Với tác phẩm Mtao Mxây đã để lại trong lòng người đọc vô vàn cảm xúc. Để hiểu hơn về tác phẩm này chúng tôi đã tổng hợp lại những ý ngắn gọn tuy nhiên vẫn đầy đủ nội dung chính của tác phẩm. Rất mong quý độc giả tham khảo.
Thể loại Sử thi là một thể loại tự sự, thường được thể hiện bằng thơ, xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học “nhằm ngợi ca sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử. Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!
I – Tìm hiểu chung
1. Thể loại
Sử thi là một thể loại tự sự, thường được thể hiện bằng thơ, xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học “nhằm ngợi ca sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử.
Về kết cấu, sử thi là một câu chuyện được kể lại có đầu có đuôi với quy mô lớn… Các nhân vật chính của sử thi là những anh hùng, tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí và trí thông minh, lòng dũng cảm của cộng đồng được miêu tả khá tỉ mỉ, đầy đủ từ cách ăn mặc, trang bị, đi đứng đến những trận giao chiến với kẻ thù, những chiến công lừng lẫy và đôi khi cả những nét trong sinh hoạt đời thường của họ nữa, điều đáng chú ý là tất cả những cái này đều được miêu tả trong vẻ đẹp kì diệu khác thường. Sở dĩ như vậy là vì sử thi ra đời vào thời điểm nối tiếp sau thần thoại, tức là từ thế giới của các vị thần bắt đầu chuyển sang thế giới của con người, do đó cái nhìn đậm màu sắc thần kì nói trên đối với các nhân vật trong sử thi là không tránh khỏi…
Trong sử thi, chủ yếu mô tả hành động của nhân vật hơn là những rung động tâm hồn. Nhưng trong những câu chuyện kể, cốt truyện thường được bổ sung thêm những mô tả có tính chất tĩnh tại và những cuộc đối thoại trang trọng có tính nghi thức” (Theo Lê Bá Hán – Trần Đình Sử,…, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 2004).
2. Tác phẩm
Ở Việt Nam có hai loại sử thi dân gian là sử thi thần thoại và sử thi anh hùng. Sử thi anh hùng miêu tả sự nghiệp và chiến công của người anh hùng trong khung cảnh những sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng. Đăm Săn là sử thi anh hùng của người Ê-đê.
Chiến tranh là một trong những đề tài trung tâm của sử thi anh hùng. Đặc điểm này được thể hiện nổi bật trong trích đoạn Chiến thắng Mtao Mxây. Chiến công và sự nghiệp anh hùng của nhân vật trung tâm trong sử thi là niềm tự hào, là lí tưởng xã hội của toàn thể cộng đồng. Hình tượng người anh hùng sử thi có ý nghĩa biểu trưng cao.
Sử thi Đăm Săn là một trong những thiên sử thi nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi ở Tây Nguyên. Tác phẩm có bốn phần:
Phần 1: Theo tục “nối dây” (chuê nuê)(1), Đăm Săn lấy hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị (chương 1, 2).
Phần 2: Các tù trưởng Quạ (Mtao Gơrư) và Sắt (Mtao Mxây) độc ác cướp vợ Đăm Săn và tranh giành quyền lực, mưu làm cho bộ tộc Đăm Săn suy sụp. Đăm Săn đã đánh bại hai tù trưởng để bảo vệ hạnh phúc gia đình và cuộc sống ấm no của bộ tộc (chương 3, 4, 5).
Phần 3: Đăm Săn có khát vọng trở thành một tù trưởng hùng mạnh, vươn tới một cuộc sống phóng khoáng, chàng chặt cây smuk, cây sinh mệnh của dòng họ vợ, chinh phục thiên nhiên, đi bắt Nữ thần Mặt Trời nhưng thất bại (chương 6, 7).
Phần 4: Đăm Săn chết, Đăm Săn – cháu ra đời lại theo con đường của cậu mình, dấn thân vào cuộc chiến đấu mới (chương 8).
3. Tóm tắt đoạn trích
Đăm Săn đột nhập vào nhà Mtao Mxây và gọi hắn ra thách đấu. Mtao Mxây do dự, được Đăm Săn nhường quyền đánh trước nhưng đường khiên của hắn không đâm trúng Đăm Săn. Đến lượt Đăm Săn rung khiên múa vun vút. Chàng đã đâm trúng đùi và người Mtao Mxây nhưng đều không thủng. Đăm Săn thấm mệt, vừa chạy vừa ngủ và mộng thấy ông Trời, được ông Trời bày cho cách dùng cái chày mòn ném vào vành tai Mtao Mxây. Mtao Mxây ngã lăn ra đất và bị Đăm Săn cắt đầu bêu ngoài đường. Chàng kêu gọi tôi tớ, dân làng của Mtao Mxây đi theo mình. Về làng, Đăm Săn mở tiệc ăn mừng linh đình, kéo dài suốt cả mùa khô. Đăm Săn ngày càng hùng mạnh, giàu có, “danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi”.
4. Cách đọc và kể
Thể hiện giọng đọc và kể theo các vai: Đăm Săn, Mtao Mxây, dân làng, tôi tớ và người kể chuyện.
– Giọng Đăm Săn: quyết liệt, hùng tráng.
– Giọng Mtao Mxây: khôn khéo, mềm mỏng.
– Giọng dân làng: tha thiết.
– Đặc biệt, giọng người kể chuyện trong thiên sử thi này rất linh hoạt : khi thủ thỉ, khoan thai : “Nhà Mtao Mxây đầu sàn hiên đẽo hình mặt trăng, đầu cầu thang đẽo hình chim ngói. Ngôi nhà của lão tù trưởng nhà giàu này trông quả thật là đẹp. Cầu thang rộng một lá chiếu, người nối đuôi nhau lên xuống mà khiêng một ché đuê vẫn không sợ chật” ; cũng có khi dồn dập đặc tả một không khí giao tranh dữ dội : “Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây. Còn Mtao Mxây thì bước cao bước thấp chạy hết bãi tây sang bãi đông. Hắn vung dao chém phập một cái, nhưng chỉ vừa trúng một cái chão cột trâu” ; khi lại hướng về đối thoại với người nghe và xen lẫn bình luận : “Thế là Mtao Mxây phải đi ra. Bà con xem, khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần”, “Thế là, bà con xem, nhà Đăm Săn đông nghịt khách, tôi tớ chật ních cả nhà ngoài”, “Bà con xem, chàng Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán”…
II – Kiến thức cơ bản
1. Các phương thức nghệ thuật trong tác phẩm sử thi anh hùng đều tập trung tạo nên âm hưởng hùng tráng rất đặc trưng của thể loại sử thi. Dựa vào những sinh hoạt được kể trong sử thi Đăm Săn, có thể đoán bản trường ca xuất hiện từ rất lâu đời. Từ thuở các tù trưởng có đến hàng nghìn nô lệ, hàng nghìn trâu bò, vải sợi phơi đầy sào, thịt trâu, thịt bò treo đầy khắp các nhà rông. ấy là thời mà chế độ nô lệ đang rất thịnh hành ở các vùng rừng núi Tây Nguyên (ước đoán vào khoảng giữa thế kỉ XVII). Sử thi Đăm Săn mang đầy đủ những đặc điểm của một sử thi anh hùng. Thể hiện bức tranh về con người và thiên nhiên hùng vĩ nhưng người kể chuyện không chú trọng nhấn vào miêu tả. Tác phẩm tập trung phản ánh những biến cố “khá dữ dội” trong cuộc sống của đồng bào Ê-đê ; phản ánh những khát vọng lớn lao của họ trong buổi đầu lịch sử. Tư tưởng, tình cảm của nhân dân được gửi gắm trong hình tượng nhân vật Đăm Săn, người anh hùng có sức mạnh phi thường, có phẩm chất cao quý và có những chiến công lừng lẫy.
Có thể chia đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây thành 4 phần :
– Phần một (từ đầu cho đến Ngươi cứ múa đi, ơ diêng!) : Đăm Săn thách đấu Mtao Mxây.
– Phần hai (Từ Mtao Mxây rung khiên múa vậy cho đến …cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường): Cuộc giao đấu giữa Đăm Săn và Mtao Mxây (gồm hai hiệp, ranh giới giữa hai hiệp đấu là đoạn Đến lúc này, Mtao Mxây bảo Hơ Nhị…).
– Phần ba (từ Đăm Săn (nói với tôi tớ Mtao Mxây) cho đến Chúng ta ra về nào !) : Đăm Săn kêu gọi dân làng và tôi tớ của Mtao Mxây đi theo mình.
– Phần bốn (còn lại): Đăm Săn cùng dân làng làm lễ cúng thần linh và ăn mừng chiến thắng.
2. Các nhân vật tham gia vào các sự kiện và thực hiện các hành động trong câu chuyện là Đăm Săn, Mtao Mxây, Hơ Nhị – vợ của Đăm Săn, ông Trời, dân làng, tôi tớ của Đăm Săn và của Mtao Mxây. Mỗi nhân vật đều có vai trò nhất định đối với quá trình diễn biến của các sự kiện. Chẳng hạn : Đăm Săn là nhân vật trung tâm, chi phối toàn bộ diễn biến của cốt truyện; Mtao Mxây – nguyên nhân của cuộc xung đột (cướp vợ Đăm Săn), là đối thủ của nhân vật trung tâm ; Hơ Nhị và ông Trời: giúp sức, trợ lực cho Đăm Săn, thúc đẩy cốt truyện diễn biến đến chiến thắng của Đăm Săn. Bên cạnh đó có nhân vật quần chúng làm hậu thuẫn cho nhân vật trung tâm, thể hiện thái độ và sức mạnh lí tưởng của quần chúng – cộng đồng hiện thân ở người anh hùng sử thi.
3. Cuộc chiến đấu của Đăm Săn tuy có mục đích riêng là giành lại vợ, nhưng lại có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với lợi ích của toàn thể cộng đồng. Điều này được thể hiện qua lời nói và hành động của các nhân vật. Về lời nói : Đăm Săn kêu gọi tôi tớ của Mtao Mxây đi theo mình sau khi đã đánh thắng tù trưởng của họ, nói với dân làng và tôi tớ làm lễ cúng thần linh, ăn mừng chiến thắng. Về hành động, chi tiết miêu tả các nhân vật : Tôi tớ và dân làng của Mtao Mxây tự nguyện đi theo Đăm Săn; cảnh dân làng ăn mừng chiến thắng,…
4. Đoạn trích thể hiện khá rỡ nét những đặc sắc của nghệ thuật sử thi. Trước hết, đó là nghệ thuật tổ chức ngôn ngữ: Ngôn ngữ người kể chuyện biến hoá linh hoạt – khi chậm rãi khoan thai, khi ào ạt mạnh mẽ,… trong các đoạn miêu tả nhà Mtao Mxây, tả chân dung Mtao Mxây, tả cuộc giao tranh giữa Đăm Săn và Mtao Mxây – nhất là những đoạn miêu tả cảnh ăn mừng sau chiến thắng của Đăm Săn. Ngôn ngữ đối thoại trong đoạn trích được khai thác triệt để từ nhiều góc độ, đã góp phần khắc hoạ rõ nét hình tượng nhân vật (trong các lời đối thoại giữa Đăm Săn với Mtao Mxây, lời của Đăm Săn nói với tôi tớ và dân làng của Mtao Mxây, đối thoại giữa Đăm Săn với dân làng của mình sau chiến thắng). Đặc biệt, trong ngôn ngữ của nhân vật có nhiều chỗ sử dụng các câu mệnh lệnh mang âm hưởng hiệu triệu, vang vọng (ơ các con, ơ các con, hãy đi lấy rượu bắt trâu !; Hãy đánh lên các tiếng chiêng… ; Hãy đánh lên tất cả…) thấm đẫm chất sử thi anh hùng. Mặt khác, trong ngôn ngữ của người kể chuyện, tác giả thường xen lẫn những lời trực tiếp hướng đến người nghe (Bà con xem… ; Thế là, bà con xem…). Dạng lời này có tác dụng lôi cuốn người nghe nhập cuộc đồng thời góp phần bộc lộ trực tiếp thái độ, sự phấn khích mang sắc thái diễn xướng của sử thi anh hùng, nó tạo ra sự giao tiếp sử thi, khơi gợi mối đồng cảm cộng đồng, giao hoà sử thi.
Việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh và phóng đại đã tạo cho đoạn trích những hiệu quả diễn đạt ấn tượng. Chẳng hạn, miêu tả Mtao Mxây: “khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần… giữa một đám đông mịt mù như trong sương sớm” ; “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”. Hoặc miêu tả Đăm Săn: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây” ; “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc” ; “Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung” ; “đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre” ; “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc”… Bên cạnh đó, các phép so sánh, phóng đại trong ngôn ngữ nhân vật cũng được huy động tối đa : với Mtao Mxây “Ta như gà làng mới mọc cựa kliê, như gà rừng mới mọc cựa êchăm”,… với Đăm Săn : “Cầu cho ta được bình yên vô sự, nạn khỏi tai qua, lớn lên như sông nước, cao lên như cây rừng, không còn ai bì kịp ; Hãy đánh lên tất cả cho ở dưới vỡ toác các cây đòn ngạch… để nghe tiếng chiêng ăn đông uống vui như mừng mùa khô năm mới của ta vậy”…
Biện pháp so sánh, phóng đại tạo ra sức hấp dẫn cho sử thi, đó là cách diễn đạt, mô tả bằng hình ảnh sinh động, tạo ấn tượng về sức mạnh, vẻ đẹp thần thánh, siêu phàm đúng với tính chất hùng tráng, mang tầm vũ trụ của nhân vật và hành động của sử thi anh hùng.
5. Chiến thắng Mtao Mxây, trích đoạn trong Đăm Săn – sử thi anh hùng của người Ê-đê, kể về chiến thắng của Đăm Săn trong cuộc chiến đấu với Mtao Mxây. Cuộc chiến đấu của Đăm Săn tuy có mục đích riêng là giành lại vợ từ tay tù trưởng khác nhưng lại mang ý nghĩa và tầm quan trọng đối với lợi ích của cả cộng đồng. Chiến công của anh hùng Đăm Săn là niềm tự hào, thể hiện lí tưởng, khát vọng của toàn thể cộng đồng. Từ nghệ thuật xây dựng tình tiết, sự kiện, ngôn ngữ cho đến các biện pháp tu từ so sánh và phóng đại trong đoạn trích đều nhằm tô đậm vẻ đẹp, sức mạnh mang tầm vóc sử thi hoành tráng của hình tượng nhân vật người anh hùng Đăm Săn trong chiến công lẫy lừng. Vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng Đăm Săn là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí của cộng đồng người Ê-đê xa xưa.
III – Liên hệ
Đọc đoạn trích Đi bắt Nữ thần Mặt Trời để hiểu thêm sức mạnh, tài năng và vẻ đẹp phi thường của nhân vật Đăm Săn:
… Đăm Săn nghỉ một ngày, nghỉ một đêm và một chiều. Một buổi sáng anh nói : “Ơ Hơ Nhị ! Ơ Hơ Bhị, đừng mong đợi tôi nhé”.
Hơ Nhị: Thế anh đi đâu nữa ?
Đăm Săn: Tôi đi vào rừng xa. Tôi đi vào rừng không cùng tận. Tôi nghỉ ban đêm. Tôi đi ban ngày.
Hơ Nhị: Sao lại muốn đi nữa ? Nếu anh muốn chiêng núm thì đã có ở nhà. Nếu anh muốn chiêng bằng thì ở nhà chưa đủ hay sao ?
Đăm Săn: Sao tôi lại đi kiếm chiêng núm ? Sao tôi lại đi kiếm chiêng bằng ? Tôi đi chơi thôi, tôi đi chơi không có việc gì.
Hơ Nhị: ớ anh ! Bao nhiêu chiêng núm đều là của anh, bao nhiêu voi đều là của anh. Anh là một tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn kép, vai mang túi da. Trăm chiêng núm anh đã có. Trăm chiêng bằng anh đã có. Trăm con voi anh đã có. Rừng đầy tràn nồi đồng của anh. Đồng nước đầy tràn nồi đồng của anh. Lợn dê anh đầy sân. Tiếng tăm anh vang đến tận thần núi ; từ phía tây đến phía đông, ai cũng phải khen anh là người gan dạ, anh dũng, đến nỗi bị thương hay ngất đi cũng không lùi trước kẻ địch.
Đăm Săn: Tôi muốn đi bắt Nữ thần Mặt Trời. Như vậy mới thành tù trưởng hết sức giàu mạnh, có nhiều chiêng núm, chiêng bằng, trên đời không ai bì kịp. Người vùng núi phía tây cũng không hơn. Người vùng núi phía đông cũng không dám sánh. Lúc đó tôi đến đâu tre a lê phải cúi xuống. Tôi đến đâu tre mơ ô(1)phải khô. Tôi đến đâu núi sẽ vỡ, suối tan. Tại sao tôi muốn đi ? Tôi nghe nói trong tất cả thần linh ở núi, từ tây sang đông, thì Nữ thần Mặt Trời là người đẹp nhất, bắp chân nàng tròn, váy nàng đẹp tuyệt vời. Đừng có mong đợi tôi. Tôi nghỉ mười ngày, tôi ngủ năm đêm, tôi tìm kiếm suốt một năm.
Rồi Đăm Săn cưỡi ngựa ra đi. Chàng khoác áo màu đen màu trắng(2). Tay cầm lao. Gươm giắt thắt lưng. Chàng đến nhà Tang Mang.
Tang Mang: Thưa anh đi đâu ? có việc gì ?
Đăm Săn: Tôi đói đến kiếm cơm. Tôi khát đến kiếm rượu uống. Tôi đi tìm dây pam pil(3). Tôi thèm thịt bò, thịt trâu, đến kiếm ăn.
Tang Mang: Đây cơm, đây gà rán, đây rượu cần và bây giờ anh hãy nói chuyện anh cho tôi nghe. Anh đi đâu mà vội vàng như vậy ?
Đăm Săn: Tôi vội, là vì tôi muốn bắt Nữ thần Mặt Trời. Anh ở gần rừng, anh có biết con đường đi tới chỗ nàng nuôi trâu nuôi bò không ?
Tang Mang: Anh ạ ! tôi chỉ như một đứa trẻ không biết rõ rừng. Tôi chỉ như người đàn bà không biết đường voi đi ở đâu, không biết đường tê giác ở đâu. Tôi không biết trâu bò nàng ở đâu cả.
Đăm Săn: Tôi hỏi xem anh biết không. Vì anh ở gần rừng, vì anh ở giữa đông và tây. Đi, anh giúp tôi, dẫn tôi đến chỗ trâu bò của nàng đi qua. Hãy giúp tôi tới đó.
Rồi hai người đi. Họ ngủ mười đêm trong rừng, ngủ năm ngày, đi luôn một năm. Một người cưỡi ngựa đực, một người cưỡi ngựa cái. Tiếng ngựa chạy nghe như tiếng sông than, như tiếng biển thở. Tiếng vó ngựa trùm lên tất cả rừng núi. Họ đến làng Đam Pắc Quây. Trẻ con trên sàn đứng xem. Phụ nữ đứng ngắm. Ai cũng biết danh tiếng Đăm Săn, biết anh là một tù trưởng giàu mạnh đầu đội khăn kép, vai mang túi da. Họ đến đầu làng. Họ đến tận nhà. Người đến buộc ngựa, kẻ đến xem và ngắm nghía. Chỉ hai bước họ đã đến lên nhà, giậm chân lên sàn, làm sàn lắc bảy lần qua phía đông. Đăm Săn móc dao vào phên rồi lại ngồi giữa nhà, trông dẻo như con rắn trong hang, con hùm bên bờ suối. Tiếng nói tiếng cười của chàng nghe như sấm vang sét đánh. Chẳng ở đâu có người cười nói như Đăm Săn.
Đam Pắc Quây : Hỡi các con ! Mau đưa ông một cái gối ! Mau mang chiếu tới, mau mang tới một cái chăn. Dưới trải chiếu trắng, trên trải chiếu đỏ ! Mau mang thuốc lá, thuốc thái nhỏ đựng trong một bát đồng, thuốc nguyên lá đựng trong cả thúng. Sao cho khách Đăm Săn hút mãi mãi không hết. Nấu một con gà ấp và một con gà đẻ, giã trắng gạo, nấu cơm và đưa mời khách ăn. Đi lấy rượu về, lấy rượu đựng trong chum ché tuk(1), chiếc chum miệng rộng như miệng người Mnông, chiếc chum chạm ở trên, cẩn ở dưới, chiếc chum quai có vẽ và đóng giá ba voi. Ai đi lấy nước thì đi lấy đi. Ai đánh chiêng đánh đi. Ai cắm ống cần(2) thì cắm đi. Cắm cần rồi mời Đăm Săn uống trước.
Đam Pắc Quây: Hỡi anh ! Bây giờ ta đã uống rượu, đã ăn gà, đã ăn cơm, tôi xin hỏi : có chuyện gì mà anh tới đây ? có ai đánh cướp nhà, có ai xâm chiếm làng, có ai bắt thanh niên hoặc phụ nữ không ?
Đăm Săn: Không phải vậy đâu. Không phải tôi đến vì chuyện nọ chuyện kia đâu. Tôi đến nghe tự miệng anh, nhờ anh cho biết chúng tôi đi bắt Nữ thần Mặt Trời được không ?
Đam Pắc Quây: ấy chết ! Đường này đầy cọp. Đường đi đầy rắn độc. Anh không thể đi đến Nữ thần Mặt Trời được đâu. Người ta đã cắm chông trên đường đi hái cà. Người ta đã cắm bẫy trên đường đi hái ớt. Tù trưởng vào chết tù trưởng. Người giàu sang vào cũng chết người giàu sang. Người gan dạ vào chết người gan dạ.
Đăm Săn: Chẳng lẽ không ai vào được sao ? Đối với người gan dạ, anh dũng đến mức không bao giờ lùi bước, dẫu sắp chết hay ngất đi cũng không lùi, thì có vào được không ? Trời bảo vệ thân thể tôi, anh không cho tôi đi, cũng mặc, tôi cứ đi. Tôi đã mang theo bùa ngải trước đây đã giúp cho tổ tiên mà thắng, mà nay cũng sẽ giúp tôi thắng. Bùa ngải này giúp cho tôi giết chết tê giác dưới hầm sâu, giết chết hùm cọp giữa rừng rậm. Nói gì thứ bò cạp giữa đường, rết trên ngọn cây. Nói gì hùm và cọp có thể gặp.
Đam Pắc Quây: ấy chết ! Dưới nước thì đỉa, trên cây thì sên, nó cắn chết. Xương người đầy bìa rừng, xương trâu xương bò đầy núi. Chỗ ấy đã chết biết bao tù trưởng khỏe mạnh và cương quyết. Đất trong rừng là đất đen([1]) nhão như nước. Nhiều tù trưởng đã chết lún trong đất lỏng ấy. Tôi giữ anh lại thôi. Nhất định tôi không thể để anh đi. Tôi làm lễ cho anh một con lợn, một con trâu nhưng nhất định không để anh vào rừng của Trời, rừng đầy chông gai, nhiều đến nỗi con sóc có nhảy vào thì thân đã bị đâm thủng trước lúc chân sờ tới đất.
Đăm Săn: Mặc kệ ! để tôi kiếm một lối đi. Tôi sẽ tới chỗ tôi muốn ! Gặp hùm tôi sẽ giết hùm.
Đam Pắc Quây: Lúc đáng ở thì anh không ở. Lúc đáng đi thì anh không đi. Đốt một cái đuốc rồi đi vào lúc còn tối.
Đăm Săn: Khắp nơi, từ người Ê-đê vùng sông lớn, đến người Mnông vùng hạ lưu, từ tây sang đông, đứa nào cả gan dám nói Đăm Săn này không phải là một tù trưởng đầu đội khăn kép, vai mang túi da ? Ta đây không sợ.
Đam Pắc Quây: Anh chưa đi à ? ấy chết ! Tại sao chưa thắp đuốc mà đi lúc còn đêm tối. Làm sao thấy được để khỏi rơi vào rừng voi ! Khỏi rơi vào đất lỏng rừng bà Sun Y Rít.
Đăm Săn: Bây giờ quá nửa đêm rồi. Gà đã gáy tứ phía. Trời sắp sáng. Thần ánh Sáng sắp lên.
Đam Pắc Quây: ơ anh ! Anh chỉ đi theo ngựa cho đến lúc nào trời còn tối và đất còn rắn. Vì đến lúc mặt trời lên đất sẽ nhão lại, trở nên mềm lún. Người ta vẫn nói rừng Sun Y Rít như vậy đó.
Rồi Đăm Săn lên đường, đi qua rừng âm u, trèo qua núi rậm. Cỏ tranh cắt nát tay anh. Mây cắt nát chân anh. Anh không có một thứ gì ăn uống. Anh cứ đi mãi đi mãi, càng đi càng thấy rừng vắng như không có ai ở. Anh đi đến chuồng nuôi trâu, bên trên có thả diều của Trời. Chỗ đó không có ai cả, đàn ông cũng không, đàn bà cũng không. Đi mãi gặp một cái hàng rào dưới làm bằng dây đồng, trên làm bằng dây sắt. Anh thoáng thấy làng của người gìn giữ mặt trời, mặt trăng. Tới một chỗ cao, anh chặt một sườn núi, ném xuống bùn làm con đường để vượt qua ranh giới giữa trời và đất. Anh đến một nhà đơn độc, nhà vợ chồng Hơ Kung và Y Du ở với thần Mặt Trời và Mặt Trăng(1). Người ta nghe thấy tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi y như ngựa thở, ở đây sáng luôn luôn không có đêm tối. Anh thấy cái nhà Nữ thần Mặt Trời ở. Thang lên nhà là một cầu vồng. Cối giã gạo bằng vàng. Chày cũng bằng vàng, lúc dùng thì ánh sáng lóng lánh ngợp mắt. Anh xuống ngựa, mở yên, trèo lên thang nhà, tin cho trong nhà biết, rồi đứng ở sân biên nhìn qua nhà của thần Mặt Trời. Anh ngắm nghía nhà to, ngắm voi quanh sân nhà, trong nhà đầy chiêng núm và chiêng bằng. Tôi tớ trai và gái đông như mây. Sườn nhà thếp vàng. Tất cả nhà các tù trưởng giàu mạnh chưa có nhà nào như vậy. Anh đi qua cửa, móc dao vào phên, ngồi giữa nhà. Người nhà đi lại từ nhà sau ra nhà trước nhìn Đăm Săn như nhìn một thần linh mà danh tiếng đã vượt qua núi rừng tới thần ánh Sáng.
Nữ thần Mặt Trời : ơ các con, xem người nào lạ vào ngoài nhà.
Tôi tớ : Thưa bà, chúng tôi không biết. Người ấy mặc một cái áo da. Lông chân mượt như chuôi dao. Giọng nói như tiếng ve sầu. So với tất cả các tù trưởng không có ai giống như thế.
Nữ thần Mặt Trời thay một cái váy mới. Thấy váy đó chưa đẹp, lại thay váy khác đẹp hơn. Váy nàng nhấp nhánh như chớp sáng. Tóc nàng chải bóng che xuống hai vai. Nàng đi ra khỏi buồng, và tới đâu thì chỗ ấy sáng lên. Dáng đi như chim diều bay, như chim phượng hoàng liệng, như nước chảy êm đềm. Lúc dừng lại ngồi hay đứng, cũng đẹp không ai so tày. Tiếng nàng nghe rõ mặc dầu người chưa thấy. Cổ nàng đẹp như cổ con công. Nàng là con của Trời và Đất.
Nữ thần Mặt Trời : Anh muốn gì hỡi người dưới trần thế ?
Đăm Săn : Tôi đến đây vì muốn có người nấu cơm cho tôi ăn, dệt vải cho tôi mặc.
Nữ thần Mặt Trời : Tại sao anh lại để dao ở không, để vợ anh một mình, để tôi tớ anh ở nể.
Đăm Săn : Dao tôi cầm ở tay, rìu tôi đã có cán, và ở trên đất đàn ông, đàn bà đã vừa đôi(1).
Nữ thần Mặt Trời : Sau lưng thì anh yêu một người mà trước mặt thì lại cười nói với người khác.
Đăm Săn : Tôi muốn có hai vợ lẽ, tôi muốn có một vợ thật đẹp và tôi hứa với nàng tôi sẽ mang nàng xuống trần để lập một gia đình chung với Hơ Nhị, Hơ Bhị.
Nữ thần Mặt Trời : Thôi ! Sao lại đi chỗ khác ! Tôi muốn ở lại quê hương của ông bà tôi, ở lại làng của tổ tiên đã sinh ra các thần Mặt Trời, Mặt Trăng. Tôi muốn ở lại xứ tôi là chỗ giáp giới giữa trời và đất.
Đăm Săn : Sao lại không đi. Tôi đã chịu khó lấp vũng đất lỏng ngập tới đầu gối, ngập tới nách, để đi đến đây.
Nữ thần Mặt Trời : Nhưng nếu tôi đi, ở trên đất lợn gà sẽ chết hết. Tê giác, trâu, bò, lừa, ngựa sẽ chết hết. Người Xiêm, người Miên cũng sẽ chết hết. Sẽ không có đất để làm nương rẫy. Cả người Ê-đê sẽ không còn nước uống, cây cối sẽ không còn ra trái. Nếu tôi đi, cây cối trong rừng rậm sẽ chết, cây cối trong rừng thưa sẽ khô héo. Lau sậy, cỏ tranh sẽ không còn cây non, không mọc lại nữa. Trên đất sẽ nắng hạn lớn, nước suối sẽ khô. Thôi người đi đi, vì chốc lát ta sẽ mọc lên đây.
Đăm Săn : Không ! Tôi không đi đâu. Với dao và nỏ tôi đã đi qua rừng, tôi đã giết tê giác dưới vực thẳm, tôi đã giết hùm trong núi cao, đã giết quạ diều trong cây trồng, giết ma quỷ trên các đường đi. Tôi đã hết lòng hết dạ để đến với nàng, vì tôi muốn ở với nàng, chỉ lúc nào nàng chịu ở với tôi thì tôi mới chịu về.
Nữ thần Mặt Trời : Thôi người đi đi ! Đi ra khỏi nhà ! Vì ta là con của Trời. Người chỉ biết ăn cơm, rửa ráy với nước lã, ta không thể nhận cùng ở chung chạ được đâu.
Đăm Săn : Tôi nghĩ tôi thương nàng, nhưng đằng sau lưng thì nàng không thương tôi, đằng trước mặt thì cười nói mà không nhận lời(1). Thôi tôi trở về làng cũ vậy.
Nữ thần Mặt Trời : Hãy khoan đừng đi bây giờ, vì ta sắp lên và như vậy, người sẽ chết ngay.
Đăm Săn : Tôi không cần chết hay sống. Tôi muốn đi ngay.
Nói rồi anh lên ngựa đi về. Lúc đó mặt trời ló lên trên đỉnh núi. Ngựa Đăm Săn chạy hết tốc độ đến khoảng giữa rừng. Mặt trời toả ánh sáng ra tứ phía. Đất trở nên nhão. Ngựa ngập đến chân. Mặt trời lên mãi đến nửa trời ngựa vẫn còn chạy, ngập đến bụng. Mặt trời lên dần mãi đến đỉnh đầu, đất loãng ra như nước, ngựa ngập mình và cả Đăm Săn cũng ngập lún vào đất. Trước lúc lún ngập, Đăm Săn thấy con bướm bay qua.
Đăm Săn: Hỡi bướm, cứu ta với !
Bướm: Tôi không cứu được.
Đăm Săn thấy một con chuồn chuồn bay qua.
Đăm Săn: Hỡi chuồn chuồn, cứu ta với !
Chuồn chuồn: Tôi không cứu được.
Đăm Săn: Không cứu ta được thì hãy đến làng vợ ta nói rằng ta bị lún trong rừng ma, trong rừng bùn, trong rừng bà Sun Y Rít, trong rừng U Minh đen như mực.
Chuồn chuồn liền bay đi, đến nhà Hơ Nhị, Hơ Bhị…
Lời kết
Qua câu chuyện trên ta thấy được rằng chiến thắng của Đăm Săn đã thay đổi cả một cộng đồng. Chúng tôi hy vọng với bài viết trên các bạn độc giả có thể hiểu sâu hơn về cuộc chiến đầy cam go này và trên hết chúng ta đước học hỏi lòng dũng cảm của Đăm Săn.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!