Updated at: 29-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Qua nhân vật này, em có suy nghĩ gì về thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước?” chuẩn nhất 12/2024.

Dàn ý 1:

I. Mở bài

Giới thiệu truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê nhà văn nữ chuyên viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ nơi tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mĩ

– Phương Định là hình tượng tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ

II. Thân bài

1. Nêu khái quát chung

– Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Những ngôi sao xa xôi sáng tác vào những năm 1970 trong thời kì kháng chiến chống Mỹ vô cùng gian khổ, ác liệt

– Truyện viết về cuộc sống, chiến đấu của ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn

– Nêu rõ thực tế, thanh niên iền Bắc lúc bấy giờ khí thế sôi nổi vì miền Nam “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

– Phương Định là nhân vật chính xưng tôi kể chuyện, cô cũng là người có nét đẹp tiêu biểu của thế hệ trẻ anh hùng nhưng cũng mang những nét đẹp riêng của con người đời thường

2. Phân tích nhân vật Phương Định

– Vẻ đẹp của Phương Định thể hiện qua lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước thiết tha (từ biệt gia đình, quê hương để vào chiến trường, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy)

– Phẩm chất của thế hệ trẻ trong thời kháng chiến chống Mỹ ngời sáng trong cô: dũng cảm, gan dạ, kiên cường

+ Cô vào chiến trường ba năm, sống ở cao điểm giữa vùng trọng tuyến trên tuyếnđường Trường Sơn

+ Công việc nguy hiểm: chạy trên cao điểm ban ngày, hết trận bom phải ra đo hố bom, đếm bom chưa nỏ và nếu cần thì phá bom

– Vẻ đẹp của tinh thần lạc quan thể hiện rõ qua cái nhìn của Phương Định về công việc, chiến tranh và cái chết

– Có tinh thần trách nhiệm với công việc: nhận nhiệm vụ phá bom nguy hiểm như một việc làm quen thuộc hàng ngày, hành động chuẩn xác, thuần thục

→ Sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn nhạy cảm yếu đuối của cô trở nên bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng

– Vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, mơ mộng

+ Phương Định nhạy cảm, mơ mộng, hay lãng mạn: có thời học sinh hồn nhiên vô tư, hay nhớ tới những kỉ niệm tuổi thơ, luôn tìm được điều thú vị trong cuộc sống, công việc

+ Hồn nhiên, yêu đời: thích hát,say sưa tận hưởng cơn mưa đá một cách hồn nhiên

+ Giàu tình cảm: luôn nhớ về quê hương, yêu quý, gắn bó với đồng đội

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

– Nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn, ngôn ngữ, nghệ thuật miêu tả tâm lý và tính cách nhân vật sâu sắc

+ Ngôn ngữ trần thuật phù hợp, ngôn ngữ nhân vật trẻ trung, tự nhiên, giàu nữ tính

+ Thế giới tâm hồn phong phú, trong sáng

4. Suy nghĩ về thế hệ trẻ thời chống Mỹ

– Là thế hệ chịu nhiều đau thương, gian khổ, hy sinh

– Là thế hệ anh hùng sẵn sàng ra đi không tiếc thân mình

– Thế hệ trẻ trung: trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết, yêu cuộc đời

III. Kết bài

Tác giả xây dựng hình ảnh nhân vật Phương Định chân thực, sinh động, đẹp cả trong lý tưởng ý chí lẫn tình cảm, phẩm chất

Người đọc cùng lúc thấy được phẩm chất anh hùng và thế giới nội tâm phong phú của Phương Định

Là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ

Dàn ý 2:

Mở bài

– Sơ lược về nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.
– Sơ lược về tác giả Lê Minh Khuê.
– Giới thiệu tác phẩm Những ngôi sao xa xôi và nhân vật Phương Định.

2. Thân bài

a. Tổng quan về tác phẩm:

* Hoàn cảnh sáng tác:
– Được viết vào năm 1971, trong giai đoạn 4 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là một trong những giai đoạn kháng chiến ác liệt nhất ở chiến trường miền Nam.
– Tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quân đội ta, trở thành điểm đánh phá thường xuyên của quân Mỹ, buộc chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá.
=> Sự có mặt của các nữ thanh niên xung phong dò bom, phá bom, lấp đường như Phương Định, chị Thao và Nho là vô cùng cần thiết.

* Điểm chung và riêng so với các sáng tác cùng thời:
– Đều đều nói về hình ảnh những cô gái hồn nhiên, trẻ trung, yêu đời.
– Khác: Tập trung đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật, hơn là diễn tả những gì khốc liệt của chiến tranh. Tác giả nghiêng về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp nội tâm, đời sống của người anh hùng trong chiến đấu, lấy sự mất mát hy sinh trong chiến tranh để làm rõ hơn vẻ đẹp của họ.

b. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của Phương Định:
– Là lực lượng hậu cần nòng cốt, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề.
– Sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, còn công việc thì luôn là chạy trên cao điểm đếm bom, phá bom, lấp đất sau khi máy bay giặc càn quét qua, để giữ cho đoạn đường luôn ở tình trạng yên ổn.

c. Phương Định trong cuộc sống thường ngày:
– Ý thức rất rõ về vẻ đẹp và tính cách của bản thân.
– Phương Định là một cô gái khá, tính tình lạnh lùng, kiêu hãnh và mang vẻ duyên dáng của một cô gái Hà Nội.
– Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định còn được thể hiện qua những nỗi nhớ sâu thẳm của cô về quê hương, cô mơ mộng về một thời thiếu nữ xa xăm và tươi đẹp biết mấy.
=> Niềm khao khát mãnh liệt của cô với hòa bình, với độc lập, mong sao đất nước không còn bóng giặc để nàng có thể trở về thủ đô với mẹ, tiếp tục những mơ mộng còn dở dang.
– Phương Định là một cô gái yêu đời, yêu nghệ thuật, thích hát (Nêu dẫn chứng).
=> Cô gái yêu nước, hào hùng trong chiến đấu nhưng cũng rất đỗi truyền thống xen lẫn cái vẻ lãng mạn, ý nhị của một người con gái.

d. Phương Định trong chiến đấu:

– Đối mặt với cái nguy hiểm của trận địa bằng trách nhiệm và lòng tự hào của “tổ trinh sát mặt đường”, phong thái tự tin.
– Kiên cường và dũng cảm trong chiến đấu, coi việc phá bom, chạy trên cao điểm cũng là một cái “thú”.
– Trong chiến đấu cũng có những lúc Định thấy sợ hãi, từng nghĩ đến cái chết của mình nhưng cô nghĩ nhiều hơn đến việc bom không nổ thì phải làm thế nào để gài mìn thêm lần nữa.
– Dày dặn kinh nghiệm trong chiến đấu, ngày phải phá bom nhiều nhất đến 5 lần kéo dài suốt 3 năm nay. Điều ấy càng thể hiện sự gan dạ, tinh thần thép và vô cùng dũng cảm của cô gái trẻ.
– Là một người con cái tình cảm, khác hẳn cái vẻ ngoài lạnh lùng thường thấy. Cô hết lòng lo lắng cho đồng đội khi họ ra ngoài trinh sát => Tấm lòng yếu đuối của một cô gái lúc này mới có dịp được bộc lộ rõ nét.
– Cảnh Nho bị bom vùi, người ta lại thấy một Phương Định bình tĩnh lạ thường, sự tinh tế, chu đáo và tỉ mỉ khi chăm sóc cho đồng đội bị thương.

d. Thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

­- Qua tất cả những chi tiết về nhân vật Phương Định ta có thể thấy rằng cô chính là đại diện tiêu biểu nhất cho hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường chiến đấu vì độc lập tự do của cả dân tộc. Họ ra đi với niềm tin tất thắng, với tất cả sự kiên cường, dũng cảm và lòng yêu nước, yêu cách mạng mãnh liệt.
– Bên cạnh sự anh hùng trong chiến đấu thì ở họ cũng hiện lên những vẻ đẹp đáng quý của tâm hồn, ở họ có sự hiện diện của sự mơ mộng, trẻ trung, yêu đời, của nỗi nhớ quê hương và cả những khao khát về tình yêu, và hơn tất cả ấy là mơ ước tha thiết về một đất nước hòa bình, một cuộc sống ấm êm hạnh phúc.

3. Kết bài

– Cảm nhận cá nhân.

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Qua nhân vật này, em có suy nghĩ gì về thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước?- Mẫu 1

Thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào thơ ca đã có nhiều chân dung quen thuộc và đáng yêu, đáng cảm phục: những chiến sĩ lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, những cô gái mở đường trong “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mĩ Dạ,… Và Lê Minh Khuê – một nhà văn thuộc thế hệ những tác giả bắt đầu sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ – cũng đóng góp một chân dung như thế cho văn học nước nhà: cô gái Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Đó là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường.

Là một cô gái thanh niên xung phong có nhiệm vụ cùng đồng đội san lấp những hố bom trên tuyến đường Trường Sơn lửa đạn, ngày đêm đối mặt với đất bụi, khói bom nhưng Phương Định không hề mất đi vẻ trẻ trung, xinh đẹp của một cô gái mới lớn. Chị là người nhạy cảm và luôn quan tâm đến hình thức của mình. Chị tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các lái xe bảo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”, vẻ đẹp ấy của chị đã hấp dẫn bao chàng trai ”các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm tôi”.

Nhưng điều đặc biệt ở Phương Định là không bị ”cái nết đánh chết cái đẹp”; ngược lại, chị đã để sự dũng cảm, ngoan cường và vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, giàu tình thương tôn thêm vẻ đẹp cho mình.

Phương Định cùng những người bạn của mình sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Chị phải chạy trên cao điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Đó là công việc mạo hiểm với cái chết luôn gần kề tạo áp lực khiến thần kinh vô cùng căng thẳng. Thực hiện công việc đó, Phương Định và đồng đội phải vô cùng bình tĩnh và họ đã thực sự bình tĩnh, ung dung một cách lạ thường. Thậm chí, với họ, công việc ấy đã trở thành bình thường: ”Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang”.

Mặc dù đã quen với công việc nguy hiểm này, thậm chí một ngày có thể phải phá tới năm quả bom nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách tột độ với thần kinh của Phương Định. Từ khung cảnh và không khí chứa đầy căng thẳng đến cảm giác là các anh cao xạ ở trên kia cùng đang theo dõi từng động tác cử chỉ của mình để lòng dũng cảm ở cô như được kích thích bởi sự tự trọng: ’’Tôi đến gần quả bom… đàng hoàng mà bước tới”. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng… dấu hiệu chẳng lành”.

Sống giữa nơi sự sống và cái chết tranh giành nhau từng li một như thế nhưng Phương Định không để tâm hồn mình mòn đi. Chị rất giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội, quê hương và vô cùng lạc quan yêu đời.

Giống như hai người đồng đội trong tổ trinh sát, Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô yêu mến và cảm phục tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của những con đường vào mặt trận. Phương Định đã lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về. Chị yêu thương và gắn bó với bạn bè nên có những nhận xét tốt đẹp đầy thiện cảm về Nho, phát hiện ra vẻ đẹp dễ thương ”nhẹ, mát như một que kem trắng” của bạn. Chị còn hiểu và đồng cảm sâu sắc với những sở thích và tâm trạng của chị Thao.

Phương Định cũng là người con gái có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người mẹ thân thương trong một căn buồng nhỏ nằm trên một đường phố yên tĩnh hồi ở Hà Nội còn thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong cô giữa chiến trường dữ dội. Nó là niềm khao khát làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.

Vào chiến trường đã ba năm, làm quen với những thử thách hiểm nguy, giáp mặt hàng ngày với cái chết nhưng ở  Phương Định không mất đi sự hồn nhiên trong sáng và cả những mơ ước về tương lai: ’’Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có”.

“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã miêu tả chân thực và sinh động tâm lí nhân vật. Tác phẩm được kể từ ngôi thứ nhất tạo thuận lợi để tác giả miêu tả thế giới nội tâm qua việc để nhân vật tự sự về mình.

Phương Định là cô thanh niên xung phong trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn những ngày kháng chiến chống Mĩ. Qua nhân vật này, chúng ta hiếu hơn thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy.

Bước chân lên đường đánh Mĩ, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ, có những người vừa rời ghế nhà trường. Tâm hồn các anh, các chị trong trẻo, đầy ước mơ, khao khát và đặc biệt là giàu lí tưởng. Chính những kỉ niệm êm đẹp về gia đình như kỉ niệm về người mẹ trên căn gác nhỏ của Phương Định hay những những kỉ niệm về bàn bè, mái trường,… là hành trang để các anh, các chị mang vào trận chiến. Sống giữa nơi đầu tên mũi đạn họ chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ một cách ngoan cường, dũng cảm. Ai bảo không có những phút giây yếu lòng, lo lắng? Ai bảo tâm hồn họ là thép là đá? Không. Con tim họ cũng biết run lên khi tiếng súng phát nổ. Thần kinh họ cũng căng ra khi quan sát trái bom… Nhưng điều đáng quý và điều làm nên sự khác biệt ở họ là các anh các chị đã giữ được tâm hồn trong trẻo, giàu yêu thương đối với gia đình, đồng đội, đất nước. Và rồi, chính những tình cảm cao đẹp đó đã trở thành động lực để họ chiến thắng những phút giây hiểm nguy, nao núng. Các anh các chị thực sự là “… những con người Việt Nam đẹp nhất / Biết căm thù và cũng biết yêu thương” như nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi. Không tiếc tuổi thanh xuân, họ hiến dâng trọn vẹn cho Tố quốc những gì quý giá nhất:

”Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

      Đọc “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, người đọc thấy khâm phục và yêu mến Phương Định trước hết bởi những nét tính cách đáng quý của cô. Nhưng không chỉ vậy, qua nhân vật này chúng ta còn cảm nhận được hình ảnh, tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ hào hùng gian khó. Và đây cũng là thành công quan trọng nhất của tác phẩm giàu chất nhân văn này.

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Qua nhân vật này, em có suy nghĩ gì về thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước?- Mẫu 2

Trong văn đàn Việt Nam người ta ít thấy sự xuất hiện của các nhà văn nhà thơ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bởi thực tế rằng các nhà văn khi viết về đề tài này, để có được sức hút và lột tả được tính chân thực của chiến trường thì thường phải là người lính thực thụ bước ra ra từ trong khói lửa tiêu biểu như Quang Dũng, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trung Thành,… và rất nhiều các nhà văn trưởng thành từ kháng chiến khác nữa. Trong một rừng văn học kháng chiến như vậy, lại nổi lên một cây bút nữ, một nữ thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm với giọng văn mới lạ và hấp dẫn. Có thể nói Lê Minh Khuê đã tỏa ra một thứ ánh sáng đặc biệt đúng như cái tên của bà, ánh sáng của ngôi sao Khuê biểu tượng cho sự thông minh, trí tuệ và học vấn. Bà tham gia nghiệp sáng tác khi còn khá trẻ, khi mới khoảng 20 tuổi, với phong cách viết chắc tay, già dặn trong câu chữ những tưởng đó không phải là giọng văn của một thiếu nữ mà là tác phẩm của một con người đã thu thập cho mình nhiều trải nghiệm trong cuộc chiến. Những ngôi sao xa xôi, với nhân vật chính là Phương Định đã đưa tên tuổi Lê Minh Khuê vụt sáng giữa nền văn học kháng chiến giai đoạn chống Mỹ cứu nước đầy ác liệt. Điểm mới lạ của tác phẩm nằm ở chỗ tập trung thể hiện cuộc sống và chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong, dưới đôi mắt cảm nhận của người trong cuộc.

Những ngôi sao xa xôi được viết vào năm 1971, trong giai đoạn 4 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ trên đất Việt Nam, quân Mỹ chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Cuộc chiến lại càng trở nên ác liệt, Mỹ điên cuồng sau những lần thất bại liên tiếp nên càng trở nên nóng lòng muốn đánh nhanh rút gọn. Tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quân đội ta, trở thành điểm đánh phá thường xuyên của quân Mỹ, buộc chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá. Chính vì vậy sự có mặt của các nữ thanh niên xung phong dò bom, phá bom, lấp đường như Phương Định, chị Thao và Nho là vô cùng cần thiết. Điểm chung trong phong cách sáng tác về đề tài này của Lê Minh Khuê cùng với Phạm Tiến Duật, Thúy Bắc hay Nguyễn Minh Châu là đều nói về hình ảnh những cô gái hồn nhiên, trẻ trung, yêu đời. Thế nhưng Lê Minh Khuê có lẽ rằng là một phụ nữ nên ưa thích nhưng cái gì tinh tế, nên bà tập trung đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật, hơn là diễn tả những gì khốc liệt của chiến tranh. Tác giả nghiêng về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp nội tâm, đời sống của người anh hùng trong chiến đấu, lấy sự mất mát hy sinh trong chiến tranh để làm rõ hơn vẻ đẹp của họ.

Quay trở lại với tác phẩm, câu chuyện xây dựng xung quanh cuộc sống và chiến đấu của ba cô gái Phương Định, Nho và chị Thao dưới góc nhìn của nhân vật chính là Phương Định, một cô gái Hà Nội, lạnh lùng và xinh xắn. Họ là lực lượng hậu cần nòng cốt, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề, ranh giới sinh tử chỉ cách một bức màn mỏng manh. Họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, còn công việc thì luôn là chạy trên cao điểm đếm bom, phá bom, lấp đất sau khi máy bay giặc càn quét qua, để giữ cho đoạn đường luôn ở tình trạng yên ổn mỗi khi đoàn xe của bộ đội ta đị qua. Mới ban đầu, qua giọng kể của Phương Định thì có thể thấy rằng cô nàng là một cô gái có tính tếu táo ngầm, cô nói về sự ác liệt của chiến trường bằng một cái giọng rất dễ thương và phóng khoáng: “chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa”. Nhiêu đó thôi người ta cũng đủ để hiểu rằng, công việc của ba cô gái trẻ thật không đơn giản, họ có thể hi sinh vì bom nổ, vì bị máy bay địch phát hiện bất cứ lúc nào, và họ phải chuẩn bị tinh thần cho điều ấy. Thế nhưng vừa rời khỏi cái chiến trường trên cao điểm nóng đến hơn 30 độ, thoát khỏi cái cảnh “Thần kinh thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ” thì Phương Định lại lập tức quay về với thế giới mơ mộng, hồn nhiên của người thiếu nữ, dường như tất cả những thứ cô vừa trải qua đã bị cái mát lạnh tê tái trong hang xóa tan đi hết. Mà có lẽ là thế thật.

Lê Minh Khuê khắc họa nhân vật Phương Định rất rõ nét và ấn tượng, đó là một cô gái trẻ tuổi, xinh xắn, tóc dày và mềm, cần cổ cao kiêu hãnh như cành hoa loa kèn, còn đôi mắt thì có cái nhìn xa xăm mơ mộng. Dù không thể sánh được với vẻ đẹp mảnh dẻ, dịu dàng vô cùng lãng mạn của Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu) thế nhưng Phương Định cũng là một đóa hoa thơm giữa núi rừng Trường Sơn đầy khốc liệt này. Và Phương Định là một cô gái thông minh, nên nàng ý thức rất rõ những ưu điểm của bản thân, cô rất tự tin và khách quan khi tự đưa ra những đánh giá về bản thân cũng như nhìn nhận về tính cách của mình. Đặc biệt Định là cô gái rất biết yêu bản thân, yêu bằng cái cách nguyên thủy nhất, thích ngắm mình trong gương, ngắm mãi cái đôi mắt mà những anh lái xe thường xuýt xoa khen ngợi, cái đôi mắt “dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”. Rồi cô nàng có lẽ cũng biết rõ những bức thư những lời hỏi thăm của các anh bộ đội là ý gì, nhưng Phương Định cũng “không săn sóc, vồn vã”, và thường đứng ngoài những cuộc đối đáp tếu táo, những cuộc thảo luận sôi nổi. Đó là cái lòng kiêu hãnh của một cô gái khá, mặc dù đối với Phương Định “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Nhưng cô nàng vẫn điệu bộ xa cách như một cái cách giữ giá làm duyên của những cô gái trẻ tuổi, đặc biệt là cô gái gốc Hà Nội vốn nổi tiếng với sự trang nhã, tế nhị và duyên dáng trong tà áo dài nền nã. Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định còn được thể hiện qua những nỗi nhớ sâu thẳm của cô về quê hương, cơn mưa đá chóng qua đã đem đến cho Phương Định một nỗi tiếc nuối không tên, nhưng có lẽ đó là nỗi hụt hẫng khi niềm vui thích trôi đi quá nhanh. Định nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ từng cảnh vật yên bình nơi thủ đô, cô mơ mộng về một thời thiếu nữ xa xăm và tươi đẹp biết mấy, và cái khắc nghiệt cực khổ nơi chiến trường dường như đã được những kỷ niệm tươi đẹp làm dịu đi, tựa như cơn mưa đá vừa rồi. Cũng từ những nỗi nhớ, những mơ mộng xa xăm ấy của Phương Định người ta nhìn ra được niềm khao khát mãnh liệt của cô với hòa bình, với độc lập, mong sao đất nước không còn bóng giặc để nàng có thể trở về thủ đô với mẹ, tiếp tục những mơ mộng còn dở dang. Không chỉ đẹp ở những nỗi nhớ, những mơ mộng thiếu thời mà Phương Định còn hiện lên với hình ảnh một cô gái yêu đời, yêu nghệ thuật, thích hát và hát cũng rất hay, nàng “thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan hộ mềm mại, dịu dàng. Thích “ca chiu sa” của Hồng Quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. Đó là dân ca ý trữ tình, giàu có, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều”. Từ cái phong cách âm nhạc ấy cũng nhìn ra được Phương Định là cô gái yêu cách mạng, hào hùng trong chiến đấu nhưng cũng rất đỗi truyền thống xen lẫn cái vẻ lãng mạn, ý nhị của một người con gái.

Đó là trong cuộc sống thường ngày, còn trong chiến đấu Phương Định lại có những nét đẹp rất thú vị mang tính chất sử thi của một người anh hùng đích thực. Cái cách mà Phương Định kể về chiến trường như tôi đã đề cập có lẽ dùng hai chữ “phóng khoáng” là thích hợp nhất. Một cô gái đối mặt với cái nguy hiểm của trận địa bằng trách nhiệm và lòng tự hào của “tổ trinh sát mặt đường”, phong thái tự tin. Một vết thương ở đùi chưa lành miệng có lẽ rằng đối với một người con gái thì nó cũng khá ghê gớm, nhưng với Phương Định cô không cho là vậy và cũng chẳng thiết vào viện Quân y, bởi không đáng, làm người lính có thương tích là chuyện quá thường. Khi nói về công việc của mình Phương Định cũng rất tếu táo mà cho đó là một cái “thú”, thú vui hoặc thú vị giống mấy anh nhà văn khi nói về nghề của mình vậy. Và có lẽ cái “thú” của Phương Định là thích cảm giác mạnh, tận hưởng cái cảm giác căng thẳng chờ bom nổ, hồi hộp chạy trên cao điểm, để khi làm xong nhiệm vụ như một vị tướng đại công cáo thành chạy về hang báo cáo vậy. Nhưng như thế không có nghĩa là Định không sợ, khi lưỡi xẻng chạm vào quả bom “một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt”, Định giật mình và càng hối thúc mình phải làm cho nhanh, càng nhanh càng tốt, để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ, bởi càng kéo dài thì càng nguy hiểm. Đã làm 3 năm nay, Định đương nhiên cũng dày dặn kinh nghiệm, vỏ quả bom nóng, hay sự im lặng đến bất thường đều là những dấu hiệu chẳng lành, và phải cảnh giác cao độ. Định còn muốn sống để tiếp tục cống hiến và chiến đấu, chứ không thể chết khi còn quá trẻ, mặc dù từ lâu nay Định cũng từng nghĩ mình sẽ chết, một cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hoặc thay vì nghĩ đến cái chết Định nghĩ nhiều hơn đến việc bom có nổ không, làm thế nào để gài mìn lại một lần nữa, đó đều là những câu hỏi hóc búa với cô gái trẻ. Những điều ấy đều cho thấy Phương Định là một cô gái gan dạ, tinh thần thép và vô cùng dũng cảm, chẳng thế mà nàng nói “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần”, thế có nghĩa là 5 lần đối mặt với cái chết trong 24 giờ, thật khó mà tưởng tượng được. Bên cạnh việc anh dũng, kiên cường trong chiến đấu thì Phương Định còn là một người con cái tình cảm, khác hẳn cái vẻ ngoài lạnh lùng thường thấy. Cô hết lòng lo lắng cho đồng đội khi họ ra ngoài trinh sát, những lúc ấy lòng Định cũng chẳng khác gì so với lúc phá bom ở cao điểm, Định sợ có chuyện xảy ra với chị Thao, với Nho, tấm lòng yếu đuối của một cô gái lúc này mới có dịp được bộc lộ rõ nét. Cảnh Nho bị bom vùi, người ta lại thấy một Phương Định bình tĩnh lạ thường, có lẽ là bình tĩnh thay chị Thao mặt đang tái mét vì sợ máu, Định biết mình phải gánh trách nhiệm đưa Nho về hang và băng bó cho nó thay chị Thao. Từ đó, ta lại thấy một mặt khác nữa của Phương Định ấy là sự tinh tế, chu đáo và tỉ mỉ khi chăm sóc cho đồng đội bị thương.

Qua tất cả những chi tiết về nhân vật Phương Định ta có thể thấy rằng cô chính là đại diện tiêu biểu nhất cho hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường chiến đấu vì độc lập tự do của cả dân tộc. Họ ra đi với niềm tin tất thắng, với tất cả sự kiên cường, dũng cảm và lòng yêu nước, yêu cách mạng mãnh liệt. Bên cạnh sự anh hùng trong chiến đấu thì ở họ cũng hiện lên những vẻ đẹp đáng quý của tâm hồn, ở họ có sự hiện diện của sự mơ mộng, trẻ trung, yêu đời, của nỗi nhớ quê hương và cả những khao khát về tình yêu, và hơn tất cả ấy là mơ ước tha thiết về một đất nước hòa bình, một cuộc sống ấm êm hạnh phúc.

Phương Định là nhân vật được xây dựng rất sống động dưới ngòi bút của Lê Minh Khuê, với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đặc biệt là về thế giới nội tâm của nhân vật, những vẻ đẹp phẩm chất ẩn giấu trong cái vỏ kiên cường, dũng mãnh của người lính chiến mà trước nay không nhiều nhà văn để tâm vào khai thác. Cũng chính vì tác giả là một nữ thanh niên xung phong, nên cách viết, cách miêu tả nhân vật rất độc đáo và đặc biệt, nó gợi ra một cách rất chân thực hình ảnh của các cô gái trong chiến trường vào những năm 70 của thế kỷ trước, hào hùng, gan góc và cũng đầy lãng mạn, mộng mơ của tuổi trẻ.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Qua nhân vật này, em có suy nghĩ gì về thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước?” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 12/2024!