Updated at: 19-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “nêu lên Cảm nhận đoạn thơ sau trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ : Em Cu Tai …nằm trên lưng” chuẩn nhất 04/2024.

Cảm nhận đoạn thơ sau trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ : Em Cu Tai …nằm trên lưng- Mẫu 1

Đây là khúc hát ru thứ hai trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Hai câu thơ sau ba lần vang lên trong bài thơ; điệp khúc ấy là tiếng vỗ về yêu thương em Cu Tai:

“Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi !

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Người mẹ Tà-ôi vừa địu con, vừa làm rẫy tỉa bắp. Núi Ka-lưi hùng vĩ thuộc dãy Trường Sơn, ở miền Tây hai tỉnh Trị – Thiên. Một so sánh tương phản: “lưng núi thì to”, “lưng mẹ thì nhỏ” nhằm ca ngợi đức tính cần cù, tần tảo, đảm đang của người mẹ nghèo, người dân tộc:

“Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”.

Mẹ vất vả tỉa bắp nuôi con để phục vụ kháng chiến. Tình thương của mẹ bao la : “Mẹ thương A-kay, mẹ thương làng đói”. Như một lời nhắc khẽ vỗ về. Như một tiếng nói hồn hậu, cảm thông: “Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”…

“Mặt trời” là một hình ảnh được nói đến nhiều trong ca dao, dân ca, trong thi ca dân tộc. Ở đây, Nguyễn Khoa Điềm đã so sánh, ẩn dụ sáng tạo qua cặp câu thơ song hành để nói lên một liên tưởng đẹp, giàu ý nghĩa thẩm mỹ:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng ”

“Mặt trời của bắp” là mặt trời của thiên nhiên vĩnh hằng, đem ánh sáng và sự sống cho muôn loài, đem lại sự tốt tươi cho lúa, ngô, khoai… Từ mặt trời vũ trụ, nhà thơ liên tưởng đến “mặt trời của mẹ”, đó là em Cu Tai. Em là con yêu, là hạnh phúc, niềm tự hào của mẹ. Em là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, niềm tự hào của mẹ. Ca ngợi lòng mẹ, tình thương con của mẹ, câu thơ Nguyễn Khoa Điềm bình dị mà thấm thía biết bao! Đứa con là “mặt trời của mẹ”, một ẩn dụ rất sáng tạo làm rung động lòng người:

“Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng ”

Cảm nhận đoạn thơ sau trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ : Em Cu Tai …nằm trên lưng- Mẫu 2

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” vào năm 1971 tại chiến trường Trị – Thiên thời đánh Mĩ. Bài thơ viết theo điệu ru con của người dân tộc Tà-ôi, qua đó ca ngợi tình thương con bao la, tình yêu nước sâu nặng của người phụ nữ miền núi trên dãy Trường Sơn.

Hai câu thơ đầu cất lên như vỗ về em Cu Tai:

“Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”.

Những câu thơ tiếp theo gợi lên hình ảnh bà mẹ hiền tần tảo, đảm đang, vừa địu con vừa giã gạo. Việc làm của mẹ thật cao cả: “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội”. Tình mẹ thương con mênh mông. Gối con thơ là vai gầy của mẹ. Nôi con nằm là lưng mẹ. Và tim mẹ đang cất lên lời ru tiếng hát. Nhịp chày nghiêng, mồ hôi mẹ, vai, lưng và trái tim là những chi tiết nghệ thuật thể hiện một cách sâu sắc và cảm động tình thương con của người mẹ nghèo:

“Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tìm hát thành lời:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội”.

Câu thơ “Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội” thể hiện một cách tuyệt đẹp tình thương con chan hòa với tình yêu nước dào dạt trong trái tim bà mẹ Tà-ôi. Mỗi hạt gạo mẹ giã trắng ngần để nuôi quân đều mang nặng tình non nước.

Niềm hi vọng của mẹ cháy bỏng tâm hồn. Mẹ mong có nhiều gạo trắng thơm để nuôi bộ đội đánh giặc. Mẹ mơ ước con thơ sẽ lớn lên mang tầm vóc dũng sĩ “vung chày lún sân” như người anh hùng trong trường ca:

“Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân”.

Khúc ru thứ hai cho biết người mẹ vừa địu con vừa phát rẫy tỉa bắp. Núi Ka-lưi trên dãy Trường Sơn, ngọn núi hùng vĩ thuộc miền tây Trị Thiên. Câu thơ “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ” là một cách nói tương phản để khẳng định và ngợi ca đức tính cần cù, tinh thần kiên nhẫn, đảm đang của người phụ nữ miền núi trong lao động sản xuất.

Hình ảnh “Mặt Trời” trong vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm mang ý nghĩa sâu sắc. “Mặt Trời của bắp” là mặt trời của thiên nhiên đem lại sự sống cho muôn loài, tạo vật. “Mặt Trời của mẹ” là em Cu Tai đang nằm ngủ trên lưng mẹ, đang lớn lên trong tình yêu thương và hi vọng của mẹ. Câu thơ đăng đối, hình ảnh tượng trưng rất sáng tạo và biểu cảm:

“Mặt Trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt Trời của mẹ, em nằm trên lưng”.

Lời thơ và tiếng ru cứ ngân dài trong không gian và theo dòng chảy thời gian năm tháng. Sâu nặng biết bao tình mẫu tử:

“Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi!”.

Hình ảnh bà mẹ Tà-ôi mang tầm vóc chiến sĩ, rất trung hậu được chúng ta kính trọng và ngưỡng mộ, đã để lại một dấu son trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Cảm nhận đoạn thơ sau trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ : Em Cu Tai …nằm trên lưng- Mẫu 3

Những bài thơ viết về hình ảnh người phụ nữ đều đẹp đẽ lạ thường. Và đặc biệt, những vần thơ viết về người mẹ trong ngày chiến trận lại càng đẹp đẽ, càng đáng trân trọng biết bao. “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là một bài thơ như thế, Nguyễn Khoa Điềm bằng những cảm nhận đầy chân thực và trái tim thiết tha đã sáng tạo nên khúc trữ tình thấm đẫm lòng yêu thương của mẹ dành cho đứa con thân yêu. Điều đó được thể hiện rõ lời ru đầy thắm thiết:

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”

Cũng như bao người mẹ khác, trái tim yêu thương mẹ dành hết tất cả cho con. Người mẹ Tà-ôi dù yêu con, dù con còn nhỏ nhưng vì công việc, vì cuộc sống mẹ vẫn phải địu con lên rẫy làm nương. Nặng nhọc trong công việc, tỉa bắp giữa núi đồi với cái nắng gay gắt mẹ vẫn không quản ngại, luôn bên em, luôn cất lời ru ngọt ngào cho em giấc ngủ an lành, mẹ mong em ngoan, đừng làm mẹ mỏi để mẹ tập trung cho công việc của mình. Mẹ và em đồng hành cùng nhau, dù trong đêm tối, dù giã gạo hay ra chiến trường, dù trong cày cấy ruộng nương, mẹ vẫn có em bên cạnh, mẹ cùng em làm việc:

“Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ”

Công việc của mẹ đâu chỉ dành riêng cho gia đình mình, mà còn là cho làng đói, cho tiền tuyến xa xôi, mẹ tăng gia sản xuất cho kháng chiến đang trong cơn gấp gáp. Tấm lòng mẹ thật cao cả, lớn lao. Tấm lưng gầy guộc của mẹ gánh trên mình bao trách nhiệm với làng, với nước qua bao nỗi vất vả nhọc nhằn.

“Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”

Hình ảnh đối lập giữa lưng núi và lưng mẹ đã làm nổi bật sự nhỏ bé của mẹ và em giữa núi rừng mênh mông, càng tô đậm thêm sự gian khổ hi sinh lớn lao của mẹ Tà-ôi. Lưng núi bao la như vậy vẫn làm sao sánh được với sự tần tảo trên tấm lưng gầy của mẹ, thiên nhiên dường như cũng phải cảm phục trước tấm lòng bao la của mẹ.

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”

Bằng hình ảnh ẩn dụ, tác giả đã thể hiện tình cảm quá đỗi sâu sắc của mẹ dành cho em. Nếu mặt trời của bắp là mặt trời của thiên nhiên, của vũ trụ mà tạo hoá đã ban tặng cho con người. Mặt trời ấy sáng soi, là nguồn ánh sáng mang lại sự sống và phát triển cho vạn vật, cho muôn loài. Thì với mẹ, mặt trời chính là em, là món quà tuyệt diệu gần gũi đang ngủ ngoan trên lưng mẹ. Em chính là mặt trời ấm áp, sưởi ấm trái tim, cho mẹ sức mạnh để tiếp tục cố gắng, chiến đấu và làm việc. Là niềm tin của mẹ trong cuộc sống đầy gian khổ, là tương lai tươi sáng mẹ mong đợi và hy vọng nơi em. Vì con, dẫu có mệt nhọc hay khốn khó mẹ vẫn vững lòng, mặt trời của bắp và mặt trời của mẹ, mặt trời của cách mạng đều là những nguồn sáng yêu thương gửi gắm nơi trái tim người mẹ Tà- ôi. Đó là một tình thương con mãnh liệt, tình yêu làng tha thiết và tình yêu Tổ quốc mặn nồng của người mẹ miền núi.

Lời ru của mẹ thật nhẹ nhàng, quá đỗi dịu dàng và mộc mạc nhưng chứa đựng bao tình cảm lớn lao. Qua đó, tác giả đã thể hiện được hình ảnh người mẹ Tà ôi nói riêng và người phụ nữ Việt nam nói chung, những con người chịu thương chịu khó, yêu thương con thiết tha.

Đoạn thơ như một nốt nhạc ngọt ngào ngợi ca lòng mẹ, ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, ngợi ca những người mẹ anh hùng. Nhắc nhở mỗi người hãy ghi sâu vào trái tim, ghi dấu vào lòng mình niềm biết ơn và kính yêu tới người mẹ hiền tần tảo.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “nêu lên Cảm nhận đoạn thơ sau trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ : Em Cu Tai …nằm trên lưng” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!