Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động” chuẩn nhất 10/2024.
Dàn Ý Phân Tích Kiều Ở Lầu Ngưng Bích Để Thấy Rằng Nguyễn Du Đã Dựng Nên Một Bức Tranh Tâm Tình Đầy Xúc Động
1. Mở bài
– Giới thiệu về Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều
– Giới thiệu về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích: thuộc phần đầu của tác phẩm, sau khi Kiều bán thân cứu cha và rơi vào tay Tú Bà
– Đoạn trích là bức tranh tâm trạng nhiều cảm xúc và nỗi niềm của Kiều khi rơi vào hoàn cảnh đau xót ->Vậy nên có người đã đưa ra ý kiến “Qua đoạn trích, … tâm tình xúc động”.
2. Thân bài
* Nêu ý kiến của em về nhận định trên:
– Đây là một nhận định hoàn toàn đúng: Đoạn trích miêu tả những phút giây tâm trạng rối bời của Kiều khi biết mình rơi vào cảnh thanh lâu.
– Ý nghĩa của nhận định trên: Tấm lòng thương yêu của Nguyễn Du đã giúp ông dựng lên bức tranh tâm tình đầy nhân đạo này.
* Phân tích đoạn trích để làm rõ nhận định:
– 6 câu đầu: Hoàn cảnh và tâm trạng buồn tủi của Kiều khi sống trong lầu Ngưng Bích
+ Nỗi buồn của Kiều được thể hiện qua hình ảnh của thiên nhiên: mênh mông, bát ngát nhưng không một bóng người
+”Khóa xuân”: đóng khung, khóa chặt tuổi trẻ, thanh xuân
-> Cảnh vật cũng hiu hắt, bẽ bàng như chính Kiều vậy. Tâm trạng của Kiều buồn tủi, khổ đau nên nhìn cảnh vật cũng héo hon, sầu muộn. Bút pháp tả cảnh ngụ tình.
– 4 câu tiếp theo: tâm trạng của Kiều khi nhớ về Kim Trọng
+ Nàng nhớ đêm thề nguyền dưới trăng cùng Kim Trọng
+ Hình dung ra hình bóng chàng đang mỏi mòn chờ tin của nàng
+ “tấm son gột … phai”: Tâm trạng nhung nhớ mối tình đầu, đến bao giờ mới có thể phai nhòa.
-> Nguyễn Du đã dùng những từ ngữ để diễn tả nỗi nhớ người yêu tha thiết của Kiều và tấm lòng thủy chung son sắt của nàng.
– 4 câu tiếp: Nỗi nhớ người thân, cha mẹ ở nơi xa
+ “Xót”: Động từ mạnh – nỗi đau khôn cùng của Kiều khi phải để mẹ cha tựa cửa trông chờ trong vô vọng.
+ “Quạt lồng ấp lạnh”: Lo lắng không ai chăm sóc cha mẹ, thương nhớ cha mẹ khôn nguôi
+ Các điển cố “Sân Lai, gốc tử”: Diễn tả tấm lòng hiếu thảo của Kiều khi không được chăm sóc cha mẹ khi về già.
-> Tấm lòng đầy hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ.
– 8 câu cuối: Tâm trạng của Kiều
+ Điệp từ “Buồn trông” + các từ láy liên tiếp được sử dụng:
· Cảnh vật “cửa bể chiều hôm” – “thuyền ai… xa”: Nỗi cô đơn của Kiều gợi tả sự lạc lõng, phải lưu lạc nơi chân trời, cửa bể.
· Cảnh vật “ngọn nước mới sa” -“hoa… đâu”: Số phận lênh đênh, ba chìm bảy nổi của nàng Kiều, chẳng biết sẽ đi tới đâu.
· Cảnh vật ” nội cỏ rầu rầu” – ” chân … xanh”: Một tương lai mờ mịt của một con người thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến. Chỉ là một ngọn cỏ giữa mênh mông.
· Cảnh vật “gió cuốn mặt duềnh” – “ầm … ngồi”: Tâm trạng lo sợ, hãi hùng của Kiều trước bão tố của cuộc đời đang cuốn lên, bủa vây nàng.
+ Nghệ thuật: Sử dụng liên tiếp từ láy, điệp từ, thanh bằng tạo nên nỗi buồn trùng trùng điệp điệp.
+ Miêu tả cảnh vật từ xa tới gần: Tâm trạng lo lắng, sợ hãi cùng nỗi nhớ quê hương, người thân.
-> Bức tranh tả cảnh ngụ tình: Tâm trạng của Kiều đã lan tỏa sang những cảnh vật xung quanh nàng khiến chúng cũng mang một nỗi buồn sâu sắc.
-> Nỗi buồn của nàng cũng khiến cảnh vật xung quanh mang đầy màu tâm trạng: Đây chính là bức tranh tâm tình đầy xúc động.
* Kết luận chung:
– Đoạn thơ thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn tủi, lạc lõng, sợ hãi, những dự cảm không lành của Kiều trước muôn vàn sóng gió cuộc đời. Cùng với đó là tấm lòng yêu thương, hiếu thảo của người con dành cho cha mẹ
– Nỗi buồn của nàng thấm sang cảnh vật khiến chúng cũng mang đầy vẻ tâm trạng.
– Nghệ thuật đặc sắc: Tả cảnh ngụ tình, điệp từ, từ láy, cùng cách sử dụng thanh sắc cực kì tinh tế.
3. Kết bài
– Nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc, tinh tế, giàu tính biểu cảm.
– Nguyễn Du đã thể hiện tình yêu thương vô cùng của mình dành cho Kiều qua bức tranh tâm tình xúc động.
Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động- Mẫu 1
Sau khi tự nguyện bán mình để cứu cha, Kiều không ngờ phải rơi vào một tên cò mồi Mã Giám Sinh và mụ chủ lầu xanh Tú Bà. Biết chưa ép được Kiều tiếp khách làng chơi, Tú Bà bèn đưa Kiều ra ở lầu Ngưng Bích. Thực ra, đây cũng chỉ là khoảnh khắc tạm thời yên thân để rồi sau đó, đời nàng bị xô đẩy đi giữa bao mưu mô độc ác của mụ Tú Bà mà nàng chưa lường hết được
Đoạn thơ trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một bức tranh tâm tình đầy xúc động. Nguyễn Du đã đặt nhân vật Thuý kiều vào cảnh ngộ ấy để cho Kiều tự bộc lộ tâm trạng của mình. Đó là trích đoạn đầy ám ảnh bởi những giằng xé nội tâm của nàng Kiều.
Trong giờ phút mà bên ngoài tưởng như yên tĩnh này thì chính trong lòng nàng Kiều đang ngổn ngang, tăm tối. Tất cả những gì xảy ra trước đó lại được tái hiện, để rồi chỉ còn lại cảm giác đau buồn, nhớ thương vô hạn xoáy sâu vào tâm can nàng.
Ngồi trên lầu cao, nhìn phía trước là núi non trùng điệp, ngẩng lên phía trên là vầng trăng như sắp chạm đầu, nhìn xuống phía dưới là những đoạn cát vàng trải dài vô tận, lác đác như “bụi hồng” nhỏ bé.
Cả một không gian mênh mông, hoang vắng không một bóng người, không một tiếng chim, càng tô đậm thêm cuộc sống cô đơn, lẻ loi của nàng lúc này:
“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân……….Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”
Nàng cảm thấy buồn tủi, chán chường, cảnh thế nào lòng mình thế ấy: “Trống trải, đơn côi”:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nữa tình nữa cảnh như chia tấm lòng”
Nàng tự đối thoại với lòng mình, biết tâm sự cùng ai nữa.
Trước hết, nàng nhớ tới Kim Trọng, nhớ đến những lới thề nguyền dưới ánh trăng vằng vặc, nàng hình dung được nổi sầu muộn, chờ mong của chang và tự hứa với lòng mình giữ trọn mối tình chung thuỷ.
Có lẻ lúc này, nàng thương chàng Kim vô hạn, bởi trước lúc chia li không nói với nhau được một lời, nổi oan gia quá ư đột ngột:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng……..Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Với cha mẹ cũng vậy, mặc dầu nàng đã “liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân”, cứu được cha, em thoát khỏi vòng tù tội, nhưng lúc này nàng vẫn cảm thấy xót xa, cảm thấy chưa xứng là phận làm con. Bởi lúc cha mẹ già yếu, mình không được chăm sóc, không được hầu hạ:
“Xót người tựa của hôm mai…………..Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Buồn biết bao khi phải dấn thân vào nơi vô dịnh. Buồn biết bao khi phải mãi mãi xa cách người yêu. Buồn biết bao khi có cha, mẹ mà không được phụng dưỡng sớm hôm. Nổi buồn đó đang thức dậy trong lòng Thuý Kiều “Xuân xanh đang tuổi đến tuần cập kê” một cô thiếu nữ sắc, tài vẹn toàn, vốn đa tình, đa cảm. Một nổi buồn mênh mông như đè nặng, bao quang lấy nàng.
Nhìn vào đầu nàng cũng thấy buồn, cảnh vật dù có đổi thay nhưng nôi buồn của nàng thì như cố định. Nàng cảm nhận được những gì sẽ đến với mình, đối với người con gái họ Vương tài-sắc này như một định mệnh không sao thoát được!
Từ tâm trạng nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, nhưng cuối cùng nàng Kiều lại quay về với chính cảnh ngộ của mình, sống với tâm trạng và thân phận hiện tại của chính mình.
Mỗi một cảnh vật qua con mắt, cái nhìn của Kiều gợi lên trong tâm trí của nàng một nét buồn. Và Kiều mỗi lúc lại càng chìm sâu vào nổi buồn của mình. Nổi buồn sâu sắc của Thuý Kiều được ngòi bút bậc thầy-Nguyễn Du mỗi lúc lại càng tô đậm thêm bằng cách dùng điệp ngữ liên hoàn rất độc đáo “Buồn trông”
…”Buồn trông cửa bể chiều hôm”
…”Buồn trông ngọn nước mới sa”
…”Buồn trông nội cỏ rầu rầu”
..”Buồn trông gió cuốn mặt duềnh”
Từng cảnh vật dưới con mắt của Kiều đều nhuộm một nổi buồn khó tả, cũng có trời nước, nhưng mây trời thì nhàn nhạt, dòng nước thì mãi miết cuốn trôi những càng hoa rơi. Cùng với gió, sóng nhưng là “gió cuốn”, “sóng xô” giữa cái mênh mông của biển trời, lại vào lúc hoang hôn buông xuống, nàng chỉ đủ sức để nhận ra một con thuyền, một cách buồng thấp thoáng phía xa “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”.
Mỗi cảnh vật như gợi một nổi buồn riêng trong mối dây liên tưởng với tâm trạng buồn chán về cuộc đời, về số phận của mình.
Nếu như “Thuyền ai thấp thoáng” làm nàng chạnh nghĩ đến cuộc đời trôi nổi, bấp bênh thì cảnh “nước chảy hoa trôi” lại gợi đến cảnh đời lưu lạc-một cuộc sống vô định, không còn phương hướng “biết là về đâu”. Đến cái hướng cuối cùng thì nổi buồn hầu như đã dâng lên tột đỉnh:
“Buồn trông gió cuốn mặt dềnh
Âm ầm tiếng sóng kêu quang ghế ngồi”
Tiếng sấm ầm ầm, dữ dội vây khắp bốn phía như muốn cuốn đi cái thân phận bé nhỏ bất cứ lúc nào. Ta tưởng nàng có thể ngất lịm đi trong âm thanh khủng khiếp đó. Phải chăng như Nguyễn Du đã viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Qua điệp khúc “Buồn trông….” của Kiều, ta cảm nhận được nổi đau đớn mà nàng phải trải qua trong suốt quảng đời 15 năm lưu lạc, có lửa nồng, có “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”-“Cười ra tiếng khóc, khóc trên trận cười”.
Trong đoạn thơ này, chúng ta nhận ra được một đặc điểm trong bút pháp Nguyễn Du: cảnh và tình bao giờ cũng hoà hợp, tả cảnh là để tả tình, trong tả cảnh đã có tả tình. Truyện Kiều có hơn ba ngàn câ, đoạn trích ở trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong kiệt tác đó. Nhưng đây là đoạn thơ được nhiều người biết đến và quý trọng nhất, vì cái tài lớn của nhà thơ, nhưng trước hết là vì cái tình lớn của nhà thơ đối với nhân vật, đối với con người, đối với cuộc đời.
Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động- Mẫu 2
Truyện Kiều là một trong những tác phẩm thơ ca đặc sắc và tiêu biểu nhất cho văn học chữ Nôm của Việt Nam. Tác phẩm là lời thương cảm sâu sắc của Nguyễn Du dành cho những số phận bất hạnh của cuộc đời. Ông cũng đã thành công ở nhiều phương diện khi xây dựng lên tính cách, tâm trạng của nhân vật qua lời nói, hành động. Đặc biệt trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, có ý kiến đã nhận định rằng “Nguyễn Du đã xây dựng lên một bức tranh tâm tình xúc động qua hình ảnh của nàng Kiều”.
Thúy Kiều sau khi bán mình cứu cha, nàng những tưởng mình bị bán đi làm vợ lẽ cho người ta. Nào ngờ rằng nàng đã bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục rồi bán cho Tú Bà buôn phấn bán hương. Rơi vào nanh vuốt của mụ buôn thịt người, quá uất ức và đau khổ, Kiều quyết định liều mình tự sát, cứu vớt chút danh dự cuối cùng cho bản thân. Thế nhưng, nàng lại được Tú Bà cứu sống chỉ vì không muốn mất đi một món hời lớn. Tú Bà đã dụ dỗ Kiều tới ở lầu Ngưng Bích với lời hứa sẽ tìm chỗ tử tế để gả nàng đi. Tại đây, nàng sống những ngày tháng buồn bã, đầy đau khổ và tủi nhục, thương nhớ người yêu, thương nhớ mẹ cha ở quê nhà. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” chính là đoạn trích miêu tả tâm trạng của nàng trong những ngày tháng sống tại đây. Bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du thực sự đã dựng xây lên một bức tranh tâm tình đầy xúc động, đúng như nhận định trên. Cảnh vật trong đoạn trích cũng bị nhuốm một màu hiu hắt, đìu hiu, gợi lên mối sầu cô đơn trong lòng nàng Kiều tội nghiệp.
Thúy Kiều sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, được sống trong không khí đầm ấm, dịu êm của gia đình, lại đang say trong hạnh phúc cùng chàng Kim Trọng, ai ngờ đâu nàng lại lỡ sa chân vào vòng xoáy đen bạc của cuộc đời. Nàng bị Mã Giám Sinh rồi Sở Khanh lừa gạt một cách trắng trợn, bị đánh đập, bị xúc phạm, bị làm nhục, tất cả những gì đau khổ nhất dường như đổ lên người nàng cùng một lúc. Tâm hồn nàng, thể xác nàng bị dày vò, bị chà đạp, bị giày xéo bởi những thế lực đen tối đến mức nàng chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Thế nhưng, đúng là cuộc đời muốn vần xoay nàng khiến nàng chết cũng không được, nàng được Tú Bà cứu sống rồi đưa đến lầu Ngưng Bích để giam lỏng. Những ngày tháng ở đây, nơi đất khách quê người, không một ai thân thích, Kiều hoàn toàn cô đơn, bất lực, đau xót. Nàng chỉ biết bầu bạn cùng những cảnh vật bên mình, gửi gắm vào chúng những tâm tình đầy đau khổ vì quanh nàng chẳng có lấy một ai cho nàng sẻ chia. Nhưng Nguyễn Du, ông đã vô cùng thấu hiểu nàng khi luôn theo sát bước chân nàng, là người phía sau miêu tả và thấu hiểu những nỗi tâm tư trăm đường tơ vò của Thúy Kiều – người phụ nữ tài sắc vẹn toàn mà ông trân trọng, yêu quý nhất.
Đọc đoạn trích, ở ngay những câu đầu tiên, người ta đã nhận ngay ra cái hoàn cảnh và tâm trạng đầy đau khổ của Kiều hiện lên trong từng câu chữ, từng chút cảnh vật xung quanh:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Những người thân yêu với Kiều giờ đây đang ở một nơi phương xa, chỉ còn mình Thúy Kiều sống giữa bầy lang sói Tú Bà, Sở Khanh, … thế nên với nàng, một cảnh núi xa, một tấm trăng gần cũng trở thành người bạn tri kỉ, chia sẻ nỗi niềm cùng nàng. Cảnh vật ở lầu Ngưng Bích hiện lên thật rõ ràng chỉ bằng vài nét miêu tả chấm phá tài hoa của Nguyễn Du. Trước lầu ấy có núi non bát ngát, có trăng, có bụi hồng, cồn cát, … Cảnh đẹp là thế nhưng ngôi lầu như chiếc lồng son đã khóa chặt bước chân của Kiều. Đây là sự giam lỏng mà Tú Bà dành cho Kiều trước khi dùng âm mưu khác buộc Kiều phải tiếp khách. Lầu Ngưng Bích đã “khóa xuân” tức là khóa chặt tuổi xuân của Kiều, khóa chặt những nỗi thương nhớ, tình yêu, hy vọng, thanh xuân của nàng. Cảnh vật hiện lên thật đẹp, thật mênh mông rộng lớn, thế nhưng, giữa mênh mông đó chỉ có mình Kiều. Chỉ có mình nàng cô đơn giữa chốn đây, đìu hiu, hoang vắng. Nguyễn Du đã mượn cảnh vật để Kiều nói lên tâm trạng của mình:
“Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
Có cảnh vật đấy, có cảnh sắc đấy, “bát ngát” mênh mông đấy, thế nhưng lại chẳng có ai cho nàng thổ lộ, chia sẻ nỗi niềm trong lòng. Cảnh vật càng tĩnh lặng lại càng làm nổi bật lên nỗi cô đơn đau xót của nàng khi phải ở một mình nơi đất khách. Gần là núi, là trăng, xa xa là cồn cát vàng đang tung lên những bụi phấn hồng, thế nhưng sao mà lạnh lẽo, thê lương tới nhường ấy! Mọi cảnh vật ở đây đều ngổn ngang, đều mù mịt như chính tâm trạng và tương lai của nàng vậy. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đã phát huy tối đa tác dụng của mình khi miêu tả cảnh vật nhưng lại giấu trong đó bao nhiêu là nỗi niềm của người con gái xa quê tội nghiệp. Tả cảnh xung quanh nhưng cũng là tả những phút giây tâm trạng cô đơn, ngổn ngang suy nghĩ của Kiều. Cô đơn, đau xót là vậy, nghĩ tới thân phận của mình, cõi lòng của Kiều lại càng thêm xót xa hơn:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
“Bẽ bàng” – sự tủi nhục, đau khổ, hổ thẹn của Kiều khi nàng hết bị Mã Giám Sinh làm nhục rồi lại phải chịu cảnh bước chân vào một nơi chốn xa lạ, xấu xa, bẩn thỉu. Nàng cảm thấy thật xấu hổ, thật đau đớn tủi nhục biết bao khi chính mình phải chịu kiếp làm thân kỹ nữ mà muôn người cười chê. Bị giam lỏng ở đây, hết tối lại sáng, rồi lại lặp lại vòng xoay ấy, Thúy Kiều chỉ có thể ở lại đây, thui thủi, lẻ loi một mình. Không gian vắng lặng xung quanh bủa vây lấy nàng, vây hãm nàng.
Chính trong những lúc cô đơn buồn bã nhất, nàng lại lặng mình hồi tưởng, âm thầm gạt những giọt lệ khi nghĩ về quá khứ êm đềm ngày xưa. Nàng nhớ về người mình yêu, về những phút giây đầu tiên khi say trong men nồng của hạnh phúc lứa đôi lần đầu nàng bắt gặp. Nàng cũng nhớ về đêm trăng mình cùng tình lang hẹn hò, thề nguyền đôi lứa mãi mãi bên nhau. Nỗi nhớ người yêu bùng lên trong lòng Kiều khiến nàng càng thêm xót xa vô tận:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Hạnh phúc mà nàng có được trong đêm nàng băng tường vượt rào đến với chàng Kim thật khiến nàng không khỏi bồi hồi khi nhớ lại. Những phút giây hạnh phúc nâng chén rượu dưới ánh trăng để hẹn thề, giờ nhớ lại thật là đau xót biết bao. “Tưởng” được Nguyễn Du đặt ngay đầu câu thơ khiến chúng ta như cảm thấy rằng hình ảnh của đôi trai tài gái sắc ấy hiện ra ngay trước mắt. Hay phải chăng chính Kiều cũng đang sống lại trong phút giây ấy trong sự hồi tưởng:
” Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”
Nàng cũng hình dung thấy rằng ở Lưu Dương cách trở xa xôi kia chàng Kim Trọng vẫn ngày ngày ngóng trông tin tức của nàng, mong ngóng nàng “rày trông mai chờ” trong vô vọng. Nguyễn Du đã đặt ở đây những lời độc thoại từ sâu thẳm bên trong trái tim nàng. Đó là tiếng nói thổn thức của một trái tim yêu hướng về mối tình đầu còn dang dở của mình. Nàng đang nhớ người yêu tha thiết biết nhường nào! Chén rượu thề nguyền hôm đó vẫn còn đọng nguyên hương vị trong trái tim của nàng và nàng biết dù có đi xa, có cách trở chân trời “chân trời góc bể bơ vơ” thì trong lòng nàng, mối tình ấy vẫn vẹn nguyên, trong sáng. “Tấm son” – tình yêu đầu tiên trong lòng nàng sẽ không bao giờ nhạt phai.
“Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Nghĩ tới tình lang Kim Trọng đang mòn mỏi mong ngóng tin tức của nàng, trong lòng nàng lại chợt dâng lên dạt dào nỗi nhớ cha mẹ:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Nàng đã rời xa quê hương, gia đình, ra đi biền biệt, giờ đây ai là người chăm sóc, thăm nom người cha già người mẹ của nàng? Nàng ra đi vì chữ hiếu, nhưng nàng chẳng khỏi băn khoăn, thổn thức không nguôi khi nghĩ tới cảnh cha mẹ già yếu vẫn phải dựa cửa trông mong con gái trong vô vọng. Nếu như ở trên, nhớ người yêu, nàng chỉ hồi tưởng, ngẫm lại “tưởng” thì khi nghĩ về mẹ cha, nàng lại thấy “xót” thương vô cùng. Kiều cảm thấy thật day dứt, trăn trở khi không thể chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ già, lại còn khiến mẹ cha thêm lo lắng vì ngóng chờ tin tức của mình. Ở đây, Nguyễn Du đã dùng một loạt những điển cố, điển tích của Trung Quốc như “Sân Lai, gốc tử” để nhắc tới tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Kiều đối với cha mẹ của mình. Nàng đang tưởng tượng ra cha mẹ mình ngày thêm già yếu, “có khi gốc tử đã vừa người ôm”, thế mà nàng lại chẳng được kề bên mà chăm sóc, an ủi cha mẹ mình. Ẩn trong lời thơ là sự trách móc bản thân, sự ân hận của Kiều khi không làm tròn được đạo hiếu của người con.
Qua tám câu thơ nhắc về những nỗi nhớ của Kiều, người ta mới thấy Kiều quả thật là một người con hiếu thảo, một tình nhân thủy chung giàu lòng vị tha. Dù nàng đang phải sống trong những tháng ngày đày đọa, đau khổ, thế nhưng nàng chẳng hề màng tới nỗi đau của bản thân mà chỉ sống trong nỗi tâm tưởng về tình yêu đầu cùng với tấm lòng hiếu thảo hướng về mẹ cha nơi quê nhà. Nàng nhớ chàng Kim trước bởi vì nàng là người có lỗi. Nàng ra đi mà chẳng thực hiện lời thề, chẳng một lời báo tin tới chàng. Còn mẹ cha ở quê, nàng đã thực hiện phần nào chữ hiếu khi bán thân cứu cha, cứu gia đình. Ở đây, thứ tự sắp xếp đảo ngược so với lễ giáo nhưng lại vô cùng hợp lý trong hoàn cảnh của Kiều.
Bức tranh tâm trạng của Kiều hiện lên trong từng câu chữ, từng cảnh vật xung quanh nàng. Dường như những nỗi buồn, nỗi nhớ của nàng đang thấm dần vào cảnh vật, để chúng cũng nhuốm một màu đầy tâm trạng. Đúng như Nguyễn Du cũng đã từng nói:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Nguyễn Du đã tả rất chân thực những nỗi niềm của Kiều, để đến những câu thơ tiếp theo, người ta thấy hiện lên ở đó là bức tranh về nỗi niềm tâm trạng của Kiều khi nhìn về cuộc đời số phận của mình:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trông man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân may mặt nước một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi”
Một loạt những từ láy cùng điệp ngữ được Nguyễn Du sử dụng liên tiếp ở đây để nhấn mạnh, để khắc sâu hơn suy nghĩ, tâm trạng của Kiều. Bốn từ “buồn trông” được lặp lại liên tiếp ở bốn câu thơ liên tục,”buồn trông” – cái nhìn buồn bã, đầy tâm trạng khắc khoải, mỗi lần nhắc lại lại là sự mở đầu của một cảnh vật khác nhau. Sự nhắc đi nhắc lại ấy là để diễn tả nỗi buồn trùng điệp của Kiều. Nỗi buồn ấy đang dâng lên trong không gian, thời gian, bao trùm lấy cảnh vật quanh nàng, vẽ lên một bức tranh sống động đầy tâm tình xúc động. Nỗi buồn trùng trùng lớp lớp ấy đang kéo đến, cuộn lên không dứt trong lòng Thúy Kiều.
Mỗi cặp câu lại diễn tả một nỗi buồn khác nhau của Kiều.
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
Lời thơ là ánh mắt của Kiều đang hướng ra ngoài xa của không gian cảnh vật. Trong cảnh vật chiều hôm, nhuốm tà dương ấy, một cánh buồm đang chấp chới, lẻ loi ngoài khơi xa. Cánh buồm ấy lúc ẩn lúc hiện trong mênh mông sóng nước, lẻ loi, cô quạnh. Phải chăng, đó cũng là tâm trạng là hoàn cảnh của nàng lúc này, cũng lẻ loi cô độc như vậy! Liệu chăng tới khi nào, nàng mới được trở về quê hương, trở về trong vòng tay của người thân yêu?
Lặp lại điệp từ “buồn trông” nhưng lần này, cảnh vật lại hiện ra khác với câu thơ trước:
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trông man mác biết là về đâu”
Ánh mắt của Kiều đang dừng trên dòng nước mới đang chảy trôi chầm chậm. Trên mặt nước ấy là hình ảnh của một cánh hoa rơi rụng đang bị nước cuốn đi ra xa. Cánh hoa ấy cứ trôi nhẹ trên mặt nước, chẳng biết nước sẽ đưa cánh hoa ấy trôi đi xa tận những đâu. Phải chăng, Kiều nghĩ, đó cũng là thân phận của mình? Số phận của nàng cũng giống như cánh hoa kia, cứ dập dềnh theo dòng nước xô đẩy của cuộc đời chẳng biết sẽ dừng chân ở đâu, rơi vào một nơi thế nào? Đúng, nàng chỉ là cánh hoa mỏng manh, yếu đuối ấy, chẳng biết cuộc đời sẽ vùi dập nàng thêm bao nhiêu lần nữa đây? Hình ảnh cánh hoa là hình ảnh ước lệ miêu tả bản thân của Kiều như lời ví von của người xưa “hồng nhan” cũng là lời bày tỏ tâm trạng nỗi niềm lo lắng của nàng về cuộc đời của mình.
Hướng trông ra xa hơn, nàng nhìn thấy chân trời xa tắp, phía trước là một màu xanh của biển cả mênh mang. Thế nhưng, trong hình ảnh xanh mơn man ấy, là những “nội cỏ rầu rầu” – một màu sắc buồn bã, u ám như chặng đường sắp tới của nàng:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh”
Một “nội cỏ rầu rầu” – từ láy chỉ sự úa tàn, tàn lụi, một nội cỏ chẳng xanh mướt mà lại “rầu rầu” héo úa. Phải chăng, nội cỏ ấy cũng chứa tâm trạng của Kiều đang thật u ám, thật mệt mỏi, cô đơn rằng cuộc đời của mình cũng sẽ như nội cỏ ấy lụi tàn theo năm tháng, hao mòn tại nơi đây? Màu xanh xanh nhờn nhợt của chân trời cũng như báo hiệu cho tương lai mịt mù, đầy bão tố của nàng.
Nghĩ tới bão tố dường như trong lòng nàng dâng lên một dự cảm chẳng lành, những dự cảm về những sóng gió bủa vây cuộc đời nàng:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
“Gió cuốn mặt duềnh” – gió cuốn sóng nước nổi lên mù mịt, tiếng sóng ầm ầm bủa vây xung quanh. “Ầm ầm” được dùng ngay đầu câu thơ để người đọc cảm thấy sự hãi hùng, sự to lớn của biển cả trong giông bão. Đọc câu thơ, ta như cảm thấy sự rung chuyển của từng dòng nước đang nổi lên xung quanh. Phép nhân hóa ở đây không chỉ khiến cho câu thơ thêm sinh động mà còn dùng để thể hiện tiếng kêu sợ hãi trong lòng Kiều. Tiếng sóng gió ấy, tiếng gầm gào của sóng biển ấy dâng lên trong lòng khiến cho Kiều có một dự cảm chẳng lành về đoạn đường đời phía trước của nàng. Chắc hẳn nó cũng giông bão và thật khủng khiếp biết bao. Hình ảnh thiên nhiên nhưng lại mang tâm trạng của con người. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã thật xuất sắc khi dựng lên bức tranh tâm trạng đầy sợ hãi trước sóng gió của Kiều về cuộc đời phía trước. Đó như một lời cảnh báo, một dự cảm của Nguyễn Du báo hiệu cho những thử thách ở cuộc đời nàng phía trước mặt.
Khép lại đoạn trích, những gì đọng lại trong lòng người đọc chúng ta là bức tranh cảnh vật nhuốm màu tâm trạng của Kiều. Bức tranh ấy toàn những sắc màu nhợt nhạt, u sầu, buồn bã, bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cùng những dự cảm của Kiều về quãng đời phía trước. Đoạn trích cũng hội tụ nghệ thuật miêu tả tâm lý con người, độc thoại nội tâm đầy đặc sắc cùng những phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ tài ba mà Nguyễn Du sử dụng để miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” quả là một bức tranh tâm tình đầy xúc động.
Đọc đoạn trích người đọc thấy hiện lên ở đây một Thúy Kiều với tâm trạng thật cô đơn, buồn tủi, lạc lõng và sợ hãi biết chừng nào. Thế nhưng, nàng vẫn đau đáu trong lòng tình yêu thủy chung với Kim Trọng cùng tấm lòng hiếu kính với mẹ cha. Nguyễn Du đã miêu tả thật sát tâm trạng của Kiều. Ông đã dùng những cảnh vật xung quanh để vẽ lên bức tranh tâm trạng đặc sắc của Kiều. Ông đã cùng đồng cảm, cùng suy tư, cùng sẻ chia những nỗi buồn của nàng. Đó là một trong những điều biểu thị giá trị nhân văn đáng quý. Ông quả là một người thi sĩ vừa tài ba vừa nhân đạo của nền văn học Việt Nam.
Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động- Mẫu 3
Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc với kho tàng văn thơ khổng lồ, ông ra đi để lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm kiệt tác. Tiêu biểu là tác phẩm Truyện Kiều nói về số phận bi thương của nàng Kiều cô đơn, hờn tủi với lòng hiếu thảo và sự thủy chung của mình. Tiêu biểu là đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nằm ở phần thứ hai của “Gia biến và lưu lạc”. Chỉ với 22 câu thơ đã lột tả được tình cảnh xót thương của người con gái hồng nhan bạc phận.
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du sử dụng bút pháp nghệ thuật miêu tả, tự sự đặc sắc để nói lên nỗi buồn tủi cơ đơn tột cùng của Kiều ở Lầu Ngưng Bích:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tác giả khéo léo xây dựng cảnh ngụ tình, dùng từ “khóa xuân” cho thấy hoàn cảnh đau buồn của nàng, khép mình, khóa kín tuổi xuân, bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Nàng Kiều cô đơn giữa bốn bề mênh mông bát ngát, “non xa- tăng gần” tạo nên không gian rộng mở, khiến sự cô đơn đó trở nên càng đau thương, tủi nhục, sự cô đơn tột cùng của Kiều ở lầu xanh không có một người thân quen. Kiều bị nhốt ở Lầu Ngưng Bích như con chim bị nhốt trong chiếc lồng nhỏ bé giữa không gian rộng lớn, không gian khép kín “mây sớm đèn khuya” một mình bơ vơ với nỗi “bẽ bàng” tủi hổ cho chính thân phận của mình khi bị Mã Giám Sinh làm nhục và ép vào làm gái lầu Ngưng Bích. Một thiếu nữ xinh đẹp đoan trang lại bị cuộc sống bóp nghẹt, tâm tư nặng trĩu nỗi lòng, nỗi lòng chi đôi chỉ biết làm bạn với cảnh vật“nửa tình nửa cảnh”.
Trong nỗi cô đơn tột cùng ấy cũng chất chứa nỗi nhớ quê hương, gia đình, nỗi nhớ người thương được thể hiện qua 8 câu thơ tiếp theo:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Nàng Kiều nhớ về lời hẹn thế với Kim Trọng “ dưới nguyệt chén đồng” với nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Nàng nhớ về những kỷ niệm một thời son sắc, mặn nồng đôi lứa là thế mà giờ đây mỗi người một ngả. Các từ ngữ “trông, chờ” và “rày, mai” thể hiện tâm tư của Kiều nghĩ rằng Kim Trọng cũng đã nhớ về mình tha thiết, khiến nàng càng thấp thỏm lo âu. Càng lo lắng, nàng lại càng nghĩ về thân phân tủi nhục của mình bấy giờ. Tác giả sử dụng hình ảnh ẩn dụ “tấm son” kết hợp với câu hỏi tu từ “ gột rửa bao giờ cho phai” nói lên tầm lòng thủy chung của nàng Kiều với Kim Trọng, nàng mong muốn gột rửa được nỗi nhục này để đáp lại tình yêu của Kim Trọng. Bên cạnh nỗi nhớ người thương, nàng cũng không ngừng nhớ về gia đình của mình:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Ngay từ câu đầu tiên, Nguyễn Du đã sử dụng từ “xót” để thể hiện sự đau đớn của Kiều khi nghĩ về cha mẹ của mình. Nỗi nhớ da diết ấy tựa “hôm mai”, kéo dài theo năm tháng “cách mấy nắng mưa”. Kiều lo cho cha mẹ mình ở quê nhà cô đơn không ai chăm sóc, “quạt nồng ấm lạnh, Sân Lai, Gốc tử” đã nói lên tâm trạng đầy thương nhớ, âu lo của Kiều lo rằng cha mẹ già yếu không có ai bên cạnh, ai sẽ quạt cho cha mẹ ngủ khi nóng, ai sẽ đắp chăn ấm cho cha mẹ lúc trời đông giá lạnh. Tuy rằng số phận của nàng cũng đáng thương nhưng nàng vẫn lo lắng cho cha mẹ của mình và một lòng với Kim Trọng, quả là một người con hiếu thảo và một người phụ nữ thủy chung, son sắc.
Tâm trạng cô đơn, buồn tủi của Kiều và dự cảm không lành của Kiều về tương lại mù mịt được để hiện ở 8 câu thơ cuối cùng. Mỗi cảnh vật hiện lên với những nét đặc sắc riêng trong tâm tư của Kiều
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Hình ảnh “cửa bể chiều hôm” gợi cho ta thấy khung cảnh biển chiều ta xanh thẳm, u tối như số phận của Kiều. Con thuyền đơn độc “thấp thoáng, xa xa” gợi sự bơ vơ, lẻ loi như chính niềm hi vọng mong manh đang bị đưa đẩy của Kiều, nàng không biết khi nào mới được thoát khỏi trốn giam cầm tủi nhục, không biết bao giờ gột rửa được thân phận ô nhục để trở về quê hương báo hiếu gia đình, về bên người mình yêu. Cái nhìn của Kiều đã dần gần hơn nhưng vẫn chất chữa nối niềm vô tận:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
“Buồn trông” với nỗi buồn man mác về canh hoa trôi vô tận “ biết là về đâu” chính như số phận của Kiều mênh mông trôi dạt không có đích đến. Nhìn những cánh hoa rơi, kiều lại càng xót xa cho thân phận mình, nàng cũng nhớ Kim Trọng da diết. Nỗi niềm sâu thẳm của Kiều không chỉ hiện lên ở mặt nước mênh mông là cỏ cây cũng lắng nghe tiếng lòng của nàng:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Từ láy “rầu rầu” cho ta thấy một bãi cỏ héo úa, xác xơ như chính số phận của Kiều. Kiều đã bị hoàn cảnh vùi dập tuổi xuân, biến tuổi xuân của người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn thành một màu vô vị, tán úa. Màu “xanh xanh” của trời đất vốn là màu của niềm tin hi vọng mà lại thành nỗi xót xa, dằn vặt trong lòng Kiều. Cảnh tưởng đang êm ả, bỗng dưng dậy sóng:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Hình ảnh dữ dội ập đến”gió cuốn mặt duềnh” như những sóng gió, tai ương sắp ập đến cuốn lấy thân xác héo úa của Kiều. Nguyễn Du khéo léo sửu dụng hình ảnh ẩn dụ”ầm ầm tiếng sóng kêu” để nói lên sự sục sôi trong lòng Kiều và cạm bẫy đang ầm ầm kéo đến cuộc đời của Kiều, dự cảm về một cuộc đời đầy sóng gió.
Đoạn trích thể hiện tâm trạng buồn tủi, đau thương và cô đơn của Kiều nơi chốn Lầu xanh hiu quạnh. Qua đó nổi bật lên nhân vật Kiều với tấm lòng thủy chung và lòng hiếu thảo, vị tha vô bờ bến. Lên án sự bất công của xã hội phong kiến đầy ai oán khiến nhiều kiếp người lâm vào cảnh bi thương. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là đoạn trích thể hiện thành công trái tim yêu thương, chia sẻ của đại thi hào nổi tiếng Nguyễn Du.
Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động- Mẫu 4
Truyện Kiều là một tác phẩm đặc sắc làm nên tên tuổi của Nguyễn Du. Nổi bật của tác phẩm là đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” với hoàn cảnh bi thương của của Thúy Kiều khi gia đình gặp tai họa, Kiều bị Mã Giám Sinh lừa gạt bán vào lầu xanh. Tại đây, Kiều tha thiết nhớ thương gia đình và người yêu của mình.
Trước hết, 6 câu thơ đầu đoạn trích chất chứa tâm trạng buồn tủi của Kiều hiện lên trong cảnh vật xung quanh:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Khung cảnh lầu Ngưng Bích được khắc họa rõ nét dưới ngòi bút của Nguyễn Du, từ lầu Ngưng Bích ta có thể thấy khung cảnh núi non bao la, bát ngát, có trăng tròn, có cồn cát,…thế nhưng, chính khung cảnh đẹp đẽ đó lại là nơi “khóa xuân”, chôn vùi tuổi xuân, chôn vùi tình yêu và hy vọng vào cuộc sống của thiếu nữ hồng nhan bạc phận. Cảnh vật “bốn bề bát ngát” mà lại chẳng có một ai bầu bạn, tâm sự với nàng. Dù cảnh vật có hùng vĩ bao nhiêu thì trong mắt Kiều, nó đều trở nên ngổn ngang, mù mịt như chính số phận của nàng lúc bấy giờ. Giữa không gian bao la, đầy cô đơn, Kiều “bẽ bàng” tủi hổ khi bị Mã Giám Sinh làm nhục, để rồi nàng bị vấy bẩn tâm hồn trốn lầu xanh không biết bao giờ mới có thể rũ bỏ, nàng lẻ loi một mình với bao tủi nhục, lòng nàng chia làm đôi.
Chính sự thật đau lòng ấy khiến Kiều nhớ về những hồi ức đẹp đẽ với Kim Trọng:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Nàng nhớ đến những ngày tháng say trong men nồng của hạnh phúc lứa đôi dưới ánh trăng tình tứ, Kiều và Kim Trọng đã uống với nhau chén rượu hẹn thề bên nhau suốt kiếp, vậy mà giờ mỗi người một nơi. Kiều nghĩ rằng Kim Trọng du ở nơi xa vẫn ngày đêm nhớ thương nàng “rày trông mai chờ” trong vô vọng. Những câu văn được Nguyễn Du khéo léo sử dụng lời độc thoại nói lên tiếng nói da diết trong trái tim của người con gái luôn hướng về ý trung nhân của đời mình. Nghĩ đến tình cảm của Kim Trọng dù ở xa “bên trời góc bể” vẫn nhớ về mình, Kiều lại thấy tủi nhục với hoàn cảnh của mình, không biết bao giờ mới có thể rửa trôi đi nỗi nhục đó để có thể đường hoàng đáp lại tình cảm của Kim Trọng.
Trước nỗi nhớ người yêu, lòng Kiều cũng dạt dào nỗi nhớ về cha mẹ:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Nàng vì chữ hiếu mà phải rời xa quê hương, gia đình nên nỗi lo âu lớn nhất trong lòng nàng là lo cho cha mẹ ở nhà không có ai chăm sóc. Ở những câu thơ trên nàng “tưởng” khi nhớ về người thương thì những câu thư sau nàng thấy “xót” thương vô tột cùng. Nàng tự dằn vặt bản thân, day dứt khi không thể chăm nom, lo lắng cho bố mẹ, nàn trăn trở rằng ở nhà ai quạt cho bố mẹ khi trời nóng, ai đắp chăn ấm cho bố mẹ khi giá rét. Tác giả sử dụng các từ ngữ mang tính điển tích, điển cố “Sân Lai, Gốc tử” để nhấn mạnh tâm trạng đầy xót thương của Kiều khi cha mẹ đã già yêu mà không thể phụ dưỡng. Nàng tự trách bản thân mình không thể làm tròn chữ hiếu, đạo con. Nguyễn Du cho tác giả cảm nhận được Kiều vừa là một người phụ nữ với tấm lòng vị tha, chung thủy vừa là một người con hiếu thảo, phẩm chất đó ở Kiều thật đáng trân trọng.
Trước những bi kịch đó, Kiều suy ngẫm về một tương lai mù mịt của mình:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Nguyễn du sử dụng một loạt từ láy “xa xa, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm” để làm nổi bật lên suy nghĩ đầy ngổn ngang của Kiều. Việc lặp đi lặp lại từ “buồn trông” 4 lần để hiện nỗi buồn sâu thẳm, luôn cay cái trong lòng về số phận éo le của mình. Nỗi buồn ấy bao trùm khắp không gian và được gửi gắm vào hình ảnh “thuyền ai thấp thoáng xa xăm” lúc chiều tà, chiếc thuyền lẻ loi, cô quạnh như tâm trạng của Kiều hiện tại. Nỗi buồn của nàng còn được hiện ra với hình ảnh chảy trôi lững lờ của những cánh hoa trên mặt nước. Những cánh hoa cứ trôi mãi không biết đi về đâu như cuộc đời mất phương hướng, chịu sự định đoạt của người khác. Nàng như những cánh hoa mỏng manh, yếu đuối giữa đời, không biết cuộc đời sẽ đưa đẩy nàng đến đâu? Nhìn về phía xa xăm nàng thấy một màu xanh của chân trời. Màu xanh đó tưởng chừng như sự tự do, hạnh phúc nhưng trong con mắt của Kiều, màu xanh đó là một màu xanh “rầu rầu” héo úa như những ngọn cỏ khô. Trước những nỗi niềm đượm buồn đó, nàng dự tính một dự cảm chẳng lành về tương lai. “Gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng” như những tối tăm, mù mịt của cuộc sống đang tiến đến bủa vây lấy tâm trí nàng. Pháp nhân hóa “sóng kêu” khiến câu thơ thêm sinh động và lột tả được tâm trạng dân trào của Kiều trước những nghịch cảnh của cuộc đời đến với số phận của người phụ nữ yếu đuối.
Đoạn trích khép lại với bức tranh nhuộm màu u tối bởi nỗi lòng của Thúy Kiều. Nàng như chú chim nhỏ bị nhốt trong lồng với khát khao mãnh liệt thoát ra để tìm lại sự tự do, yêu đời và yêu cuộc sống. Nguyễn Du đã thành công miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều bằng những cảnh vật đặc sắc. Qua đó cũng thể hiện sự tiếc thương của tác giả dành cho những số phận đầy oan trái dưới sự bất công của của xã hội phong kiến xưa.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách ” phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 10/2024!