Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách thuyết minh về một loài ngũ cốc chuẩn nhất 01/2025.
Lập dàn ý thuyết minh về loài ngũ cốc – Hạt lúa
a. Mở bài:
– Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó và là một phần không thể thiếc của con người Việt Nam
– Cây lúa đồng thời cũng trở thành tên gọi của một nền văn minh – nền văn minh lúa nước.
b. Thân bài:
– Khái quát:
+ Cây lúa là cây trồng quan trọng nhất thuộc nhóm ngũ cốc.
+ Là cây lương thực chính của người dân Việt Nam nói chung và của Châu Á nói riêng.
– Chi tiết:
+ Đặc điểm, hình dạng, kích thước:
- Lúa là cây có một lá mầm, rễ chùm.
- Lá bao quanh thân, có phiến dài và mỏng.
- Có 2 vụ lúa: Chiêm, mùa.
– Cách trồng lúa: Phải trải qua nhiều giai đoạn:
+ Từ hạt thóc nảy mầm thành cây mạ.
+ Rồi nhổ cây mạ cấy xuống ruộng
+ Ruộng phải cày bừa, làm đất, bón phân.
+ Ruộng phải sâm sấp nước.
+ Khi lúa đẻ nhánh thành từng bụi phải làm có, bón phân, diệt sâu bọ.
+ Người nông dân cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xay xát thành hạt gạo…
– Vai trò của cây lúa và hạt gạo:
+ Vấn đề chính của trồng cây lúa là cho hạt lúa, hạt gạo.
+ Có nhiều loại gạo: Gạo tẻ, gạo nếp (dùng làm bánh chưng, bánh dày)…
- Gạo nếp dùng làm bánh chưng, bánh dày hay đồ các loại xôi.
- Lúa nếp non dùng để làm cốm.
+ Lúa gạo làm được rất nhiều các loại bánh như: Bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh phở, cháo,…
+ Nếu không có cây lúa thì rất khó khăn trong việc tạo nên nền văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam.
– Tác dụng:
+ Ngày nay, nước ta đã lai tạo được hơn 30 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia.
+ Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan về sản xuất gạo.
+ Cây lúa đã đi vào thơ ca nhạc họa và đời sống tâm hồn của người Việt Nam
c. Kết bài:
– Cây lúa vô cùng quan trọng đối với đời sống người Việt
– Cây lúa không chỉ mang lại đời sống no đủ mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Thuyết minh về một loài ngũ cốc- mẫu 1
Hạt gạo, củ khoai, bắp ngô, là nguồn lương thực chính của nhân dân ta đã bao đời nay. Màu xanh lúa con gái, màu vàng tươi của cánh đồng lúa chín là hình ảnh thân thuộc quê hương đất nước chúng ta.
Nước ta có nghề trồng lúa đã lâu đời. Hầu như ở miền quê nào cũng có đồng lúa, ruộng lúa, nương rẫy trồng lúa. Bình nguyên sông Hồng, bình nguyên sông Cửu Long là hai vựa lúa lớn nhất ở nước ta.
Có hai vụ lúa chính: vụ chiêm và vụ mùa. Nước ta có hàng trăm giống lúa như: lúa gié, lúa ba giăng, lúa di hương, lúa mộc tuyền, lúa móng chim,… Quý nhất là lúa ‘ tám xoan, lúa dự, gạo trắng, dẻo và thơm. Cơm tám giò chả, ăn mãi không biết no. Lúa nếp cũng có nhiều loại: nếp cái, nếp rồng, nếp mỡ, nếp nàng tiên,v.v…
Nghề trồng lúa là nghề căn bản của nhà nông. Dân cày cần cù, một nắng hai sương, quanh năm bám lấy ruộng đồng: cày bừa. cấy hái, tát nước, bón phân, làm cỏ:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.
“Ruộng thấp tát một gầu dai,
Ruộng cao thì phải tát hai gầu sòng”.
(Ca dao)
Miền Bắc quen gieo mạ, cấy lúa Miền Nam lại sạ lúa. Lúa sau khi sạ, mạ sau khi gieo độ 10 ngày đã xanh rờn bát ngát. Lúa con gái xanh ngắt một màu. Những cơn mưa rào cuối xuân đầu hè được gọi là cơn mưa vàng, làm cho đồng lúa tươi tốt bời bời:
“Lúa chiêm đứng nép đầu bờ,
Nghe ba tiếng sấm phất cờ mà lên”.
Lúa đứng cây rồi, lúa có đòng đòng. Lúa trổ dâng hương thoang thoảng. Hoa lúa trắng nõn. Rồi lúa ngậm sữa, lúa uốn câu. Độ nửa tháng sau, đồng lúa ừng vàng, lúa chín rộ. Cánh đồng quê như một tấm lụa mỡ gà khổng lồ căng rộng, trải dài đến tận chân trời xa. Lúa reo rì rào như cất tiếng hát. Đồng quê vui náo nức trong mùa gặt. Tiếng xe chở lúa, tiếng máy đập lúa, tiếng hát vang rộn xóm thôn. Những năm bội thu, mùa gặt là ngày hội của đồng quê. Cơm gạo mới, mẻ cốm ngọt ngon, đĩa xôi gấc dẻo thơm cứ quyện lấy hồn người.
Cây lúa thật quý giá vô cùng. Rạ rơm làm được bao việc. Để đun bếp, làm phân, để lợp nhà, làm thức ăn cho trâu bò. Nhà nghèo dùng lót ổ trong mùa đông tháng giá: “No cơm tấm, ấm ổ rơm” Rạ rơm là nguyên liệu dể trổng nấm xuất khẩu, vỏ trấu để ù bếp, để độn phân chuồng. Cám để nuôi heo, để ép thành dầu cám. Bát cháo cám năm đói 1945 nhiều người già còn nhắc lại. Hạt lúa là hạt vàng. Hạt gạo là hạt ngọc. Gạo để nấu cơm ăn ngày 3 bữa:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
(Ca dao)
Gạo xay giã thành bột để làm bún, làm bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa:
“Bánh đúc thiếp đổ ra sàng,
Thuận thiếp thiếp bán, thuận chàng chàng mua”.
(Ca dao)
Bánh chưng, bánh giầy, bánh lá, bánh gai, bánh xèo, bánh rán, bánh cốm, bát chè cốm,… trăm thứ bánh, trăm thứ quà. Hương vị quê nhà mới đậm đà biết bao !
Nghề nông ngày một phát triển. Điện, máy, thuốc trừ sâu đã về làng. Nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Người nông dân Việt Nam mang bao phẩm chất tốt đẹp: cần cù. kiên nhẫn, bền bỉ, dẻo dai, thương người, thương nhà và thương nước. Cây lúa nhân hậu như người dân cày nên lúa không thoái hóa thành cỏ dại. Màu xanh của lúa gợi lên vẻ đẹp ấm no thanh bình. Hương sắc của lúa tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người thôn nữ quê ta.
Nâng bông lúa, ngắm nhìn đồng lúa mà lòng bâng khuâng. Tình yêu đồng quê dâng lên dào dạt trong lòng ta. Màu xanh của lúa trường tồn trong dòng chảy thời gian với quê hương xứ sở. Câu ca xưa vấn vương mãi hồn người:
“Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Thuyết minh về một loài ngũ cốc- mẫu 2
Hai câu ca dao ấy thật nhẹ nhàng đã đi sâu vào trái tim của hàng triệu, hàng triệu trái tim Việt Nam mỗi khi nhớ về chốn làng quê thanh bình với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Và có lẽ, sẽ chẳng ai có thể quên được hình ảnh cây lúa nước – một biểu tượng một nét vẽ đơn sơ, bình dị mà rất đỗi xinh tươi trong bức tranh về làng quê Việt Nam.
Cây lúa là một trong năm loại cây lương thực chủ yếu của thế giới và là loại cây lương thực chủ đạo ở Việt Nam. Cây lúa có nguồn gốc nhiệt đới và cận nhiệt đới khu vực Đông Nam Á của châu Á và ở châu Phi. Thêm vào đó, cây lúa còn là loài thực vật thuộc một loại cỏ đã được con người thuần dưỡng, đưa vào nhân giống, cấy ghép và phát triển. Và như vậy, với nguồn gốc ấy, cây lúa có thể phát sinh, phát triển một cách nhanh chóng trong điều kiện khí hậu, thời tiết ở Việt Nam.
Nếu như những loài cây lương thực khác trên thế giới như khoai tây, bắp, lúa mì, sắn sống ở trên cạn thì cây lúa lại hoàn toàn khác. Lúa là loài cây thủy sinh, sống và phát triển chủ yếu ở môi trường nước. Thông thường, mỗi cây lúa cao khoảng 1 đến 1,8 mét. Thêm vào đó, lúa là loài cây rễ chùm, vì vậy, nó có thể bám chắc vào trong lòng đất để hút dưỡng chất, cung cấp cho quá trình sinh trưởng, phát triển.
Lúa là loài cây thân thảo, thân cây được chia làm các mắt khác nhau, bên trong thường rỗng. Ở mỗi làng quê, vào vụ gặt, lũ trẻ con thường dùng thân cây lúa để làm nên những chiếc kèn, âm thanh của những tiếng kèn ấy nghe thật vui tai, như góp phần xóa đi cái nắng nóng của mùa hè và sự mệt nhọc của những ngày mùa. Lá cây lúa hình dẹt dài và mỏng mọc bao phủ bên ngoài thân cây.
Tùy vào từng thời kì mà lá cây lúa có độ dài và màu sắc khác nhau. Thì con gái, lúa khoác lên mình những chiếc áo xanh mát và đến gần mùa thu hoạch thì lá lúa chuyển sang màu vàng.
Đặc biệt, sau một thời gian gieo trồng, cây lúa trổ bông. Bông lúa thường dài từ 35 đến 50 xăng-ti-mét, chứa rất nhiều hạt lúa, rủ xuống trông rất tuyệt. Những bông lúa ấy chính là sự kết tinh những tinh hoa của trời đất và tấm lòng, sự cần cù, chăm chỉ của những người lao động nơi chốn làng quê.
Ở nước ta hiện nay thường có hai vụ lúa chính là vụ chiêm (thu hoạch vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch) và vụ mùa (thu hoạch vào tháng 8, tháng 9 âm lịch). Song, để cây lúa có thể sinh trưởng, phát triển cần phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trước tiên, người nông dân phải tìm được giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi gieo trồng cây lúa.
Sau khi đã chọn được giống lúa phù hợp, người nông dân sẽ tiến hành ủ giống, đến lúc những hạt lúa giống nảy mầm, người ta sẽ gieo chúng xuống đất, chăm sóc nó đến lúc những mầm xanh nhú lên, những cây mạ xanh ra đời. Trong lúc chờ mạ lớn và cứng cáp hơn, người ta sẽ cày, bừa đất, chờ đến khi cây mạ cứng cáp rồi sẽ đem cấy xuống ruộng.
Những ruộng lúa lúc vừa cấy xuống khoác lên mình một màu áo xanh mơn mởn. Để rồi, đến lúc thì còn gái, cánh đồng lúa trở mình, mặc một chiếc áo xanh sẫm và bắt đầu hình thành bông, những bông lúa bên trong mang dòng sữa trắng ngần, ngọt ngào và thơm phức tỏa ngát cả vùng quê.
Sau một thời gian, lúc lúa ngả sang màu vàng, những bông lúa đã chín, người ta gặt nó mang về nhà rồi tuốt lúa, phơi và xát lúa để tạo nên những hạt gạo. Tuy nhiên, trong quãng thời gian từ lúc cấy lúa đến lúc thu hoạch, những con người nơi đây phải thường xuyên thăm đồng, bắt sâu, bón phân, cung cấp thêm nước để cây lúa có đủ điều kiện tốt nhất để phát triển. Quả thực, quá trình phát triển cây lúa rất phức tạp, bởi vậy đòi hỏi ở người gieo trồng rất nhiều công sức và phải chăng vì thế, nhân dân ta xưa nay vẫn thường có câu:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần “
(Ca dao)
Thêm vào đó, cây lúa giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Từ thời xa xưa, Lang Liêu đã lấy gạo làm bánh kính dâng lên vua cha. Và cũng kể từ đấy, cây lúa đã trở thành một nét đẹp, một biểu tượng của nền văn hóa dân tộc. Trong đời sống của chúng ta ngày nay, cây lúa vẫn luôn giữ một vai tò đặc biệt quan trọng. Hạt lúa chính là nguồn lương thực chủ yếu cho chúng ta mỗi ngày.
Những hạt lúa, hạt gạo ấy chính là “hạt ngọc trời”. Gạo không chỉ dùng làm lương thực chính mỗi ngày mà nó còn là nguồn nguyên liệu làm nên nhiều thứ bánh khác nhau là đặc sản của mỗi miền, đó là bánh đa, là bánh tẻ, là bánh cuốn,… Không chỉ có hạt gạo, thân cây lúa sau khi gặt và phơi khô được gọi là rơm, nó là nguồn thức ăn cho gia súc trong nhà, đồng thời, nó là những “chiếc nệm” giữ ấm cho gia súc trong những ngày mùa đông giá rét.
Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, hiện nay nước ta đã lai tạo được hơn 30 giống lúa khác nhau và nước ta là một trong số những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Điều đó thêm một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy vai trò, vị trí to lớn của cây lúa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách thuyết minh về một loài ngũ cốc hay nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 01/2025!