Updated at: 19-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ Từ bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên” chuẩn nhất 04/2024.

I. Dàn Ý Từ Khúc Hát Ru Những Em Bé Lớn Trên Lưng Mẹ Và Con Cò, Hãy Phân Tích Cảm Xúc Nồng Nàn Yêu Thương Của Người Mẹ

1. Mở bài

– Trong thơ ca, văn học Việt Nam, tình mẫu tử là một đề tài hay và hấp dẫn đối với nhiều nhà thơ nhà văn.
– Trong đó cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ được thể hiện khá rõ trong hai bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên.

2. Thân bài

a. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm:
* Tình cảm gắn bó của mẹ với con trong lao động và chiến đấu:

– Tình mẫu tử mang hơi thở thời đại, một thời đại mà đất nước đứng lên giữa khói lửa đau thương, tình mẹ con lại càng trở nên sâu sắc và gắn bó vô cùng.

– Mẹ không nỡ để con một mình, mẹ thà vất vả thêm một chút cũng muốn được gần con mọi lúc mọi nơi, lúc giã gạo, lúc trỉa bắp và cả khi ra trận tuyến, vượt núi băng rừng.
– Tấm lưng, đôi vai, đôi tay mẹ vừa bế bồng con vừa làm nên chiến thắng của dân tộc

* Tình yêu con trong tâm khảm người mẹ và lý do chiến đấu:
– “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng” em cũng chính là mặt trời của mẹ, cho mẹ niềm tin và sức sống mạnh mẽ kiên cường, là lý do để mẹ lao động, để mẹ chiến đấu không ngừng nghỉ.
– Từ tình mẫu tử thiêng liêng đến tình yêu quê hương đất nước đều có một sự liên kết chặt chẽ. Trên tất cả, người mẹ can trường trong cả hậu phương và tiền tuyến chỉ vì một mong ước duy nhất “Mai sau con lớn làm người Tự Do…”.
– Cảm xúc yêu thương nồng nàn của người mẹ Tà-ôi không chỉ nằm trong ý nghĩa của từng câu thơ mà còn được thể hiện thông qua giọng thơ tha thiết, mang âm hưởng lời ru rất đỗi dịu dàng, trìu mến.

b. Con cò của Chế Lan Viên:
– Con cò khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa, vất vả, nhọc nhằn một nắng hai sương, với đức hy sinh cao cả dành cho gia đình, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng dành cho con cái của mình.
– Tình yêu của mẹ hóa thành lời ru ngọt ngào dẫn bước con vào đời, giáo dục cho con tình yêu quê hương đất nước ngay từ những ngày con thơ bé.
– Con sống dưới vòng tay che chở của mẹ sẽ chẳng biết đến những nỗi vất vả khốn khổ mà con cò phải chịu, me thay con gánh hết vất vả khó nhọc.
– Khi con bắt đầu đi học, thì mẹ vẫn luôn dõi đôi mắt yêu thương theo bước chân con, mẹ cử cò trắng đến cùng con đi học, chơi với con, ở với con, cò thay mẹ, cò cũng chính là tình yêu của mẹ dành cho con, thầm mong ước cho con một tương lai tốt đẹp, cuộc sống bình yên như một nhà thơ.
– Kể cả khi con đã khôn lớn mẹ vẫn luôn dõi theo bước chân con đến tận chân trời, vòng tay mẹ sẵn sàng ôm con vào lòng, mong ngóng con trở về dù con đã cao lớn, đã bay xa.
3. Kết bài

Nêu cảm nhận về tình mẫu tử thông qua hai bài thơ.

Phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ Từ bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên- Mẫu 1

Ôi! Lời ru của ai từ đàu vọng đến mà sao lại ngọt ngào, thiết tha và đằm thắm đến thế. Bỗng dưng tôi thèm được trở về cái tuổi nằm nôi, được mẹ hát ru và được lớn lên bằng chính lời ru của mẹ như đứa con trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguuễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”

  Ôi! Lời ru của ai từ đâu vọng đến mà sao lại ngọt ngào, thiết tha và đằm thắm đến thế. Bỗng dưng tôi thèm được trở về cái tuổi nằm nôi, được mẹ hát ru và được lớn lên bằng chính lời ru của mẹ như đứa con trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên. Cả hai bài thơ đều là cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ. Lời ru của mẹ đưa em vào giấc ngủ thần tiên rồi trở thành bản trường ca theo suốt dấu chân em. Chỉ xin làm thiên ca mang lời ru của mẹ bay vào cuộc sống loài người.

Mỗi người trong chúng ta dù giàu sang hay nghèo khổ, dù được sinh ra trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì đều trải qua một thời à ơi… tiếng mẹ đưa em vào giấc ngủ. Mẹ là người thầy đầu tiên dạy em bài học vỡ lòng, qua lời ru ngọt ngào, trìu mến mẹ đưa em vào thế giới mơ mộng thần tiên, chắp cánh cho tâm hồn em bao ước mơ tươi đẹp. Em cảm nhận được điều đó bằng trực giác tình yêu và sự chở che của mẹ. Lời ru của mẹ chính là dòng sữa ngọt ngào, nguồn nước trong mát chảy theo em trên suốt cuộc hành trình, để khi lớn lên trong nhịp hối hả của cuộc đời với bao lo toan, vất vả, lời ru của mẹ lại chính là nơi ngơi nghi của tâm hồn em. Bởi thế mà:

Ta đi trọn hiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

  Như lời ru của mẹ đã thấm vào trong huyết quản, chỉ đợi đến khi chín mùi là cất lên, Nguyễn Khoa Điềm và Chế Lan Viên đã viết lên những khúc ru bất hủ theo từng năm tháng. Mỗi khi lời ca của Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và Con cò được cất lên là em như đón nhận được hơi gió mát trong lành và lạ lẫm bởi sự cách tân đổi mới về hình thức lẫn nội dung. Cả hai đều mang âm hưởng của khúc hát dân ca nhưng đã được hình thức hóa thành khúc ca hiện đại, tuy nhiên vẫn giữ được tính chất Việt Nam thuần túy nguyên vẹn. Điểm giống của hai bài là đều có kết cấu ba phần chặt chẽ, cấu trúc như một khúc ru trải dài một mạch cảm xúc. Thế nhưng mạch cảm xúc từng bài lại được cất lên theo từng cung bậc tình cảm khác nhau.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là khúc ru nồng nàn cảm xúc yêu thương của người mẹ. Dù trong hoàn cảnh nào dù lao động vất vả hay đối mặt với kẻ thù hiểm nguy thì lời ru con vẫn luôn ngân vang trong tim mẹ: Lưng đưa nôi và tim hát thành tời. Thật đặc biệt mẹ không đưa em bằng chiếc võng đung đưa, kẽo kẹt mà mẹ đưa em bằng chính đôi lưng- của mình khi đang giã gạo nuôi bộ đội. Mẹ không ru em bằng tiếng À ơi… gió mùa thu mẹ ru con ngủ Năm canh chày thức đủ năm mà mẹ ru em bằng chính lời ca của trái tim” Ngủ ngoan Akay ơi ngủ ngoan Akay hỡi”. Chính lời ca này đã đưa em khôn lớn từng ngày bên mẹ để rồi trong từng nhịp chày nghiêng em nhận ra được nỗi gian nan vất vả  mà mẹ đang phải gánh chịu. Em cảm nhận được điều đó khi mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi. Như một sự sẻ chia, giấc ngủ của em cùng nghiêng theo nhịp chày của mẹ. Cảm nhận được tình yêu mẹ danh cho em. Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường! Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn. Em đi theo tiếng gọi của dân tộc để thực hiện ước mơ của mẹ. Dẫu em chưa biết gì là Tự do – Hạnh phúc nhưng em nhận ra được sự hối thúc trong lời ca của mẹ. Em sẽ chóng lớn, sẽ trở thành công dân của một đất nước tự do, em sẽ đi đánh thằng Mĩ, khi đi em cũng không quên mang theo lời ru của mẹ. Bởi nó chính là vũ khí, là niềm tin, là sức mạnh, là động lực để em có thể vượt qua mọi chông gai, lửa đạn của chiến trường mà hoàn thành ước vọng của mẹ. Thật đặc biệt, chỉ một lời ru thôi nhưng nó lại tác động mạnh đến tâm hồn trẻ thơ như thế.

Ru con là một điệu hát dân gian mang âm hưởng nhẹ nhàng và sâu lắng. Hát ru là một truyền thống văn hóa thể hiện bản sắc dân tộc. Thế nhưng không phải bài hát ru nào cũng đều giống nhau. Tùy từng vùng miền khác nhau mà mỗi bài mang một giai điệu, âm hưởng riêng. Nếu bà mẹ miền tây Thừa Thiên Huế trực tiếp gọi tên con qua lời ru thiết tha, dỗ dành con vào giấc ngủ Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi thì bà mẹ miền Nam lại thích dùng những hình ảnh biểu tượng tượng trưng gửi gắm những tâm tình tình cảm của mình qua lời ru trầm bổng, thiết tha và lai láng.

Cái cò… sung chát… đào chua

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ, mẹ ru con.

Liệu mai sau lớn, con còn nhớ chăng?

(Nguyễn Duy, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

Qua lời ru của mẹ ta bắt gặp hình ảnh con cò. Khi nói đến con cò hẳn không ai có thể quên bóng dáng:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Hay:

Quanh năm buôn bán ở ven sông.

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng.

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

(Tú Xương, Thương vợ!)

  Hình tượng con cò đã quá quen thuộc trong ca dao, nhất là trong những câu hát ru. Cùng với những hình ảnh khác của ca dao, con cò đi vào trong thơ ca vừa mang ý nghĩa vốn có của hình tượng con cò trong ca dao vừa chất chứa những suy tư riêng của mỗi nhà thơ. Quả vậy, từ hình ảnh con cò trong ca dao, Chế Lan Viên đã gửi gắm những suy ngẫm sâu sắc của mình để tạo ra một hình tượng con cò với ý nghĩa riêng, ngợi ca tình mẹ, thiêng liêng, ấm áp, ngợi ca sức mạnh đắp bồi, sinh dưỡng của hát ru. Như Khi lúc hát những em bé lớn trên lưng mẹ, Con cò của Chế Lan Viên cũng trải dài một mạch cảm xúc qua ba khúc ru của bài thơ. Khúc ru thứ nhất là lời ru về là dự cảm về cuộc đời và ý thức chở che, bà mẹ mượn hình ảnh con cò trong ca dao.

Con cò bay lả bay la

Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng

  Để dỗ dành con thơ vào giấc ngủ an lành. Khúc ru thứ hai là lời ao ước cho con trong tương lai, con cò vào trong giấc mơ của con, là biểu tượng của ước mơ khát vọng sáng tạo. Khúc ru thứ ba là lời nhắn nhủ về tình mẹ sâu nặng dành cho con trong suốt cuộc đời. Cuộc đời con cò là cuộc đời của mẹ. là lòng mẹ sẽ theo con đi mọi chốn, mọi nơi. Con cò vỗ cánh trong ca dao mang theo tình mẹ gửi gắm trong lời ru và sẽ bay theo con đi mọi nẻo cuộc đời.

Là khúc ru con nhưng mãi đến khi gần kết mới thấy xuất hiện hai từ “à ơi”. Không hiện lên ở đoạn đầu, cũng chẳng phải ở đoạn giữa, đợi đến khi lời ru của mẹ gần đứt thì hai tiếng “à ơi” lại được cất lên. Đến đây, hai tiếng “à ơi” nghe mới thật mượt mà và thấm thía. Chỉ là một con cò trong câu mẹ hát mà có bao điều vừa gần gũi, vừa sâu xa trong đó. Khi hai tiếng à ơi quen thuộc ngân lên là lúc mẹ gửi trong cánh cò cả cuộc đời mẹ, có khi là cả những cay đắng lẫn ngọt bùi đã trải. Nhận xét điều này trong hát ru. Phạm Thu Yến viết: Sau lời à ơi ban đầu, khi bé đã lơ mơ vào giấc ngủ, người hát quên mình đang trò chuyện với đứa con nhỏ bé nào đã hiểu bao lần những ngọn nguồn nông cạn của cuộc đời, người mẹ dường như chỉ còn đối thoại với chính lòng mình, với những cảm ngộ buồn đau mà mình hứng trải.

Phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ Từ bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên- Mẫu 2

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, nửa vế đối ấy không nói nhiều thế nhưng một chữ “tốt” thôi đã bao hàm trăm ngàn vạn thứ tình cảm của mẹ ngụ ở trong đó. Có thể nói rằng tình mẫu tử là thứ tình cảm đặc biệt và thiêng liêng nhất trên cuộc đời, nếu hỏi ai hy sinh nhiều nhất thì xin khẳng định rằng chỉ có mẹ mà thôi, bởi những hy sinh của người mẹ vĩnh viễn là không thể đong đếm bằng lời. Trong thơ ca, văn học Việt Nam, tình mẫu tử là một đề tài hay và hấp dẫn đối với nhiều nhà thơ nhà văn, đặc biệt là các tác giả có tư tưởng hướng về cuộc sống con người, hướng về tình cảm gia đình giản dị, chân thành ví như Tố Hữu có Bầm ơi, Nguyễn Duy có Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, hay Trần Đăng Khoa có Mẹ ốm, tất cả đều là những bài thơ hay và có sức hút riêng, mỗi tác giả lại có một cách cảm nhận riêng về tình mẫu tử. Và đặc biệt rằng trong những hoàn cảnh khác nhau, thời chiến hay thời bình thì chất thơ lại có những xúc cảm khác nhau, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó trong hai bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên. Nhưng dẫu là thời chiến hay thời bình thì tình cảm của mẹ dành cho đứa con vẫn luôn là ấm áp nhất thế gian, vì con mẹ bằng lòng hi sinh tất cả, chỉ mong con có một cuộc đời an yên.

Trước hết nói về Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, của Nguyễn Khoa Điềm, bài thơ được sáng tác vào ngày 25/3/1971, đó là quãng thời gian của cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta ở chiến trường miền Nam trở nên ác liệt nhất. Toàn quân và dân ta cùng nhau dốc sức chiến đấu để đánh đuổi quân thù ra khỏi mảnh đất quê hương, trong đó không thể không thể kể đến công lao của những người phụ nữ can trường cùng tham gia vào phục vụ cho cách mạng, mà trong bài thơ ấy chính là người mẹ Tà-ôi đại diện cho hàng triệu những người mẹ khác cùng tham gia quá trình giải phóng đất nước. Trước hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, thì tình mẫu tử hiện lên lại càng trở nên thiêng liêng và cao cả mà có thể miêu tả bằng cụm từ “tình mẫu tử anh hùng”, đó chính là tình mẫu tử mang hơi thở thời đại, một thời đại mà đất nước đứng lên giữa khói lửa đau thương, tình mẹ con lại càng trở nên sâu sắc và gắn bó vô cùng. Người mẹ địu con bằng tấm vải thổ cẩm, ấm mùi quê hương, đôi tay nhỏ bé của mẹ kiên cường giã gạo nuôi bộ đội, bằng một niềm tin đất nước ngày mai sẽ độc lập. Mẹ thương con, mẹ không nỡ để con nằm trong nôi lạnh lẽo thế nên trong mọi công việc lao động dù vất vả hay nguy khó mẹ đều đưa con đi theo. Mẹ yêu con bằng hơi ấm của giọt mồ hôi “rơi má em nóng hổi”, thương em bằng đôi vai gầy “nhấp nhô làm gối”, “lưng đưa nôi và tim hát thành lời”, và có lẽ rằng em Cu Tai hiểu được nỗi vất vả của mẹ thế nên em rất ngoan, em vẫn say sưa giấc nồng, em cũng biết thương mẹ như chính mẹ yêu em vậy. Tình mẫu tử gắn bó sâu sắc chuyển từ góc sân mẹ địu em giã gạo, ra đến ruộng nương mẹ lại đưa em cùng đi “trỉa bắp trên núi Ka-lưi”, có thể nói rằng mẹ và con luôn đồng hành trong mọi công việc lao động. Không chỉ trong công việc lao động mà ngay cả trong chiến đấu em cũng luôn theo mẹ cùng “đi chuyển lán”, “đi đạp rừng”, hòa vào không khí chiến đấu sôi nổi của cả dân tộc thì tình mẫu tử lại càng trở nên sâu sắc. Từ những chi tiết trên có thể thấy rằng người mẹ Tà-ôi là một phụ nữ kiên cường và yêu thương con hết mực, bởi ta có thể thấy rằng mọi công việc mà mẹ làm đều rất nặng nhọc và vất vả, từ giã gạo, trỉa bắp, đến chuyển lán, băng rừng, chỉ bằng sức của một người phụ nữ đó cũng là quá vất vả. Thế nhưng với tình yêu thương con nồng nàn và sâu sắc mẹ không nỡ để em một mình để chuyên tâm lao động, mẹ chấp nhận đôi vai mình mỏi mệt, tấm lưng có những lúc chông chênh, tê dại cũng quyết được đưa con theo bước chân mẹ, để con dõi theo cuộc đời của mẹ, để mẹ con được gần gũi, thân thiết hơn.

Hơn thế nữa, tình yêu con của người mẹ Tà-ôi còn thể hiện đậm nét trong những câu thơ “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”. Cũng như cây bắp cần ánh sáng mặt trời để quang hợp, để lấy chất dinh dưỡng để sinh trưởng rồi cho những quả bắp căng tròn, thì em cũng chính là mặt trời của mẹ, cho mẹ niềm tin và sức sống mạnh mẽ kiên cường, em chính là mặt trời nhỏ nằm trong trái tim mẹ, sưởi ấm tinh thần của mẹ khiến mẹ vững bước dù phía trước còn biết bao nhiêu chông gai đang chờ đôi chân mẹ. Không chỉ là mặt trời soi bước chân và tâm hồn mẹ, em Cu Tai còn là lý do để mẹ lao động, để mẹ chiến đấu không ngừng nghỉ, trong trái trái tim mẹ trước hết là tình yêu con tha thiết, sau đó mở rộng ra là tình yêu quê hương đất nước. Mẹ càng yêu em, yêu đất nước bao nhiêu thì khao khát và quyết tâm chiến đấu của mẹ lại càng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt bấy nhiêu. Có thể nói rằng thơ Nguyễn Khoa Điềm luôn làm tốt và gắn bó một cách hài hòa giữa hai yếu tố tình cảm cá nhân và tình cảm lớn của dân tộc, từ tình mẫu tử thiêng liêng đến tình yêu quê hương đất nước đều có một sự liên kết chặt chẽ. Trên tất cả, người mẹ can trường trong cả hậu phương và tiền tuyến chỉ vì một mong ước duy nhất “Mai sau con lớn làm người Tự Do…”, tất cả những vất vả mẹ chấp nhận hy sinh ngày hôm nay cuối cùng cũng vì con, đứa con bé bỏng vẫn còn ngủ trên lưng mẹ. Mẹ chiến đấu bằng tất cả trí tuệ và sinh mạng để đất nước được tự do, mà đất nước tự do tức là con cũng được tự do, rồi mai đây con sẽ được sống trong cảnh thanh bình, ấm êm, được học hành, con không còn phải nghe tiếng mưa bom bão đạn khủng khiếp, không còn phải chứng kiến những đau thương mất mát mà mẹ phải gánh chịu. Cuối cùng những hy sinh của mẹ ngày hôm nay là để củng cố cho cuộc sống của con mai sau, mẹ thương con nhiều không kể hết, mẹ lại càng thêm thương bộ đội, thương cả đất nước đang đớn đau trước bom đạn giặc thù.

Cảm xúc yêu thương nồng nàn của người mẹ Tà-ôi không chỉ nằm trong ý nghĩa của từng câu thơ mà còn được thể hiện thông qua giọng thơ tha thiết, mang âm hưởng lời ru rất đỗi dịu dàng, trìu mến. Lời ru ấy không có con cò, không có truyện cổ tích, mà lời ru của mẹ mang hơi thở thời đại, chứa đựng cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Lời ru ấy của mẹ đã dạy con những năm tháng kiên cường của đất nước con người Việt Nam, đã truyền cho con tình yêu quê hương từ trên lưng mẹ, truyền cho con tình yêu thương sâu sắc từ sâu thẳm trong tâm hồn mẹ một cách chân thành, mộc mạc mang đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

Đến với Con cò của Chế Lan Viên, được sáng tác năm 1962 thế nhưng tác giả nghiêng về viễn cảnh đất nước thái bình, toàn bộ bài thơ là hình tượng con cò mang theo âm hưởng lời ru quen thuộc trích từ ca dao truyền thống của dân tộc. Có thể thấy rằng việc đưa hình ảnh con cò vào một bài thơ về mẹ là ngụ ý sâu xa của nhà thơ, con cò khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa, vất vả, nhọc nhằn một nắng hai sương, với đức hy sinh cao cả dành cho gia đình, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng dành cho con cái của mình. Hơn thế nữa hình tượng con cò kéo người đọc về những cảm xúc vô cùng thân thuộc, gần gũi từ thuở trong nôi, ấy là những lời ru à ơi thấm đẫm tình mẹ nồng nàn, ấm áp. Nếu như lời ru của người mẹ Tà-ôi nói cho đứa con về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc, thì lời ru trong Con cò lại đưa đứa con về với truyền thống của dân tộc, từ trong chiếc nôi bé nhỏ con đã biết đến “Con cò Cổng Phủ/Con cò Đồng Đăng”. Qua lời ru của mẹ có lẽ con đã hình dung ra một đất nước thanh bình, tươi đẹp biết mấy với cánh đồng bao la rộng lớn thẳng cánh cò bay, tình yêu của mẹ hóa thành lời ru ngọt ngào dẫn bước con vào đời, giáo dục cho con tình yêu quê hương đất nước ngay từ những ngày con thơ bé. Con sống dưới vòng tay che chở của mẹ sẽ chẳng biết đến những nỗi vất vả khốn khổ mà con cò phải chịu, “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn/Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”, tất cả những khó khăn vất vả đầu đời của con đã có mẹ sẵn tay nâng đỡ, mẹ hy sinh tất cả thời gian và hạnh phúc của mình để đổi lấy cho con một tuổi thơ bé yên bình và hạnh phúc.

Khi con đã có nhận thức, khi con bắt đầu đi học, bước những bước đầu tiên trên đường đời rộng mở thì mẹ vẫn luôn dõi đôi mắt yêu thương theo bước chân con, mẹ cử cò trắng đến cùng con đi học, chơi với con, ở với con, cò thay mẹ, cò cũng chính là tình yêu của mẹ dành cho con. Tình cảm của người mẹ còn thể hiện ở việc thầm mong ước cho con một tương lai tốt đẹp, mẹ chẳng cần con phải làm gì vĩ đại, chỉ cần con được sống hạnh phúc, nếu “Con làm thi sĩ” chỉ mong rằng cánh cò vẫn luẩn quẩn trong hơi mát câu văn, mẹ muốn con trở thành người sống tình nghĩa, dù con có làm gì thì đừng bao giờ quên một thuở ấu thơ tươi đẹp, quên đi lời ru của mẹ, quên đi cả quê hương đất nước.

Tình cảm của mẹ trong Con cò được bộc lộ rõ nét nhất ở đoạn thơ:

“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Đúng chẳng có gì bao dung và thiêng liêng bằng tình mẹ, mẹ có thể sẽ chẳng theo bước chân con hết cả cuộc đời, mai này mẹ già yếu, còn con đã bay nhảy ở một phương trời xa nào đó, thế nhưng chẳng bao giờ lòng mẹ hết ngóng trông con, tình yêu của mẹ dành cho con cứ đong đầy theo năm tháng, vẫn vẹn nguyên như thuở con mới lọt lòng. Để dù cho con có đi khắp phương trời, đến khi mỏi mệt, khi sai lầm, thì vẫn còn vòng tay của mẹ sẵn sàng che chở cho con, dù con có 80 tuổi đời, thì con vẫn mãi là đứa con bé bỏng trong tâm trí của mẹ mà thôi.

Hai nhà thơ với hai phong cách sáng tác khác nhau về chủ đề tình mẫu tử thiêng liêng mà sâu sắc, thế nhưng ta vẫn luôn nhận ra những điểm chung trong tình cảm của mẹ dành cho con ấy là đức hy sinh cao cả, tuyệt vời của người mẹ. Mẹ sẵn sàng gánh vác cho con một đời khó nhọc, để dành cho con một đời an yên, là tình yêu thương con nồng nàn, tha thiết, từ đó mở rộng ra là tình yêu quê hương, xứ sở đậm đà, nồng thắm ẩn hiện trong tình câu thơ.

Phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ Từ bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên- Mẫu 3

NGUYỄN KHOA ĐIÊM (1943) là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, thơ của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện rõ được con người Việt Nam và bản chất anh hùng bất khuất của chiến sĩ Việt Nam. Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được sáng tác năm 1971, khi tác giả đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên. Trong gian nan, vất và của cuộc sổng ở chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau lớn khôn, khoẻ mạnh, trờ thành công dân của một đất nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu thương con gắn bó với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên qua “Khác hát ru những em bé lớn trên lung mẹ” mang giọng điệu ngọt ngào, trìu mến.

Người mẹ trong thi ca từ sau Cách mạng tháng Tám luôn là hình tượng trung tâm, có sự phát triển về tầm vóc, về chiều sâu tình cảm, tư tưởng hài hoà riêng chung. Từ những người mẹ trong thơ Tố Hữu thời kỳ kháng chiến chống Pháp như bà Bầm, bà Bủ, bà mẹ Việt Bắc đến người mẹ trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, chúng ta đã từng được cảm nhận sự gắn kết giữa người mẹ với cách mạng và kháng chiến. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với tính chất quyết liệt, gian khổ, chúng ta từng gặp những vẻ đẹp như hình tượng người mẹ đào hầm giấu hàng sư đoàn dưới đất ở “Đất quê ta mênh mông” của nhà thơ Dương Hương Ly.

Có thể nói, hình tượng người mẹ trong bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm là sự kế thừa tốt đẹp những đặc trưng người mẹ quê hương – người mẹ chiến sĩ, tập trung những cảm xúc trong trẻo nhất của nhà thơ, gợi về vẻ đẹp tâm hồn của đồng bào dân tộc theo kháng chiến . Không phải ngẫu nhiên khi phổ nhạc bài thơ này, nhạc sĩ Trần Hoàn đã đặt lại tựa đề là “Lời ru trên nương”, bởi lẽ chính lời ru đã làm thành cấu tứ của bài thơ dẫn dắt ta vào một thế giới mang đậm bản sắc riêng của người Tà-ôi. Bài thơ như là minh chứng của tấm lòng đồng bào dân tộc một lòng tin theo Đảng, thương con, thương bộ đội, thương yêu núi rừng nương rẫy làng bản, thương đất nước. Tình thương thành điệp khúc xuyên suốt theo nhịp chày của mẹ :

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Có lẽ đây là lời của nhà thơ, hàm chứa bao trìu mến dành cho chú bé Tà-ôi như muốn góp thêm bao thương mến hoà cùng khúc ru của mẹ. Hình ảnh trong kháng chiến chống Pháp của nhà thơ Tố Hữu :

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.

Người mẹ chống Pháp và người mẹ chống Mỹ có những điểm tương đồng trong công việc. Nhưng ở Nguyễn Khoa Điềm, hình ảnh thơ này không xuất phát từ nỗi nhớ mà được cất lên ngay giữa hiện thực chống Mỹ. Nét đẹp của hình tượng được khơi lên từ tính chất công việc “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội”. Người mẹ được khắc hoạ trong từng chi tiết sống động nhất, nổi bật với tứ thơ thật đẹp: “Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”. Tưởng như trong động tác của mẹ cũng đã ngân lên nhịp điệu ru ngọt ngào và nhịp đưa em đều đặn an bình như trên một cánh võng êm. Tác giả hoàn toàn không thi vị hóa mà bằng ngòi bút tả thực giúp người đọc nhận ra : mồ hôi mẹ nóng hổi, vai mẹ gầy – bao vất vả như đọng cả trên đôi vai mẹ. Mỗi khúc ru hiện lên hình ảnh mẹ trong nhiều tư thế cũng như công việc khác nhau : giã gạo, tỉa bắp, chuyển lán, đạp rừng,… như hoàn chỉnh bức chân dung lao động khoẻ khoắn cũng như niềm hân hoan được hòa vào những công việc kháng chiến.

Không những thế, qua những hình ảnh này, ta còn hình dung một nhịp sống bình thản của những người dân và cán bộ chiến sĩ ở chiến khu chống Mỹ. Mặc dù, trong thực tế, đây là nơi hứng chịu rất nhiều bom đạn kẻ thù và luôn phải đương đầu với những cuộc hành quân lùng sục “tìm và diệt”, càn quét hòng xoá sạch dấu tích của vùng chiến khu đầu mối Bắc Nam này. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn đòi hỏi phải tự cung tự cấp, tăng gia sản xuất , bảo đảm nuôi dân đánh giặc. Hình ảnh người mẹ giã gạo khiến ta lại liên tưởng đến những nhịp chày trong trong bài hát ” Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Ở đâu cũng vậy, khi cách mạng được bao bọc, chăm chút bằng tất cả tình cảm yêu nước của nhân dân, khi biết dựa vào dân thì không sức mạnh tàn bạo nào của kẻ thù có thể khuất phục được.

Gạo dùng để nuôi quân, mẹ lại lên tỉa bắp, cùng với a-kay. Đằng sau hành động đó lại ẩn chứa vẻ dẹp của sự hy sinh nhường cơm sẻ áo cho người cách mạng. Lòng mẹ bao dung lại được cảm nhận bằng tình cảm thương mến của nhà thơ :

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

Lời thơ thật dịu dàng như ru sâu thêm giấc ngủ cho em cu Tai, như muốn sẻ chia những vất vả nhọc nhằn trong công việc của mẹ. Không gian mênh mông của vùng rừng núi tây Thừa Thiên như mở ra với ánh mặt trời lan toả khắp núi đồi. Nổi bật giữa khung cảnh là người mẹ Tà-ôi với công việc cần mẫn. Nhưng mẹ không hề đơn độc chính vì có mặt trời của mẹ – em cu Tai đang ngon giấc. Với cách ví von đặc sắc này, nhà thơ đã tạo nên liên tưởng về mối quan hệ mật thiết của con ngừi với núi rừng, nương rẫy. Không có tình cảm gắn bó, không thể tạo được liên tưởng thú vị giữa hạt bắp với con nằm trên lưng. Mặt trời không gợi ra cảm giác về độ nóng, độ chói mà trở thành hình tượng biểu trưng cho nguồn sống mạnh mẽ. Mặt trời của bắp đem lại hạt nảy mầm, hạt chắc. Mặt trời của mẹ – em cu Tai là hạnh phúc, nguồn sống của mẹ. Những chú bé Tà-ôi được tắm trong ánh sáng sẽ trở nên vạm vỡ săn chắc, ánh mặt trời hào phóng ban tặng cho mẹ những đứa con khỏe mạnh của núi rừng. Hình tựơng sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm đã đem lại những rung cảm thẩm mỹ đặc biệt.

Người đọc còn nhận ra tấm lòng mẹ mênh mông trong hình ảnh mẹ con không cách xa : “Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”. Lời tim ngân nga suốt ba đoạn thơ thành điệp khúc dạt dào thương mến :

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay…

Khởi nguồn của mọi hành động cao cả bắt đầu từ tình yêu bình dị nhất. Điểm xuất phát của lời ru chính từ tấm lòng mẹ thương a-kay vô bờ bến này ! Còn tình thương nào bình dị, gần gũi mà sâu sắc bằng tình mẹ thương con? Âm vang lòng mẹ cất thành lời ru, thành lời thơ đầy xúc cảm của Nguyễn Khoa Điềm. Với những chiều liên tưởng gắn bó trực tiếp với từng công việc của mẹ, bộc lộ vẻ đẹp rất giản dị mà cao cả. Mẹ thương akay ! – Rất ngắn gọn nhưng cũng rất đầy đủ, đẹp đẽ – vẻ đẹp tâm hồn mẹ. Hơn thế nữa, đó là xuất phát điểm của những tình cảm thời đại : mẹ thương bộ đội. Có ranh giới nào của tình thương rất đầm ấm ấy không ?

Sự sống của a-kay cũng là tương lai của buôn làng. Bởi thế, cũng rất tự nhiên khi mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói. Cuộc sống của người Tà-ôi những năm chống Mỹ còn bao cơ cực, thiếu thốn nhưng sức mạnh của tình thương sẽ giúp người mẹ vượt lên tất cả. Bàn tay mẹ cần mẫn tỉa bắp, gieo mầm sự sống với niềm mong mỏi thật bình dị : hạt bắp lên đều. Núi rừng, làng buôn và đứa con thân thương vô cùng với tâm hồn mẹ. Tình cảm yêu thương ấy còn thăng hoa trong những ước mơ về sự sống buôn làng. Đẹp thay và cũng dạt dào thương mến là lời thơ : “Con mơ cho mẹ … hạt gạo trắng ngần, hạt bắp lên đều”. Giấc mơ giản dị truyền sang em cu Tai còn chứa đựng niềm mong ước về tương lại của con :

– “Mai sau con lớn vung chày lún sân”.

– “Mai sau con lớn phát mười ka lưi”.

Hình ảnh gắn với tương lai của con thật kỳ vĩ, như mang theo sức mạnh của các nhân vật sử thi huyền thoại. Ước vọng về con làm nên sức mạnh, sự bền bỉ của mẹ. Đồng thời còn hội tụ cả sức mạnh cộng đồng từ quá khứ đến hiên tại gắn với tinh thần cuộc kháng chiến lâu dài, vượt qua bao sóng gió thử thách.

Cảm hứng của khúc ru cuối gắn với hiện thực khốc liệt và khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với nhịp sống chiến khu Trị Thiên. Hình ảnh của mẹ trong đoạn thơ này có sự thay đổi, không phải trong một dáng chênh chao trong nhịp chày nghiêng, không lặng thầm nhẫn nại gieo từng hạt giống mà rất dứt khoát, mạnh mẽ: “Mẹ đi chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”. Dáng vẻ con người được tô đậm qua hai động từ “đi” gợi tư thế chủ động với nhữ công việc tiếp sức chiến đấu : chuyển lán, đạp rừng như hàm chứa ý thức tự hào của người Tà-ôi làm chủ vùng núi rừng của ta. Con người trong tư thế đối mặt với kẻ thù, quyết tâm chiến đấu giữ đất, giữ rừng. Kẻ thù với dã tâm “đuổi ta phải rời con suối”, người Tà-ôi vẫn một dạ kiên trung ! Không chỉ có mẹ, mà anh trai cầm súng, chị gái cầm chông và em cu Tai cũng theo mẹ vào trận cuối. Những câu thơ hừng hực tinh thần bất khuất của người dân tộc miền tây Thừa Thiên, đem lại cảm hứng lạc quan của cuộc chiến đấu chống Mỹ. Sự trưởng thành của mỗi con người từ nhận thức đến hành động đã được khẳng định bằng hai câu thơ thật khoẻ khoắn :

Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường
Từ trong đói khổ, em vào Trường Sơn

Tinh thần của bao thế hệ người Tà-ôi theo cách mạng đã truyền cả sang a-kay, dạt dào một niềm tin, khẳng định dứt khoát con đường em đi sẽ hoà vào đội ngũ chiến đấu với ý chí quyết thắng. Đó là cơ sở cho ước mơ thật đẹp :

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do.

Trong tình cảm của người Tà-ôi cũng như của những đứa con chiến đấu chống Mỹ, Bác Hồ luôn là nguồn động viên, là biểu tượng sáng chói của cách mạng, của chiến thắng. Bởi vậy, mong ước được gặp Bác luôn là cảm xúc thường trực, dù cho thời điểm viết bài thơ này là năm 1971. Bởi lẽ, chỉ có thống nhất, mẹ mới được ra với Bác. Giấc mơ đẹp gắn liền với ước nguyện giành lại trọn vẹn non sông, thoả lòng Bác mong. Lời ru kết lại cùng hình tượng em cu Tai của tương lai là người Tự do của một đất ước hoà bình. Đó cũng chính là ước mong chung của nhân dân, của những người Việt Nam yêu nước.

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” đã tạo được những cảm xúc đồng điệu với bao con người miền Nam anh dũng thời chống Mỹ, nói lên trọn vẹn vẻ đẹp và tâm tư của người dân tộc miền Tây Thừa Thiên trung dũng kiên cường, thuỷ chung với cách mạng. Cảm xúc bình dị trong sáng với hình tượng người mẹ đã làm nên sức hấp dẫn riêng của tác phẩm. Từ ngôn ngữ đến hình ảnh thơ đều đậm chất dân tộc, đem đến cho ngời đọc những cảm nhận đặc biệt thương mến cùng hoà theo lời ru cho giấc ngủ thanh bình của em bé Tà-ôi. Bài thơ toát lên tinh thần lạc quan cách mạng, kết đọng những ân tình sâu lắng của nhà thơ về nhân dân đất nước, cũng như niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Niềm tin ngày ấy giờ đây đã thành hiện thực. Em cu Tai ngày ấy giờ đây cũng đã trưởng thành và sống làm người tự do như niềm mong mỏi ngày nào tha thiết trong lời ru của mẹ. Nhưng lời ru ngày ấy vẫn còn sức vang ngân trong lòng bao thế hệ, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ Từ bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!