Updated at: 05-05-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Bình luận câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương… Người trong một nước phải thương nhau cùng” chuẩn nhất 10/2024.

Dàn ý chung

1. Mở bài:

  • Nêu vắn tắt khải niệm của ca dao dân ca
  • Giới thiệu câu ca dao dân ca: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

2. Thân bài:

a. Giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ:

  • “Nhiễu” là thứ vải tơ, cầm thấy nặng tay
  • “Điều” là màu đỏ.
  • “Nhiều điều” là một thứ vải quý, được dùng để may áo đẹp hay để lót trên bàn, trên kệ để đặt những đồ quý giá.
  • Giá gương” là cái khung bằng gỗ để người ta đặt cái gương lên…

=> Ca ngợi tình cảm trong sáng như tấm lụa điều và chiếc gương. Hãy nghĩ đến tình đồng hương, đồng bào, để rồi nhiệt tình cứu giúp nhau…

b. Ý nghĩa của câu ca dao, dân ca trên.

c. Truyền thống đã được nhân dân ta thể hiện như thế nào?

  • Tình làng nghĩa xóm…
  • Mọi người tương trợ lẫn nhau qua các chiến dịch “mùa hè xanh, ủng hộ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ người tàn tật…”

d. Người học sinh đã thể hiện tốt truyền thống ấy như thế nào trong gia đình, nhà trường?

  • Trong gia đình, nhà trường: giúp đỡ bố mẹ, chăm sóc em, giúp đỡ bạn bè khó khăn, bảo vệ khi bạn bị bắt nạt…
  • Ngoài xã hội: giúp đỡ cụ già, em nhỏ, ủng hộ đồng bào lũ lụt…

3. Kết bài:

  • Khẳng định tính đúng đắn của câu ca dao
  • Từ đó rút ra bài học cho bản thân

Bình luận câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương… Người trong một nước phải thương nhau cùng- Mẫu 1

       Đất nước được tồn tại và phát triển, con người Việt Nam được ấm no, hạnh phúc một phần cũng nhờ truyền thống đoàn kết từ xưa đến nay của dân tộc ta. Người dân Việt Nam đã cùng nhau đứng lên, cùng nhau hợp lực để chống lại bao gian nguy, bao khó khăn, tai biến mới tồn tại và phát triển đến ngày nay. Để nhắc nhở các thế hệ sau phải luôn luôn giữ mãi tinh thần đoàn kết, ca dao Việt Nam có câu:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

       Đó là lời dạy ân cần, tha thiết nhất của ông cha ta để lại cho con cháu như bài học ở đời. Ngôn ngữ Việt Nam thật đa dạng và nhiều ý nghĩa. Ca dao Việt Nam thật phong phú, thật gợi cảm. Câu ca dao trên cũng thế. Nó bao hàm một ý nghĩa thật sâu sắc. Nhiễu điều là tâm nhiễu đó được phủ lên mặt gương để giúp gương không bị ố mờ theo năm tháng. Đó là vật vô tri, vô giác mà cũng có thể che chở cho nhau để được tồn tại, để phục vụ cho đời. Song câu ca dao trên không dừng lại ở ý nghĩa ấy. Nó còn ngụ một ẩn ý sâu xa: Những con người cùng sống trong một đất nước thì phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đó là lẽ sống, là đạo lí làm người. Tình đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua trở ngại gian lao, cho ta thêm sức mạnh để tiến vững mải. Tình đoàn kết là yếu tố quan trọng giúp ta tồn tại và phát triển trong xã hội. Câu ca dao trên là lời khuyên răn chân thành nhất của ông cha ta, là hướng đi, là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ sau.

Thật vậy, câu ca dao trên là sự đúc kết kinh nghiệm hoàn hảo nhất của tổ tiên để lại. Nếu không nhờ tấm vải đỏ che chở thì gương có còn trong sáng mãi được không? Tất nhiên, tấm gương ấy sẽ mờ theo năm tháng. Lúc đó vải không còn sử dụng được mà gương cũng thế. Cũng vậy, con người cần phải có tình đoàn kết. Thực tế lịch sử đã chứng minh cho ta thấy rõ điều đó. Thắng lợi vẻ vang của dân ta ngày nay đâu phải dễ dàng có được. Đó là bao sức người, sức của đồng bào ta đã hợp nhất với nhau. Tất cả và tất cả đã cùng nhau đứng lên tạo nên sức mạnh thần kì để đánh đổ giặc ngoại xâm. Tình đoàn kết luôn là động lực chủ yếu đưa đến những thành công rực rỡ. Nếu không có tinh thần đoàn kết thì liệu xã hội có còn tồn tại đến ngày nay không? Tinh thần đoàn kết luôn được nhân dân ta giữ mãi trong bất kì hoàn cảnh nào. Thiên tai lũ lụt, hạn hán tuy tàn phá thật khốc liệt nhưng nhờ sự đoàn kết, gắn bó, nhân dân ta đã cùng nhau chống lại, vượt qua tất cả. Nói chung, nếu con người không biết đoàn kết. hợp sức lực với nhau thì sẽ không thể nào tồn tại được, tình đoàn kết sẽ đem đến cho mọi người những kết quả tốt đẹp nhất.

       Nhưng còn có nhiều người tự hỏi rằng: Tại sao người trong một nước thì phải đoàn kết với nhau? Một điều thật dễ hiểu. Bởi lẽ mỗi chúng ta đều chung một dòng giống, cùng chung một dân tộc, một tiếng nói, cùng sống trên một lãnh thổ. Những điểm chung đó là sợi dây ràng buộc, giúp những người trong một nước gắn bó với nhau. Chúng ta thử nghĩ nếu không may đất nước bị lâm nguy, chẳng lẽ tất cả chúng ta được an vui sinh tồn? Hoặc khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra thi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau hứng chịu. Do đó người trong một nước thì phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đó là tình nghĩa đồng bào cùng sống trên một lãnh thổ. .Chính tình cảm thiêng liêng đó đã giúp cách mạng Việt Nam vượt qua mọi phong ba bão táp và cập bến vinh quang như hiện nay.

       Hiểu được ý nghĩa vô cùng sâu sắc ấy, mỗi chúng ta cần phải làm gì để thực hiện đúng lời dạy trên? Chúng ta phải biết giúp đỡ lần nhau khi hoạn nạn, khó khăn. Chẳng hạn như chúng ta phải đóng góp, giúp đỡ trẻ em tàn tật, mồ côi, những đồng bào bị bão lụt… Hơn nữa, khi có giặc ngoại xâm tất cả phải cùng nhau đứng lên chống giặc. Tình thương là thứ tình cảm được bộc lộ rõ rệt nhất qua nhiều hành động cụ thể. Có như thế. Đất nước mới tồn tại, cuộc sống nhân dân ta mới ấm no hạnh phúc

       Trong tình hình đất nước đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khó khăn, phức tạp thì câu ca dao trên có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi người cần phải thể hiện tình đoàn kết, gắn bó nhau hơn nữa để đưa đất nước ngày một đi lên. Tình đoàn kết sẽ là động lực là sức manh đưa đất nước đến những thắng lợi vẻ vang.

       Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng hiểu và làm điều đó. Bởi vậy, chúng ta phải phê phán những thái độ sống thiếu trách nhiệm, phê phán những kẻ sống bàng quan với mọi người, thờ ơ trước những khó khăn của đất nước, của đồng bào. Những kẻ ấy đáng bị lên án đáng quét sạch đi. Tất cả chúng ta phải cùng nhau đi lên, cùng nhau xây dựng đất nước theo lời Bác dạy:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công.

       Bao nhiêu năm tháng có trôi qua, những bài học, những kinh nghiệm mà ông cha đã đúc rút càng trở nên sáng ngời trong cuộc sống của chúng ta. Đó là đạo lí, là lẽ sống giúp cho thế hệ sau vươn tới tương lai tươi sáng. Tình thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau sẽ đưa chúng ta vượt qua tất cả. Từ đó, mỗi con người sẽ luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức và nhất là tình thương đồng loại. Tẩt cả sẽ cùng nhau hợp lực đưa đất nước ngày một đi lên. Riêng em, em nghĩ mình cần phải giúp đỡ những bạn gặp nhiều khó khăn trong học tập, những bạn không có điều kiện đến trường. Em sẽ cùng các bạn xây dựng tập thể lớp ngày thêm vững mạnh. Làm được như thế, em cảm thây cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn, đời sống sẽ trở nên phong phú, thú vị hơn.

Bình luận câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương… Người trong một nước phải thương nhau cùng- Mẫu 2

Kho tàng ca dao tục ngữ của dân tộc ta vô cùng đa dạng và phong phú. Đó đều là những điều cha ông ta đã đúc kết thành chân lí để răn dạy con cháu sống sao cho phải đạo, cho góp phần khiến xã hội này trở nên văn minh hơn. Và trong kho tàng ca dao tục ngữ đó thật khó lòng bỏ qua câu nói về tình yêu thương sự đùm bọc tương thân tương ái giữa người với người mà biết bao nhiêu thế hệ đã thuộc nằm lòng từ thuở còn trong nôi.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Trước hết phải khẳng định một điều đây là một câu ca dao với ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng con cháu về đạo đức dân tộc. “Nhiễu” ở đây là một tấm vải màu đỏ, mỏng và mềm mại dùng để phủ lên giá gương. Mục đích chính của nó là để che chở cho tấm gương không bị nhiễm bụi của thời gian. Hiểu một cách sâu xa thì ông cha ta đang muốn gửi gắm đến con cháu về tình yêu thương, sự đùm bọc nhau giữa người với người trong một dân tộc.

Thật vậy lịch sử dân tộc ta là những trang sử hào hùng của những cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước. Trang lịch sử hào hùng đó được viết nên bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ cha anh. Từ thưở bà Trưng, bà Triệu, đến Ngô Quyền đánh giặc trên sông Bạch Đằng, Lí Thường Kiệt diệt quân Tống trên sông Như Nguyệt, đến Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược và tiêu biểu nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dân tộc Việt Nam đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể. Chúng ta không phải là một đất nước giàu mạnh về kinh tế hay khoa học kĩ thuật vậy mà chúng ta đã làm nên một dấu ấn chói lòa. Vậy điều gì đã làm nên sức mạnh lớn lao đó? Xin thưa đó chính là truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc và che chở lẫn nhau. Nếu không có miền Bắc chi viện thì sao có một tiền tuyến miền Nam sẵn sàng chiến đấu? Đâu có  chiến thắng mùa xuân lịch sử năm 1975 đánh tan âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ?

Việt Nam là một đất nước có 54 dân tộc sinh sống, nó vừa góp phần tạo nên một nền văn hóa đa dạng lại đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta có thể khác nhau tiếng nói, khác nhau tập quán sinh hoạt nhưng tựu chung lại điểm chung là cùng chảy một dòng máu đỏ, một màu da vàng và tự hào bởi nòi giống con Lạc cháu Hồng. Không chỉ trong quá khứ mà ngay cả thời điểm hiện tại tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau đó vẫn được tiếp nối và phát huy một cách sâu sắc. Bằng chứng đó là trong những trận thiên tai lũ quét người dân khắp nơi lại một lòng hướng về miền trung ruột thịt nơi những đồng bào đang oằn mình chống lại sự giận dữ của mẹ thiên nhiên. Đó là tấm lòng vàng khắp nơi gửi đến người dân miền Trung nắm cơm, tấm áo như một sự động viên tinh thần lớn lao để vượt qua khó khăn. Đó là đau cùng nỗi đau của đất nước, và nỗi đau của đồng loại. Như câu ca dao xưa đã từng nói:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống như chung một giàn”.

Bên cạnh những tấm gương tương thân tương ái, biết đùm bọc san sẻ cho nhau vẫn còn đó những con người đang hờ hững vô cảm với nỗi đau của đồng loại. Ngày nay khi mà giá trị của đồng tiền lên ngôi, sức mạnh của nó có thể xoay chuyển càn khôn thì có những người đang sống vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích cộng đồng. Họ sống cá nhân hơn sống vì bản thân nhiều hơn, thờ ơ với những gì đang xảy ra quanh mình, vô cảm trước nỗi đau mà cộng đồng mình đang phải chịu đựng. Và họ tự tạo cho mình một thế giới riêng mà không có ai có thể xâm phạm được. Nhưng chính điều đó đã khiến cho xã hội thụt lùi một bước, sự nhân văn bị mất đi. Nó không chỉ đi ngược lại với truyền thống lịch sử dân tộc mà còn kiến con người trở nên nhạt nhẽo và xa lạ với nhau hơn.

Con người sinh ra trên đời không phải chỉ sống một mình và sống cho mình. Đó là cả một tập thể một xã hội gắn kết với nhau bằng tình người. Chính vì thế khi xã hội ngày càng phát triển thì chúng ta lại càng phải yêu thương và gắn bó với nhau hơn. Vì chính điều đó sẽ là động lực giúp xã hội trở nên văn minh và giàu đẹp hơn.

Bình luận câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương… Người trong một nước phải thương nhau cùng- Mẫu 3

Lật lại những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, ta thấy rằng ông cha ta đã để lại cho thế hệ trẻ ngày nay nhiều bài học quý giá về sự đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong lao động, trong cuộc sống cũng như trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Những câu tục ngữ đậm đà bản sắc dân tộc đã nói lên điều đó. Mà một trong số đó chúng ta phải nhắc đến câu tục ngữ:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Nhân dân ta là những người có chung tổ tiên, được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, là con rồng cháu tiên cùng chung một nguồn gốc. Vì vậy mà chúng ta phải biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, vấp ngã, sai lầm và thất bại cũng là điều không thể tránh khỏi đối với bất kì ai. Vì lẽ đó mà chúng ta phải biết cảm thông với những người có hoàn cảnh rủi ro, không may gặp trắc trở trong cuộc sống. Con người sống là để yêu thương lẫn nhau. Khi bạn biết chia sẻ, quan tâm đến người khác thì dù có thể bạn không nhận được gì, thế nhưng niềm vui, sự hạnh phúc sẽ đến với bạn. Sống tình cảm là việc cần có ở mỗi người, nó là phẩm chất đạo đức không thể thiếu ở mỗi chúng ta. Nếu sống ích kỉ, chỉ biết cho bản thân, bạn sẽ cô đơn, lạc lõng. Cuộc sống này sẽ chỉ toàn mưu tính, xã hội trở nên vô cảm nếu ai cũng chỉ sống ích kỉ như thế. Hãy biết yêu thương để bạn có thể cảm nhận được sức mạnh của tình thương mang lại. Chính tình thương là động lực lớn lao nhất giúp con người có những động lực mạnh mẽ để vượt qua thử thách của cuộc sống.

Trong lao động, sản xuất ngày nay cũng vậy. Những người dân nghèo, nếu như không có sự giúp đỡ của mọi người thì chẳng thể nào họ có thể thoát khỏi cảnh nghèo túng, khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải trải lòng mình để yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh, dù là một việc nhỏ nhất. Thế nhưng, vẫn còn đâu đó những con người mang trái tim sắt đá, thờ ơ trước những cảnh đời bất hạnh, khốn khổ. Vâng, họ không bao giờ hiểu được giá trị của hai chữ “yêu thương” mà lẽ ra họ cũng có thể nhận được. Yêu thương là biết quan tâm, giúp đỡ người khác với tấm lòng nhân ái. Đưa một em nhỏ hay cầm tay một cụ già, giúp họ qua đường một cách nhanh chóng hơn cũng là một biểu hiện đơn giản của tình thương. Bạn biết chia sẻ nỗi buồn, niềm vui cùng những người khác. Thấu hiểu nỗi niềm như chính mình là người trong cuộc thì bạn là người xứng đáng nhận hai chữ yêu thương từ người khác.

Vậy nên, hãy biết quan tâm đến người khác để cuộc sống thêm ý nghĩa và đầy màu sắc tình yêu. Câu tục ngữ trên là bài học vô giá giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, về tình thương, sự đùm bọc giữa con người với con người. Hãy học cách để yêu thương và nắm chặt tay nhau cùng vững tin bước qua thử thách của cuộc sống. Chúng ta phải làm điều đó vì chúng ta cùng chung nòi giống con Rồng cháu Tiên hay chỉ đơn giản vì chúng ta là con người!

Bình luận câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương… Người trong một nước phải thương nhau cùng- Mẫu 4

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào là vô cùng thiêng liêng. Tình nghĩa nồng thắm ấy đã in sâu vào trái tim khối óc người Việt Nam, tạo nên bản sắc dân tộc. Trên chặng đường mấy nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, nhân dân ta đã phát huy cao độ lòng yêu nước thương nòi thành truyền thống quý báu. Truyền thống ấy đã trở thành tiếng hát, lời ca mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tiêu biển là câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

“Giá gương” là một vật dụng đặt trên bàn thờ gia tiên, một biểu tượng thiêng liêng của người đã khuất. Trên giá gương có thể là một tấm ảnh, một tờ giấy đã phai màu ghi một vài nét về tiểu sử và công đức của người đang được thờ cúng. Giá gương thường được sơn son thếp vàng rất đẹp, một vẻ đẹp cổ kính trang nghiêm.
“Nhiễu điều” là một thứ hàng dệt cao cấp (vóc, nhiều, the, lụa…) màu đỏ thắm (điều). Đem nhiễu điều phủ lấy giá gương, làm cho giá gương đã đẹp, lại càng thêm đẹp, thêm trang trọng. Chữ “phủ” trong câu ca dao là nghĩa chở che, bao bọc, biểu thị một thái độ, một tấm lòng tôn kính, biết ơn… của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Hình ảnh gắn bó vừa thiêng liêng, vừa nghĩa tình.

Đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ so sánh đến khái quát, nhân dân ta đã lấy hình ảnh ”Nhiễu điều phủ lấy giá gương” để qua đó, nêu lên một bài học đạo lí có giá trị giáo dục sâu sắc: khuyên nhủ mọi người Việt Nam giữ gìn và nêu cao tình yêu thương đoàn kết dân tộc.

Bài học mà câu ca dao nêu ra thật sâu sắc, thấm thía.

Tại sao “Người trong một nước phải thương nhau cùng?” – Người trong một nước cùng chung cội nguồn, nòi giống đều là con Rồng cháu tiên. Họ có chung một nền văn hoá lâu đời, chung lịch sử, chung một mẹ Việt Nam yêu quý. Dù là Kinh hay Mường, Thái hay Tày. Ba-na hay Ê-đê, v.v… nhưng vẫn là anh em xa gần, anh cm trong đại gia đình Việt Nam, có mối quan hệ vật chất và tinh thần gắn bó, chung một Thủ đô Hà Nội và chung một cơ đồ Việt Nam. Huyền thọai ‘Trăm trứng”, truyện cổ tích “Quả bầu” làm cho mỗi người chúng ta bồi hồi xúc động, biểu cảm sâu sắc lời ca “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tình yêu thương đoàn kết dân tộc ấp ủ trong tim ta tình làng nghĩa xóm, lòng yêu nước thương nòi thắm thiết bao la. Nó nhắc nhở ta biết chia ngọt sẻ bùi với nhau, biết yêu thương đùm bọc nhau. Nó cho ta niềm tin về sức mạnh nòi giống, về lòng tự hào dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng thù trong giặc ngoài. Cả cộng đồng người Việt Nam đoàn kết yêu thương cùng đi lên phía trước, xây dựng đất nước phồn vinh.

Tình yêu thương, đùm bọc đồng loại là đạo lí sống tốt đẹp của nhân dân ta. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Câu ca dao-sau đây mỗi lần đọc lên, là người Việt Nam ai mà chẳng bồi hồi:

“Ai về Phú Thọ cùng ta,

Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mồng Mười.

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ TỔ mồng Mười tháng Ba”.

Dù sống ờ miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược hoặc là Việt kiều tha hương,… tất cả đều là con em đại gia đình Việt Nam. Việt Bắc. Tây Bắc là cái nôi của cách mạng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã từng “hạt muối cắn đôi” với anh bộ độ Cụ Hồ trong thời chống Mĩ. Tình yêu thương đoàn kết dân tộc là cơ sở của tình yêu nước. Qua đó, ta càng thấy trách nhiệm của mỗi người phải góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Trung hiếu, nhân nghĩa là nền tảng của đạo lí. Chữ hiếu là đạo làm con. Chữ trung là đạo làm người, làm dân. Trong mối quan hệ xã hội, con người phải sống tình nghĩa, thuỷ chung. Tình người, tình đồng bào là thiêng liêng cao cả “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tình yêu thương đoàn kết dân tộc phải được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể: nhường cơm sẻ áo, giúp thuốc men, lương thực… cho nhau khi gặp thiên tai địch họa. Đồng bào vùng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, Việt Bắc bị lũ lụt tàn phá thì đồng bào cả nước hướng về, ra sức giúp đỡ, chi viện. Họat động của các Hội Việt kiều đã thắt chặt ba, bốn triệu người Việt đang sinh sống làm ăn ờ nước ngoài gắn bó với quê hương là một biểu hiện cao đẹp nâng cao tình cảm dân tộc.

Nghĩa tình của đồng bào ta thật sâu sắc, đẹp đẽ, ca dao, dân ca có bao bài hay ngợi ca:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hày là:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng ”

Vậy đấy, nhân dân ta nhân hậu, sống trọn vẹn nghĩa tình. Yêu nước, thương nòi, thương mình, thương người, tương thân tương ái,… là vẻ đẹp tâm hồn. là đạo lí của dân tộc. Câu ca dao trên đã cho thấy nguồn sức mạnh Việt Nam. Với tình thương mà tổ tiên ta đã xây đắp nên nền Văn hiến Đại Việt lâu đời. Với tình thương mà nhân dân ta ngày nay đang xoá bỏ hận thù quá khứ, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. hướng vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”. Hạnh phúc, ấy là tình thương. Đạo lí làm người, ấy là nhân hậu, ấy là tình thương.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách Bình luận câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương… Người trong một nước phải thương nhau cùng” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 10/2024!