Updated at: 06-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7” chuẩn nhất 04/2024.

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7- Mẫu 1

Gợi ý đề 1 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Suy nghĩ của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” (tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố).

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật.

2. Thân bài:

– Người đàn bà nông dân nghèo khó, hiền lương lại bị chèn ép bởi xã hội.

– Người phụ nữ yêu chồng, thương con.

– Người phụ nữ giàu đức hy sinh.

– Có tinh thần phản kháng mãnh liệt, căm thù bọn cường hào ác bá.

3. Kết bài: Khẳng định nhân vật chị Dậu.

Gợi ý đề 2 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Số phận và tính cách nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.

1. Mở bài:

– Cùng với Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,… Nam Cao là một cái tên không thể thiếu khi nhắc tới những nhà văn hiện thực nhân đạo.

– Nhân vật Lão Hạc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về một người nông dân hiền lành, chất phác, giàu lòng nhân ái, tự trọng đáng kính.

2. Thân bài:

a. Cuộc đời – cảnh ngộ của lão Hạc: Người nông dân nghèo khó, gặp nhiều bất hạnh

b. Phẩm chất, nhân cách của lão Hạc: Nghèo khổ nhưng giàu lòng tự trọng.

c. Cái chết của lão Hạc: Là một biến cố điển hình để nhân vật bộc lộ tính cách điển hình.

d. Suy nghĩ, đánh giá về nhân vật

3. Kết bài:

– Nhân vật lão Hạc là một thành công nghệ thuật của Nam Cao trong việc xây dựng hình tương người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

– Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật.

– Cảm xúc của cá nhân.

Đề 3 => 4

Video hướng dẫn giải

Gợi ý đề 3 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri.

1. Mở bài: Hình ảnh chiếc lá trong “Chiếc lá cuối cùng” với số phận con người, với tình người.

2. Thân bài:

– Số phận chiếc lá ban đầu được Giôn-xi định ra là số phận sớm lìa đời của mình – mong manh, yếu đuối.

– Nhưng rồi, chiếc lá ngoài cửa sổ vẫn bám trụ vững vàng sau đêm bão tố. Giôn-xi đã lấy được hy vọng, giành giật lại sự sống.

– Tình người: sự hy sinh của cụ Bơ-men, một người họa sĩ già, cụ đã dầm mưa để vẽ chiếc lá đó, và rồi cụ đã đánh đổi mạng sống cho Giôn-xi bằng mạng sống của mình.

3. Kết bài: Tình người luôn ở quanh ta, níu giữ trong niềm tin và hy vọng giữa những con người với nhau.

Gợi ý đề 4 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go.

1. Mở bài: Giới thiệu về nội dung chính của bài thơ : tình mẹ con chiến thắng được sự cám dỗ trong dòng đời.

2. Thân bài:

– Vẻ đẹp mộng mơ.

– Ý nghĩa sâu sắc bài thơ:

+ Ca ngợi tình mẹ bao la vĩ đại, thiêng liêng và bất diệt.

+ Tác giả dẫn người đọc đến thế giới thần tiên với những ước mơ bay bổng kì diệu về tuổi thơ.

3. Kết bài: Kết luận về vẻ đẹp mộng mơ và tình mẹ con thể hiện trong bài thơ.

Đề 5 => 6

Video hướng dẫn giải

Gợi ý đề 5 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” của Hồ Chí Minh.

1. Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác đặc biệt và nội dung tư tưởng của bài thơ.

2. Thân bài:

– Hoàn cảnh sống thiếu thốn của Bác.

– Lí tưởng cách mạng, tinh thần lạc quan của Bác

3. Kết bài: Tức cảnh Pác Bó miêu tả cuộc sống sinh hoạt, làm việc đơn sơ của Bác nhưng Bác luôn lạc quan, vui vẻ với lí tưởng cách mạng, vui vì được sống gần gũi thiên nhiên.

Gợi ý đề 6 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. 

1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về Nguyễn Duy.

– Khổ cuối bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc.

2. Thân bài:

a. Khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ:

– Diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ nghĩa tình.

– Mang nét đặc trưng riêng: có sức khái quát lớn, hàm súc,giàu chất triết lí:

b. Trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của khổ thơ:

* Suy nghĩ về hình ảnh vầng trăng ( mang nhiều tầng ý nghĩa):

– Là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, đẹp rạng ngời.

– Là người bạn tri kỉ thưở ấu thơ, hồi chiến tranh ở rừng.

– Là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình tròn đầy, bất diệt.

– Là vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của đời sống.

– Là biểu tượng của nhân dân, đất nước bình dị, hiền hậu.

* Suy nghĩ về cái “giật mình” của nhân vật trữ tình:

– Cái “giật mình” đã khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

– Cái “giật mình” thấm chất nhân văn sâu sắc.

* Cảm nhận về ngôn ngữ, giọng điệu, cách gieo vần, ngắt nhịp của khổ thơ

c. Ý nghĩa của khổ thơ cuối và thông điệp của tác giả

3. Kết bài:

– “Ánh trăng” không chỉ là tiếng lòng của một người mà là tiếng lòng của muôn người.

– Khổ thơ cuối cùng khép lại nhưng dư âm vẫn ngân lên, tạo sức ám ảnh thật lớn với người đọc: sống ở đời phải biết trọng ân nghĩa, thủy chung.

– Cảm xúc, ấn tượng của người viết.

Đề 7

Video hướng dẫn giải

Gợi ý đề 7 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.

1. Mở bài:

– Khái quát về tác giả và tác phẩm.

– Hình ảnh “bếp lửa” đã để lại xúc cảm sâu lắng trong lòng người đọc.

2.Thân bài:

a. Đánh giá, cảm nhận về nội dung, nghệ thuật của bài thơ:

* Nội dung:

– Gợi lại những kỉ niệm xúc động về người bà và tình bà cháu.

– Thể hiện những suy ngẫm sâu lắng, lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà.

– Thể hiện tình yêu đối với gia đình, quê hương, đất nước.

* Nghệ thuật:

– Kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự, và bình luận.

* Nhận xét

b. Trình bày những suy nghĩ, đánh giá, cảm xúc về hình ảnh nghệ thuật “bếp lửa”:

– “Bếp lửa” gợi kỉ niệm về bà, gợi xúc cảm của người cháu

– “Bếp lửa” gợi kỉ niệm thời thơ ấu bên bà

– “Bếp lửa” gợi suy ngẫm về người bà, về cuộc đời bà

– “Bếp lửa” đã nhen lên ngọn lửa của sức sống, của niềm tin, của ước mơ và tình yêu thương

c. Ý nghĩa của hình ảnh “bếp lửa” và bức thông điệp của nhà thơ:

* Ý nghĩa của hình ảnh “bếp lửa”

– Là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, có giá trị thẩm mĩ cao

* Bức thông điệp của nhà thơ:

– Con người dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ về cội nguồn sinh dưỡng, nhớ về quê hương, đất nước với niềm tự hào.

– Quê hương có những người thân yêu đã hi sinh cả cuộc đờivì mình.

– Thế hệ cha ông đã quên mình làm nên những kì tích vĩ đại.

3. Kết bài:

– Khẳng định giá trị của bài thơ và hình ảnh “bếp lửa”

– Cảm xúc của cá nhân: Bài thơ có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân? Cảm nhận sâu sắc nhất qua bài thơ?

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7- Mẫu 2

Đề 1

Video hướng dẫn giải

Hãy nêu lên những suy nghĩ của em về câu nói sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: …”Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập.”

Lời giải chi tiết:

Bài làm

Bác Hồ kính yêu đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam bao tình cảm thiết tha sâu nặng. “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh?”. Tình yêu đằm thắm ấy được biểu hiện qua nhiều bức thư Bác gửi các cháu nhân ngày khai trường hoặc Tết trung thu:

Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng“.

   Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Hổ Chủ tịch có viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, trên đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng câu nói của Bác vẫn sáng ngời giá trị giáo dục và khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc.

Ý tưởng sâu sắc của Bác Hồ được diễn đạt bằng một câu văn giàu hình tượng và cảm xúc. Vế thứ nhất Bác hỏi: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không?” có nghĩa là Bác hỏi về tiền đồ của Tổ quốc ta, tương lai của dân ta có được tốt đẹp, rõ ràng, có trở nên giàu mạnh, văn minh như các cường quốc Anh, Nga, Pháp, Mĩ, Nhật,… hay không? Vế thứ hai là sự gợi ý, là cách trả lời của Bác: “chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”, hay nói một cách khác, Bác nêu lên nghĩa vụ học tập của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Qua câu văn ấy, Bác giáo dục học sinh về nhiệm vụ học tập, về trách nhiệm nặng nề, vẻ vang đối với tương lai tươi sáng của non sông Việt Nam, của dân tộc Việt Nam”.

Học tập là nghĩa vụ vẻ vang của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Học sinh là mầm non, là tương lai của gia đình và dân tộc; là thế hệ nối bước cha anh để xây dựng và bảo vệ đất nước “mười lần đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn. Bằng tính cần cù sáng tạo và chí dũng cảm, bằng tâm hồn và trí tuệ, tài năng, học sinh – thanh thiếu niên nhi đồng – sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà Bác Hồ giao phó. Muốn hoàn thành nghĩa vụ ấy, học sinh phải đủ đức, tài. Muốn có đức tài chỉ có con đường học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật, trở thành công dân tốt, người lao động giỏi, những chuyên gia… tài năng, giàu nhiệt huyết để phục vụ Tổ quốc, đóng góp “một phần lớn” vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, mới kì vọng làm cho “non sông Việt Nam được trở nên vẻ vang… dân tộc Việt Nam được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu”…

Học tập là trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của học sinh. Sau gần một thế kỉ bị thực dân Pháp thống trị, “nhà tù nhiều hơn trường học”, nước ta xơ xác tiêu điều, dân ta đói khổ, hơn 90% dân số bị mù chữ! Việt Nam là một trong những nước lạc hậu trên thế giới. Thanh toán quá khứ nặng nề ấy, “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” là nhiệm vụ của toàn dân, nhưng học sinh phải là những chiến sĩ xung kích, như Bác dạy “chính một phần lớn là nhờ ở công học tập của các cháu”.

Câu nói trên đây là lời dạy, là tấm lòng, là tình thương của Bác đối với học sinh. Bác mong các cháu phải gắng sức, phải siêng năng học hành, biết học tập một cách thông minh sáng tạo. Có học tốt, học giỏi mới thành tài, có học vấn cao, có tri thức tiên tiến hiện đại. Có học tập tốt mới thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Bác giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải có mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn. Học để làm gì? Học tập không phải để làm quan, để vinh thân phù gia, mà là vì một mục đích cao cả: học tập để làm người, có nhân cách văn hoá, đem tài năng phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Câu nói trên biểu lộ một phần tin yêu sâu sắc của lãnh tụ đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Lời của Bác là lời non nước. Bác thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói của Tổ quốc để động viên, khích lệ học sinh ra sức thi đua học tập giỏi. Bác chỉ cho học sinh thấy con đường sáng đi tới ngày mai. Hạnh phúc của tuổi trẻ gắn liền với tiền đồ, tương lai xán lạn của đất nước và của dân tộc. Bác tin yêu học sinh – con em của một dân tộc cần cù và dũng cảm, thông minh và hiếu học.

Sau gần 30 năm chiến tranh giải phóng, Tổ quốc đã giành được độc lập, hoà bình. Việt Nam là một trong những nước kém phát triển, chúng ta đã ngẩng cao đầu bước vào thế kỉ XXI. Các kì thi quốc tế về toán, lí, hóa,… học sinh Việt Nam đã giành được nhiều thành tích vẻ vang. Chặng đường đi tới để dân tộc ta, đất nước ta “vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu” đâu thuận lợi, dễ dàng, một sớm một chiều mà thực hiện được? Cho nên câu nói của Bác vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng, có giá trị giáo dục và động viên các thế hệ học sinh Việt Nam vươn lên.

Suốt đời Bác Hồ chỉ có “một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Trong thư Trung thu Bác đã viết:

“Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

   Ôn lại những lời dạy của Bác Hồ, đọc lại bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta vô cùng cảm động trước sự thương yêu, chăm sóc, giáo dục của Người đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Còn gì hạnh phúc hơn được học tập và đem tài năng phục vụ Tổ quốc, làm vẻ vang cho dân tộc. Thi đua học tập tốt là chúng ta đã tự giác làm đúng lời Bác dạy. Câu nói trên là tình yêu lớn toả sáng tâm hồn tuổi thơ. Học tập cũng là yêu nước.

Đề 2

Video hướng dẫn giải

Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “Thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.

Lời giải chi tiết:

Bài làm

Lòng nhân ái là một chủ đề in sâu, in đậm trong nền văn học của dân tộc ta. Con người Việt Nam giàu tình thương nên văn học dân tộc mới có nhiều tác phẩm ca ngợi tình thương một cách thật hay, thật cảm động như thế.

Tình cha con, mẹ con, tình anh em chị em ruột thịt, tình bè bạn, tình yêu đồng loại… như những ngọn lửa ấm áp làm bừng sáng câu thơ, bài văn, làm cho người đọc không khỏi bồi hồi xúc động.

  “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ…”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Những câu hát câu ca đã cùng lời ru tiếng hát của bà, của mẹ thấm sâu vào hồn tuổi thơ, mà mỗi chúng ta sẽ mang theo suốt cuộc đời:

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ, mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?

  Từ mái nhà êm ấm mẹ cha, ta mang theo tình thương anh, thương chị, thương em, ta biết “Chị ngã, em nâng”, ta nhớ “Anh em như thể tay chân”,… để bước vào đời, sống giữa tình thương bao la của đồng bào, đồng chí, đồng loại. Thầy, cô giáo dạy ta bài học “Thương người như thể thương thân”, nhắc ta biết ăn, ở có tình nghĩa thuỷ chung:

“Bầu ơi, thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khúc giống nhưng chung một giàn ”,

hoặc:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng ”

  Truyện Trung đại viết bằng chữ Hán đã ngợi ca những con người giàu tâm đức. Bà đỡ Trần giúp hổ cái vượt qua cơn đau đẻ được mẹ tròn con vuông, bác tiều phu ở Lạng Giang đã thò tay vào miệng hổ cứu hổ bị hóc xương. Người thì được hổ đền ơn 10 lạng bạc, người thì được hổ biếu lợn, nai, lúc qua đời được hổ đến đưa tang. Quan ngự y Phạm Bân đã dựng nhà thương, phát cơm cháo, thuốc men, cứu chữa hàng nghìn người nghèo khó vượt qua cơn dịch bệnh, được người đời ngợi khen là “bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức”. Vũ Trinh và Phạm Đình Hổ đã để lại bao trang văn, bao hình ảnh, bao câu chuyện nói về tình thương, ca ngợi tình thương rất giàu ý nghĩa và có tác dụng giáo dục sâu sắc.

“Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du và “Truyện Lục Vân Tiên” của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu là hai kiệt tác bằng chữ Nôm giàu giá trị nhân đạo. Hai cụ đã dành những vần thơ đẹp nhất ca ngợi tình yêu chung thuỷ của lứa đôi, đồng thời nói lên chữ nhân, chữ nghĩa thật sâu sắc, cảm động. Vãi Giác Nguyên, mụ Quản gia, Tiểu đổng, Lão bà, Vương Tử Trực,… là những con người đẹp mãi, sống mãi trong lòng người bởi tình thương. Người đọc có bao giờ quên lời Kiều nói trong buổi báo ân báo oán:

Nhớ khi lỡ bước sẩy vời,

Non vàng chưa dề đền bồi tấm thân

Nghìn vàng gọi chút lễ thường

Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân!

                                             (Truyện Kiều)

Coi những nhân vật như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Trịnh Hâm,… lũ bạc ác tinh ma ấy sẽ bị thế gian muôn đời nguyền rủa và phỉ nhổ.

Bên cạnh những con người nhân đức biết san sẻ cưu mang “lá lành đùm lá rách” lại có những kẻ lòng dạ đóng băng, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, sống vô cảm, vô tình, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Những kẻ ấy ai đoái, ai nhìn, ai trọng, ai gần?

  Tôi rất thích chữ “thương” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu: “Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Tôi nhớ mãi chữ “thương ” trong câu thơ của Tố Hữu:

“ Thương nhau chia củ sắn lùi,

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”

Tóm lại, lòng nhân ái, chữ thương, chữ tình, chữ nghĩa trong thơ văn của dân tộc đã ướp thơm hồn người, đã truyền cho ta sức mạnh để sống đẹp hơn, để vượt qua mọi thử thách khó khăn trong cuộc đời, để sống gần người hơn, nhân ái hơn.

Đề 3

Video hướng dẫn giải

Nói lên những suy nghĩ của em về các tệ nạn như: cờ bạc, tiêm chích ma túy, hoặc tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh.

Lời giải chi tiết:

Bài làm

Đất nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập. Xã hội ngày một đổi mới. Nhân dân ta đã và đang làm nên bao thành tựu to lớn về kinh tế, về văn hoá,… rất đáng tự hào.

Nhưng đó đây, ta vẫn thấy “cộm” lên không ít hiện tượng tiêu cực làm hoen ố xã hội như tệ nạn cờ bạc, xì ke ma tuý, sống ăn chơi đua đòi, sống buông thả, tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh,… Có không ít kẻ phạm tội là lứa tuổi vị thành niên, là học sinh trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Báo An Ninh từng đăng tải bao chuyện đau lòng. Vì nghiện ma túy mà có đứa con cầm dao giết cha mẹ, có đứa cháu dùng thuốc độc giết ông bà. Vì thua lỗ cờ bạc, nợ nần mà có một số đứa trẻ 14, 15 tuổi tổ chức thành băng cướp, giết người, cướp của một cách rất dã man. Cầm đầu những nhóm trộm cướp mà nhiều phóng sự đưa tin và lên án là những kẻ cờ bạc, tiêm chích ma tuý.

Đứng trước vành móng ngựa là hình ảnh những phạm nhân với cặp mắt tinh quái, với đầu bù tóc rối, nhuộm đỏ, nhuộm vàng, nhuộm xanh, tai đeo khuyên bạc, ngực, bụng, lưng và chân tay,… xăm đủ hình xanh, đen các quái vật, các dị nhân rất khủng khiếp.

Để có tiền ăn chơi mà nhiều đứa trẻ vị thành niên gây ra bao vụ án mạng rùng rợn. Một số học sinh cá biệt sa vào vòng ăn chơi đua đòi, dây vào văn hóa phẩm không lành mạnh mà trốn học, bỏ học rồi sa ngã, phạm tội. Điện thoại di động “xịn” cầm tay đi lại nghênh ngang, túm tụm quán nhậu, quán cà phê… rất “sành điệu” phì phèo thuốc lá “ba số” tuy còn đi học nhưng trốn học kéo nhau đi chơi điện tử, dối cha mẹ lừa thầy cô giáo gây ra nhiều vụ “quậy” rất đáng lên án và chê trách.

Không ít các bậc cha mẹ trở nên bất lực khi có con em ăn chơi trác táng, rượu chè cờ bạc bê tha, tiêm chích ma túy mà bỏ học mà phạm tội.

Mở bất cứ tờ báo hàng ngày nào, báo địa phương cũng như báo trung ương, nhất là các báo Thanh niên, báo Tuổi Trẻ, báo Tiền Phong, báo Pháp luật… độc giả bắt gặp bao chuyện đau lòng, bao hiện tượng tiêu cực mà các phóng viên từng mạnh mẽ lên án.

Hãy nói không với các tệ nạn! Hãy xa lánh các kẻ cờ bạc, tiêm chích ma túy! Hãy tự nghiêm khắc với bản thân mình đừng dây vào các văn hoá phẩm không lành mạnh! Câu tục ngữ: “dữ, giữ mình” mà ông bà, cha mẹ vẫn nhắc nhở cháu con là bài học vô cùng sâu sắc.

Tuổi trẻ phải biết tự bảo vệ mình. Hơn bao giờ hết, học sinh phải biết tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, chăm chỉ học hành để sớm trở thành người con tốt của gia đình, người công dân tốt của đất nước.

Bài đọc thêm

Trích từ báo “Pháp luật và xã hội ” – cơ quan của Sở Tư pháp Hà Nội, số 123 (357) Chủ nhật, ngày 25-10-2009.

1. Vì bị “lộ” bạn trai…

Vụ việc đau lòng xảy ra vào chiều ngày 22-8-2007 tại phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội. Nạn nhân là ông Hà Sơn Tùng, 40 tuổi, còn thủ phạm gây ra cái chết của ông chính là con gái ruột tên là Hà Vân Trang, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT. Vụ việc tưởng chẳng có gì nghiêm trọng lại gây hậu quả đau lòng.

Chiều hôm đó, khi ông Tùng về nhà gọi cửa, một lúc sau mới thấy cô “quý nữ ra mở cửa. Vào nhà, ông Tùng phát hiện Nguyễn Minh Hải, 18 tuổi, trú tại Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội là bạn trai của con gái đang trốn trong tủ quần áo. Ông Tùng bảo Hải ra ngoài, rồi khép cửa phòng để nói chuyện với con gái. Ông Tùng mất bình tĩnh mắng con nhiều về mối quan hệ bạn bè quá giới hạn, giơ tay định đánh con. “Quý nữ” Hà Vân Trang cầm con dao Thái Lan giơ lên và nói: “Nếu ông đánh tôi, tôi sẽ giết chết ông!”. Rồi vụ việc kinh hoàng đã xảy ra.

2. Vì bố không cho tiền

Khoảng 7 giờ, ngày 9 tháng 5 năm 2009, người dân sống quanh khu vực cầu Cong, thành phố Hải Dương phát hiện một phần thi thể người trôi trên sông Sặt. Đến tối cùng ngày, cơ quan công an đã xác định được danh tính nạn nhân là Nghiêm Viết Yên, sinh năm 1958, trú tại số 312, đường Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương. Cho dù khuôn mặt nạn nhân đã bị hung thủ dùng dao chém nhiều nhát đến mức không thể nhận dạng, cơ thể nạn nhân cũng bị cắt rời thành ba phần. Cuộc truy tìm hung thủ nhanh chóng được tổ chức. Từ những chứng cứ thu thập được tại hiện trường, cơ quan điều tra xác định nghi phạm số 1 của vụ án này chính là con trai của nạn nhân. Và sau hai ngày tập trung điều tra khám phá, tối ngày 12 tháng 5, 2009, Nghiêm Viết Thành, thủ phạm đã bị bắt khi hắn đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ ở thành phố Nam Định.

Theo lời khai của Thành tại cơ quan điều tra thì hai năm trở lại đây, Thành nghiện chơi game, học hành sa sút và nợ rất nhiều tiền. Hắn phải giết bố để có tiền ăn chơi.

3. Kẻ côn đồ lĩnh án chung thân

Hắn tên là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1971, trú tại Thư Thị, Tân Lập, Yên Mĩ, Hưng Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng là con một nên hắn được nuông chiều từ nhỏ, trở nên lêu lổng, chơi bời, ngang ngược. Chưa đầy 20 tuổi hắn đã lấy vợ. Ba đứa con khoẻ mạnh, xinh xắn lần lượt chào đời nhưng cũng không làm cho Tuấn biết tu tỉnh làm ăn. Hắn vẫn sống buông thả! Hắn đánh vợ đập con. Người vợ cả xấu số qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Chỉ mấy năm sau, hắn lấy vợ hai, người đàn bà này cũng sinh cho hắn một thằng cu kháu khỉnh, nhưng bất hạnh là cháu bé bị câm, điếc bẩm sinh. Hắn liên tiếp hành hạ vợ, người đàn bà này cũng phải bỏ đi. Tuấn càng lao sâu vào cơn bạo loạn. Hết đánh mẹ, đánh con, hắn quay sang chửi bới, gây sự với người dân trong thôn xóm. Hắn đã có hai tiền sự ngược đãi mẹ, đánh nhau gây rối trật tự công cộng. Ngày 11 tháng 12, 2008, Tuấn lại đánh mẹ dã man. Hắn đã bị chính quyền cấp xã xếp vào danh sách những đối tượng cần quản lí giáo dục tại địa phương.

Như một con ngựa bất kham, một kẻ mất hết nhân tính, khoảng 10 giờ 40 phút ngày 23 tháng 4 năm 2009, hắn đã đánh chết người láng giềng Trương Đăng Nhược, 80 tuổi, vì một chuyện không đâu vào đâu, vì “nhà mày xây hố xí, gió bấc thổi vào nhà tao, tao không ngủ được!”. Đứng trước toà, tên côn đồ này bị kết án tù chung thân, nhưng thỉnh thoảng còn cười mỉm. Bà mẹ hắn đau ốm, run run nói trước toà: “Cần xử lí nghiêm Tuấn theo pháp luật để tôi và hàng xóm được sống yên ổn!”

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7- Mẫu 3

Đề 1: Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay?

Hướng dẫn dàn ý và bài văn mẫu viết tập làm văn số 7 lớp 10 đề 1 tại đây:

Dàn ý bài viết số 7 lớp 10 đề 1

– Giải thích ý nghĩa của câu nói: “Tôn sư trọng đạo”

+ Thế nào là “Tôn sư”?

+ “Đạo” có nghĩa là gì?

+ Thế nào là “Tôn sư trọng đạo”

– Phân tích và chứng minh: “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

+ Kính trọng và đề cao vai trò của người thầy.

+ Coi trọng việc học hành.

+ Coi trọng đạo lí làm người, đề cao nhân nghĩa …

– Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay:

+ Hoàn cảnh, điều kiện sống có những gì thay đổi?

+ Những gì được tiếp tục phát huy? Những gì có sự bổ sung, phát triển? Những hiện tượng nào cần lên án?

– Cần phải làm thế nào để phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong một thời đại mới?

Trong thời đại mới, việc “Tôn sư trọng đạo” cần phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng và dân chủ. Tôn sư trọng đạo không phải chỉ là một việc làm mang ý nghĩa hình thức. Nó phải xuất phát từ sự tôn kính thực sự của mỗi cá nhân.

– Khẳng định ý nghĩa tốt đẹp của câu nói.

Bài viết mẫu tập làm văn số 7 lớp 10 đề 1

“Tôn sư trọng đạo” không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào “Tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.

Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mối người “Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bởi vậy, “tôn sư trọng đạo” không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.

Trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.

“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề “tôn sư trọng đạo” càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.

Đề 2: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính. Anh (chị) thấy ý kiến này như thế nào?

Sau đây là dàn ý và bài làm văn mẫu viết tập làm văn số 7 – Văn nghị luận lớp 10 Đề 2 được trình bày chi tiết, dễ hiểu nhất mời các bạn học sinh tham khảo:

Dàn ý bài viết số 7 lớp 10 đề 2

– Giải thích:

+ Thế nào là những thói xấu của con người?

+ “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”. Ba sự so sánh khác nhau như nào về nghĩa?

+ Ý nghĩa chung của cả câu nói là gì?

– Phân tích, chứng minh và bình luận ý kiến:

+ Trong mỗi con người bao giờ cũng có những đức tính tốt và những thói tật xấu.

+ Nếu con người không biết tự rèn luyện, hướng tới những gì tốt đẹp, bị những thói xấu làm chủ thì “Thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính” (khía cạnh đúng của ý kiến).

+ Nếu con người biết tự rèn luyện, biết hướng tới những gì tốt đẹp, nhận ra những thói tật xấu để từ bỏ thì không những thói xấu không có cơ hội phát triển mà dần dần con người sẽ trở nên hoàn thiện (khía cạnh chưa đúng của ý kiến).

– Hướng rèn luyện của bản thân nói riêng và của mọi người nói chung.

– Khẳng định tính đúng đắ của ý kiến đã nêu ra ở đề bài.

Bài viết mẫu tập làm văn số 7 lớp 10 đề 2

Trong cuộc sống xô bồ, đầy bon chen, những thói hư, tật xấu vẫn diễn ra hàng ngày trước mắt và nhiều lúc, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng, lôi cuốn, mê hoặc, tạo điều kiện cho nó xâm nhập khi nào không hay biết.

Những thói hư, tật xấu có ảnh hưởng rất lớn đến tư cách đạo đức, cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, nó có thể đẩy con người đến bờ sâu của vực thẳm, vùi ta vào bóng đêm của tâm hồn. Chẳng vậy mà có ý kiến cho rằng: “tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính”.

Tập quán là những thói quen thường ngày, diễn ra thường xuyên, tự nhiên và được mọi người công nhận, nó gắn bó thân thiết với con người và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tập quán cũng có hai mặt, có những tập quán tốt và cũng có nhiều tập quán xấu. Tập quán tốt mang đến những lợi ích về vật chất và tinh thần, mang đến niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Ngược lại, tập quán xấu đẩy ta vào cuộc sống tăm tối và mang đến nhiều thương đau. Những lời nói tục, chửi thề, cờ bạc,…. có một ma lực vô hình vô cùng lớn, nó đến và xâm nhập vào chúng ta lúc nào không ai ngờ. Ban đầu những thói hư, tật xấu, chỉ là những người khách qua đường, đến một lần rồi đi, rất tự nhiên, vô tình, không có mối quan hệ thân thiết và không để lại chút dấu ấn nào. Nhưng một lần, hai lần rồi ba lần, những thói xấu ấy cứ ghé thăm chúng ta, nó đến từ từ, nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng nó lại có sức tấn công mãnh liệt, nó trói buộc chúng ta thành một người bạn thân chung nhà không thể nào xa rời. Bởi những thói xấu ấy có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những cá nhân suy nghĩ bồng bột, nông cạn, tầm thường, thậm chí bệnh hoạn. Nó ngày càng lớn lên một cách mạnh mẽ trong tâm hồn ta, nó chế ngự, điều khiển ta, bắt ta phải làm theo và không thể nào chống cự và cuối cùng, nó trở thành “một ông chủ nhà khó tính.” Càng chìm sâu vào nó là càng chìm sau vào những dục vọng tối tăm trong tâm hồn mà khó có thể cưỡng lại. Tất cả những tiến trình của thói xấu, từ khách qua đường, bạn thân cho đến ông chủ nhà khó tính dường như đã trở thành một quy luật và hầu như không thể thay đổi.

Con người muốn trở thành người tốt và có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng trước những thói hư, tật xấu. Thói hư, tật xấu đến với chúng ta rất lặng lẽ, nhẹ nhàng nhưng lại mang trong mình một mãnh lực ghê gớm. Chỉ một lần buộc miệng chửi thề, một lần quay cóp trong giờ kiểm tra, một li rượu thách đố bạn bè, một ván bài vui chơi, chỉ một lần đơn giản thế thôi nhưng lại là sự khởi đầu cho biết bao lần tiếp theo, ai cũng nghĩ thật bình thường nên không để tâm đến tác hại sâu xa của nó. Một lần trót lọt, một lần thử sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác sung sướng đầy khoái trá, một cảm giác nhung nhớ đến thèm thuồng khi cần giải quyết vấn đề tương tự. Để tránh điểm kém,để không bị bố mẹ la mắng, ta sẽ tiếp tục quay cóp. Để tỏ ra anh hùng, quân tử, ta sẽ chạm đến chén rượu lần thứ hai. Một, hai rồi nhiều lần, những thói quen ấy không còn là người khách qua đường mà đã trở thành thói quen thường ngày, một người bạn thân thiết, không thể nào dứt bỏ. Ngày đến đêm qua, những thói quen ấy vẫn tiếp tục diễn ra và điều gì sẽ xảy ra? Kết quả ta nhận được lâu nay đều là giả dối và những kì thi tốt nghiệp, đại học được tổ chức một cách nghiêm túc sẽ vạch trần tất cả và những chén rượu vui chơi kia sẽ biến ta thành một kẻ bê bết, một con sâu nghiện rượu, phá hoại xã hội. Ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt, tàn bạo, làm ta đau đớn và khổ sở. Nó chi phối toàn bộ tình cảm và hành động của ta và ta khó có thể thoát được nanh vuốt của nó. Một kẻ nghiện ngập sẽ luôn sống trong cảnh thèm thuồng , khát thuốc, mỗi khi lên cơn, con nghiện sẽ bị hành hạ, dày vò và sẽ bất chấp tất cả, sẽ dùng mọi thủ đoạn, dù là đê tiện, hèn hạ nhất để có tiền mua thuốc. Ban đầu, chỉ là bán đồ đạc trong nhà, sau là cướp giật, thậm chí là giết người và từ đó, con đường tội lỗi đầy tăm tối cũng bắt đầu.

Các thói xấu thường có sự hấp dẫn, lôi cuốn đến ghê người, nó mang đến cho ta sự khoái cảm, sung sướng, nó làm con người mụ mị, không còn tỉnh táo và chìm đắm trong ảo giác. Dần dần, các thói xấu trở thành những thói quen không thể nào cưỡng lại và chính nó sẽ là thủ phạm đẩy chúng ta vào vòng đen tối của cuộc đời, biến ta thành nô lệ cho những tập quán xấu, ta sẽ không thể nào dứt bỏ được nếu thiếu nghị lực và lòng kiên trì.

Con người chỉ được tôn trọng khi có đạo đức và hành động theo chân, thiện, mỹ. Nhưng để gây dựng được nó là một điều cực kì khó khăn, đôi khi còn phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình. Chỉ một phút sai lầm, một chút dao động, ta vô tình trở thành nô lệ cho những thói quen xấu, làm ảnh hưởng lớn đến tư cách đạo đức và đánh mất giá trị của bản thân. Thói hư tật xấu dễ dàng bị tiêm nhiễm và cũng dễ dàng lấy đi của ta tất cả, nó có một sức hủy hoại khủng khiếp làm con người ta khiếp sợ nhưng không thể thoát ra được. Ở trung quốc thời xưa, vua Trụ chỉ say mê sắc đẹp, xem thường các chư hầu nên mất nước, đẩy nhân dân vào cảnh khốn khổ lầm than. Lê Long Đỉnh chỉ vì thói trác táng, trụy lạc mà hủy hoại tiền đồ của Thập đạo tướng quân. Đã có bao nhiêu người chỉ vì những ham muốn vô bổ, những thói xấu thường ngày mà gây ra bao cảnh đau thương, nước mất nhà tan, nhân dân khốn cùng, lấy đi máu và nước mắt của bao người vô tội.

Ngày ta làm quen với những thói hư, tật xấu, ai cũng cho đó chỉ là những trò “tập làm người lớn” hoặc thích chơi nổi hơn trước mặt bạn bè, ngoài ra hoàn toàn không biết, thậm chí là không muốn biết đến những tác hại vô cùng to lớn của nó. Gia đình bạn sẽ ra sao? Bạn bè bạn sẽ nghĩ gì? Xã hội sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn cả là chính bạn, chính bạn đã mặc cho mình tấm áo luôn luôn nhận được sự coi khinh của mọi người. Đáng thương thay! Và điều đó chính là một hồi chuông cảnh báo chúng ta không nên xem thường, ngược lại phải luôn cảnh giác với những tập quán xấu ấy. Không được dù chỉ là một giây phút nào để cho nó chế ngự bản thân chúng ta. Hiện nay có một số bộ phận thanh niên không chăm lo học hành mà chỉ biết ăn chơi, đua đòi, sa ngã vào những trò cờ bạc đỏ đen, đua xe, đánh nhau gây rối trật tự an ninh xã hội. Những thanh niên ấy dường như đã bị các thói xấu thống trị, đạo đức, nhân cách đã dần suy thoái. Để có thể chống đỡ với những tập quán sống đang tồn tại và trấn động hàng ngày, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực, đấu tranh bản thân, luôn cố gắng rèn luyện và nâng cao nhận thức cá nhân để kiên quyết dứt bỏ, quyết tâm không bao giờ tái phạm.

Cuộc sống ngày càng đi lên, xã hội ngày càng văn minh thì những thói hư, tật xấu, những cạm bẫy xuất hiện ngày càng nhiều và là mối lo ngại rất lớn đối với mỗi chúng ta. Câu nói : “Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành một người bạn thân ở chung nhà và kết cục thành ông chủ nhà khó tính” là một bài học vô cùng quý giá và thiết thực cho cuộc sống. Đó là những lời khuyên, những lời thức tỉnh, những thói hư tật xấu và đừng bao giờ để nó tồn tại nơi ta.

Đề 3: Hưởng ứng đợt thi đua xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp. Anh (chị) hãy viết bài tham gia hội thảo đó.

Hướng dẫn dàn ý và bài làm văn mẫu đề 3 bài TLV số 7 lớp 10 được trình bày chi tiết dưới đây sẽ giúp các em có thêm tài liệu thêm khảo chuẩn bị tốt cho bài viết của mình nhé!

Dàn ý bài văn mẫu lớp 10 số 7 Đề 3

– Khẩu hiệu: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp có ý nghĩa gì?

– Tại sao lại phải đưa ra khẩu hiệu đó? (vì hiện nay, không chỉ trong nhà trường mà trên phạm vi toàn thế giới, con người đã và đang đối diện với hàng loạt những vấn đề bức xúc của môi trường)

– Môi trường (nơi mà chúng ta đang học tập) hiện nay ra sao? (Đã đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp hay chưa? Còn tồn tại những vấn đề gì? Nguyên nhân là do đâu? …)

– Làm thế nào để ngôi trường của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp? (nêu những giải pháp trước mắt và lâu dài).

Bài văn mẫu viết TLV số 7 lớp 10 đề 3

Thưa các bạn!

Hiện nay, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nghiêm trọng ở khắp nơi trên Trái Đất, đe dọa cuộc sống của nhân loại. Để khắc phục tình trạng đó, có rất nhiều cuộc vận động nhân dân được tổ chức nhằm kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường.

Góp phần vào cuộc đấu tranh chung để bảo vệ môi trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ta đã phát động đợt thi đua “xây dựng mái trường xanh- sạch-đẹp”. Chi đoàn 12A chúng tôi cũng tổ chức hội thảo với chủ đề “Bạn suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần xây dựng trường ta thành một mái trường luôn xanh, sạch, đẹp?”Đây là một chủ đề sinh hoạt vô cùng có ý nghĩa.

Thưa các bạn!

Môi trường là cái nôi của loài người, nơi con người sinh sống và làm việc. Nơi tổn tại của rất nhiều hệ sinh thái để giữ cân bằng sự sống trên Trái Đất. Cuộc sống chúng ta càng ngày càng phát triển, dân số tăng lên nhanh đến chóng mặt, cùng với đó là sự ra đời của nền công nghiệp ngày càng tiên tiến và hiện đại cao. Sự xuất hiện của nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp… đồng nghĩa với lượng rác thải khổng lồ không qua xử lí, thải bừa bãi vào môi trường sống, làm cho Trái Đất bị đe dọa bởi sự nóng lên, cùng với những cơn lũ to, bão lớn. .làm thiệt hại cho không ít quốc gia.

Hàng năm, những thiệt hại do thiên nhiên đem đến có nguyên nhân trực tiếp từ ô nhiễm môi trường có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ USD, với sự thiệt hại hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người! Trái đất đã lên tiếng báo động! Mọi nơi trên hành tinh thân yêu này, đâu đâu cũng xuất hiện lời kêu gọi, những cuộc vận động lớn, nhằm kêu gọi mọi người hãy bảo vệ lấy môi trường sống của mình.

Trường PTTH là nơi đào tạo thế hệ trẻ những người chủ tương lai của Đất nước, vì vậy, mỗi học sinh phải giác ngộ ý thức bảo vệ môi trường từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Cuộc thi “Xây dựng mái trường xanh-sạch- đẹp” là một phong trào rất hữu ích, giúp cho việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vê môi trường trong toàn xã hội. Hơn nữa nhà trường được coi là một môi trường mẫu mực, “xây dựng mái trường xanh – sạch- đẹp” là xây dựng bộ mặt của xã hội.

Trường chúng ta nằm ở trung tâm thị trấn huyện, nên lượng bụi rất lớn. Trường có một khuôn viên khá rộng nhưng chưa có nhiều cây xanh nên bốn bề ngập nắng và còn nhiều cỏ rác. Các lớp trực nhật đổ rác chưa đúng nơi quy định. Sân trường vào mùa khô còn quá nhiều bụi khi bị gió tạt qua…

Để xây dựng trường thành một mái trường xanh- sạch- đẹp, việc đầu tiên là phải vận động tất cả các bạn đoàn viên trong chi đoàn và trong toàn trường phải có ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp, không thải rác bừa bãi và có ý thức trong việc bảo vệ và chăm sóc cây cối. Đầu năm phát động phong trào trồng cây xanh như lời Bác Hồ dạy “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Giao nhiệm vụ chăm sóc cây cho các lớp. Xây dựng vườn cây cảnh thực hành, đồng thời làm vườn cảnh cho trường, để tạo một khuôn viên trường vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những cuộc vận động lớn như cuộc hội thảo này cần được tổ chức định kì hàng năm để nâng cao ý thức của mọi người. Thành lập đội cờ đỏ kiểm tra việc vệ sinh thường xuyên ở các lớp, và có kỉ luật nghiêm minh với những đoàn viên, học sinh nào vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường…

Một môi trường xanh- sạch – đẹp là mục tiêu phấn đấu của tất cả chúng ta.

Đề 4: Học bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: sự hổ thẹn của tác giả là quá đáng, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước. Hãy cho biết ý kiến của anh (chị).

Tham khảo dàn ý và bài làm văn mẫu số 7 đề 4 lớp 10 ý nghĩa, hay nhất dưới đây:

Dàn ý bài viết tập làm văn số 7 lớp 10 đề 4

Mở bài

– Giới thiệu bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão và sự hổ thẹn của tác giả thể hiện tập trung trong hai câu thơ cuối bài.

– Giới thiệu hai ý kiến trái ngược nhau về sự hổ thẹn của tác giả và định hướng ý kiến của bản thân.

Thân bài

– Giải thích ý kiến thứ nhất.

– Giải thích ý kiến thứ hai.

– Ý kiến của bản thân: Dùng lí lẽ và dẫn chứng để phê phán sự hồ đồ, thiếu hiểu biết của ý kiến thứ nhất, đồng tình với ý kiến thứ hai (hoặc có những ý kiến khác nhưng phải lập luận một cách thuyết phục).

Kết bài

– Tổng hợp các luận điểm đã triển khai.

– Bài học về việc tiếp cận, đánh giá nội dung tư tưởng của một tác phẩm văn học.

Bài văn mẫu TLV số 7 lớp 10 đề 4

Đi-đơ-rô từng nói: “Không có khát vòng lớn thì cũng không có sự nghiệp lớn”. Sống phải có ước mơ và ước mơ đó phải gắn khát vọng của bản thân với lợi ích của quốc gia – dân tộc. Chúng ta có thể gặp lí tưởng sống cao đẹp ấy ở mọi thời đại. Đó có thể là lòng căm thù giặc sâu sắc, cũng có thể là lòng tự hào dân tộc, nhưng lí tưởng sống được thể hiện qua “nỗi thẹn” thì thật khác thường. Nếu Nguyễn Khuyến “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” thì Phạm Ngũ Lão – một danh tướng đời Trần – lại “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Có bạn cho rằng sự hổ thẹn của tác giả Phạm Ngũ Lão là quá kiêu kì, thái quá; ngược lại có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.

Vậy, ý kiến nào đúng?

“Thuật hoài” là một trong những tác phẩm của văn học thời Lí Trần, với thể Đường luật ngắn gọn, súc tích, bài thơ đã nói lên được ước mơ của trang nam nhi trong xã hội phong kiến.

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).

Học bài thơ này, có bạn cho rằng: sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước. Vậy, ý kiến nào đúng?

Hai câu thơ trên bày tỏ nỗi lòng tác giả, cũng là cái chí, cái tâm của người anh hùng. Ý kiến chê bai cho rằng sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì cũng có lí do của nó. Vũ Hầu là ai? Là Gia Cát Lượng (tức Khộng Minh), một nhân vật thời tam quốc nổi tiếng về mưu lược, tài trí hơn người. Ông đã hi sinh trọn đời cho nhà Hán, là vị quân sư – cố vấn tài ba của Lưu Bị, giúp Lưu Bị đánh bại bao đối thủ tài giỏi, góp công lớn trong việc tạo lập và cùng cố nhà Hán. Có thể coi Gia Cát Lượng là một “chính quân tử”, là tấm gương trung nghĩa kiệt xuất điển hình, một tài năng quân sự. Mơ ước như Gia Cát Lượng là đúng nhưng hổ thẹn vì mình không được như Gia Cát Lượng là không tự lượng sức mình, là quá kiêu căng, thái quá, đề cao mình chăng? Nếu các bạn có suy nghĩ như vậy thì chỉ là cách nhìn một phía, mang nặng ý thức chủ quan. Đúng là không có ai có thể trở thành Khổng Minh (Gia Cát Lượng), nhưng Khổng Minh là người thông minh xuất chúng, không phải là thần linh nên ai cũng có thể cố gắng để noi gương. Hơn thế nữa, noi gương Khổng Minh là noi gương những gì? Đó là lòng trung thành, trung quân, ái quốc, là lập công giúp vua, giúp nước. Đây cũng chính là lí tưởng của những đấng nam nhi trong xã hội phong kiến.

Có thể khẳng định rằng, ý kiến thứ hai mới là ý kiến đúng: Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.

Công danh nam tử còn vương nợ

Quan niệm “nợ công danh” đã trở thành lí tưởng sống của người anh hùng trong xã hội xưa. Thời đại Phạm Ngũ Lão, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà xây dựng lợi ích của giai cấp phong kiến, “công danh” là một khát vọng lập công, lập danh, hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước.

Sau này, Nguyễn Công Trứ cũng đã khẳng định:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.

“Công danh” được xem là dấu hiệu của thành đạt, là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong nợ công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với đời, với dân-, với nước. Đồng thời chí làm trai thời bấy giờ có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sần sàng hi sinh cuộc đời cho sự nghiệp lớn lao, sự nghiệp cứu nước, cứu dân để cùng trời đất muôn đời bất hủ. Phạm Ngũ Lão đã cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông mấy thu rồi mà vẫn còn thấy mình chưa trả xong nợ công danh là bởi vì cái chí ông quá lớn và cái tâm ông đẹp quá.

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Nghĩ đến Vũ Hầu là ước muốn trở thành người có tài cao, chí lớn, đắc lực trong việc giúp vua, giúp nước. Ở đây Phạm Ngũ Lão cảm thấy thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu Gia Cát Lượng, vì chưa có tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng để từ giặc, cứu nước, khôi phục giang sơn cũng có nghĩa là thấy mình chưa xứng đáng là một đấng nam nhi quân tử. Theo tư tưởng Nho giáo, có thể thấy Phạm Ngũ Lão rất có ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đó cũng là biểu hiện khát vọng muốn góp sức mình vào sự nghiệp chung.

Hoài bão lớn của Phạm Ngũ Lão thông qua nỗi thẹn không chỉ thể hiện qua món nợ mà còn ở việc ông không hề nói suông. Ông có ước mơ lớn và đã cố gắng thực hiện hoài bão ấy. Từ một chàng trai không tiếng tăm nơi thôn xóm, ông trở thành một tướng tài, ông trả xong nợ công danh với lịch sử, lịch sử đã gọi tên ông. Thế hệ sau nhớ mãi đến ông cùng với Thuật hoài và tiếp bước lí tưởng sống của tổ tiên. Thanh niên Việt Nam ngày nay phải biết xác định con đường, ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Tuy nhiên, cần đặt sự tồn tại và phát triển của đất nước lên hàng đầu, rèn luyện đạo đức, tài năng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ kiên trì với mục đích đúng đắn của mình.

Mặc dù ra đời cách chúng ta tám thế kỉ song Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão vẫn luôn mới mẻ và hấp dẫn. Bài thơ có tác dụng giáo dục về nhân sinh quan, về lẽ sống đôì với thanh niên. Đặc biệt, qua nỗi thẹn của mình, Phạm Ngũ Lão đã cho chúng ta thấy hoài bão lớn lao và cao đẹp của cuộc đời ông. “Khi lẽ sống thiết tha đến mức trở thành tình cảm, người ta sẽ thực hiện được ước mơ của mình cho dù khó khăn đến đâu”.

Bài thơ nói lên quan niệm sống trong thời kì phong kiến của những người quân tử. Bài thơ chịu ảnh hưởng ý thức hệ phong kiến và mang rõ tính chất “thi dĩ ngôn chí”, đồng thời mang tính chất thời sự: Khi đất nước lâm nguy, vai trò của người anh hùng vô cùng quan trọng. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, Người anh hùng chính là người góp phần làm nên lịch sử luôn trọng danh dự và bảo toàn danh tiết với non sông đất nước, với xã tắc, sơn hà. Vì vậy mà cái thẹn của Phạm Ngũ Lão sẽ sống mãi với lịch sử dân tộc.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” Viết bài tập làm văn số 7 ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!