Updated at: 05-01-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách đọc hiểu Chí khí anh hùng chuẩn nhất 04/2024.

– Gợi dẫn 1: Cách đọc hiểu Chí khí anh hùng chuẩn nhất

Kiều bị lừa vào lầu xanh lần thứ hai, tâm trạng nàng vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. May sao Từ Hải đột ngột xuất hiện, đã coi Kiều như một tri kỉ và cứu nàng ra khỏi lầu xanh. Hai người đều thuộc hạng người bị xã hội đương thời coi thường (một gái giang hồ và một là giặc) đã đến với nhau tâm đầu ý hợp trong một tình cảm gắn bó của đôi tri kỉ

I – Gợi dẫn

1. Tác phẩm

Kiều bị lừa vào lầu xanh lần thứ hai, tâm trạng nàng vô cùng đau khổ và tuyệt vọng thì Từ Hải bỗng xuất hiện, đã coi Kiều như một tri kỉ và cứu nàng ra khỏi lầu xanh. Hai người đều thuộc hạng người bị xã hội đương thời coi thường (một gái giang hồ và một là giặc) đã đến với nhau tâm đầu ý hợp trong một tình cảm gắn bó của đôi tri kỉ

Từ Hải đánh giá cao sự thông minh, khéo léo và nhạy cảm của Kiều. Kiều nhận ra Từ là đấng anh hùng hiếm có trong thiên hạ, là người duy nhất có thể giải thoát cho nàng. Nhưng dù yêu quý, trân trọng Từ Hải, Kiều cũng không thể giữ chân bậc anh hùng cái thế. Đã đến lúc Kiều để Từ Hải ra đi lập sự nghiệp anh hùng.

Đoạn trích (từ câu 2213 đến câu 2230) bao gồm ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại cho thất chí khí của Từ Hải.

2. Cách đọc

Đọc chậm, thể hiện chí khí, khát khao vẫy vùng của nhân vật Từ Hải – một nhân vật lí tưởng của Nguyễn Du.

II – Kiến thức cơ bản

Từ Hải xuất hiện trong tác phẩm, trước hết là một anh hùng cái thế, đầu đội trời chân đạp đất. Khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, là vì việc nghĩa, là vì trọng Kiều như một tri kỉ. Nhưng khi kết duyên cùng Kiều, Từ thực sự là một người đa tình. Song dẫu đa tình, Từ không quên mình là một tráng sĩ. Trong xã hội phong kiến, đã làm thân nam nhi phải có chí vẫy vùng giữa đất trời cao rộng. Từ Hải là một bậc anh hùng có chí lớn và có nghị lực để đạt được mục đích cao đẹp của bản thân. Chính vì thế, tuy khi đang sống với Kiều những ngày tháng thực sự êm đềm, hạnh phúc nhưng Từ không quên chí hướng của bản thân. Đương nồng nàn hạnh phúc, chợt “động lòng bốn phương”, thế là toàn bộ tâm trí hướng về “trời bể mênh mang”, với “thanh gươm yên ngựa” lên đường đi thẳng.

Không gian trong hai câu thứ ba và thứ tư (trời bể mênh mang, con đường thẳng) đã thể hiện rõ chí khí anh hùng của Từ Hải.

Tác giả dựng lên hình ảnh “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” rồi mới để cho Từ Hải và Thuý Kiều nói lời tiễn biệt. Liệu có gì phi logic không? Không, vì hai chữ “thẳng rong” có người giải thích là “vội lời”, chứ không phải lên đường đi thẳng rồi mới nói thì vô lí. Vậy có thể hình dung, Từ Hải lên yên ngựa rồi mới nói những lời chia biệt với Thuý Kiều. Và, có thể khẳng định cuộc chia biệt này khác hẳn hai lần trước khi Kiều từ biệt Kim Trọng và Thúc Sinh. Kiều tiễn biệt Kim Trọng là tiễn biệt người yêu về quê hộ tang chú, có sự nhớ nhung của một người đang yêu mối tình đầu say đắm mà phải xa cách. Khi chia tay Thúc Sinh để chàng về quê xin phép Hoạn Thư cho Kiều được làm vợ lẽ, hi vọng gặp lại rất mong manh vì cả hai đều biết tính Hoạn Thư, do đó gặp lại được là rất khó khăn. Chia tay Từ Hải là chia tay người anh hùng để chàng thoả chí vẫy vùng bốn biển. Do vậy, tính chất ba cuộc chia biệt là khác hẳn nhau.

Lời Từ Hải nói với Kiều lúc chia tay thể hiện rõ nét tính cách nhân vật. Thứ nhất, Từ Hải là người có chí khí phi thường. Khi chia tay, thấy Kiều nói:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

   Từ Hải đã đáp lại rằng:

Từ rằng : “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”.

   Trong lời đáp ấy bao hàm lời dặn dò và niềm tin mà Từ Hải gửi gắm nơi Thuý Kiều. Chàng vừa mong Kiều hiểu mình, đã là tri kỉ thì chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, vừa động viên, tin tưởng Kiều sẽ vượt qua sự bịn rịn của một nữ nhi thường tình để làm vợ một người anh hùng. Chàng muốn lập công, có được sự nghiệp vẻ vang rồi đón Kiều về nhà chồng trong danh dự:

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”.

Quả là lời chia biệt của một người anh hùng có chí lớn, không bịn rịn một cách yếu đuối như Thúc Sinh khi chia tay Kiều. Sự nghiệp anh hùng đối với Từ Hải là ý nghĩa của sự sống. Thêm nữa, chàng nghĩ có làm được như vậy mới xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin, với sự trông cậy của người đẹp.

Thứ hai, Từ Hải là người rất tự tin trong cuộc sống:

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì !

   Từ ý nghĩ, đến dáng vẻ, hành động và lời nói của Từ Hải trong lúc chia biệt đều thể hiện Từ là người rất tự tin trong cuộc sống. Chàng tin rằng chỉ trong khoảng một năm chàng sẽ lập công trở về với cả một cơ đồ lớn.

Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn từ Hán Việt và ngôn ngữ bình dân, dùng nhiều hình ảnh ước lệ và sử dụng điển cố, điển tích. Đặc biệt, nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du tái tạo theo khuynh hướng lí tưởng hoá. Mọi ngôn từ, hình ảnh và cách miêu tả, Nguyễn Du đều sử dụng rất phù hợp với khuynh hướng này.

Về từ ngữ, tác giả dùng từ trượng phu, đây là lần duy nhất tác giả dùng từ này và chỉ dùng cho nhân vật Từ Hải. Trượng phu nghĩa là người đàn ông có chí khí lớn. Thứ hai là từ thoắt trong cặp câu:

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

   Nếu là người không có chí khí, không có bản lĩnh thì trong lúc hạnh phúc vợ chồng đang nồng ấm, người ta dễ quên những việc khác. Nhưng Từ Hải thì khác, ngay khi đang hạnh phúc, chàng “thoắt” nhớ đến mục đích, chí hướng của đời mình. Tất nhiên chí khí đó phù hợp bản chất của Từ, thêm nữa, Từ nghĩ thực hiện được chí lớn thì xứng đáng với niềm tin yêu và trân trọng mà Thuý Kiều dành cho mình. Cụm từ động lòng bốn phương theo Tản Đà là “động bụng nghĩ đến bốn phương” cho thấy Từ Hải “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Hai chữ dứt áo trong Quyết lời dứt áo ra đi thể hiện được phong cách mạnh mẽ, phi thường của đấng trượng phu trong lúc chia biệt.

Về hình ảnh, “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” là một hình ảnh so sánh thật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Tác giả muốn ví Từ Hải như chim bằng cưỡi gió bay cao, bay xa ngoài biển lớn. Không chỉ thế, trong câu thơ còn diễn tả được tâm trạng của con người khi được thoả chí tung hoành “diễn tả một cách khoái trá giây lát con người phi thường rời khỏi nơi tiễn biệt”. Nói thế không có nghĩa là Từ Hải không buồn khi xa Thuý Kiều mà chỉ khẳng định rõ hơn chí khí của nhân vật. Hình ảnh : “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong” cho thấy chàng lên ngựa rồi mới nói lời tiễn biệt, điều đó diễn tả được cái cốt cách phi thường của chàng, của một đấng trượng phu trong xã hội phong kiến.

Về lời miêu tả và ngôn ngữ đối thoại cũng có những nét đặc biệt. Kiều biết Từ Hải ra đi trong tình cảnh “bốn bể không nhà” nhưng vẫn nguyện đi theo. Chữ “tòng” không chỉ giản đơn như trong sách vở của Nho giáo rằng phận nữ nhi phải “xuất giá tòng phu” mà còn bao hàm ý thức sẻ chia nhiệm vụ, đồng lòng tiếp sức cho Từ khi Từ gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ Hải nói rằng sao Kiều chưa thoát khỏi thói nữ nhi thường tình không có ý chê Kiều nặng nề mà chỉ là mong mỏi Kiều cứng rắn hơn để làm vợ một người anh hùng. Từ nói ngày về sẽ có 10 vạn tinh binh, Kiều tin tưởng Từ Hải. Điều đó càng chứng tỏ hai người quả là tâm đầu ý hợp, tri kỉ, tri âm.

Đoạn trích ngợi ca chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải và khẳng định lại một lần nữa tình cảm của Thuý Kiều và Từ Hải là tình tri kỉ, tri âm chứ không chỉ đơn thuần là tình nghĩa vợ chồng.

III – Liên hệ

Đọc đoạn thơ (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) thể hiện hình ảnh Từ Hải sau khi giúp Kiều trả ân báo oán:

Nàng từ ân oán rạch ròi,

Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng.

Tạ ân, lạy trước Từ công:

“Chút thân bồ liễu mà mong có rày!

Trộm nhờ sấm sét ra tay,

Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi!

Khắc xương ghi dạ xiết chi,

Dễ đem gan óc đền nghì trời mây!”.

Từ rằng : “Quốc sĩ xưa nay,

Chọn người tri kỉ một ngày được chăng?

Anh hùng tiếng đã gọi rằng:

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.

Huống chi việc cũng việc nhà,

Lọ là thâm tạ mới là tri ân!

Xót nàng còn chút song thân,

Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa.

Sao cho muôn dặm một nhà,

Cho người thấy mặt là ta cam lòng”.

Vội truyền sửa tiệc quân trung,

Muôn binh, nghìn tướng hội đồng tẩy oan.

Thừa cơ trúc chẻ, ngói tan,

Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài.

Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.

Đòi phen gió quét mưa sa,

Huyện thành đạp đổ năm toà cõi nam.

Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những phường giá áo, túi cơm sá gì!

Nghênh ngang một cõi biên thuỳ,

Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!

Trước cờ, ai dám tranh cường?

Năm năm hùng cứ một phương hải tần!

– Gợi dẫn 2: Cách đọc hiểu Chí khí anh hùng hay nhất

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu ?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

( Ngữ văn 10, tập 2, trang 112-113, NXB Giáo dục -2006).

Câu 1. (1.0 điểm) Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?

Câu 2. (1.0 điểm) Nêu ý nghĩa của điển tích được dùng trong câu thơ:

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Câu 3. (4.0 điểm) Anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 20 dòng) nêu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Đáp án đọc hiểu Chí khí anh hùng số 2

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 2.

– Điển tích được dùng trong câu thơ là: “chim bằng” (chim đại bàng).

– Ý nghĩa của điển tích này là: Nguyễn Du đã mượn hình ảnh chim bằng (chim đại bàng) trong văn chương cổ điển –chim bằng là một giống chim rất lớn, đập cách làm động nước trong ba ngàn dặm, thường tượng trưng cho những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn, tượng trưng cho sự dũng mãnh, khát vọng làm nên việc lớn của những người anh hùng quân tử hán bản lĩnh phi thường để chỉ Từ Hải. Cuộc ra đi đột ngột, không báo trước, thái độ dứt khoát lúc chia tay, niềm tin vào thắng lợi đều bộc lộ chí khí anh hùng của người anh hùng Từ Hải. Cuộc chia tay Thúy Kiều chính là thời điểm đánh dấu đã đến lúc chim bằng tung cánh bay lên cùng gió mây chín ngàn dặm trên cao, thỏa sức tung hoành giang sơn bốn bể.

Câu 3.

Để nêu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng

*4 câu đầu:

“Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”

– Thúy Kiều và Từ Hải đang có cuộc sống vô cùng hạnh phúc “hương lửa đương nồng”

– Trượng phu: chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng → Thái độ trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với Từ Hải.

– Thoắt: dứt khoát, mau lẹ, nhanh chóng.

– Động lòng bốn phương: trong lòng náo nức chí tung hoành ở bốn phương

– Lên đường thẳng rong: đi liền một mạch

→ Một tư thế đẹp, hiên ngang không vướng bận, không lệ bộ của người quân tử sẵn sàng lên đường.

→ Cảm hứng vũ trụ, con người vũ trụ với kích thước phi thường, không gian bát ngát, ngợi ca, khâm phục.

=> Từ Hải không phải là con người của những đam mê thông thường mà là con người của khát vọng công danh.

*12 câu tiếp:

a. Lời Thúy Kiều:

– Xưng hô: Chàng – thiếp: tình cảm vợ chồng mặn nồng, tha thiết.

– Phận gái chữ tòng: bổn phận của người vợ phải theo chồng.

– Một lòng xin đi: quyết tâm theo Từ Hải

→ Muốn ra đi để tiếp sức, chia sẻ, gánh vác công việc với chồng

=> Thúy Kiều không chỉ ý thức được bổn phận của người vợ, thể hiện tình yêu với chồng mà còn hiểu, khâm phục và kính trọng Từ Hải. Nàng xứng đáng là tri kỉ của bậc anh hùng.

b. Lời Từ Hải

* Lời đáp:

“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”

– Từ chối mong muốn của Kiều

– Khuyên Kiều hãy vượt lên tình cảm thông thường để xứng đáng làm vợ một người anh hùng.

– Coi Kiều là người tri kỉ, hiểu mình

→ Tính cách anh hùng của Từ Hải.

*Lời hứa:

“Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rỡ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

– Rõ mặt phi thường: tạo nên sự nghiệp xuất chúng, phi thường→ niềm tin sắt đá vào bản thân, sự nghiệp của mình.

– Rước nàng nghi gia: hứa trở về đón Kiều

→ Người anh hùng có chí khí, sự thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.

* 4 câu thơ tiếp:

“Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

– Bốn bể không nhà: khẳng định thực tế gian nan, vất vả, khó khăn của buổi đầu lập nghiệp.

– Lời hẹn: “ một năm” : mốc thời gian cụ thể, nhanh chóng → Khẳng định ý chí, bản lĩnh, sự tự tin

→ Lời hẹn ước ngắn gọn, dứt khoát, tự tin

=> Từ Hải không chỉ là người anh hùng có khát vọng, chí khí lớn mà còn rất tự tin vào tài năng của mình.

*Hai câu cuối

“Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

– Hành động :

+ quyết lời

+ dứt áo ra đi

→thái độ, cử chỉ, hành động dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí người anh hùng

– Hình ảnh chim bằng :

→ ẩn dụ tượng trưng về người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hùng tráng, phi thường, mang tầm vóc vũ trụ. →Thể hiện ước mơ về người anh hùng lí tưởng của Nguyễn Du ( chân dung kì vĩ, chí khí, tài năng, bản lĩnh phi thường, thực hiện giấc mơ công lí).

Đoạn văn tham khảo: Cách đọc hiểu Chí khí anh hùng chuẩn nhất

Hình tượng Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng được miêu tả hiện lên vô cùng chân thực và sinh động. Người anh hùng Từ Hải đã được lý tưởng hóa mang những vẻ đẹp về phẩm chất của một nam nhi đại trượng phu mẫu mực. Đầu tiên, Từ Hải hiện lên với chí làm trai, thỏa sức tung hoành để làm nên việc lớn. Hình ảnh “Nửa năm hương lửa đương nồng ”là hình ảnh của sự hạnh phúc lứa đôi ngọt ngào, dễ làm cho con người thui chột ý chí muốn vươn ra đất trời rộng lớn ngoài kia. Tuy nhiên, Từ Hải lại khác, người trượng phu nghĩa lớn ấy đã “thoắt đã động lòng bốn phương”. Cách dùng từ độc đáo của Nguyễn Du cho thấy chí lớn, chí làm trai, thỏa sức tung hoành với mục tiêu làm nên nghiệp lớn vẫn luôn ngự trị và trở thành khát khao lớn, mãnh liệt trong nhân vật. Từ bỏ hạnh phúc gia đình êm ấm và Thúy Kiều, người anh hùng ấy “trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” .Cái khát vọng công danh của người anh hùng đã tạm gác gia đình lại để tiếp tục sự nghiệp dang dở. Thứ hai, ta thấy Từ Hải là người nam nhi có nghĩa lớn, muốn cho Thúy Kiều một danh phận đàng hoàng. Trong suốt cuộc đời lưu lạc của Kiều thì Từ Hải chính là người đàn ông duy nhất mà có thể cứu Kiều và dám hứa với Kiều về một danh phận và cuộc sống, chỗ dựa đàng hoàng. Người anh hùng Từ Hải quyết tâm làm nên sự nghiệp lớn để rồi đón Kiều về nhà, cho nàng một danh phận và cuộc sống êm ấm. Thái độ dứt khoát của Từ Hải qua những từ như “quyết, dứt” cho thấy ý chí làm nên công danh và nghiệp lớn của người đàn ông nặng nghĩa nặng tình. Và qua đó, nhân vật Từ Hải đã khắc dấu trong tâm trí người đọc với vẻ đẹp của người quân tử có chí lớn và yêu thương vợ của mình.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên mong quý độc giả có thể tham khảo và biết được cách đọc hiểu chí khí anh hùng chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!