Updated at: 08-05-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách phân tích một số nhân vật cổ tích chuẩn nhất 04/2024.

Nhân vật trong truyện cổ tích có thể là những người mồ côi, những thân phận bất hạnh, nhỏ bé, thấp hèn, lam lũ… Nhưng đó là những con người đáng thương, đáng yêu. Hãy chọn phân tích và phát biểu cảm nghĩ về một số nhân vật ấy

Dàn ý

1. Mở bài

– Giới thiệu về truyện cổ tích thần kì.

– Giới thiệu về các nhân vật hiền lành, đáng thương trong truyện cổ tích.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh xuất thân

– Xuất thân bình thường, nhỏ bé.

– Chịu những áp bức bất công của xã hội, môi trường sống.

b. Phẩm chất cao đẹp

– Thạch Sanh: tài giỏi, anh hùng.

– Cô Tấm: nhân hậu, dịu dàng.

– Sọ Dừa: cần cù lao động.

c. Thông điệp được gửi gắm qua các nhân vật

– Thấy được mặt trái của xã hội qua việc phân chia giai cấp.

– Người lương thiện bị áp bức đau thương.

– Niềm tin vào cái thiện sẽ chiến thắng với chân lí “ở hiền gặp lành”.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị nhân văn cao cả của truyện cổ tích thông qua các nhân vật.

 Phân tích một số nhân vật cổ tích- Mẫu 1

   Truyện cổ tích là truyện cô dân gian kể về những câu chuyện tưởng tượng, thường có tính chất phiêu lưu, chung quanh số phận cuộc đời những con người bất hạnh, những nhân vật tài trí thông minh hoặc khờ khạo, những nhân vật là loài vật mang tính người… Trong đó, truyện cổ tích thần kỳ là hấp dẫn nhất, thú vị nhất.

   Những nhân vật đáng thương, đáng yêu nhất trong truyện cổ tích là những người mồ côi, nhưng thân phận bất hạnh, nhỏ bé, thấp hèn, lam lũ…

   Cô Tấm, chàng Thạch Sanh, chú Sọ Dừa, anh Khoai,… là những con người, những nhân vật đáng thương, đáng yêu kỳ lạ !

   Xã hội được nói đến trong cổ tích là một xã hội đã phân chia giai cấp, có người giàu và người nghèo, có kẻ ác và người lương thiện. Trong xã hội ấy có bao thân phận đáng thương. Người thì mồ côi và ở với dì ghẻ như cô Tấm, người thì phải ở với người tham lam như người em trong truyện Cây khế, người thì vất vưởng không chốn nương thân, chỉ còn biết lấy gốc đa che mưa che nắng như Thạch Sanh. Người thì như Tầm Dang, Nha Rúi, cha mẹ chết hết, bọn chủ làng cướp sạch ruộng đất, nhà cửa, cả hai phải đi ở đợ kiếm cơm, ở cõi trần đã khổ, trên cõi trời còn khổ hơn, bị vùi dập, bị xua đuổi.

   Những con người bất hạnh ấy rất cần cù trong lao động. Cô Tấm biết làm đủ việc, làm giỏi giang: chăn trâu, cắt cỏ, mò cua bắt tép, xay giã giần sàng. Thạch Sanh chỉ có một cái khố, một cái rìu mà lăn lộn rừng xanh kiếm củi sống. Sọ Dừa biết chăn trâu giỏi; đàn trâu bò của phú ông được Sọ Dừa chăn dắt con nào con nấy cũng béo tốt. Anh Khoai rất siêng năng, cày sâu cuốc bẫm. Người em trong truyện Cây khế sống hiền lành, chăm chỉ làm ăn vượt lên cảnh nghèo.

  Những con người “nhỏ bé” ấy còn có bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp. Cô Tấm nhân hậu, dịu dàng. Nha Rúi đẹp người đẹp nết, sống tình nghĩa thuỷ chung. Cái phá ba ngăn có sợi chỉ hồng nhuộm bằng máu cô, có bức thêu hình Tầm Dang, gửi lên trời cho chồng đã thể hiện một tình yêu chung thuỷ vươn lên hoạn nạn. Tầm Dang thì thà “tóc bạc” chứ quyết không để cho “lòng bạc”. Nỗi buồn nhớ làng cũ của Tầm Dang, chính là tình yêu buôn làng của nhân dần ta từ bao đời nay. Sọ Dừa lúc thì biến thành một chàng trai nằm trên võng đào thổi sáo cho bò gặm cỏ, lúc thì biến thành một người chồng lịch sự,về sau, Sọ Dừa lại đi thi đậu trạng nguyên, được vua cử đi sứ… Thạch Sanh chém Trăn Tinh, bắn Đại Bàng, gảy đàn thần để lui giặc. Dũng sĩ Thạch Sanh đã trở thành phò mã, rồi được nhà vua truyền cho ngồi báu. Những con người ấy, tuy có nhờ Tiên, Phật độ trì, nhưng bản chất họ rất tốt đẹp: cần cù trong lao động, thuỷ chung trong tình yêu, nhân hậu, thông minh, dũng cảm, bền bỉ đấu tranh vươn lên trước hoạn nạn, số phận để giành lấy hạnh phúc và tự do.

   Qua số phận người mồ côi… trong cổ tích ta càng thấy rõ mặt trái của xã hội khi phân chia giai cấp. Người lương thiện bị áp chế trong đau thương. Cái ác ngự trị, là nguyên nhân gây nên mọi đau khổ trong cuộc đời. Ta càng thương cảm, quý mến những thân phận bất hạnh, mồ côi vì cuộc đời của họ đầy mồ hôi, máu và nước mắt. Vì họ là những con người lao động chân chính có bao phẩm chất tốt đẹp.

   Xây dựng nên những hình tượng tốt đẹp như cô Tấm, Sọ Dừa, anh Khoai, Tầm Dang và Nha Rúi, Thạch Sanh,… nhân dân ta gửi gắm bao ước mơ tốt đẹp, khẳng định một niềm tin ngời sáng: ở hiển thì gặp lành. Những người hiền lành ăn ở có tình nghĩa thuỷ chung sẽ được Phật, Tiên “độ trì”. Những ước mơ ấy nói lên đạo đức trong sáng của nhân dân, đồng thời tạo nên tính nhân văn của truyện cô tích.

  Hình ảnh nhân vật mồ côi, những con người “nhỏ bé” trong truyện cổ tích thật đáng thương và đáng yêu. Kết thúc của họ đã làm cho truyện cô tích mãi mãi là bài ca lạc quan yêu dời của nhân dân lao động.

   Truyện cổ tích đã bồi đắp ước mơ, tình nhân ái… cho mỗi chúng ta, nhất là đối với tuổi thơ gần xa.

Phân tích một số nhân vật cổ tích- Mẫu 2

Tuổi thơ của đứa trẻ nào mà chẳng gắn liền với cánh diều chao liệng trên bầu trời xanh ngát, với đêm trăng huyền diệu cùng lời kể chuyện dịu êm của bà. Và chắc hẳn, một điều không thể thiếu đó là những câu chuyện cổ tích, những cô Tấm, anh Khoai, Sọ Dừa,… Mỗi nhân vật với những nét tính cách và số phận khác nhau làm đầy thêm, đẹp thêm cho kí ức của con người.

“Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”

Lời Tấm gọi cá bống trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám khiến nhiều người cảm động về tấm lòng yêu thương muôn loài của cô Tấm. Khi sinh ra, Tấm đã phải sống cùng mụ dì ghẻ và Cám – cô em gái cùng cha khác mẹ vừa ích kỉ lại nhỏ nhen. Tuy không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ trong một mái ấm gia đình trọn vẹn nhưng Tấm vẫn là một cô gái có trái tim nhân hậu, hiền lành. Trong truyện có đoạn: “Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà không phải làm việc nặng. Còn Tấm thì phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước lại hái khoai, vớt bèo,..”. Dù bị đối xử tệ bạc, như “con ở” trong nhà, bị Cám và mụ dì ghẻ nhiều lần hãm hại nhưng Tấm vẫn không một lời oán thán, trách móc mà ngược lại, nàng làm việc rất cẩn thận, chăm chỉ. Vì “ở hiền gặp lành” nên Tấm nhiều lần được Bụt giúp đỡ thoát khỏi những trò quái ác của mẹ con nhà Cám. Trải qua nhiều sự khổ cực, vất vả, cuối cùng Tấm cũng được lọt vào mắt xanh của nhà vua, được phong làm hoàng hậu – bậc mẫu nghi đứng đầu thiên hạ. Đó là thành quả xứng đáng mà dân gian dành tặng cho người con gái tài đức vẹn toàn. Hay nói cách khác, việc Tấm thoát khỏi cảnh nghèo khổ thể hiện được quan niệm của dân gian về nhân – quả trong cuộc đời. Theo đó, những kẻ xấu sẽ gặp ác giả ác báo còn người hiền lành, tốt bụng sẽ gặp được những điều an lành, may mắn. Nếu như phần đầu của tác phẩm, người đọc cảm thấy phẫn nộ vì những hành động ác độc của mẹ con Cám thì đến đây, họ được thở phào nhẹ nhõm vì cô Tấm được đền đáp xứng đáng.

Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đó, dân gian còn để cho cô Tấm bộc lộ hết tính cách của mình ở đoạn sau tác phẩm – khi nàng bị mụ dì ghẻ và Cám hãm hại tàn độc. Kiếp luân hồi khiến Tấm phải hóa thân thành khung cửi, thành con chim vàng anh, thành quả thị thơm, thành con gái bà lão bán nước. Điều đó chứng tỏ Tấm là một nhân vật mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp và khát vọng mãnh liệt được sống, được yêu. Thế nhưng khác với những lần trước, lần này, thay vì ôm mặt khóc rưng rức, cô Tấm đã biết tự mình đấu tranh để dành lại hạnh phúc cho bản thân. Và đặc biệt, dù hóa thân vào sự vật nào thì Tấm vẫn một lòng hướng về nhà vua – người trượng phu, người chồng tay ấp tay kề với mình. Dân gian đã một lần nữa đền ơn cho cô Tấm bằng cách để nàng gặp lại nhà vua và trở về hoàng cung trong vinh hoa phú quý. Thế nhưng, liệu lần này cô Tấm có còn để yên cho những kẻ đã hãm hại mình? Chắc chắn là không bởi vì lần này, tội ác của mẹ con Cám là không thể tha thứ. Nhiều người cho rằng, hành động giết mẹ con Cám của Tấm là dã man, độc ác không phù hợp với hình tượng cô Tấm ngoan ngoãn hiền lành. Thế nhưng đó là sự lí giải hợp tình hợp lý và một lần nữa chứng tỏ được quan niệm nhân – quả của dân gian ta thuở xưa.

Hình tượng cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám từ xưa đến nay vẫn luôn là một hình tượng đẹp với nhiều người. Nàng không chỉ là hiện thân của sắc đẹp, của tài đức mà đặc biệt hơn, nàng còn là một con người có khát vọng, biết đấu tranh và biết chắt chiu hạnh phúc bé nhỏ của mình. Nếu như văn học nước ngoài nổi tiếng với Cô bé lọ lem Cinderella thì dân gian Việt Nam tự hào vì có cô Tấm – hiện thân cho vẻ đẹp của người con gái đất Việt.

Không chỉ có cô Tấm mà truyện cổ tích Việt Nam còn được nhiều người yêu thích bởi nhiều nhân vật dũng sĩ, anh hùng. Một trong số đó là nhân vật Thạch Sanh. Mặc dù vẫn được viết theo motip cũ nhưng nhân vật Thạch Sanh vẫn được nhiều độc giả yên mến bởi sức mạnh vượt trội và tình yêu tha thiết dành cho công chúa. Thạch Sanh xuất thân trong một gia đình nghèo ở tầng lớp thấp nhất của xã hội – đó là hoàn cảnh khắc nghiệt mà dân gian đưa ra nhằm thử thách cũng như thể hiện được vẻ đẹp nhân phẩm của nhân vật này. Mặc dù vậy, chàng vẫn không hề oán thán hay trách móc mà ngược lại, hài lòng với cuộc sống của mình. Với bản tính hiền lành, chất phác, Thạch Sanh đã không hề mảy may nghi ngờ Lý Thông – kẻ phản bội với âm mưu độc ác. Nhiều người cho gằng dân gian đã xây dựng hình ảnh Thạch Sanh với tính cách ngây thơ, thậm chí khù khờ. Thế nhưng qua những biến cố sau này của nhân vật đã cho thấy rằng chàng là một con người có trái tim vô cùng nhân hậu. Phần “người” thánh thiện trong Thạch Sanh lớn hơn phần “Con” đê hèn ích kỷ của những kẻ như Lý Thông.

Trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho đời mình, Thạch Sanh nhiều lần gặp phải những biến cố. Thế nhưng mỗi lần vượt qua một cửa ải gian nan, thử thách lại là một lần vẻ đẹp của chàng được bộc lộ một cách rõ nét. Thông qua những điều đó, dân gian ta cũng muốn gửi gắm một ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn lao: Muốn có được hạnh phúc thì tất yếu phải vượt qua những chông gai bởi nếu không có những chông gai ấy thì con người khó có thể thấu hiểu được ý nghĩa của hạnh phúc. Thạch Sanh tuy xuất thân nghèo hèn, lại không có chỗ dựa nhưng chàng đã biết vươn lên, giành lấy hạnh phúc cho chính bản thân mình. Không giống Lý Thông – vừa hèn nhát lại đê tiện.

Cuộc chiến giữa Thạch Sanh với trăn tinh, đại bàng là cuộc chiến giữa người trần mắt thịt với yêu quái độc ác. Với tất cả lòng dũng cảm cùng sự đa mưu túc trí, Thạch Sanh đã tiêu diệt yêu quái, trả lại sự bình yên cho dân làng. Thạch Sanh là nhân vật tiêu biểu cho người anh hùng thuở hồng hoang: Người quấn khố, tay cầm gươm. Mặc dù biết rằng đối phương rất mạnh nhưng vẫn không từ bỏ ý chí, chiến đấu bằng tất cả niềm tin đến hơi thở cuối cùng.

Bởi vậy mà đến cuối cùng, Thạch Sanh được đền đáp bằng hôn lễ với công chúa còn Lý Thông thì bị trời trừng phạt. Đó là kết cục đẹp của ác giả ác báo, những người tử tế sẽ được phần thưởng còn những kẻ độc ác phải chịu phạt. Hình tượng Thạch Sanh là hình tượng người anh hùng vừa bình thường lại vừa phi thường trong một con người. Phải đặt con người vào từng hoàn cảnh cụ thể thì vẻ đẹp cùng tài năng của họ mới được phát quang và tỏa sáng một cách đúng nghĩa nhất. Giống như mỗi người chúng ta, đều có mặt bình thường và phi thường. Điều quan trọng là mỗi người phải đi tìm “hòn ngọc” tỏa sáng trong chính bản thân mình.

https://thuthuat.taimienphi.vn/hay-phan-tich-va-phat-bieu-cam-nghi-ve-mot-so-nhan-vat-trong-truyen-co-tich-41534n.aspx
Quả thật, những câu chuyện cổ tích tuy đã ra đời và truyền miệng từ đời này qua đời khác, thế nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cốt lõi của nó. Mỗi nhân vật với từng hoàn cảnh, tính cách khác nhau đã mang đến những cảm xúc, suy tư khác nhau cho độc giả. Đó là những bài học đầu đời vô cùng ý nghĩa mà con người ta khó mà quên được.

Phân tích một số nhân vật cổ tích- Mẫu 3

Tuổi thơ em lớn lên bên lời ru của mẹ và những câu chuyện cổ tích bà kể mỗi đêm trăng. Những câu chuyện ấy đã đi vào trong tâm trí em một cách tự nhiên và dung dị với thế giới đầy diệu kì của những nhân vật cổ tích. Mỗi một câu chuyện, mỗi một nhân vật trong lời kể của bà đều cho em những ấn tượng khó phai.

 Đó là một nàng Tấm dịu hiền bước ra từ quả thị trong Tấm Cám khiến em thích thú và ao ước một lần gặp được cô Tấm ấy. Tấm vốn mồ côi mẹ từ rất sớm, cô phải chịu bao nhiêu thiệt thòi bên mụ dì ghẻ cùng người con riêng ác độc. Bao nhiêu lần Tấm phải cam chịu, nhẫn nhục với những mưu hèn, tâm địa  ác độc, hòng cướp công lao, hạ nhục, thậm chí là tìm cách giết nàng. Vậy mà bằng sự bền bỉ đấu tranh cùng với sự giúp đỡ của ông Bụt thần kỳ đã giúp Tấm có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc bên vị vua cao quý.

Hay một chàng Thạch Sanh trong truyện cổ tích cùng tên đầy hào hiệp và tài năng. Vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bằng sự chăm chỉ và siêng năng luyện tập võ nghệ mà Thạch Sanh lớn lên khoẻ mạnh, tài ba. Những tưởng có được người anh em kết nghĩa vui vầy thì lại bị Lý Thông và mẹ hắn lợi dụng hết lần này đến lần khác. Trải qua bao nhiêu hiểm nguy khi phải chiến đấu với chằn tinh, đại bàng và những án oan, cuối cùng Thạch Sanh cũng được giải oan, kết duyên với công chúa. Bao chiến công hiển hách như chém đầu chằn tinh, giết đại bàng cứu công chúa và con vua Thủy Tề, thu phục quân sĩ 18 nước chư hầu đã cho thấy được tài năng và đức độ của chàng.

Đó còn là một Sọ Dừa với ngoại hình xấu xí nhưng nhân phẩm tốt đẹp biết bao! Sọ Dừa chăm chỉ làm ăn, thổi sáo giỏi lại thông minh, hiền lành nên cưới được cô em út hiền hậu làm vợ. Từ đó, chàng trở thành một chàng trai ưu tú, giỏi giang lại vô cùng tốt bụng. Hay em bé trong truyện cổ tích “Em bé thông minh” bằng trí tuệ và sự tinh nhạy của mình đã giải những câu đố đầy thách thức của nhà vua và quân nước láng giềng khiến người người khâm phục.

Những nhân vật ấy đều là nhân vật có số phận bất hạnh, nhưng vượt lên tất thảy, họ có tâm hồn cao thượng, một trái tim biết yêu thương và giàu lòng nhân ái. Họ không chỉ đức độ mà còn là những con người tài năng, giỏi giang và đầy thông minh, bản lĩnh, dũng cảm, kiên cường dù trong áp bức, trong bất công, ngang trái. Trước sự hoành hành của cái ác, họ vẫn đấu tranh vươn lên trước khó khăn, thử thách để giành lấy hạnh phúc và sự tự do cho chính mình.

Bên cạnh đó, còn có những nhân vật khiến em không khỏi căm phẫn, đó là những vai phản diện, họ sống tàn ác và đầy giả dối. Một Lý Thông cơ hội, hèn nhát, cướp công lao trên công sức lao động của người khác, một kẻ giả nhân giả nghĩa cuối cùng cũng bị trừng trị đích đáng. Mẹ con dì ghẻ trong Tấm Cám cũng mưu toan hại Tấm lần này đến lần khác sau cùng phải nhận chết cho chính mình. Người anh tham lam, ích kỉ trong truyện Cây khế cũng không nằm ngoài kết cục đó. Cái ác không thể tồn tại lâu dài trong xã hội, những người lương thiện hiền lành sẽ nhận được những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Bằng việc xây dựng hệ thống nhân vật đầy huyền diệu và phong phú, các câu chuyện cổ tích của cha ông đã giáo dục chúng ta về lẽ sống ở đời, bồi đắp cho tâm hồn tuổi thơ chúng em những tình cảm tốt đẹp để ngày càng hoàn thiện mình hơn.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách viết phân tích một số nhân vật cổ tích hay nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!