Updated at: 03-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3” chuẩn nhất 04/2024.

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3- MẪu 1

Video hướng dẫn giải

Đề 1

Video hướng dẫn giải

Trả lời đề 1 (trang 191 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

Hãy kể về một lần em trót xem trộm nhật kí của bạn

1. Mở bài:

– Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm mà không tự mình ý thức được.

– Với tôi, đó là một lần trót xem trộm nhật kí của bạn.

2. Thân bài:

– Kể lại tình huống dẫn đến việc xem trộm nhật kí của bạn: Đến nhà bạn học nhóm; cầm hộ bạn cặp sách… vô tình nhìn thấy quyển nhật kí của bạn.

– Kể lại cuộc đấu tranh nội tâm: Có nên xem hay không? Bao biện cho bản thân: Xem để hiểu thêm về bạn, sự tò mò đã chiến thắng, quyết định cầm quyển nhật kí rồi mở ra xem (kể đan xen với miêu tả nội tâm bằng ngôn ngữ độc thoại).

– Kể lại một số nội dung được ghi trong nhật kí: Hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình bạn? Suy nghĩ của bạn về tình bạn, tình thầy trò?

– Kể lại tâm trạng: Hiểu bạn, vỡ lẽ ra nhiều điều, tự trách bản thân mình, ân hận vì hành động vội vàng, thiếu văn minh của mình, thấy xấu hổ, thầm xin lỗi bạn (kể đan xen với bộc lộ nội tâm qua ngôn ngữ độc thoại).

3. Kết bài:

– Tìm cảm với người bạn sau sự việc ấy.

– Rút ra bài học ứng xử cho bản thân và sửa chữa sai lầm.

Bài mẫu:

Trong cuộc sống không có ai là không một lần mắc sai lầm. Với một phút nông nổi, hiếu kì của cái tuổi 14 mà tôi đã làm người bạn mà tôi yêu quý nhất phải buồn chỉ vì một quyển nhật kí.

Mùa hè – mùa của tuổi học trò bắt đầu bằng tiếng vĩ cầm của các nhạc công ve. Cây phượng nở hoa đỏ rực như một cây nấm khổng lồ. Tôi chạy sang nhà Ngọc đứa bạn thân từ hồi còn bé tí tẹo để gọi nó cùng đi chơi. Vừa bước vào cổng tôi gọi to:

– Ngọc ơi! này đi chơi đi! gớm gì mà nghỉ hè rồi cứ ở nhà suốt thế?

Mẹ Ngọc từ trong nhà đi ra nở một nụ cười và nói với giọng trêu đùa tôi:

– Cái con bé này lúc nào cũng nhanh nhảu. Ngọc đi mua cho cô mớ rau rồi cháu lên phòng đợi bạn chút xíu nhé.

Tôi vâng dạ chạy lên phòng Ngọc. Phòng nó lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng không như phòng tôi. Tính tôi hay tò mò cứ phải ngắm nghía, xem xét xem có gì hay ho không.

Bỗng tôi thấy trên giá sách của Ngọc có quyển gì màu hồng được che lấp bởi những quyển sách giáo khoa. Tôi lấy quyển sổ bí mật đó ra và ngạc nhiên khi biết đây là quyển nhật kí. Ngọc vốn là đứa trầm lặng, ít nói nhưng chuyện gì của nó tôi cũng biết. Mà sao chuyện này nó không kể với mình. Tôi cũng biết đọc trộm nhật kí là không nên nhưng nhưng tôi rất tò mò không biết nó có nói gì tôi không. Mở trang đầu ra với dòng chữ nắn nót của Ngọc

Ngày…tháng: Hôm nay mình thấy không vui vì Huyền giận vô cớ, không nghe mình giải thích lí do nữa. Mình mong lần sau bạn ý sẽ bình tĩnh hơn

Đọc đến đây tôi cảm thấy mặt mình nóng ran, thế mà nó chẳng báo giờ nói trước mặt mình mà chỉ nói sau lưng mình thôi ư? tôi dở sang trang tiếp theo

Ngày…tháng

Huyền thực sự là người vui tính, lúc nào cũng quan tâm mọi người. Ai cũng quý bạn ấy. Mình ghen tị với bạn ấy quá

À bây giờ bạn ý còn biết nói tốt với tôi cơ à, thế mà chả bao giờ nó chịu khen tôi một câu- tôi nghĩ trong đầu với nhiều ý nghĩ và quên đi hành động của mình

Cánh cửa phòng mở ra Ngọc đi vào hốt hoảng khi thấy tôi đọc những gì bí mật mà bạn ý đã dấu kín. Ngọc giằng vội quyển nhật kí, òa khóc nói với tôi;

– Tại sao cậu lại đọc trộm nhật kí của tớ?

Tôi rất xấu hổ nhưng vẫn cố cãi:

– Tớ..tớ chỉ đọc xem cậu nói gì về tớ thôi..ai ngờ cậu cũng nói xấu tớ. Cậu có coi tớ là bạn không?

Ngọc vẫn khóc nấc lên:

– Tớ cũng..muốn..muốn nói với cậu nhưng cậu không chịu nghe tớ nói đâu. Đấy chỉ là tớ suy nghĩ thế thôi chứ tớ không có ý nói xấu cậu

Bây giờ tôi mới nhớ cứ mỗi lần Ngọc khuyên bảo tôi thì tôi đều cáu gắt chỉ vì giữ sĩ diện cho mình mà quên đi tâm trạng của Ngọc. Tôi cảm thấy rất hối hận và ôm chầm lấy Ngọc nói trong nước mặt;

– Tớ xin lỗi cậu. Tớ sai rồi. Tha lỗi cho tớ nhà Ngọc. Ngọc lau vội nước mắt, gật đầu. Rồi 2 đứa lại nhìn nhau cười

Qua câu chuyện của mình tôi mới biết đọc nhật kí của bạn là đã vi phạm quyền riêng tư khiến tôi hối hận đến tận bây giờ. Nhưng cũng nhờ lần tình cờ đó mà tình bạn giữa tôi và Ngọc ngày càng hiểu nhau hơn, xây dựng tình bạn trên lâu đài của sự tin tưởng.

Đề 2

Video hướng dẫn giải

Trả lời đề 2 (trang 191 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.

1. Mở bài:

Giới thiệu nhân vật và tình huống truyện

Em gặp người lính trong hoàn cảnh nào?

2. Thân bài:

– Kể lại tình huống được gặp gỡ, trò chuyện với người lính lái xe (Nhà trường tổ chức cho lớp đi thăm nghĩa trang Trường Sơn ngày 27-7. Ở đó, tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa…)

– Miêu tả người lính đó (ngoại hình, tuổi tác,…)

– Kể lại diễn biến cuộc gặp gỡ và trò chuyện:

+Tôi hỏi bác về những năm tháng chống Mỹ khi bác lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.

+Người lính kể lại những gian khổ mà bác và đồng đội phải chịu đựng: sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn của kẻ thù làm xe bị vỡ kính, mất đèn, không mui.

+Người lính kể về tinh thần dũng cảm, về tư thế hiên ngang, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ trước bom đạn kẻ thù, trước khó khăn, gian khổ -> Những suy nghĩ của bản thân (xen miêu tả nội tâm + Nghị luận)

3. Kết bài:

– Chia tay người lính lái xe.

– Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, trò chuyện.

+ Những câu chuyện người lính kể cho tôi nghe tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi.

+ Tôi khâm phục và tự hào về thế hệ cha ông anh dũng, kiên cường đánh giặc và làm nên chiến thắng vẻ vang.

+ Tôi thấm thía hơn giá trị thiêng liêng của chủ quyền tự do, độc lập mà dân tộc ta đã đổ bao xương máu mới giành được.

+ Liên hệ với bản thân: phấn đấu học tập, tu dưỡng.

Bài mẫu :

Nhân ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam, trường em có tổ chức cho chúng em gặp gỡ và giao lưu với những cựu chiến binh lái xe Trường Sơn năm xưa. Ở đây, chúng em được các bác kể lại những câu lái xe ở chiến trường vô cùng thú vị.

Ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam năm nay tỉnh em tổ chức một buổi mít tinh vô cùng long trọng để tri ân những người chiến sĩ có công với cách mạng, với đất nước. Em vinh dự là một trong số những bạn học sinh trong tỉnh được nhà trường cử đi đến dự buổi lễ. Lần đầu tiên được đến một nơi trịnh trọng và ý nghĩa như thế em cảm thấy vô cùng tự hào nhưng cũng có chút lo lắng, hồi hộp.

Hội trường tổ chức buổi lễ rất rộng rãi và được trang hòa lộng lẫy, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, những hàng ghế được kê thẳng tắp san sát nhau. Các bác cựu chiến binh có mặt từ rất sớm và mặc bộ quân phục màu xanh ngay ngắn, dáng đi nghiêm trang, trịnh trọng vô cùng rắn rỏi. Trước sự nghiêm trang của họ, chúng em cảm thấy vô cùng nể phục.

Các bác cựu chiến binh năm xưa là những người lính lái xe dọc tuyến đường Trường Sơn đi cứu nước. Gặp lại nhau sau bao ngày xa cách, họ tay bắt mặt mừng vô cùng hồ hởi. Họ ngồi với nhau cùng ôn lại kỉ niệm xưa khi còn là những thanh niên trai tráng và hỏi han nhau về cuộc sống hiện tại. Sau đó đến chuyên mục ôn lại kỉ niệm xưa, các bác cho chúng em nghe nhưng câu chuyện cùng nhau kháng chiến trong môi trường gian khổ, thiếu với ánh mắt hào hùng, tràn đầy tâm huyết, đó là những năm tháng các bác mới chỉ ngoài hai mươi tuổi là những thanh niên trai tráng hồn nhiên yêu đời, đó cũng là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất đối với các bác. Núi rừng Trường Sơn tuy gian nan hiểm trở nhưng không ngăn nổi dấu chân của những con người tràn đầy nhựa sống. Chính tình yêu, tinh thần và nghị lực hơn người đó đã làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc ta sau này. Cuộc gặp gỡ giúp chúng em hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ mà họ phải gánh chịu nhưng cũng thêm khâm phục ý chí của họ.

Bên cạnh việc ôn lại những kỉ niệm cùng nhau kháng chiến, các bác còn truyền cho chúng em ngọn lửa của tình yêu tổ quốc, của tinh thần ý chí quyết tâm đánh giặc. Sau buổi gặp gỡ, em không chỉ hiểu thêm, tự hào hơn về thế hệ ông cha đi trước mà còn là động lực để em phấn đấu hơn trong cuộc sống xứng đáng với những điều tốt đẹp em đang được hưởng.

Đề 3

Video hướng dẫn giải

Trả lời đề 3 (trang 191 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

Nhân ngày 20 tháng 11 kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô giáo cũ

1. Mở bài:

– Không khí tưng bừng đón chào ngày 20/11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.

– Bản thân mình: Nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.

2. Thân bài:

– Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện):

+ Đó là kỉ niệm gì, buồn hay vui, xảy ra trong hoàn cảnh nào, thời gian nào?

– Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):

+ Kỉ niệm đó liên quan đến thầy (cô) giáo nào?

+ Đó là người thầy (cô) như thế nào?

+ Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).

+ Tình cảm, thái độ của học sinh đối với thầy cô.

– Diễn biến của câu chuyện:

+ Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?

+ Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.

– Câu chuyện kết thúc như thế nào? Suy nghĩ sau câu chuyện: Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn, trong suy nghĩ: Tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).

3. Kết bài:

Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.

Bài mẫu:

Tuổi học trò hồn nhiên, ngây ngô mà cũng vô cùng đáng yêu với những kỉ niệm thơ ngộ. Học tập dưới mái trường này đã được bốn năm, tôi làm sao có thể nhớ hết những kỉ niệm đẹp đẽ ấy. Nhưng có lẽ trong những kỉ niệm đó tôi nhớ nhất là kỉ niệm với thầy giáo chủ nhiệm của tôi – một kỉ niệm đã dạy cho tôi bài học quý báu mà suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên.

Chuyện xảy ra cách đây không lâu, khi ấy tôi học lớp 8, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi nghỉ vì sinh em bé, bởi vậy lớp chúng tôi đã thay một thầy giáo vào làm chủ nhiệm. Thầy Hòa dạy Hóa, là giáo viên nổi tiếng nghiêm khắc ở trường. Thầy dạy bất cứ lớp nào cũng đều khiến các bạn sợ hãi. Nhưng tôi lại chẳng hề lo lắng, bởi theo như mọi người nhận xét tôi là đứa nghịch ngợm có số má ở trường. Ngày thầy vào lớp tôi sẽ trêu thầy một phen xem danh tiếng nghiêm khắc của thầy thực chất đến đâu.

Ngày đầu thầy đến lớp nhận công tác chủ nhiệm, tôi đã đến thật sớm, bôi nhọ nồi vào chiếc ghế da màu đen của thầy, khiến cho quần áo thầy bị vấy bẩn. Thầy bước vào lớp, điểm tĩnh, tự tin giới thiệu về bản thân. Và thầy ngồi vào chiếc ghế “tử thần” mà tôi đã bày trò trước đó. Khi thầy đứng dậy cả lớp được một phen ôm bụng mà cười, chiếc quần màu sữa của thầy phía sau đã vằn vện những vết nhọ nồi. Trò đùa tai quái của tôi đã khiến thầy tối sầm mặt, và đi ra khỏi lớp. Hôm đó trong lớp ai cũng biết chỉ có tôi mới dám làm trò đó, nhưng không đứa nào hé răng. Rồi cứ thế cho đến các tiết học sau đó tôi đều bày trò để chọc giận thầy, khi thì lau bảng đẫm nước để thầy không thể viết; khi thì không làm bài tập. Nhưng …. ngày hôm đó đã thay đổi suy nghĩ của tôi hoàn toàn.

Hôm đó trời mưa rất lớn, tan học tôi không đợi tạnh mà đi về ngay. Trên đường về tôi không may bị một chiếc xe máy đâm vào rồi bỏ chạy, tôi bị thương không nặng, nhưng có lẽ do sợ nên tôi bị choáng. Lúc đó đường vắng tanh không một bóng người. Khi tôi cảm thấy đau đớn và tuyệt vọng nhất thì khuôn mặt nghiêm nghị của thầy Hòa xuất hiện. Thầy lo lắng vội vã đưa tôi đến trạm xá của xã và đó cũng là lúc tôi ngất lịm trên tay thầy.

Tôi vào viện có lẽ khoảng 30 phút sau thì tỉnh, lúc này thầy đang ngồi cạnh tôi, tay chống cằm lim dim ngủ. Có lẽ ở chân vết thương nặng, nên khi nhấc mình tôi thấy đau nhói, nên đành nằm im. Đến lúc này tôi mới nhìn kĩ khuôn mặt thầy, khuôn mặt già và khắc khổ, những nếp nhăn đã lằn rõ so với cái tuổi 32 của thầy. Mái tóc thầy đã pha bạc nhiều, ướt nhẹp đi vì có lẽ khi bế tôi chiếc mũ của áo mưa đã bị tuột ra, những giọt nước vẫn thi thoảng nhỏ xuống. Nhìn thầy tôi không kìm nổi xúc động và tự trách bản thân về những hành động nông nổi của mình trước đây.

Sau khi ra viện, nghe các bạn kể tôi mới biết gia cảnh của thầy rất đáng thương. Nhà chỉ có mình thầy nuôi đứa con thơ, vợ thầy mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Thầy suy sụp mất nửa năm, xin nghỉ để ở nhà. Sau đó thầy lấy lại nghị lực, tiếp tục sống và nuôi con. Có lẽ vì cú sốc quá lớn ấy khiến thầy già hẳn đi, và phải mang trên mình khuôn mặt nghiêm khắc như vậy. Tôi thương thầy quá, và càng ân hận hơn, tự trách bản thân mình nhiều hơn.

Thấy động thầy mở choàng mắt quay sang nhìn tôi. Nhìn thầy tôi thấy ấm áp và thân thương lạ thường. Thầy hỏi tôi bằng giọng vô cùng ấm, khác hẳn với khi giảng bài trên lớp:

– Con thấy trong người thế nào? Mưa to nên bố mẹ con đang trên đường tới. Chắc lát nữa sẽ tới nơi thôi.

Tôi chưa kịp trả lời thầy đã dồn hỏi tiếp:

Con đói không? Thầy mua gì cho con ăn nghe.

Bất giác tôi thấy hai sống mũi cay cay. Một đứa con trai nghịch ngợm như tôi bỗng mềm lòng và xúc động vô cùng trước sự tận tâm của thầy. Nếu hôm nay không có thầy đưa đến bệnh viện thì không biết giờ này tôi sẽ ra sao. Tôi thầm cảm ơn thầy, thầm cảm ơn về sự vị tha thầy dành cho tôi. Tôi mở miệng lí nhí:

– Con cảm ơn và xin lỗi thầy trong suốt thời gian qua…. Tôi ngập ngừng không nói hết câu nước mắt đã tràn bờ mi, thấm đẫm xuống mặt.

Thầy nhẹ nhàng xoa đầu tôi, thầy không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Nhưng cũng chỉ cần ánh mắt đó thôi tôi đã hiểu được tấm lòng thầy, sự quan tâm mà thầy dành cho tôi.

Sau lần ấy, tôi đã thay đổi hẳn. Không còn là một cậu trò ngỗ ngược, quậy phá, mà tôi tập trung học hành và đặc biệt là môn hóa của thầy. Trước sự thay đổi quá đỗi bất ngờ của tôi ai cũng cảm thấy kinh ngạc, chỉ riêng tôi và thầy Hòa mới hiểu được điều ấy.

Giờ đây tôi đang là học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa. Tôi thầm cảm ơn sự tận tụy, tận tâm mà thầy dành cho tôi. Trong cuộc đời chúng ta ai cũng đôi ba lần vấp ngã, sai lầm, quan trọng là chúng ta biết nhận ra và vượt qua nó. Tôi thầm cảm ơn thầy Hòa, người đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ, để có lối sống đúng đắn và tích cực hơn.

Đề 4

Video hướng dẫn giải

Trả lời đề 4 (trang 191 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

Kể về một cuộc gặp gỡ với các chú bộ đội nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Trong buổi gặp đó, em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ về tình cảm trách nhiệm của thế hệ sau đối với thê hệ cha anh đi trước.

1. Mở bài:

– Lịch sử Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.

– Ngày 22/12 năm vừa rồi, trường em đã tổ chức một chuyến đi thăm các chú bộ đội (quân khu thủ đô, biên phòng, công binh…)

2. Thân bài:

– Không khí náo nức, hào hứng phấn chấn chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.

– Trên đường đi và niềm vui gặp gỡ:

+ Dọc đường: Hát hò, hồi hộp…

+ Đến nơi:

– Các chú, các anh bộ đội: Vui vẻ, thân thiện, đón tiếp nồng nhiệt.

– Sau màn chào hỏi tưng bừng, tất cả cùng đi tham quan nơi ăn, nơi ở, phòng truyền thống, khu vực luyện tập… của đơn vị.

– Trên hội trường diễn ra cuộc gặp gỡ:

+ Tất cả trở lại hội trưởng để nghe các chú, các anh nói chuyện (phần trọng tâm).

+ Giới thiệu người nói chuyện.

+ Nội dung câu chuyện: Kể về ai, về việc gì? Xảy ra ở đâu, trong hoàn cảnh nào? Nhân vật trong chuyện là người đang kể chuyện hay đồng đội, còn sống hay đã hi sinh?

+ Trong câu chuyện có những tình huống gay cấn, những chi tiết bất ngờ nào?

– Kết thúc cuộc gặp gỡ, đại diện học sinh lên phát biểu:

+ Thay mặt thầy cô và các bạn cảm ơn sự đón tiếp, cảm ơn người nói chuyện.

+ Phát biểu cảm xúc: Cảm động, tự hào, biết ơn…

+ Hứa hẹn: Học tập và rèn luyện tốt, xứng đáng với thế hệ cha anh; sẵn sàng tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

3. Kết bài:

– Hiểu biết hơn về hình ảnh anh bộ đội và ngày 22/12.

– Cảm xúc dạt dào, mong có nhiều dịp gặp gỡ, giao lưu nữa để nâng cao hiểu biết và đời sống tâm hồn thêm phong phú.

Bài mẫu:

Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay. Trong buổi lễ kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) năm nay, tôi đã được gặp gỡ các chú bộ đội và may mắn là người thay mặt các bạn để phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Giây phút ấy khiến cho tôi thực sự xúc động.

Buổi gặp gỡ được tổ chức tại hội trường của trường tôi. Từ sáng sớm, chúng tôi đã đến trường để chuẩn bị chu đáo mọi thứ để cuộc gặp gỡ được diễn ra tốt đẹp nhất. Tôi và vài bạn nữa mang khăn trải bàn từ nhà đi, đặt lọ hoa, chuẩn bị cả nước, hoa quả và bánh trái bày biện trên bàn thật đẹp. Buổi lễ được bắt đầu vào lúc 7h30. Các thầy cô giáo đều đã đến đông đủ. Lũ học trò chúng tôi thì háo hức chờ đợi. Cuối cùng thì các chú bộ đội cũng tới trong bộ quân phục màu xanh lá, với quân hàm và huy chương mà các chú có được trong suốt cả cuộc đời.

Sau nghi thức chào cờ, thầy hiệu trưởng đã đọc diễn văn chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Kết thúc bài phát biểu của thầy hiệu trưởng, một chú bộ đội thay mặt cả đoàn lên trò chuyện với chúng tôi. Chú là một người cương nghị với giọng nói sang sảng. Khuôn mặt chú đã hiện rõ dấu vết thời gian với những nếp nhăn. Thế nhưng, tôi ấn tượng nhất với chú là đôi mắt. Đôi mắt chú vẫn còn rất tinh tường và đặc biệt đó là một đôi mắt với ánh nhìn mạnh mẽ, cứng cỏi cũng có sự bình tĩnh. Đôi mắt ấy khiến tôi cảm thấy không có nỗi sợ quá lớn đối với chú ở hiện tại nưa. Có lẽ chú đã trải qua hết thảy những nỗi đau và sự sợ hãi, cũng chứng kiến những điều kinh khủng nhất rồi nên chú mới bình tĩnh, điềm đạm đến vậy. Chú kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến ác liệt mà chú và đồng đội của mình đã phải trải qua, cả những mất mát hi sinh trong mỗi trận đánh mà quân, dân ta cả quân địch cũng thế. Chưa bao giờ tôi thấy thấu hiểu và khâm phục những người lính trong cuộc chiến vệ quốc của ta đến thế. Nhờ có những hi sinh cao cả ấy mà mảnh đất của cha ông ta được giữ lại một cách trọn vẹn. Nếu không có họ, không biết đất nước này sẽ đi về đâu.

Chú cùng chúng tôi trò chuyện rất lâu. Chú cũng giải đáp những thắc mắc của chúng tôi về cuộc sống, chiến đấu của các chú trong quá khứ bằng một thái độ rất thân thiện và nhẫn nại. Không hiểu sao tôi thấy chú thật gần gũi và thân thiết giống như người người mà tôi đã quen biết từ rất lâu chứ không phải chỉ vừa mới gặp cách đây vài tiếng. Phải chăng do câu chuyện mà chú chia sẻ với chúng tôi chân thực quá hoặc cũng bởi vì cách chú lắng nghe chăm chú những câu hỏi ngô nghê của chúng tôi, và trả lời chúng một cách rất chân thành? Tôi cũng không biết nữa, nhưng dù sao thì tôi cũng thấy chú thân thiết hơn rất nhiều. Cuối cùng tôi là người thay mặt tất cả học sinh trong trường lên phát biểu suy nghĩ của mình. Dù rất hồi hộp nhưng tôi thấy ánh mắt khích lệ mà các thầy cô giáo và các bạn dành cho tôi, tôi thấy mình bình tĩnh hơn rất nhiều. Tôi bước lên bục phát biểu, hít một hơi thật sâu và phát biểu bằng cảm xúc thật của mình qua câu chuyện của chú:

– Thưa các bác, các chú, các thầy cô giáo và các bạn học sinh đang có mặt trong hội trường ngày hôm nay, cháu là Ngân, học sinh lớp 9A2. Cháu rất vinh dự khi hôm nay được đại diện cho toàn trường để lên đây, phát biểu cảm nghĩ của mình. Thực sự là lúc này cháu rất run và hồi hộp – Hội trường cười ồ lên, khiến không khí yên lặng và căng thẳng cũng dịu đi không ít. Tôi thấy tự tin hơn rất nhiều – Chúng cháu may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thống nhất nên có rất nhiều điều chúng cháu chưa từng trải qua. Đặc biệt là những đau thương, mất mát trong cuộc chiến vệ quốc. Nhưng hôm nay, khi nghe các chú chia sẻ, cháu thực sự xúc động và cháu cũng hiểu hơn về mất mát, hi sinh và khốc liệt mà bất kì cuộc chiến tranh nào mang lại, chứ không riêng gì trên đất nước Việt Nam ta. Cháu cũng càng thêm ngưỡng mộ sự hi sinh và ý chí của lớp lớp thế hệ cha anh đã nối gót nhau vào chiến trường, tham gia cuộc chiến dù biết nó nguy hiểm. Lớp người trẻ tuổi chúng cháu sẽ luôn biết ơn những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và trân trọng những gì chúng cháu đang có. Nhân ngày 22/12, cháu thay mặt cho tất cả học sinh, chúc các chú, các bác có một ngày lễ kỉ niệm thật vui vẻ, ý nghĩa. Cháu xin cảm ơn!

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay lác đác rồi lớn hơn, vang hơn. Tôi cảm thấy mình vừa làm được điều gì đó thật lớn lao. Buổi gặp gỡ kết thúc thành công trong niềm vui và sự thấu hiểu.

Ánh nắng đã nhạt dần, chúng tôi chia tay các chú, các bác trong lưu luyến. Nhưng buổi gặp gỡ ngày hôm nay đã để lại trong lòng tôi một cảm xúc kì lạ. Đó không chỉ là sự biết ơn mà còn là cả sự tự hào về thế hệ cha anh và cả niềm tin và sự quyết tâm vào tương lai của tôi nữa.

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3- MẪu 2

Đề 1. Thuyết minh về chiếc kính đeo mắt.

a. Mở bài: Giới thiệu chung về kính đeo mắt.

b. Thân bài:

– Hình dáng:

+ Hình dáng chung của kính: phẳng, vếch, cong, quặp.

+ Hình dáng của mắt kính: tròn, bầu dục, ô van.

+ Gọng kính: bản to, bản nhỏ, thanh, mảnh.

– Màu sắc:

+ Mắt kính: trắng, nâu, ghi, xanh

+ Gọng kính: trắng, xám, nâu.

– Chất liệu:

+ Mắt kính: mi ca, kính.

+ Gọng kính: đồi mồi, I nốc, sắt, nhựa.

– Các loại kính:

+ Kính râm

+ Kính lão

+ Kính cận

+ Kính bảo hộ lao động

+ Các loại kính chuyên dụng khác.

– Cách bảo quản

+ Đựng trong hộp trong bao để tránh xây xước, làm mất vẻ đẹp tự nhiên của kính.

+ Không để mặt kính sát xuống mặt bàn, mặt ghế tránh xây xước, làm mờ mặt kính.

– Tác dụng:

+ Kính râm chắn bụi, chắn gió bảo vệ đôi mắt của con người.

+ Kính cận, kính lão giúp đọc sách, báo rõ chữ.

+ Kính có thể là đồ trang sức làm tôn vẻ đẹp của khuôn mặt.

c. Kết bài: Khẳng định vai trò của chiếc kính đeo mắt.

Đề 2. Thuyết minh về cấy bút máy hoặc bút bi

a. Mở bài

– Bút bi là một dụng cụ học tập quen thuộc của mỗi một học sinh và nó sẽ luôn gắn bó với chúng ta suốt chặng đường tiếp thu học vấn cũng như công việc.

b. Thân bài

1. Lịch sử ra đời

Vào những năm 1930, László Bíró làm cộng tác viên biên tập cho một tờ báo chí nhỏ. Điều làm ông thất vọng là việc những cây bút máy luôn làm bẩn giấy tờ và thường xuyên bị hỏng. Một hôm, Bíró ra công viên, thấy một bọn trẻ chơi bi.Một viên bi vô tình chạy qua vũng nước, để lại sau một vệt dài. Viên bi đó khiến ông nảy ra một ý tưởng đặt viên bi ở đầu bút để nó truyền mực trong ống ra giấy. Rồi ông lại được mời đi thăm một xưởng in báo. Bíró để ý rằng, loại mực dùng để in báo rất nhanh khô, nhờ đó giấy không bị mực làm bẩn và ông quyết định tạo ra một loại bút sử dụng loại mực giống như vậy. Từ khi đó, được sự giúp đỡ của anh trai tên George, là một nhà hóa học, Bíró bắt đầu công việc thiết kế ra một loại bút mới. Bíró nhận bằng sáng chế Anh Quốc vào năm 1938, cũng tại nămđó một nhà báo người Hungary mới giới thiệu loại bút bi hiện đại.

2. Hình dáng, cấu tạo, chất liệu

– Vỏ bút: được làm bằng kim loại hoặc nhựa, có rất nhiều kiểu dáng và màu sắc tuỳ theo bản vẽ thiết kế mẫu và dụng ý của nhà sản xuất. Bộ phận này dùng để chứa các bộ phận bên trong: ruột bút, lò xo.

– Bộ phận điều chỉnh bút: gồm một đầu bấm ở cuối thân bút. Bộ phận này kết hợp với lò xo (được làm bằng kim loại theo hình xoắn ốc) để điều chỉnh ngòi bút. Khi muốn sử dụng, ta chỉ cần bấm nhẹ đầu bấm, ngòi bút sẽ lộ ra; khi không sử dụng, bấm đầu bấm cho ngòi bút thụt vào.

– Ruột bút: được làm bằng nhựa cứng hoặc kim loại, thường dài khoảng 10 cm và lớn hơn que tăm một chút dùng để chứa mực nên được gọi là ống mực. Gắn với ống mực là ngòi bút được làm bằng kim loại không rỉ, một đầu có lỗ tròn. Ở đầu lỗ có gắn một viên bi sắt mạ crôm hoặc niken, đường kính viên bi tùy thuộc vào mẫu mã mà to nhỏ khác nhau từ 0,38 đến 0,7mm. Viên bi nhỏ xíu xinh xắn ấy có khả năng chuyển động tròn đều đẩy cho mực ra đều.

3. Công dụng, ý nghĩa

– Cây bút bi là đồ vật không thể thiếu đối với người học sinh, nó vừa tiện lợi mà cũng rất thông dụng lại hiệu quả cao cho mọi công việc. Không chỉ học sinh mà những người làm văn phòng, làm kinh doanh cũng cần đến, bởi họ luôn phải ghi chép hay kí những hợp đồng hay những công trình nhận thi công.

– Bút bi là người bạn thân thiết gắn bó với những ước mơ, hoài bão của tuổi học trò; là vật dụng lưu lại những kỉ niệm, kí ức tươi đẹp của con người…

4. Bảo quản

– Để chiếc bút bi bền và đẹp thì người sử dụng cần bảo quản cẩn thận và không vứt bút linh tinh, tránh tình trạng hỏng bút.

c. Kết bài

– Có thể nói rằng bút bi là một trong những phát minh quan trọng của con người. Ngày nay cứ 1 giây lại có 57 cây bút bi được bán ra trên thế giới, chứng tỏ tầm ảnh hưởng quan trọng của nó. Khoa học tiến bộ, nhiều công cụ ghi chép tinh vi hơn, chính xác hơn lần lượt xuất hiện nhưng bút bi vẫn được nhiều người sử dụng bởi nó rẻ và tiện lợi. Cầm cây bút bi trên tay, nắn nót từng chữ viết cho người thân yêu, chúng ta mới gửi gắm được trong đó bao nhiêu tình cảm.

Đề 3. Giới thiệu về đôi dép lốp trong kháng chiến

a. Mở bài:

– Nếu ai đã từng đến Bảo tàng lịch sử Việt Nam hẳn sẽ không quên một vật rất đơn sơ mà giàu ý nghĩa- đó là đôi dép lốp cao su đã gắn bó thân thiết với cán bộ chiến sĩ và cả vị lãnh tụ Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.

– Đôi dép lốp cao su là vật chứng tiêu biểu cho nhân cách và cả một quá trình gian khổ của quân nhân Việt Nam.

b. Thân bài

1. Lịch sử ra đời

– Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Cách mạng nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Chính trong hoàn cảnh đầy gian khổ và thiếu thốn ấy mà tình yêu nước và óc sáng tạo của nhân dân ta được phát huy. Chiếc mũ nan lớp vải, áo trấn thủ và đặc biệt là đôi dép được cắt từ lốp và ruột xe ô tô cũ đã qua sử dụng làm hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ thật giản dị, gần gũi và thân thương.

2. Hình dáng, cấu tạo, chất liệu

– Đôi dép lốp có hình dáng giống những đôi dép bình thường…

– Quai dép được làm từ săm (ruột) xe ôtô đã qua sử dụng. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song, vắt ngang cổ chân, bề ngang mỗi quai khoảng 1,5cm.

– Đế dép được làm từ lốp (vỏ) của xe ôtô hoặc được đúc bằng cao su. Đế được đục những cái lỗ để xỏ quai qua. Điều kì lạ là giữa quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau không bằng bất cứ một thứ keo kết dính nào mà nhờ vào sự giãn nở của cao su.

– Dưới đế dép có những rãnh hình thoi để các chiến sĩ đi đường lầy lội cho đỡ trơn.

3. Công dụng, ý nghĩa

– Dép lốp cao su dễ làm, giá thành lại rẻ và nhất là dễ sử dụng trong mọi địa hình, dù đèo cao hay suối sâu, đường lầy lội hay đất bụi đều đi rất dễ dàng. Do các quai dép ôm vừa khít với bàn chân nên chiến sĩ ta đi không biết mỏi vì cảm giác rất nhẹ. – Dép lốp rất tiện sử dụng, cả thời tiết nắng nóng và mưa dầm. Trời nắng thì thoáng mát, mưa dầm thì không lo sũng nước. Dép lốp cũng dễ vệ sinh. Khi dính bùn đất chỉ cần rửa nước là sạch.

(So sánh với sự bất tiện khi mang giày: trời nắng thì đổ mồ hôi khó chịu, trời mưa thì ướt sũng, dễ sinh các bệnh ngoài da. Đặc biệt điều kiện khó khăn lúc bấy giờ thì khó cung cấp đủ giày cho các chiến sĩ. Dép lốp khắc phục được tất cả các nhược điểm này).

– Dép lốp lại rất bền, phù hợp với điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

– Một thời đôi dép lốp gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, đi vào trong các sáng tác nghệ thuật nổi tiếng của người Việt Nam…

4. Bảo quản

– Dép lốp không chỉ rẻ, bền, dễ sử dụng mà còn rất dễ bảo quản:

+ Để dép lốp được bền thì các chiến sĩ ta không để chúng ở nơi có nhiệt độ cao.

+ Đi đường dính bùn đất về nên rửa sạch.

c. Kết bài

– Giờ đây, chiến tranh đã qua đi, chúng tôi và con cháu chúng tôi không còn phải đi những đôi dép lốp. Mong sao những ngày tháng gian khổ qua đi vĩnh viễn và chiến tranh không bao giờ trở lại trên đất nước này. Để những đôi dép lốp chỉ còn là những kỷ niệm về quá khứ, cho ta thêm yêu quý cuộc sống hôm nay.

Đề 4. Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam

a. Mở bài: Chiếc áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, là quốc phục của đất nước. Chiếc áo dài mang theo một bề dày lịch sử từ khi nó ra đời đến nay.

b. Thân bài:

1. Lịch sử chiếc áo dài

a. Chiếc áo dài ra đời lần đầu vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 -1765). Do sự di cư của hàng vạn người Minh Hương, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sáng tạo ra chiếc áo dài để tạo nét riêng cho người Việt.

b. Chiếc áo dài thay đổi theo từng giai đoạn và lý do khác nhau: Chiếc áo dài đầu tiên là chiếc áo dài giao lãnh. Đó là loại áo giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai tà trước không buộc lại, mặc cùng váy thâm đen.

c. Do việc đồng áng, chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân với hai tà trước vốn được thả tự do nay cột lại cho gọn gàng, mặc cùng váy xắn quai cồng tiện cho việc lao động. Đó là chiếc áo tứ thân dành cho người phụ nữ lao động bình dân. Còn áo tứ thân dành cho phụ nữ thuộc tầng lớp quí tộc, quan lại thì lại khác: Ngoài cùng là chiếc áo the thâm màu nâu non, chiếc áo thứ hai màu mỡ gà, chiếc áo thứ ba màu cánh sen. Khi mặc không cài kín cổ, để lộ ba màu áo. Bên trong mặc chiếc yếm đào đỏ thắm. Thắt lưng lụa màu hồng đào hoặc màu thiên lý. Mặc với váy màu đen, đầuđội nón quai thao trông rất duyên dáng. Áo tứ thân không chỉ là một trang phục đẹp mà còn mang theo những ý nghĩa rất đặc biệt: Phía trước có hai tà, phía sau có hai tà (vạt áo) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ). Một vạt cụt có tác dụng như một cái yếm, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Năm hạt nút nằm cân xứng năm vị trí cố định, giữ cho nếp áo được ngay thẳng, kín đáo tượngtrưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hai vạt trước buộc lại tượng trưng cho tình chồng vợ quấn quýt.

d. Khi Pháp xâm lược nước ta, chiếc áo dài lại một lần nữa thay đổi. Chiếc áo tứ thân được thay đổi thành chiếc áo dài. Chiếc áo dài này do một họa sĩ tên Cát Tường (tiếng Pháp là Lemur) sáng tạo nên nó được gọi là áo dài Lemur. Chiếc áo dài Lemur này mang nhiều nét Tây phương không phù hợp với văn hóaViệt Nam nên không được mọi người ủng hộ.

e. Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét cứng cỏi của áo Lemur, đồng thời đưa các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân thành kiểu áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước được tự do tung bay. Chiếc áo dài này hài hòa giữa cũ và mới lại phù hợp với văn hóa Á đông nên rất được ưa chuộng.

h. Chiếc áo dài ngày nay: Trải qua bao năm tháng, trước sự phát triển của xã hội, chiếc áo dài ngày nay dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.

2. Cấu tạo

a. Các bộ phận

– Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo này càng làm tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần thanh tú của người phụ nữ. Ngày nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,…

– Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Thân áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, ở phần eo được chít ben (hai ben ở thân sau và hai ben ở thân trước) làm nổi bậc chiếc eo thon của người phụ nữ. Cúc áo dài thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông.

– Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau và bắt buộc dài qua gối.

– Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay.

– Chiếc áo dài được mặc với quần thay cho chiếc váy đen ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là màu trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu đi tông với màu của áo.

b. Chất liệu vải và màu sắc của chiếc áo dài

Chọn vải để may áo dài ta nên chọn vải mềm và có độ rũ cao. Chất liệu vải để may áo dài rất đa dạng: nhung, voan, the, lụa,… màu sắc cũng rất phong phú. Chọn màu sắc để may áo dài tùy thuộc vào tuổi tác và sở thích của người mặc.

3. Công dụng

Chiếc áo dài ngày nay không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn văn hóa dân tộc, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã trở thành trang phục công sở như các ngành nghề: tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng, học sinh,… Ngoài ra, ta có thể diện áo dài để đi dự tiệc, dạo phố vừa kín đáo, duyên dáng nhưng cũng không kém phần thời trang, thanh lịch.

4. Bảo quản

Do chất liệu vải mềm mại nên áo dài đòi hỏi phải được bảo quản cẩn thận. Mặc xong nên giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt bằng tay, treo bằng móc áo, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng để tránh gây bạc màuSau đó ủi với nhiệt độ vừa phải, treo vào mắc áo và cất vào tủ. Bảo quản tốt thì áo dài sẽ mặc bền, giữ được dáng áo và mình vải đẹp.

c. Kết bài

– Dù hiện nay có nhiều mẫu thời trang ra đời rất đẹp và hiện đại nhưng vẫn không có mẫu trang phục nào thay thế được chiếc áo dài – trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ta: dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hợp mốt, hợp thời…

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 – Văn tự sự ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!