Updated at: 30-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Kể lại truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu” chuẩn nhất 04/2024.

Kể lại truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu- mẫu 1

Nhĩ vừa ngồi trên giường bệnh để vợ bón cho từng thìa thức ăn vừa nghĩ, thời tiết đã thay đổi, đã sắp lập thu rồi. Cái nóng ở trong phòng cùng ánh sáng loa lóa ở mặt sông Hồng đã không còn nữa.

Vòm trời như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước len những khoảng bờ bãi bên kia sông, nơi một vùng phù sa lâu đời của sông Hồng đang phô ra trước khung cửa sổ gian gác nhà Nhĩ, những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất đai màu mỡ. Suốt đời, Nhĩ đã từng đi khắp đó đây vậy mà cái bờ bên kia sông Hồng tưởng như gần gũi nhưng lại xa lắc xa lơ bởi anh chưa đặt chân đến đó bao giờ.

Nhĩ khó nhọc nâng cánh tay lên đẩy cái bát miến trên tay của Liên ra. Anh chàng ngửa mặt như một đứa trẻ để cho thằng con lau mặt. Chờ khi đứa con trai đã bưng thau nước xuống dưới nhà, anh hỏi vợ:

–   Đêm qua lúc gần sáng em có nghe thấy tiếng gì không?

Liên giá vờ không nghe chồng nói. Anh lại tiếp:

–   Hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ?

Liên vẫn không đáp. Chị biết chồng đang nghĩ gì. Chị đưa những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve chồng, rồi an ủi:

–   Anh cứ yên tâm, vất vả, tốn kém đến bao nhiêu em với các con cũng chăm lo cho anh được.

Nhĩ thấy thương Liên. Cả đời chị đã vì anh mà khổ. Anh thương chị lắm nhưng chẳng biết nói sao.

Ngừng một lát, Liên lại động viên anh:

–   Anh cứ tập tành và uống thuốc. Sang tháng mười, nhất định anh sẽ đi lại được.

Nhĩ thoáng chốc quên đi bệnh tật. Anh bị cuốn vào những câu nói bông đùa của Liên. Nhưng rồi, Liên đặt bàn tay vào sau phiến lưng đã có nhiều mảng thịt vừa chai cứng vừa lỏ loét của Nhĩ. Thế là cái cảm giác mệt mỏi vì bệnh tật lại trở về với anh.

Liên đã đi ra ngoài và dọn dẹp. Chị hâm thuốc cho chồng xong rồi đi chợ. Chờ cho vợ đi hẳn xuống dưới nhà rồi, Nhĩ mới gọi cậu con trai vào và nói:

–    Đã bao giờ con sang bên kia chưa? Nhĩ vừa nói vừa ngước nhìn ra ngoài cửa sổ.

Cậu con trai dường như nghe chưa rõ bèn hỏi lại:

–   Sang đâu hả bố?

–   Bên kia sông ấy!

Tuấn đáp vẻ hững hờ:

–   Chưa…

Nhĩ tập trung hết sức còn lại để nói ra cái điều ham muốn cuối cùng của đời anh:

–   Bây giờ con sang bên kia sông hộ bố.

–   Để làm gì ạ?

–    Chẳng để làm gì cả. Nhĩ ngượng nghịu nhận ra sự kỳ quặc trong ý nghĩ của mình. Nhưng anh vẫn tiếp:

–   Con hãy qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi loanh quanh đâu đó hoặc vào một hàng quán nào đó mua cho cha cái bánh rồi về.

Cậu con trai miễn cưỡng mặc quần áo, đội chiếc mũ nan rộng vành rồi ra đi.

Vừa nghe Tuấn bước xuống thang, Nhĩ đã thu hết tàn lực lết dần, lết dần trên chiếc phản gỗ. Nhấc mình ra được bên ngoài phiến nệm nằm, anh mệt lử và đau nhức. Anh chỉ muốn có ai đỡ cho để nằm xuống.

Nghe tiếng bước chân ở bên kia tường, Nhĩ cúi xuống thớ hổn hển để lấy lại sức rồi cất tiếng gọi yếu ớt: “Huệ ơi!”.

Cô bé nhà bên chạy sang. Và dường như đã rất quen, cô lễ phép hòi: “Bác cần nằm xuống phải không ạ?”.

–   ừ, ừ… chào cháu. – Nhĩ trả lời.

Cô bé chưa vội đỡ Nhĩ. Nó chạy ra ngoài gọi mấy đứa bạn vào và rồi cả bọn cùng giúp Nhĩ nằm ra ngoài tấm nệm. Chúng giúp anh đặt một bàn tay lên bậu cửa sổ và chèn một đống gối sau lưng. Anh thấy hạnh phúc và càng yêu hơn lũ trẻ.

Ngoài sát ngay sau khuôn cửa sổ, Nhĩ nhìn thấy ở bờ bên kia một cánh buồm vừa bắt gió. Sát bên bờ của dải đất lở bên này, một đám đông đợi đò đang đứng nhìn sang nhưng Nhĩ cứ nhìn mãi mà không thấy bóng thằng con trai đâu cả.

Thì ra thằng con anh đang dán mắt vào một bàn cờ thế. Ngày xưa anh cũng từng mê cờ thế. Và bây giờ, Nhĩ nghĩ một cách vô cùng buồn bã: con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo quanh co. Nhĩ chợt nhớ về cái ngày anh mới cưới Liên. Một cô gái nhà quê nay đã trở thành một người đàn bà thành thị. Tuy vậy cũng như cánh bãi bồi bên sông, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên nét tảo tần và chịu đựng. Và chính nhờ những điều này mà sau bao ngày bôn tẩu, Nhĩ đã tìm thấy một nơi nương tựa ấy chính là cái gia đình bé nhỏ này.

Con đò đã sang quá nửa sông. Và chính giữa lúc Nhĩ đang tưởng tượng mình đội chiếc mũ nan và sang sông như một nhà thám hiểm thì có tiếng người vào. Anh quay lại. Đó là ông cụ giáo Khuyến – người ngày nào cũng ghé qua hỏi thăm sức khỏe của anh.

Hai người đang nói chuyện thì bỗng ông hàng xóm hốt hoảng nhận ra mặt mũi Nhĩ đỏ rựng, hai mắt long lanh, hai bàn tay bấu chặt vào bậu cửa và run rẩy. Anh đang cố thu nhặt hết chút sức lực cuối cùng để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay làm ra vẻ ra hiệu cho một người nào ngoài đó.

Ngay lúc bấy giờ, chiếc đò ngang mỗi ngày một chuyến chở khách qua lại hai bên sông Hồng vừa chạm mũi vào cái bờ đất lở dốc đứng phía bên này.

Kể lại truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu- mẫu 2

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn đồng thời cũng là một người lính chiến, tuy nhiên sau khi đất nước độc lập, tư tưởng và nghệ thuật của ông có nhiều đổi mới. Các tác phẩm của ông chủ yếu gắn liền với cuộc sống của nhân dân lao động, những con người bình dị gần gũi, lấy cảm hứng từ những vấn đề mang tính triết lý, đạo đức nhân sinh, thể hiện cái nhìn đa diện, nhiều chiều của một nhà văn sâu sắc. Tiêu biểu có Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Cỏ lau (1989), Chiếc thuyền ngoài xa (1987), và tác phẩm Bến quê (1985) cũng là một trong số những tác phẩm có nhiều triết lý thú vị như vậy.

Truyện ngắn kể về một người đàn ông tên Nhĩ, anh có một cuộc đời rất hùng tráng, đã đặt chân đến không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, ấy vậy mà cho đến lúc cuối đời anh lại chợt bừng tỉnh nhận ra rằng, cái bờ bên kia sông Hồng anh lại chưa từng đến bao giờ, mặc dù nó ở ngay trước mắt anh, trước cửa sổ nhà anh. Để đến khi còn chút hơi tàn, nằm liệt giường phụ thuộc vợ con, anh dù có muốn cũng không thể đi được nữa rồi.

Trong những ngày tháng bệnh tật chỉ có vợ anh – chị Liên là người tận tình chăm sóc, mặc dù theo lời anh là suốt đời anh chỉ làm khổ chị mà chị vẫn im lặng chịu đựng. Nhĩ dường như nhẩm tính được thời gian còn sót lại của mình, anh thương vợ, lại thương các con, anh cố gắng trò chuyện với vợ những chuyện vụn vặt, về chuyện bệnh tật của mình, hy vọng sẽ tốt lên dù biết là không thể, chỉ để chị vui. Đến khi vợ đi chợ, anh lặng lẽ gọi cậu con trai thứ hai, vốn đang học tại thành phố phía nam xa xôi và mới trở về đêm hôm qua, đến lúc này anh mới có cơ hội ngắm nhìn kỹ Tuấn, đứa con của mình. Rồi Nhĩ bỗng bùng cháy một ước muốn, ước muốn được đặt chân đến bờ sông bên kia, chuyện mà cả đời anh chưa làm được. Nhĩ lúng túng, ngại ngùng trước ý định của mình, một lần nữa anh lại nhìn ra cửa sổ, nhìn sang bên kia sông, anh quyết định đặt hết niềm hy vọng lên Tuấn. Anh hỏi Tuấn đã qua bờ bên kia bao giờ chưa, đáp lại anh là câu trả lời hờ hững của Tuấn “Chưa ạ…”, cậu con trai có vẻ chẳng mấy để tâm đến cái bờ bến thân thuộc trước nhà. Nhĩ tiếp tục mở lời, muốn Tuấn qua bờ bên kia giúp anh, nhưng Tuấn lại thấy buồn cười bởi qua đấy để làm gì, làm gì có gì mà chơi, nhưng cuối cùng để chiều lòng người bố bệnh tật, cậu vẫn uể oải mang mũ nón lững thững qua bờ bên kia, mà không hề biết rằng bố cậu đang thấp thỏm, ao ước thấy cậu đặt chân đến bờ bên kia nhường nào.

Nhĩ thu hết chút sức lực tàn, lết ra được tấm đệm nằm, để đến bên bờ cửa sổ, nhưng khổ nỗi thân thể anh đã yếu ớt đến mức, mới nhấc mình ra khỏi tấm đệm nằm thì tưởng như “vừa bay được nửa vòng Trái đất”, anh cần người đỡ nằm xuống. Nhĩ gọi Huệ, một cô bé nhà bên, vốn đã quen với việc này, cô bé lại gọi thêm cả một đám trẻ con khác cùng đỡ anh dịch đến bên cửa sổ, giúp anh kê gối cùng chăn cho thoải mái. Lúc này đây Nhĩ bỗng thấy thật buồn cười, cả một đời khỏe mạnh, đi không biết bao nhiêu chốn, nay lại cảm tưởng bản thân như một đứa trẻ còn nằm ngửa tận hưởng sự chăm sóc của những đứa trẻ khác, anh lại càng thêm yêu lũ trẻ con trong nhà mình hơn.

Ngồi bên cửa sổ anh hướng mắt ra xa, trông thấy bên này một con đò đang giương buồm trắng, vừa mới chống sào ra khỏi bãi bồi bên kia, còn bên đây chỉ thấy một đám người đợi đò, trò chuyện rôm rả, nhưng mãi anh cũng không tìm ra cái mũ rộng vành của Tuấn. Hóa ra Tuấn mới chỉ đến gốc cây bằng lăng bên đường và đang say mê chơi phá cờ thế, anh chỉ sợ Tuấn sẽ lỡ mất chuyến đò duy nhất. Quả thật đứa con trai này có nhiều điểm giống anh, cậu còn trẻ có thấy được điều gì hấp dẫn ở bên kia đâu, chỉ có anh lúc sắp gần đất xa trời, đã đi gần hết vòm trời mới hiểu được vẻ đẹp của mảnh đất quê hương, nhưng đã quá khó để khám phá nữa rồi. Nhĩ rút ra một điều rằng: “con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái gì vòng vèo hoặc chùng chình”, anh và cậu con trai chính là hai minh chứng rõ rệt nhất. Nhĩ cảm thấy buồn bã và ân hận bởi vì bản thân mải mê đuổi theo những thứ xa xôi để rồi quên bẵng đi những thứ đẹp đẽ vốn gắn bó với mình cả cuộc đời thì lại không hiểu hết, không đủ yêu thương. Niềm ân hận ấy không đơn giản là việc chưa đến bờ bên kia con sông Hồng, mà còn là nỗi niềm thương xót vợ anh, người phụ nữ tần tảo, dịu dàng, theo anh cho anh một nơi nương tựa cuối cuộc đời, thế mà cả cuộc đời anh chẳng cho chị lấy trọn nghĩa phu thê, chỉ chăm bay nhảy khắp cùng trời cuối đất, đây là điều anh thấy nuối tiếc nhất.

Đang lúc buồn bã, thì có cụ Khuyến đến chơi, cụ vẫn thường thăm hỏi Nhĩ mỗi ngày. Chưa nói chuyện được hai câu thì bỗng Nhĩ mặt mũi đỏ bừng, tay bấu chặt bệ cửa sổ, vẻ mặt vừa say mê vừa đau khổ, những ngón tay run lẩy bẩy, rướn người nhìn ra cửa sổ một tay vẫy vẫy như đang ra hiệu cho ai đó. Nhìn ra chỉ thấy một con đò ngang vừa cập bến bên này, như mang về thứ gì đó tươi đẹp từ vùng đất màu mỡ, thơ mộng bờ bên kia, nơi anh chưa từng đặt chân tới bao giờ…

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Kể lại truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!