Updated at: 30-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “nêu Suy nghĩ của em về văn bản : “Những ngôi sao xa xôi ”của Lê Minh Khuê” chuẩn nhất 09/2024.

Dàn bài cảm nghĩ của em với Những ngôi sao xa xôi tuyển chọn xuất sắc nhất:

1.1. Mở bài:

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Lê Minh Khuê: một tác giả của lớp nhà văn việt nam thời kỳ chiến tranh kháng Mĩ.

– Giới thiệu về tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi “: thể hiện thành công hình tượng cao đẹp của các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

1.2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sống và chiến đấu:

– Những cô gái sống trong một cái hang dưới lòng cao điểm – nơi tập luyện có nhiều bom đạn cùng sự nguy hiểm ác liệt.

– Họ uống nước mưa chứa trong can hoặc thùng, bơi ở sông suối, dụng cụ liên lạc duy nhất là một cây đài radio mini có thể phát nhạc và hát.

– Công việc đặc biết nguy hiểm: ở trên cao điểm cả ngày, căng mình giữa khu vực trọng điểm, cứ mỗi trận bom phải tính khối lượng đất đổ vào hầm bom và khi cần lại phải phá bom.

⇒ Hoàn cảnh sống rất nguy hiểm, thường xuyên ốm đau, cái chết luôn cận kề cần sự tỉnh táo, lạc quan và dũng cảm.

b. Điểm chung của những cô gái:

– Họ có phẩm chất đạo đức của người nữ thanh niên xung phong:

– Họ có lí tưởng sống cao cả: họ chấp nhận hi sinh tuổi xuân, hi sinh gia đình riêng để lắng nghe lên tiếng kêu linh thiêng của Tổ quốc,

– Kiên cường dũng cảm đối đầu với hiểm nguy:

+ Nơi các cô làm việc thực sự là một thử thách, không sợ hi sinh;

+ Bị thương nhưng cũng sẵn lòng gắn bó hết mình với đồng đội;

– Tính chuyên nghiệp cao với công việc: Khối lượng công việc lớn nhưng nhiều cô thường nỗ lực hoàn thành xuất sắc mà không cần dựa vào sự trợ giúp.

– Họ cũng có tình cảm anh em, đồng đội gắn bó và yêu thương;

+ Khi Nho ốm, chị Thao lo cho Nho, Phương Định tắm cho Nho với nước lã nấu nóng, chích vào Nho, chăm Nho như thể một cô y tá thành thạo

⇒ Cái tình đồng đội ấy giúp các cô cùng nhau hoàn thành công việc.

c. Điểm riêng của từng người: 

– Nhân vật Nho:

+ Nho là em út, tính nghịch ngợm, thích nhai kẹo cao su và có thân hình nhỏ bé nên sau mỗi lần đi trinh sát về đều đi tắm rửa khiến Phương Định tưởng tượng Nho với một que kem mát mẻ. Nhưng khi chiến đấu nàng lại là một cô gái rắn rỏi và bản lĩnh.

– Nhân vật Thao:

+ Chị Thao là chị cả nhưng rất thích làm duyên: Lông mày cắt bé bằng cây tăm, áo lót chiếc nào cũng thêu chỉ màu. Chị cũng chăm nghe bài hát dù không hát được bài nào.

+ Trong công việc luôn dũng cảm quyết liệt nhưng cũng vô cùng sợ máu và sợ nước

⇒ Trong cô có sự pha trộn của cái rụt rè, yếu đuối và cái mạnh mẽ quyết liệt đến tột cùng

– Nhân vật Phương Định:

+ Định là một cô gái hồn nhiên, thích mộng mơ hay sống với kí ức của mình ở thành phố nơi cô sống.

+ Phương Định đã vô cùng dũng cảm trong một lần phá bom, cô mạnh mẽ lên khi tin chắc có ánh nhìn của bộ đội dõi theo mình.

+ Cô không sợ chết đâu chỉ sợ đường không thông suốt không hoàn thành nhiệm vụ.

⇒ Mỗi cô gái có nhiều nét cá tính trong sáng rất đáng yêu, là các nhân vật thú vị từ cuộc sống đời thường đi vô nghệ thuật một cách sinh động.

1.3. Kết bài:

Khẳng định thêm sự thành công của toàn bộ tác phẩm về nghệ thuật và nôi dung của tác phẩm.

 

 

2. Nghê thuật và nội dung của tác phẩm những ngôi sao xa xôi:

Nghệ thuật: Cách viết thứ nhất, miêu tả các nhân vật chính

Nội dung: Khẳng định sự kiên trung bất khuất với nhiều đức tính rất đáng yêu của ba cô gái nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam đương thời nói chung. Cảm nghĩ của em đối với những nhân vật trong truyện.

Suy nghĩ của em về văn bản : “Những ngôi sao xa xôi ”của Lê Minh Khuê- Mẫu 1

Là cây bút chuyên về truyện ngắn, trong chiến tranh, Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. “Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm đầu tay của bà, được viết năm 1971 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra rất ác liệt. Truyện giúp ta hiểu hơn về cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong trên một cao điểm ở tuyến đường Trường Sơn.

Truyện xoay quanh ba nhân vật nữ thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường. Họ là ba người nhưng công việc gắn bó họ thành một khối thống nhất. Họ cùng sống và chiến đấu tronh hoàn cảnh vô cùng gian khổ, ác liệt : ở trên một cao điểm trọng yếu của tuyến đường Trường Sơn, làm công việc đặc biệt nguy hiểm: “khi có bom nổ thì đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”.

Nghĩa là họ ở nơi tập trung nhiều bom đạn, làm công việc luôn đối mặt với cái chết. Họ cảm nhận rõ ràng: “Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần .Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ .” Công việc thường ngày mạo hiểm ấy đòi hỏi họ phải là những người dũng cảm, gan góc có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, không sợ gian khổ hy sinh.

Mặc dù phải sống cách biệt, ở xa đồng đội, làm công việc nguy hiểm song cả ba cô gái ấy sống gắn bó cùng nhau và không hề mất đi những nét tính cách đáng yêu của những cô gái trẻ. Họ luôn yêu thương, lo lắng, chăm sóc cho nhau, tâm hồn họ trong sáng, giàu mơ ước, dễ vui, dễ buồn và đặc biệt, họ rất thích làm đẹp cho cuộc sống của mình.

Chị Thao nhiều tuổi nhất, chăm chép bài hát, sợ máu và vắt. Nho thích thêu thùa , thích ăn kẹo , cô rất đáng yêu “trắng và tròn như một que kem mát lạnh”, có vẻ dịu dàng và gan góc . Người thứ 3 nổi bật nhất, tiêu biểu cho tổ trinh sát mặt đường là Phương Định. Là một cô gái Hà Nội xinh xắn “hai bím tóc dày tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”và đôi mắt đẹp:“có cái nhìn sao mà xa xăm”. Vừa qua thời học sinh, cuộc sống chiến trường tôi luyện Định thành một chiến sỹ kiên cường, dũng cảm. Ngày nào Định cũng phá bom nhiều lần ,cô có nghĩ tới cái chết nhưng điều quan trọng hơn là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai ?”.

Tâm trạng Phương Định khi phá bom được miêu tả cụ thể ,tinh tế đến từng cảm giác. Từ sự cảm nhận không khí đầy căng thẳng đến cảm giác “các anh cao xạ đang dõi theo từng cử chỉ, động tác của mình” và lòng dũng cảm như được tăng lên bởi sự tự trọng: “Tôi đến gần quả bom …tôi sẽ không đi khom, các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới ”. Cảm giác căng thẳng của Định khi ở bên quả bom, kề sát cái chết im lìm và bất ngờ được miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết: “thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. ”Đó là công việc hàng ngày đã quen của Định. Công việc hiểm nguy ấy khiến ba cô gái thanh niên xung phong trở nên thật phi thường, thật đáng khâm phục.

Tuy vậy sự ác liệt của chiến trường không làm vơi đi đời sống tâm hồn trong sáng, giàu cảm xúc của Định. Cô hay mơ mộng, thích hát, thậm chí “bịa lời ra mà hát ”thích dân ca quan họ, thích hành khúc, thích Cachiusa, thích dân ca Ý. Định còn hay ngồi bó gối mơ màng, sống với những hồi tưởng về gia đình,quê hương.Cô ý thức về mình, tự hào vì được nhiều người để ý nhưng lại tỏ ra hờ hững như là kiêu kỳ. Tuy vậy trong suy nghĩ và tình cảm của cô thì “những người đẹp nhất ,thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục,có sao trên mũ”. Định thực sự là cô thiếu nữ mộng mơ, hồn nhiên, trong sáng và dũng cảm.

Ngôi kể thứ nhất, cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung cùng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc của tác giả đã góp phần không nhỏ trong việc khắc hoạ thành công thế giới tinh thần phong phú và trong sáng của những cô gái trẻ .

Những trang cuối cùng của truyện khép lại nhưng dư âm của câu chuyện vẫn còn đọng mãi trong em. Vẻ đẹp tâm hồn của họ, những chiến công lặng thầm của họ mãi toả sáng, lung linh, lấp lánh và bí ẩn như những ngôi sao xa xôi.

Suy nghĩ của em về văn bản : “Những ngôi sao xa xôi ”của Lê Minh Khuê- Mẫu 2

Lê Minh Khuê sinh năm 1949, có thể xem là nhà văn nữ hiếm hoi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam với vai trò của một người lính chiến, các tác phẩm của bà chủ yếu viết về cuộc chiến đấu ác liệt của những thanh niên trẻ tuổi trên tuyến đường Trường Sơn những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau năm 1975, bà chuyển sang viết những đề tài liên quan đến con người và xã hội trong những biến chuyển của thời đại. Có người nhận xét rằng những năm đầu mới sáng tác, người ta đã phải ngỡ ngàng trước một cây bút mới gần 20 tuổi đầu nhưng giọng văn dường như đã từng đi qua rất nhiều trải nghiệm sâu sắc, đặc biệt là lúc bà viết về chiến tranh với những hơi thở hầm hập nóng bỏng tưởng như từ chiến trường dội về, bằng một phong cách sắc bén, hồn nhiên và thực tế vô cùng. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm đầu tay, cũng là tác phẩm đã đánh dấu tên tuổi của Lê Minh Khuê trên văn đàn Việt Nam, khiến bà nổi bật lên hẳn trong một loạt các nhà văn viết về đề tài kháng chiến cùng thời, với hình tượng nhân vật là những người nữ thanh niên xung phong quả cảm và có một tâm hồn tươi đẹp như bông hoa ngàn giữa chiến trường khốc liệt.

Tác phẩm được sáng tác vào năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở trong thời kỳ ác liệt nhất, trong đó tập trung làm nổi bật lên những vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của ba nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom, lấp đường trên tuyến đuờng Trường Sơn trọng điểm. Ở tác phẩm ta thấy rõ được những nét chung trong sáng tác của Lê Minh Khuê về thanh niên xung phong so với các nhà văn cùng thời ví như Phạm Tiến Duật hay Thúy Bắc là hình ảnh các cô gái hồn nhiên tếu táo, yêu đời, trẻ trung và lãng mạn. Tuy nhiên, ởNhững ngôi sao xa xôi ta cũng thấy được những điểm riêng trong sáng tác của Lê Minh Khuê, một nhà văn có tuổi đời, tuổi nghề trẻ nhưng ngòi bút thì khá sắc sảo, già dặn hiếm thấy trong việc đi sâu vào đời sống và nội tâm nhân vật, dẫu rằng vẫn còn nhiều điểm hạn chế về cách nhìn, cách viết về chiến tranh. Cũng không thể nói là hạn chế mà thực tế rằng mỗi một nhà văn đều có văn phong khác nhau, mà Lê Minh Khuê lại nghiêng về cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi, lấy chủ nghĩa anh hùng làm gốc của tác phẩm, tập trung làm nổi bật những vẻ đẹp nội tâm, đời sống của người lính hơn là đi sâu vào khai quật những mất mát, đau thương trong chiến đấu.

Câu chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong với hoàn cảnh sống và chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, chị Thao, Nho và Phương Định đều là những cô gái trẻ, sống và chiến đấu trong một cái hang dưới chân một cao điểm của tuyến đường huyết mạch thường xuyên bị giặc đánh phá, quần thảo ngày đêm, cuộc sống thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, bom đạn và cái chết cận kề. Ba cô gái trẻ phải đảm đương những nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm bao gồm đếm bom, phá bom và đo khối lượng đất đá sau khi bom ném xuống, trong đó khó khăn và căng thẳng nhất là việc phá bom, một công việc cần ý chí, sức mạnh tinh thần và sự quả cảm vô cùng lớn. Qua giọng kể của Lê Minh Khuê, cuộc sống và chiến đấu của ba cô gái hiện lên một cách chân thật, dường như người ta thấy rõ cả sự hung hiểm và hơi thở gấp rút từ chiến trường vọng lại thông qua cảnh các cô “chạy trên cao điểm cả ban ngày”, ngay cả chính bản thân họ cũng vô cùng thấy hiểu cái chết chỉ là trong gang tấc bởi “thần chết là một tay không thích đùa”. Họ đều là những cô gái xuất thân từ Hà Nội, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần trách nhiệm cao, sự gắn bó thiết tha với đồng đội và sự quả cảm vô cùng trong chiến đấu, họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, cả cuộc đời tươi trẻ để giữ cho tuyến đường Trường Sơn được nguyên vẹn. Phải nói rằng công việc của các cô gái là những công việc vô cùng đặc biệt họ không trực tiếp cầm súng, họ cũng không hẳn là hậu phương mà dường như một lúc họ đã đảm nhiệm cả hai vai trò vô cùng nặng nề và vất vả ấy. Ngoài những nét chung về lý tưởng cách mạng, lý tưởng đất nước thì các cô gái trong những ngôi sao xa xôi cũng đều mang nét tâm lý chung của các cô gái trẻ, đó là tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động, dễ vui dễ buồn và đặc biệt là ham vui, cũng như có một tấm lòng nhiều mơ ước, mộng tưởng tốt đẹp của thiếu nữ. Như nhiều cô gái trẻ khác họ cũng rất thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, thể hiện sự nữ tính và khéo léo, Nho thì thích thêu thùa, chị Thao thì là người yêu âm nhạc, thích chép lời bài hát trong cuốn sổ tay, yêu màu sắc, tô điểm cho cuộc đời con gái bằng những nét chỉ thêu sặc sỡ trên chiếc áo lót, còn Phương Định thì khá tự tin vào nhan sắc, thích ngắm mình trong gương, thích ngồi bó gối mơ mộng xa xăm,… Dẫu trong thời chiến tranh ác liệt, nhưng cũng không thể làm mất đi nhưng vẻ đẹp nguyên thủy trong tâm hồn của các thiếu nữ, mà nó vẫn được thể hiện một cách rất tinh tế, rất đời thường qua lời văn của Lê Minh Khuê – một cô gái trẻ, một người lính trẻ.

Bên cạnh những nét chung thì mỗi cô gái lại mang trong mình những nét tính cách riêng biệt, Phương Định nhân vật chính của truyện ngắn hiện lên như một cô gái có tâm hồn nhạy cảm, hồn nhiên, hay mơ mộng, thường thích sống với những kỷ niệm về gia đình về quê hương, về thời thiếu nữ của mình. Định là một cô gái trẻ nữ tính có ý thức sâu sắc về ngoại hình, vẻ đẹp cũng như tính cách của bản thân, nội tâm cô gái luôn có những suy nghĩ khá khách quan và cũng đầy tự tin về bản thân, cô biết mình có một mái tóc dày mềm, cần cổ cao kiêu hãnh, đôi mắt đẹp xa xăm, vì thế cô thích ngắm mình trong gương như một cách tự yêu bản thân đầy nguyên thủy. Tuy nhiên vẻ đẹp của Định cũng không hẳn là rất xuất sắc, nó chỉ bật lên và hơi có phần lãng mạn hơn những cô gái khác, cũng được xem là một bông hoa hiếm giữa chốn chiến trường đầy ác liệt. Và Lê Minh Khuê cũng không định làm nổi bật cái vẻ đẹp ngoại hình của cô gái theo một cách lãng mạn phi thực tế, mà nhà văn chú ý hơn vào vẻ đẹp chiều sâu nội tâm của nhân vật. Cô cũng nhận thức khá rõ về tính cách có phần lãnh đạm, kiêu kỳ, nhưng thực tế đó là tâm lý chung của những cô con gái mới lớn và có phần xinh xắn, cũng nhấn mạnh rằng Phương Định vẫn chưa dành cho người con trai nào tình cảm đặc biệt, mặc dù cô rất kính phục những người lính trên tuyến đường Trường Sơn gian khổ. Những vẻ đẹp tâm hồn, những phẩm chất cao quý của Phương Định được bộc lộ một cách tinh tế thông qua nội tâm tinh tế, thể hiện thông qua những nỗi nhớ về quê hương, về thời thiếu nữ hồn nhiên khi còn Hà Nội, đó là tình cảm thiết tha đối với lại gia đình, đối với người mẹ, nó đã làm dịu đi sự ác liệt của chiến trường, đồng thời cũng là niềm khao khát về một cuộc sống hòa bình trong tâm hồn nhân vật. Đặc biệt vẻ đẹp kiên cường quả cảm của nhân vật Định còn được thể hiện thông qua những chi tiết đặc tả cảnh phá bom, Phương Định gan dạ, dũng cảm, tập trung vào công việc, cô cũng có lúc sợ hãi nhưng khi nghĩ đến những đồng đội đang dõi theo thì lại trở nên mạnh mẽ, trong lòng cũng có những tính toán riêng rằng nếu bom không nổ thì làm thế nào để gài mìn một lần nữa,…Nói chung rằng trong công việc cô vừa thể hiện sự kiên cường quả cảm cũng lại vừa mang những nét tính cách rất nữ tính. Không chỉ vậy Phương Định còn là người hết mực gắn bó với đồng đội của mình, lo lắng bứt rứt không yên khi đồng đội đi trinh sát, đếm bom chưa trở về, sự sợ hãi khi Nho bị đất cát vùi lấp, sự quan tâm ân cần chăm sóc đồng đội bị thương,… Một điểm nữa, Phương Định là cô gái yêu đời, trẻ trung, cô trầm tĩnh và ít hồn nhiên hơn Nho nhưng có vẻ kém già dặn và từng trải hơn chị Thao, cô cũng thích nghe nhạc, thích hát những khúc quân hành rộn rã, điều đó đã thể hiện một tâm hồn với lý tưởng cách mạng cao đẹp, một lòng chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc đã trở thành lẽ sống, là khao khát và ước mơ của cô gái trẻ.

Còn Nho, về cơ bản cũng mang vẻ trẻ trung, hồn nhiên, cô nàng có thể đòi ăn kẹo ngay cả khi quần áo còn ướt, mà trong cảm nhận của nhân vật Phương Định thì Nho “trắng và tròn như một que kem mát lạnh”, dễ dàng đem đến cho người khác cảm giác thoải mái và muốn cưng chiều, che chở cô như một đứa trẻ con xinh xắn dễ thương. Thậm chí cả khi đã bị thương rất nặng nhưng tâm hồn trẻ trung thiếu nữ ấy của Nho vẫn không kiềm lại được mà trở nên hào hứng, thích thú vô cùng trước cơn mưa đá, bất chấp cái đau đớn từ vết thương. Nhưng bên cạnh cái vẻ trẻ con, tươi tắn ấy, Nho lại mang cả một tấm lòng vô cùng quả cảm, kiên định và bình tĩnh, có nhiều kinh nghiệm chinh chiến, đối với cô, việc bị thương ở cánh tay ấy chẳng thể chết được, không muốn khiến nhiều người lo lắng, cái tính cách ấy dường như lại càng làm nổi bật lên tinh thần vô tư, lòng anh dũng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của cô gái trẻ, đồng thời cũng là nét trưởng thành trong suy nghĩ của Nho. Còn người lớn tuổi nhất là chị Thao, khác với Phương Định và Nho hồn nhiên, vui tươi, mơ mộng thì chị lại là người từng trải hơn, những suy nghĩ và dự tính về tương lai của chị cũng thiết thực và trưởng thành hơn nhiều. Sự bình tĩnh và kiên định chính là nét nổi bật trong tính cách của chị, dẫu máy bay có ném bom dữ dội nhưng chị vẫn bình tĩnh nhai bánh bích quy và chờ đợi cho đợt ném bom đi qua mà không hề có sự lay chuyển trong đáy mắt, thậm chí có đôi lúc cái bình tĩnh quá mức của chị khiến đồng đội khó chịu. Trong chiến đấu chị là người táo bạo, mạnh mẽ và có nhiều kinh nghiệm, chỉ qua việc chạy từ trên cao xuống mà vấp phải một mô đất chị cũng lập tức hiểu rằng hầm của đồng đội bị sập và mau chóng giải cứu. Nhưng chị cũng có những yếu điểm trong tính cách dường như trái ngược hẳn với cái cương quyết, không suy chuyển trước sự dữ dội của chiến trường ấy là chị rất sợ máu, sợ thấy vắt cắn. Bên cạnh đó người ta cũng thấy được những vẻ đẹp tinh tế, nữ tính của chị thông qua việc chăm chút, làm đẹp cho cuộc sống của mình bằng những lời hát bay bổng, tỉa lông mày, mặc áo lót thêu chỉ màu,…

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là câu chuyện kể về cuộc sống và chiến đấu của những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt, bằng giọng văn có chiều sâu và thực tế của nhà văn Lê Minh Khuê. Bên cạnh sự ác liệt của chiến trường, của công việc trinh sát phá bom đầy hung hiểm hiện lên trong một vài phân đoạn thì tác giả chủ yếu tập trung vào đời sống nội tâm, vẻ đẹp của những người chiến sĩ trẻ tuổi bằng chủ nghĩa anh hùng với cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi. Ở đó mỗi nhân vật đã hiện lên với những nét đẹp chung và những nét đẹp riêng biệt đại diện cho một thế hệ trẻ các nữ thanh niên xung phong tại chiến trương miền Nam những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Suy nghĩ của em về văn bản : “Những ngôi sao xa xôi ”của Lê Minh Khuê- Mẫu 3

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc nói chung và về thế hệ trẻ trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy nói riêng là đề tài lớn của văn học với đóng góp của nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng. Nữ nhà văn Lê Minh Khuê cũng góp tiếng nói của mình vào đề tài ấy qua truyện ngắn đặc sắc “Những ngôi sao xa xôi”.

Trước hết, truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đã tái hiện lại một cách chân thực và sâu sắc hoàn cảnh sống, chiến đấu và công việc của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, từ đó gợi lên trong mỗi người chúng ta nhiều xúc cảm. Chắc hẳn, những ai đã từng một lần đọc tác phẩm sẽ không thể nào quên được những câu văn, những hình ảnh tác giả đã dùng để tái hiện lại không gian sống, làm việc của các cô gái “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”. Không nhiều những hình ảnh nhưng có lẽ chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta hiểu được nơi các cô gái đã sống, đã làm việc. Đó có lẽ là nơi tập trung nhiều nhất nhất hiểm nguy, dữ dội của trận chiến, là nơi hứng chịu biết bao nhiêu trận mưa bom bão đạn trong cuộc chiến khốc liệt bởi nơi các cô sống là vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Không dừng lại ở đó, công việc của các cô gái còn nguy hiểm và đáng sợ hơn nhiều – họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, “ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom.” Công việc của họ vất vả, khó khăn và thực sự nguy hiểm, luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm hết mình song đó cũng là một công việc rất đỗi quan trọng, góp một phần không nhỏ vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Không dừng lại ở việc tái hiện lại một cách chân thực và sâu sắc không gian sống, làm việc và công việc của những cô gái thanh niên xung phong mà tác phẩm còn đi sâu phân tích, làm rõ vẻ đẹp tâm hồn của ba cô gái thanh niên xung phong và xét đến cùng đó chính là vẻ đẹp của một lớp thế hệ trẻ Việt Nam bấy giờ. Trước hết, ở ba cô gái thanh niên xung phong – chị Thao, Nho và Phương Định ta đều bắt gặp ở họ những nét chung, những điểm gặp gỡ tương đồng. Cả chị Thao, Nho và Phương Định đều là những cô gái trẻ, ở độ tuổi mười tám đôi mươi nhưng họ đều là những người kiên cường, dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao và luôn hết mình vì công việc. Mặc dù công việc của họ luôn đối diện với rất nhiều thử thách, hiểm nguy và cái chết luôn luôn rình rập họ song họ vẫn luôn làm việc một cách tự nguyện, hết mình, sẵn sàng hi sinh bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao “Tôi một quả bom trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới cái chân hầm ba – ri – e cũ.” Thêm vào đó, ở họ ta vẫn thấy luôn hiện hữu lên tình động đội, đồng chí gắn bó thắm thiết và tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Ba cô gái ấy sống với nhau thật tình cảm, họ hiểu hết về những sở thích của nhau và lo lắng, quan tâm nhau từng chút, từng chút một. Họ còn là những người có tâm hồn phong phú, đáng yêu và giàu mơ mộng. Công việc dẫu khó khăn và hiểm nguy song họ vẫn vượt lên trên tất cả, vẫn lạc quan cùng nhau “Chúng tôi bị bom vùi luôn. Khi bò trên cao điểm chỉ thấy hai con mắt lấp lánh cười: Hàm răng trắng khuôn mặt nhem nhuốc – “Những con quỷ mắt đen”.

Không chỉ có những điểm giống nhau, ở ba cô gái ta còn thấy ở họ mỗi người một nét cá tính, một nét tính cách riêng. Nho là cô gái xinh xắn, dễ thương: “trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”, “cái cổ tròn và những cúc áo nhỏ nhắn”. Đồng thời, Nho còn là cô gái mang trong mình nét hồn nhiên trẻ con “vừa tắm dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo” nhưng trong công việc cô lại là người dũng cảm. Và nếu như Nho mang trong mình nét hồn nhiên, trẻ con thì chị Thao – tổ trưởng lại là người dày dặn và trưởng thành hơn trong cuộc sống và suy nghĩ về tương lai nhưng đâu đó trong con người chị vẫn thấy hiện lên những khát khao, những rạo rực của tuổi trẻ “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”, “chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm”. Chị Thao còn rất thích ghi lời bài hát, chị có những ba cuốn sổ dày chỉ để chép lời bài hát và những lúc rảnh rỗi chị lại chép lời bài hát. Ở chị Thao, ta còn thấy sự bình tĩnh và đầy bản lĩnh trong cách xử lí công việc, dường như ở chị ta thấy sự bình thản trước mọi khó khăn, hiểm nguy “máy bay địch đến nhưng chị vẫn “móc bánh quy trong túi, thong thả nhai”. Những tưởng một người như chị Thao sẽ chẳng sợ bất kể điều gì bởi trước ranh giới giữa sự sống và cái chết chị vẫn có thể bình thản đến vậy, nhưng không, chị Thao lại sợ máu và vắt. Chị sợ đến nỗi “thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét”. Đặc biệt, đọc toàn bộ tác phẩm người đọc sẽ không thể nào quên được nhân vật Phương Định. Phương Định là cô gái Hà Nội nhiều mơ mộng, có những tháng ngày tuổi thơ yên ấm, hồn nhiên bên mẹ trong căn nhà nhỏ trước những ngày chiến tranh và chính những kỉ niệm tuổi thơ ấy chính là nguồn động lực cổ vũ cô hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nơi tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Đồng thời, Phương Định còn là cô gái rất hay hát, cô thuộc rất nhiều bài hát và hơn nữa cô luôn tự tin vào chính bản thân mình, cô tự nhận mình là “một cô gái khá” và cô có “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao và kiêu hãnh như đài hoa loa kèn” và chắc hẳn vì thế cô thường rất thích được ngắm mình trong gương. Như vậy, ba cô gái trên tuyến đường Trường Sơn vừa có những điểm chung nhưng ở họ ta cũng thấy hiện lên những nét cá tính riêng. Họ xứng đáng là những người trẻ dũng cảm, quên mình vì nhiệm vụ, vì đất nước và là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời bấy giờ.

Tóm lại, “Những ngôi sao xa xôi” với việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật ở ngôi thứ nhất, ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện và tài năng xây dựng nhân vật đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường cao điểm. Đồng thời, qua đó cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học sâu sắc và ý nghĩa.

Suy nghĩ của em về văn bản : “Những ngôi sao xa xôi ”của Lê Minh Khuê- Mẫu 4

Có nhiều cách để miêu tả chiến tranh khi tiếp cận với chủ đề này, và mỗi người đều có cách của riêng mình. Tuy nhiên, chiến tranh đã và sẽ qua đi, từ những trang văn sẽ còn lại cái gì?  Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải chờ đợi người trọng tài công minh nhất chưa một lần bỏ sót tài năng đó là thời gian. Liệu “Những ngôi sao xa xôi” có là một trong những ứng cử viên được bầu chọn hay không?

Để tạo nên một cái nhìn không nhàm chán về chiến tranh, đối lập với chiến tranh thì điều sáng giá nhất là cái nhìn mới mẻ về chiến tranh và sự khắc họa chân dung của những cô gái. Bức tranh về cuộc sống và cái chết tại chiến trường được vẽ nên với một đường viền tinh tế, tỏa sáng từ trong cái nhìn trong trẻo ấy. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là những nhân vật trong truyện, những người bước vào cuộc chiến với đầy những ảo tưởng. Họ tưởng rằng khi gia nhập đơn vị thanh niên xung phong ngoài hỏa tuyến, họ phải mang súng, di chuyển qua những cánh rừng tối tăm không một chút ánh sáng. Họ nói với nhau rằng phải mạnh và gọn như những khẩu hiệu, tức là trở thành một thế hệ oai hùng, hào quang khi vừa rời ghế nhà trường.

Chị Thao tuy đã dày dạn trước cái sống và cái chết hằng ngày, nhưng vẫn sợ máu và sợ cả nước mắt. Với Phương Định thì cô lại sợ nhất cô đơn. Trong tiếng bom địch gào thét, chỉ cần một tiếng súng bắn trả, “dù chỉ một tiếng súng trường thôi, con người cũng thấy mênh mông bên mình một sự che chở đồng tình”. Điều kiện sống gian khổ, thiếu thốn đến cùng cực, có những bữa cơm phải lấy nước uống chan vì không có canh. Nhưng khi biết rằng “bọn con trai phải kêu lên vì thương”, thì cuộc sống lại trở nên tươi sáng hơn, không còn nỗi lo lắng và phàn nàn. Trong cuộc nói chuyện của nhân vật nữ với đại đội trưởng của đơn vị qua điện thoại, có lúc gắt lên: “Trinh sát chưa về”. Tuy nhiên, những từ tế nhị như “cảm ơn”, “xin lỗi”, “chúc may mắn” được đại đội trưởng sử dụng thường xuyên khiến con gái cảm thấy ấm lòng hơn. Đại đội trưởng trẻ tuổi, gầy gò, hay đau khớp, và thường xuyên làm ca dao cho báo tường. Nhà của anh ấy không giống như ở cuối phố Lò Đúc.

Trong hoàn cảnh đầy cam go của chiến tranh, nhiều tình cảm mới nảy sinh như tình đồng chí và tình bạn. Tất cả được cảm nhận qua nỗi niềm riêng của mỗi người. Nhiều anh pháo thủ và lái xe có tìm hiểu và viết thư cho nhân vật tôi, một cô gái làm trinh sát mặt đường, những lá thư dài được gửi qua đường bưu điện, cứ như ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, dù có thể gặp nhau mỗi ngày. Cách tỏ tình thời hiện đại trong chiến tranh qua cách nhìn riêng này không phải không thú vị. Còn gì âu yếm hơn khi gặp một đồng đội vừa tắm ở dưới suối lên: “Tôi muốn bế nó lên tay. Trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”.

Những người lính trong chiến tranh thực sự là những anh hùng không tự biết, tình nguyện chấp nhận vào những nơi mà cái chết chỉ diễn ra trong nháy mắt. Họ hiểu rõ “thần chết là một tay không thích đùa” và hắn “lẩn trong ruột những quả bom”. Nhưng thật kỳ diệu khi đối với họ, cái chết chưa bao giờ là một ám ảnh hay khiến họ phải trằn trọc đêm đêm. “Bao giờ thì xong nhỉ”, “Cái gì xong?”… Những câu hỏi bâng quơ dường như không hiểu mấy về chiến tranh nói về những mơ ước xôn xao sau đó. Nho nói rằng sau chiến tranh sẽ làm thợ hàn của một nhà máy thuỷ điện lớn, thành cầu thủ bóng chuyền. Chị Thao muốn làm y sĩ, còn chồng chị sẽ là một anh bộ đội đeo quân hàm trung uý, có râu quai nón và hay đi xa. Riêng nhân vật “tôi” chưa biết lựa chọn thế nào: kiến trúc sư, thuyết minh trong rạp chiếu bóng thiếu nhi, lái xe ở cảng,… Tất cả họ đều là những người ham sống biết bao, với họ cuộc đời phía trước là một ngày hội lớn, họ có một tương lai hiển hiện mà giống như một giấc chiêm bao. Họ còn có cả một quá khứ dù chỉ thu gọn trong một căn phòng nhỏ gác hai, lại có sức mở rộng cả một thế giới cảm giác đêm đêm để cô biết được “cái bao la và trong lành của đêm thành phố”. Thật sự là một hạnh phúc khi ở cái căn gác nhỏ đầy ắp kỷ niệm của yêu thương, nơi cô đã thề sẽ không lấy chồng vì cái tính bừa bãi mà mẹ cô đã từng doạ “Lấy chồng rồi mà no đòn”.

Có tương lai đầy hứa hẹn, những cô gái không coi nó là nơi để thu mình và trốn tránh. Quá khứ vẫn còn đó để ràng buộc và họ đang đối diện với sự còn mất từng phút, từng giây. Không khí trong chiến tranh có một âm điệu đặc biệt, chẳng hạn như sự im lặng. Im lặng mang đến nỗi sợ hãi, vì nó có thể ẩn chứa cái chết bất cứ lúc nào. Trái bom làm cho người ta bất ngờ, đôi khi chỉ cần một tiếng nổ là có người chết ngất. Nhưng sự im lặng của lòng người lại đáng sợ hơn cả. Nó giống như một trạng thái vắng lặng khiến người ta sợ hãi. Trong tâm trí của một cô gái (nhân vật tôi), khi đối diện với sự cầu viện tâm linh, giống như một ảo ảnh: “Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không?”. Mặc dù họ đã trở nên quen với việc phá bom, nhưng cảm giác hồi hộp vẫn không thay đổi. Chờ đợi bom nổ cũng giống như sự im lặng, khi tất cả mọi thứ đều đứng yên im lìm, chỉ có chiếc đồng hồ vẫn chạy, đánh dấu những giây phút vĩnh cửu.

Sau mỗi lần bom nổ, chị Thao lại trở về với gương mặt tươi tắn như từ cõi chết trở về: “Chị cười răng trắng, vết sẹo bóng lên, mảnh dù bay trên lưng…”. Với Phương Định, cái chết chỉ là khái niệm “mờ nhạt, không cụ thể”. Dù có tự nhắc mình phải cảnh giác với nó, nhưng cô không sợ nó, chỉ sợ nếu “mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền”. Khi tưởng là Nho đã chết, tất cả đều lặng im với những tâm trạng khác nhau. Kẻ muốn hát, người thì muốn khóc. Chị Thao muốn hát và chị đã hát một bài có phần lạc lõng (“Đây Thăng Long, đây Đông Đô… Hà Nội”). Tuy nhạc có sai bét, giọng thì chua, nhưng tình cảm rất chân thành, đó là một khúc thánh ca. Còn người thứ hai thích hát, hát hay “nhưng không muốn hát lúc này” vì những bài hành khúc bộ đội hành quân hay quan họ mềm mại. Tuy nhiên, đối với Phương Định, tất cả đều không đúng chỗ vì chưa có một bài ca nào diễn tả nổi cái đẹp, cái cao cả và vĩnh hằng trước nỗi đau thương.

Đặc sắc nghệ thuật ở truyện ngắn này là cách xây dựng nhân vật và sự phối hợp giữa hai bút pháp: tự sự, trữ tình. Tác giả đã đặc biệt chú ý đến sự đa dạng trong xây dựng nhân vật. Đặc điểm của mỗi nhân vật sẽ có những điểm riêng và không giống nhau. Nhân vật Nho có tính cách mộc mạc, ngây thơ, mơ mộng, thậm chí vụng về hơn khi cô thêu những bông hoa cẩu thả và loè loẹt lên cái gối nhỏ màu trắng với những “đường viền to như dây thừng” chỉ vì “A, cho nó nổi!”. Tác giả miêu tả Nho hai lần ở dưới suối đi lên và cả hai lần đều rất đẹp. Lần thứ nhất, “Tóc ướt. Nước đọng từng giọt trong trên trán và trên mũi”. Lần thứ hai, “cứ quần áo ướt ngồi đòi ăn kẹo”. Hình ảnh của nhân vật gần giống với giấc mơ, không liên quan đến sự căng thẳng trong chiến trường, mà nó thuộc về vĩnh cửu. Còn chị Thao thì giống như có thuật phân thân, bình thường là một cô gái rất sợ máu và vắt, chỉ cần nhìn thấy là sẽ “nhắm mắt lại, mặt tái mét”. Nhưng trước khi “có chuyện”, khi Nho chụp cái mũ sắt lên đầu, chị Thao lại “móc bánh bích quy trong túi thong thả nhai”. Trước tình huống Nho có thể hy sinh, chị yêu cầu Định hát, nhưng chỉ có trời mới biết “những tình cảm gì đang quay cuồng” trong đầu của người giàu nghị lực ấy.

Sự kết hợp giữa hai phong cách viết thực tế và lãng mạn thể hiện qua tâm hồn người con gái được mô tả như những trận mưa bóng mây chớp nhoáng, bất ngờ hay giống như những vì sao lấp lánh, những đốm sáng. Hiện thực nghiệt ngã thứ nhất là sự khắc nghiệt của chiến trường “ở đây là nơi tuổi trẻ chúng tôi lớn lên”. Còn hiện thực thứ hai là nỗi nhớ tâm hồn “không lúc nào chúng tôi không nhớ về Hà Nội”. Hai yếu tố này không tách rời, tác giả đã kết hợp chúng thành một âm hưởng bè đôi khi rất thơ đến mức đẩy sự kết hợp đó lên mức thăng hoa trong kết thúc của truyện.

Suy nghĩ của em về văn bản : “Những ngôi sao xa xôi ”của Lê Minh Khuê- Mẫu 5

Nhắc đến khoảng trời Trường Sơn là nhắc đến biết bao sự hy sinh mất mát, nơi mà lính Mỹ đã thả bom dồn dập nhằm ngăn cản bước tiền dũng mãnh của các đoàn quân tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam. Nhưng Trường Sơn đâu chỉ mang trong mình bao sự thương đau, Trường Sơn con là nơi ghi dấu của những tâm hồn tự nhiên, lạc quan của những người chiến sĩ lái xe không kính, những chàng trai cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tuổi trẻ để cống hiến cho đất nước. Là một người đã từng gắn bó với khoảng trời bom đạn ấy, nhà văn Lê Minh Khuê đã khai thác đề tài quen thuộc đã làm nên nhiều tên tuổi lớn trân văn đàn chống Mỹ nhưng cùng với sự sáng tạo và một chút lãng mạn của mình, “Những ngôi sao xa xôi” của bà, đã khắc họa hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong, mà tiêu biểu là nhân vật Phương Định với những vẻ đẹp hồn nhiên vốn có của tuổi trẻ Việt Nam trong thời chống Mỹ.

Câu chuyện kể về ba cô gái, ba cô gái thanh niên xung phong Nho, Thao và Phương Định, sống trên một cao điểm giữa mênh mông khói bụi Trường Sơn, nơi mà “màu đất đỏ, trắng lẫn lộn”. Công việc của họ là “ngôi đây”,”khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hồ bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Trong lúc đơn vị thường làm việc khi mặt trời lặn, thì tổ trinh sát lại làm việc ban ngày, khi thần chết luôn “lẩn trong ruột những quả bom”, khi mà lính Mỹ thả bom nhiều nhất và cái chết luôn theo sát ba cô gái ấy. Công việc của họ là công việc quan trọng và cũng đầy gian khổ hy sinh, đòi hỏi tinh thần dũng cảm, sự nhạy bén quyết đoán và sự nhanh nhẹn. Trong hoàn cảnh ấy, ta mới thấy sáng ngời lên là những phẩm chất cao đẹp của ba nhân vật, và đặc biệt là Phương Định, nhân vật chính của truyện.

Phương Định là một cô gái Hà Nội, “một cô gái khá”, chỉ vừa mới bước ra khỏi cuộc đời hồn nhiên vô tư lự của mình. Cô có vẻ bề ngoài đáng yêu trẻ trung và xinh xắn, “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, còn đôi mặt thì có “cái nhìn sao mà xa xăm”. Những nét đẹp của cô đã được những anh lái xe để ý đến, bằng chứng là những bức thư dài gửi đường dây mặc dù có thể chào nhau hằng ngày, nhưng Phương Định cũng không săn sóc vồn vã, cô gái vẫn hay đứng ra xa, khoanh tay trước mặt và nhìn đi nơi khác mỗi khi một đám con gái xúm lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy. Một hành động đó thôi đã làm Phương Định trở nên thật kiêu kì, cái điệu của cô thật đáng yêu và cũng thật phù hợp với một người con gái như vậy.

Tâm hồn cô giữa khoảng trời Trường Sơn thật làm cho người ta thật ngạc nhiên. Cô mê hát, “thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát”, lời cô bịa lộn xộn ngớ ngẩn đến không ngờ, đôi lúc nó cũng làm cho cô bò ra mà cười một mình, cô thích “những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận”, cô thích “dân ca quan họ mềm mại dịu dàng” và kể cả “Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô”, “ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh”. Và Phương Định hát khi có sự im lặng không bình thường, “tiếng máy bay trinh sát rè rè”, cô hát để cổ động viên hai người đồng đội Nho, Thao và cũng là hát để động viên chính bản thân mình. Chính những lúc mê hát ấy đã làm cô quên đi cái sự buồn chán của cuộc sống Trường Sơn, quên đi mùi khói bom đạn mà cô vẫn tiếp xúc hằng ngày, và đó cũng là bước đà để cô có được một tâm hồn mơ mộng khi cơn mưa đá vừa ập đến. Mang theo tuổi trẻ của mình vào Trường Sơn, Phương Định còn mang theo cả những kỉ niệm đẹp về góc phố Hà Nội của mình, đó là hình ảnh người mẹ, cái cửa sổ, tiếng rao của bà bán xôi có cái mủng đội trên đầu, kể cả những cú sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Cơn mưa đá đi nhanh cũng như lúc nó vừa đến, nhưng lại mang những dòng kí ức tuổi thơ về cho Phương Định, và tất cả như xoáy mạnh trong tâm trí cô. Có lẽ chính những điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô gái, để cô luôn nghĩ rằng, gia đình, bạn thân và cả những kỉ niệm kia sẽ luôn theo cô trong suốt quãng đời ở Trường Sơn.

Tâm hồn, tính cách của Phương Định hồn nhiên như thế, nhưng nổi bật lên trên tất cả vẫn là tinh thần dũng cảm, vượt lên trên hiểm nguy luôn ẩn chứa trong thân hình nhỏ bé của cô gái Hà Nội kia. Đó là những lúc mà bom của giặc Mỹ vẫn còn chưa nổ, và cô phải làm nhiệm vụ của mình, còn thần chết thì có vẻ vẫn đang “lẩn trong ruột những quả bom” chờ đợi cô. Tuy vậy, Phương Định vẫn tỏ ra thật bình thản, cái chết thì cô có nghĩ đến nhưng lại là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, mà cô quan tâm nhất là liệu bom có nổ hay không, không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai, cô luôn đặt nhiệm vụ của mình lên hàng đầu. Và trong những lúc phá bom như vậy, ta vẫn còn thấy thấp thoáng cái sự nhạy cảm, tinh tế trong cảm xúc của cô, “một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành.”, phải là một người bình tĩnh mới có dược những cảm nhận chân thực như vậy. Chính những lúc đó, ta mới thấy được cái sự dũng cảm của cô gái. Công việc không có một chút gì là an toàn, nhưng do “quen rồi”, ngày nào cũng phải phá bom đến năm lần, ngày nào ít thì ba lần, mà Phương Định luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Và trong cái sự dũng cảm ấy, ta vẫn thấy Phương Định luôn thường trực một tình cảm đồng chí đồng đội nồng ấm và chân thành. Đó là tấm lòng vị tha với mọi người mà cô quan tâm, cô lo lắng khi Thao lên cao điểm chưa về, cô tận tình, vỗ về chăm sóc Nho khi cô ấy bị thương lúc phá bom. Ngược lại, chính tình cảm đồng chí đồng đội, đã làm cho Phương Định thêm một chút tự tin, ấm lòng khi được sống giữa tình yêu thương của mọi người. Hiểu được công việc của mình là gian khổ, nhưng Phương Định vẫn luôn ngưỡng mộ “những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ” bởi họ là những đẹp nhất, thông mình, can đảm và cao thượng nhất. Những lúc chạy đi phá bom, vẫn mang một chút lo sợ trong người, nhưng nhờ những cái nhìn của những người chiến sĩ, đã dập tan đi nỗi sợ trong cô và chỉ còn một mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, “cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi mà có thể đàng hoàng mà bước tới”.

Trong truyện ngắn, nhân vật kể chuyện cũng là nhân vật chính, điều đó giúp cho tác phẩm càng trở nên chân thực, những cảm xúc, thế giới nội tâm của nhân vật đều được thể hiện tự nhiên rõ nét, vẽ lên một khoảng trời mộng mơ ngay giữa Trường Sơn mênh mông và ác liệt.

Mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, Phương Định xứng đáng là biểu tượng của những cô gái thanh niên thời chồng Mỹ, là hình tượng người con gái Việt Nam trong thời gian chiến đấu, là đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Cũng giống như tựa đề “Những ngôi sao xa xôi”, những con người được ví như vì sao lấp lánh giữa bầu trời đêm, mang trong mình những phẩm chất đáng quý, “xa xôi” là bởi vì phải ngắm nhìn thật kỹ thì mới có thể thấy được những tâm hồn cao đẹp ấy.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Suy nghĩ của em về văn bản : “Những ngôi sao xa xôi ”của Lê Minh Khuê” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!