Updated at: 08-05-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê chuẩn nhất 04/2024.

Lập dàn ý thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê

a. Mở bài: Giới thiệu cây dừa

– Kìa vườn dừa cây cao cây thấp

– Gió quặt quà cành lá xác xơ

– Thương anh em vẫn đợi chờ

Không biết từ bao giờ mà cây dừa đã đi vào thơ ca rất đỗi thân thuộc và trìu mến, cây dừa là một loại cây rất quen thuộc và ý nghĩa đối với cuộc sống của người dân. Cây dừa gắn bó thủy chung son sắt với con người.

b. Thân bài:

1. Nơi phân bố

– Trên thế giới: Dừa thường phân bố ở vùng châu Á, Thái Bình Dương

– Ở Việt Nam: Dừa thường tập trung từ Quảng Ngãi đến Cà Mau nhưng nhiều nhất là ở Bình Định và Bến Tre.

2. Đặc điểm

Cấu tạo

– Thân dừa: Cây dừa cao khỏe, có màu nâu sậm, hình trụ và có những nốt vằn trên thân.

– Lá: Lá dài, xanh và có nhiều tàu

– Hoa: Trắng và nhỏ

– Quả: Phát triển từ hoa, bên ngoài màu xanh dày, bên trong có cơm và nước.

– Buồng dừa: Chứa các quả dừa, mỗi buồng thường có 15 quả.

Khả năng sinh sống

– Thường sống ở khí hậu nhiệt đới

– Phát triển trên đất pha cát và có khả năng chống chịu tốt

– Dừa cần độ ẩm cao (70–80%+) để có thể phát triển một cách tối ưu

– Phát triển trong khu vực khô cằn

3. Phân loại

– Dừa xiêm: Loại dừa này trái thường nhỏ, có màu xanh, nước dừa rất ngọt, thường dùng để uống.

– Dừa bị: Trái thường to, vỏ màu xanh đậm, thường được dùng trong chế biến thực phẩm

– Dừa nếp: Trái vàng xanh mơn mởn.

– Dừa lửa: Lá đỏ, quả vàng hồng.

– Dừa dâu: Trái rất nhỏ, thường có màu hơi đỏ.

– Dừa dứa: Trái nhỏ, màu xanh, nước ngọt, vì thơm mùi dứa nên gọi là dừa dứa.

– Dừa sáp: Cơm dừa vừa xốp, vừa mềm mại lại dẻo như bột đã được nhào sệt, đồng thời lại có màu vàng đục như sáp, chỉ có ở vùng Cầu Kè (Trà Vinh).

4. Công dụng

– Nước dừa: Thường được dùng làm nước uống, kho cá, nước chấm,….

– Cơm dừa: Làm kẹo, mứt hay làm nước cốt dừa

– Dầu dừa: Nấu ăn, thoa tóc, dưỡng da,….

– Xơ dừa: Dùng làm dây thừng

– Thân dừa: Làm cột nhà, làm cầu bắt qua sông,…

– Hoa dừa: Dùng để trang trí

– Gáo dừa: Dùng để nấu ăn hay vật dụng trong gia đình,….

– Rễ dừa có thể dùng làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng để súc miệng hay chữa trị bệnh lỵ.

– Làm đồ mỹ nghệ

– Dừa có thể một số bệnh như: Khản tiếng, lỵ, giải độc,….

5. Ý nghĩa của cây dừa

– Trong đời sống:

– Trong nghệ thuật:

+ văn học dân gian:

+ văn thơ hiện đại và cận hiện đại

+ âm nhạc

c. Kết bài

Dừa là một người bạn rất hữu ích với người dân quê Việt Nam. Dừa rất có ích cho cuộc sống và tinh thần của người dân.

Thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê- mẫu 1

“Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre…”

Câu hát ngân nga mang đậm hồn quê gợi nhớ về vùng đất Bến Tre, quê hương của đồng khởi. Nhắc đến Bến Tre, người ta liên tưởng đến một vùng quê thanh bình với cây lành trái ngọt. Đặc biệt, có một loài cây gắn bó quanh năm, gắn bó cả cuộc đời với người dân Bến Tre – cây dừa.

Đi khắp Bến Tre, nơi đâu ta cũng gặp bóng râm của những hàng dừa mát rượi. Hầu như nhà nào cũng trồng dừa. Cây dừa biểu tượng của cây trái ở Bến Tre cũng như cây chè của Bảo Lộc, Thái Nguyên, cây cà phê ở Buôn Mê Thuột hay cây cọ ở vùng quê sông Thao.

Khác với cây dừa ở các tỉnh khác được mọc ở vùng đồng bằng, dọc bờ biển hay ven những triền cát trắng, cây dừa Bến Tre mọc dài trên ba cù lao lớn, cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Vì vậy, cây dừa Bến Tre quanh năm được phù sa của các nhánh sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên bồi đắp nên lúc nào cũng xanh tươi đầy sức sống.

Cây dừa Bến Tre có rất nhiều chủng loại. Dừa ta hay còn gọi là dừa bị trái to, cơm dày, dừa xiêm trái nhỏ nước ngọt và thanh, dừa lửa có vỏ bên ngoài vàng cháy, dừa dâu trái thon nhỏ dần ở hai đầu như hình dáng quả dâu. Ngoài ra còn có một số loại khác như: Dừa Tam Quan, dừa cỏ, dừa dứa, dừa éo riêng dừa sáp chỉ mọc được ở Trà Vinh và trở thành đặc sản của vùng đất này.

Có lẽ trong tất cả các loại cây trái ở Việt Nam, cây dừa là một loại cây cống hiến cả cuộc đời mình cho con người. Không một chi tiết nào trên thân dừa lại không có chỗ dùng. Rễ dừa dùng để làm chất đốt, có nơi còn làm thuốc nhuộm. Lá dừa dùng để lợp nhà, gói bánh dừa, tàu dừa chặt ngắn lá dùng để trang trí nhà rạp, cổng hoa trong những tiệc cưới ở làng quê. Lá dừa khô được bó lại thành cây làm đuốc soi đường trong những vùng sâu thiếu thốn ánh đèn phố thị. Sống lá dùng để đan những giỏ hoa giỏ đựng trái cây trông rất thanh mảnh và trang trọng.

Thân dừa thường dùng để bắc ngang con mương nhỏ làm cầu. Sau khi bào bỏ lớp vỏ bên ngoài, người ta lấy thân làm cột, làm kèo xây nhà, hoặc sáng tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác hoặc làm chén đũa. Bông dừa tươi được hái xuống để cắm trang trí vừa thanh nhã vừa lạ mắt. Bông dừa già cắt khúc kết lại với nhau làm thành giỏ hoa, chụp đèn treo tường có giá trị thẩm mỹ cao. Đọt dừa non hay còn gọi là củ hủ dừa là một thứ thức ăn độc đáo. Có thể làm gỏi, lăn bột, xào.. rất thích hợp với người ăn chay. Tuy nhiên, món này không phải lúc nào cũng có vì mỗi khi đốn một cây dừa, người ta mới lấy được củ hủ để dùng. Thậm chí ngay cả con sâu sống trên cây dừa (còn gọi là đuông dừa) cũng là một thứ món ăn ngon. Do ăn đọt dừa non nên đuông dừa béo múp míp. Người ta chế biến đuông thành nhiều món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng ở các quán ăn trong thành phố.

Tuy nhiên, thứ có giá trị nhất vẫn là trái dừa. Trái dừa tươi được chắt ra lấy nước giải khát, có công năng hạ nhiệt, giải độc. Ngày xưa, trong chiến trận, thiếu các phương tiện y tế, người ta còn dùng nước dừa thay thế cho dịch truyền. Dừa khô có nhiều công dụng hơn nữa. Nước dừa dùng để kho cá, kho thịt, thắng nước màu, cơm dừa rám dùng để làm mứt, cơm dừa dày được xay nhuyễn, vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc. Gáo dừa được sử dụng làm than hoạt tính, chất đốt hoặc làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc các bờ kè chống sạt lở ven sông.

Hiện nay, các mặt hàng làm từ cây dừa không chỉ phát triển trong nước mà còn được mở rộng ra các nước khác trên thế giới. Kẹo dừa Bến Tre được xuất khẩu nhiều nhất qua trung Quốc.

Đi về Bến Tre, chỉ cần qua khỏi phà Rạch Miễu ta sẽ đi giữa bạt ngàn màu xanh của dừa. Những buổi trưa oi bức, chỉ cần mắc võng học bài dưới gốc dừa, bên cạnh bờ ao, hoặc đưa mắt nhìn bầu trời xanh đung đưa qua kẽ lá, nghe tiếng cá nhảy, đớp mồi dưới ao chúng ta bỗng thấy cuộc đời đẹp biết bao. Cuộc sống của người dân Bến Tre gắn liền với cây dừa từ bao đời nay. Ngôi nhà của họ cũng ẩn hiện dưới bóng râm mát rượi của hàng dừa, lúc khát nước uống trái dừa ngọt lịm … Không biết đã có bao nhà thơ đã dệt nên những vần thơ đẹp về cây dừa ở Bến Tre. Trong đó bài thơ của nhà thơ Kiên Giang làm em thích thú nhất:

“Khi yêu yêu lắm dừa ơi
Cả trời cả đất cả người Bến Tre
Bóng dừa râm mát lối quê
Người ơi! Tôi tưởng lối về cung tiên…”​

Trong tương lai, cuộc sống ngày một hiện đại hơn. Nhưng những giá trị tinh thần vẫn không bao giờ thay đổi. Cũng như vậy, cây dừa sẽ mãi gắn bó với người dân Bến Tre như những hạt phù sa mãi mãi gắn liền với các con sông để ngày bồi đắp cho mảnh đất quê hương thêm màu mỡ.

Thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê- mẫu 2

Cây cau thuộc họ cọ. Cau là loại cây lưu niên, một đời người, một đời cau. Trước nhà, dọc hai bên ngõ, hàng cau cao vút. Thân cau tròn có từng khoanh; có cây cau cao trên mươi mét. Tàu cau như tàu dừa, ngắn và nhỏ hơn, đu đưa trước gió, lựa như đuôi con chim xanh biếc.
Hoa cau trắng ngần, hương đưa thoang thoảng. Quả cau kết thành buồng; mỗi buồng có vài chục quả đến vài trăm quả. Quả cau hình trứng hoặc tròn hơi dài, màu cọ, bên trong có một hạt. Cau kết trái mỗi năm hai vụ. Cau lưu niên ra hoa, kết trái quanh năm. Khi bổ quả cau ra, hạt có hoa vẫn rất đẹp.

Có cau phải có trầu. Dân gian gọi trầu, cau là tân – lang. Tục ăn trầu của dân ta đã có từ lâu đời. Truyện cổ tích Trầu cau rất cảm động. Khách đến nhà theo phong tục cổ truyền, chủ nhà mời khách ăn trầu, nên mới có câu ” Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Bà Chúa thơ Nôm có bài thơ “Mời trầu”. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ có câu thơ:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có,

Bác đến chơi đây, ta với ta”
(Bạn đến chơi nhà)

Gái trai ngày xưa ướm duyên, tỏ tình bằng cách mời trầu. Sính lễ nhất định phải có buồng cau, chai rượu. Số người ăn trầu ngày một ít đi, nhưng buồng cau trong lễ cưới hỏi không thể thiếu.

Cau được bổ làm bốn, làm sáu, phơi khô dễ ăn dần. Hạt cau là vị thuốc để diệt trừ giun, sán, tiêu đờm, khử độc.

Khi mua cau nên chọn buồng sây quả, quà tròn to, xanh bóng, loại cau bánh tẻ, ăn vào vị chát hơi đắng là cau ngon.

“Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu, mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi tầu
Giữa têm cát cánh, hai đầu quế cay”
Ca dao

Câu hát của thôn nữ ngày xưa, hỏi ai trong chúng ta ngày nay còn nhớ?

Thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê- mẫu 3

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu khái quát về mối quan hệ và công dụng thiết thực của cây tre với người dân Việt Nam

2. Thân bài:

  • Nguồn gốc:
    • Cây tre đã có từ lâu đời, gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
    • Tre xuất hiện cùng bản làng trên khắp đất Việt, đồng bằng hay miền núi…
  • Các loại tre:
    • Tre có nhiều loại: tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, và cả lũy tre thân thuộc đầu làng…
  • Đặc điểm:
    • Tre không kén chọn đất đai, thời tiết, mọc thành từng lũy, khóm bụi
    • Ban đầu, tre là một mầm măng nhỏ, yếu ớt; rồi trưởng thành theo thời gian và trở thành cây tre đích thực, cứng cáp, dẻo dai
    • Thân tre gầy guộc, hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Trên thân tre còn có nhiều gai nhọn.
    • Lá tre mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những gân lá song song hình lưỡi mác.
    • Rễ tre thuộc loại rễ chùm, cằn cỗi nhưng bám rất chắc vào đất -> giúp tre không bị đổ trước những cơn gió dữ.
    • Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”…
  • Vai trò và ý nghĩa của cây tre đối với con người Việt Nam:
    • Trong lao động:
      • Tre giúp người trăm công nghìn việc, là cánh tay của người nông dân.
      • Làm công cụ sản xuất: cối xay tre nặng nề quay.
    • Trong sinh hoạt:
      • Bóng tre dang rộng, ôm trọn và tỏa bóng mát cho bản làng, xóm thôn..
      • Dưới bóng tre, con người giữ gìn nền văn hóa lâu đời, làm ăn, sinh cơ lập nghiệp.
      • Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp:
        • Khi chưa có gạch ngói, bê tông, tre được dùng để làm những ngôi nhà tre.
        • Tre làm ra những đồ dùng thân thuộc: từ đôi đũa, rổ rá, nong nia cho đến giường, chõng, tủ…
        • Tre gắn với tuổi già: điếu cày tre.
        • Đối với trẻ con ở miền thôn quê thì tre còn có thể làm nên những trò chơi thú vị, bổ ích.
    • Trong chiến đấu:
      • Tre là đồng chí…
      • Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù.
      • Tre xung phong… giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh…
      • Tre hi sinh để bảo vệ con người

3. Kết bài:

  • Cây tre trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Trong đời sống hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn không thể rời xa tre.

Bài văn

Những người đi xa quê hương thường nhớ về hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình ,..những hình ảnh quen thuộc của quê hương. Trong số ấy không thể thiếu lũy tre đầu làng. Đúng vậy, cây tre đã từ lâu trở thành một loài cây thân thuộc với người dân Việt Nam.

Không ai biết cây tre có từ bao giờ, chỉ biết rằng lũy tre đã đứng vững trãi như vậy từ hàng ngàn năm trước từ thuở vua Hùng dựng nước đến các cuộc khánh chiến chống xâm lăng. Tre đã cùng con người bảo vệ từng tấc đất của dân tộc. Tre vốn là loài cây thuộc họ thảo mộc, có rễ chùm, thân thẳng vững trãi. Những cây tre nhỏ thì cao khoảng từ hai đến ba mét còn những cây tre trưởng thành có thể cao hơn năm mét. Thân tre hình ống trụ dài, bên trong rỗng. Trên thân tre thường được chia thành các đốt dài bằng gang tay người trưởng thành. Ở mỗi đốt ấy đều có một mấu nối gọi là mắt tre, nơi mà các cành tre mọc ra. Cành tre nhỏ mảnh khảnh không to như càng cây bàng hay bằng lăng nhưng dại dẻo dai. Những cành cây mọc ra theo nhiều hướng khác nhau, cành này đan vào cành kia tạo thành một tấm áo giáp bảo vệ cho những búp măng nhỏ bé đang ẩn náu sâu trong lũy tre. Măng tre hình búp, khoác lên mình một màu xanh pha nâu của đất. Những lớp áo của măng tre là từng bẹ lá úp vào nhau, đợi đến khi trưởng thành thì những bẹ lá ấy cứ tách dần ra cho măng tre mạnh mẽ vươn lên như một cây giáo đâm thẳng lên bầu trời. Lá tre nhỏ, thon và dẹp thuôn nhọc vè phía đầu và sắc. Những chiếc lá mới đầu có màu xanh nhưng khi già thì nó chuyển sang màu vàng. Tre cũng là loài thực vật có hoa nhưng chỉ nở một lần vào cuối đời vào thời gian nở là từ năm mươi đến sáu mươi năm. Hoa tre có mùi hương hơi nồng và có màu vàng nhạt như màu đất. Có thể thấy, tre là loài cây dễ sống, chúng thích nghi với mọi hoàn cành mọi loại đất dù là đất bạc màu hay đất chua, vì vậy mà đi đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam ta cũng thấy cái dáng cao cao nghiêng nghiêng của lũy tre.

Nói đến tre Việt Nam thì làm sao kể cho xiết, từ Bắc vào Nam không biết có bao nhiêu là loài tre: tre Việt bắc, trúc Lam sơn, …Từ lâu tre đã trở thành người bạn của người nông dân đặc biệt là măng tre được coi như một món ăn đặc sản của người nông dân. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ, măng tre được chế biến thành nhiều món ăn như tre luộc, măng khô nấu canh, măng tươi…Lá tre khô còn là một vật liệu đốt dễ kiếm cho các bà các mẹ. Cành tre có gai nhọn thường được người nông dân xưa làm hàng rào quanh nhà. Đặc biệt nhất là thân tre, chúng trở thành những đòn gánh theo bước chân người nông dân ra đồng, thành cối xay giúp người nông dân xay lúa. Thân tre còn được vót mỏng thành những lạt mỏng dùng để gói bánh hay buộc mái nhà của người dân xưa hay được đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân biến hóa thành những chiếc rổ giá hay hình thù con cò, con vạc …những món đồ lưu niệm cho khách du lịch. Trong những ngày lễ Cổ truyền, thân tre còn được dùng làm cây nêu cầu may trong nhà. Những lũy tre còn đi sâu vào tâm trí của những đứa trẻ em vùng quê khi vào những buổi trưa hè nóng bức mà được ngồi dưới gốc tre mà hát những bài ca đồng quê, thả những con thuyền tre. Chính những kí ước đó là hành trang cho bất cứ người con xa quê sau này đều nhớ về quê hương. Không những vậy, hình ảnh dáng tre vững trãi đã đi vào những cuộc kháng chiến từ thời vua Hùng, Thánh Gióng lấy lũy tre làm vũ khí đánh tan quân thù, đến hai cuộc kháng chiến chống pháp và mĩ những dụng cụ làm từ tre: cày, cuốc… cũng được Bác nhắc đến trong bài kêu gọi toàn dân kháng chiến…Chính vì những điều đó mà cây tre từ lúc nào đã trở thành biểu tượng cho làng quê Việt Nam.

Thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê- mẫu 4

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu cây trồng ở quê em, cụ thể ở đây là cây chuối

2. Thân bài:

  • Nguồn gốc của cây chuối: có nguồn gốc từ Đông Nam Á, sinh trưởng ở nhiều nơi
  • Phân loại chuối: có nhiều loại, phong phú, đa dạng như chuối tiêu, chuối ngự, chuối cau, chuối hột, chuối ba hương
  • Đặc điểm của chuối
    • Sinh trưởng tốt ở những nơi ẩm ướt.
    • Thân ngầm, có thân chính dưới mặt đất và thân giả do các bẹ chuối xếp lại
    • Lá chuối lúc mới ra màu xanh non, cuộn tròn như chiếc hoa loa kèn, lớn lên xanh và rộng…sau già úa sang màu vàng và khô.
    • Hoa chuối có màu đỏ tươi, buồng chuối bung nở từ hoa chuối
    • Quả chuối: mọc thành nải chuối. cong cong như một vầng trăng lưỡi liềm đầu tháng. Khi mới ra màu xanh, lớn lên màu xanh thẫm, khi chín màu vàng.
  • Cách trồng, chăm sóc cây chuối
  • Công dụng, ý nghĩa của cây chuối
    • Qủa chuối có giá trị dinh dưỡng cao, được dùng trong ẩm thực và nhiều người ưa chuộng. Chuối xanh để nấu ốc, nấu ếch, ăn kèm. Chuối chín ăn trực tiếp, làm kẹo, mứt, bánh…
    • Hoa chuối thái làm nộm, lá chuối gói bánh, thân chuối làm thức ăn cho chăn nuôi…
    • Qủa chuối có nhiều chất dinh dưỡng, dùng để cúng bàn thờ gia tiên

3. Kết bài:

  • Tình cảm của em dành cho cây ở quê mình

Bài văn

Trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu, nơi đâu cũng có những loài cây đặc trưng cho xứ sở của mình. Hà Nội thoang thoảng hương hoa sữa, miền Tây nức tiếng cây trái miệt vườn. Nông thôn bình dị quê tôi lại không thể vắng bóng hình ảnh cây chuối.

Nhắc đến nông thôn Việt Nam không thể không nhắc đến cây chuối. Trên khắp mọi miền quê, nơi đâu ta cũng thấy màu xanh những tàu lá chuối mong manh nhưng căng tràn sức sống. Cây chuối là một loại cây ăn trái đã được thuần hóa từ bao đời nay, nó có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, phổ biến ở các khu rừng nhiệt đới. Cho đến nay đã có khoảng 300 giống chuối được trồng và sử dụng trên khắp thế giới được trồng ít nhất trên 107 quốc gia. Chuối ở Việt Nam lại có nguồn gốc từ các giống chuối dại và có số lượng lớn. Nổi tiếng là chuối tiêu, chuối ngự… Sau đó, người Pháp mang vào nước ta vài giống chuối mới, quả to và năng suất cao hơn.

Họ hàng nhà chuối rất đông đúc, phong phú bao gồm chuối lấy quả, chuối chỉ để lấy lá. Ở nước ta các loại chuối phổ biến là chuối tiêu, chuối sứ, chuối tây, chuối bom…và một số giống nhập ngoại khác. Mỗi giống lại có đặc điểm hình dáng, hương vị khác nhau.

Về cơ bản, đặc điểm sinh thái của chuối giống nhau. Chuối là loại cây thân ngầm có sinh trưởng tốt ở môi trường ẩm ướt. Chúng có chiều cao trung bình khoảng 3 – 5 m. Tuy nhiên lại có giống chuối sáp cao tới 10 m. Phần thân chính ẩn mình dưới mặt đất gọi là củ chuối, phần thân trên là thân giả do các bẹ chuối ghép lại. Thân chuối hình tròn thẳng đứng và nhẵn thín như những chiếc cột nhà bóng loáng. Lá khi mới mọc ra cuộn tròn như chiếc hoa loa kèn xanh non, khi lớn lên thì xanh mướt và rộng như một tấm phản. Mặt trên của lá màu xanh thẫm, mặt dưới màu xanh nhạt và có phấn trắng. Mỗi chiếc là chuối có 1 đường gân lá nằm ở giữa, 2 bên có hai dải mềm mại rủ xuống. Khi già lá rũ xuống bám chặt lấy thân. Ban đầu vàng tươi rồi khô dần dần thành màu nâu nhạt, chúng nhường chỗ cho những lá non đang chuẩn bị chồi ra ngoài.

Nõn chuối giống như một bức thư thuở xưa được phong còn kín. Bắp chuối hay còn gọi hoa chuối màu đỏ tươi, trông như một búp sen khổng lồ treo. Chuối trưởng thành sẽ ra hoa, trổ buồng. Buồng chuối được bung ra từ hoa, lớn dần thành những nải chuối to xếp lại, quây quần bên nhau. Quả chuối ra thành nải treo thành từng tầng. Mỗi tầng (gọi là nải) khoảng hai mươi quả. Các nải kết dính quanh một trục gọi là một buồng. Quả chuối lớn rất nhanh, càng lớn chúng càng cong hình lưỡi liềm, khi xanh có có màu xanh, khi chín có màu vàng bắt mắt.

Chuối rất dễ sống và nhanh lớn, nhưng vòng đời lại rất ngắn. Nên trồng chuối ở những nơi có nhiều ánh sáng để chúng phát triển. Vào mùa gió bão, nếu chuối có buồng cần phải chống để cây khỏi đổ. Khi thu hoạch thì phải nhẹ nhàng tránh rơi gẫy quả.

Cây chuối gắn bó thân thiết với cuộc sống người dân quê tôi và người dân Việt Nam. vốn gần gũi trong đời sống của người nông dân Việt Nam. Chỉ một loài cây bình dị nhưng ẩn chứa rất nhiều công dụng. Cùng với các loại hoa quả, lương thực, chuối cũng là loại quả được xuất nhập khẩu nhiều ở các quốc gia. Quả chuối có giá trị dinh dưỡng cao. Chuối chín có rất nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, người giả và người trẻ đều yêu thích. Xưa kia chuối là loại quả quí để tiến vua, ngày nay chuối được coi là món ăn dân giã, quen thuộc. Người ta còn làm thành mứt chuối, chuối sấy rất ngon. Chuối xanh là một món ăn kèm không thể thiếu trong ẩm thực với thịt dê, gỏi, cá kho hay nấu ốc, nấu ếch. Thân chuối còn dùng làm thức ăn chăn nuôi. Lá chuối dùng gói xôi, gói bánh, gói giò tạo mùi thơm dịu nhẹ. Lá chuối khô để đốt. Người ta dùng cả dây chuối khô từ cuống lá chuối để buộc, rất dai và bền. Củ chuối thái nhỏ làm nộm, nấu lươn rất ngon. Chuối còn được dùng trong Đông y chữa bệnh.

Trong đời sống tinh thần dân tộc, cây chuối đi vào thơ ca, hội họa tạo nên nét đẹp  dịu dàng, bình dị vùng quê Việt Nam mộc mạc, thanh bình từ bao đời nay. Hình ảnh buồng chuối trĩu nặng giống như biểu tượng của người mẹ thiên nhiên bao dung, cần mẫn và yêu thương đàn con. Những ngày rằm, ngày lễ trên mâm bàn thờ tổ tiên luôn có những quả chuối thơm ngon nhằm cầu mong phúc lành, sự sum vầy, trù phú và thịnh vượng trong cuộc sống.

Từ bao đời nay, chuối đã gắn bó và dâng hiến cho cuộc sống con người Việt Nam, cả về vật chất và tinh thần. Cây chuối cũng chính là loài cây biểu tượng cho quê hương thân yêu mà mỗi lần đi xa tôi luôn ghi nhớ.

Thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê- mẫu 5

Dàn bài

1. Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu cây xoài ở quê hương em

2. Thân bài: Thuyết minh cây xoài

  • Nguồn gốc: Phát hiện chỉ ra xoài có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Nam Á
  • Đặc điểm cây xoài:
    • Cây thân gỗ lớn, khỏe và chắc, một cây trưởng thành có thể cao từ mười đến hai mươi mét
    • Rễ cây xoài là rễ cọc có thể dễ dàng ăn sâu xuống dưới đất
    • Tán của xoài rất rộng bởi cành lá xum xuê,….
    • Khi còn non, lá xoài có màu tím pha đỏ; khi lá đã trưởng thành thì có màu xanh nhạt;
  • Phân loại xoài: chia ra thành nhiều loại như xoài Cát, xoài Tượng, xoài Thái,…
  • Công dụng của cây xoài:
    • Tán rộng nên được trồng để lấy bóng mát.
    • Xoài là lấy trái, ăn rất ngọn và bổ.
    • Xoài là loại trái cây được xuất khẩu, mang lại giá trị cao….
    • Thân to và chắc, gỗ xoài cũng được dùng làm bàn ghế, tủ giường,…

3. Kết bài: 

  • Xoài từ lâu đã trở thành loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam, là dấu hiệu mỗi khi hè về

Bài văn

Đất nước Việt Nam với khí hậu nóng ẩm là nơi thích hợp cho nhiều loài cây sinh sống, mỗi mùa lại cho ta những thức quả khác nhau. Nếu xuân là hồng xiêm thơm nức, thu là quả ổi dân dã, đông là lê thanh mát thì hạ là những trái xoài lúc lắc trên cây. Xoài vừa là loại trái cây quen thuộc, vừa là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê.

Người ta không biết xoài có nguồn gốc từ đâu, nhưng nhiều phát hiện chỉ ra xoài có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Nam Á, từ đó nó đã được phân bố trên rộng khắp thế giới và trở thành loài cây quen thuộc tại các vùng đất nhiệt đới.

Xoài là cây thân gỗ lớn, khỏe và chắc, một cây trưởng thành có thể cao từ mười đến hai mươi mét. Để có thể giúp cây cao lớn và vững chắc như vậy không thể không kể đến bộ rễ của cây. Rễ cây xoài là rễ cọc có thể dễ dàng ăn sâu xuống dưới đất, hút nước và các chất khoáng để nuôi dưỡng sự sống cho cây. Không chỉ là một loài cây cho trái, xoài, cũng như bàng, phượng hay bằng lăng, được trồng để lấy bóng mát. Tán của xoài rất rộng bởi cành lá xum xuê, nhìn từ xa trông như chiếc dù xanh mát rộng lớn rợp bóng râm cả một khoảng sân, che mát trong những ngày hè nóng nực. Khác với phượng, xoài là cây lá đơn với những phiến lá thuôn dài, bề mặt nhẵn và có mùi thơm riêng biệt độc đáo. Khi còn non, lá xoài có màu tím pha đỏ; khi lá đã trưởng thành thì có màu xanh nhạt; còn lúc đã về ”xế chiều” thì lá lại mang sắc xanh đậm đà.

Xoài cho bóng mát, cho lá, cho cành còn cho cả hoa. Hoa xoài nhỏ xíu như ngôi sao trên bầu trời rộng lớn nhưng không đứng riêng lẻ mà mọc thành chùm ở ngọn cành, mỗi chùm hoa dài tầm ba mươi centimet, cứ mỗi chùm như thế là xoài đơm nở cho ta hai trăm đến bốn trăm bông hoa. Cũng như nhiều loài cây cho trái khác, có hoa xoài rồi mới có quả. Khi hoa già, rụng xuống đất cũng là lúc xoài kết trái. Trái xoài thon ở hai đầu và phình to hơn ở giữa. Khi mới còn là trái non thì xoài có màu xanh đậm, nhưng khi đã chín và có thể thu hoạch thì thường mang sắc vàng hoặc xanh pha vàng. Chính màu vàng ươm như màu nắng hạ này khiến cho trái xoài trở thành loại hoa quả được ưa chuộng mỗi khi hè về, với vị chua và ngọt rất hài hòa, không ngọt sắc như mía hay chua gắt như quất, như chanh. Vẻ ngoài đẹp mắt cùng vị thơm ngon hài hòa, kết hợp với mùi hương dịu nhẹ nhưng đầy hấp dẫn, đã khiến cho loại trái cây này như một đặc sản không thể thiếu mỗi khi hè về.

Xoài có thể được chia ra thành nhiều loại như xoài Cát, xoài Tượng, xoài Thái,… với nhiều hương vị khác nhau phù hợp với sở thích và gu ăn uống của từng người.

Được trồng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, xoài là một loài cây có nhiều giá trị sử dụng. Tán rộng nên được trồng để lấy bóng mát. Nhưng chiều hè nắng chói, được ngồi dưới gốc xoài, nhìn nhưng quả xoài mới nảy lúc lắc trên cây khi gió thổi qua cũng là thú vui của nhiều người muốn yên tĩnh sau những giờ làm việc căng thẳng. Những ai đã đi qua thời học sinh la cà quán ăn vặt cổng trường hẳn cũng không thể nào quên hương vị của những túi xoài muối ớt, ăn vừa cay vừa chua mà vẫn rất nghiền. Xoài cũng được trồng như một loại cây xanh đô thị bởi không cần phải quan tâm nhiều đến việc chăm bón. Nhưng giá trị nhất ở xoài là lấy trái, ăn rất ngọn và bổ. Bởi vậy mà không chỉ được yêu thích trong nước mà xoài còn là loại trái cây được xuất khẩu, đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Người dân không chỉ ăn xoài khi đã chín mà còn lấy xoài xanh để ăn sống, nhai rồn rột và có vị chua không quá gắt, chấm với mắm đường ăn rất ngon và có hương vị độc đáo. Chưa có loại quả nào được ăn với loại nước chấm như vậy cả.  Bên cạnh đó, với thân to và chắc, gỗ xoài cũng được dùng làm bàn ghế, tủ giường,…

“Một vườn xoài rung rinh lá sáng

Một vườn xoài chạy dài thăm thẳm

Một vườn xoài rợp mát tuổi thơ ngây

Một vườn xoài xanh biếc dưới mây bay”

Đó là những câu thơ Lưu Quang Vũ viết trong “Mùa xoài chín”. Xoài từ lâu đã trở thành loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam, là dấu hiệu mỗi khi hè về và cành lá rung rinh trong gió cũng gọi về cả một miền kí ức tuổi thơ tươi đẹp

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách thuyết minh về một loại cây trồng nơi vườn quê hay nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!