Updated at: 10-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích Hồi thứ mười bốn rút trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái” chuẩn nhất 04/2024.

1. PHÂN TÍCH ĐỀ

– Yêu cầu đề bài: phân tích các chi tiết, hình ảnh, nội dung, nghệ thuật của bài thơ để thấy được bức tranh về một thời kì lịch sử được tái hiện một cách chân thực, đồng tời cảm nhận tinh thần vì nghệ thuật của các tác giả: dù theo nhà Lê, phò vua Lê nhưng vẫn thừa nhận và khâm phục tài năng của anh hùng Quang Trung.

– Phương pháp làm bài: phân tích

2. CÁC LUẬN ĐIỂM CHÍNH CẦN TRIỂN KHAI

Luận điểm 1: Hoàn cảnh giặc Thanh xâm lược và sự đối phó của nghĩa quân

Luận điểm 2: Thắng lợi của quân khởi nghĩa

Luận điểm 3: Nhận xét về nghệ thuật

3. LẬP DÀN Ý

1, Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Ngô gia văn phái: một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì. Tác phẩm do Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du viết, trừ ba hồi cuối chưa rõ tác giả.

Hoàng lê nhất thống chí: là một tác phẩm văn xuôi ghi chép bằng chữ Hán lớn nhất trong văn học Việt Nam trung đại, có tính chất của tiểu thuyết chương hồi, nói về thời kì cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn.

+ Văn bản trong sách giáo khoa là hồi thứ 14 của tác phẩm.

2, Thân bài:

a, Hoàn cảnh giặc Thanh xâm lược và sự đối phó của nghĩa quân

– Miêu tả đội quân của nhà Thanh:

+ Quân đội đông, hùng hậu, sĩ khí ngút trời, “Tôn Sĩ Nghị sau khi đem quân ra cửa ải, xuyên rừng vượt núi như giẫm đất bằng, ngày đi đêm nghỉ, không phải lo lắng gì, kéo thẳng một mạch đến thành Thăng Long, không mất một mũi tên, như vào chỗ không người”

+ Quân đội nhà Thanh đông, tinh nhuệ nhưng hợm hĩnh, chủ quan, hưởng lạc ngủ quên trên chiến thắng: “quân lính các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không có kỷ luật gì cả”, còn tướng quân thì cũng “ngày ngày chơi bời tiệc tùng, không hề để ý đến việc quân”.

+ Được cung nữ phủ Trường Yên cảnh báo về Nguyễn Huệ nhưng cả bọn cũng chỉ biết quát chửi nhau và vẫn ung dung ngồi “tính toán chu đáo”, dự định sang xuân mới tính kế với Nguyễn Huệ

⇒ Sử dụng biện pháp đối lập, đòn bẩy: miêu tả cái hùng mạnh oai phong trước làm nền bật lên sự nhu nhược, tham lam, lười biếng, khinh suất của quan quân nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống.

– Nghĩa quân Tây Sơn của vua Quang Trung:

+ Sự ứng phó nhanh nhẹn, kịp thời: sau khi biết tin, Nguyễn Huệ lên ngôi vua và thu xếp việc trong 1 tháng, 25 tháng chạp xuất quân, 29 âm lịch tới Nghệ An chiêu mộ thêm binh sĩ, 30 âm lịch mở tiệc khao quân ăn tết sớm, và đúng mùng 5 tháng giêng, sau chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, Nguyễn Huệ giữ đúng lời hứa chiến thắng với quân sĩ.

+ Tinh thần của quân sĩ: tất cả đều nghiêm trang chỉnh tề, “một lòng một chí quyết chiến quyết thắng”.

⇒ Thủ pháp đối lập, đòn bẩy lần nữa phát huy tác dụng: tả quân Thanh trước để làm bật lên sự thần tốc, anh hùng của quân đội Quang Trung; làm bật lên hình ảnh vua Quang Trung anh dũng, khiêm tốn mà thu phục lòng người, bản lĩnh, yêu nước.

b, Thắng lợi của quân khởi nghĩa

– Sự tự tin, tài mưu lược của người cầm quân: Quang Trung tin vào một thắng lợi của chính nghĩa, truyền cảm hứng cho quân đội của mình; ông đích thân chỉ huy đội quân tiên phong, anh dũng, quyết đoán.

– Dũng khí của quân khởi nghĩa: sức mạnh tinh thần, tuy thô sơ ít ỏi về quân lực và vũ khí, chỉ dùng gậy gộc cuốc thuổng mà đánh bại được súng ống.

– Những trận đánh với thắng lợi rực rỡ thể hiện tài binh lược của Quang Trung:

+ Đánh ở sông Gián, sông Thanh Quyết, quân Lê Chiêu Thống và quân Thanh thấy bóng dáng quân đội Quang Trung từ xa đã tự bỏ chạy, bị bắt sống.

+ Trận Hà Hồi, dùng tinh thần uy hiếp tinh thần khiến giặc sợ hãi, không tốn một binh lính cũng chiếm được đồn.

+ Trận Ngọc Hồi: quân giặc chống cự yếu ớt rồi thua, tướng giặc chạy vội “Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp”.

⇒ lời kể ngắn gọn, bình dị càng làm tăng sự thần kì của chiến thắng

c, Nhận xét về nghệ thuật

Thành công trong sử dụng các hình ảnh đối lập, thủ pháp đòn bẩy: tả quân Thanh trước, tả quân đội Quang Trung sau.

– Thành công trong xây dựng hình tượng nhân vật Quang Trung và nghĩa quân.

– Lối kể chuyện chân thực, không khoa trương.

3, Kết bài:

– Tác phẩm tái hiện lại một thời kì lịch sử một cách chân thực.

– Thể hiện tinh thần vì nghệ thuật của các tác giả: dù theo nhà Lê, phò vua Lê nhưng vẫn thừa nhận và khâm phục tài năng của anh hùng Quang Trung.

4. SƠ ĐỒ TƯ DUY

Sơ đồ tư duy phân tích Hồi thứ mười bốn trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

Phân tích Hồi thứ mười bốn rút trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái- Mẫu 1

Hòang Lê nhất thống chí là cuốn lịch sử chương hồi của một số tác giả trong Ngô gia văn phái. Tác phẩm đã khái quát một giai đoạn lịch sử với bao biến cố dữ dội đẫm máu từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa đến khi Gia Long chiếm Bắc Hà (1868 – 1802) như: loạn kiêu binh, triều Lê Trịnh sụp đổ, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Gia Long lật đổ triều đại Tây Sơn…

Sự sụp đổ không thể cưỡng nổi của triều đại Lê Trịnh và khí thế sấm sét của phong trào nông dân Tây Sơn là hai nội dung lớn được phản ánh qua Hoàng Lê nhất thống chí. Đặc biệt Hồi thứ mười bốn đã thể hiện một cách hào hùng sức mạnh quật khởi của dân tộc trước thù trong giặc ngoài và khắc họa hình tượng Nguyễn Huệ, người anh hùng dân tộc đã làm nên chiến công Đống Đa bất tử.

Ta như được sống lại những giờ phút lịch sử nghiêm trang và hào hùng của dân tộc vào cuối năm Mậu Thân (1788), đầu năm Kỉ Dậu (1789) khi Lê Chiêu Thống đã rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta. Tác giả Hoàng Lê nhất thông chí mở đầu hồi mười bốn đã viết:

Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận,

Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài.

Vị cứu tinh của dân tộc thuở ấy là Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Ngày 22 tháng 11 năm Mậu Thân, Tôn Sĩ Nghị chiếm Thăng Long. Tướng Ngô Văn Sở lui binh về án ngữ tại Tam Điệp. Ngày 24, Nguyễn Huệ được tin cấp báo, và ngày 25 lên ngôi hoàng đế “tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi”, lấy niên hiệu là Quang Trung, Nguyễn Huệ đốc xuất đại binh ra Bắc. Ngày 29 đến Nghệ An tuyển thêm một vạn quân tinh nhuệ. Nguyễn Huệ tổ chức duyệt binh truyền hịch đánh quân Thanh, vạch trần âm mưu xâm lược của bọn chúng “mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện…; kêu gọi tướng sĩ “đồng tâm, hiệp lực, để dựng nên công đức”. Nhà vua chia quân làm 5 doanh (tiền, hậu, tả, hữu, trung quân) rồi thần tốc ra Tam Điệp hội quân với cánh quân Ngô Văn Sở. Quang Trung chia đại quân làm 5 đạo, cho quân ăn tết Nguyên đán trước, “bảo kín” với các tướng soái đến tối 30 thần tốc đánh quân Thanh, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long “mở tiệc ăn mừng”. Qua đó, ta thấy rõ Quang Trung có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sáng suốt, giàu mưu lược, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng lũ xâm lăng. Các sự kiện như lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, tuyển quân và truyền hịch ở Nghệ An, cho quân sĩ ăn Tết Nguyên đán trước; đặc biệt, nhà vua đã lạo nên yếu tố bất ngờ, đánh quân Thanh vào đúng dịp tết khi chúng “chỉ chăm chú vào việc vến tiệc vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc’ đã thể hiện tinh thần quyết đoán của một thiên tài quân sự khi Tổ quốc lâm nguy.

Tác giả mượn lời người cung nhân cũ để làm nổi bật tính cách anh hùng phi thường của Nguyễn Huệ khi trận Ngọc Hồi chưa xảy ra:

“Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sấm sét”.

Nguyễn Huệ là một anh hùng có tài điều binh khiển tướng, trù hoạch quân mưu như thần. Ra quân đánh thắng như chẻ tre. Bắt sống toàn bộ toán quân Thanh đi do thám tại Phú Xuyên, dùng mưu gọi loa, vây kín làng Hà Hồi, quân Thanh “rụng rời sợ hãi” phải đầu hàng. Dùng kì mưu kết ba tấm ván thành một bức bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức; mỗi bức có 20 dũng sĩ, lưng dắt dao ngắn dàn thành trận chữ “nhất” xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi. Súng quân Thanh bắn ra đều vô hiệu. Vua Quang Trung cưỡi voi đốc chiến. Sáng mồng 5, đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, hàng vạn giặc bị giết “thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại”. Vua đã đặt phục binh tại đê Yên Duyên và Đại Áng, hợp vây quân Thanh tại Quỳnh Đô, giặc trốn xuống đầm Mực bị quân Tây Sơn “lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người”. Thừa thắng, vua Quang Trung tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long đúng trưa mồng 5 tháng giêng năm Kỉ Dậu, trước kế hoạch 2 ngày. Có tài thao lược vô song, có tin vào sức mạnh chiến đấu và tinh thần yêu nước của tướng sĩ, của nhân dân ta mới có niềm tin tất thắng ấy. Chiến thắng Đống Đa 1789 đã làm cho tên tuổi người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ sáng ngời mãi ngàn thu.

Các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã từng ăn lộc của nhà Lê, vốn có cảm tình với vua Lê nhưng trước họa xâm lăng và chiến công Đống Đa oanh liệt, họ đã đứng trên lập trường dân tộc, đã viết nên những trang văn đẹp nhất, dựng lên một tượng đài kì vĩ ,tráng lệ về người anh hùng Nguyễn Huệ. Chỉ mấy năm sau, trong bài Ai tư vãn khóc vua Quang Trung qua đời, Ngọc Hân công chúa đã viết:

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.

Đó là hình tượng người anh hùng Quang Trung trong văn học mà ta cảm nhận được với bao ngưỡng mộ.

  Bằng biện pháp nghệ thuật tương phản đối lập, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã miêu tả và nêu bật sự thảm bại của quân Thanh xâm lược và số phận nhục nhã, bi đát của bọn vua quan phản nước hại dân.

Chỉ huy 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta là Tôn Sĩ Nghị. Sau khi chiếm được Thăng Long “không mất một mũi tên, như vào chỗ không người” hắn vô cùng “kiêu căng buông tuồng”. Bọn tướng tá chỉ biết “chơi bời tiệc tùng, không hề đề ý gì đến việc quân”. Chúng huênh hoang tuyên bố là đầu xuân sẽ kéo quân thẳng đến sào huyệt của Tây Sơn để “bắt sống không một tên nào lọt lưới!”.

Thế nhưng, trước sức tiến công như vũ bão của Nguyễn Huệ, bao đồn giặc bị đánh tơi bời. Đồn Hà Hồi phải đầu hàng. Đồn Ngọc Hồi bị đập nát, Sầm Nghi Đống phải tự tử. Hàng vạn giặc phải bỏ mạng ở đầm Mực, Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật, ngựa không kịp chói yên, người không kịp mặc giáp… nhằm hướng Bác mà chạy”. Quân tướng “hoảng hồn, tan tác bỏ chạy”. Chúng tranh nhau chạy, xô đẩy nhau rơi xuống sông, cầu phao đứt, hàng vạn giặc bị rơi xuống nước mà chết, đến nỗi nước sông Nhị Hà bị tắc nghẽn. Bọn sống sót chạy tháo thân về nước!

Bọn Việt gian bán nước cầu vinh như Lê Chiêu Thống, Lê Quýnh, Trịnh Hiến trên đường tháo chạy trở thành lũ ăn cướp. Chúng bạt vía kinh hồn chạy đến Nghi Tàm, “thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc”.

Tại cửa ải, Lê Chiêu Thống và bọn cận thần “than thở, oán giận chảy nước mắt” trông thật bi đát, nhục nhã. Còn Tôn Sĩ Nghị “cũng lấy làm xấu hổ”. Chết nhưng nết không chừa! Lê Chiêu Thống hứa “xin sang hầu tướng quân”, nghĩa là tiếp tục rước voi về giày mả tổ! Còn Tôn Sĩ Nghị vẫn khoác lác: “ Nguyễn Quang Trung chưa diệt,việc này còn chưa thôi!”.

Có thể nói, hình ảnh lũ xâm lược và bọn bán nước được miêu tả bằng nhiều chi tiết châm biếm, thể hiện một thái độ khinh bỉ sâu sắc.

Đọc Hồi thứ mười bốn (Hoàng Lê nhất thống chí) ta càng thấu rõ tim đen quân xâm lược phương Bắc, âm mưu của thiên triều, và bộ mặt dơ bẩn của bọn Việt gian bán nước. Ta càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc ta, vô cùng kính phục và biết ơn Nguyễn Huệ, nhà quân sự thiên tài của Đại Việt.

Nghệ thuật kể chuyện, bút pháp miêu tả nhân vật lịch sử (Nguyễn Huệ, Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị) rất chân thực và sinh động tạo nên những trang văn hào hùng tuyệt đẹp vừa giàu giá trị văn chương, vừa mang tính lịch sử sâu sắc.

Phân tích Hồi thứ mười bốn rút trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái- Mẫu 2

Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử biết bao thăng trầm, có những sự kiện lớn được lưu vào sổ sách cũng như dựa vào đó làm nguồn cảm hứng cho các nhà văn. Và thời kì những năm cuối thế kỉ XVIII cuối thế kỉ XIX, đã có sự kiện lớn, và đã được các nhà văn Ngô gia văn phái ghi chép lại thông qua tác phẩm ” Hoàng Lê nhất thống chí”. Có nhận xét rằng: “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, có thể nói cảm hứng yêu nước và tự hào dân tộc nhiều khi đã lấn át cả thái độ thiên vị với triều đình Lê. Điều đó đã mang lại những chi tiết thực và hay. Ta có thể thấy rõ điều đó qua hồi 14 của tác phẩm.

Ngô gia văn phái là tập hợp các anh em nhà họ Ngô làm việc cho triều đình nhà Lê. Khi ấy triều đình nhà Lê đang ở thế suy tàn, thối nát,vì vậy nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy và tiêu biểu là phong trào Tây Sơn của anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Các nhà văn họ Ngô đã tái hiện lại một cách chân thực nhất và khách quan nhất về thời kì ấy.

Hồi thứ 14, tác giả đã phác họa lại một cách sinh động nhất về chiến thắng lẫy lừng của Nguyễn Huệ cùng với đó là sự thất bại thảm hại của quân Thanh và vua Lê bán nước. Như đã biết, tác giả họ Ngô làm việc cho triều Lê chắc hẳn phải thiên vị vua tôi, phải coi thường nghĩa quân của Nguyễn Huệ – coi đó là giặc cỏ, nhưng thông qua hồi thứ 14 này, ta có thể thấy rằng họ nhìn mọi sự việc diễn ra vô cùng khách quan, nhận diện được đâu là tốt, xấu. Chính vì vậy, mà những trang lịch sử được viết ra đã mang lại những chi tiết “thực và hay” đến thế.

Nổi bật nhất trong hồi 14 này đó hình ảnh người anh hùng áo vải cầm quân đầy tài năng, đó chính là Nguyễn Huệ. Ông có cái nhìn tổng quan về thời cuộc, biết nhìn xa trông rộng, tính toán chính xác trong từng bước đi. Khi nghe tin quân Thanh đã kéo đến thành Thăng Long mà không tốn một chút công sức, ông tức giận lắm, nhưng ông vẫn không hề nao núng, mà quyết muốn cầm quân đi ngay. Chỉ trong vòng một tháng, ông đã làm được bao nhiêu việc, từ tế cáo trời đất, lên ngôi vua và lấy hiệu Quang Trung, bởi ông muốn có được lòng tin của dân, lấy danh nghĩa để dẹp loạn phương Bắc. Liền tiếp đó, ông đã cầm quân đi ngay, trên đường đi ông không ngừng tuyển thêm binh sĩ tinh nhuệ, đào tạo để thành đội quân. Những việc làm đó thật nhanh chóng, kiên quyết cho thấy được sự quyết liệt và sáng suốt của nhà vua Quang Trung. Ông họp bàn với các tướng sĩ đưa ra các chiến lược vậy mà ông đã có một cái nhìn khẳng định “sau mười ngày sẽ đại phá được quân Thanh”. Thêm vào đó, ông còn nghĩ cách để hòa hoãn, tìm cách ngoại giao lại với quân Thanh bởi ông cho rằng đất nước cần phải được yên ổn, xây dựng phát triển, xây dựng lực lượng, tạo những đội quân mạnh cho chính đất nước mình.

Từ trước cuộc chiến hay kể cả khi bước vào cuộc chiến, Quang Trung đã chứng minh được mình là một nhà quân sự tài ba. Ông có một tài năng dùng binh như thần. Ông điều quân thần tốc đi từ Huế vào ngày 25 tháng Chạp đến Nghệ An vào ngày 29 tháng Chạp vượt qua 350km đường lẫn cả núi đèo, rồi ra đến Tam Điệp. Trong cuộc hành trình ấy ông còn tổng duyệt binh và đến 30 tháng Chạp đội quân đã đến thành Thăng Long. Điều ngạc nhiên là tất cả đội quân của ông đều đi bộ. Trải qua bao khó khăn gian khổ trên cuộc hành trình dài mà đội quân của ông vẫn chỉnh tề, cờ nào đội đấy vẫn nghiêm chỉnh, điều này càng khẳng định thêm tài cầm quân của ông. Điều đó càng dễ hiểu khi đội quân đến thành Thăng Long và đánh tan quân giặc trước dự kiến đó hai ngày. Ông tự mình chỉ huy, xuất thân ra trận cùng các binh lính của mình và đã đạt được thành công như mong đợi. Đồn Hà Hồi phải đầu hàng, Ngọc Hồi thì bị đập nát, Sầm Nghi Đống phải tự tự, hàng vạn quân giặc đã phải bỏ mạng. Tôn Sĩ Nghị thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên… cứ nhắm hướng bắc mà chạy”. Một khung cảnh náo loạn của bọn giặc cướp nước, đó là cái giá mà bọn chúng phải trả vì tội xâm lược, phá hạnh phúc bình yên của dân tộc khác.

Bọn Việt gian bán nước cũng phải chịu số phận tủi nhục không kém, trên đường bỏ chạy, chúng hóa thành bọn cướp, cướp thuyền của dân để chạy trốn sang bên phía Bắc mà lánh nạn.

Hồi thứ 14 vô cùng đặc sắc bởi nó đã vẽ nên khung cảnh toàn diện nhất của cuộc chiến, nó nêu lên một chiến thắng vẻ vang của dân tộc,và cũng là lời nhắc nhở, cảnh cáo đến những kẻ ngoại xâm, hay bán nước sẽ phải trả giá cho những tội lỗi mà chúng đã làm. Bằng tài năng kể chuyện, nhà văn họ Ngô đã miêu tả chân thực từng nhân vật cũng như các sự kiện cao trào và vô cùng hấp dẫn. Vì vậy “Hoàng Lê nhất thống chí” xứng đáng sống mãi với lịch sử của dân tộc. Nó mãi mãi là những trang viết “thực và hay”.

Phân tích Hồi thứ mười bốn rút trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái- Mẫu 3

“Hoàng Lê nhất thống chí” của nhóm tác giả Ngô gia văn phái từ lâu đã được xem là cuốn sách lịch sử đặc biệt quan trọng, là cuốn tư liệu quí giá cho các nhà sử gia nước nhà. Tuy nhiên, vượt ra khuôn khổ giá trị của cuốn sách lịch sử thông thường, tác phẩm còn mang một giá trị văn chương hay, độc đáo, rất tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết lịch sử, viết theo lối chương hồi.

Toàn bộ tác phẩm gồm có mười bảy hồi. Đó là một chuỗi câu chuyện lịch sử dài, với biết bao nhiêu là những biến cố thăng trầm, đầy dữ dội, đau thương, đẫm máu và nước mắt của các triều đại phong kiến Việt Nam từ ba mươi năm cuối thế kỉ XVIII đến mấy năm đầu thế kỉ XIX; từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa cho đến khi Gia Long chiếm Bắc Hà, lật đổ triều đại Tây Sơn, lập nên triều đại Gia Long – nhà Nguyễn. Trong tác phẩm, tiêu biểu có Hồi thứ mười bốn: “đánh Ngọc Hồi quân Thanh thua trận. Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài”, là một trong những phần hay nhất của tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”.

Tác giả đã dựng lên bức chân dung về người anh hùng áo vải dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh và tái hiện sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh cùng số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống một cách chân thực, sinh động.

Có thể nói, dưới ngòi bút của nhà văn, người đọc như đang sống lại những giờ phút đau thương của lịch sử dân tộc khi mà vào cuối năm Mậu Thân 1788, đầu năm Kỉ Dậu 1789, vua Lê Chiêu Thống đã rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta. Ngày 22 tháng 11, Tôn Sĩ Nghị chiếm được thành Thăng Long, tướng Ngô Văn Sở phải tạm thời rút lui về Tam Điệp để phòng thủ.

Đứng trước vận mệnh lịch sử Việt Nam “ngàn cân treo sợi tóc”, Nguyễn Huệ hiện lên như một vị cứu tinh chói lọi của dân tộc ta. Nhận được tin báo Nguyễn Huệ giận lắm, “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Chỉ trong vòng hơn một tháng trời, Nguyễn Huệ đã làm được rất nhiều việc: Ngày 25 lên ngôi hoàng đế, “tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi”, rồi đốc thúc đại quân tiến ra Bắc; ngày 29 tới Nghệ An, nhà vua cho tuyển thêm quân sĩ và mở một cuộc duyệt binh lớn, thu nạp được hơn một vạn quân tinh nhuệ; sau đó đưa ra lời phủ dụ, vạch rõ âm mưu và sự tàn độc của quân xâm lược phong kiến phương Bắc, nêu cao truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc và đưa ra lời hiệu triệu kêu gọi các quân sĩ “đồng tâm hiệp lực, để dựng lên công lớn”.

Lời phủ dụ như sấm truyền bên tai, như một lời hịch mang âm hưởng vang vọng của sông núi, kích thích lòng yêu nước và truyền thống anh hùng của dân tộc. Chưa dừng lại ở đó, nhà vua còn hoạch định kế hoạch hành quân “lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đánh đuổi được người Thanh” rồi chia quân sĩ ra làm năm đạo”.

Hôm đó là ngày 30 tháng chạp, vua cho tổ chức mở tiệc khao quân , hẹn đến ngày mồng bảy năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng…Qua đó, ta thấy vua Quang Trung – Nguyễn Huệ hiện lên là một con người có hành động mạnh mẽ, xông xáo, có trí tuệ sáng suốt trong nhận định tình hình địch ta và là người biết nhìn xa trông rộng, chưa thắng nhưng nhà vua đã nghĩ tới quyết sách ngoại giao, kế hoạch hòa bình trong mười năm tới.

Tác giả đã mượn lời người cung nhân cũ để làm nổi bật tính cách anh hùng phi thường của Nguyễn Huệ khi trận Ngọc Hồi chưa diễn ra: “Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn không một người nào dám nhìn thẳng vảo mặt hắn. Thấy hắn trở tay, đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sấm sét”. Lời nhận xét đó không phải là không có căn cứ. Điều này được thể hiện rất rõ, rất chân thực, cụ thể trong cuộc điều binh khiển tướng trực tiếp của nhà vua.

Trong chiến trận, vua Quang Trung hiện lên oai phong, lẫm liệt, có tài thao lược hơn người. Có thể nói dưới bàn tay chỉ huy của nhà vua, quân đi đến đâu, giặc bị tiêu diệt tới đó. Lúc đi đến sống Gián và sông Thanh Quyết, toán quân Thanh vừa trông thấy bóng nhà vua đã “tan vỡ chạy trước”; tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc vua lặng lẽ cho vây kín làng rồi dùng mưu bắc loa truyền gọi khiến quân Thanh “ai nấy đều rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực, khí giới đều bị quân Nam lấy hết”; sáng mùng 5 tết tiến sát đồn Ngọc Hồi, đề phòng trước mũi súng của giặc, vua Quang Trung đã sai quân lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, cứ mười người một bức, lưng giắt dao ngắn, theo sau là hai mươi người cầm binh khí dàn thành chữ “nhất” tiến thẳng vào đồn.

Vì thế, súng giặc bắn ra đều vô tác dụng. Nhân có gió bắc, quân Thanh dùng súng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, hòng làm quân ta rối loạn, không ngờ bỗng trời trở gió nam ngược lại, thành ra quân Thanh tự hại mình. Trước tình thế nghìn năm có một ấy, nhà vua liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che, xông thẳng lên phía trước, gươm giáo chạm nhau thì vứt ván xuống đất cứ nấy dao ngắn thủ sẵn trong tay áo mà chém. Kết quả, quân Thanh “thây nằm đầy đống, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại”. Thừa thắng xông lên, vua Quang trung lẫm liệt, oai phong cưỡi voi tiến vào giải phóng thành Thăng Long vào trưa ngày mùng 5 tết Kỉ Dậu – trước kế hoạch hai ngày. Giặc bỏ chạy, vua cho phục binh tại đê Yên Duyên và Đại Áng, vây quân Thanh ở Quỳnh Dô, giặc chạy xuống đầm Mực, cuối cùng bị quân Tây Sơn ” lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người”.

Nhà văn đã tả thật chi tiết, sinh động sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận nhục nhã, bi đát của bọn vua quan phản nước hại dân bằng một giọng điệu vừa ngậm ngùi xót xa, lại vừa mạnh mẽ, tự hào. Vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo quân vào thành. Tôn Sĩ Nghị và vua Lê ở Thăng Long chỉ chăm chú vào ngày tết, yến tiệc vui mừng, không lo chi đến việc bất trắc.

Ngược lại, quan quân ta mạnh mẽ như hổ báo, thế như chẻ tre, như “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”. Vì bị đánh úp bất ngờ, không có chuẩn bị, Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, cứ nhằm hướng bắc mà chạy; Sầm Nghi Đống thì thắt cổ tự vẫn; quân sĩ nhà Thanh đều “hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều.

Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”. Còn số phận thảm hại của bọn vua tôi phản nước hại dân Lê Chiêu Thống cũng phải chịu cảnh nhục nhã của kẻ vong quốc. Lê Chiêu Thống cũng vội vã cùng kẻ thân tín “đưa thái hậu ra ngoài”, bỏ chạy, cướp cả thuyền dân để qua sống, may được người thổ hào giúp cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi ” cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”, sau này phải cạo đầu tết tóc như người Mãn Thanh…

Đến đây, chúng ta mới thấy hết được tác giả Ngô gia văn phái là những con người tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật khách quan. Mặc dù, họ vốn dĩ là cựu thần nhà Lê, ăn bổng lộc triều Lê, không có thiện cảm với quân Tây Sơn, thậm chí xem Tây Sơn như là kẻ thù, nhưng họ vẫn viết về Quang Trung và những chiến công của đoàn quân áo vải một cách thật hả hê, mạnh mẽ, tự hào.

Điều đó có được là do ý thức dân tộc của những trí thức có lương tri, lương tâm. Họ đã thấy được những cái hạn chế, sự thối nát, hèn mạt của nhà Lê và dã tâm xâm lược độc ác, hống hách của quân Thanh nên họ không thể đứng đó mà ngoảnh mặt làm ngơ được. Qua đó, chúng ta cảm thấy thật tâm phục, khẩu phục trước ý thức, trách nhiệm và tình yêu đất nước dân tộc của nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

Đoạn trích “Hồi thứ mười bốn” trong “Hoàng Lê nhất thống chí” là một đoạn trích hay, độc đáo, có nhiều thành công về mặt nghệ thuật: kể tả đan xen rất sinh động, cụ thể, gây được ấn tượng mạnh; giọng điệu biến đổi linh hoạt, phù hợp với từng đoạn văn, từng hoàn cảnh lịch sử. Cảnh tháo chạy của quân tướng nhà Thanh được miêu tả dưới cái nhìn hả hê, mãn nguyện của người thắng trận trước sự thất bại thảm hại của kẻ thù cướp nước: âm hưởng nhanh, dồn dập, gợi sự tán loạn, tan tác.

Cảnh bỏ chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống được miêu tả dài hơn, âm hưởng chậm, toát lên vẻ chua xót, ngậm ngùi… Đặc biệt sự thành công nổi bật trong đoạn trích là nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật với đầy đủ diện mạo tới bản chất: Tôn Sĩ Nghị ( tướng nhà Thanh) thì kiêu căng, ngạo mạn, khi bị quân Tây Sơn đanh đến thì “sợ mất mật” hèn hạ dẫn quân bỏ chạy; vua Lê Chiêu Thống hiện lên là con người ích kỉ, vì lợi ích dòng họ mà trở thành kẻ phản động, đớn hèn, nhục nhã cướp cả thuyền dân mà bỏ chốn; Còn vua Quang Trung – nhân vật chính trong truyện lại hội tụ biết bao phẩm chất của một người anh hùng “văn võ song toàn”, đầu đội trời chân đạp đất… Tất cả đã hòa với nhau làm một, tạo nên sự thành công tuyệt vời của một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, viết theo lối chương hồi.

Khép lại đoạn trích “Hồi thứ mười bốn” người đọc thấy được những âm mưu tàn ác của quân xâm lược phương Bắc đối với dân tộc ta. Đồng thời, qua đoạn trích ta càng cảm thấy tự hào hơn về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc Việt Nam, thấm thía và biết ơn sâu sắc những con người anh hùng, trong đó có nhà vua, nhà quân sự tài ba Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Phân tích Hồi thứ mười bốn rút trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái- Mẫu 4

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm do một số người cùng trong dòng họ Ngô Thi viết. Có thể hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du viết trong những thời điểm nối tiếp nhau.

Ngô Thì Chí (1758 – 1788) là em ruột của danh nhân Ngô Thì Nhậm. Ông làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống, từng chạy theo Lê Chiêu Thống khi Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt lộng thần Nguyễn Hữu Chỉnh và dân Trung hưng bàn kế sách khôi phục nhà Lê. Sau đó, ông được vua Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn chiêu tập những kẻ lưu vong, lập ra đoàn nghĩa binh chống Tây Sơn, nhưng trên đường đi ông bị bệnh và mất đột ngột tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều tài liệu cho rằng ông viết bảy hồi đầu của truyện.
Ngô Thì Du (1772 – 1840) là anh em chú bác với Ngô Thì Chí ông học giỏi nhưng không đổ đạt gì. Dưới triều Tây Sơn, ông ấn mình ở vùng Kim Bảng, Hà Nam. Thời nhà Nguyễn, ông ra làm quan, được bổ nhiệm làm Đốc học Hải Dương, đến năm 1827 thì về nghỉ. Ông là tác giả bảy hồi tiếp theo của Hoàng Lê nhất thống chí, trong đó có hồi mười bốn được trích giảng ở đây. Còn lại ba hồi cuối có thể do một người khác trong Ngô gia văn phái viết vào khoảng đầu triều Nguyễn.
Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn sách ghi chép về những sự kiện của vương triều nhà Lê, có lẽ là vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại quyền cai trị đất Bắc Hà cho vua Lê, về hình thức, tuy tác phẩm chịu ảnh hưởng lối viết tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, những các tác giả rất tôn trọng sự thật lịch sử. Cho nên, mặc dù do nhiều người viết và viết ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng nội dung tác phẩm về cơ bản vần giữ được tính nhất quán.

Trong văn học Việt Nam thời trung đại, có thể coi Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán có quy mô to lớn nhất và đạt được những thành công xuất sắc nhất về mặt nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết.

Tác phẩm đã tái hiện chân thực và sinh động bối cảnh lịch sử đầy biến động ở nước ta trong khoảng hơn ba thập kỉ cuôi của thế kỉ XVIII và mấy năm đầu thế kỉ xrx. Khởi đầu câu chuyện là sự sa đoạ, thối nát đến cực độ của các tập đoàn phong kiến. Thời Lê mạt, vua chẳng ra vua. Vua Lê Hiển Tông ốm đau, bạc nhược, chỉ còn biết chắp tay rủ áo, cam phận làm bù nhìn. Câu nói cửa miệng của ông ta là: Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui, Vua Lê Chiêu Thông đê hèn, cúi đầu khuất phục trước giặc Mãn Thanh, mong cứu vãn cái ngai vàng mục ruỗng sắp sụp đổ. Ông vua cuối cùng là Lê Duy Mật thì tệ hại đến mức bị người đời đánh giá cùng chỉ là một cục thịt trong cái túi da mà thôi.

Bên phủ Chúa, Trịnh Sâm sông xa hoa hưởng lạc, hoang dâm vô độ. Vì say mê Đặng Thị Huệ nên Chúa Trịnh sẵn sàng phế con trưởng, lập con thứ, gây nên loạn từ trong nhà loạn ra. Anh em chém giêt lẫn nhau.

Kiêu binh ỷ thế lộng hành, Sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến đã đến hồi quyết liệt, cần được giải quyết. Trong bối cảnh đó, cuộc nổi dậy với khí thế ngất trời của phong trào Tây Sơn là một tất yếu. Rồi Nguyễn Huệ đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, lập nên triều đại Tây Sơn. Nhưng cơ nghiệp nhà Tây Sơn ngắn ngủi. Chúa Nguyền dần dần hồi phục thế lực, dẹp Tây Sơn, lập vương triều mới (1802). Kết thúc tác phẩm là tình cảnh thảm hại, nhục nhã của vua tôi Lê Chiêu Thống khi nương thân ở nước người.

Tất cả nhừng sự kiện lịch sử trên được các tác giả ghi chép lại thật cụ thể, tỉ mi. Nối bật lên trên bối cảnh của thời đại nhiễu nhương ấy là hình bóng của những con người thuộc các phe phái đôi lập, đặc biệt là hình ảnh ngời sáng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ – người anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh quật cường của dân tộc.

Hồi thứ mười bốn là đoạn trích dài, kể lại diễn biến của nhiều tình tiết, sự kiện. Để hiếu rõ đoạn trích này, chúng ta phải tìm hiểu đôi nét về nội dung của hồi mười hai và mười ba. Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ hai đề bắt viên quan phản bội Vũ Văn Nhậm thì vua Lê Chiêu Thông sợ hãi bỏ kinh thành Thăng Long chạy lên vùng biên ải phía Bắc, chiêu mộ nghĩa binh Gần vương đế chống lại. Nhưng nhóm nghĩa binh ít ỏi ấy không đủ sức đối địch với quân Tây Sơn. Lê Chiêu Thống bèn cử hai viên quan hầu cận là Lê Duy Đản và Trần Danh Án bí mật trốn sang Trung Quốc, gặp viên Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị để cầu viện. Tôn Sĩ  Nghị muốn nhân cơ hội này cướp nước ta liền tâu lên vua Mãn Thanh,xin đưa quân sang đánh. Được lệnh, Tôn Sĩ Nghị kéo đại quân sang với danh nghĩa phù Lê, diệt Tây Sơn. Trước thế giặc mạnh, quân Tây Sơn rút lui về cố thủ ở Tam Diệp. Quân giặc kéo thẳng tới Thăng Long, không gặp sức kháng cự nào liền sinh ra kiêu căng, tự mãn. Lê Chiêu Thống cùng theo về, nhận sắc phong bù nhìn An Nam Quốc Vương.

Đoạn đầu của hồi thứ mười bốn nói về việc Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long, thấy dễ dàng, cho là vô sự nên không đề phòng gì cả. Điều đó làm cho vua tôi Lê Chiêu Thống vốn đã biết rất rõ tài cầm quân xuất quỷ nhập thần của Nguyễn Huệ, rất lo lắng.

Quân tướng Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long chỉ lo chơi bời, tiệc tùng, không hề để ý đến việc quân, lính thì tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không còn có kỉ luật gì cả. Người cung nhân cũ đến tâu với thái hậu về thái độ chủ quan coi thường Tây Sơn của giặc Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống có nguy cơ phải chạy sang đất Trung Hoa một chuyến nữa. Thái hậu hoảng hốt nói với vua. Nhà vua lúc bấy giờ mới hoảng sợ, đến doanh trại xin Tôn Sĩ Nghị xuất quân, bị hắn mắng thẳng vào mặt nên sợ hãi lui về.

Ở hồi thứ mươi bốn này, với cảm quan lịch sử nhạy bén và niềm tự hào dân tộc to lớn, các tác giả đã khắc hoạ thành công hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, miêu tả sự thảm bại của các tướng lĩnh nhà Thanh và số phận bi đát của vua Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân.

Bài văn có thể chia làm ba đoạn:

Đoạn một: Từ đầu đến … hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788): Được tin báo quân Thanh đã chiêm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân lên đường ra Bắc dẹp giặc.

Đoạn hai: Từ Vua Quang Trung tự mình đốc xuất đại binh… đến vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành: Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.

Đoạn ba: Phần còn lại: Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyền Huệ được miêu tả là con người tài ba, hành động một cách quả quyết, xông xáo, nhanh gọn và có chủ đích rõ ràng. Nghe tin giặc Thanh dã chiếm đến tận Thăng Long. Nguyễn Huệ đã thân chinh cầm quân đi ngay. Rồi chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 24 tháng 11 đến 30 tháng Chạp), Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn: tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế đốc xuất đại binh ra Bắc, gặp gỡ người cống sĩ ở huyện La Sơn, tuyển mộ quân lính và mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và nghĩ đến cả kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiếu thắng.

Nguyễn Huệ là ông vua có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa ta và địch. Trong lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An, Nguyễn Huệ đã noi theo việc làm của Nguyễn Trãi trong Đại cáo bình Ngô. Ông khẳng , định chủ quyền dân tộc của ta và lên án hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của giặc: Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy , đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên cỏ Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các Ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tận bạo, nên đã thuận lòng người, dậy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc…

Nguyên Huệ đã nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc ta từ xa xưa. Ông đưa ra một hệ thống dẫn chứng song hành liên tục, cứ một triều đại phương Bắc đi liền với một nhân vật kiệt xuất tiêu biếu của phương Nam. Việc khởi binh của Nguyễn Huệ nằm trong cái tất yếu song hành ấy. Cũng từ cái nhìn sắc sảo này, hơn ai hết, ông vạch ra bản chất việc phù Lê của Tôn Sĩ Nghị chẳng qua là sang cướp nước ta: Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện… Vì vậy ta phải, kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. .

Đồng thời, ông cũng ban ra kỉ luật thật nghiêm đế răn dạy quân lính: Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngav tức khắc, không tha một ai, chớ bảo ta không nói trước. Lời phủ dụ có thể xem như một bài hịch ngắn gọn mà ý tứ thật phong phú, sâu sắc, có tác dụng kích thích lòng yêu nước và động viên tinh thần quân sĩ.

Nguyễn Huệ sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người, thế hiện qua cách xử trí với các tưởng sĩ tại Tam Điệp. Ông rât hiểu sở trường, sở đoản của từng người, khen chê đều đúng người, đúng việc.,. Chẳng hạn khi đại binh thần tốc ra tới Tam Điệp, hai viên tướng Sở và Lân đều mang gươm trên lưng và xin chịu tội. Nguyễn Huệ hiểu trong binh pháp đã nêu rõ 1 “Quân thua chém tướng” nhưng ông đánh giá rất đúng rằng: Sở, Lân không phải hạng người hèn nhát. Hơn nữa, họ làm theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm. Khi thế giặc đang mạnh, Thăng Long lại ở trong tình trạng bị cô lập, thì việc rút lui để bảo toàn lực lượng, chờ đại quân kéo ra là thượng sách. Lẽ ra Sở, Lân bị trừng phạt nhưng cuối cùng lại được Nguyễn Huệ ngợi khen. Hiểu người và dùng người đến mức “tri kỉ, tri âm” như thế là tài của người cầm quân. Hay như khi Nguyễn Huệ sai đại tướng là Hám Hổ Hầu đi kén lính ở Nghệ An theo định mức cứ ba trai tráng, tức là ba suất đinh thì lấy một người. Vì thế nên chẳng mấy chốc đã tuyển được hơn một vạn quân tinh nhuệ.

Nguyễn Huệ có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng. Hiếm có một niềm tin nào vững chắc như niềm tin của Nguyền Huệ. Mới khởi binh đánh giặc, chưa giành lại được một tấc đất nào, vậy mà trước mọi người, ông khẳng định chắc chắn rằng: Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh. Ông còn chuẩn bị cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng đổi với một nước lớn gấp mười nước mình. Thắng thì thắng, nhưng việc binh đao chưa thể dứt được ngay vì sỉ nhục của một nước lớn dễ gì nguôi ngoai. Vì thế cần phải hoà hiếu tạm thời: Chờ mười năm nữa cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?

Quang Trung Nguyễn Huệ có tài dụng binh như thần. Cuộc hành quân thần tốc do ông đích thân chỉ huy. Ngày 25 tháng Chạp bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân (Huế), ngày 29 đã ra tới Nghệ An, vượt khoảng mấy trăm dặm qua núi, qua đèo. Tại đây, ông vừa tuyển quân, vừa tổ chức đội ngũ duyệt binh, chỉ trong một ngày. Hôm sau, tiến quân ra Tam Điệp, giáp giới Ninh Bình, Thanh Hoá. Đêm 30 tháng Chạp, quân sĩ lập tức lên đường, tiến ra Thăng Long. Tất cả đều đi bộ. Có sách còn kể vua Quang Trung sử dụng cả cáng và võng. Cứ hai người khiêng thì một người được nằm nghỉ, luân phiên nhau suốt đêm ngày. Từ Tam Điệp ra tới Thăng Long khoảng hơn trăm dặm. Vừa hành quân, vừa đánh giặc, vậy nên vua Quang Trung khẳng định là mồng 7 tháng giêng sẽ ăn Tết ở Thăng Long. Thực tế đã rút gọn được hai ngày. Hành quân xa liên tục như vậy, nhưng cơ nào đội ấy vẫn chỉnh tề, cùng do tài năng  tổ chức của người đứng đầu. Hơn một vạn quân mới tuyển đặt ở trung quân, còn quân tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc ở bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu.

Quả thật, theo dõi cuộc hành quân của Nguyễn Huệ từ Tam Điệp trở ra, người đọc mới hiếu thế nào là thần tốc, về lực lượng, quân cua Nguyễn Huệ chia làm năm đạo, có cả thuỷ và bộ, nhưng bộ binh là chính. Phương tiện hành quân không thấy nói đến lừa, ngựa, chỉ có một ít voi, trong đó có con voi do vua Quang Trung cưỡi. Vậy thì đại quân chủ yếu là đi bộ. Từ Nghệ An ra, sau khi nhà vua hạ lệnh tiến quân, các quân đều – nghiêm chỉnh mà đi Từ Tam Điệp trở ra, tình hình cụng chẳng khác gì hơn. Đó là chưa nói vừa đi vừa đánh giặc. Đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), đạo quân của Nguyễn Huệ còn ở Tam Điệp, mà đến đêm mùng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) đá tới Hà Hồi, vượt qua hai con sông Gián Khẩu và Thanh Quyết, tiếp cận Thăng Long. Hơn một trăm dặm mà chỉ đi có ba ngày! Giữ nguyên tốc độ ấy, mờ sáng ngày mùng 5 Tết, đại quấn đã đến đồn Ngọc Hồi, dập tắt sự kháng cự dữ dội của giặc dưới sự chỉ huy của tên thái thú Sầm Nghi Đống.

Trong trận chiến, vua Quang Trung thân chinh cầm quân. Ông là vị tổng chỉ huy chiến dịch, tự hoạch định chiến lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thông lĩnh một mũi tiến công, xồng pha tên đạn… Đội quân Tây Sơn chưa được luyện tập, lại vừa trải qua những ngày hành quân vất vả, vậy mà đà đánh những trận áp đảo kẻ thù. Khi công phá đồn Ngọc Hồi, ông chỉ đạo quân ta lấy ván ghép phủ rơm dấp nước để làm mộc che; giáp lá cà thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa, những người cầm binh khí theo sau củng nhất tề xông tới mà đánh… Khí thế của nghĩa quân làm cho kẻ thù phải khiếp vía: Thật là: Tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên, Hình ảnh dũng mãnh của vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc trận đánh phản ánh cuộc chiến đấu thật quỵết liệt và cũng thật hào hùng.

Cùng ngày hôm đó đại quân đà tiến đến Thăng Long. Cuộc hành quân thần tồc ây đà đem lại hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Mưu lược quân sự của vua Quang Trung biến hoá như thần, không có trong bất cứ một cuốn binh thư nào từ trước đến nay.

Nguyên nhân của những thắng lợi to lớn ấy trước hết là nhờ quân ta đảm bảo được yếu tố “ bất ngờ”. Mỗi trận đánh, Quang Trung đều dồn đối phương vào một ván cờ đã bày sẵn mà ông nắm chắc phần thắng, khiến chúng không kịp trở tay. Chính vì coi trọng yếu tố bất ngờ nên khi tới sông Thanh Quyết, Quang Trung đã cho truy đuổi và tiêu diệt gọn toán do thám của giặc để đảm bảo bí mật nhừng trận đánh lớn tiếp theo, để quân Thanh đóng ngoài Thăng Long không kịp biết tin tức mà chủ động dề phòng. Trong chiến tranh, đảm bảo được bí mật, bất ngờ đã là nắm chắc một nửa thắng lợi trong tay.

Nói cho cùng, thắng bại của cuộc chiến phụ thuộc vào nhiều yếu tố” nhưng hai yếu tố chính là thế và lực. Lực liên quan đến thế và thế có thể tạo ra lực. Quang Trung đã tận dụng và phát huy tối đa hai yếu tố” then chốt ấy. Bất ngờ là một khía cạnh của thế. Quang Trung giữ kín yếu tố” bất ngờ về thời gian và địa điểm tấu công. Ngoài ra còn có sự bất ngờ về cách đánh. Trường hợp đánh, đồn Hạ Hồi là một đồn nhỏ thì chiến thắng của đại quân có phần đơn giản, bởi không cần bắn một mũi tên nào mà kẻ thù tự đem mình chịu trói. Cái đó còn nhờ vào mưu. Người cầm quân phải có một sự quyền biến trong mưu lược đạt tới mức nghệ thuật thì mới có thể vừa chiện thắng vẻ vang, vừa bảo toàn được lực lượng. Tới đồn Ngọc Hồi, cửa ngõ của kinh thành Thăng Long thì tình thế lại hoàn toàn khác. Lực lượng lớn của giặc đóng ở đây. Muôn áp đảo kẻ thù ngay từ phút đầu thì phải thay đổi cách đánh. Để vô hiệu hóa hoả lực của giặc, Quang Trung đã ra lệnh cho quân sĩ dùng ván bọc rơm ướt làm thành một thứ khiên mộc đơn giản để che chắn cho đại quân dàn chữ “nhất” tiến iên. Kết quả là quân giặc bắn ra chẳng trúng người nào cả. Đến khi quân Thanh dùng ống phun khói để làm cho đại quân ta rối loạn thì bỗng chốc gió trở chiều, thành ra quân Thanh lậi tự hại mình, dồn mình vào cái thế không thể chống đỡ được nữa. Uất ức vì tướng giỏi, quân đông, ý chí xâm lược và mưu kế có thừa mà phải tự trói tay nộp mạng, sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự tử.

Để đạt được chiến thắng tuyệt đối, Nguyễn Huệ đặt ra mục đích vừa tiêu diệtlực lượng đối phương, vừa bẻ gãy hoàn toàn ý chí của chúng. ông đã bày ra một thế trận mà giặc cảm thấy là một thiên la địa võng.

Cho nên quân tướng nhà Thanh càng đánh càng thua, phải hoảng loạn rút chạy. Ở vào cái thế cùng đường, quân Thanh đều hết hồn hết vía, lội trốn xuống đầm Mực, làng Quỳnh Đô, quân Tây Sơn lùa Voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người.

Giữ vững thế và lực ấy, tranh thủ thời cơ, không một phút nghỉ ngơi hay thoả mãn, đại binh của Tây Sơn kéo thẳng vào kinh thành Thăng Long. Quy mô các trận đánh ngày càng mở rộng.

Quân tướng giặc kinh hoàng, Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, không kịp trở tay. Thế là, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, Tôn tống đốc    chỉ còn biết cắm đầu nhằm hướng Bắc mà chạy. Chi tiết có thực này mang ý nghĩa rất lớn bởi vì chỉ mới ít ngày trước đó, hai chục vạn quân từ phương Bắc hùng hổ kéo sang, tuyên bố “làm cỏ giặc Tây Sơn”. Hợm hĩnh, kiêu căng là thế, nay một mảnh giáp không còn, nhục nhã biết bao!

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các tác giả Ngô gia văn phái vốn trung thành với nhà Lê mà lại có thể viết thực và hay đến thế về người hùng Nguyễn Huệ? Ta thấy quan điếm phản ánh hiện thực của các tác giả là tôn trọng sự thật lịch sử và nêu cao ý thức tự hào dân tộc. Dù có cảm tình với nhà Lê, nhưng họ không thể bỏ qua sự thực là vua Lê Chiêu Thông hèn nhát đã cõng rắn cắn gà nhà và chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc. Cho nên, họ mới có thể viết được những trang viết hào hùng, phấn khích như vậy.

Tướng giặc Tôn Sĩ  Nghị kéo quân sang cướp nước ta nhằm những lợi ích riêng, nhưng hắn lại không muôn tốn nhiều xương máu. Như lời người cung nhân cũ nói với thái hậu: …những điều họ bắt buộc mình phải đương lấy rất là nặng nề; còn họ thì chi lảng vảng ở bên bờ sông, lấy thanh thế suông để doạ dẫm mà thôi.

Tôn Sĩ Nghị là một tên tướng bất tài, cầm quân mà không nắm được  tình hình thực hư ra sao, lại còn kiêu căng, tự mãn, chủ quan khinh địch. Dù đã được vua Lê Chiêu Thông cảnh báo trước, y vẫn không chút đề phòng, suốt mấy ngày Tết chỉ chăm chú vào yến tiệc… không hề lo chi đến việc bất trắc, cho quân lính mặc sức vui chơi..

Khi quân Tây Sơn tiến đánh đến nơi, tướng thì sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp… chuồn trước qua cầu phao, quán thì ai nấy đều rụng rời sợ hãi xin ra hàng hoặc bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết… Quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều… đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa. Cả đội binh hùng tướng mạnh, chỉ quen diễu võ đường oai, giờ đây chỉ còn biết tháo chạy suốt đêm suốt ngày, không dám nghỉ ngơi.

Đoạn trích trên đây còn thể hiện số phận thảm hại của bọn vua tôi phản nước, hại dân. Lê Chiêu Thống và những bề tôi trung thành của ông ta đã vì lợi ích riêng của dòng họ mà đem vận mệnh của quốc gia, dân tộc trao vào tay kẻ thù xâm lược. Lẽ tất nhiên, Lê Chiêu Thống phải chịu đựng nỗi sỉ nhục của kẻ đi cầu cạnh van xin, tự đánh mất tư cách của bậc quân vương và kết cục cũng phải chịu chung số phận bi thảm của kẻ vong quốc. Khi quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, Lê Chiếu Thống vội vã cùng mấy bề tôi thân tín lên đưa Thái hậu ra ngoài, chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân để qua sông. May gặp người thổ hào thương tình đón về cho, ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt. Tư cách hèn hạ của vua Lê Chiêu Thống được các tác giả đặc tả trong nhiều trường hợp, những giọt nước mắt ngậm ngùi tiễn biệt Tôn Sĩ Nghị ở biên giới của ông ta thật thảm hại mà cũng thật nực cười…

Tác giả miêu tả chân thực tình cảnh khốn cùng của vua tôi Lê Chiêu Thống và kín đáo gửi gắm vào đó một chút cảm xúc riêng của người bề tôi cũ. Cảm xúc ấy biểu hiện qua giọng văn có phần ngậm ngùi, chua xót, khác với âm hưởng sôi nồi, hào hứng ở trên.

Bằng lối văn trần thuật kết hợp miêu tả chân thực, sinh động, tác giả đã giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong chiến công đại phá quân Thanh cùng sự thảm bại của bộn xâm lược và số phận của lũ vua quan phần dân hại nước.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” Phân tích Hồi thứ mười bốn rút trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!