Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “kết bài cho bài thơ “Ánh trăng”” chuẩn nhất 12/2024.
Tổng hợp các cách kết bài cho bài thơ “Ánh trăng” hay và chi tiết nhất
KB 1
Bằng hình ảnh ánh trăng hiện ra đột ngột giữa khung cảnh thành phố, bài thơ như một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu … Bài thơ gây được xúc động bởi cách diễn tả như một lời tâm sự chân thành, lời tự nhắc nhở có giọng trầm tĩnh mà lắng sâu. Khổ cuối của bài thơ đưa tới chiều sâu lí tưởng triết lý: vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ, “kể chi người vô tình”, là biểu tượng của sự bao dung độ lượng, của nghĩa tình thủy chung trọn vẹn trong sáng mà không hề đòi hỏi đền đáp. Đó cũng chính là phẩm chất cao cả của nhân dân, mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc trong thời kì chiến tranh chống Mĩ.
KB 2
Nguyễn Duy là một nhà thơ có phong cách viết rất gần gũi với người đọc và lời thơ mang tính triết lí, giản dị nhưng cũng rất sâu xa. Bài thơ đã khép lại nhưng vẫn mở ra cho chúng ta biết bao trăn trở, suy nghĩ về cách sống làm người. Có lẽ bởi vậy mà bài thơ “Ánh trăng” vẫn luôn trụ vững trong lòng người đọc, neo lại với thời gian.
KB 3
Ánh trăng của Nguyễn Duy gây được nhiều xúc động đốì với nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn tả bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. Ánh trăng còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “mình” suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn.
KB 4
Ánh trăng là một bài thơ hay. Thể thơ năm chữ được vận dụng sáng tạo, tài hoa. Sự phong phú vần điệu, ngôn ngữ trong sáng, giọng thơ tâm tình vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhà thơ tâm sự với người đọc những sâu kín nhất nơi lòng mình. Chất triết lí thâm trầm được diễn tả qua hình tượng “ánh trăng” đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Không nên sống vô tình. Phải thủy chung trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với bạn bè, đồng chí, với nhân dân – đó là điều mà Nguyễn Duy nói thật hay, thật cảm động qua bài thơ này.
KB 5
Với giọng điệu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng kết hợp với thể thơ ngũ ngôn và việc không viết hoa chữ cái đầu dòng thơ thể thơ phù hợp với việc tự sự, bộc lộ cảm xúc, bài thơ “Ánh trăng” đã thực sự gây nhiều xúc động đối với bao độc giả. Có lẽ ai đã từng đọc “Ánh trăng” cũng đều nghiêm khắc với chính mình như thế vì một thời quá khứ chưa được đánh giá đúng mức. Vâng, muộn còn hơn không, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với những gì thuộc về quá khứ. Hẳn “Ánh trăng” không chỉ làm “giật mình” một Nguyễn Duy mà thôi!
KB 6
Bài thơ ra đời khi đất nước đã hoà bình. Những tháng ngày chiến đấu gian khổ của người chiến sĩ Nguyễn Duy đã không còn. Trong thời gian này tác giả là đại diện thường trú báo Văn nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng không vì thế mà Ánh trăng mất đi vẻ đẹp chân thực của mình. Dường như chẳng bao giờ Nguyễn Duy không mang trong mình nỗi niềm hướng về quá khứ, hướng về cội nguồn. Nó cho thấy một thái độ sống đẹp đẽ, thuỷ chung. Không chỉ có vậy, bài thơ Ánh trăng còn như một lời nhắn nhủ sâu kín, nhẹ nhàng: hãy sống và lao động hết mình nhưng đừng bao giờ phủ nhận quá khứ của dân tộc.
KB 7
Bài thơ kết thúc nhưng ánh trăng vẫn còn đó, như muốn soi tỏ những ngổn ngang nơi lòng người, để những tâm hồn chìm đắm trong phù du có thể tìm đường về với những ân tình ân nghĩa, có thể tìm lại phút giây bình yên trong khoảng trời kỉ niệm thân thương. Bài thơ đã đem lại cho dàn hợp xướng như bài thơ về trăng một nốt nhạc mới lạ, lắng sâu vào trái tim độc giả. Ta cũng như chợt bắt gặp lời gửi gắm đầy ý nghĩa qua câu thơ:
“Xin đừng tham đó bỏ đăng
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn.”
KB 8
Vầng trăng xưa nay vốn đã rất quen thuộc với con người, trăng chiếu rọi xuống những ánh sáng nhàn nhạt, dịu nhẹ như người bạn, người thân, người tri kỷ sẵn sàng sẻ chia, ôm ấp và đồng hành với con người trên mọi nẻo đường. Ánh trăng của Nguyễn Duy là một bài thơ dẫu câu từ có vẻ đơn giản, mộc mạc nhưng lại hàm súc những ý nghĩa lớn, ấy là bài học về sự ghi nhớ những ân tình trong quá khứ, là lời khuyên, là tấm gương về lối sống nhân nghĩa, luôn trân quý, biết ơn những người, những cảnh vật xưa cũ. Bởi dù đó có là những điều quá vãng, nhưng mãi luôn là những giá trị quan trọng xây dựng nên một tâm hồn, một cuộc đời, dễ dàng lãng quên đồng nghĩa với việc vô tâm, vô cảm với cuộc đời.
KB 9
Câu chuyện của nhà thơ không chỉ dành riêng cho chính bản thân ông, nó còn có sức khái quát rất lớn với cả một thế hệ trải qua những năm dài mất mát của chiến tranh, nơi đạn bom, gian khổ. Câu chuyện của vầng trăng còn gặp lại nhiều câu chuyện khác – cùng với nỗi xót xa, trăn trở về cuộc sống đổi thay, như Ăn mày dĩ vãng với Ba Sương và Hai Hùng của Chu Lai, như Việt Bắc với “mình” và “ta” của Tố Hữu. Tất cả như đồng lòng nhất trí chung sức rung một hồi chuông lớn đến người đọc: đừng bao giờ quên quá khứ đừng bao giờ sông bạc bẽo vô tình. Cuộc sống dẫu có đổi thay lòng người dẫu có xa khác, nhưng đừng bao giờ quên đạo lí thủy chung “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đừng bao giờ đánh đổi tình nghĩa sâu nặng lấy những phù phiếm hão huyền.
KB 10
Đọc bài thơ người đọc đều cảm nhận thấy đây không chỉ là câu chuyện riêng của nhà thơ mà cũng là chuyện của mình. Từ câu chuyện ấy gợi ra cho người đọc sự suy ngẫm và liên tưởng tới cách sống của chính mình . Nhà thơ tâm sự với bạn đọc những điều sâu kín nơi lòng mình nhưng cũng là để gửi tới người đọc một bức thông điệp về cách sống đẹp trong hoàn cảnh đất nước hòa bình. Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ “Ánh trăng”, chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ta đã lãng quên. Mong sao những ai từng ở với sông, với biển, với đồng, với rừng… trong những năm tháng gian lao ấy luôn luôn có được tình cảm này.
KB 11
Vầng trăng và ánh trăng mang ý nghĩa biểu trưng, trở thành hình tượng xuyên suốt bài thơ, tạo thành dòng chảy liên hồi, là sợi dây kết nối con người trong hiện tại và quá khứ đã qua. Cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ câu chuyện tưởng như là thường tình nhưng đã thức tỉnh con người. Con người tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian khổ mà nghĩa tình đối với thiên nhiên, đất nước bình dị. Bài thơ có ý nghĩa nhắc nhở, củng cố người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ.
KB 12
Lời thơ không triết lý, chỉn chu nhưng đã để lại trong lòng người đọc dòng suy nghĩ về nhân tình thế thái; quá khứ và hiện tại luôn song hành nhắc nhở hoàn thiện mỗi con người; chính nghệ thuật dùng sự hồi tưởng, tự đấu tranh, suy nghĩ trong nội tâm con người đã làm nên thành công, khiến bài thơ còn mãi với thời gian.
KB 13
Với biểu tượng ánh trăng, Nguyễn Duy đã gửi gắm nhiều suy tư, triết lí. Đó là lời gửi gắm với thế hệ hiện tại và cả tương lai về thái độ sống thủy chung, tình nghĩa, luôn biết ơn quá khứ nghĩa tình sâu nặng. Phải ghi nhớ lối sống tốt đẹp của cha ông ta uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Dù ra đời đã lâu nhưng hình ảnh ánh trăng nói riêng và bài thơ Ánh trăng nói chung vẫn còn giữ nguyên giá trị lâu bền của nó.
KB 14
“Ánh trăng” nhẹ nhàng,trong sáng về câu chữ,tự nhiên, thuần thục về kết cấu,bình dị, dễ hiểu về ý thơ,tha thiết trong giọng điệu.Bài thơ đã đem đến cho người đọc một bài học sâu sắc:con người cần sống có trước có sau,có tình có nghĩa để không bao giờ phải giật mình day dứt về những năm tháng vô tình hờ hững đã qua.Dù XH ngày càng văn minh, hiện đại nhưng ánh trăng trên trời cao và cả ánh trăng của Nguyễn Duy vẫn thật sự cần thiết với mỗi con người bởi nó là tấm gương sáng nhất giúp chúng ta soi vào để nhận ra những gì trong lành tinh khôi nhất của cuộc đời.Vầng trăng soi sáng những tâm hồn vô tình lãng quên.
KB 15
Bài thơ Ánh trăng thật đặc sắc, giản dị, chân thành và chứa đựng nhiều tâm sự, ẩn ý sâu kín. Nó như nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua và nhắc nhở con người sống thuỷ chung, nghĩa tình, “uống nước nhớ nguồn”. Sử dụng thể thơ năm chữ quen thuộc, với lời thơ giản dị, mạch thơ tự nhiên, Nguyễn Duy như đưa ta vào một câu chuyện cuộc đời để ta tự rút ra cho mình cách sống, cách đối nhân xử thế. Bài thơ thức tỉnh mỗi chúng ta hãy biết trân trọng và giữ gìn quá khứ. Cảm xúc thơ chân thành, tha thiết giúp cho bài thơ lắng sâu nơi tâm hồn người đọc như một khúc ca da diết, mãi ngân vang.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “kết bài cho bài thơ “Ánh trăng”” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 12/2024!