Updated at: 05-05-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Phân tích Cây lúa trong đời sống người Việt Nam” chuẩn nhất 11/2024.

Phân tích Cây lúa trong đời sống người Việt Nam- Mẫu 1

       Cây lúa đã từ lâu gắn bó với người dân Việt Nam. Nó không chỉ tượng trưng cho một nền nông nghiệp, một nền văn minh lúa nước phát triển mà nó còn là hiện thân tinh thần trong đời sống của người dân Việt Nam.

       Có lẽ đi khắp Việt Nam, nơi đâu ta cũng có thể bắt gặp những cánh đồng lúa rộng bát ngát. Từ những cánh đồng lúa ven châu thổ sông Hồng, ngày ngày được phù sa bồi đắp cho đến những ruộng lúa hình bậc thang, tạo thành một vòng cung xanh mướt. Mỗi vùng lại trồng một giống lúa khác nhau, có những giống lúa rất độc đáo như lúa nổi, lúa trời… cho thấy sự phong phú của đồng đất quê hương.

       Lúa là cây lương thực chính của Việt Nam. Từ xa xưa đã có truyền thuyết Bánh chưng, Bánh giầy kể về chàng Lang Liêu được thần báo mộng, đem gạo ra làm hai loại bánh có tên là bánh chưng, bánh giầy để biếu vua cha. Giữa biết bao sơn hào hải vị, hai thứ bánh dân dã đó đã được chọn để cúng trời đất như muốn tôn vinh giá trị của hạt gạo, giá trị của cây lúa trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến là giá trị về vật chất. Từ biết bao nhiêu năm nay, cây lúa được coi là nguồn lương thực chính. Nhờ có hạt gạo, nhờ có cây lúa mà Việt Nam không những đã đáp ứng đầy đủ vấn đề lương thực trong nước mà còn là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Không chỉ có vậy, cây lúa còn cung cấp hạt gạo để chế biến ra nhiều món ăn nổi tiếng, đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Từ bánh chưng, bánh giầy cho đến sợi bún, cơm lam… tất cả đều được làm từ hạt gạo dẻo bùi. Chúng ta ăn một miếng bánh chưng hay một bát bún nhưng dường như đã gói trọn tất cả hương thơm, vị dẻo bùi của hạt gạo.

       Cây lúa không chỉ góp phần xây dựng đời sống của người dân Việt Nam mà còn mang một ý nghĩa tinh thần hết sức to lớn. Nhắc đến cây lúa là nhắc đến những món ăn thơm thảo dùng để cúng tổ tiên. Câu chuyện của Lang Liêu lấy gạo làm bánh đã trở thành một phong tục đẹp của người dân Việt Nam. Mỗi dịp Tết, lễ đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhà nào cũng phải có một cặp bánh chưng như thể muốn dâng lên tổ tiên tất cả tinh hoa của trời đất, của thiên nhiên trong từng hạt gạo trắng ngần. Quả thực, cây lúa đã xây dựng nên một nền ẩm thực đặc sắc của Việt Nam. Nếu như mùa xuân đã có bánh chưng, bánh giầy thì đến mùa hạ, người ta lại được thưởng thức vị dẻo bùi của hạt gạo, vị thơm ngon của bún trong bát bún riêu cua. Mùa thu đến nhắc người ta nhớ tới một món quà đặc biệt, đó là cốm. Ăn chuối chấm cốm làm ta được tận hưởng vị ngọt ngào của trái cây xen lẫn hương thơm của những hạt cốm ấp ủ trong chiếc lá sen. Đến mùa đông, một bát xôi nóng làm ta quên đi cái lạnh giá của thời tiết. Cây lúa không chỉ xây dựng nên một nền ẩm thực phong phú mà nó còn là tượng trưng của một nền văn minh lúa nước lâu đời. Cây lúa còn là một đề tài sáng tác, đã đi vào biết bao lời ru, câu hát…

       Suốt mấy chục năm qua, cây lúa đã gắn liền với đời sống vật chất cũng như góp phần làm đẹp thêm giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đất nước ta đang tiến dần đến công nghiệp hoá nhưng đừng quên những cánh đồng lúa rộng lớn mênh mông, những cánh đồng đi suốt cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam.

Phân tích Cây lúa trong đời sống người Việt Nam- Mẫu 2

Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 50% số dân làm nghề nông. Chính vì thế, cây lúa là một loài cây quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Nó phục vụ chủ yếu cho nhu cầu lương thực trong nước, ngoài ra còn để xuất khẩu ra nước ngoài. Sản lượng xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đã đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Vì thế, cây lúa đã góp phần quan trọng trong việc phát triển đất nước.

        Đối với mỗi chúng ta, cây lúa đã trở nên quen thuộc. Cây lúa thân nhỏ, có lớp vỏ bên ngoài bao quanh còn bên trong là thân rất bé nhưng khỏe. Mỗi cây có khoảng năm, sáu lá có màu xanh, nhọn, có một lớp mỏng hơi ráp. Mỗi cây có một bông lúa với rất nhiều hạt. Mỗi khi lúa lên đòng, mùi sữa trong các hạt lúa ấy toả ra thơm nhè nhẹ. Cây lúa cũng như người Việt Nam, luôn đoàn kết lẫn nhau: mỗi cây lúa ở trong một khóm lúa, mỗi khóm lúa trong một ruộng lúa, ruộng lúa trong một cánh đồng cùng che chở cho nhau. Nếu như nói Cây Lúa là loài cây quan trọng nhất trong đời sống Việt Nam thì cũng không sai. Cây lúa là cây lương thực chủ yếu của Việt Nam. Chính cây lương thực này đã làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Ngoài ra, lúa gạo cũng để làm nguyên liệu chế biến ra những món ăn vừa dân dã vừa đậm đà hương vị dân tộc như bánh chưng, cốm, xôi hoặc các loại bánh… ở nông thôn, người ta còn tận dụng vỏ trấu để đốt hoặc sử dụng trong các lò ấp trứng. Còn cám thì lại để dùng cho gia súc ăn, rất tiện mà hơn thế cám còn giúp cho gia súc tăng trưởng tốt. Còn rơm rạ lại là chất đốt hàng ngày trong cuộc sống ở nông thôn. Nếu quay trở lại ngày xưa, ta còn thấy cha ông ta lợp nhà bằng rơm. Trong xã hội phát triển như bây giờ, những ngôi nhà lợp rơm hầu như không còn nữa. Thế nhưng, những chiếc chổi làm bằng rơm thì vần còn tồn tại vì nó rất tiện sử dụng. Ngoài ra, rơm cũng là thành phần quan trọng trong việc trồng nấm, giúp nấm phát triển nhanh. Nói chung, xét trên phương diện vật chất, cây lúa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người Việt Nam.

Cây lúa cũng là một loài cây có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Cây lúa tượng trưng cho nền văn minh lúa nước không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á. Cây lúa là biểu tượng cho sự no ấm, đầy đủ. Không chỉ thế, cây lúa còn là nguyên liệu để làm ra các món ăn ngon, các món ăn để cúng lễ tổ tiên vào dịp lễ Tết như bánh chưng, xôi, bánh giầy… Chính điều này đã tạo ra một nền văn hoá ẩm thực đặc sắc của Việt Nam với các món ăn đầy ý nghĩa như bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh giầy tượng trưng cho trời. Đó là điều khiến cây lúa gắn với con người Việt Nam về vật chất cũng như tinh thần từ bao đời nay.

        Cây lúa đã trở thành một người bạn gần gũi, thân quen với mọi người dân Việt Nam. Con người Việt Nam nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng đều coi trọng cây lúa và những sản phẩm mà nó đem lại. Chắc chắn rằng, cây lúa sẽ luôn tồn tại và gắn bó với con người Việt Nam từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Phân tích vai trò của Cây lúa trong đời sống người Việt Nam- Mẫu 3

Trong số những loại cây trồng thì lúa là loại cây rất gắn bó với người nông dân Việt Nam. Lúa được trồng khắp nơi ở đất nước ta, trên những cánh đồng rộng bạt ngàn. Từ hàng ngàn năm nay, cây lúa là nguồn sống, cũng là người bạn tâm giao của người nông dân. Lúa mang lại cho ta nhiều lợi ích và có nhiều vai trò trong đời sống người Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, tình cảm của người Việt.

Lúa là loại cây thân cỏ. Thân lúa ngắn, chỉ dài khoảng năm mươi hay sáu mươi centimet. Lá lúa dài, cong. Khi đang thời con gái, cây có lá xanh mướt, tràn trề sức sống. Từ trên đê mà nhìn xuống cánh đồng, ta sẽ thấy mát cả tầm mắt. Còn khi lúa chín, lá lúa vàng, từng bông lúa uốn trĩu vì nặng, đợi người nông dân đến gặt mang về. Thân và lá lúa làm cho ta cảm giác lúa rất mảnh dẻ, yếu đuối. Lúa được trồng khắp nơi trên đất nước ta. Không chỉ ở đồng bằng, ở miền núi còn có lúa nương, những ruộng bậc thang trồng lúa trên các sườn núi. ở nơi đất quá chua, người ta phải khử chua thì mới có thể trồng lúa được. Khi trồng lúa, ta phải lưu ý, cung cấp đủ nước cho lúa nhưng cũng không thể để úng làm lúa chết. Vì vậy mà hệ thống thuỷ lợi ra đời. Những nhà máy, những trạm bơm nước đặt gần những con sông lớn. Nước sẽ đi qua mương, qua nhiều rãnh nhỏ quanh ruộng vào tưới cho lúa. Có thể nhiều người chưa biết rằng có rất nhiều giống lúa mới, năng suất cao phục vụ cho bà con nông dân.

Tuy phải trồng trọt, chăm sóc vất vả nhưng cây lúa không phụ công người. Nó có vai trò rất quan trọng trong đời sống vật chất của người Việt Nam. Tất cả chúng ta đều sống bằng nguồn lương thực chính là cơm, gạo. Thật không thể tưởng tượng đời sống chúng ta sẽ ra sao khi không có cây lúa. Rồi những tấm bánh, những thứ quà quê ngon lành, gắn bó với người Việt Nam được làm từ gạo của cây lúa, nào là bánh gai, bánh cuốn… những chiếc bánh vô cùng thân thuộc của dân tộc. Đặc biệt bánh chưng, bánh giầy, những thức bánh có ý nghĩa quan trọng, để cúng trong dịp lễ Tết cũng có thành phần chính từ gạo. Lúa thật vô cùng quan trọng. Không chỉ có thóc, gạo, những phần khác của cây lúa cũng có nhiểu lợi ích. Trong gian bếp nhà quê, lúc nào chẳng có một đống vỏ trấu. Đó là chất đốt rất tốt giúp cho việc nấu bếp của người nông dân. Ngoài ra, do giữ nhiệt rất tốt, đảm bảo nhiệt độ nên vỏ trấu còn dùng để ấp trứng, làm cho trứng nở. Lúa còn cung cấp cám là thức ăn cần thiết trong chăn nuôi. Lợn, gà… đều lấy cám làm thức ăn. Thân, lá lúa sau khi gặt được phơi khô thành rơm, rạ. Rơm, rạ là chất đốt, lợp nhà. Sau khi ủ, nó cũng có thể làm phân bón tự nhiên tốt cho cây trồng. Khi nghề trồng nấm phát triển thì rơm càng có công dụng to lớn dùng để nuôi nấm. Lúa cung cấp cho chúng ta từ món ăn đến nguyên liệu làm kinh tế. Lúa thật không thể thiếu với người Việt Nam ta.

Không chỉ có vai trò về kinh tế mà quan trọng hơn còn là ý nghĩa của lúa đối với đời sống tinh thần tình cảm của người dân. Trải qua bao nhiêu thời kì lịch sử, cây lúa vẫn gắn bó khăng khít với người Việt Nam. Nó là người bạn của chúng ta trong suốt quá trình dựng và giữ nước. Lúa đã trở thành biểu tượng của người nông dân. Để cúng trời, đất, cúng ông bà, tổ tiên, ta đều dùng những thực phẩm của lúa như bánh chưng, bánh giầy. Ta đã dâng lên cha ông mình sản vật quý nhất: cây lúa. Và cả những món ăn dân tộc đặc sắc như cốm hay các thức bánh đều từ lúa mà ra. Những thức ăn đó mang đậm hương vị cánh đồng, làng quê Việt Nam, gợi ta nhớ đến quê hương. Nó cũng là niềm tự hào của chúng ta đối với các bạn bè quốc tế. Du khách đến Việt Nam mà không thưởng thức các món ăn như bánh, bún, phở… thì chưa là đến Việt Nam, chưa hiểu đặc sắc văn hoá Việt Nam. Chính cây lúa đã tạo nên nét đặc sắc đó, đặc sắc của ẩm thực dân tộc.

Người dân Việt Nam từ bao đời nay luôn coi cây lúa là bạn. Chúng luôn cùng sống với chúng ta như lúc cùng người nông làm việc hay xuất hiện trong mỗi bữa ăn, mỗi dịp lễ, Tết. Cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cây lúa luôn bên cạnh người Việt Nam. Vai trò của lúa là vô cùng to lớn. Đi đâu xa quê, xa đất. nước, mỗi khi nghĩ về cây lúa, trong chúng ta lại dâng lên một cảm giác nhớ quê hương. Cây lúa chính là biểu trưng của con người và đất nước Việt Nam.

Phân tích vai trò của Cây lúa trong đời sống người Việt Nam- Mẫu 4

Đối với người Việt Nam, lúa gạo là lương thực thiết yếu, không thể thiếu cho cuộc sống hàng ngày. Nếu như với người phương Tây, lương thực chính là lúa mì thì đối với người Việt Nam, lúa gạo là thứ không thể thiếu trong mâm cơm hàng ngày. Cây lúa đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Cây lúa cung cấp lương thực cho con người. Lúa cho thóc, gạo dùng làm cơm trong các bữa ăn hàng ngày. Từ gạo người ta cũng có thể làm ra được các loại bánh như bánh chưng, bánh giầy, bánh nếp,… Từ gạo người ta cũng làm ra bún, phở… Một món ăn rất ngon, một thức quà đặc biệt làm từ lúa non, đó là cốm. Những hạt cốm xanh non, thơm mùi lúa là thức quà thanh nhã. Cây lúa khi đã lấy hết những hạt thóc, còn lại thân và lá, người ta đem phơi khô làm thành rơm, rạ. Rơm làm thức ăn cho trâu, bò; làm chất đốt, để lợp nhà,… Rơm ủ mục làm phân bón cho ruộng đồng. Từ rơm, người ta cũng có thể trồng nấm rơm hay để làm chổi, đan, tết lại để làm mũ. Trong thời kì chiến tranh ngày trước, người dân thường rất quý chiếc mũ rơm, vừa che nắng, che mưa, lại có thể dùng để ngụy trang, tránh được bom đạn. vỏ trấu có thể dùng làm chất đốt hay để ấp trứng. Cám gạo còn là thức ăn chủ yếu cho gia súc. Cây lúa có rất nhiều công dụng, từ thân đến lá, thóc, gạo đều có thể sử dụng.

Cây lúa không chỉ là yếu tố không thể thiếu trong đời sống vật chất mà trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, lúa cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cây lúa là biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Trước kia Việt Nam là một nước thuần nông, cây lúa nước đóng vai trò chính trong nền kinh tế. Trong thời kì trước đổi mới, ở các hợp tác xã luôn có phong trào trồng lúa giỏi, đạt năng suất cao, những cánh đồng năm tấn đã tạo nên không khí thi đua nhộn nhịp. Cây lúa cho ta những món ăn thơm thảo để dâng lên ông bà tổ tiên. Thời xa xưa, Lang Liêu làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên vua Hùng. Ngày nay, trong dịp Tết cổ truyền, trên mâm cỗ cúng tổ tiên cũng không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy. Trong các dịp lễ, Tết, xôi là món ăn rất phổ biến. Gạo nếp nấu cùng với một loại ngũ cốc khác làm thành những món xôi rất ngon: xôi đỗ, xôi lạc… Cây lúa cũng tạo nên nền văn hoá ẩm thực đa dạng và phong phú của nước ta. Nào cốm làng Vòng, phở, các loại xôi,… Hình ảnh cánh đồng lúa rộng bát ngát đã đi vào các bài thơ, bài hát, cũng như đã trở thành đề tài sáng tạo đầy hứng thú cho các nghệ sĩ. Chắc hẳn bạn nhỏ nào cũng biết bài hát Em đi giữa biển vàng. Hình ảnh cánh đồng lúa rộng thẳng cánh cò bay, xa xa là luỹ tre làng đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam, thân thuộc, bình dị. Hạt gạo cũng đi vào bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Trong lời ru của mẹ cũng có hình ảnh cánh đồng với con cò bay lả bay la.

Cây lúa có vai trò rất quan trọng trong đời sống người Việt Nam. Với cây lúa, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Ngày nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng cây lúa vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Cây lúa vẫn mãi mãi gắn bó với người dân Việt Nam.

Phân tích vai trò của Cây lúa trong đời sống người Việt Nam- Mẫu 5

Người Việt Nam coi lúa gạo là lương thực chính. Trong bữa ăn của ngựời Việt không thể thiếu bát cơm gạo dẻo thơm. Ăn một bát cơm mà như thấy cả vị ngọt của quê hương. Bởi vậy, có thể nói cây lúa không chỉ có giá trị về vật chất mà lúa còn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt Nam.

         Cây lúa có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, từ đồng bằng màu mỡ đến những vùng núi cao trập trùng, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của lúa. Thử bóc một hạt lúa, ta sẽ thấy ngay hạt gạo trắng ngần bên trong. Những hạt gạo trắng trẻo, tinh khiết khiến ta liên tưởng tới hình ảnh những cô thôn nữ dịu dàng. Hình ảnh những cô thiếu nữ còn được dùng để chỉ lúa khi hãy còn xanh. Lúa đương thì con gái xanh mơn mởn, màu xanh tươi trẻ, màu xanh báo hiệu một vụ mùa bội thu. Trong những ngày ấy, nếu bạn có dịp đi qua ruộng lúa, bạn sẽ cảm nhận được hương vị ngọt ngào rất đặc trưng của lúa, một mùi thơm thoang thoảng, không quá nồng nàn mà xiết bao gợi nhớ. Vẻ đẹp, mùi thơm của lúa chỉ giản dị, mộc mạc như người dân quê. Có lẽ vì vậy mà cây lúa gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam.

         Lúa gắn bó với người dân quê đất Việt cũng bởi lúa mang lại giá trị vật chất to lớn. Nước ta là đất nước nông nghiệp, mà nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu lại dựa vào cây lúa. Lúa cung cấp lương thực cho người Việt Nam. Từ hạt gạo, ta có thể làm ra biết bao nhiêu món ăn ngon, bổ như cơm trắng, hay các loại bánh: bánh chưng, bánh giầy, bánh nếp, bánh tẻ, bánh phở… Những món ăn không nơi đâu có được, những món ăn mang đậm hương vị đồng đất quê nhà khiến những người con xa quê luôn bồi hồi nhớ về, khiến những vị du khách nước ngoài ăn một lần rồi nhớ mãi không quên. Ngày xưa, khi đất nước ta còn dưới ách ngoại xâm, được ăn một bát cơm trắng là niềm mơ ước của mỗi người. Còn ngày nay, không những đã tự cung cấp đủ ăn mà nước ta còn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Với công nghệ hiện đại, giờ đây việc gặt lúa, tuốt lúa cũng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều. Các bác nông dân không còn phải vất vả nữa mà mỗi năm lại có thể trồng được những hai, ba vụ lúa thay vì một vụ như trước. Trong những ngày nông nhàn, những người nông dân có thể dùng rơm rạ bện chổi bán lấy tiền để tăng thu nhập. Rơm còn được dùng để ủ nấm làm thành món nấm rơm rất ngon lại bổ nên được các bà nội trợ ưa thích. Chưa hết, rơm còn được dùng để lợp mái nhà che nắng, che mưa. Đâu chỉ có thế, rơm còn được dùng làm thức ăn cho trâu bò, còn thóc để nấu cám cho lợn ăn. Ngoài ra, người nông dân còn tận dụng rơm làm thành những cái ổ rất êm ái cho gà ấp trứng. Vậy đấy, từ một cây lúa nhỏ bé mà đem lại cho ta biết bao lợi ích, ta phải biết ơn cây lúa nhiều lắm.

         Như đã nói, lúa không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà nó còn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống người Việt Nam. Từ ngàn xưa, cây lúa đã là một biểu trưng cho nền văn minh lúa nước. Sự tích Bánh chưng, Bánh giầy từ thuở Hùng Vương dựng nước vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, nhà nhà lại sửa soạn làm hai món bánh thơm thảo dâng lên tổ tiên. Dù đó chỉ là món ăn đơn giản nhưng lại mang nặng lòng biết ơn, hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên mình. Ngày xuân thì có bánh chưng, bánh giầy, còn mùa thu với Tết Trung thu cũng không thể thiếu một món ăn làm từ lúa, đó chính là cốm –  một thức quà của lúa non (Thạch Lam). Cốm được gói trong lá sen nên vừa mang hương thơm của lúa non vừa ướp đượm hương sen quê nhà, tạo nên một hương vị rất đặc trưng. Hơn thế nữa, cây lúa còn đi vào thơ văn, ca dao và cả trong tiếng hát của người dân Việt Nam. Trong những ngày hội mùa, cây lúa được đặc biệt tôn vinh, đây là cách để người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với lúa, bởi lúa đã đồng hành cùng người dân Việt Nam suốt bao thế kỉ qua.

         Cây lúa đã đi vào lòng người Việt Nam như một phần không thể thiếu từ bao đời nay. Cây lúa đem lại những lợi ích kinh tế và cả những giá trị vô giá về tinh thần. Có thể coi lúa là biểu trưng cho tinh thần người Việt Nam không ngại khó, ngại khổ, bởi lúa có thể sinh trưởng tốt ở khắp nơi, từ những miền đất trù phú tốt tươi đến cả miền đồi núi đất nghèo. Chính vì lúa gắn bó với người Việt Nam như vậy nên ta lại càng phải biết trân trọng, giữ gìn và tiếp tục phát huy nền văn minh lúa nước lâu đời.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Phân tích vai trò của Cây lúa trong đời sống người Việt Nam” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 11/2024!