Updated at: 20-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư” chuẩn nhất 11/2024.

I. Dàn Ý Đoạn Văn Phân Tích Nhân Vật Cô Kĩ Sư Trong Truyện Ngắn Lặng Lẽ Sa Pa (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” và nhân vật cô kĩ sư.

2. Thân đoạn:

a. Khái quát chung:

– Cô kĩ sư là một cô gái trẻ, mới ra trường.
– Quyết định nhận việc tại Ti Nông nghiệp Lai Châu trên vùng đất Tây Bắc xa xôi.
– Cô mang trong mình niềm háo hức, say mê được khám phá những chân trời mới nhưng đồng thời trong cô vẫn còn những mông lung, mơ hồ về quyết định của mình.

b. Khi gặp anh thanh niên:

– Gặp anh thanh niên, được anh kể về công việc, về những con người như anh, cô kĩ sư mới “bàng hoàng” nhận ra cuộc sống “mạnh mẽ tuyệt đẹp của anh”.
– Cô can đảm hơn, “yên tâm hơn về quyết định của mình” và cả quyết định từ bỏ “mối tình nhạt nhẽo” mà cô gắn bó.
– Ánh sáng từ con người, tâm hồn anh đã chiếu rọi lên tâm hồn còn mơ hồ của cô, khiến cô tự tin vào bản thân mình hơn.
– Anh thanh niên đã cho cô nhiều thứ không chỉ là bó hoa anh tặng cô mà còn là “bó hoa của những háo hức và mơ mộng”, hay “một cái gì đó nữa” mà anh “ngẫu nhiên” trao cho cô.

c. Khi chia tay anh thanh niên:

– Cô “chìa tay cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì”: lời cảm ơn cũng là món quà mà cô kĩ sư dành tặng lại cho người thanh niên khi anh đã cho cô hiểu thêm nhiều điều trong cuộc gặp gỡ bất ngờ này.
– Rời khỏi căn nhà của anh, cô thấy mình “rực rỡ theo” những bông hoa dưới ánh mặt trời bởi cô đã tìm được niềm tin, lý tưởng của mình.

d. Đánh giá:

– Cô kĩ sư là một người con gái mạnh mẽ, có lý tưởng và rất can đảm
– Cô là đại diện cho thế hệ thanh niên đang cố gắng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

e. Nghệ thuật:

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật và nội tâm nhân vật rất tinh tế.
– Ngôn từ trẻ trung, giản dị, gần gũi.

3. Kết đoạn:

– Khẳng định vẻ đẹp của cô kĩ sư.

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư hay nhất- mẫu 1

Lặng lẽ Sa Pa là một tác phẩm đầy chất thơ bởi cảnh vật mộng mơ và cả những con người đang hăng say trong công cuộc lao động mới. Cô kĩ sư là đại diện cho lớp thanh niên trẻ đi tìm lí tưởng cuộc đời và đã bắt gặp được lẽ sống ấy trong cuộc gặp gỡ tình cờ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, những điều anh nói, cả chuyện anh kể về những người khác đã khiến cô bàng hoàng, “cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh” và quan trọng hơn nữa về con đường mà cô đã lựa chọn, cô đang đi tới (việc lên công tác ở miền núi). Đây là cái bàng hoàng đáng lẽ cô phải biết khi yêu, nhưng bây giờ cô mới biết, nó còn giúp cô dánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ và yên tâm hơn về quyết định của mình. Đó là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ toả ra từ cuộc sống tâm hồn người khác. Cùng với sự bàng hoàng ấy là một tình cảm hàm ơn với người thanh niên, không phải chỉ vì bó hoa to mà anh tặng cô một cách hết sức vô tư, mà còn vì “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”. Tóm lại, thông qua những cảm xúc và suy nghĩ cùng thái độ cảm mến của những nhân vật khác, hình ảnh nhân vật anh thanh niên được hiện ra càng rõ nét và đẹp hơn, gợi ra nhiều ý nghĩa như là đã được lọc qua thứ ánh sáng tâm hồn trong trẻo và rực rỡ khiến hình ảnh ấy rạng rỡ hơn, ánh lên nhiều sắc màu hơn. Đây là một thủ pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng thành công trong việc xây dựng nhân vật chính của truyện.

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư hay nhất- mẫu 2

Cô là kĩ sư trẻ mới ra trường, hăng hái xung phong lên Lào Cai nhận công tác, vừa mới bước qua cuộc đời sinh viên chật hẹp, dám từ bỏ chốn phồn hoa đô hội và một mối tình đơn điệu, tẻ nhạt. Cô đang bước vào một cuộc sống mới gian truân, vất vả nhưng thật cao đẹp đáng tự hào. Gặp anh thanh niên, 1 người yêu đời, yêu công việc, có lí tưởng sống đẹp. Phong cách, lối sống của anh đã tỏa sáng, truyền cho cô một sức mạnh, niềm tin để cô thêm vững bước về con đường mình đã chọn. Cô biết ơn anh không chỉ vì bó hoa đẹp mà anh đã tặng mà còn bởi anh đã thắp lên trong cô những tình cảm lớn lao, đẹp đẽ, tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu con người. Nhân vật cô kĩ sư đẹp như bó hoa cô cầm trên tay, những tình cảm, những suy nghĩ, tấm lòng biết ơn mà cô dành cho anh thanh nhiên đã góp phần tô đậm hơn vẻ đẹp bức chân dung nhân vật chính.

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư hay nhất- mẫu 3

Cô kĩ sư là 1 hình ảnh cao đẹp của tuổi trẻ. Cô vừa mới tốt nghiệp ra trường, đã tình nguyện lên miền núi Lai Châu công tác. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên đã khiến cô bàng hoàng. Cô hiểu thêm cuộc sống 1 mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về thế giới của những con người như anh. Cuộc gặp gỡ còn giúp cô đáng giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô chối từ nó và yên tâm hơn về quyết định đó của mình. Cùng với sự bàng hoàng ấy là một tình cảm hàm ơn với người thanh niên. Không phải vì bó hoa to mà anh tặng cô 1 cách hết sức vô tư mà còn vì “1 bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những người háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho cô”. Cô kĩ sư cũng như các nhân vật khác trong truyện đã góp phần làm hoàn chỉnh góc nhìn về anh thanh niên.

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư hay nhất- mẫu 4

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” là câu khẩu hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để nói về sự sẵn sàng cống hiến của thế hệ trẻ Việt Nam. Không chỉ là trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mà ngay vào thời bình, họ vẫn luôn cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Điều đó đã được nhà văn Nguyễn Thành Long ghi lại trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”. Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, cô kĩ sư trẻ cũng là một người lao động đáng quý giữa thiên nhiên Sa Pa. Cô kĩ sư là một người con gái “vừa đỗ” kỹ sư và đang trên đường “đi nhận việc ở Ti Nông nghiệp Lai Châu”, bỏ lại sau lưng mối tình đầu nhạt nhẽo. Là một người con gái trẻ, vừa rời ghế nhà trường nên “cái gì cũng làm cô háo hức”. Trong cuộc gặp gỡ với anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn, nghe anh kể về công việc và cuộc sống của mình, của nhiều người khác, những điều đó đã khiến người con gái trẻ “bàng hoàng”. Bất chợt, cô kĩ sư như “hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh mà anh kể và về con đường mà cô đang đi tới”. Cũng chính nhờ người thanh niên ấy mà cô hiểu được, yên tâm hơn về quyết định khi từ bỏ “mối tình nhạt nhẽo” của mình và hiểu rằng thế giới của cô bấy lâu nay thật tầm thường, nhỏ bé biết bao. Ánh sáng từ người thanh niên, từ “quyển sách” mà anh đọc đã chiếu rọi lên cô, làm bừng tỉnh những khát khao, những suy nghĩ mới mẻ, đẹp đẽ trong con người cô. Cô thầm “hàm ơn” người thanh niên ấy đã khiến cô nhận ra con đường phía trước của mình với bao nhiêu điều đẹp đẽ đang chờ đón. Đến lúc biết sắp phải chia tay anh, cô kĩ sư mới bàng hoàng “loay hoay tìm trong túi xách”, cô muốn để lại cho anh một điều gì “kỉ niệm của lần gặp gỡ này”. Bó hoa mà anh tặng theo cô xuống những bậc thang sườn núi. Bó hoa ấy “rực rỡ” giữa ánh mặt trời và cô gái cũng cảm thấy mình như “rực rỡ theo” bởi cô đã nhận được bài học về ý nghĩa của cuộc đời mình. Cô kĩ sư trẻ trong “Lặng lẽ Sa Pa” cũng như người thanh niên, họ đều là những con người của thế hệ trẻ đang cố gắng cống hiến sức lực của mình để xây dựng đất nước. Chỉ với vài nét phác họa cùng những đoạn miêu tả nội tâm ngắn ngủi, Nguyễn Thành Long đã dựng lại hình ảnh của cô kĩ sư trẻ với lý tưởng sống cao đẹp, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm xây dựng đất nước 1970.

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư hay nhất- mẫu 5

Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả Nguyễn Thành Long. Ở miền Tây Bắc của Tổ quốc, ông đã được tận mắt nhìn thấy những con người cống hiến thầm lặng mà hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Bên cạnh hình ảnh của anh thanh niên là cô kĩ sư trẻ với khát vọng sống, lý tưởng sống cao đẹp. Cô kĩ sư ấy là một người con gái trẻ vừa rời ghế nhà trường tại Hà Nội đã nhận công tác lên tận vùng Lai Châu xa xôi. Thế nhưng trong cô vẫn còn mông lung những hoài bão, lý tưởng, mông lung với quyết định khi chia tay “mối tình nhạt nhẽo” của mình cho tới khi cô gặp người thanh niên trẻ trên đỉnh Yên Sơn. Gặp anh, nghe anh kể về cuộc sống của mình, cô gái ấy mới “bàng hoàng” nhận ra cuộc sống trước đây của mình thật quá đỗi tầm thường và bé nhỏ. Cô được tìm hiểu về thế giới của những con người với lý tưởng cao đẹp và cô “hiểu thêm về cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về thế giới những con người như anh mà anh kể”. Cô đã “hàm ơn” người thanh niên đó biết bao, anh đã khiến cô nhận ra bao nhiêu điều đẹp đẽ, tốt lành ở cuộc đời này như một “bó hoa của những háo hức và mộng mơ”. Cô kĩ sư cũng như anh thanh niên là những con người trẻ đang cố gắng từng ngày cống hiến cho xã hội cho đất nước.

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư hay nhất- mẫu 6

Tuy chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong truyện ngắn nhưng hình ảnh của cô kĩ sư trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của tác giả Nguyễn Thành Long vẫn để lại trong lòng ta những ấn tượng sâu sắc về một cô gái mạnh mẽ, can đảm. Cô kĩ sư là một người con gái vừa tốt nghiệp đại học ở thành phố nhưng đã nhận việc ở tận Ti Nông nghiệp Lai Châu xa xôi. Cuộc sống mới, hành trình mới đem lại cho cô nhiều niềm háo hức, thế nhưng cô gái ấy vẫn còn nhiều những mông lung trong suy nghĩ, tâm trí của mình, về lý tưởng cô chọn, về cả mối tình mà cô vừa từ bỏ nữa. Chỉ đến khi cô gặp người thanh niên trẻ làm việc trên đỉnh Mẫu Sơn, cô mới chợt hiểu thêm về lý tưởng, về cuộc sống. Và cô chợt thấy mình “yên tâm hơn về quyết định của mình”, yên tâm hơn khi bỏ đi một “mối tình nhạt nhẽo”. Lí tưởng, cuộc sống của anh thanh niên đã khơi lên trong lòng cô kĩ sư trẻ nhiều những suy tư, những trăn trở mới mẻ và đẹp đẽ về cuộc đời, về con người. Đến lúc chia tay, cô đã “chia tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng” bởi cô muốn trao lại cho anh một điều gì đó như anh đã vô tình trao cho cô trong cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Cô kĩ sư ra về với bó hoa rực rỡ trên tay và dưới ánh nắng cỗ cũng thế mình “rực rỡ theo” bởi cô đã nhận ra được ý nghĩa về cuộc đời mình. Bằng những lời văn giản dị, bằng cách miêu tả sống động, cách xây dựng nhân vật tinh tế, Nguyễn Thành Long đã cho ta thấy hình ảnh của một người con gái can đảm, dám rời bỏ những phồn hoa của thành thị để tìm đến những nơi xa xôi thực hiện lý tưởng của mình. Cô kĩ sư là tấm gương của hàng ngàn những người thanh niên trẻ đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 11/2024!