Updated at: 14-03-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” chuẩn nhất 10/2024.

Đề bài: Bình luận câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

binh luan cau tho dau don thay phan dan ba loi rang bac menh cung la loi chung

I. DÀN Ý: bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
1. Mở bài:
– Trong xã hội phong kiến đầy áp bức, bất công, người phụ nữ là nạn nhân chịu nhiều đau khổ nhất.
– Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã phản ánh sâu sắc nỗi khổ ghê gớm ấy qua hình tượng người con gái tài sắc Thuý Kiều.

– Lời than của Kiều đã khái quát được nỗi thống khổ chung của người phụ nữ:

Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

2. Thân bài:
a. Giải thích ý nghĩa câu thơ:
+ Là nhận định về số phận chung của phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Bạc mệnh như một định mệnh bất di bất dịch đối với họ.
+ Bạc mệnh là gì?
– Bạc: mỏng; mệnh: số mệnh.
– Bạc mệnh: nghĩa hẹp là số phận mỏng manh, bạc bẽo. Nghĩa rộng là cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, tai ương. Số phận long đong, vất vả hoặc là chết yểu một cách thảm thương.
b. Khẳng định nhận xét của Nguyễn Du là hoàn toàn đúng:
– Trong chế độ phong kiến, chiến tranh cùng với những quan niệm cổ hủ, lạc hậu như trọng nam khinh nữ,… đã gây ra bao bất công, khổ nhục cho người phụ nữ. (Dẫn chứng: Người con gái Nam Xương, Thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều…).
– Thân phận phụ nữ bị xã hội coi rẻ, vùi dập. Mọi khát vọng sống cao đẹp của họ đều không được chấp nhận. Dù cố vươn lên để chiến thắng số phận, rốt cuộc, họ vẫn bị những thế lực hắc ám nhấn chìm xuống bùn đen. (Dẫn chứng: Cuộc đời Kiều là một chuỗi dài bi kịch).
– Nguyễn Du thực sự thông cảm và xót thương người phụ nữ – nạn nhân của lễ giáo bất công, của thế lực đồng tiền trong xã hội phong kiến.
c. Nâng cao, mở rộng vấn đề:
– Từ thân phận bạc mệnh của người phụ nữ, Nguyễn Du phản ánh nỗi khổ của họ dưới chế độ phong kiến suy tàn, thối nát. Từ đó, tác giả tố cáo xã hội đương thời đã chà đạp thô bạo lên nhân phẩm, nhân quyền của người phụ nữ.
– Trong chế độ mới, người phụ nữ được coi trọng, được đánh giá đúng. Điều đó đã phát huy năng lực to lớn của người phụ nữ, động viên họ đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc.

– Mọi suy nghĩ, hành động sai trái, xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ cần phải bị lên án.

3. Kết bài:

– Câu thơ trên của Nguyễn Du phản ánh chân thực và xúc động về thân phận đau khổ của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
– Nó như lời than thống thiết trước một định mệnh hết sức tàn bạo, phũ phàng đối với người phụ nữ. Hãy tôn trọng phụ nữ, trả họ về với vị trí xứng đáng mà tạo hoá đã ban cho: người duy trì, tiếp nối sự sống trên trái đất.

Bài Mẫu Số 1: Cách bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung hay nhất

” Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Câu ca dao ấy cất lên như lời than thân, thở dài của một người phụ nữ giữa xã hội đương thời phong kiến. Cái xã hội khi mà số phận của họ được định đoạt bằng những cuộc trao đổi, mua bán, bằng những cuộc hôn nhân chính trị chứ không phải bằng tình yêu. Xã hội ấy nơi mà nhân phẩm của họ bị đạp xuống tận bùn đen. Cảm thông, thấu hiểu sự đau đớn đó của người phụ nữ mà nhà thơ Nguyễn Du đã viết lên thiên kì cổ “Truyện Kiều”. Và trong tác phẩm ấy, chính tác giả cũng đã thốt lên hai câu thơ mà mãi tận sau này, người ta vẫn còn thấy nguyên giá trị của nó khi nhắc về thân phận của người phụ nữ trước lễ giáo phong kiến:

” Đớn đau thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Hai câu thơ này được Nguyễn Du viết – là lời cảm thán của Kiều khi đứng trước nấm mồ lạnh lẽo của Đạm Tiên – một người kĩ nữ. Hai câu thơ bật lên như một lời than thở của Kiều hay cũng chính là của Nguyễn Du trước nỗi đau mà người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu đựng. Không phải bất cứ từ ngữ nào khác mà là “đớn đau thay”! Lời thơ như một lời thở dài đầy đau xót của tác giả. Chính Nguyễn Du cũng đã có những năm tháng phiêu bạt giữa xã hội, phải chịu cảnh đói, cảnh nghèo, có lẽ vì thế ông hiểu được những số phận nghèo khó và cả hoàn cảnh đau khổ của những người phụ nữ nữa. Có lẽ chính vì vậy khi viết lên thiên “Truyện Kiều”, ông đã đem những xúc cảm chân thật nhất của mình vào trong những vần thơ ấy. Nguyễn Du hiểu rất rõ “phận đàn bà”, cái số phận của người phụ nữ xưa khi mà họ phải sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ, một xã hội luôn chà đạp lên nhân phẩm, nhân cách của người phụ nữ yếu đuối. Xã hội ấy cũng tước đoạt đi quyền được sống hạnh phúc, quyền được yêu thương và cả những mong ước nhỏ bé của họ nữa. Xã hội đó đã khiến họ phải trở thành những kẻ “bạc mệnh”. Đau đớn nào bằng?

“Đớn đau thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Đó là lời thương cảm của Nguyễn Du, là tấm lòng nhân đao đầy cao cả của ông dành cho những người phụ nữ Việt Nam xưa – những thân phận “thấp cổ bé họng” trong xã hội phong kiến đương thời.

Nếu hỏi những nguyên nhân nào đã tạo nên số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa thì điều đầu tiên đó chính là xã hội. Đó là một xã hội với Nho giáo là chủ, không có quyền bình đẳng dành cho người phụ nữ, xã hội mà đàn bà chỉ là một vật phẩm để trao đổi, mua bán, xã hội “trọng nam khinh nữ” khi mười người con gái chẳng đổi bằng một người đàn ông ” Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Chính xã hội bất bình đẳng ấy đã khiến cho thân phận người phụ nữ bị đẩy xuống tầng đáy. Họ không có quyền hành gì trong nhà, ngoài xã hội. Họ không được tham gia bất cứ công việc gì bên ngoài, không được học tập, chỉ biết quanh quẩn bên trong nhà để trở thành một người phụ nữ của gia đình. Họ bi tước đoạt quyền được bình đẳng như nam giới. Dù rằng trong xã hội xưa cũng có không ít những người phụ nữ tài giỏi như bà Trưng, bà Triệu, … dám đứng lên thể hiện ý chí của mình nhưng họ chỉ là một số ít những người phụ nữ dám đứng lên chống lại cường quyền để thể hiện khí phách của mình mà thôi.

“Phận đàn bà” mà Nguyễn Du đau xót than thở là kẻ “bạc mệnh” còn phải chịu những đày đọa về thể xác và tinh thần, bị chà đạp về nhân phẩm, về nhân cách, bị coi rẻ như một món hàng. Có lẽ thấu hiểu được điều này, Nguyễn Du mới có thể cô đọng tất cả tiếng lòng của mình thành hai câu thơ đau xót tới vậy! Người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị coi rẻ tới mức họ chỉ được coi như một món hàng ngoài chợ, được mua đi bán lại, được trao đổi, tặng biếu cho người khác.

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

Họ hoàn toàn không có quyền được lên tiếng, được bày tỏ nỗi niềm của mình. Cũng như Đạm Tiên mà Nguyễn Du xây dựng, nàng bất hạnh sinh ra trong sự nghèo khổ, phải bán thân, bán nghệ để nuôi sống mình. Vậy mà đến khi chết đi, chỉ có những ngọn cỏ xanh làm bạn, chẳng một ai tới thương nhớ, xót xa cho nàng dù lúc trước bao nhiêu bướm ong dập dìu:

“Sống làm vợ khắp người ta
Đến khi thác xuống làm ma không chồng”

Chẳng ai còn đoái hoài, thương xót gì người phụ nữ ấy nữa. Đến như Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, là một người con gái tài sắc vẹn toàn, thế nhưng cũng chỉ là một món hàng trong tay những kẻ ma cô buôn phấn bán hương:

“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”

Chính xã hội phong kiến ấy đã đẩy đưa nàng Kiều, buộc phải bán mình để cứu lấy người cha già và em. Nếu như xã hội ấy coi trọng người phụ nữ, coi trọng con người thì chắc có lẽ nàng Kiều đã chẳng mất mười lăm năm bôn ba khắp nơi, trở thành món hàng trong tay bao nhiêu kẻ, đến mức phải tìm đến cái chết. Và chắc hẳn nàng cũng đã có được một tình yêu thật đẹp với chàng trai hào hoa phong nhã Kim Trọng.

Có lẽ nỗi thương cảm của Nguyễn Du cho người phụ nữ không chỉ dừng ở đó, ông còn thương cảm cho những thân phận người phụ nữ yếu đuối, bị bất hạnh trong hôn nhân và tình yêu. Trong xã hội xưa, những cuộc chiến tranh nổi lên liên miên, đó là khi những người chồng, người tình lang phải rời xa nhà để lại người vợ hiu quạnh một mình bao năm tháng. Chiến tranh phi nghĩa trong xã hội phong kiến ấy đã tước đoạt đi hạnh phúc, tình yêu của bao người vợ hiền. Chúng ta biết tới một Vũ Nương hiền lành, đảm đang, xinh đẹp, thế nhưng sau khi chiến tranh qua đi, lại khiến nàng trở thành một người vợ bất hạnh nhất trần đời khi chồng nàng nghi ngờ nàng không đoan chính. Và rồi, nàng đã phải dùng cái chết của mình để rửa sạch nỗi hàm oan. Nếu như không có chiến tranh thì liệu số phận của Vũ Nương và của những người phụ nữ khác trog xã hội phong kiến có bi thương tới vậy hay không? Không chỉ Vũ Nương, chúng ta còn được chứng kiến hình ảnh người chinh phụ ra ngóng vào trông chờ tin người chồng trở về từ nơi chiến trận. Những hình ảnh “gương gượng soi lệ lại châu chan”, hay “lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”, … ghim vào lòng chúng ta về số phận đầy xót xa của những người vợ phải xa chồng. Chính xã hội đã cướp đi của họ hạnh phúc, cướp đi tình yêu của họ, khiến họ trở thành những “hòn vọng phu” chờ chồng.

Chúng ta ai cũng có mưu cầu được sống hạnh phúc, mưu cầu một cuộc sống được tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Thế nhưng, trong xã hội xưa, hôn nhân, tình yêu không phải do người phụ nữ quyết định. Họ phải làm theo lễ giáo, phải nghe theo lời cha mẹ, phải “môn đăng hộ đối”. Chính những thứ luật lệ hà khắc đó đã giết chết bao nhiêu tình yêu đẹp đẽ, đã lấy mất đi bao niềm hạnh phúc của người phụ nữ xưa. Đối với họ, hôn nhân của mình nhưng mình lại chẳng thể quyết định, tất cả đều được định đoạt bởi chữ “phận”, bởi lễ giáo, lề lối mà thôi. Đó chẳng phải là một nỗi đau xót lớn hay sao?

Có lẽ sau những năm tháng bôn ba, sống giữa những tầng lớp thấp kén nhất ngoài xã hội, được tiếp xúc, được nhìn, được nghe những câu chuyện về những người phụ nữ, Nguyễn Du mới có thể thấu hiểu người phụ nữ tới vậy. Ông đau xót trước thân phận nhỏ bé, “ba chìm bảy nổi” của người phụ nữ. Họ phải chịu sự bất công trong đối xử bình đẳng, bị tước đoạt mất hạnh phúc, tình yêu, tước đoạt mất cả nhu cầu được yêu thương đươc hạnh phúc nữa. Tất cả cũng chỉ vì những lẽ giáo hà khắc kia của xã hội đương thời. Qua hai câu thơ của Nguyễn Du, ta cũng thấy được niềm cảm thương của ông dành cho người phụ nữ xưa nhiều tới nhường nào, ông thấu hiểu họ tới nhường nào! Nếu không, sao ông có thể viết được những dòng thơ cô đọng, đau xót, đầy yêu thương tới như vậy được.

Sống trong xã hội ngày nay, chúng ta – những người phụ nữ đã được sống đúng với bản thân mình. Chúng ta được đối xử bình đẳng, được tự do yêu thương, tự do hôn nhân được mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Thế nhưng ở đâu đó, chúng ta vẫn phải chứng kiến hình ảnh người phụ nữ bị bao lực, bị khinh thường, bị hành hạ, bị tước đi những quyền cơ bản nhất của một con người. Những hành động ấy cần được lên án, cần được kết tội và chấm dứt.

Qua hai câu thơ ngắn gọn, nhưng Nguyễn Du cũng đã khiến cho chúng ta được cảm nhận sâu sắc về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Đó cũng là lời kết án xã hội phong kiến khi chính xã hội đó đã gián tiếp đẩy người phụ nữ tới tận cùng của sự đau khổ, bế tắc. Qua đó, ta cũng cảm nhận được tình cảm yêu thương mà Nguyễn Du dành cho họ – những người phụ nữ yếu đuối, cần được nâng niu, cần được yêu thương và bảo vệ.

Bài Mẫu Số 2: Cách bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung độc đáo nhất

Nguyễn Du đã viết nên truyện Kiều bằng tấm lòng thiết tha đối với con người, đặc biệt là sự cảm thông sâu sắc trước số phận người phụ nữ. Thông quá nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa chịu bất công, đau đớn, khổ cực. Hai câu thơ mà ông viết về người phụ nữ đến nay còn đọng lại nỗi đau nhân thế: “Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạch mệnh cũng là lời chung”.

Xã hội phong kiến đã bóp nghẹt đi sức sống, tài năng và vẻ đẹp của biết bao kiếp hồng nhan. Một xã hội “trọng nam khinh nữ”, khi mà ở đó trai năm thế bảy thiếp, gái đoan chính một chồng. Họ xứng đáng được nhận hết sự cưu mang, yêu thương, chở che, nhưng cuối cùng chính họ lại lâm vào bị kịch, chịu kiếp chồng chung.

Số phận bạch bẽo, bấp bênh trôi nổi vô định của cuộc đời người con gái khiến Nguyễn Du phải thốt lên hai từ ” đau đớn’ đến nghẹn lòng. Đó là một Đạm Tiên tài năng, sắc đẹp vẹn toàn vậy mà số kiếp đau thương, cô đơn đến cõi chết: ” Sống làm vợ khắp người ta. Hạ thay thác xuống làm ma không chồng’. Một nàng Kiều vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, khiến hoa phải ghen , tuyết phải hơn, tài năng toàn diện cả cầm , kì, thi, hoạ. Nàng xứng đáng được yêu thương trân trọng, vậy mà số phận lại chịu nhiều oan trái, trải qua mười lăm năm lưu lạc, bao kiếp lầu xanh, những tưởng được hạnh phúc lứa đôi nhưng cũng không vẹn toàn. Một Hoạn Thư thông minh, khéo léo cũng không có được tình yêu của chính chồng mình. Một Vũ Thị Thiết tư dung tốt đẹp, nết na, sống đoan trang hết mực yêu thương chồng con cuối cùng cũng lựa chọn cái chết để rửa oan cho chính mình. Và còn bao nhiêu kiếp người khác nữa cũng chịu nhiều khổ đau, tủi nhục đến như thế. Họ chính là nạn nhân của một chế độ phong kiến hà khắc, quá đỗi bất công, tàn bạo.

Người phụ nữ thiếu tự do, không được nói lên tiếng nói, khát vọng của mình. Họ bị kìm hãm, chà đạp lên nhân phẩm danh dự, họ bị chà đạp lên thể xác và tinh thần, vậy mà vẫn cam chịu. Như Hồ Xuân Hương từng viết:

“Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son”

Số phân bạc mệnh, nhưng họ vẫn giữ lấy cho mình những phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ. Số kiếp tài hoa bạc mệnh, họ chịu sự điều khiển và phụ thuộc bởi những kẻ tàn bạo. Họ không được là chính mình, thân phận như trái bần trôi:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”.

Thông qua hai câu thơ, Nguyễn Du không chỉ tố cáo xã hội phong kiến độc ác, tàn nhẫn, bất công, chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do của con người. Mà thông qua đó, ông nói lên lời chia sẻ thiết tha với những kiếp người chìm nổi, là tiếng nói oán trách, tiếng kêu đầy xót thương thấy đối với xã hội kia. Là câu nói thức tỉnh lương tri của chế độ cũ, hãy biết trân trọng và yêu thương phụ nữ.

Đất nước ta ngày càng phát triển, công bằng nam nữ cũng ngày càng được cải thiện. Nhưng đâu đó, vẫn còn tồn tại  hủ tục lạc hậu, chèn ép cuộc sống của người phụ nữ. Đâu đó vẫn còn tình trạng những gia đình chỉ vì muốn sinh con trai mà phá bỏ cái thai của mình. Chúng ta cần lên án những hành động như thế. Hãy trân trọng và đề cao những người phụ nữ bởi chính họ sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Hãy yêu thương tất thảy những người bà, người mẹ, người chị, người em trên thế gian này.

Bài Mẫu Số 3: Cách bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung độc đáo nhất

Nguyễn Du (1765 – 1820) là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Ông đã được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Tuy xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến nhưng cuộc đời Nguyễn Du lại phải trải qua nhiều lưu lạc, đau khổ. Vì vậy, ông thông cảm với nhân dân, đặc biệt là với số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn lời Thúy Kiều, một cô gái tài hoa bạc mệnh để khái quát chung về số phận bi thảm của người phụ nữ:

Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Câu thơ xót xa, ai oán như một lời than phẫn uất trước định mệnh cực kì vô lí, bất công đối với phụ nữ. Tiếc thay, trong xã hội phong kiến, bạc mệnh đã trở thành số phận chung của bao kẻ hồng nhan.

Bạc mệnh là số phận mỏng manh, bạc bẽo, nói rộng ra là cuộc đời gặp nhiều tai ương, buồn khổ. Người bạc mệnh có kiếp sống long đong, lận đận hoặc chết yểu một cách thảm thương.

Nguyễn Du tan nát cả cõi lòng khi hạ bút viết những câu thơ như có nước mắt rơi, máu chảy. Đằng sau lời than thống thiết ấy là một hiện thực cay đắng, phũ phàng: xã hội phong kiến bất công chà đạp tàn bạo lên nhân phẩm người phụ nữ.

Trong xã hội trọng nam khinh nữ ấy, người phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng. Họ bị biến thành nô lệ của những ràng buộc nghiệt ngã từ phía lễ giáo phong kiến và những quan niệm lạc hậu như tam tòng, thủ tiết, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, nữ nhân ngoại tộc… số phận họ hoàn toàn phụ thuộc vào tay kẻ khác. Thậm chí, họ còn bị coi như hàng hóa, dùng để bán mua, đổi chác. Bài thơ Bánh trôi nước của Hổ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện thật sinh động những thân phận đau thương ấy.
Hồ Xuân Hương ví thân phận người phụ nữ như chiếc bánh trôi: Thân em Vừa trắng lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non, Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn… Nguyễn Du miêu tả quãng đời đầy truân chuyên, bão tố của nàng Kiều : Thoắt mua về thoắt bán đi, Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi; Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương… Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy lẽ ra phải được sống ấm êm bên cha mẹ, hạnh phúc bên người yêu, nhưng thế lực đen tối, bạo tàn trong xã hội mà đồng tiền là chúa tể đã cướp đi của nàng tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhẫn tâm xô đẩy nàng xuống tận lớp bùn nhơ dưới đáy xã hội. Mỗi lần Kiều cố gắng vươn lên để chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận là một lần nàng bị dìm sâu hơn nữa.

Từ kiếp bạc mệnh của Thúy Kiều, nhà thơ khái quát lên thành lời chung, kiếp đau khổ chung của người phụ nữ. Văn học thời ấy đã từng nói đến cái chết thảm thương, oan khốc của Người con gái Nam xương (Nguyễn Dữ); một nạn nhân của chiến tranh và lễ giáo phong kiến bất công. Hay một nàng Đạm Tiên nổi danh tài sắc một thì mà phải rơi vào cảnh: Sống làm vợ khắp người ta, Hại thay thác xuống làm ma không chồng. Trong xã hội cũ, hỏi có bao nhiêu nàng Đạm Tiên như thế?

Câu thơ: Đau đớn thay phận đàn bà… không chỉ là một tiếng kêu thương mà còn là lời tố cáo, lên án đanh thép cái chế độ phong kiến vô nhân đạo, chà đạp không thương tiếc lên nhân phẩm con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Bởi vậy nó chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả.

Trong chế độ mới ưu việt, người phụ nữ được gia đình và xã hội tôn trọng: Vai trò to lớn của họ được đánh giá đúng đắn. Chính những điều đó đã giải phóng người phụ nữ ra khỏi những ràng buộc phi lí xưa nay, khơi dậy tiềm năng vô tận của họ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Không phải trong cuộc sống hiện nay đã thật sự chấm dứt những quan niệm bất công đối với người phụ nữ, nhưng thái độ coi thường và những hành vi xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ đã và đang bị xã hội nghiêm khắc lên án.

Tuy ra đời cách đây đã gần hai thế kỉ nhưng những câu thơ tâm huyết của Nguyễn Du vẫn gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Nó vừa là lời than thống thiết về nỗi đau khổ to lớn của kiếp người, vừa là lời kết án tội ác của chế độ phong kiến bất công chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ. Người đọc bao thế hệ đã nhận được từ hai câu thơ này thông điệp của Nguyễn Du: Hãy cứu lấy phụ nữ, hãy bảo vệ phụ nữ và trả lại cho họ vị trí xứng đáng, thiêng liêng mà Tạo hóa đã ban cho họ là duy trì sự sống của loài người trên trái đất.

Bài Mẫu Số 4: Cách bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung mới nhất

Người phụ nữ được sinh ra trên thế giới này luôn được dùng những mỹ từ đẹp như phái yếu “liễu yếu đào tơ” rồi lại “tuyệt thế giai nhân”, “công dung ngôn hạnh”. Đó là tất cả những gì mà người phụ nữ chân chính được công nhận. Có thể nói người phụ nữ giống như một bông hoa thơm ngát hương cho đời. Thế nhưng Nguyễn Du một bậc đại thi hào khi kể chuyện về cuộc đời của một bông hoa tên Thúy Kiều lại đúc kết một câu nói có ý nghĩa khái quát:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Câu nói ấy có ý nghĩa gì?. Nguyễn Du nói về cuộc đời đầy gian nan trắc trở của nàng Kiều sau đó nói lên những câu có ý nghĩa triết lý sâu sắc. Câu thơ trên tác giả muốn nói đến số phận người đàn bà. Tác giả dùng biện pháp đảo ngữ đẩy hai từ “đau đớn” lên đầu câu để cho thấy tâm trạng xót thương vô cùng cho số phận của những người phụ nữ liễu yếu đào tơ. Tác giả có ý muốn nói rằng số phận đàn bà vốn dĩ nó đã rất bạc mệnh. Như câu thơ “ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Người phụ nữ càng xinh đẹp càng má đào và tài giỏi thì càng bạc mệnh. Liệu rằng ý kiến đó có đúng hay không?

Trước hết xem ngay chính nhân vật mà Nguyễn Du đặt cả tình cảm và ngòi bút để xây dựng nên. Thật sự mà nói đối với một cô gái xinh đẹp đến mức “ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” và “ Cung âm lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” như Kiều thì phải có một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc với nhan sắc trời phú và tài năng của mình. Thế nhưng người phụ nữ ấy lại không được như chúng ta nghĩ. Kiều phải thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Người yêu của mình thì không đến được với  nhau, phải nhờ em gái nối duyên với chàng. Còn mình thì lưu lạc khắp nơi này nơi khác, qua tay biết bao nhiêu gã đàn ông. Dẫu cô muốn chết ông trời cũng không cho cô chết. Cô vẫn phải sống cho trọn kiếp người này. Đó chính là sự trái ngược giữa tài năng và cuộc đòi của cô. Cô muốn được hạnh phúc nhưng xã hội của cô không cho cô hạnh phúc. Có lẽ càng tài giỏi bao nhiêu thì càng bạc mệnh bấy nhiêu.

Hay như nhân vật Mị trong tác phẩm của vợ chồng A Phủ cũng vậy. Một cô gái Her Mông xinh xắn dịu dàng, nền nã không những thế cô còn có một lòng hiếu thảo với cha mẹ, tự trọng bản thân và có tài thổi sáo rất giỏi. Tưởng rằng cô sẽ trở thành một cô gái có cuộc sống hạnh phúc như bao người khác. Thế nhưng cô cũng không thoát khỏi cảnh làm dâu gạt nợ của nhà thống lý trong bản. Cuộc sống ấy biến cô trở thành một cô gái lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, chỉ biết cúi mặt lúc đi và làm những công việc quen thuộc cứ lặp đi lặp lại mà thôi.

Đó là những điển hình cho số phận những người con gái đa tài nhưng bạc mệnh. Nó thể hiện sự đau đớn của Nguyễn Du khi nói đến thân phận đàn bà. Đó là sự trái ngược về tài sắc và cuộc đời của họ. Nhưng ở đây Nguyễn Du nói những người đàn bà nói chung chứ không phải riêng chỉ những người đàn bà có tài sắc như Thúy Kiều. Có lẽ nào ai là đàn bà cũng bạc mệnh chăng?. Nói như vậy Nguyễn Du muốn thể hiện sự đồng cảm với những số phận người đàn bà bạc mệnh bất hạnh chứ không phải ai là đàn bà cũng có số phận như thế. Ta biết một điều rằng chính xã hội họ sống làm cho những tài năng của họ bị coi khinh và sử dụng vào mục đích kiếm lợi trên chính nhan sắc tài năng ấy. Vì thế số phận của họ như thế một phần lớn là do xã hội họ sống gây nên.

Câu nói của nhà đại thi hào liệu còn đúng trong xã hội ngày nay không?. Ngày nay khi không còn cường quyên thần quyền hủ tục đến mức trói buộc thân thể người ta mà khi bình đẳng nam nữ thì cũng là lúc những tài năng của phụ nữ được biết đến và phát triển làm giàu cho chính đất nước đó. Nó không những không làm hại đến số phận của họ mà còn mang lợi đến cho họ. Tất nhiên đa tài hay giỏi quá thì cũng rất phiền vì nhiều người ganh tị ghen ghét. Những người ấy sẵn sàng hại bạn đạp đổ bạn để họ lên trên. Nhưng nếu bạn có tài thật sự thì họ có muốn đạp bạn xuống thì cũng rất khó. Hiện nay những người càng có tài càng có nhan sắc thì lại càng sung sướng về mặt cuộc sống thành đạt và chuyện chọn cho mình người chồng xứng đáng.

Như vậy ta thấy câu nói của Nguyễn Du chỉ đúng với số phận người phụ nữ trong xã hội cũ mà thôi. Ngày nay tuy cũng có những người tài năng nhưng bạc mệnh nhưng nó không phải là một quy luật được. Trường hợp đó chỉ rơi vào số phận của một người nào đó mà thôi. Cũng vì thế nếu bạn khổ thì cũng không nên nghĩ mình tài năng nên bạc mệnh. Dù sao ta cũng thấy được sự xót thương của nhà thơ đến số phận những người đàn bà.

Bài Mẫu Số 5: Cách bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung độc đáo nhất

Có thể nói rằng người phụ nữ khi sinh ra được xem như một bông hoa thơm ngát tỏa hương cho đời. Thế nhưng trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lại kể về số phận cuộc đời của nàng Kiều , câu nói có một ý nghĩa sâu sắc ,nếu như nghiệm ra chúng ta sẽ thấy được cái hay trong câu từ đó

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Câu nói trên nói về cuộc đời đầy gian khổ của nàng Kiều sau đó nói lên những triết lí sâu sắc .Với hai câu thơ trên tác giả muốn nói tới thân phận người phụ nữ, tác giả đã rát khéo léo khi dùng biện pháp đảo ngữ để đẩy hai câu thơ lên như là “đau đớn” cho thấy được tâm trạng xót xa tủi nhục vô cùng cho số phận của người phụ nữ liễu yếu đào tơ. Tác giả có ý muốn nói rằng số phận người đàn bà được sinh ra vốn đã khổ, thời xưa người phụ nữ càng xinh đẹp và tài hoa thì càng bạc mệnh. Liệu rằng ý kiến  đó có đúng hay không?

Để biết được ý kiến trên có đúng hay không thì trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu xem ngòi bút của Nguyễn Du đã đặt tình cảm hết vào nhân vật. Thật sự mà nói thì chúng ta cũng phải nể trước việc một người con gái đẹp như Kiều đến mức “ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, “ Cung âm lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” đáng lẽ ra như Kiều thì phải được hưởng một cuộc sống giàu sang , ấm no và hạnh phúc nhưng lại không được như chúng ta nghĩ, mặt khác ngược lại còn phải thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Dẫu cho muốn chết cũng không thể chết đươc. Cô có sự tài sắc vẹn tòn nhưng lại không được hưởng những gì mà mình có .

Hay như trong tác phẩm vợ chồng A phủ có nhân vật Mỵ, một người con gái trẻ trung xinh đẹp, có tài thổi sáo hay, tưởng rằng cuộc đời sẽ như mơ nhưng cô lại bị bắt về làm vợ , làm dâu trong nhà thống lí pá tra để gạt nợ cho gia đình. Suốt ngày chỉ biết chui trong xó cửa , rồi chỉ biết làm những việc lặp đi lặp lại nhàm chán, và bị xem như món đồ vậy vậy.

Tất cả đều điển hình cho số phận tài hoa nhưng lại bạc mệnh. Câu thơ thể hiện sự đau đớn của Nguyễn Du khi nói lên thân phận đau khổ của người đàn bà, nhưng ở đây Nguyễn Du muốn nói chung về thân phận của những người đàn bà phong kiến xưa chứ không phải là riêng gì Thúy Kiều. Ở đây đại thì hào muốn muốn thể hiện sự đồng cảm của những số phận bạc mệnh và bất hạnh chứ không phải là ai cũng như vậy. Chính thời phong kiến trọng nam khinh nữ cho nên tài năng của người phụ nữ luôn bị coi khinh và không được trọng vọng .

Vậy thì đối với ngày nay câu nói đó có còn đúng nữa không? Hiện nay, chế độ xã hội bình đằng cho nên không còn có những hủ tục lạc hậu trói buộc thân thể người ta , đây cũng là lúc để cho tài năng của người phụ nữ được biết đến và làm giàu cho chính đất nước của mình. Nếu như bạn có tài thật sự, có nhan sắc thì lại càng được sung sướng về sau nhờ những nỗ lực và cố gắng.

Như vậy qua câu nói của Nguyễn Du cho ta thấy được số phận của người phụ nữ thời phong kiến xưa. Còn ở thời đại ngày nay thì tài năng ngày càng được trọng dụng và phát triển. Dù sao chúng ta cũng đã thấy được sự đồng cảm, xót thương của nhà thơ đến số phận những người phụ nữ.

Bài Mẫu Số 6: Cách bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung chi tiết nhất

“Truyện Kiều” của thi hào dân tộc Nguyễn Du là kiệt tác của nền văn học cổ điển Việt Nam. “Truyện Kiều” là tình yêu thương, niềm say mê lớn trong hàng trăm năm cùa hàng triệu con người.  Qua năm tháng “đêm trường dạ tối tăm mù mịt”, nhiều câu thơ Kiều đọng trong tâm hồn nhân gian bao ám ảnh:

“Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

“Phận” là thân phận, số phận. Theo quan niệm cũ, số phận của con người được sung sướng hay đau khổ là do một thế lực huyền bí, thiêng liêng định đoạt. Câu thứ nhất là lời cảm thán cho số phận đàn bà đau khổ.

“Bạc mệnh” hay mệnh bạc là số phận, số mệnh tiền định mỏng manh, đen tối, trải qua nhiều đau thương bất hạnh. “Bạc mệnh” không chỉ riêng ai mà là “lời chung”, là số phận đáng thương của hầu hết mọi người phụ nữ trong xã hội cũ. Hai câu thơ trên ông khóc của Thúy Kiều khi đứng trước nấm mồ Đạm Tiên một buổi chiều. Đó là tiếng khóc của nàng cho một người phụ nữ tài hoa bạc mệnh ngày xưa và tự khóc cho đời mình mai sau ( dự cảm). Ý thơ mang tính chất khái quát rất cao, thể hiện sâu sắc cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du qua “Truyện Kiều”.

Hai câu thơ trên đã nói lên bi kịch về thân phận của người phụ nữ ngày xưa: ! đau khổ, bạc mệnh. Nguyễn Du đã sống trong một thời đại đen tối là lúc chế độ phong Kiến suy tàn, đầy rẫy thối nát, bất công và dã man. “Truyện Kiều” đã phản ánh sống động và chân thực cái hiện thực đen tối ấy của xã hội phong kiến:

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

“Phận đàn bà” trong xã hội ấy là “đau đớn”, là “bạc mệnh”, tủi nhục không kể xiết. Lễ giáo phong kiến khe khắt, cổ hủ nặng nề: trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), đạo , “tam tòng” như sợi dây oan nghiệt thít chặt vào cổ người đàn bà (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Thân phận bếp núc, không được học hành, không có chút quyền hành gì ngoài xã hội. Nam nữ “thụ thụ bất thân”. Người con gái và nhan sắc chỉ để “mua vui” cho bọn vua chúa, quan lại, kẻ quyền quý… Hai chữ “bạc mệnh” trong lời thơ đã cực tả nỗi “đau đớn”, tủi nhục của khách “má hồng”.

Nguyễn Du đã phản ánh một sự thật đau lòng trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát. Nạn mất mùa, dịch bệnh, tệ áp bức bóc lột nặng nề của vua quan, chiến tranh, loạn lạc triền miên đã dìm người dân lành trong máu, nước mắt và đói rét. Phụ nữ và trẻ em là lớp người đau thương nhất: góa bụa, côi cút… Có người phải ăn xin “chết lăn rãnh đến nơi, thịt da béo cầy sói” (Những điều trông thấy). Có giai nhân “nổi danh tài sắc một thì” nhưng bạc mệnh: “Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng” (Đạm Tiên). Có thiếu nữ hiếu thảo, tài sắc vẹn toàn nhưng phải trải qua số kiếp “đoạn trường” nên phải nếm đủ mùi cay đắng nhục nhã “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” (Thúy Kiều)..:

Nguyễn Du bằng sự trải nghiệm của đời mình, đã từng mười năm trời lưu lạc, không thuốc men lúc ốm đau, vợ con chia lìa, anh em tan tác (Anh em tan tác nhà không có – Ngày tháng xoay vần tóc bạc rồi – Thơ chữ Hán), nên ông đã có sự đồng cảm sâu sắc, cảm thương vô hạn cho bao nỗi đau đớn của người phụ nữ bạc mệnh. Ông đã lên tiếng tố cáo những thế lực hắc ám, bạo tàn (quan lại, bọn lưu manh, lũ buôn thịt bán người, đồng tiền hôi tanh và bạo lực…) đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con người, của người phụ nữ. “Truyện Kiều” là tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng. Tiếng kêu thương ấy, nhà thơ đã gửi vào thân phận một người đàn bà “Những là oan khổ lưu li – Chờ cho hết kiếp còn gì là thân”

Hai câu thơ:

“Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Đúng như Tố Hữu đã nói “Còn đọng nỗi đau nhân tình”. Nó chứa chan tinh thần nhân đạo cao đẹp.

Câu thơ của Nguyễn Du cho đến nay vẫn cách mạng đã xác nhận quyền nam nữ bình đẳng. Người phụ nữ đã có vai trò rộng lớn trong xã hội. Đảm đang việc nước, đảm đang việc nhà, người phụ nữ đã và đang phát huy tài năng, đức hạnh trong sản xuất, học tập và chiến đấu:

“Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử,

Nắng cho đời hàn cũng nắng cho thơ”.

(Huy Cận)

Bài Mẫu Số 7: Cách bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung độc đáo nhất

Coi thử bài này ” Chị em tôi toả nắng vàng lịch sử Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ ” Có thể nói, ngày nay, vị trí của người phụ nữ đã được đề cao, tôn vinh. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời và đã để lại nhiều hình ảnh bóng sắc trong văn thơ hiện đại. Nhưng thật đáng tiếc thay, trong xã hội cũ người phụ nữ lại phải chịu một số phận đầy bị kịch và đáng thương: ” Đau đớn thay thân phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung ” Câu thơ trên đã hơn một lần xuất hiện trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du giống như một lời than đứt ruột. Chả thế mà chị em miền núi lại than rằng ” Thân em chỉ là thân con bọ ngựa, chao chược mà thôi ! “, còn chị em miền xuôi lại than mình như con ong cái kiến. Đây không phải là một lời nói quá mà điều này lại được thể hiện khá phổ biến trong văn học Việt Nam, trong ” Bánh trôi nước ” của Hồ Xuân Hương, trong Truyền Kì mạn lục, đặc biệt là trong 2 tác phẩm ” Truyện Kiều ” của Nguyễn Du và ” Chuyện người con gái Nam Xương ” của Nguyễn Dữ. Trong một xã hội phong kiến suy tàn và thối nát lúc bấy giờ, số phận của người phụ nữ thật bé nhỏ, long đong lận đận: Thân em như trái bần trôi Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu Nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương cũng đã hơn một lần phải kêu than thay cho người phụ nữ : “Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non” Văn học thời ấy cũng đã nhắc nhiều đến kiếp đời của người phụ nữ, mà có lẽ điển hình trong số ấy là nhân vật Vũ Nương ( ” Chuyện người con gái Nam Xương ” ). Tục ngữ có câu ” Gái có công thì chông chẳng phụ ” thế nhưng công lao của Vũ Nương chắng những không được biết đến mà chính nàg còn phải hứng chịu những phũ phàng của số phận. Nàng phải một mình một bóng âm thầm phụng già dạy trẻ, những nỗi khổ tâm của một người phụ nữ mòn mỏi chờ chồng. Những tưởng khi giặc tan, chồng về, gia đình được sum vầy hạnh phúc thì không ngờ giông bão đã ập đến. Bóng đen của cơn ghen đã làm cho Trương Sinh lú lẫn, mù quáng, chỉ nghe đứa con trai nói những lời ngây thơ mà đã hàm oan cho người vợ hiền thảo. Trương Sinh chẳng những không tra hỏi mà đánh đập phũ phàng rồi ruồng rẫy đuổi nàng đi, không cho nàng thanh minh. Bị dồn vào bước đường cùng, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để minh chứng cho tấm lòng trinh bạch của mình. Người đời sau vẫn truyền nhau câu chuyện này để xót thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh. Bên cạnh Vũ Nương, một hình ảnh nổi bật nữa là nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du. Thật hiếm có người phụ nữ nào trong văn học có một số phận “đoạn trường” như Vương Thuý Kiều trong Truyện Kiều. Nguyễn Du đã tạo nên một hình tượng người phụ nữ tài hoa bị xã hội phong kiến xưa xô đẩy vùi dập với một tinh thần nhân đạo cao cả. Ngay từ đầu tác phẩm, nhận định của tác giả “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” đã dự báo cho điều đau đớn này. Thuý Kiều mang một vẻ đẹp đằm thắm, mảnh mai là thế, tài sắc lại vẹn toàn hiếu nghĩa, đáng ra nàng phải được sống hạnh phúc, êm ấm, vậy mà do một biến cố trong gia đình nên đã bị bán đi với cái giá ngoài 400 lạng vàng. Bất hạnh này mở đầu cho hàng loạt bất hạnh khác mãi cho tới khi nàng tìm tới sông Tiền Đường để tự vẫn. Dẫu biết kết chuyện Thúy Kiều được về sum họp với gia đình nhưng cả một kiếp người trôi nổi truân chuyên ấy đã vùi dập cả một trang sắc nước hương tài. Độc giả đã khóc cho bao lần chia phôi vĩnh viễn, những tháng ngày sống không bằng chết trong lầu Ngưng Bích, những nỗi tủi nhục vò xé thân mình của Thuý Kiều. Số phận bi đát ấy của người con gái đã khiến muôn đời sau phải thốt lên “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Có lẽ bi kịch của Vũ Nương và Thúy Kiều cũng là nỗi đau chung của thân phận người phụ nữ xưa, là kết quả của bao nhiêu nguyên nhân mà chế độ phong kiến đã sản sinh ra làm cho cuộc đời của họ thật bi đát. Từ những kiếp đời bạc mệnh ấy Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã góp phần khái quát lên thành lời chung, thành kiếp đau khổ chung của người phụ nữ, mà từ xa xưa số phận ấy cũng đã được thể hiện trong lời ca dao: Thân em như hạt mưa sa Hạt rơi xuống giếng, hạt ra đồng ngoài Đó không chỉ là tiếng kêu thương mà còn là lời tố cáo, vạch trần thực trạng xã hội đen tối, thế lực và tiền bạc lộng hành, đồng thời cũng gián tiếp lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn . Với chế độ nam quyền : ” Trọng nam khinh nữ ” , người phụ nữ đã bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng, nhân phẩm bị chà đạp. Họ bị ràng buộc bởi những lễ giáo fong kiến khắc nghiệt như đạo ” tam tòng ” , hay các quan niệm lạc hậu như ” nữ nhân ngoại tộc “… Số phận của người phụ nữ hoàn toàn bị phụ thuộc, chà đạp, thậm chí còn bị coi như món hàng: Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai Thế nhưng ta còn thấy được rằng, cho dù xã hội có cay độc đến đâu, hoàn cảnh có nghiệt ngã thế nào, người phụ nữ xưa vẫn giữ được phẩm chất trong sạch đáng trân trọng : “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son ” Vẫn giữ được vẻ đẹp tiềm tàng, trinh tiết : “Thân em như củ ấu gai Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen” Vẫn chân thành tha thiết trong tình yêu : ” Thân em như mít trên cây Da nó su si nhưng múi lại dày Quân tử có thương thì đóng cọc Đừng nên mân mó nhựa ra tay ” Vẫn thủy chung, sắt son, mặn mà, nồng thắm : ” Chồng em áo rách em thương Chồng người áo gấm xông hương mặc người ” Có thể thấy rằng cho dù thân phận người phụ nữ xưa như “giếng giữa đàng” đầy khổ đau, khó nhọc và cay đắng, không được tự định đoạt số phận của mình, nhưng họ vẫn luôn trinh bạch như đóa sen đầy hương sắc nở giữa nơi ao bùn. Ngẫm xưa lại nghĩ đến nay, đáng buồn thay tàn dư ấy của chế độ cũ vần còn ngơi ngớt cho đến ngày nay, trên nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn khá phổ biến. Nhất là ở nông thôn. Ngoài ra ở một số nước còn có những tổ chức phi nhân đạo xuất hiện nghề mua bán phụ nữ để trục lợi làm giàu, ở một số đất nước, dân tộc, quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ vẫn chưa được coi trọng. Người phụ nữ giờ đây đã được quyền bình dẳng, nhất là quyền tự do trong hôn nhân và quyền quyết định số phận của mình.Họ đang ngày càng khẳng định vị thế và tài năng của mình không kém gì cánh mày râu. Phụ nữ ngày nay là người phụ nữ đẹp cả ngoại hình và tâm hồn. Họ đã đang và sẽ cất lên tiếng nói cái tôi của mình trong thời đại mới. Và phụ nữ Việt Nam luôn cố gắng nỗ lực để xứng đáng với 8 chữ vàng của Hồ chủ tịch “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Mong rằng với nền văn minh đang ngày càng đổi mới và tiến bộ của nhân loại, người phụ nữ sẽ không còn phải than thân trách phận, rằng ” Đau…lời chung ”

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 10/2024!