Updated at: 08-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong tác phẩm Chuyên người con gái Nam xương của Nguyễn Dữ” chuẩn nhất 12/2024.

I. Dàn Ý Đoạn Văn Phân Tích Yếu Tố Kì Ảo Trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” và yếu tố kì ảo trong truyện.

2. Thân đoạn:

a. Những yếu tố kì ảo:

– Phan Lang nằm mộng “thấy người con gái áo xanh đến xin tha mạng”, hôm sau được người phường chài “đem đến biếu một con rùa mai xanh”. Chàng bèn thả đi.
– Phan Lang bị đắm thuyền, chết đuối, trôi dạt vào “động rùa ở hải đảo”, Đức Linh Phi nhận ra ân nhân, bèn cứu sống chàng rồi đưa chàng “ra khỏi nước”.- Phan Lang được ở thuỷ cung, được đãi yến tiệc và gặp lại Vũ Nương – người đã “gieo mình” xuống bến Hoàng Giang từ hôm một năm trước.
– Vũ Nương sống lại, trở về sau khi được giải oan: ngồi “trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng” nước ở bến Hoàng Giang, nói vọng vào lời tạ từ với chồng rồi biến mất.

b. Ý nghĩa của việc sử dụng yếu tố kì ảo:

– Đối với cốt truyện: làm cho câu chuyện thêm phần li kì, huyền bí, hấp dẫn người đọc.

– Đối với nhân vật: làm rõ thêm tính cách, số phận của nhân vật:
+ Vũ Nương: là một người phụ nữ truyền thống với những đức tính tốt đẹp, trọng tình nghĩa nên được cứu sống khi “gieo mình” xuống sông.
+ Phan Lang: là một người nhân hậu, trọng tình cảm nên cũng được cứu sống khi bị chết đuối.

– Đối với việc thể hiện quan điểm của tác giả:
+ Giúp Nguyễn Dữ bày tỏ sự phê phán về xã hội phong kiến bất công, chiến tranh phi nghĩa, đẩy con người ta vào đường cùng, cái chết.
+ Bày tỏ sự thương cảm của ông với những số phận nhỏ bé, bi kịch.

– Đối với nhân dân: Góp phần bày tỏ ước mơ, khát vọng của nhân dân về một xã hội công bằng.

3. Kết đoạn:

– Khẳng định ý nghĩa của việc sử dụng yếu tố kì ảo, giá trị của tác phẩm.

Đoạn văn phân tích ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong tác phẩm Chuyên người con gái Nam xương của Nguyễn Dữ- Mẫu 1

       Yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đã được tác giả Nguyễn Dữ thể hiện thật nhiều ở phần kết với những yếu tố trong truyện cổ tích. Đó là chi tiết Phan Lang – người cùng làng với Vũ Nương nằm mộng thả rùa và khi Phan Lang chạy nạn bị chết đuối đã được thần rùa Linh Phi cho uống thuốc tiên sống lại, cho trở về trần gian. Đó là chi tiết Vũ Nương được Trương Sinh lập đàn giải oan trên bờ Hoàng Giang và trở về trên chiếc kiệu hoa lấp lánh giữa dòng lúc ẩn, lúc hiện. Đây cũng là những chi tiết làm hoàn thiện nét đẹp tâm hồn của Vũ Nương: vẫn luôn khát khao được phục hồi danh dự, vẫn mong muốn được chăm lo cho chồng con, nhà cửa. Và đồng thời đây cũng phần nào là một kết thúc có hậu, thể hiện được ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng trong cuộc đời người tốt dù có bị nghi oan rồi cũng được đền trả xứng đáng và cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác.

Đoạn văn phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 2

Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, bên cạnh yếu tố tả thực, tác giả Nguyễn Dữ còn đưa vào những yếu tố kì ảo đặc sắc để gửi gắm những quan niệm và bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Yếu tố kì ảo được xuất hiện trong phần cuối của tác phẩm, khi Vũ Nương được Linh Phi cứu, nàng trở lại dương gian để tạm biệt chồng con rồi trở về thủy cung. Yếu tố kì ảo còn được thể hiện qua chi tiết Vũ Nương khi nàng trở về sau khi được giải oan. Nàng “ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng” nước mênh mông của Hoàng Giang mà “nói vọng vào” những lời tạ từ với Trương Sinh rồi “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần” và biến mất khỏi dòng nước. Những yếu tố kì ảo tuy chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng đã làm nên sự hấp dẫn, sự li kì, đặc sắc, cuốn hút người đọc cho những câu chuyện truyền kì. Thông qua những yếu tố kì ảo, tác giả Nguyễn Dữ đã lên án xã hội phong kiến bất công, chiến tranh phi nghĩa đã đẩy con người, đặc biệt là người phụ nữ tới đường cùng. Qua đó, ông cũng bày tỏ sự thương cảm sâu sắc của mình trước những số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Yếu tố kì ảo cũng là một chi tiết mà người dân ta dùng để bày tỏ những ước mơ, nguyện vọng của mình về một xã hội công bằng, công lý cho những người dân nghèo, bé nhỏ trong xã hội. Qua những chi tiết kì ảo trên, tác giả Nguyễn Dữ đã cho ta thấy được cuộc sống, số phận của những con người nhỏ bé, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Từ đó ta càng thêm trân trọng, yêu quý những người phụ nữ truyền thống, xinh đẹp, nết na như Vũ Nương.

Đoạn văn phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 3

“Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện truyền kì mang màu sắc kì ảo. Sự xuất hiện của những yếu tổ kì ảo trong các tác phẩm đã đem tới cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Vũ Nương là một người phụ nữ đoan trang, đẹp người đẹp nết nhưng lại phải chịu nỗi oan khuất. Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, nhà văn Nguyễn Dữ đã đưa vào đoạn cuối của tác phẩm những yếu tố kì ảo để mang lại một cái kết có hậu cho câu chuyện của nàng Vũ Nương. Đó là hình ảnh khi Vũ Nương sống lại và trở về dương gian “trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng” và “nói vọng vào” lời tạ từ với Trương Sinh, chồng nàng sau đó biến mất. Yếu tố kì ảo còn được thể hiện qua hình ảnh của nhân vật Phan Lang, khi chàng nằm mộng “thấy người con gái áo xanh đến xin tha mang” và ngay sáng hôm sau, chàng được người khác tặng cho “một con rùa mai xanh”. Chàng bèn đem con rùa ấy thả đi xuống biển. Vậy nên khi Phan Lang chạy giặc mà bị “đắm thuyền” chết đuối ngoài biển, được Đức Linh Phi – vợ vua biển Nam Hải trông thấy, sai người cứu sống chàng và đưa chàng trở lại quê hương. Sự xuất hiện của yếu tố kì ảo trong câu chuyện đã khiến câu chuyện truyền kì như một áng văn cổ tích huyền ảo, li kì, tạo nên sức hấp dẫn vô cùng cho người đọc. Những yếu tố kì ảo còn giúp ta hiểu rõ những quan điểm cho tác giả Nguyễn Dữ. Ông muốn thông qua những yếu tố ấy để lên án xã hội phong kiến bất công, chiến tranh phi nghĩa đã đẩy người phụ nữ vào bi kịch của cuộc đời, đồng thời thể hiện sự thương cảm sâu sắc cho số phận bất hạnh của người phụ nữ xưa. Thêm vào đó, những yếu tố kì ảo còn giúp những người dân “thấp cổ bé họng” bày tỏ niềm mong ước của họ về một xã hội công bằng, công lý khi những người hiền lành có được cái kết tốt đẹp hơn. Bằng việc kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo, nhà văn Nguyễn Dữ đã thành công tái hiện số phận của người phụ nữ xưa đồng thời giúp cho câu chuyện của mình có thêm nhiều cung bậc cảm xúc, sự li kì, hấp dẫn, ấn tượng.

Đoạn văn phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 4

Kì ảo là một trong những yếu tố làm nên sự đặc trưng cho những câu chuyện truyền kì. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương” tác giả Nguyễn Dữ đã thành công trong việc sử dụng yếu tố thần kì để truyền tải, gửi gắm những nội dung, thông điệp. Yếu tố kì ảo đầu tiên được nhắc tới trong tác phẩm là khi nhân vật Phan Lang nằm mộng ” thấy người con gái áo xanh đến xin tha mạng” thì ngay sáng hôm sau, Phan Lang lại được người trong phường chái “đem vào biếu một con rùa mai xanh”. Thấy vậy, Phan Lang “bèn đem thả con rùa ấy” đi. Chi tiết kì ảo thứ hai trong Chuyện người con gái Nam Xương là khi Phan Lang bị “đắm thuyền” chết đuối ngoài bể lại được Đức Linh Phi “vợ vua biển Nam Hải” cứu sống. Sau đó, Đức Linh Phi còn cử sứ giả đưa Phan Lang trở lại dương gian. Một chi tiết kì ảo nữa đó là Vũ Nương khi “gieo mình xuống sông” chết thì được Linh Phi động lòng thương cứu sống và gặp lại Phan Lang ở chốn thuỷ cung. Chi tiết kì ảo cuối cùng trong truyện là khi Vũ Nương “ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng sông” nói những lời tạ từ với chồng nàng là Trương Sinh rồi biến mất. Những chi tiết kì ảo trong truyện chỉ là những chi tiết nhỏ thế nhưng lại mang những ý nghĩa rất lớn, góp phần tạo nên thành công cho Chuyện người con gái Nam Xương. Yếu tố kì ảo không chỉ giúp cho câu chuyện kể mang màu sắc huyền ảo, li kì, làm tăng sự hấp dẫn, cũng như tính sống động của câu chuyện mà còn là “phương tiện” gửi gắm những thông điệp, quan niệm về nhân sinh. Thông qua yếu tố kì ảo, ta thấy được quan điểm của tác giả khi lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến bất công đã đẩy người phụ nữ vào đường cùng đau đớn và phải lấy cái chết để minh oan cho chính mình. Những chi tiết kì ảo trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương còn thể hiện ước mơ về lẽ phải, sự công bằng công lý trong xã hội của người dân ta. Việc sử dụng yếu tố kì ảo đã giúp Chuyện người con gái Nam Xương mang thêm màu sắc kì bí cũng như tạo nên sự hấp dẫn, đầy cảm xúc cho câu chuyện.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong tác phẩm Chuyên người con gái Nam xương của Nguyễn Dữ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 12/2024!