Updated at: 17-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích đoạn thơ sau trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận: Mặt trời xuống biển như hòn lửa,… Dàn đan thế trận lưới vây giăng” chuẩn nhất 09/2024.

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận: Mặt trời xuống biển như hòn lửa,… Dàn đan thế trận lưới vây giăng- Mẫu 1

Trong các tác phẩm thơ đã đọc, em thích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận. Bài thơ ra đời sau một chuyến đi thực tế ở Hòn Gai của tác giả. Khung cảnh lao động hăng say của những người đánh cá trên biển trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội đã tạo cảm xúc cho nhà thơ. Bài thơ với những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, những sự liên tưởng ý nhị giàu hình ảnh, cảm xúc, nhà thơ đã tạo cho tác phẩm một sức sống mãnh liệt và một vẻ đẹp huy hoàng. Trong bài thơ, có đoạn thơ:

                                     “Mặt trời xuống biển như hòn lửa,

                                      Sóng đã cài then đêm sập cửa

                                      Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

                                      Câu hát căng buồm cùng gió khơi

                                      Hát rằng cá bạc biển Đông lặn

                                      Cá thu biển Đông như đoàn thoi

                                      Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

                                      Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!

                                      Thuyền ta lái gió với buồm trăng

                                      Lướt giữa mây cao với biển bằng

                                      Ra đậu dặm xa dò bụng biển                         

                                      Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Đã để lại cho em nhiều cảm xúc. Toàn bài là một chuyến đánh cá đêm trên biển. Và đoạn thơ trên là mở đầu của chuyến đi ấy cho cả không gian và thời gian. Đó là một buổi hoàng hôn trên biển với một vẻ đẹp kì vĩ:

                                     Mặt trời xuống biển như hòn lửa

                                     Sóng đã cài then đêm sập cửa.

Ngay từ hai câu thơ đầu nhà thơ đã khéo léo dùng những hình ảnh cụ thể sinh động “mặt trời” “biển” “sóng” kết hợp với biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa để tạo nên một khung cảnh thời gian đang biến chuyển về đêm.

Hình ảnh mặt trời rực rỡ như hòn lửa đang lặn dần trong mặt biển báo hiệu một ngày đã trôi qua và cũng như muốn nhường cho mặt biển ấy một hoạt động lúc vào đêm. Chỉ với biển, với sóng, tác giả tạo nên một sự nhân hóa vừa mang nét kì bí vừa như khép lại một thế giới này để rồi mở ra một thế giới khác cũng đẹp và huyền ảo của biển đêm.

                                     Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

“cài then” “sập cửa”, những hành động nghỉ ngơi lại được thực hiện bởi “sóng” “đêm” bởi đó chính là điều kiện mà con người nơi đây đã sống: gần biển, trên biển.

Song song với sự nghĩ ngơi đó, khi mà màn đêm buông xuống, nơi nơi chìm vào sự yên nghỉ thì biển lại đón nhận những hoạt động mới, của những con người luôn hăng say với công việc:

                                     Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

                                     Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Tác giả đã khéo lồng vào chữ “đã” (cài then) của câu thơ trên với chữ “lại” ra khơi ở câu dưới một sự so sánh về ý nghĩ thật kín đáo: vũ trụ đã nghỉ ngơi hoàn toàn nhưng cũng vào thời điểm ấy “đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”. Những người đánh cá trên đoàn thuyền ấy đã cho thời điểm thích hợp với công việc mặc cho nó ngược lại với quy luật vũ trụ, bởi họ là nhửng người lao động, sống để lao động và mang theo quyết tâm chinh phục thiên nhiên cùng với công việc của mình: công việc đánh cá trên biển. Vì thế chuyến đi của họ tràn đầy lời ca tiếng hát, nhiệt huyết hăng say lao động.

                                         Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Vì khí thế của những người ra đi hăng say như thế nên tác giả đã dùng một hình ảnh thật đẹp và nên thơ, lời ca tiếng hát hào hùng đã cùng với gió khơi làm căng buồm kéo nhanh con thuyền đi ra khơi hoạt động. Khi ra đi, những người đánh cá đã mang quyết tâm đó, họ đã hát lên bài ca lao động hào hùng. Họ, những con người hiên ngang, ra đi giữa biển, phục vụ đời sống con người.

Biển của đất nước chúng ta rộng lớn, bao la, biển đẹp bao nhiêu, biển cũng nhiều tài nguyên bấy nhiêu, tài nguyên của biển là cá, cá cũng tô đẹp cho biển:

                                        Hát rằng cá bạc biển Đông lặn

                                        Cá thu biển Đông như đoàn thoi

                                        Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

                                        Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!

Biển giàu đẹp biển có nhiều cá. Tác giả đã ví đoàn tàu như đoàn thoi từ đó liên tưởng đến tấm vải dệt là biển. Một hình ảnh đẹp và khoáng đạt biết bao! Từng đoàn cá như những con thoi ngang dọc trên “tấm vải” dệt là biển, tạo nên những luồng sáng lấp lánh giữa biển đêm.

Yêu vẻ đẹp của biển, thán phục sự giàu có của biển, những người đánh cá mong muốn đánh bắt được nhiều cá để phục vụ cho đất nước.

                                        Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!.

Câu nói như một lời kêu gọi “đoàn cá” nhưng cũng là lời gọi nhau, những người đánh cá, hãy nhanh tay lao động.

Những người đánh cá ra đi trong buổi đêm cùng với câu hát, với tâm hồn hăng say lao động. Họ ra đi hiên ngang giữa biển trời:

     Thuyền ta lái gió với buồm trăng

     Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

     Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Khí thế của những người đánh cá giữa biển đêm mới thật kiêu hùng: Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Trí tưởng tượng của tác giả thật đẹp, sự liên tưởng bay bổng đã bao trùm lên những đoàn thuyền đánh cá bằng những hình ảnh đẹp, đầy cảm xúc. Con thuyền lái gió đi giữa biển trời, cánh buồm làm bạn với gió trăng. Những hình ảnh liên tưởng hùng vĩ mà nên thơ. Con người ở giữa thiên nhiên, làm bạn với thiên nhiên.

     Lướt giữa mây cao với biển bằng

Người lao động ra đi với quyết tâm chinh phục thiên nhiên và tô đắp cho thiên nhiên ngày càng tươi đẹp.

Câu thơ với biện pháp nhân hóa đã biến con thuyền biết “đậu” “dò” biển cả. Bởi người trên thuyền luôn tìm kiếm tài nguyên của biển phục vụ cho đời sống.

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

    Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá có kỹ thuật đan như một thế trận, để thu bắt những gì biển đã hào phóng trao tặng cho ta.

Đoạn thơ miêu tả không gian và thời gian mở đầu của một cuộc đánh cá đã tạo nên cho cả bài thơ một cái nền vừa đẹp, vừa hừng vĩ, vừa nên thơ. Đoạn thơ bao trùm bởi bút pháp liên tưởng lãng mạn nhưng giàu chất thơ và cảm xúc. Đọc thơ ta có tâm trạng hào hứng của con người ra khơi, tâm trạng xúc động và tự hào trước thiên nhiên mà ta cố tâm chinh phục với mục đích làm giàu thêm cho quê hương đất nước.

Tuy chỉ là một đoạn thơ trong cả bài thơ Đoàn thuyền đánh cá nhưng đoạn thơ ấy để lại cho em nhiều cảm xúc nhất vì nó mang một sức sông mãnh liệt của những con người lao động, và biển trong đoạn thơ đã được tác giả vẽ lên những nét đẹp vừa kì bí vừa huy hoàng như cuốn hút em vào thiên nhiên kì diệu. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã truyền cho em một niềm tin và sức sông mới, giúp em thêm yêu những người lao động và quê hương mình, tạo cho em quyết tâm mai sau khôn lớn sẽ đi xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận: Mặt trời xuống biển như hòn lửa,… Dàn đan thế trận lưới vây giăng- Mẫu 2

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cả dân tộc ta hồ hởi trong niềm vui của độc lập, của tự do mà suốt bao năm vất vả mới có được. Chung trong niềm vui tươi ấy, người dân cả nước cùng bắt tay nhau lao động, xây dựng khôi phục đất nước sau chiến tranh. Và cùng trong thời gian này, nhà thơ Huy Cận đã có một chuyến đi thực tế ở Hòn Gai, Quảng Ninh. Tại đây, Huy Cận đã được tận mắt ngắm nhìn những đoàn thuyền đánh cá nhộn nhịp, những con người lao động hăng say, tấp nập cùng nhau căng buồm ra khơi và đó là nguồn cảm hứng để ông đã viết lên tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ là lời ca ngợi sự giàu đẹp của quê hương Việt Nam “rừng vàng biển bạc” cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người lao động hăng say thi đua sản xuất trong thời kì mới – thời kì đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm giàu cho quê hương. Trong đó, ba khổ đầu tiên của bài thơ là những hình ảnh đẹp nhất bao trọn toàn bài thơ:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Sau những năm tháng nghỉ ngơi, hồn thơ của Huy Cận dường như chưa tìm thấy được niềm cảm hứng mới mẻ. Mãi đến tận năm 1958, trong chuyến đi tới Hòn Gai, Quảng Ninh, được đắm mình, say mê ngắm nhìn những con người làng chài đang hăng say tiến ra biển lớn, ông mới tìm lại được niềm hứng khởi, say mê, nguồn cảm hứng mới mẻ. Hồn thơ trong ông lại nảy nở trở lại, dào dạt một niềm say mê với vẻ đẹp thiên nhiên, con người đất nước trong niềm vui trước cuộc sống lao động mới. Và thế là Đoàn thuyền đánh cá đã ra đời và cùng được in trong tập thơ nổi tiếng của ông “Trời mỗi ngày lại sáng”. Ba khổ thơ đầu của bài thơ là vẻ đẹp của thiên nhiên cùng con người lao động hòa quyện cùng nhau tạo nên một bức tranh đặc sắc.

Mở đầu bài thơ, bằng đôi mắt tinh tế đầy lãng mạn của mình, và bằng trí tưởng tượng phong phú, Huy Cận đã vẽ ra trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên của một buổi hoàng hôn đẹp lộng lẫy. Điểm xuyết trong không gian kì vĩ đó, hình ảnh của những con người lao động cũng hiện lên thật rực rỡ, sống động tới mức kinh ngạc:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Hai câu thơ đầu, Huy Cận đã phác họa lên bức tranh về hoàng hôn tráng lệ trên mặt biển lớn.

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa”

Câu thơ ấy đã mở ra cái không gian rộng lớn của vũ trụ bao la, có mặt trời, có biển rộng với những con sóng ùa nhau nối dài. Vầng mặt trời đỏ ối đang từ từ lui dần về phía chân trời rộng trên nền của mặt nước mênh mang. Hình ảnh mặt trời vốn không hiếm trong thi ca Việt, thế nhưng, Huy Cận lại mang tới một xúc cảm mới khi ông gọi mặt trời đang xuống biển kia “hòn lửa” vừa đỏ rực lại vừa nóng bỏng. Trong không gian mênh mông của nước biển, mặt trời nổi bật lên trên nền xanh biếc của nước, tỏa những ánh nắng cuối cùng màu đỏ ối xuống mặt biển xanh, nhuộm màu cả một vùng biển lớn. Màu đỏ ấy thật nổi bật, thật rực rỡ và sinh động. Câu so sánh ngắn gọn là vậy, nhưng chỉ cần vậy thôi, buổi hoàng hôn trong thơ Huy Cận đã hiện lên thật đẹp biết chừng nào. Và càng đẹp hơn, khi hình ảnh những con sóng biếc hiện lên trên nền mênh mông sóng nước:

“Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

Từng con sóng gợn lăn tăn, nối đuôi nhau vỗ nhè nhẹ vào bờ cát. Thế nhưng, trước con mắt lãng mạn Huy Cận, nó lại biến thành những chiếc then cửa lớn. Từng con sóng ấy đang cài những chiếc khóa, chiếc then để khép lại một ngày dài rực rỡ để nhường chỗ cho đêm đen tĩnh lặng. Phải nói, chưa có hình ảnh so sánh nào trong thơ ca Việt lại đặc biệt và đắt giá như hình ảnh này trong thơ Huy Cận! Nếu không có trí tưởng tượng thật tinh tế, làm sao ông có thể liên tưởng đến những hình ảnh thơ đặc sắc đến nhường ấy được chứ? Những con sóng đang đóng dần tấm màn ban ngày, cánh cửa của màn đêm cũng đang được kéo lên rồi “sập cửa”. Vũ trụ trước mắt Huy Cận như một ngôi nhà khổng lồ và màn đêm chính là tấm của ngăn cách ánh sáng ban ngày, những con sóng là những chiếc then chốt cửa. Thời gian và không gian được xoay chuyển dần dần, một ngày sôi động đã khép lại, nhường chỗ cho không gian yên tĩnh của màn đêm. Ẩn trong lời thơ của Huy Cận, người ta thấy sự vận động nhanh chóng của thời gian, không chỉ qua nhịp thơ cứ dồn dập liên tiếp, qua cách ngắt nhịp nhanh 4/4 trong câu thơ thứ hai, mà còn trong cách gieo vần “lửa-cửa” nữa. Có thể nói, chỉ bằng hai câu thơ, Huy Cận đã vẽ lên bức tranh hoàng hôn trên biển đẹp lộng lẫy đến nhường nào, thiên nhiên hiện lên thật rộng lớn, bao la! Vũ trụ đang bước những bước chân về ngơi nghỉ sau một ngày dài vất vả. Thế nhưng đối lập với hình ảnh nghỉ ngơi ấy của thiên nhiên, vũ trụ, con người bây giờ đây lại nhộn nhịp, tấp nập hơn để chuẩn bị cho công việc của mình:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Mặt trời vừa khuất sau chân trời thì con người lại bắt đầu công việc của mình. Đoàn thuyền đánh cá ra khơi với khí thế đầy hào hùng. Ở đây, có một sự tương phản thật đặc sắc mà Huy Cận đã tạo nên: ngày tàn – đêm mở, vũ trụ tĩnh lặng – con người sôi động, vũ trụ nghỉ ngơi – con người làm việc. Giữa cái tĩnh mịch của không gian, hình ảnh con người hiện lên thật rạng rỡ. Một đoàn thuyền cùng nhau rời bến, căng buồm ra khơi giữa thiên nhiên bao la. Ở đây, Huy Cận không nói một con thuyền, một chiếc thuyền cụ thể nào mà ông nói “đoàn thuyền” – tức nhiều con thuyền gộp lại. Đọc câu thơ lên, người đọc cảm nhận được cái khí thế lớn lao mà đoàn thuyền kia mang đến, đó là sức mạnh của tinh thần tập thể, của tình đoàn kết. Nhịp điệu trong câu thơ này không còn gấp gáp như trong câu thơ trên, nó nhẹ nhàng hơn nhưng cũng không kém phần giàu ý nghĩa. Đoàn thuyền ra khơi không phải lần đầu mà là “lại ra khơi” – đó là sự lặp đi lặp lại nhiều lần, có chu kì cẩn thận. Chỉ một từ “lại” thôi nhưng thật đắt giá biết mấy: Đoàn thuyền của chúng ta “lại” ra khơi rồi.

Ra khơi, giữa mênh mông là sóng nước, biết bao vất vả, gian lao đang chờ đón những con người lao động ấy, thế mà họ vẫn lạc quan, vui vẻ, cất những câu hát yêu đời. Đó là tiếng hát ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi tinh thần đoàn kết của con người. Tiếng hát ấy hòa quyện trong gió biển, thổi căng tấm buồm lớn, giúp họ băng nhanh ra biển lớn để gặt hái những thành quả. Cánh buồm của đoàn thuyền no gió, no tiếng hát cùng con người rẽ sóng ra khơi. Đi tới gian khổ, vất vả, thế nhưng chẳng hề lo sợ, chẳng hề gấp gáp, mệt mỏi, hay hoang mang đó là biểu hiện của sự lạc quan, yêu đời của những con người vừa đứng lên từ bùn đất, “rũ bùn dậy sáng lòa”, bởi giờ đây họ đang được làm chủ chính cuộc đời của mình, được làm chủ cả biển khơi nữa.

Hình ảnh con người trong câu thơ hiện lên thật choáng ngợp. Họ đứng lên, sánh ngang tầm với thiên nhiên, vũ trụ. Họ hòa quyện cùng thiên nhiên, vừa phóng khoáng, vừa cao lớn, đẹp đẽ. Niềm vui, khí thế lao động đã tạo nên vẻ đẹp của con người ở đây.

Vẫn nối tiếp câu hát ở khổ thơ trên, khổ thơ thứ hai, Huy Cận đã mang đến một hình ảnh khác. Đó là hình ảnh mang vẻ đẹp của thiên nhiên cùng ước mong thu hoạch lớn của con người.

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”

Một khúc hát khỏe khoắn của những người con miền biển đang được cất lên giữa biển khơi bao la. Đó là câu hát với ước mong biển lặng trời yên, niềm mong ước đánh bắt được thật nhiều cá để làm giàu cho quê hương, cho đất nước. Họ đang cất lên khúc ca, ca ngợi những loài cá của biển cả, tiếng hát gọi cá của con người.

Nối tiếp những liên tưởng thật độc đáo ở khổ thơ trước, trong khổ thơ này, Huy Cận đã có một liên tưởng thật thú vị. Những con cá thu mình thon dài được ông so sánh như những chiếc thoi dệt vải. Những chiếc thoi ấy đang lao nhanh trên mặt nước, trở thành một “đoàn thoi” thật đông đúc, mạnh mẽ. Và biển cả giờ đây biến thành tấm thảm lớn, đang sáng lóng lánh lên bởi ánh phản chiếu của những ngọn đèn trên thuyền, để những chiếc thoi kia dệt lên “muôn luồng sáng”. Đã có một sự liên tưởng nào độc đáo hơn sự liên tưởng này của Huy Cận chăng? Biển cả giờ đây trở lên thật lung linh, huyền ảo, thật lộng lẫy như tấm màn nhung đen huyền điểm thêm ánh vàng lóng lánh, tinh khôi.

Giữa cái đẹp rực rỡ ấy, Huy Cận lại tiếp tục cất tiếng gọi:

“Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”

Một tiếng gọi thân thương như tiếng gọi của một con người. Đoàn cá ơi, hãy đến dệt lưới ta đi, hãy cho ta một mẻ cá lớn, thật bội thu! Đó chẳng phải cũng là tiếng gọi của ước vọng đánh bắt được thật nhiều cá của người lao động trên đoàn thuyền kia sao? Dệt biển rồi lại dệt lưới, công việc vốn vất vả, giờ đây lại chỉ như việc se chỉ luồn kim, dệt vải nhẹ nhàng! Quả thật, niềm vui, niềm hăng say lao động đã làm tan biến bao nhọc nhằn, vất vả của con người, để họ tiếp tục công cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên.

Đoàn thuyền đang ở giữa mênh mông của sóng nước, giữa mênh mông của không gian vũ trụ rộng lớn bao la:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Những con thuyền đánh cá trong đoàn thuyền của Huy Cận vốn chỉ là những con thuyền bình thường, nhỏ bé, gần gũi với chúng ta. Thế nhưng, giờ đây, khi đứng giữa biển lớn, những con thuyền ấy đột nhiên lớn bổng lên, to lớn với kích thước thật khổng lồ mà hòa nhập với thiên nhiên và vũ trụ. Nó không còn là đoàn thuyền nhỏ bé nữa, nó là con thuyền với bánh lái là gió, buồm là ánh trăng cao, lướt đi giữa mênh mang mây và biển. Bằng những hình ảnh “lái gió, buồm trăng, mây cao, biển bằng”, Huy Cận đã biến những con thuyền vốn bình thường, gần gũi trở lên con thuyền kì vĩ của thiên nhiên, đang lướt giữa không trung rộng lớn cùng trăng và gió chứ không còn là trên mặt biển nữa. Biển và bầu trời đêm đã hòa làm một. Ở đây, con người đã chẳng phải là một vật thể nhỏ bé giữa vũ trụ bao la nữa mà là một tư thế hiên ngang, sánh ngang tầm, làm chủ thiên nhiên và vũ trụ, biến thiên nhiên thành người bạn của mình.

Giữa không gian thâm sâu khó lường của biển cả mênh mang, đoàn thuyền đang thăm dò “bụng biển”. “Dò bụng biển” – phải chăng đây là hành động dò tìm, kiếm tìm những đàn cá lớn giữa biển cả bao la? Đến khi “dò” kiếm được đàn cá lớn, giữa cái mênh mông ấy, đoàn thuyền “dàn đan thế trận lưới vây giăng”. Hình ảnh thơ thật lãng mạn biết chừng nào! Giữa không gian bao la ấy, con người thật nhỏ bé nhưng cũng thật kiên cường. Họ đang chiến đấu cùng với thiên nhiên bằng trí tuệ và năng lực nghề nghiệp của mình để mang về những thành quả lớn. Công việc của họ vất vả, gian khổ như thế, nhưng họ vẫn cất cao tiếng hát yêu đời, lạc quan, biến một công việc khó khăn trở thành một công việc đầy ắp tiếng cười và niềm vui hạnh phúc. Trên nền thiên nhiên hùng vĩ, con người lao động hiện lên với vẻ đẹp thật rạng rỡ. Vẻ đẹp của họ hòa quyện cùng vẻ đẹp của thiên nhiên tạo nên bức tranh lao động thật hào hùng, thật màu sắc, vừa hiện thực lại cũng thật lãng mạn biết bao.

Chỉ với ba khổ thơ ngắn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, người đọc cũng đủ thấy rõ tài năng của Huy Cận. Bằng bút pháp hiện thực pha lẫn lãng mạn, ông đã tạo nên một bức tranh tổng hòa giữa thiên nhiên và con người lao động thật đẹp biết nhường nào. Cùng với đó, nghệ thuật miêu tả, so sánh, nhân hóa, phóng đại được Huy Cận sử dụng thật nhuần nhuyễn, góp phần tạo nên vẻ đẹp cho bức tranh tổng hòa. Đặc biệt là cách ngắt nhịp thơ độc đáo trong từng câu thơ đã tạo nên sắc thái rộn ràng, hào hứng.

Ba khổ thơ trong bài là vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Vẻ đẹp đó hòa quyện cùng nhau tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động của những con người miền biển Quảng Ninh. Và cũng qua chuyến thăm Hòn Gai, Quảng Ninh, hồn thơ của Huy Cận đã được tiếp thêm một nguồn sống mới, mãnh liệt và dào dạt hơn. Huy Cận đã có cái nhìn mới về cuộc sống và thiên nhiên con người đất nước Việt Nam. Và đó chính là nguồn cảm hứng giúp ông viết lên Đoàn thuyền đánh cá vô cùng đặc sắc này.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Phân tích đoạn thơ sau trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận: Mặt trời xuống biển như hòn lửa,… Dàn đan thế trận lưới vây giăng” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!