Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều” chuẩn nhất 10/2024.
Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều- Mẫu 1
Người ta đã nói nhiều về tài miêu tả nhân vật của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, dù là nhân vật chính diện hay phản diện đều rất sinh động. Chỉ bằng một vài nét chấm phá nhân vật của ông hiện ra trước mắt người đọc một cách cụ thể cả ngoại hình lẫn nội tâm. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã phần nào chứng minh tài năng miêu tả nhân vật của Nguyễn Du. Chân tướng tên buôn thịt bán người cứ lộ dần qua màn kịch ngắn này.
Mã Giám Sinh xuất hiện với tư cách là một “ viễn khách”. “ Viễn khách” là người khách từ phương xa đến. Ngay từ đầu người khách từ phương xa đến này đã có một chút đáng ngờ:
Hỏi tên rằng: “ Mã Giám Sinh’’
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Cách trả lời nhát gừng, cộc lốc ấy đã hé cho ta thấy người “viễn khách” này chẳng mấy lịch sự. Cách trả lời ấy hoàn toàn xa lạ với một người có học như y tự xưng: sinh viên trường Quốc Tử Giám. Ngay việc y chỉ nói họ mà không nói tên đã chứng tỏ y muốn che giấu tung tích của mình. Hỏi quê quán y cũng trả lời qua quýt cho xong chuyện. Chân tướng Mã Giám Sinh bộc lộ dần qua cách Nguyễn Du miêu tả ngoại hình của y:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
“ Trạc ngoại tứ tuần” là đã ngoài bốn mươi tuổi. Thời bấy giờ là ở vào tuổi không còn trẻ nữa, thế mà y vẫn “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Tác giả cố ý làm nổi bật mâu thuẫn giữa tuổi tác và cách tỉa tót, chải chuốt, cách ăn diện quá mức của y. Những từ “nhẵn nhụi’, “bảnh bao” không chỉ thể hiện được vẻ kệch cỡm của Mã Giám Sinh mà còn kín đáo bộc lộ thái độ châm biếm của Nguyễn Du. Cách ăn mặc “bảnh bao” của y càng chứng tỏ y chẳng phải là một sinh viên trường Quốc Tử Giám hào hoa phong nhã. Hình như y đang cố che đậy một điều gì, qua cách tỉa tót, chải chuốt và ăn diện quá mức ấy. Nhưng dù cố che đậy, bản chất vỏ bọc của y vẫn cứ lòi ra:
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
“Trước thầy sau tớ” có vẻ rất đàng hoàng, trịnh trọng, nhưng sao lại “lao xao”? “Lao xao” là ồn ào, lộn xộn mất trật tự. Cả tớ lẫn thầy đều chẳng giữ ý tứ khi vào nhà Vương ông. Vừa vào đến nơi Mã Giám Sinh đã “ngồi tót’ ở “ghế trên” mội cách “sỗ sàng”. Động tác ngồi của y càng chứng tỏ y là kẻ vô học trịch thượng hợm hĩnh. Một người thực sự là sinh viên trường Quốc Tử Giám ít nhất phải thanh nhã như Kim Trọng, đi đứng, ăn nói từ tốn, lịch sự như Kim Trọng:
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
Mã Giám Sinh hoàn toàn ngược lại: y nói năng cộc lốc, ăn mặc kệch cỡm, đi đứng láo nháo, hợm hĩnh,… Tất cả đã cho ta hiểu con người của y. Nguyễn Du không dừng lại ở đó, ông còn tiếp tục lột trần chân tướng Mã Giám Sinh. Trước “nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”của Kiều, y chẳng một chút động lòng trắc ẩn. Ngược lại y còn bắt Kiều làm thơ, gảy đàn để y “đắn đo cân sắc cân tài’. Sau đó y mặc cả. Y xem Kiều chi là món hàng không hơn không kém. Đầu tiên y còn làm bộ là người có chữ:
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?
Sau đó y lộ nguyên hình là một tên “buôn thịt bán người” sành sỏi:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Từ “đáng giá nghìn vàng” y “cò kè” thêm, bớt chỉ còn “bốn trăm”. Nghĩa là chưa được một nửa… Điều đó chứng tỏ y rất thủ đoạn trong việc mua bán. Mã Giám Sinh đã nắm được tình thế của gia đình Vương ông, y đã tìm cách hạ giá hàng đến mức thấp nhất. Khi màn kịch khép lại cũng là lúc chiếc mặt nạ bị lột trần. Mã Giám Sinh chẳng cần trá hình là một sinh viên trường Quốc Tử Giám nữa. Y đã hoàn thành vai diễn cùa mình:
Định ngày nạp thái vu quy,
Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong!
Tính cách con buôn lừa đảo, giả dối, xảo trá, kệch cỡm của Mã Giám Sinh được Nguyễn Du khắc họa khá cụ thể và sinh động. Tính cách đó được thể hiện chủ yếu qua việc miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ và hành động nhân vật. Bằng những từ ngữ chọn lọc có sức gợi, sức biểu cảm cao, Nguyễn Du vừa lột trần được bản chất xấu xa của tên buôn thịt bán người họ Mã vừa bộc lộ thái độ châm biếm khinh ghét của mình đối với hạng người bịp bợm, hợm hĩnh, thô lỗ ấy. Chỉ qua màn kịch ngắn này, chúng ta cũng hiểu phần nào tài năng miêu tả nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du.
Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều- Mẫu 2
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều dài 34 câu, từ câu 619 – 652, là sự kết hợp tài tình giữa trữ tình và tự sự, kể và tả, mà kể là chủ yếu, bằng bút pháp hiện thực, châm biếm, chế giễu, phê phán nghiêm khắc. Không ít chân dung nghệ thuật đã được dựng lên qua những nét bút thần diệu của Nguyễn Du. Chân dung, tính cách của các nhân vật hiện lên lồ lộ qua từng câu chữ, và trong đó, bức chân dung của Mã Giám Sinh có thể được gọi là xuất sắc nhất, độc đáo nhất.
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều nằm ở phần thứ hai trong Truyện Kiều (Gia biến và lưu lạc). Sau khi gia đình bị vu oan, Kiều quyết định bán mình để lấy tièn cứu cha và gia đình khỏi tai hoạ. Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều.
Bốn câu thơ đầu của đoạn trích mang chức năng dẫn chuyện để giới thiệu vai chính trong cuộc mua người, đó chính là Mã Giám Sinh:
Hỏi tên rằng: ” Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Mở đầu đoạn thơ, Mã Giám Sinh được giới thiệu là viễn khách – một vị khách ở phương xa đến với mục đich trang trọng, đẹp đẽ. Đó là để “vấn danh”, xưng danh mình và hỏi tên, hỏi tuổi người con gái sẽ lấy làm vợ. Thế nhưng, cái cung cách trả lời của y khi thoạt bước lên thềm đã có vẻ cộc lốc, cấc lấc, cộc cằn khó chịu. Giám Sinh đâu phải là tên, mà chỉ chung chung người họ Mã, học trường Quốc Tử Giám mà thôi. Hắn ta cũng không buồn giới thiệu tên thật của mình mà chỉ giới thiệu chức danh như ngầm ý khoe khoang.
Rồi đến phục sức, ăn mặc, đi đứng mới thật láo nháo, bắng nhắng, kệch cỡm và vô học, chẳng coi ai ra gì:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Thời phong kiến đàn ông thường lấy vợ rất sớm. Thế mà tên họ Mã này đã ngoài bốn mươi tuổi, mới đi hỏi vợ. Thật là lạ làm sao. Cách ăn mặc của hắn thì chải chuốt, bảnh bao, tơ tuốt, khoe khoang sang giàu. Đối xứng với mày râu nhẵn nhụi đã gợi cái sự lố bịch, buồn cười, có vẻ như là muốn chơi trống bỏi của gã. Thế nhưng, nếu có ai đó, theo đà suy diễn chẻ sợi tóc làm tư và quá lệ thuộc vào nghĩa đen của từ, câu, để giảng rằng: Mã Giám Sinh đã cạo trụi thùi lụi cả râu, ria, lông mày, thì cũng cực đoan ! Có lẽ nên hiểu là Mã không để râu mép, cằm nhẵn thín và có thể lông mày hắn cũng thưa, nhạt? Nhưng điều quan trọng hơn là với độ tuổi của hắn, ở thời ấy, thường người đàn ông thường đều để râu, ria dài, chứng tỏ mình đã vào tuổi tứ thập nhi bất hoặc rồi. Mã lại cứ muốn cưa sừng làm nghé, nên mới đáng chê cười.
Tiếp theo, để diễn tả bộ dạng của Mã, Nguyễn Du đã dùng từ láy lao xao để tả cái bộ dạng hàng rởm, hàng cá của y. Mã buôn bán mạt cưa mướp đắng, chứ học hành văn lễ, thi thư gì ! Trong khi mụ mối chiều khách, rước đón rất chi là trịnh trọng, thì Mã Giám Sinh có một hành động kì quái, quái gở: nhảy tót lên ghế ngồi. Chỉ một từ tót thôi đã diễn tả hết được bản chất của gã. Nguyễn Du thật tài tình với trò chơi câu chữ của mình. Nhảy tót lên ghế ngồi một cách thô tục, sỗ sàng, như không hề biết tới phép lịch sự tối thiểu, nhất là với người đi hỏi vợ, mà đã là ngoại tứ tuần thì hành động này là hoàn toàn phản cảm. Đối lập với từ rước trang trọng biết bao thì từ tót vừa nhanh, vừa gây ra sự ngạc nhiên vì hành động thô lỗ, xấc lấc của một người tưởng chừng như là có học đến từ trường Quốc tử giám.
Và khi vào công việc thực sự, Mã đã tiếp tục bộc lộ bản chất con buôn của mình. Hắn làm việc cẩn trọng, bài bản. Đầu tiên là suy tính, đắn đo, cân sắc, cân tài thầm trong óc, rồi lại ép, thử Kiều đánh đàn, làm thơ trên quạt. Giờ lâu, khi đã hoàn toàn vừa ý mọi điều, đã mười phân bằng lòng, như ý cả mười, thì y mới khôn lựa, khéo nói bằng những lời lẽ hết sức bóng bẩy, văn hoa:
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?
Rồi ngay khi nghe mụ mối phát giá, y bắt đầu mặc cả, cò kè thêm bớt chi li, hồi lâu:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Đến đây, hắn lộ nguyên hình là một tên “buôn thịt bán người’ sành sỏi, chuyên nghiệp. Từ cò kè có thể là từ láy được dùng đắt nhất trong đoạn trích này khi Tố Như muốn bắt quả tang bản chất con buôn của nhân vật Mã Giám Sinh. Cò kè, ki kiệt, ti tiện, đớn hèn, dâm đãng chính là bản chất của loại người như Mã Giám Sinh.
Sau khi ngả giá xong xuôi, từ nghìn vàng xuống chỉ còn có bốn trăm lạng, Mã Giám Sinh lại trở về với giọng điệu, lời nói văn hoa giả tạo, kiểu cách. Hắn đã nắm được hoàn cảnh bi đát, đang gặp khó khăn của gia đình họ Vương, vì vậy, hắn lợi dụng cơ hội đó để ép giá. Ấy là vì nhà Kiều đang quá cần tiền, đang gặp lúc nguy nan mới đồng ý như thế. Đến đây, Mã Giám Sinh đã làm tròn vai diễn là một kẻ buôn người chính hiệu, giả tạo, bịp bợm của mình.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 10/2024!