Updated at: 05-05-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách” chuẩn nhất 09/2024.

LẬP DÀN Ý CHI TIẾT BÀI VĂN VIẾT THƯ GỬI BẠN KỂ VỀ BUỔI THĂM TRƯỜNG SAU 20 NĂM

I. Mở bài


Hà Nội, ngày…tháng …năm…

Bạn…thân mến

II. Thân bài

a) Những lí do thăm hỏi đầu thư

– Lí do viết bức thư này (cảm xúc nhớ đến bạn, vô tình nhớ đến bạn,…)

b) Nội dung thư

– Giới thiệu tên trường xưa, tưởng tượng đến trường vì lí do nào? đi bằng phương tiện gì?

– Miêu tả con đường đến trường: Hãy so sánh con đường lúc đó và sau này, thay đổi như thế nào? cảm xúc ra sao?

– Miêu tả sân trường? (so sánh xưa – nay), các cây xanh trong trường thay đổi thế nào? ghế đá, những băng ghế? gốc bàng, hàng phượng…còn như xưa? đã già hay đã trồng cây khác?

– Miêu tả các phòng lớp (phòng vi tính, dụng cụ…): So sánh trước kia với hiện tại: phòng giám hiệu, phòng bộ môn, phòng đoàn đội, phòng vi tính, phòng thí nghiệm, dụng cụ, thiết bị đổi khác ra sao?

– Tả những hình ảnh, sự vật gắn với kỉ niệm thời xưa, nêu lên cảm xúc lúc đó của em, thầy cô, bạn bè.

– Gặp lại thầy cô nào, những ai còn vẫn đang còn dạy, những ai đã nghỉ hưu, hồi tưởng lại về kỉ niệm gắn bó với những thầy cô thân thiết nhất. Thầy cô mới như thế nào ? (so sánh với thầy cô trước kia)

– Gặp lại thầy cô chủ nhiệm lớp: Thầy cô đó đã thay đổi ra sao hay vẫn giữ nguyên nét gì, miêu tả những thay đổi ngoại hình, khuôn mặt, giọng nói, ánh mắt?

– Thầy cô trò nhắc lại kỉ niệm lúc xưa cách đây 20 năm:

+ Trò hỏi thăm các thầy cô cũ? Báo cho cô biết tình hình một số bạn học? Về công việc của mình và các bạn còn liên lạc?

+ Tâm trạng của thầy cô giáo sau khi nghe câu chuyện em kể thế nào? Cảm xúc ra sao?

+ Cảm xúc của em lúc đó thế nào? (xúc động, buồn)

III. Kết luận

– Hỏi thăm hỏi sức khoẻ và chúc bạn thành công trong cuộc sống.

– Lời chào đến người bạn và ngôi trường của mình.

Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách- Mẫu 1

Đông Anh, ngày 5 tháng 9 năm 2030

“Vịt” Ly thân mến!

Hẳn cậu rất ngạc nhiên khi bức thư này được gửi tới cậu từ Đông Anh – quê hương của tụi mình.

Đừng ngạc nhiên Ly ạ, mình về nước được gần 10 hôm rồi. Ra đi thấm thoắt đã mấy năm trời. Cuộc sống cứ như cơn lốc cuốn mình đi. Bởi vậy, vừa bước xuống sân bay, mình cảm tưởng như trái tim sắp nổ tung vì xúc động, vui mừng, hồi hộp, rạo rực. Đến giờ mình mới cảm nhận hết được ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “quê hương”. Mình đã được trở về ngôi nhà thân yêu đầy ắp tình thương, được thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Nhưng chưa hết Ly ơi, một điều xúc động bất ngờ đã đến với mình trong chuvến thăm quê lần này, mình đã về thăm lại trường cũ.

Nhân ngày khai giảng năm học mới, lại đúng dịp về thăm quê nên mình quyết định về thăm lại trường Nguyền Huy Tưởng sau bao năm xa cách. Ngày hôm ấy, bầu trời quang đãng, trong xanh đến lạ, những tia nắng vàng xuyên qua các kẽ lá xanh mướt của mùa hè, như vương trên đôi chân khiến lòng mình chen đầy những cảm xúc khác nhau: rộn rã, hồi hộp, náo nức, lo lắng… như trong buổi khai trường năm xưa. Vừa bước tới cổng trường, mình đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy cánh cổng điện tử tự động thay chỗ cho cánh cổng sắt cũ kĩ năm xưa và phía trên là bảng điện tử chạy dòng chữ đỏ: “Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng”. Bước qua cánh cổng hiện đại, mình mới thấy không khí rộn ràng của một ngày khai trường. Hai hàng cây bên cổng vào được trang trí băng rôn đỏ rực, các dãy nhà, các phòng học cũng được treo những chiếc cờ đuôi nheo với dòng chữ vàng “Thi đua dạy tốt, học tốt”Khắp trường cờ hoa rực rỡ. Sân trường ồn ào náo nhiệt tiếng cười, tiếng nóị, tiếng reo… Đồng phục không còn là áo trắng quần xanh gò bó như xưa mà đã được thay bằng chiếc váy ngắn, quần soóc, áo phông thoải mái trông thật dễ thương. Các cô giáo vẫn dịu dàng trong tà áo dài quen thuộc còn các thầy thì trang trọng trong bộ vest đen. Mình ngồi xuống chiếc ghế đá giữa sân trường để được ngắm kĩ hơn ngôi trường sau bao năm xa cách. Cậu biết không, khu vườn sinh địa – công trình măng non của chúng mình khi xưa – giờ như một công viên nhỏ. Ly vẫn nhớ cây bằng lăng hai đứa mình trồng trong khu vườn này chứ? Hồi trước nó cao chừng gang tay, nhỏ xíu thế mà giờ đã như một thiếu nữ mới lớn với những hoa màu tím.

Mình vào khu học đường. Chân bước lên những bậc thang xưa mà lòng thì hồi hộp. Lớp của mình đây rồi, nhưng nó thay đổi nhiều quá. Toàn bộ lớp được tân trang lại: có một chiếc máy chiếu lớn, một chiếc ti vi, tủ đựng đồ, mỗi bàn chỉ có 2 học sinh ngồi, không như chúng mình trước kia chen chúc… Mình đi đến chiếc bàn thứ tư, dãy giữa, nơi tụi mình đã ngồi 20 năm về trước. Mình mỉm cười, ngồi xuống, chợt nhớ những kỉ niệm xưa. Nhớ những khi cùng nhau vui đùa chạy vòng quanh lớp. Nhớ khi “Vịt” giận mình chỉ vì mình làm rách bìa quyển sách Ngữ văn của cậu nhưng rồi chính cậu lại làm lành trước. Nhớ khi hai đứa mình bị cô chủ nhiệm phạt vì “buôn” chuyện trong giờ học. Nhớ cái lần thằng Hùng “quái” ngồi sau cậu, lấy dây buộc vào tóc cậu giặt giật khiến cô Giang tưởng lầm cậu làm trò trong lớp… Nhớ lắm những năm tháng mà cả 47 đứa trong lớp cùng nỗ lực học tập, cùng “nỗ lực” bày ra những trò nghịch ngợm, cùng chia sẻ buồn vui, vậy mà, giờ đây mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người có một cuộc sống riêng, một lựa chọn riêng… Dù 20 năm đã trôi qua nhưng mình vẫn nhớ những tháng ngày thân thương ấy, mình vẫn chưa thể quên ngày chia tay đầy nước mắt của lớp mình.

Ra khỏi lớp, mình nhìn xuống nhà thể chất. Không còn ngôi nhà bị dột khi trời mưa nữa, thay vào đó là ngôi nhà thể chất mới, cao to và chắc chắn nhà để xe cũng đã được dời ra sau khu nhà học. Mải ngắm nhìn những thay đổi của trường, mình không nhận ra có người đứng sau mình từ bao giờ:

– Em về thăm trường phải không?

Thì ra là cô Giang chủ nhiệm tụi mình năm lớp 9. Mình vừa mừng vừa xúc động. Cô đã già đi nhiều, mái tóc đen ngày nào giờ đã điểm bạc, khóe mắt nhiều nếp nhăn nhưng ánh nhìn của cô không hề thay đổi, vẫn dịu dàng trìu mến và đầy yêu thương. Cô ôm mình và cả hai cô trò đều giàn giụa nước mắt. Cô hỏi han về cuộc sống của mình và kể cho mình nghe về các thầy cô khác. Hầu hết các thầy cô dạy chúng mình đều đã nghỉ hưu. Cô Hạnh đang ở Mĩ cùng con trai. Thầy Hưng bệnh nặng đang nằm trong bệnh viện. Mình thương thầy quá. Thầy Tuấn về quê vui thú điền viên… Mình và cô vừa đi vừa nói chuyện, bỗng một bàn tay đập mạnh vào vai mình:

– “Ổi ương”, về nước mà không báo cho tôi một tiếng.

Là thằng Quang cái thằng chúa nghịch và lười học ngày nào giờ lại là giáo viên dạy Toán của trường. Quang đưa mình và cô đến nơi tập trung của lớp. Hóa ra rất nhiều bạn lớp mình nhân dịp này cũng về thăm lại trường. Nhiều người còn dẫn cả con theo nữa. Nam và Đạt cùng mở một công ty xây dựng. Huyền “béo” đã thon hơn một chút, đang làm kế toán cho một công ty nước ngoài. Dung “kều” dạy Lí ở Hải Phòng, có hai thằng cu xinh ra phết… Nhìn chung, lớp mình đều thành đạt. Mình nghĩ đúng như Minh – lớp trưởng – nói, những thành công của tụi mình không chỉ nhờ nỗ lực bản thân mà phần lớn là nhờ công lao dạy bảo của các thầy cô.

Buổi thăm trường hôm ấy đã để lại trong mình rất nhiều ấn tượng. Mình cảm thấy niềm vui tràn ngập, mình như trở lại 20 tuổi. Ly ơi, lớp mình hẹn sang năm sẽ gặp lại nhau vào dịp này. Ly hãy gạt công việc sang một bên, sang năm về thăm trường nhé. Rồi cậu sẽ thấy sung sướng và hạnh phúc thế nào khi được trở lại thăm trường. Ly hãy thông cảm cho sự “lắm lời” của mình bởi cảm xúc cứ dâng trào khiến mình cần người chia sẻ. Chúc cậu và gia đình luôn hạnh phúc.

Bạn thân “Ổi ương” của cậu.

Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách- Mẫu 2

Khuyên thân mến!

Hè vừa rồi, nhân về thăm quê mình có ghé thăm trường cũ. Sau 20 năm, mái trường xưa đã có rất nhiều thay đổi. Mình muốn viết thư cho bạn ngay, vừa để hỏi thăm sức khoẻ của gia đình bạn vừa muốn tâm sự cùng bạn những chuyện ngày xưa.

Đó là vào một buổi chiều muộn, không gian làng quê yên ả, thanh bình đến kỳ lạ. Mình bước trên con đường làng, vẫn là con đường ngày xưa có nhiều hoa và cỏ nhưng cảm giác của mình thật lạ: hồi hộp, xao xuyến như cô học trò nhỏ ngày nào mỗi sớm mai đến lớp. Từ xa mình đã trông thấy trường: nhà cao tầng, lợp ngói đỏ, nổi bật trên nền trời ngày hè xanh trong. Bước những bước chân chậm rãi đến gần ngôi trường xưa yêu dấu, mình cảm nhận rõ ràng cảm giác thân quen gần gũi khi nhìn thấy tấm biển: “Trường THCS Tây Hưng”. Khuyên còn nhớ lời cô đã nói: “Bước qua cánh cổng này là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra”. Đúng là như vậy. Ngôi trường của chúng ta giờ đã thay đổi khá nhiều:to đẹp hơn, khang trang hơn, có tường bao, vườn thực vật và rất nhiều cây cảnh. Chỉ có những hàng cây trên sân trường là vẫn thế:xanh biếc đến nao lòng. Cuối sân trường, hàng phượng vĩ vẫn nở hoa đỏ rực như mùa thi chỉ vừa mới qua thôi…Mình bước chầm chậm lên hành lang tầng hai, giật mình khi trông thấy bác La bảo vệ. Có lẽ nhìn cái vẻ bần thần của mình bác ấy cũng đoán ra là học sinh cũ về thăm trường nên chỉ cười mà không hỏi gì cả. Lòng bồi hồi bước đến bên lớp cũ, nhìn qua cửa sổ, cảm thấy mình vẫn là cô học trò nhỏ ngày nào. Trong “ngôi nhà chung” ấm cúng này, bốn mươi thành viên của lớp đã học tập, vui chơi, cùng chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, những tâm tư tình cảm của tuổi học trò hồn nhiên trong sáng. Những dãy bàn, những giờ học hăng say, dường như còn thoảng đâu đây cả lời cô giáo giảng… Sơn Ca còn nhớ chỗ ngồi của bọn mình ngày xưa không? Bàn thứ hai, bên trái, chỗ ngồi đã gắn bó với chúng mình trong suốt cả năm học lớp 9. Có lần cô giáo cho làm bài tập, cả lớp cắm cúi làm còn An cúi mặt xuống bàn làm một giấc. Thấy An ngủ ngon lành quá, mình vẽ lên mũi cậu ấy một chấm tròn to nhìn y như mũi con mèo. Một lát cô giáo trông thấy, gọi An đứng dậy. Nhìn An, cô giáo bật cười còn cả lớp được một phen nghiêng ngả. Ngày ấy chúng mình quí nhất cô Phương. Với cả lớp, cô như người chị cả, vừa nghiêm nghị vừa gần gụi, yêu thương. Giọng cô nhỏ và trong, những bài cô dạy, những câu chuyện cô kể dường như bao giờ cũng hấp dẫn hơn nhiều lần…Tất cả như vừa mới đây thôi, vẫn vẹn nguyên trong ký ức, giờ ào ạt ùa về khiến nỗi nhớ trở nên cồn cào, cháy bỏng. Gió chiều mát dịu, mang theo cả vị mặn mòi của biển khiến mái trường quê thêm thân thuộc biết bao!

Mỗi chúng ta giờ đều đã khôn lớn trưởng thành. Những ước mơ xưa giờ đã thành hiện thực. Nỗi lo toan của cuộc sống khiến ta đôi lúc lãng quên nhiều thứ. Chỉ riêng ở nơi này, những kỷ niệm của chúng mình vẫn chờ đợi những học trò xưa…

Chiều muộn, mình trở về. Đã bước chân ra khỏi ngôi trường lưu giữ những tháng năm học trò hồn nhiên và đẹp như một câu chuyện cổ tích mà thấy lòng mình vẫn xao xuyến bâng khuâng…

Khuyên! Thư đã dài, mình dừng bút nhé. Hẹn gặp nhau một ngày gần nhất khi chúng mình cùng trở lại trường xưa!

Bạn

Huy Thành

Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách- Mẫu 3

Đông Anh, ngày 12 tháng 12 năm 2039

Trang Chi thân mến!

Nhận được lá thư nhỏ của mình, hẳn cậu phải ngạc nhiên lắm. Đã lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau mà. Nhân dịp 35 năm thành lập trường, lớp 9B của chúng mình đã về thăm lại Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng thân yêu. Tiếc quá, vì bận mà cậu lại không về được. Ngày hôm ấy rất vui, có cảm giác như mình được trở lại những ngày thơ ấu. Mình muốn chia sẻ với cậu những cảm giác hạnh phúc, xúc động khi gặp lại bạn bè, thầy cô cũ.

Chúng ta chia tay trường cũng đã 20 năm. Hôm nhận được thông báo về việc họp lớp nhân ngày thành lập trường, mình rất vui. Sáng hôm đó, mình dậy thật sớm. Cảm giác nôn nao, hồi hộp, bâng khuâng. Dường như mình đang đợi cậu qua cùng đi học. Ngày ấy thật thú vị biết bao. Mình đến trường trên con đường cũ mà ngày xưa hai chúng mình thường đi. Con đường đã thay đổi nhiều, rộng lớn hơn, có vỉa hè, cây xanh, nhà mọc san sát. Đâu rồi cái con đường đất nhỏ bé, mỗi sáng râm ran tiếng chim hót trên cây? Con mương nhỏ chạy dọc theo cánh đồng thoang thoảng mùi lúa chín. Còn nhớ, có hôm cậu đèo mình đi học, trời mưa, đường trơn tuột, cậu chệnh choạng rồi lao xuống mương. Hai đứa lấm lem mà vẫn cười toe toét. Mình cố tìm mãi cái nơi chúng mình bị ngã nhưng chẳng thấy đâu. Mọi thứ đã bị xoá nhoà bởi thời gian, bởi sự xây dựng đổi mới quê hương.

Cánh cổng THCS Trường Nguyễn Huy Tưởng đã hiện ra trước mắt. Không còn là cánh cổng hình cuốn sách nhỏ như ngày xưa nữa, Chi ạ. Đó là cánh cổng tự động đóng, mở với hàng chữ điện tử: “Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng”. Bước vào trong trường, mình không thể tin nổi đây là ngôi trường chúng ta đã từng học. Nhà thể chất ngày xưa nhỏ xinh là thế mà bây giờ đầy đủ tiện nghi, bề thế như một nhà thi đấu nhỏ. Các dãy nhà ba tầng vẫn được xếp theo hình chữ U quen thuộc nhưng được sơn màu trắng, cửa kính sáng loáng. Vườn sinh địa giống như một công viên với thảm cỏ xanh mát rượi. Lễ đài thẳng ngay với cổng trường, rợp bóng cờ hoa. Các em học sinh ngồi xếp hàng ngay ngắn chờ đón buổi lễ trang trọng.

Mình đang thơ thẩn dưới sân trường thì nghe có tiếng gọi phía sau. Mình quay lại, thì ra là Cẩm Tú. Chi còn nhớ Tú không? Nhìn Tú khác quá. Ngày xưa nó lênh khênh, nghịch ngợm, ương bướng, thế mà giờ trông cao ráo, xinh xắn, dịu dàng. Hỏi ra mới biết nó làm người mẫu ảnh cho tạp chí nổi tiếng. Tú dẫn mình lên phòng hội đồng. Hầu như cả lớp mình có mặt. Nhìn ai cũng chững chạc. Lớn hết rồi mà. Chẳng còn đâu cái tuổi ngây thơ cùng nhau chơi bịt mắt bắt dê nữa. Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Dù thời gian có làm mỗi khuôn mặt thay đổi nhưng mình vẫn nhận ra từng người. Cậu còn nhớ Tuấn Anh không? Nhờ cái mồm lẻo mép mà cậu ấy lấy được một cô vợ xinh đáo để. Tuấn Anh giờ mở một công ti thương mại. Nghe nói làm ăn phát đạt lắm. Còn Phương Thảo ngày xưa cứ mơ được làm ở Bộ Ngoại giao giờ đã là Vụ trưởng rồi đó. Chi còn nhớ Cao Cường và Mai Trang chứ? Hai bạn ngồi bàn trên, suốt ngày cứ như mặt trăng với mặt trời thế mà giờ đã nên duyên vợ chồng. Chúng có hai đứa con gái xinh ơi là xinh. Bọn mình ngồi bên nhau ôn lại bao kỉ niệm xưa cũ. Ngày trước bọn mình cứ mong mau lớn để không phải đi học, vậy mà giờ đây mình lại thấy tiếc nuối. Giá như chúng mình không phải lớn, cứ ở bên nhau như ngày xưa, không phải lo nghĩ gì cả.

Thầy cô của chúng mình cũng về thăm trường đấy. Thầy cô nào đầu cũng bạc trắng, vầng trán đã có thêm nhiều nếp nhăn. Cô Hương của chúng mình không thay đổi mấy. Giọng cô vẫn mềm mại, truyền cảm. Nhớ hồi học lớp 9, cô thường hay quở trách lớp khiến ai cũng tức. Giờ nghĩ lại thấy mình thật trẻ con. Mọi lời nói của cô đều có ích cho chung ta, đó là điều hay lẽ phải ta cần ghi nhớ suốt đời.

Tiếng trống vang lên. Mọi người xuống sân trường tập trung. Buổi lễ diễn ra thật nghiêm trang. Mỗi học sinh cũ đều thấy vinh dự, tự hào về trường của mình. Khi bài quốc ca, đội ca vang lên, chúng mình hát thật to, hát như chưa bao giờ được hát. Thầy Vương Anh Hạnh bước lên bục đọc diễn văn. Giờ thầy đã là hiệu trưởng rồi. Thầy nói về lịch sử của trường, truyền thống mà nhà trường đã đạt được trong những năm qua, đồng thời đón nhận bằng khen và Huân chương Lao động của Chính phủ.

Buổi lễ kết thúc, chúng mình cùng nhau đi tham quan các phòng học. Phòng nào cũng có hệ thống đèn, quạt hiện đại. Lại có cả tủ sách chuyên dụng cho các môn học, tranh ảnh minh hoạ, máy phóng, ti vi,…

Thật vui, thật hạnh phúc vì được về thăm trường xưa. Nhưng giờ phút bên nhau thật ngắn ngủi. Rồi cũng đến lúc mọi người phải chia tay nhau, trở lại nhịp sống bận rộn hằng ngày. Quyến luyến không muốn chia tay, lớp 9B chúng mình hẹn nhau năm sau sẽ lại họp lớp. Mong rằng sẽ có cậu để 45 gương mặt thân yêu sẽ lại được cùng bên nhau, cùng hạnh phúc.

Thư đã dài rồi, mình phải dừng bút thôi. Chúc cậu khoẻ mạnh, gia đình đầm ấm, làm ăn phát đạt nhé. Mình rất nhớ cậu. Mong hai đứa mình sớm gặp lại nhau.

Bạn thân của Chi

Đậu Phương Huyền

Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách- Mẫu 4

Hà Nội, ngày 19.05.2039

Phượng thân mến!

Thấm thoát đã 20 năm trôi qua, kể từ cái ngày tớ chia tay cậu, thầy cô và mái trường thân yêu cùng gia đình sang định cư bên nước ngoài, chúng mình đã không còn liên lạc với nhau nữa nhỉ? Hôm nay, ngày 19.05.2039, cái ngày tờ được trở về nước đáp chuyến sân bay Nội Bài, lòng bồi hồi rạo rực và người bạn tớ nghĩ đến đầu tiên chính là cậu. Tớ nhớ tới những kỉ niệm của tuổi thơ, cùng dắt tay cậu tung tăng cắp sách tới trường, đi qua con đường đi bộ với những cánh đồng bất tận màu lúa chín. Và hôm nay trở về, tớ lại đi trên con đường mòn quen thuộc ấy, tớ đi tới ngôi trường mà ngày xưa tớ với cậu đã học: Trường trung học cơ sở Đức Thượng.

Chiếc xe taxi lăn bánh trên đường, cảnh quan phố xá Hà Nội thật đẹp, những tầng nhà cao ốc, những cung đường cao tốc trên cao, những dòng người đổ xô tấp nập cũng chẳng khác gì bên Xingapo – nơi mình sống là mấy. Tớ còn nhớ, ngày trước, con đường đi tới trường đều là con đường đất đá, gồ ghề, những hôm mưa bụi lầy lội, mặt mũi, quần áo đứa nào đứa lấy đi tới lớp cũng nhọ nhem, dính đầy bùn đất cả. Hai bên đường là những dãy bằng lăng, phượng vĩ, bạch đàn cao vút, mát rượi nhưng giờ đây nó đã thay đổi, con đường ấy đã được lát nhựa đường nhẵn thín, hai bên đường là những cột đèn và toàn dãy nhà cao ốc sang trọng, các cửa hàng tạp hóa bày bán đủ các thứ trên đời. Đang ngẩn ngơ nhớ lại những kỉ niệm, hồi ức xưa, bỗng bác tài xế kêu:

– Anh ơi, đến trường rồi ạ!

Tớ giật thoắt người, một cảm giác lâng lâng khó tả, ngẹn ngào chặn đứng nơi cổ họng, không nói được thành lời. Trước mắt tớ là ngôi trường xưa mà mình đã học đây sao? Thật khang trang, thật đẹp. Mình vội vàng bước xuống xe, lòng nôn nao muốn bước nhanh vào trong mà gặp lại người thầy kính yêu. Tiếng trống trường “tùng… tùng … tùng” vang lên như từng nhịp kí ức đang lần lượt vẫy gọi mình trở về thời học sinh, thời áo trắng cắp sách tới trường. Tụi nhóc trong các lớp nghe thấy tiếng trống, ùa ra như bầy ong vỡ tổ, tiếng cười nói, vui vầy ngây ngô của những tâm hồn trẻ thơ non nớt, và chỉ nay mai thôi, tụi nhóc ấy cũng nhanh chóng trưởng thành, cũng phải tạm biệt mái trường, xa bạn bè thầy cô, rồi lại xòe chiếc áo trắng tinh trên người mà thay nhau khắc ghi kỉ niệm. Thời gian đúng là không bỏ xót một ai trên đời mà …

Kia rồi, chú Hoài bảo vệ vui tính kia rồi. Hai mươi năm rồi, chú vẫn còn làm ở đây, không biết chú ấy còn nhớ tớ không nữa. Tớ cất tiếng chào:

– Cháu chào chú Hoài.

Chẳng hiểu sao lúc ấy, tớ lại hiện lên như một đứa trẻ, nhớ lại những lần đi học muộn bị chú phạt đứng phơi nắng một tiết ở cổng trường, bởi chú cũng là “biệt đội sát thủ” giám thị của trường mà.

– Cậu là…?

– Cháu là học sinh cũ của trường, chú còn nhớ cháu không ạ?

– Có phải Tùng? học sinh lớp thầy Vẻ, con bố Lộc ở làng Phượng Trì không? Lâu lắm rồi không gặp cậu, lớn lên đẹp trai, trắng trẻo phết nhỉ?…

– Ôi, đã hai mươi năm rồi, mà chú vẫn còn nhớ cháu vậy cơ ạ!

Mình giật mình như tìm lại người quen, bởi mình cứ nghĩ, xa trường, xa quê lâu như vậy, chắc hẳn chẳng ai còn nhớ tới mình nữa. Lòng phấn chấn, vui sướng không giấu được vào trong lòng.

– Chú cho cháu vào thăm trường được không ạ. Cháu nhớ trường, nhớ lớp quá chú ạ!

Tạm biệt chú Hoài vui tính, tớ đi loanh quanh sân trường, tìm lại nơi góc xưa trốn cũ mà bọn mình đã chơi ú tim trong mỗi lần ra chơi, đó là chiếc gầm cầu thang quen thuộc. Nơi đó, cậu còn nhớ không, chúng mình còn khắc tên nhau lên đó nữa đấy. Đã hai mươi năm rồi, thế mà những dòng chữ nguệch ngoạc ngây ngô ấy vẫn còn vẹn nguyên, có chăng cũng chỉ mờ đi chút ít do lớp bụi thời gian năm tháng. Kia rồi, lớp 9A kia rồi, mình chạy lại nhìn vào lớp học. Vẫn cái khung cảnh ấy, vẫn là thầy Vẻ, vẫn từng ấy học sinh đang say sưa học bài. Bất chợt bài hát “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của ca sĩ Lynk Lee vang lên trong đầu tớ:

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Để trở về với giấc mơ ngày xưa

Bút mực, truyện tranh, những gói bỏng ngô trong ngăn bàn

Cho tôi xin về lại thời tập tô để vẽ ông mặt trời hiền như bố

Những chiều rong chơi say mê những món đồ hang

Cho tôi xin về lại mái trường xưa

Dù trường thật bé nhưng ước mơ thật to

Từng ngày chăm lo, cô giáo vui như mẹ hiền…

Tớ cứ đứng ngoài lớp mà nhìn thầy giảng bài, thấy hình ảnh của cả lớp mình năm xưa lần lượt như hiện về, nổi hình nổi sắc trong đầu. Mái tóc thầy giờ đã điểm hoa râm, thầy đã gầy hơn xưa nhiều rồi. Nét mặt gầy gò với cặp kính đeo trễ, làn da nâu xạm nắng, giọng nói trầm ấm say sưa trong tiết học khiến tụi nhóc cứ há hốc miệng mà chăm chú nghe giảng. Bất thần, thầy nhìn thấy tớ, tớ lúng túng không biết phải xử trí như nào, tay còn gãi gãi lên đầu, tỏ vẻ ngượng ngùng, giống hệt như một cậu học sinh đi học muộn sợ thầy phạt vậy. Thầy đi ra cửa lớp, cất tiếng hỏi nhẹ nhàng, nồng ấm:

– Tùng, phải Tùng không? Đúng là Tùng rồi, lâu rồi thầy không gặp em. Sao đến trường không gọi điện cho thầy. Mà thầy tưởng em đang định cư bên Xingapo cùng gia đình cơ mà?

Hàng loạt các câu hỏi dồn dập, thể hiện niềm vui, sự bất ngờ của thầy trước việc gặp lại cậu học trò năm nào. Bỗng dưng như một phản xạ vô điều kiện, tớ lao đến, ôm trầm lấy thầy và khóc nức nở như một đứa con nít được gặp lại người cha sau bao năm xa cách. Rồi tớ nói trong dòng nước mắt nghẹn ngào:

– Vâng, em là Tùng đây, em nhớ thầy, nhớ trường, nhớ các bạn quá. Bao năm nay, bên nước ngoài, em không đến thăm thầy được, em xin lỗi thầy nhiều lắm.

Trong lòng tớ lúc ấy, không hiểu sao dâng lên một niềm xúc động khó tả, vừa vui khi gặp lại thầy, lại vừa có phần trách mình khi cảm thấy có lỗi với thầy về ngày xưa đã có lúc không nghe lời thầy, khiến thầy phải bận lòng, không vui… Nói chuyện một hồi lâu, thầy cũng quên cả tiết dạy, hai thầy trò lại hẹn nhau có dịp gần nhất sẽ tới nhà thầy chơi.

Tiếng trống trường lại vang lên từng hồi, điểm nhịp “tùng… tùng…. tùng”, báo hiệu trống tan trường. Tụi nhóc, đứa nào đứa nấy chạy ùa ra mà tung tăng vui vẻ ra về, trả lại không gian im lặng tĩnh mịch vốn có của biết bao nhiêu ngôi trường miền quê khác. Lúc này, tớ mới có dịp nhìn kĩ hơn toàn bộ khung cảnh của trường, thật rộng lớn mênh mông. Cả trường vẫn tổng có sáu dãy nhà, được chia theo lần lượt từ A đến B. Giờ đây, trường còn có cả thêm khu nhà thể thao, thư viện sách và hội trường, trông không khác xưa là mấy nhưng có vẻ sang trọng và hiện đại hơn rất nhiều. Cả sân trường khi đứng trên cao nhìn xuống, một màu xanh lá cây bạt ngàn xen lẫn một vài chấm đỏ của hoa phượng vĩ, báo hiệu thời khắc mùa hạ đã tới. Xa xa là những đàn chim chích chòe đang đậu trên tán lá, chim mẹ đang mớm mồi cho những chú chim non trong tổ, tiếng chim chóc hót líu lo, hòa với tiếng ve kêu, tiếng run dế cao vút, gợi lên một không gian thật nên thơ, tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Ánh mặt trời đã ngả về tây, những đám mây ánh hồng như những hòn than sắp tàn, bóng tối đã bắt đầu xuất hiện, phủ lên khắp không gian trước mặt tớ một màu sẫm đen.

Chiều muộn, tớ ra về mà lòng nặng trĩu. Bởi giờ đây, mỗi chúng ta ai cũng đã khôn lớn trưởng thành, chẳng biết đến bao giờ lớp mình mới lại được gặp lại nhau, rồi cùng nhau tới trường, thăm lại thầy cô, ôn lại những kỉ niệm. Tớ hi vọng, đến một ngày gần nhất, sẽ lại được cùng cậu đi trên con đường mà mình đã từng đi… Nhận được lá thư tớ gửi, cậu nhớ hồi thư lại cho mình nhé!

Tùng lưu bút! Thân ái.

Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách- Mẫu 5

“Thời gian trôi qua nhanh chỉ còn lại những kỉ niệm”. Quá khứ vẫn mãi chỉ là quá khứ và mỗi lần nhắc đến quá khứ thường cảm thấy tiếc nuối và bao kỉ niệm ùa về trong ta. Mới đây thôi mà cũng đã 20 năm hôm nay tôi trở về thăm trường – ngôi nhà thứ hai của mình nhân dịp lễ kỉ niệm 50 năm thành lập trường.

Hôm đó là một buổi sáng đẹp trời, bầu trời trong xanh , cao vời vợi, tôi trở về trường trong cảm xúc rạo rực , phấn khởi,bồi hồi, xốn xang. Ngôi trường thấp thoáng dưới những bóng cây xanh nhưng dưới ánh nắng mặt trời thì ngôi trường càng trở nên rực rỡ hơn. Sau 20 năm xa cách thì mọi thứ đã dần thay đổi từ những dãy nhà ngói màu đỏ thì giờ đã được tu sửa thành những dãy nhà cao tầng màu vàng khang trang ,sạch đẹp. Chiếc cổng được lát nền đá hoa sáng bóng đang dang tay chào đón mọi người . Không giống như mọi ngày , hôm nay là một ngày rất quan trọng nên mọi người đều đến từ rất sớm để chuẩn bị cho ngày lễ.

Bước vào cổng trường , tôi bắt gặp bao nhiêu những cựu học sinh hôm nay cũng về thăm trường với những lẵng hoa tươi thắm để mừng cho ngày lễ trọng đại này. Không ai nói ra nhưng tôi thấy được sự thành đạt của họ và dường như họ cũng có trách nhiệm trở về trường bởi nơi đây đã vun đắp và thắp sáng cho chúng ta bao ước mơ để có được như ngày hôm nay. Tôi cùng lớp học cũ đang lang thang dạo bước trên sân trường để ngắm từng lớp học và cảnh quan của trường thì từng đằng xa bỗng nghe thấy tiếng gọi thân mật trìu mến:” 9B ơi…”. Chúng tôi ngơ ngác nhìn xung quanh chưa biết là ai, thì bỗng cô lại gần và vỗ vai tôi. À, thì ra là cô giáo chủ nhiệm của tôi , hôm nay cô thướt trong tà áo dài màu hồng trông cô thật trẻ trung, xinh xắn. Chúng tôi xúm lại ôm chầm lấy cô và cô trò cùng hàn huyên tâm sự. Cô nhắc lại bao nhiêu kỉ niệm với chúng tôi gắn với thời :” Nhất quỷ nhì ma, thứ a học trò”, nhưng cô không hề trách mắng, mà cô vừa nói vừa cười tôi có cảm giác như cô cũng đang rất mừng cho sự trưởng thành của từng thế hệ học sinh.Chúng tôi cùng cô lên thăm lớp học cũ của mình đứa nào đứa nấy đều nhanh chóng nhớ vị trí ngồi cũ của mình trước kia và trong tôi chợt vẳng lại giọng nói vừa nghiêm nghị vừa gần gũi, yêu thương. Giọng cô nhỏ và trong, những bài cô giảng, những câu chuyện thần tiên bao giờ cũng hấp dẫn hơn rất nhiều. Cho đến hôm nay tôi cũng vẫn còn nhớ như in câu chuyện cô kể về một thời hoa đỏ cho chúng tôi nghe.

Rồi chúng tôi cùng nhau xuống dự buổi lễ thành lập trường. Nhìn lại 50 năm với bề dày lịch sử, những thành tích cao mà trường đã đạt được , chúng ta có quyền tự hào về các thế hệ, cán bộ giáo viên của nhà trường luôn có ý thức tự giác, tích cực học hỏi, là những thầy cô say chuyên môn, có trình độ tay nghề cao, giàu lòng yêu nghề, mến trẻ. Học sinh có truyền thống chăm ngoan , học giỏi,không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tích cực học tập đỗ đầu vào các trường cấp ba đứng đầu của Tỉnh.Kết thúc buổi lễ, chúng tôi cùng nhau ăn liên hoan rồi lại nhớ lại buổi liên hoan chia tay cuối cấp , cùng nhau viết những dòng lưu bút đầy cảm động và cả lớp cùng nhau viết cho cô một quyển sổ nhật kí để lưu lại những kỉ niệm của cô trò trong những tháng ngày đã qua.

Một ngày đầy ý nghĩa đã trôi qua tôi trở về nhà trong lòng đầy nhớ nhung , tất cả sẽ mãi là hành trang dõi theo tôi từng bước để tôi ngày một cố gắng.Mỗi chúng ta giờ đây đều đã khôn lớn trưởng thành, giờ đây những ước mơ của thời học sinh cũng đã trở thành hiện thực đã được chắp cánh bay xa, chỉ còn lại ngôi trường vẫn hiên ngang đứng đó lưu giữ những kí ức của tuổi thanh xuân bồng bột, trong sáng. Cuộc vui nào cũng có ngày chia tay. Ngày trở về trường sau 20 năm xa cách giờ đây cũng đã trở thành quá khứ nhưng chúng ta luôn nghĩ rằng quá khứ sẽ luôn tươi đẹp , hãy giữ gìn nó, hãy để ngôi trường là một phần kí ức trong tâm hồn “Ngoài sân phượng rơi hồng trang kỉ niệm. Chợt nhớ về những ngày xưa đã qua. Và hôm nay chúng ta đã quay trở về…”

Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách- Mẫu 6

Cuộc sống đầy biến động. Những học sinh trường tôi đã chia tay nhau tại mái trường Thuận Thành yêu dấu này. Kể từ ngày đó một phần do bận việc cơ quan phần khác do công việc gia đình nên tôi chưa có dịp về thăm trường, thăm thầy, thăm cô. Hôm ấy nhân chuyến đi công tác tôi xin phép cơ quan nghỉ ba ngày để có dịp thăm lại trường xưa bạn cũ. Đi cùng tôi còn có mấy đồng nghiệp trong tòa soạn. Đó là chuyến đi đầy xúc động của tôi trong suốt những năm công tác ở Hà Nội.

Bánh xe lăn đều và nhanh con đường quen thuộc. Chỉ còn khoảng năm phút nữa là chúng tôi tới trường. Lòng tôi cứ bồn chồn rạo rực. Xe dừng lại ngay trước cổng trường. Cảnh trường khác xưa nhiều quá tôi gần như không thể nhận ra. Thế là đã hai mươi năm kể từ khi chia tay, giờ tôi mới được trở lại đây nơi tôi đã từng có những kỉ niệm êm đẹp. Cổng tường này là này là nơi lũ học trò chúng tôi vẫn đợi nhau. Tôi ngó nghiêng như ngóng chờ 1 điều gì đó. Áp mặt vào những thanh sát của cánh cổng trường tôi nhìn xa xăm. Vẫn màu áo xanh hòa bình nhưng học sinh đang vui vẻ nô đùa hồn nhiên trong sân trường làm tôi nhớ quá những lần đá cầu nhảy dây trốn tìm… cùng các bạn. Nước mắt tôi ứa ra, họng tôi tắc nghẹn như có cái gì chặn ngang. Tôi không thể kìm nổi xúc động này. Thầy cô ơi tiếng gọi sao mà thân thương quá! Mong tìm lại những kỉ niệm ngày xưa, tôi bước vào, hàng phượng vĩ đã thay bằng hàng bằng lăng nhưng tôi vẫn người thấy đâu đây mùi hương quen thuộc hè đến phượng nở đỏ rực cả một góc trời. Ve kêu râm ran. Tiếng ve gọi hè gọi cả những hồi ức ấu thơ đẹp đẽ. Tôi đi dạo một vòng quanh trường như dạo lại hững bài hát mà chúng tôi đã từng hát khi còn học dưới mái trường này. Tôi lẩm bẩm “hàng ghế đá, xanh hàng cây góc sân trường, bạn thân hỡi.” tôi dừng lại không hát nữa nói đúng hơn là không hát nổi. Xúc động!

Tôi ghé lại chỗ hàng liễu xanh rì, đó là nơi tôi và các thầy cô cùng các bạn chụp bức hình cuối cùng “bức ảnh” tôi nghĩ trong đầu và chạy lại về phía ô tô. Tôi bới tung va li tìm kiếm bức ảnh. Đây rồi! Mắt tôi sáng lên vui vẻ, tay tôi lướt trên bức ảnh, lướt trên từng khuôn mặt nụ cười của thầy cô và các bạn. Nước mắt trào dâng, cảnh vật xung quanh nhòa đi trước mắt tôi. Tôi chạy vào văn phòng, chẳng có ai ngoài bác bảo vệ mà học sinh chúng tôi ngày xưa rất kính trọng và tin tưởng. Bác quý học sinh như con của mình. Bác đã già nhưng vẫn vui tính và nhanh nhẹn như ngày xưa. Hồi đó bố mẹ gửi tôi lên học và nhờ bác lo cơm nước cho tôi. Hằng ngày tôi nhổ tóc sâu cho bác, hai bác cháu nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Trong 2 năm học ở trường bác đã cho tôi không ít những lời khuyên bổ ích và đúng đắn.

Tôi tiến gần chỗ bác:

– Bác… bác Hiền ơi..! – Tôi nghẹn ngào

Bác quay sang phía tôi, chăm chú nhìn, đôi mắt ánh lên sự vui mừng.

– Trang … hả?

Giọng bác run run, mắt bác sáng ngời và mặt bác vui vẻ. Bác trách tôi:

– Sao lâu rồi mày chẳng về đây với bác bác có bao nhiêu chuyện mà chẳng biết kể với ai, bác cứ ngóng mày mãi! – Thế hôm nay có việc gì mà lại về đây

– Cháu về thăm bác ạ! – Tôi cười tươi rói.

– Thăm bác? Lại xạo rồi! – Bác cười hiền hậu .

– Sao bác biết ạ? Tôi cười sung sướng – Cháu đùa thôi ạ. Hôm nay cơ quan phân tụi cháu về trường mình làm bài phóng sự về phong trào thi đua và học tập của trường ạ!

– À! Ra thế! Bác cười nồng hậu.

Sau đó chúng tôi và bác ôn lại quãng thời gian ngày xưa bé rất vui vẻ. Đến giờ tan lớp, bác đứng dậy và bảo với chúng tôi:

– Thôi mấy đứa ngồi nói chuyện bác phải lên đánh trống đây.

Bọn tôi vâng ạ, rồi ngồi tiếp nhìn bác đi ra gõ trống trường và ngồi nói chuyện một cách vui vẻ, nhác thấy xa xa có người quen quen tôi tìm lại kí ức “cô Huyền” tôi nghĩ. Vẫn dáng người nhỏ nhắn tay hay đưa lên đầu và cả cách ôm cặp nữa. ĐÚNG RỒI! tôi đứng bật dậy chạy lại phía cô ôm! Cô nhận ra tôi tức thì và hỏi han tôi rất nhiều.

Thấy cô thật chặt trông cô có vẻ xanh xao mệt mỏi, tôi chạy lại hỏi:

– Cô không khỏe ạ! – Tôi thắc mắc.

– À…ừ …! mấy hôm nay thời tiết oi bức cô hơi mệt!

Tôi lúng túng hỏi:

– Thế cô uống thuốc chưa ạ? Cô đừng quá sức cô à!

Cô nhìn tôi với con mắt trìu mến, và chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều.

Đó là 1 chuyến công tác và là 1 chuyến thăm trường đầy xúc động của tôi. Tôi ra về, tới chào mọi người nhưng tôi hứa với bác Hiền và cô sẽ trở lại vào 1 ngày không xa. chuyến đi này đã giúp tô đậm thêm những kỉ niệm về mọi người, về thầy cô và các bạn. Ngay ngày sau đó bài phóng sự về trường Thuận Thanh đã được in ngay trên tờ báo nơi tôi làm việc.

Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách- Mẫu 7

Kể từ cái ngày nhận giấy tốt nghiệp cấp hai thấm thoát đã qua 20 năm, qua bao tháng ngày xa quê hương thương nhớ. Rồi một ngày, khi thấy mình đã trưởng thành qua quãng đường học tập đầy gian khó, tôi đã đủ tự tin để về thăm lại ngôi trường cấp hai xưa – nơi ươm mầm cho tôi bao ước mơ, nơi tôi đã lớn lên từng ngày trong sự dìu dắt của các thầy cô.

Hôm ấy là một ngày rất đẹp. Tiết trời dần chuyển thu, bầu không khí hè không còn quá oi bức, nóng bỏng mà đã trở nên dễ chịu hơn nhiều. Từng cơn gió nhẹ khua tán cây bên đường xào xạc. Tôi vẫn đi trên lối cũ, mải mê bước theo làn nắng vàng rực rỡ trong niềm vui sướng thôi thúc lẫn với chút cảm giác khó tả. Chính cảm giác, chính bầu không khí ấy 20 năm trước tôi cũng như nhiều đứa bạn khác trong làng đang náo nức mong chờ đếm từng ngày từng giờ để được đến trường gặp lại bạn bè thầy cô. Ngay khi đứng trước cổng ngôi trường xưa, cảm xúc nao nao hạnh phúc ấy lại ùa về chiếm lấy trái tim tôi rất tự nhiên, không thể nào ngăn được. Nghe tiếng tim mình thúc giục, tôi bước vào sân trường – những bước chân đầu tiên trở lại ngôi trường xưa yêu dấu sau ngần ấy năm xa cách. Tôi nhìn khắp xung quanh và thầm nghĩ trường nay đã thay đổi quá nhiều. Nhưng dù trường có thay đổi nhiều thế nào thì hình ảnh ngoài có vẻ lạ lẫm ấy vẫn không thể nào lấn át được cảm giác vô cùng thân thương gần gũi in sâu trong tâm thức tôi.

Còn nhớ lúc trước trường chỉ có 6, 7 phòng học, khuôn viên cũng khá nhỏ đi một qua mạch là hết. Còn giờ đây trường trông khang trang và rộng thoáng hơn rất nhiều. Các dãy phòng đều được xây thêm mấy tầng cao ngất. Còn sân trường cũng được mở rộng hơn tráng bê tông sạch sẽ và trồng thêm nhiều cây xanh. Tôi đang dạo bước dưới hàng cây thẳng tắp, cố hít thật đầy phổi không khí trong lành mát mẻ rồi dừng chân ngồi xuống bên một gốc cây to. Rồi không biết là nhờ đâu, một linh cảm, hay một sự trùng hợp, tôi phát hiện dòng chữ khắc đậm nét trên thân cây. Tôi thật sự rất bất ngờ, tôi không nghĩ cái cây con xưa do cả lớp trồng giờ lại còn nơi đây và trở thành cái cây già to sừng sững. Nhìn dòng chữ tôi không nén nổi niềm vui mà bật cười, biết bao kỷ niệm vui buồn đẹp đẽ năm cuối cấp như hiện về trước mặt.

Ngày ấy đã là anh chị của cả trường rồi mà xem ra chúng tôi vẫn còn ngây thơ nông nỗi lắm. Kể ra lớp tôi ngày ấy đoàn kết thật: Đoàn kết học, Đoàn kết chơi. Nói về học, một khi cả lớp đã quyết tâm học lập thành tích thì thật không lớp nào vượt qua nổi. Với khẩu hiệu “ ĐOÀN KẾT MỘT LÒNG”, mỗi thành viên trong lớp với tinh thần thi đua năng nổ tràn đầy sức sống đều cố gắng ra sức học hết mình, không chỉ vì bản thân mà là vì cả tập thể. Về mặt phong trào cũng vậy. Cũng nhờ tinh thần đoàn kết trên, lớp luôn đạt nhà trường khen thưởng và đạt nhiều danh hiệu đáng tự hào. Thầy cô từng dạy lớp khen thì có khen nhưng lúc nào cũng không quên thêm vài câu đùa về cái lớp lắm chiêu nhiều trò. Nhưng những chiêu trò độc đáo ấy cũng rất hồn nhiên rất dễ thương. Tôi nhớ nhất buổi liên hoan cuối năm của lớp, thật cảm động lắm. Cả lớp bày nhau dùng nghề “ thủ công” độc nhất, cả lớp ngồi lại với nhau viết những lời tâm sự, lời chúc, bày tỏ tình cảm bạn bè, tình thầy trò vào những mảng giấy nhỏ trao tay nhau, bỏ vào một cái hộp lớn tặng cô. Mỗi người một cách viết, một cảm xúc, một suy nghĩ riêng, tất cả đều xuất phát từ trái tim trong sáng tuổi mới lớn, biết cảm, biết yêu thương. Có đứa chẳng biết nói thế nào rồi viết có mỗi câu “ Em yêu cô” gần trăm lần như chép bài phạt đem tặng cho cô. Trước tấm lòng của đám trò nhỏ, cô không cảm động sao được, chúng ta cũng vậy, ngồi xem từng mẫu giấy mà vừa cười vừa khóc.

Tôi ngồi dưới gốc cây nhớ về từng kỷ niệm vui buồn bên nhau. Càng nhớ lại càng thấy luyến tiếc, tiếc sao thời học sinh sao trôi qua quá nhanh. Từng lúc vui, lúc buồn tôi vẫn còn nhớ rất rõ ràng như chỉ mới xảy ra hôm trước dậy mà hôm nay khi nhìn lại mới thấy mình đã đi một quãng đường quá xa. Không biết bạn bè ngày trước giờ có còn nhớ về nhau, nhớ về mái trường này không. Tôi ngồi nghĩ ngợi quên cả thời gian.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Viết thư cho một người bạn, kể về buổi thăm trường đầy xúc động sau hai mươi năm xa cách” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!