Updated at: 12-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “mở bài cho tác phẩm “Kiều ở lầu Ngưng Bích”” chuẩn nhất 04/2024.

Mở bài cho tác phẩm “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

MB 1

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Tiếng nói Việt  Nam trong Truyện Kiều như làm bằng ánh sáng vậy, nó trong suốt như dòng suối, dòng suối long lanh đáy nước in trời”.., Dòng suối ấy hòa tan và làm trong trẻo cả những điển tích, những từ Hán Việt xa lạ để biến nó thành thơ, thành nhạc trong tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt ở những đoạn diễn tả trực tiếp tâm trạng, những tình cảm sâu sắc, chân thực của con người mà tiêu biểu nhất qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

MB 2

Đề tài về người phụ nữ luôn là nỗi trăn trở của các nhà thơ lớn. Không chỉ khắc họa những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách mà các nhà thơ còn cảm nhận rõ được nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Và Nguyễn Du đã rất thành công khi chọn người phụ nữ làm đề tài trong tác phẩm của mình với kiệt tác dựa theo cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm ở Trung Quốc đó là Truyện Kiều. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích được trích trong tác phẩm đó là một đoạn trích hay và giàu cảm xúc. Bằng ngòi bút tả cảnh ngụ tình nhà thơ đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều trong hoàn cảnh bị giam cầm, nỗi nhớ Kim Trọng, nhớ gia đình và đặc biệt là tâm trạng của Kiều trước cảnh vật ở lầu Ngưng Bích.

MB 3

Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một đại thi hào của dân tộc ta. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam ta một kiệt tác của nền văn học trung đại – tác phẩm Truyện Kiều. Ngoài hai giá trị lớn và giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, truyện Kiều còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Chỉ xét riêng về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử bằng trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích miêu tả thành công cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.

MB 4

Trong phần đầu của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dự cảm về số phận nàng Kiều không chỉ ở nhan sắc hơn người, mà còn trực tiếp ở câu thơ: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”, và quả thật câu thơ đó đã vận vào đời nàng. Gia đình gặp tai biến, cha và em bị bắt, nàng phải bán mình chuộc cha. Không chỉ vậy, còn bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh. Cuộc đời nàng bắt đầu bước vào chuỗi ngày tăm tối khi bị giam ở lầu Ngưng Bích. Tất cả những điều đó được thể hiện rõ nét trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

MB 5

Không chỉ là bậc thầy trong tả người, Nguyễn Du còn có biệt tài trong tả cảnh. Khung cảnh ông miêu tả đã đạt đến mực mẫu mực, cổ điển, nói lên tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. Tình và cảnh trở thành hai yếu tố bổ sung làm nên chất riêng cho sáng tác Nguyễn Du. Và tình cảnh ấy đã được ông kết hợp hài hòa để phản ánh tâm trạng của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.

MB 6

“Chạnh lòng thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”

(Trích “Đọc Kiều” – Chế Lan Viên)

Những vần thơ xúc động của nhà thơ Chế Lan Viên đã gợi ra cảm nhận sâu sắc về cuộc đời “đoạn trường” đầy rẫy nước mắt, khổ đau của Thúy Kiều – “tấm gương oan khổ” đại diện cho số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Một trong những bi kịch đớn đau mà Thúy Kiều phải gánh chịu chính là rơi vào tay buôn người Mã Giám Sinh.  Sau khi biết mình bị chà đạp về nhân phẩm và rơi vào chốn thanh lâu, nàng tiếp tục bị Tú bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Trong không gian tù túng đó, nàng không ngừng nhớ về Kim Trọng và lo lắng cho song thân, đồng thời luôn có những dự cảm về tương lai phía trước. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc phần “Gia biến và lưu lạc” đã tái hiện thành công dòng nội tâm phức tạp đầy rẫy những lo âu của Thúy Kiều.

MB 7

“Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm cuộc sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”

(Trích “Bài ca xuân 61” – Tố Hữu)

Những câu thơ của tác giả Tố Hữu đã chất chứa niềm đồng cảm sâu sắc đối với số phận bi kịch của Thúy Kiều – người phụ nữ “tài sắc vẹn toàn” nhưng bị xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công đày đọa. Trong chuỗi hành trình mười lăm năm lưu lạc đầy khổ đau, lầu Ngưng Bích là một trong những điểm dừng chân của Thúy Kiều. Sau khi rơi vào tay buôn người Mã Giám Sinh, Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích cùng âm mưu, lời hứa hẹn xảo trá “con hãy thong dong” của Tú bà. Bằng tài năng trong việc sử dụng ngôn từ dân tộc và bút pháp “tả cảnh ngụ tình”, những câu thơ trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện rõ diễn biến nội tâm cùng ý thức về nhân phẩm và dự cảm bất an về tương lai phía trước của người con gái đa sầu đa cảm Thúy Kiều

MB 8

“Nguyễn Du là người có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Lời nhận định của Mộng Liên Đường chủ nhân – nhà phê bình văn học nổi tiếng thế kỉ XIX đã thể hiện sự ngưỡng mộ, ngợi ca đối với tài năng của Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc và sự thành công của tác phẩm “Truyện Kiều”. Trong kiệt tác “Đoạn trường tân thanh”, tác giả Nguyễn Du như hóa thân vào nhân vật để diễn tả những cung bậc cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong số những minh chứng tiêu biểu thể hiện điều này. Bằng ngòi bút nhân đạo và tấm lòng xót thương, đồng cảm sâu sắc, tác giả Nguyễn Du đã tái hiện thành công bức tranh tâm trạng cô đơn, buồn tủi, ngổn ngang trăm mối của Thúy Kiều trong không gian “lầu Ngưng Bích khóa xuân”.

MB 9

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Người buồn cảnh cũng thẫn thờ
Cảnh buồn người cũng ngẩn ngơ ưu sầu”

(Trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Mối tương quan và liên hệ giữa không gian cảnh vật và nội tâm, tâm trạng con người là một trong những nguyên lí nền tảng để đại thi hào Nguyễn Du vận dụng thành công bút pháp “tả cảnh ngụ tình”. Xuyên suốt kiệt tác “Truyện Kiều”, để diễn tả thành công diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều – người con gái “đa sầu, đa cảm”, tác giả đã khai thác những yếu tố từ ngoại cảnh để góp phần tô đậm tâm lí nhân vật. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện rõ biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật của nhà thơ thông qua nỗi nhớ nhung đối với Kim Trọng, đối với cha mẹ cùng những dự cảm đầy lo âu, đau buồn của Thúy Kiều.

MB 10

Trong suốt quá trình lưu lạc của Kiều, lầu Ngưng Bích có lẽ là điểm dừng chân đầu tiên của nàng. Là nơi Kiều bị Tú Bà giam lỏng với những hứa hẹn sẽ tìm cho nàng một chốn nương tựa tin cậy. Khi miêu tả Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình vô cùng thuần thục để vẽ lên những diễn biến tâm trạng của Kiều từ sự nhớ thương Kim Trọng cho đến nỗi lo lắng khi không ở bên chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Đoạn trích cũng thể hiện những bất an mơ hồ của Kiều về tương lai không mấy trong sáng, lạc quan.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “mở bài cho tác phẩm “Kiều ở lầu Ngưng Bích”” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!