Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du” chuẩn nhất 09/2024.
Dàn ý
1. Mở Bài
– Giới thiệu về Truyện Kiều và bút pháp của Nguyễn Du.
– Giới thiệu đoạn trích “Cảnh ngày xuân” cùng với bức tranh thiên nhiên.
2. Thân Bài
a. Giới thiệu vị trí của đoạn trích: Nằm ở phần đầu, sau khi giới thiệu vẻ đẹp của chị em Kiều.
b. Bốn câu đầu: Bức tranh thiên nhiên buổi sáng sớm:
– Mở ra bằng cánh chim én: loài chim báo hiệu mùa xuân
– “đưa thoi”: gợi tả sự đông đúc, hình ảnh những cánh chim chao lượn
– “Thiều quang”: ánh sáng đẹp, ánh sáng của mùa xuân
– Thời gian của mùa xuân đã trôi đi quá nửa “đã ngoài sáu mươi” → Sự tiếc nuối khi mùa xuân đang dần qua (so sánh với Xuân Diệu).
→ Diễn tả sự chảy trôi của thời gian, mùa xuân đang qua đi.
– Hình ảnh triền cỏ xanh trải dài mênh mông như đến tận chân trời.
– Từ “tận”: mãi đằng xa, lan ra tới mãi đường chân trời → Thảm cỏ kéo dài vô tận, không dứt → Vẻ đẹp xanh mát của mùa xuân.
– Điểm trên cỏ là hình ảnh của những bông lê trắng muốt → Hai màu hòa quyện tạo nên sự sống động, đẹp đẽ vô cùng.
– “trắng điểm”: Đảo ngược từ để nhấn mạnh màu sắc nổi bật
– “Cành lê”: Chủ thể được đảo lên đầu để nhấn mạnh hình ảnh đặc sắc.
→ Nghệ thuật chấm phá, dùng điểm tả diện → Vẽ lên khung cảnh xuân thanh mát, tinh khiết.
c. Bức tranh lễ hội trong dịp tết Thanh minh:
– Tám câu tiếp là hình ảnh của con người trong dịp lễ Thanh minh
– Người xe nườm nượp, tất cả đều nô nức, vui tươi trong không khí của mùa xuân.
d. Bức tranh chiều tà khi chị em Kiều ra về:
– Sau khi kết thúc lễ hội, chị em Kiều ra về.
– Phong cảnh hai bên bờ đều rất đẹp với dòng suối nhỏ, cây cầu cùng với màu xanh nhẹ nhàng của phong cảnh.
– Nguyễn Du sử dụng một loạt từ láy “thanh thanh, nao nao, nho nhỏ, thơ thẩn”: gợi tả không gian xung quanh nhưng cũng gợi lên tâm trạng con người.
– “Thanh thanh”: Sự trầm lắng, suy tư, thanh thoát, “nao nao”: con nước quanh co hay cũng là sự bồn chồn, lo lắng, không yên.
→ Cảnh vật và con người đang giao hòa, gợi lên một chút bâng khuâng, lưu luyến cùng một dự cảm chẳng lành.
e. Nghệ thuật
– Bút pháp tài hoa của Nguyễn Du đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời.
– Cấu tứ của đoạn trích hợp lý với ba phần: mở, diễn biến và kết.
– Các nghệ thuật được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn: tả cảnh ngụ tình, chấm phá, …
3. Kết Bài
– Cảm nghĩ về bức tranh mùa xuân tươi đẹp của đoạn trích.
Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du- Mẫu 1
Cõi âm và cõi dương, người đang sống và người đã khuất, hiện tại và quá khứ đã đồng hiện trên những gò đống ngổn ngang trong lễ tảo mộ. Các tài tử, giai nhân không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao ao ước về một tương lai hạnh phúc khi mùa xuân về.
Sau khi miêu tả khung cảnh mùa xuân bằng những nét chấm phá thì Nguyễn Du dựng nên khung cảnh ngày lễ hội trong tiết Thanh minh:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Ở đó có hai hoạt động chính là tảo mộ và đạp thanh. Điệp ngữ lễ là… hội là… gợi lên những cảnh hội dân gian cứ liên tiếp diễn ra đã bao đời nay.
Cảnh trẩy hội đông vui, nhộn nhịp, tưng bừng, náo nhiệt được nhà thơ miêu tả rất tinh tế:
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Từ ghép là danh từ như yến anh, tài tử, giai nhân cho thấy sự đông đủ vui vẻ rất nhiều người du hội.
Từ ghép là động từ như sắm sửa, dập dìu gợi tả sự náo nhiệt rộn ràng của ngày lễ hội. Trong đám tài tử, giai nhân gần xa ấy, có ba chị em Thúy Kiều. Câu thơ chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân mới đọc qua tưởng như chỉ là một thông báo nhưng sâu xa hơn, đó là sự chờ mong, trông đợi đến ngày để du xuân trong những bộ quần áo đẹp đã chuẩn bị, đã sắm sửa.
Từ ghép là tính từ như gần xa nô nức thể hiện rõ hơn tâm trạng mọi người đi hội. Nô nức, yến anh là lối ẩn dụ cho thấy người dự hội lũ lượt như chim én, chim oanh từng đàn bay liệng ríu ran.
-> Chỉ bằng mấy câu thơ mà Nguyễn Du đã làm sống lại cái không khí lễ hội mùa xuân vốn là một nét đẹp của nền văn hóa dân gian lâu đời của phương Đông.
Trong tiết Thanh minh, người ta rắc những thoi vàng vó, đốt tiền giấy hàng mã để tưởng nhớ những người thân đã khuất:
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
Cõi âm và cõi dương, người đang sống và người đã khuất, hiện tại và quá khứ đã đồng hiện trên những gò đống ngổn ngang trong lễ tảo mộ. Các tài tử, giai nhân không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao ao ước về một tương lai hạnh phúc khi mùa xuân về.
Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du- Mẫu 2
Nếu như trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, người đọc thấy được tài năng nghệ thuật tả người của Nguyễn Du trong việc khắc họa bức chân dung duyên dáng, sắc tài toàn vẹn của hai chị em Vân – Kiều thì đến với đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, người đọc một lần nữa lại thấy được nghệ thuật tả cảnh, tả tình độc đáo của Nguyễn Du trong bức tranh mùa xuân thấm đượm tâm hồn con người.
Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” nằm ngay sau đoạn tả tài, tả sắc của chị em Thúy Kiều. Qua đoạn thơ, Nguyễn Du dựng lên bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân trong tiết Thanh minh thật tươi sáng, sống động. Đây là đoạn thơ tiền đề, dẵn dắt hoàn cảnh để rồi trong cuộc du xuân của Kiều, Kim – Kiều đã gặp nhau rồi tự do đính ước…
Trước hết, bốn câu thơ mở đầu, với nghệ thuật chấm phá độc đáo tả ít gợi nhiều, Nguyễn Du đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, giàu sức xuân:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Hai câu thơ đầu vừa có sức gợi về thời gian, lại vừa có sức gợi về không gian. Ngày xuân thấm thoát trôi qua thật nhanh như thoi đưa. Cả mùa xuân có chín mươi ngày thì nay đã qua tháng giêng, tháng hai và bước sang tháng thứ ba. Ánh sáng của ngày xuân nhẹ nhàng, trong veo, lan tỏa, trải dài khắp muôn nơi. Trên nền trời cao là những đàn chim én mùa xuân đang chao nghiêng bay lượn. Dưới mặt đất là một thềm cỏ xanh non bất tận chạy ra xa tít tắp. Động từ “tận” làm cho không gian mùa xuân như đang giãn nở, ngày càng mở rộng ra biên độ và bao trùm cả không gian xuân là một màu xanh biếc của cỏ lá. Trên nền cỏ xanh tươi ấy là những bông hoa lê điểm vài sắc trắng gợi lên sự tinh khôi, mới mẻ. Biện pháp đảo ngữ có tác dụng tô đậm thêm và làm nổi bật hơn sức trắng của hoa lê trên nền cỏ mùa xuân. Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn nhưng dưới ngòi bút và cách miêu tả thần tình, Nguyễn Du đã tạo nên một bức tranh xuân tinh khôi, trong trẻo, thanh khiết và giàu sức sống, mang đậm hơi thở của hồn xuân đất Việt.
Tám câu thơ tiếp theo, là khung cảnh lễ – hội trong tiết thanh minh mùa xuân. Ở hai câu thơ đầu, tác giả đã giới thiệu khái quát về hai hoạt động chính của mùa xuân: Lễ tảo mộ và hội đạp thanh trong tiết tháng ba mùa xuân.
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Lễ tảo mộ là một nét đẹp văn hóa, biểu trưng cho đạo lí biết ơn, tri ân tiên tổ bằng việc sửa sang phần mộ của gia đình người thân đã khuất. Sau khi lễ hội tảo mộ diễn ra xong thì đây cũng là cơ hội cho những trai tài gái sắc được gặp gỡ, hẹn hò, giao duyên trong lễ hội đạp thanh. Không khí tưng bừng, nhộn nhịp và tấp nập trong những ngày lễ hội mùa xuân đã được Nguyễn Du miêu tả qua hệ thống những từ ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm:
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Từ ghép (gần xa, yến anh, chị em, ngựa xe, áo quần) kết hợp với các từ láy (nô nức, dập dìu, sắm sửa) có tác dụng gợi nên không khí hội xuân hết sức đông vui, rộn ràng. Hình ảnh ẩn dụ: “nô nức yến anh” gợi lên hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi du xuân như chim én, chim oanh xôn xao, náo nức, tình tứ. Hình ảnh so sánh: “Ngựa xe như nước; áo quần như nêm” miêu tả những đoàn người trong hội xuân rất nhộn nhịp; từng đoàn, từng đoàn người chen vai ních cánh đi trẩy hội, đông vui, rộn ràng
Tóm lại: Bằng việc sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, kết hợp với hệ thống những từ ngữ giàu tính chất tạo hình và biểu cảm, nhà thơ đã gợi lên một không khí mùa xuân vừa đông vui, tấp nập; lại vừa tình tự và duyên dáng khi có sự góp mặt của các nam thanh nữ tú, trai tài, gái sắc.
Trong ngày hội xuân ấy không chỉ có niềm vui mà còn có những khoảng lặng của lễ tảo mộ trong hai câu thơ:
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay
Nếu Hội đạp thanh hiện lên với không khí hết sức tươi vui, rộn rã, náo nức thì Lễ tảo mộ lại gợi một chút đượm buồn và hướng tới đạo lí tốt đẹp ở đời qua hành động rắc thoi vàng và đốt vàng mã cho người đã khuất. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lối sông ân nghĩa, thủy chung tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
Qua tám câu thơ, tác giả đã khắc họa thành công truyền thống văn hóa lễ hội mùa xuân của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là một dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả: mượn ngày hội lớn làm bối cảnh, tiền đề để miêu tả cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.
Đến sáu câu thơ cuối, bằng nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”, Nguyễn Du đã miêu tả thời điểm kết thúc của ngày hội xuân thấm đượm hồn người một chút buồn xao xuyến. Đó là khung cảnh chị em Kiều du xuân trở về:
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Cảnh vẫn mang cái dịu nhẹ, êm đềm của ngày xuân nhưng bóng dương đã “tà tà ngả về tây”. Khung cảnh náo nức, tưng bừng của ngày hội xuân cũng đã kết thúc. Trong lòng người xen lẫn những xúc cảm bâng khuâng xao xuyến. Cảnh vật không gian đã được co gọn lại trong bước chân của người ra về, của dòng nước tiểu khê và chiếc cầu nho nhỏ. Những từ láy: “nao nao, tà tà, thơ thẩn, thanh thanh” không chỉ có tác dụng miêu tả trạng thái của cảnh vật mà còn biểu lộ tâm trạng của con người: lưu luyến, bịn rịn, bâng khuâng hoàn toàn đối lập với không khí với ngày lễ hội mùa xuân vào buổi sáng sớm. Đồng thời gieo vào lòng người đọc những linh cảm về một điều sắp sửa xảy ra, như là sự dự báo trước cuộc gặp gỡ nấm mồ Đạm Tiên và sự gặp gỡ của hai con người trai tài gái sắc: Thúy Kiều – Kim Trọng. Tóm lại, với bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp với việc sử dụng hệ thống những từ láy, hình ảnh giàu tính tạo hình và biểu cảm, tác giả đã khắc họa bức tranh chiều tà trong ngày hội xuân thấm đượm tâm trạng của con người nhân vật. Qua đó cho thấy được tài năng miêu tả tâm trạng con người của Nguyễn Du.
Nếu như trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả chỉ có đúng một câu dẫn dắt “một hôm nhằm vào tiết Thanh minh…” để rồi sau đó kể về cuộc gặp gỡ nấm mồ Đạm Tiên và Kim Trọng nhưng Nguyễn Du đã dựa vào đó vẽ lên một bức tranh xuân thắm bằng thơ, với vẻ đẹp riêng, mang đậm cảnh xuân đất trời nước Việt. Như vậy, qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, chúng ta thấy được tài năng nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” hết sức độc đáo của Đại thi hào Nguyễn Du. Dưới ngòi bút sáng tạo thần tình,cùng những dung cảm nghệ thuật độc đáo về mùa xuân, Nguyễn Du đã phác họa thành công một bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng và sống động, thấm đượm lòng người.
Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du- Mẫu 3
Không chỉ là một nhà văn tài ba trong nghệ thuật tả người, Nguyễn Du còn tỏ ra là người vô cùng xuất sắc trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên. Bức tranh nào dưới ngòi bút của ông cũng trở nên có thần, có hồn gửi gắm bao cảm xúc của nhân vật. Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên như vậy, bức tranh ấy không chỉ đẹp, hài hòa về màu sắc mà còn thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của chị em Thúy Kiều.
Câu thơ mở đầu là khung cảnh mùa xuân tuyệt mĩ:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Những cánh én trao nghiêng, bay lượn trên bầu trời tựa như những cái thoi đưa, Nguyễn Du đã lựa chọn hình ảnh thật tiêu biểu, thật đặc sắc. Lúc này, mùa xuân đã ở cuối tháng ba, vào thời điểm viên mãn, tròn đầy, đẹp đẽ nhất. Đó là không gian tràn ngập ánh sáng, rực rỡ, huy hoàng. Nhưng ẩn đằng sau niềm vui sướng còn cho thấy sự nuối tiếc của chị em Thúy Kiều vì cảnh xuân, ngày xuân, sắc xuân đã trôi qua quá nhanh. Hai câu thơ không chỉ đơn thuần thông báo thời gian mùa xuân đã “ngoài sáu mười” mà còn cho thấy một mùa xuân ấm áp, ngọt ngào. Trước vẻ đẹp đó không khỏi làm lòng người xao xuyến, vui tươi và cũng có chút nuối tiếc, ngậm ngùi về sự chảy trôi của thời gian.
Hai câu thơ tiếp theo, bằng vài nét bút chấm phá, Nguyễn Du đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân tuyệt tác:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Bức tranh tràn ngập màu xanh tươi non, mỡ màng của cỏ, màu xanh ấy ngập đầy khắp không gian, kéo dài đến tận chân trời, cho thấy sức sống mạnh mẽ, căng tràn của mùa xuân. Như để làm nổi bật bức tranh mùa xuân Nguyễn Du “điểm” một vài bông hoa lê vào bức tranh ấy. Hoa lê trắng tinh khôi, dù tác giả không miêu tả mùi hương, nhưng có lẽ người đọc cũng có thể tưởng tượng được hương thơm thanh nhã, dịu dàng, tinh khiết như chính màu sắc của loài hoa đó. Thành công của Nguyễn Du ấy là khiến cho bức tranh trở nên sống động, như đang cựa quậy tràn đầy nhựa sống khi sử dụng động từ “điểm”, khiến bức tranh không tĩnh như trong thơ cổ Trung Quốc “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa” mà sinh động, tràn đầy sức sống. Bức tranh đẹp đẽ là sự hòa quyện tinh tế của hai sắc xanh và trắng, khiến cho không gian vừa mang nét tươi tốt, tròn đầy lại vừa mang sự trong trẻo, tinh khiết.
Trong khung cảnh mùa xuân đẹp đẽ là hình ảnh đoàn người nối nhau đi chảy hội: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Tác giả sử dụng tiểu đối cùng với nghệ thuật tách từ “lễ” và “hội” làm hai vế giúp tác giả diễn tả hai hoạt động diễn ra trong hội xuân: lễ tảo mộ và hội đạp thanh. Câu thơ cho thấy nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc ta tưởng nhớ về công ơn của những người đã mất. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân ta “Uống nước nhớ nguồn”, lối sống ân tình, trân trọng và biết ơn ông cha, tổ tiên: “Ngổn ngang gò đống kéo lên/ Thoi vào vó rắc, tro tiền giấy bay”. Không chỉ vậy câu thơ còn khái lược về nét văn hóa khác của dân tộc ta đó là du xuân đầu năm. Đây là dịp để những nam thanh nữ tú gặp gỡ nhau, cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân. Không khí lễ hội diễn ra vô cùng náo nức, tươi vui. Tác giả sử dụng liên tiếp các từ hai âm tiết: gần xa, yến anh, chị em,… cùng với các từ láy : nô nức, dập dìu,.. đã cho thấy tâm trạng náo nức, vui vẻ của lòng người trong lễ hội mùa xuân. Để tăng thêm không khí nhộn nhịp đó, Nguyễn Du còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ “nô nức yến anh”, một mặt gợi hình ảnh đoàn người nhộn nhịp đi du xuân, mặt khác gợi lên những tiếng xôn xao, những cuộc trò chuyện, gặp gỡ, làm quen của những đôi uyên ương trong lần đầu gặp gỡ. Không chỉ rộn ràng mà không gian còn vô cùng đông đúc: “Ngựa xe như nước, áo quân như nêm”. Qua tám câu thơ tiếp, thi nhân không chỉ khắc họa thành công nét đẹp văn hóa của dân tộc ta mà đằng sau đó còn là không gian tạo nên cuộc gặp gỡ định mệnh giữa nàng Kiều tuyệt sắc giai nhân và chàng Kim nho nhã, phong lưu.
Trời dần về chiều, lễ và hội cũng đã dần vơi dần, bớt dần, chị em Thúy Kiều thơ thẩn ra về, không gian có gì đó hiu quạnh, gợi nên nỗi buồn man mác trong lòng người đi hội, đặc biệt là trong lòng cô Kiều đa sầu đa cảm:
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Những hình ảnh “tiểu khê” “nho nhỏ” thể hiện một không gian bé nhỏ, đi vào chiều sâu, dường như mọi sự vật đều nhỏ dần, nhạt dần, phảng phất nỗi buồn, nỗi tiếc nuối vào khoảnh khắc ngày tàn. Trong đoạn thơ tác giả sử dụng ba từ láy “thanh thanh” “nao nao” “nho nhỏ” vừa giàu giá trị tạo hình vừa giàu giá trị biểu cảm. Đặc biệt từ “nao nao” không chỉ gợi tả về dòng nước đang chảy mà còn thể hiện tâm trạng xao xuyến, bồi hồi, đầy tâm tình của nhân vật. Tất cả những từ láy này khiến cho khung cảnh nhuốm đầy màu sắc tâm trạng. Đó là cảm giác bâng khuâng, xao xuyến, nuối tiếc và một nỗi buồn nhẹ nhàng. Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du không chỉ miêu tả bức tranh mùa xuân mà còn thể hiện được tâm hồn nhạy cảm, trong sáng của những người thiếu nữ.
Để tạo nên sự thành công cho bức tranh mùa xuân, Nguyễn Du đã vận dụng tài tình bút pháp tả cảnh ngụ tình: không chỉ cho thấy một mùa xuân đẹp đẽ, khung cảnh du xuân nhộn nhịp mà cho cho thấy những rung cảm tinh tế, sâu sắc của nhân vật. Ngôn ngữ thơ phong phú, đa dạng: sử dụng các từ láy, từ ghép giàu giá trị tạo hình và biểu cảm. Nhịp thơ biến đổi linh hoạt biểu hiện được cảm xúc của nhân vật.
Trích đoạn Cảnh ngày xuân đã cho ta thấy ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du. Bằng những nét chấm phá có hồn đã dựng lên trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân rực rỡ, vui tươi. Và qua đó cũng cho thấy tầm hồn nhạy cảm, tinh tế của những con người trẻ tuổi mà ở đây là Thúy Kiều.
Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du- Mẫu 4
Truyện Kiều là khúc “đoạn trường tân thanh” về cuộc đời oan khổ của nàng Kiều. Những dòng thơ như có “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy” (Mộng Liên Đường chủ nhân) ấy đã làm rung động triệu triệu con tim suốt mấy thế kỉ qua. Nhưng đời Kiều không phải không có những ngày vui, và Truyện Kiều không phải không có những trang tươi sáng. Đó là những ngày còn trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”, bình yên bên cha mẹ, các em. Kiều cũng như bao người, được tham gia những ngày hội vui. Cảnh ngày xuân với không khí lễ hội là một trong những trang vui hiếm hoi của Truyện Kiều, đã thể hiện tài năng độc đáo của Nguyễn Du :
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
Mở đầu cho không khí lễ hội nhộn nhịp là bức tranh ngày xuân sáng tươi :
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xa tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh xuân tràn đầy sức sống : màu trắng tinh khôi thanh khiết tô điểm cho màu xanh hài hoà, mang đến một không khí xuân ngập tràn, chan chứa hi vọng. Lòng người dâng bao cảm xúc bâng khuâng, trước vẻ đẹp trong trẻo của bức tranh xuân. Điầu đó được thể hiện rõ nét hơn trong khung cảnh lễ hội :
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Hai câu thơ mang tính khái quát, như một lời giới thiệu về lễ hội – từ đó cho ta thấy được điểm nhìn khoáng đạt của tác giả. Tết Thanh minh là tiết vào đầu tháng ba, khí trời mát mẻ, trong trẻo, mọi người đi tảo mộ, tức là đi viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân. Đó còn là dịp để mọi người du xuân, tận hưởng không khí trong lành, thanh sơ của những ngày tháng ba.
Không khí ngày hội vui tươi náo nửc, được diễn tả trong nhịp thơ nhanh :
Gần xu nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tàị tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Con người, cảnh vật như cùng hoà nhịp trong không khí rộn ràng ngày xuân. Nó tương hợp với cảnh sắc tràn đầy sức sống ở bốn câu thơ đầu. Một loạt những từ ngữ đặc tả không khí nhộn nhịp được Nguyễn Du đưa vào trong mấy câu thơ ngắn : “gần xa”, “nô nức”, “dập dìu”, càng làm nổi bật màu sắc tươi vui của lễ hội. Trước mắt ta như hiện lên một bức tranh náo nhiệt: người người, tài tử giai nhân dập dìu, sánh vai nhau đi chơi xuân. Hai hình ảnh so sánh : “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” đủ để khắc hoạ khung cảnh nhộn nhịp, đồng vui của ngày hội.
Những câu thơ làm hiện lên cả màu sắc, âm thanh, không khí, tâm trạng. “Gần xa” là khắc hoạ không gian ; “nô nức” là diễn tả tâm trạng của người dự hội; “như nước”, “như nêm” cho thấy không khí ngày hội. Đó là cái tài của một ngòi bút miêu tả bậc thầy. Nguyễn Du chỉ bằng vài nét khắc hoạ đã làm sống động cả một không khí rộn ràng ngày xuân. Cảnh đẹp đẽ, tươi vui hay chính là tâm trạng phơi phới của người trong cảnh. Được miêu tả từ điểm nhìn của chị em Thuý Kiều nên ta có thể nhận ra trong đó tâm hồn trẻ trung của những cô gái “xấp xỉ tới tuần cập kê”. Chính sức trẻ của những giai nhân ấy đã thổi hồn vào cảnh vật.
Sự nhộn nhịp của hội được tô điểm bởi phần lễ :
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vố rắc tro tiền giấy bay.
Với hai câu thơ, đại thi hào dân tộc đã làm sống lại những nét văn hoá xưa qua tục lệ đốt vàng mã. Nhưng ở đây, lễ không phải là trọng tâm của cảnh. Vì vậy,nhữna “thoi vàng”, “tiền giấy” dường như chi là nghi thức góp phần làm cho không khí ngày xuân thêm phần trang trọng, tôn nghiêm.
Chỉ với tám câu thơ nhưng Nguyễn Du đã dựng nên trước mắt người đọc một bức tranh ngày hội đẹp đẽ, tươi sáng, tràn đầy sức sống. Những từ láy lồng trong những vế tiểu đối một cách nhịp nhàng tạo cho bức tranh một sự hài hoà nhưng vẫn không thiếu những điểm nhấn ấn tượng.
Những câu thơ về ngày hội xuân không phải là những trang đặc sắc nhất của Truyện Kiểu nhưng là một trong những giai điệu vui tươi hiếm hoi trong khúc “đoạn trường tân thanh” não ruột. Nó cho ta thấy sức sống tâm hồn của Thuý Kiều và khẳng định tài năng miêu tả bậc thầy của Nguyễn Du. Nhớ đến Truyện Kiêu, độc giả không thể quên những vần thơ tươi sáng về khung cảnh lễ hội ngày xuân, tràn ngập sắc xuân, tình xuân trong tiết thanh minh này.
Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du- Mẫu 5
Đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) thể hiện sâu sắc đỉnh cao bút pháp tả cảnh của thiên tài Nguyễn Du. Cái hay trong bút pháp tả cảnh của Nguyễn Du đó là ông không tả mà chỉ gợi. Nghệ thuật ấy được minh chứng rõ ràng trong khung cảnh lễ hội khi chị em Thúy Kiều rời gót du xuân.
Sau bức tranh mùa xuân tươi thắm, Nguyễn Du hướng ngòi bút vào miêu tả khung cảnh lễ hội nô nức phố phường:
Thanh minh, trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay
Nguyễn Du đã rất tài tình khi tách hai từ lễ hội ra làm đôi để gợi tả hai hoạt động diễn ra cùng một lúc: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Không khí lễ hội được gợi tả từ một hệ thống từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm:
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay
Đoạn thơ sử dụng nhiều tính từ (nô nức, gần xa, ngổn ngang) làm rõ hơn tâm trạng người đi hội. Nhiều danh từ ghép (yến anh, tài tử, giai nhân, chị em, ngựa xe, áo quần) gợi tả sự đông vui tấp nập. Và nhiều động từ (sắm sửa, dập dìu) gợi được sự rộn ràng, đông vui của ngày hội xuân.
Thông qua buổi du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa hình ảnh một truyền thống văn hóa lễ hội xa xưa. Cụm từ “nô nức yến anh” là một ẩn dụ gợi lên hình ảnh từng đoàn nam thanh, nữ tú nô nức đi chơi xuân như những đàn chim én, chim oanh bay ríu rít. Trong lễ hội mùa xuân náo nhiệt nổi bật những nam thanh, nữ tú, những “tài tử gia nhân” tay trong tay dạo chơi. Niềm vui lễ hội như bao trùm cả nhân gian. Những so sánh rất giản dị “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” gợi tả sự đông vui, tấp nập của phố phường.
“Lễ là tảo mộ” – lễ thăm viếng, sửa sang, quét tước phần mộ người thân; đốt vàng vó, sắc tiền để tưởng nhớ những người đã khuất. “Hội là đạp thanh” – vui chơi chốn đồng quê, đạp lên những thảm cỏ xanh, là một cuộc sống hiện tại và có thể tìm đến những sợi tơ hồng của mai sau. “Lễ” là hồi ức và tưởng niệm quá khứ theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “hội” là khát khao và hoài vọng nhìn về phía trước của cuộc đời. Lễ và hội trong tiết Thanh minh là một sự giao hòa, độc đáo. Chứng tỏ nhà thơ rất yêu quý, trân trọng vẻ đẹp và giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.
Khép lại một bức tranh cảnh lễ hội nhộn nhịp, Nguyễn Du trả nó về với cái nhìn của tâm trạng. Mùa xuân rừng rực sức sống nhưng sao có phần buồn bã trong “thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”. Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh kết thúc lại trong sắc thái có chút u buồn chứ không còn rộn rã như buổi ban mai. Có phải rằng, qua hình ảnh ấy, ông ngầm dự báo về những trắc trở, tai ương sẽ xảy với con người ra sau những cuộc vui như thế này chăng?
Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du- Mẫu 6
Ông bà Vương viên ngoại có ba người con là Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan. Hai cô con gái đã đến tuổi cài trâm. Dáng vẻ yểu điệu như liễu, như mai, tâm hồn trong trắng như băng, như tuyết. Thúy Vân đẹp đoan trang, phúc hậu, nguyệt thẹn, hoa nhường. Thúy Kiều đẹp sắc sảo, mặn mà, nghiêng thành, nghiêng nước. Vương Quan khôi ngô tuấn tú, đang theo học chữ nghĩa thánh hiền. Ngày xuân, trong tiết Thanh minh, ba chị em Thúy Kiều rủ nhau cùng dạo chơi xuân.
Vừa mới Tết Nguyên Đán hôm nào mà giờ đây đã là đầu tháng ba. Bầu trời trong xanh, những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Chim én vẫn rộn ràng bay liệng giữa không trung bao la. Khí trời mùa xuân mát mẻ khiến cho hoa lá tốt tươi. Màu cỏ non xanh mướt kéo dài đến tận chân trời. Trên cành lê, điểm mấy bông hoa trắng rung rinh trước gió. Cảnh đẹp như giục giã bước chân chị em Thúy Kiều. Theo phong tục có từ lâu đời, trong tiết Thanh minh, nhà nhà lo chuẩn bị cho lễ tảo mộ để bày tỏ lòng thương tiếc và biết ơn đối với người đã khuất. Đây cũng là dịp thiên hạ du xuân, thưởng lãm vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên.
Ba chị em Thúy Kiều vui vẻ hòa vào dòng người trẩy hội. Từ khắp chốn, tài tử, giai nhân nườm nượp kéo về. Khung cảnh rộn ràng, tấp nập, ngựa xe như nước chảy, người người chen vai sát cánh. Từng tốp kéo lên gò cao, xúm quanh những ngôi mộ của người thân, sửa sang cho sạch sẽ, đắp thêm đất, trồng thêm hoa, đốt vàng thoi, bạc giấy và thắp hương khấn vái… Khói thơm nghi ngút tỏa rộng một vùng. Sự giao hòa giữa người đã khuất và người còn sống diễn ra trong không khí thiêng liêng, xúc động.
Chẳng mấy chốc, trời đã ngả về chiều. Mặt trời đang lặn dần sau dãy núi phía tây. Một màn sương bảng lảng dâng lên trong hoàng hôn. Thúy Kiều thấy lòng chợt se buồn. Nàng giục Thúy Vân và Vương Quan ra về. Ba chị em thơ thẩn bước theo con suối nước chảy trong veo, nhìn rõ cả những hòn cuội trắng tinh và đàn cá lượn lờ dưới đáy. Một chiếc cầu gỗ nhỏ xinh, dáng cong cong thanh tú bắc ngang cuối ghềnh, làm cho khung cảnh càng thêm thơ mộng.
Lần đầu tiên, ba chị em nhà họ Vương đi chơi xuân. Trong tâm hồn mỗi người, cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vương Quan cất tiêng giục Thúy Kiều, Thúy Vân rảo bước bởi đường về nhà vẫn còn xa lắm!
Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du- Mẫu 7
Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820, ông là một thiên tài văn học một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc. Ông mang tầm vóc của một đại thi hào trên cả hai phương diện văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm với nhiều tác phẩm xuất sắc mà tiêu biểu chính là “Truyện Kiều”. Trong đó đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên về lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng được gợi lên qua từ ngữ và bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của ông. Ở đó hiện lên khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh thật tươi đẹp:
“Thanh minh trong tiết tháng ba
…..Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”
Nếu như trong những đoạn thơ trước đã thấy bức họa mùa xuân hiện ra thật đẹp với không gian và thời gian nghệ thuật thì đến đây lại là một bức vẽ về lễ hội thanh minh. Và bức tranh ấy càng hoàn thiện hơn với vẻ đẹp của tiết thanh minh:
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”
Qua ngòi bút của Nguyễn Du cảnh lễ hội tưng bừng và để náo nhiệt rộn ràng mà đông vui đang dần được tái hiện. Đó là bức tranh lễ hội trong tiết thanh minh thường diễn ra vào tháng ba hàng năm. Tác giả đã vận dụng biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc ” lễ là…. hội là” như diễn tả quy luật vẫn lặp đi lặp lại trở thành một truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, đó là lễ Tết thanh minh. Không chỉ dừng lại ở đó tác giả còn vận dụng một loại những từ ghép từ láy “nô nức, sắm sửa tài tử,…” cùng các hình ảnh so sánh ẩn dụ đầy ấn tượng ” như nước, như nêm, yến anh” phác họa một lễ hội vừa có cái đông tấp nập, lại vừa có sự vui vẻ náo nhiệt tưng bừng. Tác giả viết “nô nức yến anh” là một hình ảnh ẩn dụ gợi ra hình ảnh của những thanh niên nữ tú đang rộn ràng đi chơi xuân. Việc vận dụng một loạt các biện pháp tu từ đặc sắc, Nguyễn Du đã vẽ lên bức tranh toàn cảnh về dòng người và vạn vật: Trên khắp các nẻo đường dòng người khi đi trẩy hội cuồn cuộn. Trong lễ hội ấy ta bắt gặp sự xuất hiện của chị em Thúy Kiều cũng đang hòa mình vào dòng người ấy:
“Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”
“Chị em” ở đây là gợi nhắc đến chị em Thúy Kiều. Họ đang xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất đi trẩy hội. Nhìn họ xinh đẹp sang trọng và phong lưu biết bao nhiêu!
Thông qua buổi du xuân Nguyễn Du còn tạc vào lòng người chính là nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp Tết Thanh minh:
“Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”
Thế giới phong tục trong tiết Thanh minh dần được mở ra cùng những thủ tục truyền thống. Trước mắt bạn đọc đọc là hình ảnh của những gò đống ngổn ngang. Trong dịp Tết thanh minh, này mọi người không chỉ cầu nguyện cho vong linh người đã mất mà còn gửi gắm niềm tin của mình vào một tương lai hạnh phúc mỗi độ xuân về. Phải chăng Nguyễn Du rất am hiểu về đời sống tâm linh cũng như phong tục của dân gian thì ông mới có thể viết lên những lời hay ý đẹp mà cũng rất chân thực như vậy về Tết thanh minh – ngày lễ đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt ngàn đời nay.
Khéo léo trong việc vận dụng các biện pháp nghệ thuật liên tiếp: so sánh, ẩn dụ, điệp cấu trúc cùng cách viết những từ láy từ ghép Nguyễn Du đã gợi mở ra trước mắt ta khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh: trong sáng, tấp nập, đông vui và náo nhiệt. Có thể nói lễ hội trong tiết thanh minh là sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Từ đó càng cho ta hiểu rõ hơn về tình cảm yêu quý và trân trọng của Nguyễn Du đối với vẻ đẹp và giá trị truyền thống của dân tộc.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Phân tích Quang cảnh hội xuân trong đoạn thơ Cảnh ngày xuân- trích Truyện Kiều của Nguyễn Du” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!