Updated at: 20-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Thông qua tác phẩm Cố hương hãy nêu ý kiến của em về câu nói  Mỗi khi chọn đề tài … tìm cách chạy chữa” chuẩn nhất 07/2024.

Thông qua tác phẩm Cố hương hãy nêu ý kiến của em về câu nói  Mỗi khi chọn đề tài … tìm cách chạy chữa- Mẫu 1

        Nhắc đến dòng Văn học hiện thực Trung Quốc khó có thể quên được Lỗ Tấn – vị “danh tinh thần” lỗi lạc của dân tộc Trung Hoa. Sỡ dĩ có thể gọi như vậy vì như chính Lỗ Tấn có lần tâm sự trong “Vì sao tôi viết tiểu thuyết”: “Mỗi khi chọn đề tài, tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích lôi hết bệnh của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa”. Tư tưởng ấy của nhà văn được thể hiện qua việc diễn tả nỗi đau xót của nhân vật tôi về sự thay đổi diện mạo tinh thần của Nhuận Thổ trong truyện ngắn “Cố hương”.

       “Cố hương” kể lại chuyến về quê của nhân vật “tôi”. Lần về quê này là chuyến cuối cùng “tôi” trở lại đây. Tôi đã gặp nhiều người quen cũ, ngắm nhìn nhiều cảnh vật trong làng. Tất cả gợi nên nỗi buồn về sự xơ xác tiêu điều của làng xóm, sự tha hóa, u mê của con người. Đau đớn nhất, buồn thảm nhất là khi gặp lại người bạn cũ Nhuận Thổ. Anh ta vốn là con của một người làm trong nhà “tôi”. Hai mươi năm trước, anh là một đứa bé mạnh khỏe, đẹp đẽ, dũng cảm, là người bạn lớn rất thân thiết của “tôi”. Giờ đây gộp lại, “tôi” đau đớn, xót xa trước một người bạn cũ gọi mình bằng tiếng “bẩm ông”. Anh ta cũng tàn tạ, suy sụp không chỉ về diện mạo mà còn cả về tinh thần lành mạnh trước kia…

       Ấn tượng đầu tiên là về sự biến dạng của Nhuận Thổ. Tác giả tạo ra sự tương phản trong thời gian quá khứ và hiện tại để lột tả những thay đổi đáng buồn của người bạn cũ – người đã từng là bạn với Tấn từ thủa thiếu thời. Trong kí ức “tôi” sống dậy những hình ảnh tuyệt đẹp của quá khứ thần tiên hơn hai mươi năm trước, trong đó nổi bật hình ảnh một Nhuận Thổ khoẻ khoắn, lanh lợi “cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba”, “nước da bánh mật” với biết bao chuyện lạ, bao điều kì thú. Khi ấy, hình ảnh Nhuận Thổ hiện lên chẳng khác nào người anh hùng nhỏ tuổi Na Tra trong truyền thuyết. Nhưng đối lập với ngày xưa là một Nhuận Thổ hiện tại già nua, thô kệch, nặng nề, da dẻ “vàng xạm, lại có thêm những nếp nhăn sâu hoắm”. Sự phũ phàng ấy gợi đến nỗi xót xa không gì khỏa lâp.

      Không chỉ sa sút về hình dáng, Nhuận Thổ còn có những suy sụp thê thảm về tinh thần. Bây giờ, anh sống trong một tình cảnh bi đát: “Con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đày đoạ thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi!”. Khi xưa, lúc hai người bạn phải chia tay: “Lòng tôi xôn xang, tôi khóc to lên”, Nhuận Thổ “cũng khóc mà không chịu về”. Bây giờ gặp lại bạn cũ Nhuận Thổ “Bầm ông!”. Rõ ràng, với Nhuận Thổ, anh dang bị chi phối sâu sắc bởi quan niệm về đẳng cấp của xã hội phong kiến. Điều ấy khiến Tấn điếng người và cảm thấy đã có “một bức tường khá dày ngăn cách”. Bức tường ngăn cách ấy khiến người khổ không thể giãi bày, người sướng hơn không thể chia sẻ. Cuộc sống buồn thảm, con người buồn thảm, tình bạn cũng buồn thảm!

       Không chỉ vậy, khi ra về Nhuận Thổ còn xin “một bức tượng Phật gỗ”. Vật ấy là biểu tượng của tôn giáo (đạo Phật). Trong con người Nhuận Thổ vẫn còn giữ nguyên thói quen sùng bái tượng gỗ, điều đó đồng nghĩa với việc tư tưởng mê tín đã ăn sâu vào tâm thức con người tội nghiệp này. Và như thế, suốt cuộc đời anh sẽ bị nó bóp nghẹt về tư tưởng cho đến chết.

      Nhuận Thổ tiêu biểu cho kiểu nhân vật “người bất hạnh trong xã hội bệnh tật” của Lỗ Tấn. Xây dựng nhân vật này, nhà văn “với mục đích lôi hết bệnh của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa” đã chỉ ra những “căn bệnh” cơ bản của người nông dân Trung Quốc đương thời: mê tín dị doan, bị tư tưởng phong kiến bóp nghẹt cuộc sống (tư tưởng đẳng cấp, cam chịu…).

      Nhuận Thổ đồng thời còn là hiện thân của xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Đó là một xã hội sa sút về mọi mặt. Bằng con dao mổ tinh xảo – những chi tiết, sự kiện, nhân vật … trong truyện ngắn của mình – nhà văn đã phân tích nguyên nhân và lên án các thế lực đã tạo nên thực trạng đáng buồn ấy. Đồng thời chỉ ra các mặt tiêu cực nằm ngay trong tâm hồn, tính cách của bản thân người lao động.

      Là một nhà văn hiện thực nhưng Lỗ Tấn đồng thời còn là một nhà cách mạng bởi vậy bên cạnh việc phanh phui bệnh trạng của dân tộc ông cũng không nguôi hi vọng, ước mơ vào một tương lai tươi sáng hơn. Qua nhân vật con Nhuận Thổ, bé Thủy Sinh, và cháu Hoàng nhà văn thể hiện ước mơ các thế hệ sau không bao giờ cách bức, không vất vả, không muốn chúng vất vả, đần độn như Nhuận Thổ. Rõ ràng, nhân dân Trung Quốc cần một cuộc đời mới, cần một con đường mới tốt đẹp hơn cho tương lai.

Thông qua tác phẩm Cố hương hãy nêu ý kiến của em về câu nói  Mỗi khi chọn đề tài … tìm cách chạy chữa- Mẫu 2

Lỗ Tấn – một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc, có tư tưởng tiến bộ và muốn thay đổi bộ mặt xã hội Trung Quốc. Truyện ngắn “Cố hương” in trong tập “Gào thét” tường thuật lại chuyến về thăm quê lần cuối của ông với những rung cảm trước cảnh quê và con người quê. Ẩn trong bức tranh quê hương ấy là thực trạng xã hội phong kiến Trung Quốc đương thời với những bế tắc, lầm than, suy đồi và xuống cấp, cần phải thay đổi. Lỗ Tấn đã hiểu bản chất của xã hội, ông đặt ra vấn đề cần tìm con đường mới cho người nông dân nói riêng và toàn xã hội nói chung bởi: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Câu nói của Lỗ Tấn “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi” ngoài mang ý nghĩa thực ám chỉ một con đường để đi lại, thực ra nó mang đậm ý nghĩa biểu tượng, “con đường” ở đây là hướng đi của suy nghĩ, tư tưởng và lối sống mới. Lỗ Tấn không nói về những con đường vốn đã sẵn có, bởi kỳ thực chẳng có con đường nào vốn có, chỉ có tự mình tìm ra con đường mới mà đi thì đó chính là con đường của khai hóa văn minh, mở mang văn hóa. Đối với hoàn cảnh cuộc sống của con người nơi quê hương Lỗ Tấn, rất cần có con đường mới khai sáng cho họ, dẫn dắt họ ra khỏi những u mê, ấu trĩ và sai lệch, đó là một con đường tư tưởng mới.

Khi nghĩ về số phận và tương lai của những đứa trẻ như Thủy Sinh, chúng còn quá ngây thơ, Lỗ Tấn khao khát có một con đường mở ra tương lai tươi sáng hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn cho chúng, là cách thức để giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội, con đường của văn minh và với Lỗ Tấn đó chính là con đường cách mạng. Nếu không có cách mạng sẽ không có cách nào có thể thay đổi nếp suy nghĩ cổ hủ, thói quen lạc hậu của lễ giáo phong kiến, không thay đổi được tư duy của Nhuận Thổ và thím Hai Dương thì đến đời Thủy Sinh vẫn chìm đắm trong u mê. Con đường đó không thể trông cậy vào ai khác ngoài chính những con người nơi đây, chính họ là người hắt hủi chiến sĩ cách mạng, coi thường họ, coi họ là giặc, là thằng khốn thì chính họ phải thay đổi suy nghĩ đó. Họ phải tự xây dựng tư duy cho mình tạo thành lối suy nghĩ mới, rồi dần dần để suy nghĩ đó ăn sâu, bám rễ vào trong tâm thức, giống như việc lối đi mòn nhiều rồi cũng thành con đường. Cứ “đi mãi thì thành đường thôi”, không có lối đi nào chỉ một lần đã thành đường, muốn có đường phải có ý chí quyết tâm, kiên trì và nhất quán sẽ thành công. Khi đã có đường, con đường đó sẽ phục vụ cho chính người dân nơi đây, sẽ dẫn dắt họ đi tới hạnh phúc, ấm no, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Tác giả tin rằng, chỉ cần người dân quê hương ông nói riêng và người dân Trung Hoa nói chung muốn thay đổi thì sẽ làm được, bởi vốn chẳng có gì là bất biến nhưng tư tưởng và suy nghĩ lại là thứ có thể thay đổi, chỉ cần họ tin vào sự đổi mới của con đường cách mạng tư tưởng, văn hóa, tri thức. Chỉ có thoát ra khỏi được những lối mòn suy nghĩ u mê kia, thoát khỏi lạc hậu mới xóa sổ được những hình ảnh nàng “Tây Thi đậu phụ” hay Nhuận Thổ.

Câu nói của Lỗ Tấn không chỉ thể hiện cái nhìn thương đời thương người của ông, ông lo cho sự nghiệp ấm no hạnh phúc của nhân dân, lo cho bộ mặt xã hội và mong muốn được thay đổi xã hội Trung Hoa tốt đẹp hơn. Hình ảnh con đường trong câu nói của Lỗ Tấn không chỉ khai thông tư tưởng của ông, giúp ông tìm ra được hướng đi của mình mà hơn thế ông còn cho người dân Trung Hoa biết cách tạo ra con đường cách mạng tư tưởng đúng đắn, đưa họ tới một kỉ nguyên mới thoát khỏi lễ giáo phong kiến suy đồi, lạc hậu.

Thông qua tác phẩm Cố hương hãy nêu ý kiến của em về câu nói  Mỗi khi chọn đề tài … tìm cách chạy chữa- Mẫu 3

Chế độ phong kiến kéo dài cùng với sự xâm lược của các nước đế quốc đã biến Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thành một nuớc phong kiến nửa thuộc địa ốm yếu què quặt, lạc hậu. Sinh ra trong hoàn cảnh xã hội ấy, Lỗ Tấn tìm mọi cách giúp đất nước và nhân dân Trung Quốc thoát khỏi vũng bùn đen ấy. Ban đầu ông chọn nghề y nhưng rồi ông nhận thấy chữa bệnh về tinh thần cho những con người kia mới thực sự quan trọng. Do vậy mà ông chọn văn nghệ. “Cố hương” là một trong những thang thuốc quý hiếm chữa bệnh tinh thần cho những người dân như Nhuận Thổ, thím Hai Dương. Sau khi nói về sự thay đổi của quê hương, của con người ông đã nêu lên suy ngẫm đầy tính triết lý: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Sau hai mươi năm sống xa nhà, tác giả về thăm quê cũ giữa mùa đông lạnh giá. Ngồi trên thuyền, thấy khung cảnh ven sông tiêu điều, lòng ông dâng lên cảm xúc buồn thương khó tả. Đây là lần ông về quê để cùng người thân giải quyết chuyện bán nhà, đưa gia đình đến nơi khác làm ăn. Về đến nơi, ông được mẹ già chạy ra đón. Mọi người đang bận rộn thu dọn đồ đạc. Nghe mẹ nhắc tới Nhuận Thổ, tác giả lập tức nhớ lại những kỉ niệm thần tiên của thời thơ ấu. Nhuận Thổ là con trai người làm mướn cho gia đình tác giả cách đây hơn hai chục năm. Lúc ấy, Nhuận Thổ mới lên mười. Mỗi lần theo cha đến nhà cụ chủ, Nhuận Thổ thường kể cho “cậu ấm” nghe cách bẫy chim sẻ, cách bắt con tra hay ăn trộm dưa và nhiều chuyện khác, khiến cho “cậu ấm” say mê, thán phục. Cuộc sống vất vả lam lũ đã khiến Nhuận Thổ thành một người hoàn toàn khác. Hình dáng tiều tụy, thảm hại, mặt mũi ngơ ngác, đần độn. Không còn chút dấu vết nào của Nhuận Thổ khi xưa.

Mấy ngày sau, cả gia đình tác giả rời quê. Khi con thuyền đã xa làng, tác giả vẫn trĩu nặng nỗi suy tư về cảnh vật và con người ở Cố hương. Ông cố gắng tìm ra nguyên nhân của sự thay đổi đáng buồn ấy và cầu mong cho con cháu của Nhuận Thổ sau này sẽ tìm ra cách sống mới để không còn phải khổ cực như ông cha nữa. Thông qua việc kể lại chuyến về quê lần cuối cùng và những suy ngẫm, rung cảm của bản thân trước sự thay đổi của cảnh vật và con người ở quê hương, tác giả đã kín đáo phê phán chế độ phong kiến hủ bại, đồng thời đề cập đến con đường giải phóng nông dân ra khỏi những ràng buộc vô hình nhưng nghiệt ngã của xã hội đương thời.

Hình tượng con đường trong câu nói của Lỗ Tấn cần phải được hiểu theo nghĩa bóng: là cách thức và phương hướng để con người giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội. Với Lỗ Tấn, đó là con đường cách mạng. Không có cách mạng thì không thể thay đổi được những suy nghĩ cổ hủ lạc hậu của Nhuận Thổ, của thím Hai Dương. Rồi đến đời Thủy Sinh lại tiếp tục sống trong những lễ giáo phong kiến đó. Không có cách mạng thì làm sao chữa được căn bệnh u mê lạc hậu của người dân Trung Hoa lúc bấy giờ. Họ đã bị sự lạc hậu, căn bệnh tinh thần che đi lý trí và đôi mắt của họ, trong mắt họ thì người chiến sĩ cách mạng – chỉ là một tên giặc, một thằng khốn, thằng quỷ sứ, thằng điên. Họ vui mừng khi biết tin chiến sĩ cách mạng bị bắt và bị hành quyết như một tên giặc, và họ thản nhiên dùng máu của người thật ra chính là ân nhân của họ để tẩm chiếc bánh bao mà theo họ có thể chữa khỏi căn bệnh lao cho thằng bé (Thuốc). Họ còn là những người hiểu biết hạn hẹp và sự ngu dốt như AQ – một điển hình cho người dân Trung Quốc, đã xem “làm cách mạng tức là làm giặc”, và AQ muốn đi theo cách mạng chỉ vì nghĩ rằng làm cách mạng có thể khiến cho cụ Cử phải sợ, và “đầu hàng cách mạng” để được làm giặc (AQ chính truyện). Các tác phẩm của ông nhằm mục đích là “làm cho mấy người còn đang mơ mơ màng màng giật mình tỉnh dậy”, ông đã để tất cả công sức vào việc vạch trần căn nguyên của việc cùng đường tắt lối của xã hội Trung Quốc, tìm kiếm một con đường thoát cho xã hội, tìm kiếm một lực lượng giải phóng dân tộc.

Và theo ông: “Người ta đi mãi thì thành đường thôi ”. Câu này được hiểu theo hai lớp nghĩa. Thứ nhất Đường là do con người tạo ra. Con người tạo ra đường đi để phục vụ chính mục đích của mình. Con đường cách mạng bây giờ là con đường duy nhất có thể phục vụ mục đích của người dân Trung Hoa. Thứ hai Không có con đường nào là duy nhất. Chỉ cần người ta đi nhiều thì sẽ thành đường. Rõ ràng hình tượng con đường ở đây mang đậm khuynh hướng cách mạng, thể hiện khát vọng đổi thay. Ông không muốn đời con, đời cháu mình lại tiếp tục sống trong cái xã hội kìm kẹp cả trong suy nghĩ khiến con người ta trở nên ngu dốt, bần tiện, xấu xa.

Như vậy với câu nói này, Lỗ Tấn quan niệm: trên đời không có gì là bất biến. Chỉ cần con người có khát vọng và dám thực hiện khát vọng ấy thì sẽ có khả năng làm thay đổi thế giới. Lỗ Tấn thật sự đã làm tốt vai trò một người thầy thuốc chữa bệnh tinh thần cho con người.

Câu nói của Lỗ Tấn còn thể hiện một quan niệm tích cực, mang tính cách mạng. Với Lỗ Tấn, lịch sử không dừng bước mà luôn vận động, biến đổi. Cái cũ lạc hậu thì phải thay thế cái mới tốt đẹp hơn. Vì thế khi nói câu này tâm trạng nhân vật tôi trong Cố Hương tràn đầy niềm tin và hi vọng.

Khi nói “Người ta đi mãi thì thành đường thôi”, Lỗ Tấn đã đặt niềm tin hoàn toàn vào con người. Con người với khát vọng đẹp đẽ là chủ thể sáng tạo ra lịch sử. Con người tự mở ra những con đường trong hành trình tiến về phía trước của mình. Lịch sử, hiện tại và tương lai đã chứng minh niềm tin của ông hoàn toàn có cơ sở. Để đến một tương lai tươi sáng họ sẵn sàng mạo hiểm đi một con đường mới, tránh những lối mòn quen thuộc.

Con người sống có ý nghĩa phải là con người có khát vọng đổi thay, vượt lên những giới hạn có sẵn. Kêu gọi những con người trong cuộc đời phải là những người mở đường, tạo lập ra những con đường mới cho mình và toàn xã hội.

Câu nói không chỉ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin mà còn phê phán những người có thái độ sống thụ động, ươn hèn, không có niềm tin, không có ước mơ, khát vọng. Họ chấp nhận đến muộn, về sau đi theo những lối mòn có sẵn. Họ sợ khó, sợ khổ, sợ mạo hiểm. Họ tạo cho mình một vỏ bọc an toàn và mãi mãi không bao giờ muốn thoát ra vỏ bọc ấy.

Là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước chúng ra cần phải tạo lập lối sống năng động, trái tim tràn đầy ước mơ. Hãy thực hiện những ước mơ khát vọng của mình bằng chính trái tim tràn đầy nhiệt huyết và một sức trẻ dẻo dai: “ Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”.

Bên cạnh viêc học tập làm giàu tri thức chúng ta cần rèn luyện cho mình một nghị lực để trở thành những người mở đường, góp phần đưa đất nước tiến lên.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Thông qua tác phẩm Cố hương hãy nêu ý kiến của em về câu nói  Mỗi khi chọn đề tài … tìm cách chạy chữa” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 07/2024!