mạo phi phàm:
“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”
Ở đây ta thấy, Nguyễn Du đã sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng của thi pháp cổ, ông đã vẽ lên người anh hùng lý tưởng của mình với tướng mạo không thể phi thường hơn. Toàn là những hình ảnh so sánh với thiên nhiên, với những gì mạnh mẽ, đẹp đẽ nhất! Nào là râu như “hùm”, hàm như “én”, đôi lông mày như “ngài”. Không chỉ vậy, Nguyễn Du còn sử dụng nhịp ngắt câu 2/2/2 và 4/4, nhịp ngắt nhanh, mạnh này càng gây cho người đọc ấn tượng hơn về người anh hùng họ Từ.
Chẳng những có tướng mạo phi phàm hơn người, Từ Hải còn hiện lên với tài năng và chí khí của bậc trượng phu chí lớn.
“Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.”
Nguyễn Du đã tả Từ không chỉ với tướng mạo xuất chúng, mà còn là tài năng hơn người “lược thao gồm tài”. Người anh hùng ấy quả đã khiến người khác phải ngưỡng mộ, trầm trồ về dung mạo và cả tài năng, nhân phẩm của mình nữa. Quả là một người anh hùng trong mơ ước của bao người, xứng với lòng mong mỏi của tác giả!
Không như Thúc Sinh chỉ là một kẻ nhu nhược, hèn kém, chịu khuất phục trước quyền cao chức trọng, Từ Hải lại mang một phong thái khác vô cùng. Chàng là người trọng nghĩa khí, trọng sự công bằng, luôn luôn giúp đỡ, bênh vực những kẻ yếu thế và không bao giờ e sợ trước cường quyền. Nguyễn Du đã vô cùng trân trọng Từ Hải khi miêu tả về chàng toàn là những lời khen rằng: ” đấng anh hào”, “côn quyền”, “lược thao”, “đội trời đạp đất” … Những từ ngữ Hán Việt ấy đã khắc họa, tô đậm rõ nét tài năng anh hùng của chàng. Tài năng, nhân phẩm của chàng tới tận sau khi chàng chết, Thúc Sinh vẫn nhắc lại với lòng kính trọng, muôn phần bội phục:
“Đại vương tên Hải họ Từ,
Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người.
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng,
Đại quân dồn đóng cõi đông…”
Thật là một người anh hùng tướng mạo và tài năng đều vô cùng xứng đôi với nàng Kiều xinh đẹp vẹn toàn “trai anh hùng, gái thuyền quyên”.
Nguyễn Du đã miêu tả Từ Hải với lòng ngưỡng mộ sâu sắc, với tài năng của chàng, với nhân phẩm của chàng và cả với lý tưởng cao đẹp của chàng nữa. Lý tưởng ấy đồng thời cũng là khát vọng to lớn của Nguyễn Du về một xã hội công bằng, ác giả ác báo thiện giả thiện lai. Lý tưởng ấy của Từ Hải đã hiện lên thật rõ ràng trong lần trò chuyện của Kiều trước khi ra đi.
Sau khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, cho Kiều một thân phận, nửa năm sau, Từ Hải quyết định từ biệt Kiều để ra đi thực hiện chí lớn của mình.
“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông về trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.
Từ Hải và Kiều đã dựng xây lên một hạnh phúc viên mãn, mặn nồng. Hạnh phúc ấy đang vô cùng êm đềm, tốt đẹp. Thế nhưng thân là nam nhi, trong xã hội phong kiến đương thời, Từ Hải phải ra biển lớn vẫy vùng cho thỏa chí lớn. Vậy nên, dù viên mãn trong hạnh phúc với Kiều, nhưng chàng vẫn quyết chí ra đi một cách đầy mạnh mẽ và dứt khoát.
“Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”
Một gươm một ngựa nhưng chàng vẫn quyết chí ra đi để thực hiện chí lớn của mình. Thế nhưng, dứt áo ra đi là vậy, chàng cũng không quên gửi tới Kiều lời an ủi, lời hứa hẹn, mong Kiều có thể hiểu và vượt qua những suy nghĩ “nữ nhi thường tình”.
Nguyễn Du đã để Từ Hải bộc bạch chí lớn, khát vọng của mình thế này:
“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Đó là lời bộc bạch rất chân thật, rất mạnh mẽ. Chàng Từ đã xác định cho mình một mục tiêu thật rõ ràng để quyết tâm ra đi mà thực hiện điều đó.
Lời chia tay của chàng Từ chẳng bịn rịn như Thúc Sinh mà là một lời dứt khoát đầy mạnh mẽ, bởi chàng ra đi là vì việc lớn, vì xây dựng sự nghiệp cao cả của mình. Thật đúng là ý chí của bậc trượng phu! Không chỉ quyết chí ra đi vì chí lớn, chàng còn rất tự tin vào cuộc sống, tự tin vào chính bản thân, ý chí và lý tưởng của mình, bởi chàng biết, chàng nhất định sẽ mang vinh quang trở về:
“Đành rằng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”
Lời nói ấy như một lời hứa, một lời quyết tâm, quyết chí thực hiện lý tưởng để trở về. Và hình ảnh cuối của Từ Hải khi ra đi, được Nguyễn Du so sánh với cánh chim bằng tung mình trong biển gió cát mịt mù càng tôn vinh tầm vóc của chàng. Nguyễn Du đã ví chàng sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ, sánh ngang cùng vạn vật.
Từ Hải là một nhân vật xuất hiện ngang cuộc đời của Kiều, thế nhưng chàng lại hiện lên với tầm vóc không thể đẹp đẽ và tài năng hơn. Với tấm lòng của mình, Nguyễn Du đã đặt người anh hùng của mình sánh ngang tầm với trời đất vũ trụ. Người anh hùng ấy không chỉ có tướng mạo phi phàm “râu hùm, hàm én, mày ngài” mà còn là một người có tài năng xuất chúng, chí lớn hơn người. Bằng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, ước lệ, Nguyễn Du đã vẽ lên người anh hùng đẹp tuyệt vòi trong lòng mỗi người đọc chúng ta.
Qua hình ảnh Từ Hải, qua lý tưởng của chàng, ta thấy ẩn chứa trong đó là niềm tin của Nguyễn Du, cũng như niềm khát vọng của ông về một xã hội công bằng, được lãnh đạo bởi người anh hùng xứng đáng như Từ Hải.
Bài mẫu số 3: Cách đọc hiểu về nhân vật Tử Hải chuẩn nhất
Tác giả Nguyễn Du với ước mơ về công lí và người anh hùng lí tưởng phi thường đã xây dựng nên hình tượng nhân vật Từ Hải, có thể nói nhân vật này chính là một phương diện tuyệt đẹp và hoàn hảo về cảm hứng nhân văn của “Truyện Kiều”. Tuy Từ Hải chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng lại giống như ánh sáng hào quang chiếu qua quãng đời của Thúy Kiều, để rồi đọng lại trong lòng người đọc biết bao ấn tượng tốt đẹp. Hai đoạn trích “Kiều gặp Từ Hải” và “Chí khí anh hùng” là những trích đoạn tiêu biểu cho ta hiểu rõ nhất về nhân vật này.
Trong đoạn trích “Kiều gặp Từ Hải”, ta cảm nhận nhận được vẻ đẹp và tính cách phi thường, khát vọng tự do và sự đa tình lãng mạn của nhân vật Từ Hải. Hình ảnh Từ Hải hiện lên với vẻ đẹp của “một đấng anh hùng” mang cốt cách phi thường:
“Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”
Người đọc ấn tượng mạnh mẽ trước một tướng mạo uy nghi, hùng dũng và phi phàm: râu hùm, hàm én, mày ngài, vai rộng năm tấc, thân cao mười thước, bên cạnh đó vừa có võ nghệ cao cường lại vừa có trí dũng lược thao toàn tài. Những số đo tuy chỉ mang tính ước lệ nhưng quả thực cho thấy Từ Hải quả là người anh hùng xuất chúng có cuộc đời tự do, tung hoàng giang hồ, đầu đội trời chân đạp đất. Để thể hiện và làm nổi bật về cốt cách phi thường và khí phách hiên ngang của Từ Hải, tác giả Nguyễn Du đã không tiếc dùng những mĩ từ, hình ảnh hoa lệ tạo nên một bài tráng ca ca ngợi người anh hùng Từ Hải. Là con người ai chẳng có tình cảm và khó tránh khỏi những mối động lòng, người anh hùng của Nguyễn Du cũng vậy, là một chàng trai đa tình, cuộc gặp gỡ với Thúy Kiều đã làm cho Từ Hải động lòng, không chỉ động lòng về vẻ đẹp tuyệt thế giai nhân của Kiểu mà còn vì phẩm chất cao đẹp trong tâm hồn của nàng, những nét đẹp trong tâm hồn Từ Hải bộc lộ rất rõ trong cuộc đối thoại tại “lầu hồng”. Sự động lòng của chàng là thật lòng, không phải tơ tưởng thoáng qua, chàng dường như nhận thấy mình đã tìm được tri âm tri kỉ của cuộc đời, vì thế mà chỉ cần Thúy Kiều có lời gửi gắm sự che chở, Từ Hải với tấm lòng trượng nghĩa đã không ngại nhận lời luôn, có biết đâu một con người quen thói vùng vẫy giang hồ như Từ Hải đã hành xử rất đàng hoàng và có một tình yêu lãng mạn. Đối với đoạn trích “Chí khí anh hùng”, Từ Hải hiện lên là một người anh hùng với tầm vóc và chí lớn phi thường, đặt tình cảm vợ chồng sang một bên để mưu cầu công danh sự nghiệp lớn. Nguyễn Du đã tô đậm hình tượng Từ Hải là một người anh hùng có chí lớn và nghị lực phi thường, khát khao tung hoành vẫy vùng giữa trời đất.
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mông,
Thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong.”
Là một người mang tầm vóc phi thường, cuộc hôn nhân hạnh phúc hay tình yêu tri kỉ cũng như không gian chật hẹp của một gia đình sẽ không thể giữ chân Từ Hải được lâu. Chàng đã nhanh chóng trở lại con đường sự nghiệp công danh của mình, mang trong mình chí khí phi thường nên khi chia tay Kiều người anh hùng không hề bịn rịn, quyến luyến mà thực sự quyết tâm, dứt khoát.
“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”
Hẳn phải là một người anh hùng rất có bản lĩnh và tự tin thì Từ Hải mới khẳng định “Chầy chăng là một năm sau vội gì” có ý rằng, lần này chàng ra đi mưu cầu công danh sẽ không mất bao lâu, chỉ khoảng một năm chàng nhất định sẽ lập công danh lớn. Nếu không phải là người anh hùng có chí lớn và bản lĩnh phi thường thì trong lúc vợ chồng nồng ấm, khó có thể dứt áo ra đi làm việc khác. Tuy nhiên, có người chồng nào khi xa vợ mà không buồn, Từ Hải cũng buồn nhưng nếu là một anh hùng mà không có công danh sự nghiệp còn buồn hơn, có thực hiện được chí lớn mới xứng đáng với tình yêu, niềm tin và sự kính trọng của Thúy Kiều. Nguyễn Du đã kết hợp từ Hán Việt với ngôn ngữ bình dân và dùng nhiều hình ảnh ước lệ, sử dụng điển cố để tái tạo một Từ Hải theo lí tưởng người anh hùng cái thế, xuất chúng phi thường trong xã hội phong kiến xưa.
Có thể nhận định rằng, nhân vật Từ Hải trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một nhân vật hoàn toàn sáng tạo, khác hẳn so với Từ Hải trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Không còn là những chi tiết miêu tả người thường nữa mà là những từ ngữ đặc tả đầy phi thường dành cho một người anh hùng xuất chúng. Từ lời nói, hành động, suy nghĩ và lời tỏ tình đều toát lên phẩm chất của bậc trượng phu chí lớn, tầm vóc phi thường và có khát vọng tự do mãnh liệt.
Bài mẫu số 4: Cách đọc hiểu về nhân vật Tử Hải chi tiết nhất
Nếu nhắc đến những con người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thì ắt không thể thiếu Nguyễn Du – đại thi hào đã mang tên tuổi nước ta lên tầm quốc tế. Xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Du đã để lại nhiều tuyệt tác văn học được viết bằng cả chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm, với ví dụ tiêu biểu là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” không chỉ thành công trong việc khắc họa số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời nêu cao khát vọng vươn tới những điều tươi đẹp hơn của nhân dân Việt Nam qua nhân vật Thúy Kiều và cuộc hành trình đầy gian truân của nàng; mà còn thể hiện rõ thái độ khẳng định, ngợi ca đối với người anh hùng của Nguyễn Du. Chúng ta có thể thấy rõ được hình ảnh người anh hùng đẹp đẽ này qua nhân vật Từ hải, tiêu biểu là ở đoạn trích “Chí khí anh hùng”. Bên canh đoạn miêu tả về ngoại hình của Từ thì “Chí khí anh hùng” chính là những dòng thơ hay nhất mà Nguyễn Du dành cho nhân vật này.
Nguyễn Du (1765-1820) sinh ra và lớn lên trong một thời kì đầy biến động – giang sơn nhiều lần đổi chủ, chế độ phong kiến dần suy tàn, dẫn tới nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân. Điều này đã giúp Nguyễn Du hình thành những suy nghĩ về cuộc đời và thế thái nhân sinh và dần ảnh hưởng tới phong thái văn chương của ông. Bên cạnh đó, xuất thân từ gia đình với nhiều truyền thống văn hóa và truyền thống hiếu học, ông đã có điều kiện dùi mài kinh sử và mở rộng vốn hiểu biết về văn hóa lẫn văn học của bản thân. Tất cả cùng với những biến cố lớn ông phải trải qua trong cuộc đời mình đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các sáng tác văn học của ông, điều đó được đặc biệt thể hiện ở “Truyện Kiều”. Bên cạnh hình ảnh những kiếp người nhỏ bé, khổ đau mà Nguyễn Du đã hết sức nâng vực trong tác phẩm này, chúng ta còn bắt gặp cả hình ảnh người anh hùng chứa đầy ước mơ của ông. Ở đoạn trích “Chí khí anh hùng”, nhân vật người anh hùng tái thế Từ Hải đã được Nguyễn Du đã xây dựng và ngợi ca với bao phẩm chất cao đẹp
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” được đặt ở hoàn cảnh: sau khi Từ Hải cứu Kiều khỏi lầu xanh, hai người sống hạnh phúc được nửa năm thì Từ Hải đã từ biệt Thúy Kiều để ra đi lập sự nghiệp lớn. Đoạn trích bao gồm 18 câu (từ câu 2213 đến câu 2230) và có thể được phân thành ba phần – giới thiệu khái quát về Từ Hải, cuộc đối thoại giữa Từ Hải và Thúy Kiều, hình ảnh Từ Hải ra đi. Qua “Chí khí anh hùng” , tác giả đã không chỉ gửi gắm lí tưởng của mình mà cả ước mơ lãng mạn của ông lẫn những con người bị áp bức trong xã hội xưa vào hình tượng người anh hùng Từ Hải.
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã viết:
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”
Cụm từ “hương lửa đương nồng” ám chỉ cuộc sống vợ chồng Từ Hải – Thúy Kiều đang nồng ấm, tuy nhiên Từ Hải lại không thấy mãn nguyện với cuộc sống bấy giờ mà thầm khao khát một thứ gì đó lớn lao hơn ở “bốn phương” – khao khát được tung hoành nơi bốn bể, được ra đi để gây dựng sự nghiệp lớn của người trượng phu. Trong xã hội phong kiến, đã là nam nhi thì phải có chí vùng vẫy giữa trời cao đất rộng. “Trượng phụ” là cách gọi để thể hiện sự tôn trọng dành cho bậc anh hùng tái thế. Và xuyên suốt “Truyện Kiều”, Nguyễn Du chỉ dùng từ duy nhất với nhân vật Từ hải. Qua đó, ta đủ thấu hiểu tấm lòng của Nguyễn Du được đặt ở người anh hùng này là như thế nào. Từ Hải là một giấc mơ của Nguyễn Du, giấc mơ anh hùng, giấc mơ tự do và công lý. Cho nên Từ Hải là một người chí khí, một người siêu phàm. Con người ấy đến từ một giấc mơ và ở lại như một huyền thoại. Hiện diện trong “Truyện Kiều” như một nhân cách sử thi, Từ Hải đã làm nên những trang sôi động nhất, hào sảng nhất trong cái thế giới buồn đau dằng dặc của “Đoạn Trường Tân Thanh”.
Sự quyết tâm ra đi vì nghĩa lớn của Từ Hải được thể hiện ở những từ ngữ đầu tiên như “thoắt”. Đó là cách xử sự bất thường, dứt khoát của Từ Hải. Nếu là người không có chí khí, không có bản lĩnh thì trong lúc hạnh phúc vợ chồng đang nồng nàn người ta dễ quên những việc khác. Nhưng Từ Hải thì khác, ngay khi đang hạnh phúc, chàng “thoắt” nhờ đến mục đích, chí hướng của đời mình. Tất nhiên chí khí đó phù hợp với bản chất của Từ Hải, hơn nữa, Từ Hải nghĩ thực hiện được chí lớn thì mới xứng đáng với niềm tin yêu và trân trọng mà Thúy Kiều dành cho mình. Cụm từ “động lòng bốn phương” theo Tản Đà là “động bụng nghĩ đến bốn phương” cho Từ Hải “không phải người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Chính vì thế, chàng hướng về “trời bể mênh mang”, với “thanh gươm yên ngựa” lên đường đi thẳng:
“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”.
Không gian trời bể mênh mang, con đường thẳng đã thể hiện rõ chí khí anh hùng của Từ Hải. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng cụm từ “lên đường thẳng rong” nhằm gợi lên dáng vẻ hiên ngang, sẵn sàng lên đường của Từ Hải. Bằng việc sử dụng cảm hứng vũ trụ, các cụm từ mang tính gợi hình, gợi cảm cao, Nguyễn Du đã khắc họa thành công người anh hùng Từ Hải – con người mang trong mình những hoài bão lớn lao, từ đó thể hiên rõ tính cách của nhân vật này.
Mười hai câu thơ tiếp theo là cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải:
“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng”
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.”
Khi biết về ý định ra đi lập nghiệp của Từ Hải, Kiều đã không ngần ngại mà bày tỏ mong muốn được đi theo chồng mình, bởi nàng vẫn theo lẽ “phận gái chữ tòng” – bổn phận người vợ phải theo chồng. Dù là một con người với những tư tưởng tiến bộ, Kiều vẫn viện vào lễ giáo phong kiến để thuyết phục Từ Hải cho nàng được làm tròn chữ “tòng” – “xuất giá tòng phu”, thuyết phục Từ Hải đưa mình theo cùng để cùng chồng gánh vác công việc. Tại đây, ta đã biết thêm một đức tính cao đẹp khác của Kiều – tình yêu chồng và sự khâm phục, kính trọng của mình với Từ Hải – biểu tượng đẹp cho người quân tử với biết bao hoài bão lớn lao. Trước mong muốn của nàng, Từ Hải đáp:
“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Từ Hải nhẹ nhàng trách móc Kiều, cho rằng nếu cả hai đã hiểu rõ nhau, đã biết rõ tâm tư tình cảm dành cho nhau, vậy cớ sao nàng vẫn chưa thể thoát khỏi sự ủy mị của một người phụ nữ tầm thường, sao nàng vẫn còn tin vào những lễ giáo phong kiến lạc hậu, cũ kĩ mà không hiểu mình hơn. Lời nói của chàng không chỉ là những lời trách móc nhẹ nhàng mà còn là lời động viên, an ủi Thúy Kiều, nhắc nhở nàng nên thấy tự hào về bản thân khi được đánh giá cao hơn những người phụ nữ khác. Tiếp đó, Từ Hải nêu lên một loạt lí do để khuyên Kiều không theo mình:
“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Từ Hải khẳng định chỉ khi nào ước mơ của mình được toại nguyện – có một cơ đồ vững chắc để tỏ rõ mặt phi thường thì chàng mới rước Kiều nghi gia theo cách đường hoàng nhất, long trọng nhất. Điều này không chỉ nêu cao chí khí anh hùng mà cả sự chu đáo, quan tâm sâu sắc của Từ Hải dành cho Kiều. Chàng không muốn vợ mình phải chịu khổ với mình trong những tháng ngày “màn trời chiếu đất”, “bốn bể không nhà” nên càng không muốn đưa Kiều theo cùng. Tóm lại, Từ Hải đã khéo léo sử dụng nhiều lí lẽ nhằm tạo cho Kiều niềm tin, hi vọng để nàng tin tưởng, an tâm chờ đợi ngày mình trở về (“chờ đó ít lâu”), từ đó thống nhất khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người mình yêu thương.
Kết thúc đoạn trích là những câu thơ gợi tả về hình ảnh Từ Hải ra đi lập nghiệp:
“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”
Dứt lời chia tay nàng Kiều, Từ Hải đã một mạch lên đường, dứt khoát, không chút do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc hay cản bước tiến của người anh hùng. Bởi bây giờ chính là thời điểm chim bằng bay lên cùng gió mây – thời điểm người anh hùng của chúng ta tỏa sáng khí chất giữa muôn trùng sông núi. Một lần nữa, Nguyễn Du đã sử dụng một loạt điển tích, điển cố nhằm khẳng định quyết tâm và tự tin vào thành công của Từ Hải, đồng thời thể hiện lí tưởng của một người anh hùng khao khát gây dựng nên một sự nghiệp với tầm vóc lớn lao và mang nhiều ý nghĩa.
Xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, chúng ta không chỉ thấy hình tượng người anh hùng với quyết tâm đấu tranh chống cái ác, cái gian tà để bảo vệ công lí, đem lại hạnh phúc cho nhân dân ở mình Từ Hải mà còn ở nhiều nhân vật khác, tiêu biểu là Ngô Tử Văn trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”. Cả hai đều đại diện cho chính nghĩa, cho cái thiện và luôn hết mình chống lại cái xấu, cái ác, thậm chí đặt cả tính mạng bản thân vào nguy hiểm. Họ không để những cám dỗ tầm thường hay tình cảm cá nhân làm lòng họ lung lay trên con đường đầy gian truân này. Qua những hình tượng này, ta hiểu thêm rằng đây không chỉ là sự tạo dựng nhân vật đơn thuần cho mạch truyện, mà còn là sự kết tinh của những ước muốn, khát khao của tác giả lẫn người dân nước Việt – khát khao về ngày họ được sống trong sự tự do, trong hạnh phúc và hòa bình.
Tóm lại, bằng việc kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật, các hình ảnh ước lệ với cảm hứng vũ trụ và tài năng miêu tả tính cách nhân vật của mình, Nguyễn Du đã thể hiện rõ thái độ khẳng định, ngợi ca đối với người anh hùng Từ Hải. Từ Hải không phải là người anh hùng hiện thực mà là hình tượng người anh hùng lãng mạn mang dấu ấn quan niệm của tác giả. Nói cách khác, Nguyễn Du đã gửi gắm những lí tưởng anh hùng của mình vào nhân vật Từ Hải để thầm bộc lộ ước mơ của ông, cũng là của những con người bị áp bức trong xã hội phong kiến xưa. Bên cạnh đó, nhà thơ cũng muốn để lại nhiều bài học đáng quý cho người đời sau thông qua hình tượng nhân vật này – luôn luôn đấu tranh bảo vệ công lí, bảo vệ lẽ phải vì tương lai của bản thân mỗi người, của gia đình và toàn xã hội.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên mong quý độc giả có thể tham khảo và biết được cách đọc hiểu về nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 12/2024!