Updated at: 27-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “bình luận nội dung bài thơ Nói với con của Y Phương” chuẩn nhất 01/2025.

Bình luận nội dung bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 1

Nếu như Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ dạt dào tình yêu con của người mẹ Tà-ôi, Con cò của Chế Lan Viên là sự che chở ấm áp của mẹ trên suốt đường đời con đi, thì Nói với con của Y Phương lại mang một màu sắc khác. Đó cũng là tình cảm gia đình, tình yêu con tha thiết nhưng đặc biệt hơn nó lại xuất phát từ một người cha. Cha gửi gắm vào đó những bài học về cuộc sống kì diệu của con, gửi vào đó những đức tính cao đẹp của con người quê hương và gửi vào đó tình yêu của không chỉ riêng cha mà của cả gia đình.

Có thể nói, Y Phương đã mang vào trong tác phẩm của mình một cái gì đó đậm chất dân tộc miền núi. Những hình ảnh mà tác giả sử dụng không phải là những chi tiết đơn thuần mà nó mang ý nghĩa biểu tượng cao, giản dị nhưng sâu sắc. Từ những hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng ấy, Y Phương bộc lộ tình yêu của người cha và những lời nhắn nhủ với con trong tương lai. Nếu như coi đó là những phép ẩn dụ thì xuyên suốt bài thơ là những phép ẩn dụ như thế; nếu như coi đó là những đặc sắc nghệ thuật thì Nói với con đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc bằng những điểm nhấn tinh tế.

Ngay từ nhan đề Nói với con, người đọc đã có thể nhận thấy một tình cảm  thiêng liêng, ấm áp và gần gũi. Đó chính là tình yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương. Cha nói với con như đang dang tay chở che cho từng bước đi của con. Tác giả không đặt một nhan đề nào đó mang ý nghĩa khái quát như Lời nhắn nhủ cho con phải chăng là có dụng ý? Nói với con thể hiện sự giản dị bởi nó như một lời tâm sự, một lời nhắc nhở mà không mang ý nghĩa nặng nề. Cũng có thể hình dung ra như khi con chạy nhảy, nô đùa, cha nói với con rằng: Chơi cẩn thận kẻo ngã. Và cứ mỗi khi con chơi, cha lại nhắc nhở như thế. Con sẽ hiểu rằng cha thương con, yêu con và luôn lo lắng cho con. Cũng thật vậy, khi đi vào sâu trong tác phẩm:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

  Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

 Từ khi con sinh ra, cha mẹ luôn dõi theo từng ngày tháng con lớn khôn. Bởi thế mà dân ta vẫn truyền nhau câu nói: Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Mỗi bước đi của con đều có cha mẹ ở bên dìu dắt; mỗi tiếng cười, tiếng nói từ khi biết hóng chuyện, bập bẹ gọi mẹ, gọi bà đều có cha mẹ động viên khuyến khích. Cũng như trong cuộc sống, không cha mẹ nào lại không mong con mau biết nói, để trò chuyện cho vui nhà vui cửa, không cha mẹ nào lại không mong muốn con của mình luôn nở thắm nụ cười trên môi. Đó chính là tình yêu của cha chứa chan trong những vần thơ. Và những vần thơ ấy cha còn muốn con biết rằng:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

 Vách nhà ken câu hát Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

 Cha muốn con hiểu rằng, bên con không chỉ có tình yêu thương của cha mẹ mà còn có sự đùm bọc chở che của quê hương, làng xóm. Ba động từ đan, cài, ken thể hiện sự đoàn kết gắn bó của quê hương. Không chỉ con người, mà tất cả những gì của quê hương yêu dấu cũng chính là những mái nhà ấm áp của con. Rừng cho hoa trái ngát thơm, trên con đường con đi, cũng sẽ có những tấm lòng của quê hương rộng mở vỗ về con. Có thể thấy, tình cảm cha gửi gắm vào trong thơ mạnh mẽ, thiêng liêng và vô cùng rộng lớn. Cha cũng muốn con biết rằng những tháng ngày của cả gia đình cùng ngọn lửa cháy bỏng của tình yêu là những tháng ngày hạnh phúc nhất trên đời. Bởi

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

   Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu con nhưng người cha trong Nói với con lại thể hiện một cách giản dị nhưng dạt dào xúc cảm và ý nghĩa như thế. Tình yêu ấy, sự đùm bọc, chở che ấy là của cha, của mẹ, của quê hương tha thiết của con.

Cha không chỉ muốn nói với con, muốn con hiểu những tình cảm thiêng liêng mà cha còn muốn để con thấy những đức tính cao đẹp của người đồng mình, để từ đó khắc sâu trong con lời nhắn nhủ từ chính tấm lòng của cha. Người đồng mình là những con người thế nào? Người đồng mình là những con người thô sơ da thịt, những con người tự đục đá kê cao quê hương và quê hương thì đẹp đẽ với những truyền thống dân tộc. Những con người của quê hương ấy được cha ca ngợi cùng những đức tính đáng trân trọng. Họ không buồn trước những thử thách khó khăn cao như núi; họ không nản dù phải đi trên những con đường xa tít để tới nơi tận cùng của chiến thắng; hình dáng của họ có thể bé nhỏ nhưng sâu trong cái bé nhỏ của tầm vóc ấy là ý chí, nghị lực, là một con người không hề nhỏ bé. Những con người của quê hương luôn hướng về những điều tốt đẹp, những truyền thống từ muôn đời này. Người đồng mình là vậy, lớn lao và đẹp đẽ là vậy. Hình ảnh ấy được thể hiện rất sinh động và chân thực. Nhưng phải chăng những đức tính của con người quê hương miền núi nhiều khổ cực chỉ được cha nói với con với mục đích đơn giản là để thấy và để biết? Nếu dừng lại ở đó thì cũng giống như cha chỉ nhắc nhở con chơi đùa cẩn thận kẻo ngã có một vài lần mà không dõi theo con trong suốt trò chơi. Nhưng, điều đã được khẳng định và luôn tồn tại đó là: cha yêu con và luôn dõi theo từng bước con đi. Vì thế cha đã nhắn nhủ con, nhắc nhở con về bài học cuộc sống:

                               Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

                               Sống như sông như suối

Qua những đức tính của con, quê hương cao đẹp là thế, hiên ngang là thế, cha muốn con sống sao cho xứng đáng với quê hương. Cha hi vọng con sẽ vượt qua thác ghềnh dẫu có hiểm trở, dẫu có cheo leo; cha hi vọng con sẽ đứng vững trước cái nghèo đói để chống chọi và vươn lên. Và ở bất cứ việc gì con làm, con hãy sống, hãy tự tin bước đi không ngừng như những con sông, con suối mãi chảy mang theo những dòng nước mát trong lành. Những dòng nước ấy, cha muốn ý chí của con sẽ như thế, cha mong nghị lực của con sẽ dồi dào như thế. Và qua truyền thống của những con người quê hương, những con người mạnh mẽ, khoáng đạt, cha muốn nhắc nhở con hãy tự hào về những truyền thông quê hương để sống có nghĩa có tình, thuỷ chung với quê hương. Lời nhắn nhủ xuất phát từ tình cảm yêu thương trìu mến thiết tha, niềm tin tưởng của cha. Cha yêu con, mong con vượt qua những thử thách của cuộc đời cùng sự bền bỉ, cố gắng vươn lên, cùng những tấm gương mà truyền thống của quê hương là tấm gương sáng nhất.

Như vậy, từ những đức tính và truyền thống đáng tự hào của người đồng mình, cha đã nhắc nhở con bài học sâu sắc và ý nghĩa của cuộc sống.

Ở bất kì mọi thời đại, bất kì mọi hoàn cảnh, tình cảm mà cha mẹ dành cho con, gia đình và quê hương dành cho con là đều cao cả và thiêng liêng. Người cha trong Nói với con của Y Phương cũng vậy. Đó là tình yêu, là niềm hi vọng vào con. Bài thơ mang tình cảm dạt dào và tha thiết nhưng cũng rất mạnh mẽ như hình tượng người cha trong mỗi con người, những lời nhắn nhủ của người cha với con mình cũng chính là lời nhắn nhủ mà người cha nào cũng mong con không bao giờ quên trên con đường đời đầy thử thách và gian lao.

Bình luận nội dung bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 2

Sau năm 1975, những tác phẩm văn học ra đời phần lớn đều ca ngợi tình cảm : con người, tình cảm với quê hương đất nước. Có những bài thơ là điệu hát ru ngọt ngào nhưng có bài thơ lại là lời khuyên răn, lời trò chuyện thân tình như bài Nói với con của Y Phương. Đến với bài thơ này, người đọc không chỉ thấy được tình cảm gia đình gắn bó mà còn cả những phẩm chất cao đẹp của người dân miền núi.

Có lẽ bởi đây là một sáng tác của người dân tộc Tày nên người đọc cảm thấy có sự khác biệt, mới mẻ. Bài thơ như lời nói chuyện của người cha – với con, tạo cảm giác gần gũi mà rất chân tình. Những hình ảnh được tác giả sử dụng trong bài như đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát đều có một nét gì rất riêng của người miền ngược. Với thể thơ tự do, phóng khoáng, những tình cảm, suy nghĩ của người cha được bộc lộ tự nhiên nhưng cũng vẫn sâu sắc. Đồng thời bài thơ còn thể hiện mong ước, hi vọng của người cha dành cho con. Bởi vậy, đọc bài thơ này, ta có thể tìm thấy trong đó những tâm sự chung của nhiều người cha trên thế giới này chứ không chỉ riêng người cha trong bài thơ.

Đọc tác phẩm, điều đầu tiên khiến người đọc phải suy nghĩ đó là tình cảm gia đình thiêng liêng được thể hiện qua những câu thơ đầu. Đối với tất cả chúng ta, ai cũng có một gia đình. Gia đình là tổ ấm, là nơi chở che yêu thương và dạy dỗ ta thành người. Trong mái nhà ấy, cha mẹ chính là những người đầu tiên chứng kiến chúng ta lớn lên, là người dìu dắt ta vững bước. Đã có nhiều bài thơ nói đến tình cảm gia đình nhưng hiếm bài thơ nào thể hiện điều đó bình dị mà sâu sắc như Nói với con:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Tuy không có chữ nào nói đến sự gắn bó nhưng bốn câu thơ đã là minh chứng rõ ràng cho tình cảm gia đình thân thiết. Cha mẹ luôn ở bên con, dạy con những bước đi đầu đời, cảm nhận từng tiếng khóc, tiếng cười của con. Điều đó lại càng thấy rõ cha mẹ quan trọng như thế nào đối với mỗi người con.

Không chỉ có tình cảm gia đình, Y Phương còn nhắc nhở mỗi chúng ta đến tình cảm với quê hương, với dân tộc:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

Những người đồng mình sống gắn bó với nhau, gắn bó với làng bản. Những câu thơ cho chúng ta cảm nhận về cuộc sống của những người dân tộc. Họ sống tuy đơn giản, bình dị nhưng đầy ắp niềm vui, tiếng hát, sống với nhau chân thật bằng cả tấm lòng. Đó là cuộc sống yên vui, đầm ấm, rất lạc quan, yêu đời mà mỗi chúng ta có lẽ đều mong muốn. Qua những lời tâm sự của người cha, tác giả đã đề cao tình cảm gắn bó thiêng liêng trong gia đình và giữa quê hương dân tộc của những người dân tộc sống trên vùng núi cao.

Sau khi nhắc nhở con đến những tình yêu thương mà con phải trân trọng, người cha trong Nói với con đã răn dạy con những đức tính cao đẹp của người đồng mình và tâm sự những hi vọng, mong muốn của mình. Những người dân miền núi vốn phải sống trong điều kiện khó khăn, vất vả nhưng cũng vì thế mà họ có những phẩm chất vô cùng cao đẹp. Người đồng mình không khi nào chùn bước trước gian khổ. Dẫu có khó khăn, họ vẫn cùng nhau vượt qua. Đó là điều đẹp nhất của người dân sống trên quê hương miền ngược. Cha cũng dạy con về truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, dạy con biết tự hào về những truyền thống ấy và biết vươn lên từ đó. Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương – đó chính là niềm tin, là sức mạnh ý chí vượt lên. Với niềm lạc quan ấy, dù có vất vả, người đồng mình vẫn luôn sống phóng khoáng, bền bỉ, không khi nào nhỏ bé. Bằng những phẩm chất ấy, người cha mong con lớn lên sống sao xứng đáng với quê hương:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối.

Cha mong con có đủ sức mạnh, niềm tin để đối mặt với những khó khăn con sẽ gặp phải, mong con bằng lòng với những gì mình đang có để từ đó biết vươn lên. Điều quan trọng là phải sống thuỷ chung, có tình, có nghĩa, trước sau như một. Đó cũng là lời dạy, là bài học chung cho tất cả chúng ta: sống trước sau như một, phải luôn gắn bó với quê hương – nơi nuôi dưỡng ta trưởng thành. Không những thế, người cha còn mong con hãy tự hào về truyền thống dân tộc, lấy đó làm hành trang bước vào đời. Qua những suy nghĩ, tâm sự cùa người cha, người đọc thấy nổi bật lên tình yêu thương mà người cha dành cho con. Những tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng người cha. Hơn thế nữa, cha còn là người luôn cùng con vững bước tới tương lai, là người dìu dắt, che chở cho con. Bài thơ này cũng chính là lời ca ngợi tình cảm cha con thiêng liêng, sâu sắc.

Có lẽ Y Phương đã thể hiện những tình cảm, niềm tin của tất cả những người cha theo một cách mới mẻ. Nhưng điều đó cũng không hề làm giảm đi ý nghĩa của bài thơ. Cùng với tất cả những bài thơ nói về tình cảm gia đình, Nói với con đã góp phần tạo nên bức tranh về tình người cao đẹp – điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta.

Bình luận nội dung bài thơ Nói với con của Y Phương- Mẫu 3

Trong cuộc sống luôn tồn tại những tình cảm thiêng liêng, cao quý. Một trong những tình cảm đó chính là tình cảm cha con. Nhà thơ Y Phương đã viết tác phẩm Nói với con để thể hiện những nét rất riêng của dân tộc miền núi.

Điều đầu tiên ta cảm nhận được khi đọc tác phẩm là một giọng thơ, một cách nói, diễn tả của người miền núi rất mộc mạc, chân thực mà sâu sắc. Giọng điệu ấy có một sức gợi tả mạnh mẽ khiến cho mỗi người đọc luôn hiểu được lời nói của tác giả bằng tâm hồn, cảm xúc của chính họ. Khi đọc tác phẩm, chúng ta nhận ra một tình cảm gia đình ấm cúng, sự ca ngợi những truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ và một vẻ đẹp tâm hổn cùng tình yêu quê hương tha thiết. Chính điều ấy cũng khiến cho tác phẩm này trở nên đặc biệt hơn. Nó không chỉ thể hiện một khía cạnh, mà còn là những điều thiêng liêng, cau quý trong cuộc sống. Lời thơ ấy dường như đã được viết nên bằng tình yêu của người cha, tình yêu của một con người đối với quê hương, đất nước.

Con đã lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương, đất nước. Và rồi những câu thơ lại hiện lên:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Bốn câu thơ là những lời cha nói cho con về một tình cảm gia đình ấm cúng và thiêng liêng. Trong đó có tình yêu, sự nâng đỡ mà cha mẹ dành cho con, có sự quấn quýt của một gia đình. Tất cả đã tạo dựng nên một không khí gia đình tràn ngập tiếng cười hạnh phúc mà mộc mạc. Người cha đã gợi cho con nhớ về cội nguồn sinh dưỡng, nhớ tới bước đi đầu tiên. Không chỉ có vậy, người con còn lớn lên trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộngvà trong nghĩa tình của quê hương:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tiếng cười

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời

Con đã lớn trong cuộc sống cộng đồng, với cuộc sống lao động, với lời ca tiếng hát. Con còn lớn lên trong thiên nhiên thơ mộng, có hoa, có cảnh, có những con người giản dị mà thân thương. Tất cả đã che chở, đùm bọc lấy cuộc sống, tuổi thơ của con. Đan, cài, ken có vẻ như những động từ ấy còn gợi lên sự gắn bó quấn quýt của quê hương với con. Và chúng ta có thể hiểu được ý của cha: cha gợi lại trong con về cội nguồn, về quê hương đất nước để từ đó con biết yêu thương, trân trọng và gìn giữ những tình cảm gia đình, những khung cảnh của quê hương. Y Phương đã không nói ra những điều mà ông muốn những người đọc cảm nhận chúng bằng tâm hồn thơ của chính mình.

Không chỉ có vậy, khi đến với những dòng thơ tiếp theo của bài, chúng ta lại cảm nhận thêm những cảm xúc mới. Tác giả lại mang đến cách hiểu về đức tính cao đẹp của người đồng mình và những mong ước của cha với con:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Đó chính là những mong ước, những lời nhắc nhở chân tình mà cha đang nói với con. Cha muốn con phải biết vươn lên trong cuộc sống, trong khó khăn gian khổ. Cha muốn con biết yêu quý quê hương, vượt qua mọi thử thách bằng ý chí và nghị lực của chính mình như truyền thống của người đồng mình. Con còn phải trở thành người sống có nghĩa, có tình, phải thuỷ chung, tự hào về quê hương. Cha muốn trông thấy con vững bước trong cuộc sống bằng sự tự tin vào chính bản thân.

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Cha cho con hiểu và thấy sự khoáng đạt, bền bỉ của dân tộc trong cuộc sống. Thấy được sức sống mạnh mẽ và truyền thống cao đẹp của quê hương. Bằng sự cần cù, mạnh mẽ, họ đã tạo nên quê hương để rồi từ đó con luôn phải tự hào về quê hương, dân tộc, truyền thống của chính bản thân mình.

Bài thơ như lời nói của cha với con nhưng qua những lời nói ấy, người đọc lại hiểu được những điều thực sự ý nghĩa trong cuộc sống. Nội dung bài thơ là sự mộc mạc, giản dị. Nó tràn ngập tình yêu thương mà cha dành cho con. Để từ đó, khi đọc tác phẩm ta luôn cảm nhận thấy trong tâm hồn những điều thú vị khó tả.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “bình luận nội dung bài thơ Nói với con của Y Phương” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 01/2025!