Updated at: 08-05-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách thuyết minh về một tác phẩm tự sự đã học trong chương trình Ngữ văn 9 chuẩn nhất 04/2024.

Thuyết minh về một tác phẩm tự sự đã học trong chương trình Ngữ văn 9- Mẫu 1

Qua Truyền kì mạn lục, người đọc mãi mãi thương cảm Vũ Nương, thương cảm những thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ.

        Trong những tác phẩm tự sự đã từng học, tác phẩm để lại cho em nhiều ấn tượng nhất là Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Đây là tác phẩm giàu giá trị nhân văn viết về đề tại được quan tâm của xã hội thời bấy giờ: Người phụ nữ.

        Truyền kì mạn lục của Nguyên Dữ được viết bằng chữ Hán, trong đó Chuyện người con gái Nam Xương ghi lại cuộc đời thảm thương của Vũ Nương, quê ở Nam Xương (thuộc tỉnh Hà Nam) ngày nay.

        Vũ Thị Thiệt – người con gái quê ở Nam Xương thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Chàng Trương Sinh mến vì đức hạnh xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Chẳng bao lâu sau Trương Sinh phải đi lính. Nàng đang có mang, xa chàng vừa đầy tuần thì sinh ra đứa con trai đặt tên là Đản. Nửa năm sau, mẹ chàng vì già yếu và nhớ thương con đi lính, rồi lâm bệnh. Vũ Nương hết lòng săm sóc, cơm cháo thuốc men. Khi mẹ chồng qua đời, nàng lo ma chay tế lễ như đối với cha mẹ mình. Qua năm sau, giặc đã chiu lui, Trương Sinh trở về. Con trai đã vừa học nói nhưng chỉ vì câu nói ngây thơ của đứa con đã dẫn đến Trương Sinh hiểu lầm rằng vợ mình đã thay lòng đổi dạ. Trương Sinh nhiếc mắng, đuổi nàng đi. Nàng thanh minh cho mình, rồi hàng xóm bênh vực nhưng không được. Trước cảnh đau buồn đó, Vũ Nương đã nhảy xuống sông Hoàng Giang mà tự vẫn. Nàng chết rồi một hôm Trương Sinh ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói: Cha Đản lại đến kìa. Bấy giờ Trương Sinh mới tỉnh ngộ biết vợ mình chết oan. Lại nói về chuyện Phan Lang đã cứu Linh Phi – vợ vua biển Nam Hải. Thế rồi Phan Lang không may đắm thuyền chết, được Linh Phi cứu cứu giúp, chữa trị, đền ơn. Trong cuộc hành trình thăm động của Linh Phi, Phan Lang tình cờ gặp Vũ Nương. Nàng gửi về cho Trương Sinh một chiếc hoa vàng và dặn chồng con nhớ làm đàn giải oan… Phan Lang trở về kể chuyện cho Trương Sinh. Vũ Nương hiện lên đa tạ tình chàng nhưng nàng không thể trở về trần gian được.

        Chuyện người con gái Nam Xương nói lên sự xót thương với những người phụ nữ tài sắc, đức hạnh mà chết oan trong bi kịch gia đình. Vũ Nương là một phụ nữ đảm đang, hiếu thảo, một mình nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ già. Cái chết của Vũ Nương có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc, lên án chiến tranh phong kiến đã làm cho lứa đôi phải li biệt, người vợ trẻ sống vất vả, cô đơn, lên án lễ giáo phong kiến khắt khe với tệ gia trưởng độc đoán, gây nên bi kịch gia đình, làm tan vỡ hạnh phúc. Vì lẽ đó, Chuyện người con gái Nam Xương có giá trị nhân bản sâu sắc.

        Với nghệ thuật điêu luyện, bố cục chặt chẽ, chi tiết hoang đường; chi tiết gợi mở, thắt nút cởi nút câu chuyện tài tình, giải quyết câu chuyện nhanh chóng, bất ngờ, kết thúc có hậu,… Chuyện người con gái Nam Xương đã khẳng định được nét đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện niềm cảm thương cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính chất bi kịch của họ dưới chế độ phong kiến. Đây là một áng văn hay, thành công về mặt dựng truyện, dựng nhân vật, kết hợp cả tự sự, trữ tình và bi kịch. Tuy mang yếu tố hoang đường, nhưng Chuyện người con gái Nam Xương có giá trị nhân đạo sâu sắc.

        Qua Truyền kì mạn lục, người đọc mãi mãi thương cảm Vũ Nương, thương cảm những thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Cảm ơn tác giả, cảm ơn tác phẩm đã nhìn người phụ nữ với đôi mắt cảm thông, đầy giá trị nhân đạo.

Thuyết minh về một tác phẩm tự sự đã học trong chương trình Ngữ văn 9- Mẫu 2

Trong chương trình Ngữ văn 9, tập một có rất nhiều những tác phẩm tự sự hay, mang những giá trị về nội dung và nghệ thuật lớn. Nhưng một tác phẩm đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất chính là tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân.

      Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, ông sinh năm 1920 tại Bắc Ninh. Thật đặc biệt là ông chỉ chuyên viết truyện ngắn, với am hiểu và gắn bó sâu sắc với người nông dân từ nhỏ nên ông thường viết về họ.

      Tác phẩm Làng cũng là một tác phẩm rất đặc sắc của Kim Lân khi viết về đề tài trên. Ra đời đầu thời kì chống Pháp năm 1948, Làng kể về nhân vật có tên là ông Hai. Ông Hai vô cùng yêu cái làng Chợ Dầu của mình, vì thế khi Pháp đến đánh chiếm ông quyết định ở lại làng làm du kích, làm thanh niên chống giặc, mặc dù tuổi ông đã cao. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình neo đơn ông buộc phải cùng gia đình tản cư lên thị trấn Hiệp Hoà, đi đến đâu ông cũng khoe với mọi người cái làng của mình. Vào một ngày, ông nghe tin làng Chợ Dầu yêu quý của ông theo giặc làm Việt gian, ông cảm thấy vô cùng đau khổ và gia đình ông lãm vào tình cảnh mất nơi ở. Đến khi nghe tin cải chính làng của ông là làng kháng chiến thì ông vô cùng sung sướng, ông đi khoe cái nhà của ông bị đốt hết trong niềm tự hào, sung sướng. Vậy đó, với cốt chuyện thật đơn giản, ít nhân vật, tuy nhiên lại có sự đỉnh điểm rồi cởi nút rất dễ dàng.

        Truyện ngắn Làng bao hàm một giá trị nội dung vô cùng sâu sắc. Ông Hai là một con người vô cùng yêu làng quê của mình. Khi nghe tin làng theo giặc, ông tỏ thái độ vô cùng bất ngờ, đau đớn. Từ lúc đó trở đi, ông không ra khỏi nhà, gia đình ông im lặng và tràn đầy nỗi buồn, nó như một nấm mồ chôn sống tất cả tâm tư, tình cảm của những con người sống trong đó. Nhà văn Kim Lân thật tài tình khi xây dựng tình huống truyện để bộc lộ nội tâm nhân vật. Điều này được thể hiện rất rõ qua đoạn ông Hai trò chuyện với thằng con út đã thể hiện tình yêu làng sâu sắc, gắn bó tình yêu nước, niềm tin vào cách mạng. Đến một đứa trẻ bé tuổi như con út ông không có lí gì lại không tin vào việc cái làng Chợ Dầu là làng kháng chiến, tất cả nhân dân trong làng đều đồng lòng chống Pháp. Mặc dù ông ở xa cái làng quê yêu dấu của mình nhưng ông vẫn luôn trông ngóng tin tức và dõi mắt theo công cuộc kháng chiến của cả làng. Câu chuyện đang lúc lên cao trào như vậy mà Kim Lân đã có cách mở nút câu chuyện hết sức đơn giản, nhẹ nhàng. Rằng ông nghe tin cải chính từ ông chủ tịch. Khỏi phải nói ông vui mừng cỡ nào, ông lại đi khoe với mọi người thái độ vội vàng, lời nói tràn đầy cảm xúc, có phần nào ông vỗ về kháng chiến, toàn sai sự mục đích cả. Tất cả đã bộc lộ nội tâm một cách tự nhiên phù hợp với tâm trạng của ông lúc đó. Qua đây tác giả muốn nêu lên một lớp nghĩa nữa, lớp nghĩa này bao hàm lên cả tình yêu làng quê đó chính là tình yêu đất nước vô bờ bến.

        Tinh thần quyết chiến quyết thắng khi đất nước bị giặc xâm lăng và muốn nói lên rằng người dân cần phải tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước ta, tin vào công cuộc cách mạng của nhân dân ta. Cùng đoàn kết với mong đuổi được giặc xâm lược ra khỏi đất nước. Để có được nội dung câu chuyện sâu sắc đến vậy, tác giả Kim Lân cũng tạo ra những biện pháp nghệ thuật vô cùng đặc sắc như: độc thoại, ngôi kể, điểm nhìn của người kể, những mâu thuẫn nội tâm, đối thoại, miêu tả dáng người để từ đó bộc lộ tình cảm…

        Nếu được phép đặt tên lại cho tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân thì em xin được đặt đó là Tình yêu quê hương để từ đó muốn nói lên tình yêu của nhân dân ta với quê hương nói riêng và với Tổ quốc nói chung là mãi mãi vĩnh cửu, không bao giờ đổi thay.

Thuyết minh về một tác phẩm tự sự đã học trong chương trình Ngữ văn 9- Mẫu 3

Trong học kì một, em đã được học nhiều tác phẩm tự sự đặc sắc. Một trong số các tác phẩm đó đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với em mà ngay khi đọc tác phẩm, em đã cảm thấy thật sự xúc động về tình cảm cha con, đó là tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Chiếc lựợc ngà của Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu trong việc thể hiện tình cảm cha con.

       Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, ông đã tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Truyện ngắn Chiếc lược ngà kể về tình cảm cha con thiêng liêng giữa ông Sáu và bé Thu, khi ông Sáu mất ông đã trao cho ông Ba chiếc lược ngà. Ông Ba đã hứa rằng sẽ trao tận tay chiếc lược cho cô con gái của ông Sáu. Trên đường cùng đoàn cán bộ đi công tác, ông Ba được một cô gái giao liên rất trẻ dẫn đường. Đó là là tuyến đường bọn địch lùng quét rất gắt gao. Hành lí và tư trang của ông chỉ có một vài tài liệu và kỉ vật của một người bạn ông. Đó là chiếc lược ngà để trao tận tay cô con gái. Cô gái giao liên đó chính là bé Thu – con của ông Sáu.

       Khi trao lược cho bé Thu, ông Ba nhớ lại chuyện cũ đã xảy ra: hôm đó ông Sáu và ông Ba trở về thăm quê sau tám năm xa cách. Ngay từ xa, ông Sáu đã nhận ra đứa con gái mà ngày ngày ông đều mong muốn được gặp mặt. Tưởng rằng đứa con gái sẽ niềm nở vui vẻ đón cha nó nhưng ngược lại nó không nhận ra cha nó và nó đối xử rất lạnh lùng với ông Sáu. Trong một tình huống bất ngờ, do quá tức giận nên ông Sáu đã đánh vào mông bé Thu – con ông. Chính cái đánh này đã khiến ông Sáu phải hối hận. Khi mà bé Thu nhận ra cha cũng chính là lúc ông Sáu phải về chỗ tập kết. Chính đoạn này tình cảm cha con bộc lộ mãnh liệt nhất. Khi về nơi tập kết ông Sáu đã dồn tất cả tình yêu thương vào việc làm chiếc lược ngà. Nhưng chưa kịp trao cây lược cho đứa con thì ông đã hi sinh. Qua việc xây dựng cốt truyện chặt chẽ kết hợp với những yếu tố bất ngờ hợp lí, lựa chọn ngôi kể rất thích hợp (do ông Ba làm người chứng kiến tất cả kể lại câu chuyện),… khiến sự việc trở nên đáng tin cậy, có sức thuyết phục rất cao. Trong truyện, chiếc lược ngà trở thành kỉ vật thiêng liêng có ý nghĩa kết nối các nhân vật trong tác phẩm, vừa là biểu hiện của người cha đối với con vừa là biểu hiện tình cảm cha con sâu nặng. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật đặc sắc, tinh tế. Bằng các nghệ thuật trên, tác giả đã diễn tả một cách cảm động tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng trong tình cảnh éo le của chiến tranh, của cha con ông Sáu. Qua đó khẳng định tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc.

       Sông có thể chảy mãi, dòng chảy hôm qua khác dòng chảy hôm nay. Nhưng những gì là nhân văn thì mãi ở lại. Và Chiếc lựợc ngà của Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu trong việc thể hiện tình cảm cha con, mãi ở lại trong trái tim người đọc.

Thuyết minh về một tác phẩm tự sự đã học trong chương trình Ngữ văn 9- Mẫu 4

Tác giả Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều là chủ đề lớn trong chương trình văn học phổ thông. Nguyễn Du là một tác giả lớn, là thi hào của dân tộc. Truyện Kiều là kiệt tác văn học có một không hai của dân tộc ta và cả thế giới.

Tác giả Nguyễn Du (1765 — 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo lớn của dân tộc, được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Du sinh trưởng trong một thời đại có nhiều biến động dữ dội, xã hội phong kiến Việt Nam khủng hoảng sâu sắc, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra liên tục. Đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã “Một phen thay đổi sơn”. Nhưng triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, triều Nguyễn lên thay. Những thay đổi kinh thiên động địa ấy tác động mạnh mẽ tới nhận thức và tình cảm của Nguyễn Du để ông hướng ngòi bút của mình vào hiện thực, vào “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong cuộc đời.

Gia đình Nguyễn Du là gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống văn chương. Cha là Nguyễn Nghiễm, từng làm đến chức tể tướng. Mẹ là một phụ nữ hiền hậu, thuộc nhiều ca dao, dân ca. Anh trai là Nguyễn Khản cũng làm đến chức thượng thư. Có thể nói, gia thế của Nguyễn Du thuộc hàng tôn quý bậc nhất thiên hạ, đời sống cũng vinh hoa không ai sánh bằng. nguyễn Du nhiều lần tho cha vào triều, chơi đùa và học tập cùng công chúa và hoàng tử. Thế nhưng, thời cuộc đổi thay, gia đình ông cũng bị sa sút dần rồi rơi vào loạn ly khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra.

Cuộc đời Nguyễn Du sớm gánh chịu nỗi đau thương, mất mát. Nhà thơ mồ côi cha năm 9 tuổi, mồ côi mẹ năm 12 tuổi. Lớn lên, làm quan, rồi chạy loạn, sống ẩn dật, sau lại ra làm quan triều Nguyễn. Khi cao sang tột bực, lúc cơ hàn cùng cực. Hoàn cảnh đó cũng tác động lớn tới cuộc đời và tính cách của Nguyễn Du.

Nguyễn Du có năng khiếu văn học bẩm sinh, ham học hỏi, có hiểu biết sâu rộng và từng trải, có vốn sống phong phú với nhiều năm lưu lạc, tiếp xúc với nhiều cảnh đời khổ, nhiều con người và số phận khác nhau. Ông từng đi sứ sang Trung Quốc, qua nhiều vùng đất Trung Hoa rộng lớn với nền văn hoá rực rỡ. Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng tới sáng tác của nhà thơ.

Nguyễn Du là con người có trái tim giàu lòng yêu thương. Chính nhà thơ đã từng viết trong Truyện Kiều “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mộng Liên Đường Chủ Nhân trong lời Tựa Truyện Kiều cũng đề cao tấm lòng của Nguyễn Du với con người, với cuộc đời: “Lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy khiến ai đọc đến cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột…”. Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy.

Về sự nghiệp văn học, Nguyễn Du sáng tác nhiều tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm. Ông có 3 tập thơ chữ Hán gồm 243 bài. Tác phẩm chữ Nôm có Văn chiêu hồn. Xuất sắc nhất là Đoạn trường tân thanh thường gọi là Truyện Kiều.

Nhiều nghiên cứu đã cho rằng Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác vào thế kỷ XIX (1805-1809). Tác phẩm có 2 tên: Một tên chữ Hán và một tên chữ nôm. Tên chữ Hán là “Đoạn trường tân thanh” (tiếng kêu mới về nỗi đau thương đứt một: bộc lộ chủ đề tác phẩm (tiếng kêu cứu cho số phận người phụ nữ). Tên chữ nôm là Truyện Kiều: Tên nhân vật chính – Thuý Kiều (do nhân dân đặt).

Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du có dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tuy nhiên, phần sáng tạo của Nguyễn Du là hết sức lớn, mang ý nghĩa quyết định thành công của tác phẩm.

Từ câu chuyện tình ở Trung Quốc đời Minh, bằng tài năng và tấm lòng, Nguyễn Du đã biến thành một khúc ca đau lòng thương người bạc mệnh. truyện Kiều khẳng định mạnh mẽ tài năng và tấm lòng nhân đạo của thiên tài nguyễn Du với những giá trị vượt xa Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Từ tiểu thuyết chương hồi, Nguyễn Du chuyển thể câu chuyện văn xuôi thành thơ lục bát, thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc gồm 3254 câu. Nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả thiên nhiên, đặc biệt bút pháp tả cảnh ngụ tình đạt đến bậc tuyệt hảo, khó ai sánh bằng. Ngôn ngữ Truyện Kiều đạt tới đỉnh cao chói lọi của ngôn ngữ nghệ thuật.

Vương Thuý Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, con gái đầu lòng một gia đình trung lưu lương thiện, sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che” bên cạnh cha mẹ và hai em là Thuý Vân, Vương Quan. Trong buổi du xuân nhân tiết Thanh minh, Kiều gặp chàng Kim Trọng “phong tư tài mạo tót vời”. Giữa hai người chớm nở một mối tình đẹp. Kim Trọng dọn đến ờ trọ cạnh nhà Thuý Kiều. Nhân trả chiếc thoa rơi, Kim Trọng gặp Kiều bày tỏ tâm tình. Hai người chủ động, tự do đính ước với nhau.

Trong khi kim Trọng về Liêu Dương chịu tang chú, gia đình Kiều bị mắc oan. Kiều nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng còn nàng thì bán mình chuộc cha. Nàng bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, đẩy vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh – một khách làng chơi hào phóng – cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Nhưng rồi nàng lại bị vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư ghen tuông, đầy đọa. Kiều phải trốn đến nương nhờ nơi cửa Phật. Sư Giác Duyên vô tình gửi nàng cho Bạc Bà – một kẻ buôn người như Tú Bà, nên Kiều lần thứ hai rơi vào lầu xanh. Tại đây, nàng gặp Từ Hải, một anh hùng đội trời đạp đất. Từ Hải lấy Kiều, giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị giết. Kiều phải hầu đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến rồi bị ép gả cho viên thổ quan. Đau đớn, tủi nhục, nàng trẫm mình xuống sông Tiền Đường. Thế nhưng, nàng lại được sư Giác Duyên một lần nữa cứu vớt, lần thứ hai Kiều nương nhờ cửa Phật.

Sau nửa năm về chịu tang chú, Kim Trọng trở lại tìm Kiều. Hay tin gia đình Kiều gặp tai biến và nàng phải bán mình chuộc cha, chàng vô cùng đau đớn. Tuy kết duyên với Thuý Vân nhưng chàng vẫn không thể quên mối tình đầu say đắm. Chàng quyết cất công lặn lội đi tìm Kiều. Nhờ gặp được sư Giác Duyên mà Kim, Kiều tìm được nhau, gia đình đoàn tụ. Chiều theo ý mọi người, Thuý Kiều nối lại duyên cũ với Kim Trọng nhưng cả hai cùng nguyện ước “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

Truyện Kiều phản ánh bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị và thế lực hắc ám chà đạp lên quyền sống của con người. Bọn quan lại hủ bại, dối trời hại dân. Viên quan xử kiện vụ án Vương Ông vì tiền chứ không vì lẽ phải. Quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến là kẻ bất tài, nham hiểm, bỉ ổi và trâng tráo. Các thế lực hắc ám tha hồ hoành hành gây biết bao tội ác. Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… là những kẻ táng tận lương tâm. Vì tiền, chúng sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và số phận con người lương thiện.

Truyện Kiều phơi bày nỗi khổ đau cùng cực của những con người bị áp bức, đặc biệt là người phụ nữ. Vương Ông bị mắc oan, cha con bị đánh đập dã man, gia đình tan nát. Đạm Tiên, Thuý Kiều là những người phụ nữ đẹp, tài năng, vậy mà kẻ thì chết trẻ, người thì đọa đày, lưu lạc suốt 15 năm.

Truyện Kiều là tiếng kêu thương của những người lương thiện bị áp bức, bị đọa đày. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du bộc lộ niềm thương cảm sâu sắc trước những khổ đau của con người. Ông xót thương cho Thuý Kiều – một người con gái tài sắc mà lâm vào cảnh bị đọa đày “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” hết sức nhục nhã.

Truyện Kiều là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất cao đẹp của con người như nhan sắc, tài hoa, trí dũng, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, vị tha… Ông trân trọng đề cao vẻ đẹp, ước mơ và khát khao chân chính của con người như về tình yêu, hạnh phúc, công lý, tự do… Nhà thơ còn tố cáo các thế lực bạo tàn đã chà đạp lên quyền sống của những con người lương thiện, khiến họ khổ sở, điêu đứng.

Phải là người giàu lòng yêu thương, biết trân trọng và đặt niềm tin vào con người Nguyễn Du mới sáng tạo nên Truyện Kiều với giá trị nhân đạo lớn lao như thế.

Truyện Kiều được coi là đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Du. Về ngôn ngữ, là ngôn ngữ văn học hết sức giàu và đẹp, đạt đến đỉnh cao ngôn ngữ nghệ thuật. Tiếng Việt trong Truyện Kiều không chỉ có chức năng biểu đạt (phản ánh), biểu cảm (bộc lộ cảm xúc) mà còn có chức năng thẩm mĩ (vẻ đẹp của ngôn từ).

Tác phẩm rất thành công ở thể loại tự sự, có nhiều cách tân sáng tạo, phát triển vượt bậc trong ngôn ngữ thơ và thể thơ truyền thống. Ngôn ngữ kể chuyện có 3 hình thức: trực tiếp (lời nhân vật), gián tiếp (lời tác giả), nửa trực tiếp (lời tác giả mang suy nghĩ, giọng điệu nhân vật). Nhân vật trong truyện xuất hiện với cả con người hành động và con người cảm nghĩ, có biểu hiện bên ngoài và thế giới bên trong sâu thẳm.

Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc hoạ nhân vật qua phương thức tự sự, miêu tả chỉ bằng vài nét chấm phá mỗi nhân vật trong Truyện Kiều hiện lên như một chân dung sống động. Cách xây dựng nhân vật chính diện thường được xây dựng theo lối lý tưởng hoá, được miêu tả bằng những biện pháp ước lệ, nhưng rất sinh động. Nhân vật phản diện của Nguyễn Du chủ yếu được khắc họa theo lối hiện thực hoá, bằng bút pháp tả thực, cụ thể và rất hiện thực (miêu tả qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động… của nhân vật).

Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên đa dạng, bên cạnh bức tranh thiên nhiên chân thực sinh động (Cảnh ngày xuân), có những bức tranh tả cảnh ngụ tình đặc sắc (Kiều ở lầu Ngưng Bích).

Truyện Kiều đã phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, khi mà chế độ phong kiến đang suy thoái đã bộc lộ đầy đủ tính chất mục nát, vô nhân, và các tầng lớp nhân dân đã bị dồn đến bước đường cùng…Khi viết, tuy có dựa vào Kim Vân Kiều truyện, nhưng với kỳ công tái tạo, Truyện Kiều của nhà thơ đã trở thành viên ngọc vô giá của thể loại truyện thơ nói riêng và của nền văn học dân tộc Việt nói chung. Ở đây hội tụ sự thành công của điệu thơ lục bát, của nghệ thuật ngôn ngữ, của các biện pháp tu từ, v.v…Dù tác phẩm còn bị hạn chế bởi tư tưởng định mệnh, nhưng nhìn chung Truyện Kiều vẫn là di sản quý báu của nền văn học Việt Nam…

Tác giả Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều mãi mãi là niềm tự hào lớn lao của dân tộc ta. Đặc biệt truyện Kiều, với những giá trị vượt trội, tác phẩm đi sâu vào quần chúng nhân dân, trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người Việt từ bao đời nay.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách thuyết minh về một tác phẩm tự sự đã học trong chương trình Ngữ văn 9 hay nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!