Updated at: 20-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà” chuẩn nhất 03/2024.

I. Dàn ý Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả , tác phẩm, hình ảnh chiếc lược ngà.

2. Thân đoạn:

a. Là biểu tượng của tình phụ tử sâu nặng của cha con ông Sáu:

– Đối với ông Sáu:
+ Chiếc lược ngà là lời hứa với đứa con gái bé bỏng ông yêu thương hết lòng trước khi trở lại chiến trường.
+ Là kỉ vật chứa đựng tình cha con sâu nặng mà ông tạo ra bằng tất cả yêu thương dành cho con.

– Đối với bé Thu:
+ Chiếc lược là kỉ vật duy nhất mà ba của cô – ông Sáu để lại cho cô
+ Nó là biểu tượng cho tình cảm sâu nặng mà ba cô dành tới cho cô.

b. Hình ảnh chiếc lược ngà còn gợi ra những đau thương do chiến tranh gây ra:

– Chiếc lược ngà là minh chứng cho sự ác liệt của chiến tranh mà đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam.
– Chiến tranh đã khiến cho bao gia đình Việt Nam phải chia cắt, xa lìa vĩnh viễn như cha con ông Sáu.

3. Kết đoạn:

– Khẳng định ý nghĩa của hình ảnh Chiếc lược ngà.

Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà trong tác phẩm cùng tên hay nhất- Mẫu 1

Có người đã từng nhận xét: “Những chi tiết nhỏ trong mỗi truyện ngắn giống như một dây tóc bóng đèn, tuy nhỏ bé nhưng có tác dụng phát sáng lên cả câu chuyện”. Hình tượng chiếc lược ngà trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một chi tiết như vậy. Chiếc lược ngà chính là kỉ vật cuối cùng người cha gửi tặng cho con gái trước lúc hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Trước tiên, chiếc lược ngà ấy thể hiện tình cảm yêu thương, mong nhớ của ông Sáu dành cho con. Đó chính là hiện thân cho trái tim của người cha dành trọn vẹn cho đứa con gái duy nhất của mình. Có thể nói, chiếc lược ấy chính là minh chứng sáng ngời cho tình cha con bất diệt trong hoàn cảnh éo le của cuộc chiến tranh. Không chỉ yêu thương, đó còn là lời hứa, là kỉ vật thiêng liêng vì trước khi chia tay, bé Thu dặn ba về ba mang cho con chiếc lược ngà. Chiếc lược còn thể hiện sự khéo léo, tài năng của người lính, người lính Việt Nam không chỉ là những anh hùng chiến trận mà còn là những người nghệ sĩ, đầy tài năng. Chiếc lược ngà như một lời xin lỗi của người cha vì đã trót đánh con trong những ngày về thăm nhà. Không dừng lại ở đó, chiếc lược còn là cầu nối cho những tình cảm mới mẻ, cao đẹp của con người. Chiếc lược nhỏ bé ấy đã được người đồng đội trao lại cho cô con gái yêu dấu của người lính xấu số. Ở đây, ta bắt gặp thêm một thứ tình cảm thiêng liêng vừa dấy lên của người trao lược và người nhận lược: tình cha con. Vì thế mà chiếc lược còn có ý nghĩa nốt kết những tình cảm cao đẹp giữa người với người. Đây là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa thể hiện chủ đề tác phẩm: ca ngợi tình cha con, tình cảm gia đình trong chiến tranh. Chiếc lược ngà đã đạt giá trị sâu sắc cả về nội dung và hình thức, và sẽ còn gây được những xúc động cho người đọc hôm nay và cả mai sau.

Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà trong tác phẩm cùng tên hay nhất- Mẫu 2

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn nổi tiếng của Nam Bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông có nhiều tác phẩm hay viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong đó phải kể tới truyện ngắn “Chiếc lược ngà”. Hình ảnh chiếc lược ngà là một trong những chi tiết đặc sắc nhất trong tác phẩm, đó không chỉ là món quà của ông Sáu tặng cho bé Thu mà còn là biểu tượng cho tình phụ tử sâu nặng. Chiếc lược ngà là kỉ vật cuối cùng mà ông Sáu – một chiến sĩ người Nam Bộ gửi lại cho con gái của mình. Đối với ông Sáu, chiếc lược ấy chứa đựng tình yêu thương, niềm mong mỏi và cả “nỗi hối hận đánh con” của ông. Nó là thứ kỉ vật ông đã hứa mang về cho đứa con gái nhỏ mà ông chỉ mới được gặp có hai lần. Khi nhặt được “khúc ngà”, ông Sáu đã “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Và từ hôm đó, “những lúc rỗi”, ông Sáu lại “thận trọng, tỉ mỉ và cố công” cưa từng chiếc răng lược. Đến khi hoàn thành chiếc lược nhỏ, ông Sáu còn “gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Có thể thấy, chiếc lược ấy chứa đựng bao nhiêu là tình yêu thương của người cha dành cho con mình. Còn với bé Thu, chiếc lược ngà ấy là biểu tượng, là kỉ vật tượng trưng cho tình thương của cha. Chiếc lược ấy là hiện thân của người cha mà bé Thu đã phải xa cách lâu ngày. Không chỉ biểu tượng cho tình phụ tử thắm thiết của cha con ông Sáu, bé Thu, nó còn là hình ảnh gợi cho ta những khốc liệt, đau thương của chiến tranh. Chiến tranh đã cướp đi của bé Thu người cha mà bé yêu quý, cướp đi tuổi thơ, hạnh phúc bên người cha của cô, khiến gia đình cô phải chia cắt vĩnh viễn. Hình ảnh chiếc lược ngà là chi tiết hay và đắt giá trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng. Nó là minh chứng cho tình phụ tử mãnh liệt, không thể chia cắt, là biểu tượng cho những đau thương của chiến tranh gây nên.

Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà trong tác phẩm cùng tên hay nhất- Mẫu 3

Những chi tiết nhỏ có thể tạo nên thành công cho một tác phẩm và chi tiết hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một chi tiết như thế. Không chỉ thể hiện tình cảm cha con thắm thiết sâu nặng giữa hai cha con ông Sáu và bé Thu, hình ảnh chiếc lược ngà trong tác phẩm còn gợi ra cho ta những đau thương mà chiến tranh gây ra cho con người, nhân dân Việt Nam. Trong giây phút chia tay, ông Sáu đã hứa làm tặng cho bé Thu một chiếc lược ngà. Chính vì thế khi nhặt được một khúc ngà ở trong rừng, ông Sáu đã “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Tình phụ tử sâu nặng làm động lực cho ông ngày đêm “thận trọng, tỉ mỉ và cố công” để “cưa từng chiếc răng lược”. Và khi chiếc lược đó được hoàn thành, nó là cầu nối cho tình cha con của ông, để mỗi lần nhớ con, ông đều mang nó ra ngắm. Chiếc lược ấy đã phần nào “gỡ rối” cho tâm trạng nhớ con của ông Sáu, cũng phần nào làm ông bớt đi niềm “hối hận đánh con” ngày trước. Chiếc lược ấy chứa được tất cả những yêu thương, mong nhớ xa cách lâu ngày ông dành cho con gái nhỏ của mình. Thế nhưng, chiến tranh tàn nhẫn đã không để ông được trao tận tay con gái chiếc lược yêu thương ấy. Đến tận khi hi sinh, trong lòng ông Sáu “tình cha con là không thể chết được”, ông “móc cây lược”, nắm chặt trong tay cho tới khi bác Ba hứa sẽ mang về cho bé Thu, ông mới “nhắm mắt đi xuôi”. Chiếc lược ngà là thứ kỉ niệm, là cầu nối, là tình yêu thương hết lòng của người cha dành cho con. Và không chỉ thế, khi nhìn thấy chiếc lược ngà ấy, chúng ta còn thấy được những đau thương, chua xót mà chiến tranh đế quốc Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Chiếc lược ấy là minh chứng cho sự tàn ác, khốc liệt của những bom đạn kẻ thù đã chia cắt đi tình phụ tử sâu nặng giữa cha con ông Sáu. Chiến tranh đã khiến ông Sáu phải rời xa đứa con gái yêu thương mãi mãi và bé Thu vĩnh viễn mất đi người cha yêu quý của mình. Hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho ta nhiều ấn tượng sâu sắc.

Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà trong tác phẩm cùng tên hay nhất- Mẫu 4

Hình ảnh chiếc lược ngà là một trong những chi tiết hay và đắt giá nhất trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Chiếc lược ngà xuất hiện ở phần cuối của tác phẩm, đó là món quà đặc biệt mà ông Sáu làm tặng cho bé Thu. Chiếc lược ngà được ông Sáu “thận trọng, tỉ mỉ và cố công” “cưa từng chiếc răng” trên khúc ngà. Và khi chiếc lược được hoàn thành, ông đã “gò lưng, tỉ mẩn khắc” lên thân lược dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Dòng chữ đó chứa đựng tất cả những nỗi niềm yêu thương, mong nhớ trong xa cách của ông dành cho con gái bé bỏng của mình. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, ông Sáu đã chẳng kịp trao tận tay con gái của mình chiếc lược chứa đựng yêu thương đó. Đến tận lúc hi sinh, trong lòng ông Sáu vẫn chỉ có “tình cha con là không thể chết được”, ông đã “móc cây lược” trao lại cho bác Ba – người bạn thân của mình rồi mới có thể ra đi. Còn với con gái của ông – bé Thu, chiếc lược ấy là thứ kỷ vật duy nhất của người ba thân của cô để lại, là minh chứng chứng minh cho tình yêu con tha thiết mà ba cô muốn dành đến cho cô con gái nhỏ. Hình ảnh chiếc lược ngà đó còn in đậm trong tâm trí người đọc chúng ta bởi nó là kí ức của những đau thương chiến tranh đế quốc Mỹ đã gây nên cho dân tộc Việt Nam. Nó là bằng chứng, là lời tố cáo cho những tang thương, đau đớn, cho sự chia cắt gia đình, chia cắt tình cảm phụ tử sâu nặng. Có thể nói chi tiết hình ảnh chiếc lược ngà là một chi tiết vô cùng đặc sắc trong tác phẩm Chiếc lược ngà. Nó đã giúp tác giả làm sáng rõ tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng của tình phụ tử trong chiến tranh.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà trong tác phẩm cùng tên” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 03/2024!