Updated at: 25-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương” chuẩn nhất 04/2024.

Dàn ý 1:

I. Mở bài

– Giới thiệu một vài nét về Y Phương: là người dân tộc Tày, thơ ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi, mang đậm bản sắc vùng cao.

– Giới thiệu về bài thơ “Nói với con”: là lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời nhắc nhở con cái sau này của nhà thơ

II. Thân bài

1. Cội nguồn sinh dưỡng của con

a. Cội nguồn gia đình

+ Con lớn lên trong những tháng ngày chờ trông, mong đợi của cha mẹ

+ “Chân phải- chân trái”, “một bước- hai bước”: phép đối tạo âm điệu vui tươi, tạo không khí đầm ấm, hạnh phúc, mỗi nhịp bước của con đều có cha mẹ dang rộng vòng tay che chở

⇒ Đó là tình cảm thiêng liêng mà con luôn phải khắc cốt ghi tâm

b. Cội nguồn quê hương

+ đan lờ (dụng cụ đánh bắt cá), đan lờ cài nan hoa (công việc đã tạo nên vẻ đẹp của con người lao động), vách nhà ken câu hát (cuộc sống hòa với niềm vui”: Cuộc sống lao động của người đồng mình được gợi lên qua nhiều hình ảnh đẹp đẽ

+ Sử dụng các động từ: đan, ken ,cài : vừa diễn tả những động tác cụ thể , khéo léo vừa nói lên cuộc sống gắn bó với niềm vui

+ “Rừng cho hoa”: nhân hóa rừng không chỉ cho gỗ, cho lâm sản mà còn cho hoa=> vẻ đẹp tinh thần

+ “Con đường cho những tấm lòng”: đâu chỉ đãn lối mà còn cho những tấm lòng cao cả tấm lòng cao cả, thủy chung

2. Truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm hi vọng vào con

a. Truyền thống quê hương

– “Người đồng mình”- những người sống chung trên một miền quê, cùng một dân tộc, “thương lắm”- sự gắn bó yêu thương, đùm bọc

– Người đồng mình có chí khí mạnh mẽ

+ Nỗi buồn được cụ thể hóa bằng chiều cao, chí được đo bằng độ xa => người đọc có thể cảm nhận nỗi buồn chồng chất trong cuộc sống của họ

⇒ Cuộc sống vẫn nhiều buồn lo cực nhọc nhưng tâm càng sáng chí càng bền, tầm nhìn càng xa càng rộng

– Người đồng mình thủy chung tình nghĩa

+ “Sống”- khẳng định tâm thế bản lĩnh kiên cường, bất chấp khó khăn gian khổ

⇒ Mặc dù cuộc sống quê hương khó khăn vất vả nhưng họ “không chê”, học vẫn thủy chung với quê hương, gắn bó với quê hương để tạo dựng cuộc sống.

– Lối sống phóng khoáng đầy nghị lực

+ So sánh “như sống như suối” : sức sống mãnh liệt, đầy ắp nghĩa tình

+ Dù “lên thác xuống ghềnh” nhưng người đồng mình vẫn không lo cực nhọc, vẫn đầy sự yêu mến tự hào về quê hương

=> Bằng những điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kết hợp với biện pháp ẩn dụ, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy vất vả nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, gắn bó với quê hương.

– Người đồng mình giàu lòng tự trọng

+ “Người đồng mình thô sơ da thịt”- họ có thể thô ráp, nói không hay, làm không khéo, làn da mái tóc dãi dầu mưa nắng nhưng phẩm chất bên trong không hề nhỏ bé, tầm thường

– Người đồng mình khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp

+ Người đồng mình tự lực tự cường, tự xây dựng quê hương bằng bàn tay khối óc

+ Họ xây dựng quê hương, đưa quê hương có thể sánh ngang với các cường quốc năm châu

⇒ Người cha gợi cho con niềm tự hào và khát vọng xây dựng quê hương, kế tục truyền thống đáng tự hào của dân tộc

b. Điều cha mong muốn ở con

– Cha nhắc con “lên đường” là khi con trưởng thành, dù ở bất cứ đâu, đi bất cứ nới nào cũng không bao giờ được sống một cách tầm thường phải luôn giữ lấy cốt cách giản dị, ý chí của dân tộc để vững bước

⇒ Qua đó cha thể hiện tình yêu con

⇒ Đó còn là lời của cha anh đi trước nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải vững tin vào cuộc đời để xây dựng quê hương giàu đẹp

III. Kết bài

– Khẳng định những giá trị nội dung, nghệ thuật làm nên thành công của bài thơ:

+ Thể thơ tự do, nhịp điệu vui tươi, các hình ảnh thơ đẹp, sử dụng các biện pháp tu từ quen thuộc,…

+ Cha đưa con về với cội nguồn sinh dưỡng nhắc nhở con phát huy phẩm chất cao đẹp của quê hương để vững bước trên cuộc đời.

Dàn ý 2: 

Mở bài:

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Y Phương: sinh năm 1948, ông là người dân tộc Tày. Phong cách thơ thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, trong sáng, chân thật cùng với lối tư duy giàu hình ảnh mang đậm bản sắc vùng cao.

– Giới thiệu bài thơ Nói với con: được sáng tác vào năm 1980. Nhà thơ mượn lời tâm sự của một người cha nói với con gợi nhớ về cội nguồn của mỗi con người đồng thời bộc lộ cảm xúc niềm cảm xúc tự hào đối với quê hương, dân tộc.

Thân bài:

a, Hình ảnh em bé lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ

– Hình ảnh đứa trẻ tập đi được miêu tả một cách rất giản dị và mộc mạc:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ.”

– Tiếng nói, tiếng cười: làm toát lên hình ảnh của một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Qua đó cho ta thấy tình yêu thương con của cha mẹ là vô bờ bến, chăm chút, dõi theo con từ những bước đi đầu đời.

b, Lời dạy con của cha mẹ về những đức tính cần có trong cuộc sống

Sống vui tươi, thân thiện và biết ơn:

– Hồn nhiên, yêu đời, yêu lao động: cài nan hoa khi đan lờ bắt cá, luôn ca hát trong lao động.

– Với giọng thơ xúc động, vui tươi, cha mẹ vừa nói với con vừa như nhớ lại những kỉ niệm đẹp của mình.

“Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.

Sống kiên cường, hiên ngang, không ngại gian khó:

– Người cha luôn mong đứa con của mình sống luôn phải biết ơn những ông cha đời trước đã hi sinh xương máu của mình để xây dựng quê hương, không chê quê hương nguồn cội, không quản gian khó: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Cha mẹ mong con có đủ sức mạnh cả về thể chất và tinh thần như “người đồng mình”.

– Người cha luôn mong người con ghi nhớ về cội nguồn quê hương, sống có ích cho đời để từ đó góp phần xây dựng quê hương đó chính là mối quan hệ thân thiết giữa con người với quê hương đất nước.

– Con người xây dựng nên quê hương, tạo ra phong tục tập quán rồi quê hương chính là nơi lưu giữ những phong tục tập quán ấy.

“Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh”

c, Lời dặn dò con về bản lĩnh làm người khi bước vào cuộc đời

– Lời dặn dò cuối cùng cha mẹ muốn nói với đứa con là “tuy thô sơ da thịt” nhưng khi rời khỏi gia đình, khi tự lập về cuộc sống của mình thì “không bao giờ nhỏ bé được”. Con người chỉ là da thịt “thô sơ” có thể ốm đau bệnh tật, mệt mỏi, nhưng phải luôn cố gắng sống hiên ngang, không “nhỏ bé” khuất phục cái xấu, cái bất công, không khuất phục trước mọi hoàn cảnh, không “nhỏ bé” chấp nhận chịu sống cúi đầu, giống như ông cha ta ngàn đời nay.

– Câu thơ cuối là tiếng lòng của người làm cha, làm mẹ với niềm hi vọng và lo lắng mong sao con sẽ trưởng thành nên người và sống hạnh phúc, tự do, có ích cho đời.

d, Nghệ thuật bài thơ

– Sử dụng thể thơ tự do với giọng điệu thơ giản dị, mộc mạc và trìu mến.

– Sử dụng những hình ảnh và ngôn ngữ sinh động nhưng không kém phần gần gũi của người dân vùng cao.

Kết bài:

– Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

– Bài thơ Nói với con đã góp phần giúp cho người đọc hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc vùng cao đồng thời thể hiện ước nguyện của người cha mong con sống có ích với truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc.

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 1

       Tình cảm gia đình là một điều thiêng liêng, quý giá nhất trong trái tim của mỗi con người. Đây cũng là một chủ đề lớn, thu hút được sự quan tâm của những nghệ sĩ sáng tác văn chương. Mỗi người có những khám phá, phát hiện riêng về chủ đề này, làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam. Góp một phần nhỏ bé nhưng cũng không kém phần đặc sắc đó là bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương. Tác phẩm là những lời nói chân thành của người cha với con, qua đó thể hiện được những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc của ông.

       Mượn lời người cha nói với con về tình yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc của quê hương với con, nhà thơ đã gợi về nguồn sinh dưỡng trong mỗi người chúng ta. Mở đầu bài thơ là khung cảnh gia đình ấm cúng, đầy ắp tiếng nói cười. Mười một câu thơ như tràn đầy những đầm ấm, yên vui của tình cảm gia đình, tình cảm quê hương:

 “Chân phải bước tới cha
                              Chân trái bước tới mẹ
                              Một bước chạm tiếng nói
                              Hai bước tới tiếng cười
                              Người đồng mình yêu lắm con ơi
                              Đan lờ caì nan hoa
                              Vách nhà ken câu hát
                              Rừng cho hoa
                              Con đường cho những tấm lòng
                              Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
                              Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”

Một mái nhà có mẹ có cha và con hạnh phúc vì được sống hạnh phúc trong tình yêu thương. Cha mẹ đã dìu dắt, nâng đỡ con từ những bướcđi đầu tiên, đã tìm thấy niềm vui từ con. Hơn thế nữa, con còn được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương, vẻ đẹp của “đồng mình “. “Người đồng mình” yêu lắm con ơi !” Lao động tuy vất vả nhưng cuộc sống của “người đồng mình”tươi vui, mà rất ngọt ngào. Dáng vẻ tuy thô sơ, công việc tuy nặng nhọc (đan lờ, ken vách) nhưng tâm hồn “người đồng mình “lãng mạn biết bao nhiêu: Họ làm một cách nghệ thuật những công việc của mình (cài nan hoa ,câu hát). Con thật hạnh phúc vì con được sống giữa những con người như vậy những con người khéo tay, yêu thiên nhiên, yêu lao động, lạc quan và nhân hậu.

Thiên nhiên đồng mình cũng rất đẹp: Rừng núi quê hương thơ mộng đã dành cho con những gì tinh tuý nhất (hoa) ,đã nuôi dưỡng con về cả tâm hồn, lối sống ,”tấm lòng “. Và từng ngày, con đã lớn lên có cha mẹ nâng đón và mong chờ, có thiên nhiên thơ mộng, có cuộc sống lao động gắn bó. Con đã trưởng thành trong nghĩa tình của quê hương như vậy đó. Nói với con những điều đó, cha mong cho con hiểu những tình cảm cội nguồn đã sinh dưỡng con ,để con yêu cuộc sống hơn .

Dặn dò con về quê hương, về “đồng mình “, cha càng muốn con phải khắc cốt ghi xương nơi mình đã sống, đã trưởng thành. Cuộc sống của “người đồng mình ” vất vả, gian nan “thương lắm con ơi “: “Sống trên đá ..đá gập ghềnh / Sống trong thung ..thung nghèo đói ../Lên thác xuống ghềnh ..cực nhọc ..” Nhưng tự hào lắm con ơi, người đồng mình đã,đang và sẽ luôn sống đẹp. Họ có sức sống mạnh mẽ:vất vả nhưng khoáng đạt, gắn bó với quê hương .Họ ” ko chê, ko lo “gian khổ, mà vẫn sống tràn đầy “như sông như suối ”. Họ mộc mạc, chân chất nhưng giàu ý chí, niềm tin, mong xây dựng quê hương tốt đẹp hơn:

 “Người đồng mình thô sơ da thịt
                              Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
                              Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
                              Còn quê hương thì làm phong tục “.

Sự đối lập giữa bên ngoài: ”thô sơ da thịt” nhưng bên trong ko hề nhỏ bé về tâm hồn, người đồng mình có ý chí tự làm chủ cuộc sống của mình. Qua “sự liên tưởng phong phú sáng tạo “tự đục đá kê cao quê hương “, người đồng mình là những con người lao động cần cù, có nghị lực, niềm tin, mà tầm vóc, nỗi buồn, chí hướng của họ là cái cao, xa chiều kích của trái đất (Cao đo nỗi buồn /Xa nuôi chí lớn ). Họ giữ gìn bản sắc dân tộc mà vẫn làm rạng rỡ quê hương như vậy bởi họ yêu quê hương sâu nặng và luôn lấy quê hương làm chỗ dựa tinh thần. Người cha muốn con yêu là yêu những điều đó, yêu những đức tính cao đẹp của người đồng mình .

Cả đoạn thơ như âm vang trong những lời tự hào, sự gắn bó và tình yêu tha thiết của người cha về quê hương. Nó như trở thành một hành khúc mạnh mẽ ngợi ca quê hương. Và lời nhắc nhở của người cha với con chính là một nốt nhấn kết lại bản hành khúc của quê hương :

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
                              Lên đường
                              Ko bao giờ được nhỏ bé
                              Nghe con “.

Cho con thấy tình yêu thương, niềm tin tưởng của cha, người cha mong con biết sống sao cho tốt, cho xứng đáng với tình cảm của cha. Cho con hiểu cuộc sống của người đồng mình, người cha muốn con cảm thương với những khó khăn, vất vả để khao khát đi xây dựng quê hương. Ca ngợi những đức tính cao đẹp của người đồng mình, cha đã truyền cho con vẻ đẹp sức mạnh của truyền thống quê hương, mong con sống có tình nghĩa, biết chấp nhận gian khó, vươn lên bằng ý chí của mình, vững vàng trên đường đời.

Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con chính là lòng tự hào với quê hương và niềm tự tin khi bước vào đời. Nói với con mà chính là cha đã trao tặng cho con. Cha đã vun đắp cho con những tình cảm tốt đẹp, cho con một hành trang quý và đã sẵn sàng tung cánh cho con bay đi khắp mọi nơi.

       Bài thơ là lời nhắc nhở, lời dặn dò mà cũng là những lời mà người con phải “ghi lòng tạc dạ”: phải lên đường và phải lớn lên để xứng đáng với quê hương – nơi có những con người “tự đập đá kê cao quê hương”.

       Mấy dòng thơ đầu bộc lộ một cuộc sống giản dị, trong sáng, qua cách diễn tả giàu tính khái quát và đậm chất thơ trữ tình.

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 2

Trong nền văn học Việt Nam đề tài về tình cảm gia đình vốn không phải là một đề tài quá mới mẻ. Đối với đề tài quen thuộc này, nhà thơ Y Phương đã lựa chọn một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ, điều này được thể hiện qua bài thơ “Nói với con” đây chính là một minh chứng tiêu biểu cho sự sáng tạo của ông. Bài thơ “Nói với con” với lời thơ thiết tha đầy xúc động trước những lời dặn dò của người cha đối với đứa con của mình, đó chính là những lời nhắc nhở, những lời khuyên nhủ đong đầy sự chân thành. Mở đầu bài thơ, ông đã đã gợi những liên tưởng về những bước chân bé nhỏ với những lời động viên, sự khuyến khích đến từ người cha, những lời nói ấy đầy sự dịu dàng:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai tiếng chạm tiếng cười”

Câu thơ trên đã gợi cho độc giả liên tưởng đến một đứa trẻ đang bắt đầu chập chững tập đi, những bước đi đầu tiên của đứa trẻ ấy đã hướng về người cha, người mẹ của mình, đây là những người thân gần gũi, thân thiết nhất với đứa trẻ. Bên cạnh những bước chân chập chững đó là ánh mắt đầy sự âu yếm của những người cha, người mẹ, mỗi một bước chân của người con đều khiến làm cho những người làm cha làm mẹ thấy hạnh phúc, vui mừng, tất cả những niềm vui, tiếng nói, tiếng cười đều xuất phát từ sự nỗ lực của người con. Đây cũng có thể hiểu là quá trình trưởng thành của người con, từ khi bắt đầu chập chững biết đi đến khi bi bô biết nói, biết cười, và từng quá trình trưởng thành ấy đều được người cha ghi nhớ và lưu giữ nó trong kí ức của chính mình. Tiếp đó là lời tâm sự đầy thiết thiết của người cha dành cho người con được thể hiện qua bốn câu thơ:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài đan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa”

Người cha đã tâm sự với người con về những “người đồng mình” đó là những người thân thương, những người gần gũi cùng nhau sinh sống trong một không gian, họ đều là những con người chân quê nhưng luôn dành những tình cảm yêu thương, gắn bó nhất cho nhau, họ thấy vui khi thực hiện hoạt động sản xuất lao động “Đan lờ cài đan hoa”, tuy cuộc sống có vất vả nhưng họ vẫn luôn lạc quan và yêu đời, với những tiếng hò ngân nga “Vách nhà ken câu hát”. Cụm từ “Rừng cho hoa” thì ở đây hoa chính là nguồn tài nguyên, nguồn sống có thể duy trì, nuôi dưỡng được những sự sống của con người.

Tiếp nối mạch cảm xúc đó, là những lời tâm sự của người cha về sự ra đời của người con, đó chính là sự kết tinh yêu thương của hai tấm lòng, hai trái tim có cùng chung nhịp đập. Trong kí ức của người cha thì ngày đẹp nhất và có ý nghĩa nhất trên đời, đó là “ngày cưới”, ngày kết nối giữa hai tấm lòng yêu thương với nhau. Người cha như muốn nói với đứa con của mình về những ký ức vui vẻ của mái nhà hạnh phúc, bởi người con được sinh ra trong tình yêu thương, gắn kết của cha mẹ, đây chính là một gia đình thật hạnh phúc.

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn

Dẫu sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh,

Sống trong thung không chê thung nghèo đói”

Tiếp đó, là những lời dạy của người cha với đứa con của mình, những lời dạy chứa đựng đầy sự chân thành nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Những “người đồng mình” họ không chỉ biết yêu thương lẫn nhau, gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống mà họ còn là những con người tài giỏi, có chí lớn. Những nỗi buồn của quê hương, dân tộc được đo bằng chiều cao của núi “Cao đo nỗi buồn” tuy thăng trầm nhưng không bị lãng quên mà ấp ủ chí lớn. Cho dù cuộc sống có đói nghèo, có gặp khó khăn thì cũng phải nên thích nghi, hãy cố gắng phấn đấu cải tạo lại nó không chê bai hay phủ nhận về nguồn gốc, cội nguồn của chính mình “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.

Mượn lời người cha tâm tình với đứa con của mình, nhà thơ Y Phương nhắc nhở về cội nguồn của mỗi con người, qua đó thể hiện niềm tự hào về sức sống bền bỉ mạnh mẽ cùng với đó là phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, nguồn gốc, quê hương của mình.

 

 

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 3

Nhà thơ Y Phương sinh năm 1948 tên thật là Hứa Vinh Sước là một người dân tộc Tày, quê ông ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Năm 1968 ông nhập ngũ và phục vụ trong quân đội cho đến năm 1981 thì ông bắt đầu chuyển công tác tại Sở Văn hóa- Thông tin Cao Bằng. Y Phương được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng vào năm 1993. Bài thơ Nói với con của Y Phương nằm trong mạch nguồn cảm hứng về lòng thương yêu con cái, mong ước thế hệ mai sau sẽ tiếp nối xứng đáng và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, của quê hương của mình. Qua bài thơ nhà thơ đã thể hiện riêng qua những lời tâm tình, nhắn nhủ của người cha gửi cho người con.

Tình yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc của cội nguồn quê hương đối với con cái là sự vô hạn. Ở bốn câu thơ đầu tiên, với những hình ảnh giản dị, chân thực nhà thơ Y Phương đã phản ánh sinh động không khí gia đình quấn quýt, đầm ấm:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười.”

Cách thể hiện của nhà thơ thật sáng tạo, độc đáo. Khi người con chập chững bắt đầu biết đi, từng bước đi, tiếng nói, tiếng cười của con đều được những bậc làm cha làm mẹ nâng niu, chăm chút, vui mừng khôn xiết đón nhận. Ngôi nhà hạnh phúc luôn luôn rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Người con trưởng thành trong cuộc sống lao động chăm chỉ cần cù của cha mẹ, trong khung cảnh thiên nhiên quê hương thơ mộng, đẹp đẽ.

Theo dõi quá trình trưởng thành của người con, cha mẹ lại càng yêu thương mảnh đất quê hương của con mình đó là mảnh đất do tổ tiên để lại. Câu thơ chứa chan tình sâu nghĩa nặng “Người đồng mình yêu lắm con ơi!” Nhà thơ Y Phương tự hào về những người đồng mình cùng nhau chung sống trên mảnh đất quê hương đã nuôi dưỡng cho con mình nên vóc nên người. Cuộc sống vui tươi lao động cần cù của đồng bào dân tộc đã được nhà thơ miêu tả qua các hình ảnh thơ mộng như trong thần thoại thể hiện qua hai câu thơ:

“Đan lờ cài nan hoa,

Vách nhà ken câu hát.”

Sử dụng động từ “cài” và “ken” vừa diễn tả động tác của hoạt động lao động cụ thể của đồng bào, bên cạnh đó vừa nói lên sự hòa hợp, gắn bó thân thiết trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân miền núi. Thêm vào đó, rừng núi quê hương đã luôn chở che, nuôi dưỡng biết bao thế hệ cả về tâm hồn lẫn lối sống:

“Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.”

Chính nơi cội nguồn, quê hương đã tạo cho người làm cha làm mẹ cuộc sống hạnh phúc bền lâu “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/ Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.” Người cha tự hào về người đồng mình dù cuộc sống có vất vả mà họ vẫn luôn mạnh mẽ, sống phóng khoáng, gắn bó sâu nặng với quê hương dẫu có khó khăn, gian khổ, đói nghèo. Người cha mong người con chung thủy với quê hương, biết chấp nhận những gian nan thử thách và vượt qua chúng bằng ý chí, nghị lực, bằng niềm tin vững chắc của mình:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc.”

Người đồng mình sống mộc mạc, giản dị nhưng họ giàu chí khí và nghị lực. Da thịt của họ có thể thô sơ nhưng tâm hồn và khí phách họ không hề nhỏ bé. Họ có ước mong xây dựng cội nguồn quê hương ngày càng trở nên tươi đẹp hơn. Bằng sự lao động cần cù của những con người ấy đã tạo nên những truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của quê hương. Người cha luôn mong muốn người con phải biết ơn và tự hào về dân tộc, quê hương mình, để con có đủ tự tin và đủ sức mạnh mà vững bước trên đường đời:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.”

Với bố cục chặt chẽ, cùng với cách dẫn dắt tự nhiên, giọng điệu trìu mến, thiết tha, điều này được thể hiện rõ nét nhất ở các câu thơ mang ngữ điệu cảm thán. Tác giả Y Phương đã xây dựng thành công nhân vật cùng với những hình tượng thơ vừa cụ thể vừa khái quát, giản dị, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ, mang đậm sắc thái chân thực, hồn nhiên và gợi cảm của thơ ca vùng cao.

Bài thơ đã thể hiện được những điều tâm huyết nhất của người cha muốn truyền lại cho người con của mình. Đó chính là lòng tự hào và sức sống mãnh liệt, bền bỉ, cùng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và niềm tin vững chắc khi con bước vào đường đời.

 

 

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 4

Trong dòng chảy văn học Việt Nam bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương đã mang đến một nét vẽ lạ về quê hương, gửi gắm biết bao sự thấm thía, bùi ngùi. Tình cảm gia đình, tha thiết, trìu mến không kém phần sâu lắng đã bắt mạch chảy cho bao nhiêu những trang viết. Bước vào trang thơ Y Phương đã thể hiện được sự giản dị, mộc mạc, chân thật thấm thía:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”

Khổ thơ đã khắc họa hình ảnh của đứa trẻ chập chững bắt đầu bước những bước chân đầu tiên, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Câu thơ giản dị mộc mạc nhưng thấm thía, bởi nó thể hiện công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nối tiếp mạch cảm xúc đó, nhà thơ nói về “người đồng mình”:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.

Những câu thơ mộc mạc tác giả đã cho thấy niềm tự hào, xúc động của mình trước những đôi bàn tay đầy sự khéo léo, nghệ thuật như những người nghệ sĩ của những người dân quê hương. Ở họ còn thể hiện một tấm lòng chan chứa tình yêu thương, lòng bao dung và sự trìu mến “cho những tấm lòng”. Sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hoá góp phần giúp nhà thơ nhấn mạnh rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn của người dân tộc, quê hương mình, họ vừa cần cù, chịu khó vừa luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Hai câu thơ cuối của đoạn thơ đã đưa người cha trở về với niềm vui bất tận của mình trong ngày cưới, để nhắc con rằng: Con không chỉ lớn lên bằng sự đùm bọc, yêu thương của quê hương mà còn bằng tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Hay mạch nguồn nuôi dưỡng con nên người, để con trưởng thành bước ra ngoài thế giới, chính là cha mẹ và quê hương. Với những hình ảnh mộc mạc, mang đậm màu sắc miền núi, nhà thơ đã khắc họa tầm vóc cao đẹp của người đồng mình. Tác giả lấy cái chiều cao vời vợi của núi để nói về nỗi lòng thăm thẳm của người quê hương, lấy cái xa xăm của không gian để nói về ý chí bất tử của họ. Thiên nhiên song hành, sánh đôi cùng con người trưởng thành, Y Phương đã lấy cái hùng vĩ bất tận của thiên nhiên để đậm tô thêm tầm vóc của những con người quê hương. Qua đó, đã nhắc nhở con bằng những bài học thấm thía: dẫu có gặp muôn ngàn khó khăn, gập ghềnh trắc trở, cũng không được oán thán, chê trách, phải biết cách chấp nhận và vượt qua khó khăn, gian nan để bản thân thêm trưởng thành. Câu thơ “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”, lần nữa đã nhấn mạnh tầm vóc cao lớn, oai hùng của người đồng mình.

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”

Tác giả đã sử dụng những chất liệu quê hương rất mộc mạc, giản dị nhưng vẫn mang sức khái quát sâu xa. Câu thơ giống như lời đúc kết, khẳng định đầy tự hào rằng: những con người quê hương bao đời nay luôn cần cù, chăm chỉ, lam lũ làm ăn, tự mình kiến tạo xây đắp nên giá trị tinh thần truyền thống quý báu tốt đẹp của quê hương, lấy đó làm gốc rễ để hàng nghìn thế hệ học hỏi, noi gương theo. Càng về cuối bài thơ thì xúc càng dâng trào, và lắng đọng thiêng liêng:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.”

Vẫn là cách nói giản dị nhưng thấm thía triết lý sâu xa. Nhà thơ muốn nhắn gửi con, sau này khi bước trên đường đời, có nhiều khó khăn thử thách, gập ghềnh trắc trở, những khó khăn sẽ quật ngã bước chân mình, thì con cần phải mạnh mẽ, can đảm, kiên cường. Dù có nhỏ bé, đơn độc, nhưng hãy nhớ rằng quê hương và gia đình luôn ở sau con, luôn là điểm tựa và sức mạnh để con vững bước. Tiếng “nghe con” nghe trầm ấm đến lạ, giông như một lời nhắn nhủ, mà cũng như một lời động viên thương yêu, trìu mến như chất chứa bao tình yêu niềm hi vọng vào bước đường con sẽ đi.

Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được tình cảm yêu thương thắm thiết của cha mẹ đối với con cái nói chung và tình yêu quê hương sâu nặng của nhà thơ Y Phương nói riêng.

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 5

Chắc hẳn trong trái tim mỗi người con yêu nước luôn có hình ảnh quê hương. Quê hương đã in đậm và trở thành một phần máu thịt trong mỗi chúng ta. Viết về đề tài này, nhà thơ Y Phương đã bày tỏ những tình cảm của mình đối với quê hương qua lời tâm tình với con trong bài thơ “Nói với con”.

Y Phương là người con dân tộc Tày, sinh ra ở tỉnh Cao Bằng. Bài thơ “Nói với con” được ông sáng tác năm 1980 trong hoàn cảnh: “Những năm cuối bảy mươi đầu tám mươi của thế kỷ hai mươi, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng, vô cùng khó khăn thiếu thốn. Bởi vì đất nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mĩ lâu dài và cực kì gian khổ. Hiện thực xã hội ấy đã tác động sâu sắc đến đời sống con người. Đại bộ phận nhân dân ta vẫn kiên trì khắc phục và tìm mọi cách để vượt qua để duy trì đời sống. Họ vẫn tồn tại và không ngừng sinh trưởng là không phải nhờ vào phép màu của lực lượng siêu nhiên nào mà chỉ dựa vào sức mạnh tinh thần của truyền thống văn hóa từ ngàn đời mà ông cha để lại….Bên cạnh cái tốt của những người làm ăn lương thiện, không ít những con người bị tha hóa biến chất. Họ buôn gian bán lận, lợi dụng kẽ hở của nhà nước móc nối làm ăn phi pháp…Từ hiện thực khó khăn ngày ấy, tôi làm bài thơ này để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời là để nhắc nhở con cái sau này” (Y Phương).

Nhà thơ đã vẽ nên khung cảnh gia đình hạnh phúc, đầm ấm có cha mẹ và tiếng cười đùa của con trẻ:

“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười”

Đó là một tổ ấm tràn ngập tình yêu thương.Bức tranh gia đình trở nên ấm áp, tươi vui hơn khi có sự xuất hiện của trẻ thơ.Đứa trẻ là sự kết tinh tình yêu của cha và mẹ. Sự khôn lớn của con cái luôn là niềm hạnh phúc của những bậc sinh thành. Đứa con là niềm tự hào của cha mẹ, là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của họ.

Bốn câu thơ đầu là hình ảnh đứa trẻ đang tập đi những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.Chắc hẳn khi chứng kiến cảnh tượng đó, cha mẹ là người vui lòng nhất nhưng cũng là người xúc động nhất. Bởi họ vui khi đứa con của mình có thể tự bước đi trên con đường đời phía trước nhưng cũng không khỏi lo lắng, xót xa khi đứa trẻ vấp ngã, trầy xước vì con đường đời không hề bằng phẳng. “Tiếng nói”, “tiếng cười” chính là đích đến, là sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của cha mẹ dành cho con.

Đứa con không chỉ được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ mà còn được nuôi dưỡng bởi tình yêu của “người đồng mình”:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”

“Người đồng mình” là cách nói giản dị, mộc mạc của người dân tộc. Cụm từ này dùng để chỉ những con người cùng chung vùng miền, mở rộng ra là những người cùng quê hương, tổ quốc. Đứa trẻ không những được lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự giáo dục của cha mẹ, gia đình mà nó còn được lớn lên trong sự thân thuộc, nghĩa tình của những người xung quanh, những người làng xóm tốt bụng. Họ chung sống như một gia đình lớn, “tối lửa tắt đèn” có nhau, luôn giúp đỡ nhau những khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Cuộc sống của họ gắn bó với núi rừng, thiên nhiên. Họ cần cù lao động với những công việc như đan nan tre vót tròn để làm dụng cụ bắt cá và dùng nhiều tấm ván, gỗ dựng chắc sát nhau thành vách nhà. Các động từ “đan”, “cài”, “ken” đã giúp bạn đọc thấy được đó là những công việc tỉ mỉ và cần rất nhiều sự khéo léo. “Người đồng mình” vất vả với công việc nhưng cuộc sống của họ không nhàm chán, ngược lại, họ rất yêu cuộc sống, yêu lao động bởi họ biết dùng câu hát để khơi dậy tinh thần lạc quan của mình. Tiếng hát giúp cuộc sống của họ có thêm nhiều màu sắc và giúp tâm hồn họ trở nên phong phú hơn.

Dù được sinh ra trên bất cứ mảnh đất nào thì mỗi chúng ta đều không được phép lãng quên quê hương của mình. Y Phương đã truyền đạt bài học đó đến đứa con thân yêu qua lời thơ giản dị:

“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”

Ngoài việc cung cấp gỗ và các loại thực phẩm phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của con người, núi rừng thơ mộng của quê hương còn “cho hoa”. “Hoa” là sự kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên,tạo vật.Những bông hoa của núi đồi mang một sắc thái riêng biệt và khác lạ bởi chúng được kết tinh từ những vùng đất đầy sỏi đá. Con đường quê hương có thể gồ ghề, không được bằng phẳng nhưng chứa đựng biết bao ân tình, bao tấm lòng nhân hậu của những người đồng bào. Đó là con đường dẫn vào bản, con đường đến trường, con đường ra suối, lên nương,….Tất cả những con đường ấy đều có bước chân, tiếng nói và tình đoàn kết của “người đồng mình”. Quê hương có cả vẻ đẹp của thiên nhiên và tấm lòng của con người. Chẳng vậy mà nhà thơ đã nói với con rằng: “Người đồng mình yêu lắm con ơi”. Quê hương chính là cội nguồn, là nơi bao bọc, chở che đứa trẻ.Đó là điểm tựa tinh thần vững chắc để đứa trẻ ấy vững bước trên đường đời.

Sự ra đời của con là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ:

“Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.

Ngày cưới là ngày trọng đại nhất đối với mỗi con người. Và nó sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi tình yêu đôi lứa được bắt nguồn từ tình yêu quê hương.Người con được sinh ra và lớn lên từ chính tình yêu của bố mẹ và sự nghĩa tình của mảnh đất quê hương.

Quê hương được tạo nên bởi những con người giàu ý chí, nghị lực:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

“Người đồng mình” có những đức tính thật đáng quý.Dù cuộc sống của họ có nghèo đói, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng họ luôn giữ vững một lòng quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc.Họ vẫn sống bền bỉ, gắn bó tha thiết với quê hương dù quê hương còn đói nghèo.Nghệ thuật đối lập ở các từ “cao đo”-“xa nuôi”, “nỗi buồn”-“chí lớn” đã giúp người đọc thấy được sức sống kiên cường của con người nơi đây. Tác giả lấy sự từng trải, nỗi buồn để mang đo với độ cao và lấy chí lớn để đo độ xa. Sống giữa nghèo đói, thác ghềnh nhưng họ không nhụt chí trước hoàn cảnh, ngược lại họ còn dốc hết sức mình, “không lo cực nhọc” để khắc phục những điều đó. Những đức tính đó cũng là đức tính mà người cha muốn con mình có được trong quá trình rèn luyện. “Đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói”, “lên thác xuống ghềnh” là những hình ảnh ẩn dụ cho những vất vả, nhọc nhằn được kết hợp với điệp từ “không chê” đã thể hiện thái độ chấp nhận và sự kiên gan bền chí vượt qua mọi khó khăn của người dân nơi đây. Phép so sánh “sống như sông như suối” đã giúp người con và chúng ta thấy được sức sống mãnh liệt của họ.

Lời nhắn nhủ của người cha dành cho con ở bốn câu thơ tiếp theo dường như trầm lắng, sâu sắc hơn:

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Tuy “thô sơ da thịt” nhưng “người đồng mình” lại không hề yếu ớt, nhỏ bé. Họ mang vẻ đẹp ngoại hình bình dị mà chân chất, mộc mạc.Tâm hồn họ luôn hướng đến quê hương, họ sẵn sàng “đục đá”, làm những công việc nặng nhọc để dựng xây quê hương phát triển. Lòng tự hào dân tộc, sự khéo léo, đức tính cần cù của họ đã làm nên những phong tục tập quán tốt đẹp mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Nếu là những con người nhỏ bé, không có sức mạnh thì chắc hẳn họ đã không làm được những điều đó.

Khép lại bài thơ là dặn dò thấm thía của người cha dành cho đứa con thân yêu:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.

Người cha muốn con mình sống gắn bó, thủy chung, nghĩa tình với quê hương, biết vượt qua những gian khó bằng ý chí, nghị lực và sức mạnh của bản thân. Con không được phép quên đi nguồn cội, quê hương của mình vì chính quê hương là cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành. Cha mẹ, những người dân quê hương và những truyền thống quý báu của dân tộc sẽ là những người đồng hành cùng con trong cuộc đời. Người cha mong con có thể giữ cho bản thân những đức tính quý giá của “người đồng mình”, ngoại hình tuy có nhỏ bé nhưng tinh thần, tâm hồn nhất định không được nhỏ bé, lùi bước trước gian nan. Bởi cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, con đường đời có muôn ngàn những chông gai, thử thách.

Bằng những lời thơ giản dị như lời tâm sự của cha dành cho con và các hình ảnh thơ giàu sức gợi, “Nói với con” của Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống tốt đẹp và sức sống mạnh mẽ của quê hương. Ông cũng muốn nhắn gửi đến con về lòng tự tôn dân tộc. Đồng thời bài thơ cũng giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết về cuộc sống và vẻ đẹp của những người con dân tộc miền núi.

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 6

Y Phương là nhà thơ mang một tiếng nói riêng, rất đặc trưng cho dân tộc Tày. Thơ ông là tiếng lòng chân thật, gần gũi, bình dị nhưng tràn đầy tình yêu thương. Bài thơ “Nói với con” tiêu biểu cho phong cách sáng tác ấy của ông. Bài thơ đi vào lòng người đọc một thứ tình cảm gần gũi nhưng thiêng liêng và cao quý: tình cha con. Đó là tâm sự của một người cha dành cho con, là những điều mà cha muốn thổ lộ cho con nghe, con hiểu.

Nói với con” là lời tâm sự, thủ thỉ, trò chuyện của người cha dành cho con từ lúc con mới lọt lòng. Mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ chính là tình yêu thương, chia sẻ, gắn bó và giáo dục cho con những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những người xung quanh con. Với thể thơ tự do phóng khoáng, cảm xúc chân thành, mộc mạc đã khiến cho tình cảm đó càng trở nên ấm áp và thân thiết. Y Phương đã gieo vào lòng người đọc chất liệu đời thường rất mực thiêng liêng.

Những câu thơ đầu tiên cất lên như một lời kể chuyện thủ thỉ với con:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Đứa con từ lúc lọt lòng đã được bao bọc, yêu thương trong vòng tay của cha mẹ. Từng ngày, từng giờ con lớn lên là từng ngày từng giờ cha mẹ mong chờ. Từ lúc con chập chững bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời thì cha mẹ luôn là người ở bên cạnh chứng kiến và cổ vũ. Hình ảnh “chân phải”, “chân trái”, “tiếng nói”, “tiếng cười” bình dị, gần gũi biết bao nhiêu. Một không gian ấm áp và hạnh phúc bao trùm lấy từng nhịp thơ. Cuộc sống xoay vần, tình yêu thương mà Y Phương dành cho con luôn chân thành và thiết tha như vậy. Ông đã vẽ lên hình ảnh đứa con từ lúc còn bé, gieo vào con nhận thức về những tháng năm đó.

Y Phương tiếp tục gieo vào lòng người tình làng nghĩa xóm của người dân tộc luôn tha thiết, sâu nặng. Nhắc nhở con phải luôn nhớ về họ:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm long

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời

Những con người dân tộc mộc mạc, bình dị, chăm chỉ làm ăn, khéo léo trong mọi công việc. Cuộc sống của họ hằng ngày lên rừng, làm rẫy, tất bật với rất nhiều cuộc việc. Dù cuộc sống vất vả nhưng họ vẫn gắn bó khăng khít bên nhau. Những từ ngữ “đan”, “cài” không những nói lên sự gắn bó mà còn nói lên nghĩa tình sâu nặng, khó có thể phai nhòa của những con người nơi đây. Tác giả đã gieo vào long người con mình tình cảm, cội nguồn đáng trân trọng và gìn giữ. Quê hương và những người nơi đây là điều con phải nhớ, phải gắng nhớ về họ để biết ơn và để trở thành người có ích hơn.

Kết quả của “ngày cưới” mà tác giả vẫn luôn nhớ chính là đứa con, là sinh linh bé bỏng cha mẹ luôn bảo vệ và nâng niu. Qua đây Y Phương muốn nhắn nhủ với con rằng yêu thương chính là cội nguồn của tất cả, như việc sống và tồn tại hiện nay của mỗi người.

Những người nơi đây không chỉ chăm chỉ, chịu khó mà còn có chí lớn:

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Hai câu thơ là sự đối lập giữa cuộc sống nhiều khó khăn, trắc trở nhưng đầy lòng quyết tâm và sự tin tưởng vào bản thân. Không phải tự dưng tác giả nhắn nhủ với con điều này, ông muốn đứa con mình sau này cần phải kế thừa và phát huy đức tính tốt đẹp này.

Cuộc sống của con trong tương lai luôn có nhiều khó khăn, không được bỏ cuộc, cần phải cố gắng vượt qua để trưởng thành hơn:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Mỗi người sinh ra và lớn lên đều phải gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng quan trọng chúng ta cần phải vượt qua nó như thế nào để chiến thắng chính bản thân mình. Dù là “đá gập ghềnh, nghèo đói, lên thác xuống ghềnh” thì cũng không nên từ bỏ, không nên gục ngã. Vượt qua những điều đó chính là vượt qua được bản thân mình và trở thành một người có ích cho xã hội. Điệp từ “sống” được đặt đầu dòng ba câu thơ khẳng định chân lý sống không gục ngã mà người cha muốn nhắn nhủ đến con trai. Đó như là một lời khuyên, lời giáo huấn chân thành để con có thể tự mình bước tiếp những chặng đường tiếp theo.

Người cha muốn nhắn nhủ đến con rất nhiều điều, để làm hành trang sau này con tự tin bước vào đời:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chằng mấy ai nhỏ bé đâu con

Những con người dân tộc Tày tuy chân chất, mộc mạc, tuy nghèo đói nhưng ý chí trong họ luôn lớn mạnh, luôn hừng hực. Đó là nghị lực phi thường và đáng được trân trọng. Đây là điều mà người con nên trân trọng và tự hào để mai sau trở thành một người như vậy. Những lời nói, lời nhắn nhủ của người cha chân chất, mộc mạc nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với đứa con. Gieo vào con tình yêu thương, tình quê hương và tình người tha thiết nhất.

Y Phương thực sự đã gieo vào lòng người đọc những tình cảm khó quên về tình cha con nghĩa nặng, về những lời dạy thiết tha. Bằng cách viết đơn giản, nhẹ nhàng, lối nói ẩn dụ đầy sâu xa Y Phương thực sự đã chiếm được trái tim người đọc.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!