Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “nêu Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy : Từ hồi về thành phố …cho ta giật mình” chuẩn nhất 09/2024.
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy : Từ hồi về thành phố …cho ta giật mình- Mẫu 1
Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn thơ, bước đầu nêu nhận xét, đánh giá về đoạn thơ.
Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
Hình ảnh vầng trăng cùng cảm xúc nhà thơ:
Sống ở thành phố hiện đại nhiều tiện nghi vật chất “ánh điện, cửa gương”, ngỡ như không còn chỗ cho vầng trăng tình nghĩa một thời của người lính: “vầng trăng đi qua ngõ như người dưng qua đường”.
Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng trong tình huống đặc biệt gây ấn tượng mạnh: “đột ngột Vầng trăng tròn”. Chính lúc “phòng buynh đinh tối om”, nhà thơ mới nhận ra vẻ đẹp đích thực của vầng trăng tròn mà lâu nay sống với “ánh điện cửa gương” đã quên mất.
Cảm xúc thiết tha có phần thành kính ở tư thế im lặng: “Ngửa mặt lên nhìn mặt / có cái gi rưng rưng”.
Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên tươi mát, là người bạn tri kỉ suốt thời tuổi nhỏ, rồi thời chiến tranh ở rừng, vầng trăng xuất hiện làm ùa dậy trong tâm trí con người bao kỉ niệm của những năm tháng gian lao, bao hình ảnh của thiên nhiên đất nước bình dị hiền hậu: “như là đồng là bể / như là sông là rừng”.
Khổ cuối đoạn thơ là nơi tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm: ‘‘Trăng cứ tròn vành vạnh” như tượng trưng quá khứ đẹp đẽ vẹn nguyên chẳng thể phai mờ, “ánh trăng im phăng phắc’’ chính là người bạn – nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ (và cả mỗi chúng ta): con người có thể vô tình, có thể lãng quôn nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn trĩnh và bất diệt.
Từ một câu chuyện riêng, đoạn thơ cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ tình cảm đối với những năm tháng quá khứ, gian lao, tình nghĩa đối với thiên nhiên đất nước bình dị và hiền hậu.
Ý nghĩa đoạn thơ nằm trong mạch trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể, có khi trầm lắng, biểu hiện suy tư, giọng điệu tâm tình tự nhiên như một lời tự nhắc nhở, đồng thời cũng là một sự chia sẻ, gợi nhắc với mọi người. Giọng điệu có lúc rưng rưng xúc động của sự ăn năn hối hận, có lúc nghiêm trang của lời tự phán xét trong lòng tác giả. Kết câu, giọng điệu của đoạn thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo nên tính chất thực sức truyền cảm sâu sắc gây ấn tượng mạnh cho ngươi đọc.
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy : Từ hồi về thành phố …cho ta giật mình- Mẫu 2
Hình ảnh vầng trăng từ xưa đến nay luôn gần gũi, gắn bó với con người Việt Nam. Trăng rằm tháng tám, trăng tròn vành vạnh mỗi ngày rằm… ánh trăng chiếu sáng từ nhà ra ngõ… Cũng chính bởi sự gần gũi như vậy mà đây là hình ảnh đi vào những tác phẩm văn học của các thi sĩ như một nguồn cảm hứng đặc biệt. Nguyễn Duy cũng tìm thấy nguồn cảm hứng thi ca qua hình ảnh vầng trăng với một thi phẩm đặc sắc “Ánh trăng”. Bài thơ là thông điệp, triết lí mà tác giả muốn gửi gắm. Điều này được thể hiện rõ nhất qua bốn khổ thơ cuối bài.
Nếu ở khổ thơ thứ nhất, vầng trăng nghĩa tình trọn vẹn với quá khứ thủy chung, gắn bó cùng con người thì đến khổ thơ thứ hai, vầng trăng ở hiện tại đã làm thay đổi mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình:
” Từ ngày lên thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”
Khi đất nước hòa bình, khi hoàn cảnh sống của con người thay đổi, đó là lúc suy nghĩ của con người cũng thay đổi. Khi được sống hòa mình với ánh điện, cửa gương, với những tiện nghi đủ đầy, xa rời với thiên nhiên, vầng trăng lúc này như người dưng qua đường, xa lạ không quen biết. Vầng trăng xưa kia đã trở thành dĩ vãng, đã trở thành những hoài niệm trôi vào quên lãng của con người. Vầng trăng vẫn thế, vẫn vẹn nguyên nghĩa tình, không thay đổi nhưng con người giờ đây đã đổi thay. Con người đã dửng dưng, lạnh nhạt đến vô tình với quá khứ nghĩa tình.
Mạch cảm xúc của nhân vật thay đổi khi xuất hiện một tình huống bất ngờ:
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn – đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”
Một hoàn cảnh bất ngờ, con người khẩn trương, vội vàng bật tung cửa sổ. Người và trăng gặp gỡ nhau. Và mạch cảm xúc tiếp tục được thể hiện ở những câu thơ tiếp theo:
” Ngẩng mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng”
Mặt đối mặt, ở đây ta hiểu mặt chính là mặt trăng và mặt người. Cả hai cùng đối diện với nhau. Con người lúc này có cảm xúc rưng rưng, như tất cả quá khứ ùa về. Đó là sự thức tỉnh sau những quên lãng của quá khứ nghĩa tình. Đối diện với vầng trăng, con người nhận ra sự thờ ơ, vô cảm của mình bấy lâu nay, tất cả quá khứ chợt ùa về trong xúc cảm rất đỗi thân thương. Vầng trăng vẫn ở đây, vẫn vẹn nguyên:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
Vầng trăng vẫn như vậy nhưng “im phăng phắc” đủ khiến cho những sai lầm, những sự vô cảm của con người phải thức tỉnh, đủ để khiến con người ta giật mình. Đó là sự thức tỉnh đúng lúc, thức tỉnh về nhân cách, về lối sống.
Bốn đoạn thơ cuối nói riêng hay cả bài thơ nói chung chính là những xúc cảm rất đỗi chân thực về những thông điệp mà Nguyễn Duy muốn gửi gắm đến với độc giả. Mượn hình ảnh vầng trăng để nói lên cách sống, lối sống, suy nghĩ của một bộ phận con người trong xã hội hiện đại, thờ ơ, vô cảm với xung quanh, với quá khứ và hiện tại.
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy : Từ hồi về thành phố …cho ta giật mình- Mẫu 3
Trăng có lẽ là hình ảnh thơ xuất hiện nhiều nhất, thường xuyên nhất trong các tác phẩm của các thi nhân xưa và nay. Trăng là hình ảnh bình dị mà quen thuộc, gần gũi, lãng mạn mà trữ tình. Hình ảnh vầng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” là tình yêu đôi lứa tha thiết, trong thơ Hồ Chí Minh “trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” là tình yêu thiên nhiên nồng nàn, … nhưng phải đến thơ Nguyễn Duy, người ta mới thấy một hình ảnh về trăng khác lạ nhất. Đó là hình ảnh ánh trăng với triết lý sâu sắc của cuộc đời mỗi người “uống nước nhớ nguồn”. Triết lý ấy thể hiện rất rõ qua ba khổ thơ cuối của bài thơ:
” Từ hồi về thành phố
…
đủ cho ta giật mình”
Nếu ai đã từng biết tới Nguyễn Duy thì hẳn không quên được những tác phẩm đặc sắc của ông như Đò Lèn, Tre Việt Nam, … Chúng đều là những tác phẩm thấm đẫm cái hồn của ca dao, tục ngữ, của những áng văn thơ dân gian Việt Nam. Bởi thơ ông không đi tìm những điều mới lạ như Xuân Diệu mà lại đi tìm lại, khai thác sâu thêm những cái nền nã, cái vốn có tình nghĩa lâu đời của người Việt. Chính thế, người ta mới được biết tới Ánh trăng. Một vầng trăng tri kỉ của con người, một vầng trăng tình nghĩa bao năm tháng và một vầng trăng thức tỉnh cái lương tâm ta. Tác phẩm là lời nói thức tỉnh mỗi con người chúng ta, đừng bao giờ vì những thứ hào nhoáng, mới mẻ mà quên đi quá khứ của mình.
Mở đầu những trang thơ, người ta thấy xuất hiện trong thơ Nguyễn Duy một vầng trăng sáng tỏa. Vầng trăng ấy chứa chan những kí ức của tuổi thơ, của những ngày gian khổ chiến tranh:
“Hồi nhỏ sống ở đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
Vầng trăng ấy trong thơ Nguyễn Duy trải rộng ra trong không gian mênh mông của tuổi thơ. Tuổi thơ hồn nhiên bên những dòng sông và biển lớn và cả bên vầng trăng nữa. Rồi khi đi lính, vầng trăng lại dõi theo chân ông, trở thành người bạn đường hành quân, trong những lần đứng gác. Đó là vầng trăng tri kỉ của Nguyễn Duy, cũng là vầng trăng tri kỉ của con người, của chúng ta. Bởi mỗi chúng ta sống và lớn lên đều có những kí ức bên vầng trăng yêu quý ấy.
Thế nhưng, khi từ rừng, từ sông trở về đời thường, bước chân vào một hoàn cảnh sống mới mẻ, tâm hồn của người lính qua chiến tranh, của cậu bé hồn nhiên ngày nào dường như đã đổi khác. Chính Nguyễn Duy cũng nhận ra cái thay đổi ấy trong suy tư của mình:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Ông nhận ra rằng, từ khi bước chân đến một cuộc sống mới, một cuộc sống hòa bình như mong đợi, nơi có ánh điện chiếu sáng, có cửa gương hào nhoáng, đẹp đẽ, những điều đó khiến ông quen thuộc dần. Để rồi, một ngày ông phát hiện ra vầng trăng trôi lơ lửng qua mình chỉ như một người dưng qua đường vội vã, chẳng lưu lại chút tình nghĩa gì. Thời gian có lẽ là thứ vô tình nhất trên thế gian này. Nó cuốn phăng đi tất cả quá khứ, tuổi thơ, tất cả chỉ như một cơn lốc, cuốn ào đi trong nháy mắt, chẳng còn lại gì cả. Có chăng, chỉ còn chút tình cảm vấn vương còn lưu lại trong tâm trí những con người một thời đã sống bên nhau. Thế nhưng, con người – Nguyễn Duy lại chẳng kháng cự lại cái sự thay đổi trong tâm trí của mình. Ông cứ mặc nhiên coi sự thay đổi đó là tự nhiên, tất yếu. Ông quen với những hào nhoáng, xa hoa của phố thị “ánh điện, cửa gương”. Và trong chính cái xa hoa ấy, người lính đã quên đi những năm tháng “chiến tranh ở rừng”, quên đi “hồi nhỏ sống ở đồng”, quên đi vầng trăng tri kỉ năm nào của mình ngày xưa. Đối với ông, giờ đây, vầng trăng ấy – người tri kỉ ấy đi qua có chăng chỉ là một người dưng qua ngõ, không quen, không biết mà thôi. Có một phép nhân hóa Nguyễn Duy đã dùng ở đây, vầng trăng kia chính là con người, là một người bạn thân thuộc của ông. Đọc câu thơ mà chúng ta không khỏi rưng rưng, vầng trăng tình nghĩa, tri kỉ ngày xưa sao lại chỉ “như một người dưng qua đường”? Phải chăng, những ồn ào nơi phố thị, những xô bồ nơi đây, những lo toan vật chất tầm thường đã cuốn đi, kéo con người ra khỏi những giá trị tinh thần vô giá, những kí ức tuổi thơ, những kỉ niệm ngày lính? Hay phải chăng là cái vô tâm vốn có của con người lấn át lý trí họ, khiến họ là kẻ phản bội, quay lưng lại với quá khứ của chính mình? Con người khi được sống trong đầy đủ, xa hoa của vật chất, lại thường hay quên đi những giá trị tinh thần, những giá trị cốt lõi, nền tảng của cuộc sống.
Thế nhưng, một tình huống thật bất ngờ đã xảy đến với người lính, buộc ông phải đối mặt với vầng trăng – với người bạn năm nào của mình:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
Giữa cái xa hoa đầy đủ vật chất kia, người lính đã quen được bao bọc trong ánh điện sáng chói, đột nhiên hôm nay, ông phải đối diện với một sự kiện bất ngờ, một thực tại tối tăm. Bởi dòng sông cuộc đời cứ uốn lượn chảy mãi nhưng sẽ có lúc nó sẽ bắt gặp một biến cố thật bất ngờ. “Thình lình, đột ngột” giữa trong cái thành thị lộng lẫy ánh đèn ấy, “phòng buyn-đinh tối om”. Người lính già “vội bật tung cửa sổ”, vội vã làm một hành động quen thuộc khi xưa để chợt nhận ra:
“đột ngột vầng trăng tròn”
Một vầng trăng tròn vành vạnh đang lơ lửng trên không trung ngắm nhìn xuống người bạn xưa của mình. “Đột ngột” – một sự thể thật bất ngờ, ngạc nhiên đến cực độ xảy ra trước mắt ông. Dường như người lính không hề tưởng tượng trước được rằng, vầng trăng tròn kia vẫn luôn ở đó, trước mắt ông, tồn tại trong cuộc sống của ông.
Còn vầng trăng sáng ngoài kia, dường như chẳng biết người lính ấy đã lãng quên mất mình để rồi nó luôn ở đó chờ đợi người bạn tri kỉ của mình. “Người bạn” vầng trăng ấy không hề một câu oán trách, thở than rằng người lính đã bỏ rơi nó mà chỉ khoan dung, vị tha, dịu dàng ngắm nhìn người bạn đã lâu không gặp gỡ. Có chăng, nó đã tha thứ, đã khoan dung trước lỗi lầm của người xưa, để đón họ trở về, sẵn sàng bao dung, đón nhận lòng thành tâm sám hối của một con người.
Cuộc đời mỗi người là một dòng chảy bất tận. Bất cứ ở đâu, hoặc vì bất cứ điều gì cũng có thể làm ta bất chợt rơi vào hoàn cảnh tối tăm, mịt mù. Chẳng có ai hay bất cứ điều gì có thể sống mãi một cuộc đời yên ổn cả. Thế nhưng, sau mỗi thử thách bất ngờ ấy, ta mới nhận ra điều gì thực sự là quan trọng, là cái gắn bó với ta suốt đời. Và chắc chắn rằng, nó sẽ chẳng phải là những thứ hào nhoáng, xa hoa “ánh điện, của gương” kia mà nó là thứ ánh sáng vĩnh cửu, trường tồn “vầng trăng”.
Đến lúc này đây, những tâm tình, những cảm xúc từ lâu đã bị quên lãng, đã bị những “ánh điện” thành thị cuốn đi chợt ùa về trong lòng người lính. Ông chợt nhận ra, tuổi thơ đang ùa về, những kí ức về những năm tháng chiến tranh gian khổ cùng vầng trăng cũng ùa về thật nhanh trong ông, hiện lên trong ánh trăng vàng. Cảm xúc dồn nén bật ra thành từng giọt nước mắt “rưng rưng” trên khuôn mặt con người:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
Ngẩng mặt mình lên đối diện với vầng trăng, đối diện với “khuôn mặt” người bạn tri kỉ của mình, người lính mới chợt nhận ra: bao lâu nay, ông đã lãng quên những gì tình nghĩa nhất, tri kỉ nhất. Tác giả đã tinh tế khi đặt ở đây hình ảnh nhân hóa “mặt” trăng . Vầng trăng cũng là một con người, cũng có khuôn mặt, đôi mắt và đôi mắt, khuôn mặt ấy đang nhìn thẳng, đối diện vào người bạn của mình. Đối diện với khuôn mặt người xưa, Nguyễn Duy không khỏi “rưng rưng” dòng lệ. Bao kỉ niệm tuổi thơ bên cánh đồng, bên dòng sông, cửa bể, rồi những kí ức về cuộc sống ở rừng, tất cả như một cuốn phim chầm chậm đang ùa về, bao trùm lấy con người ông. Vầng trăng ấy đã gợi lại cho ông tất cả, nhắc nhở ông về quá khứ ngày xưa, quá khứ mà ông đã tạm lãng quên khi sống trong thành thị hào hoa này. Và giọt nước mắt ấy của người lính dường như đã khiến ông có được chút thanh thản, làm tâm hồn ông được sống lại thêm một lần nữa.
Vẻ đẹp trong tâm hồn con người, cái “tính bản thiện” luôn luôn tồn tại lặng lẽ trong mỗi chúng ta. Chẳng qua, sự lương thiện, vẻ đẹp ấy đang bị những thứ hào nhoáng che khuất tạm thời. Nó đang chờ đợi một ngày con người bừng tỉnh, thức giấc, đánh thức những vẻ đẹp còn giấu kín bên trong. Những lời thơ mộc mạc, chân thành của Nguyễn Duy thật đã cho ta những cảm xúc chân thật nhất, đi vào lòng người tự nhiên nhất.
Đến tận giờ đây, con người mới được vầng trăng thức tỉnh hoàn toàn:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.
Khổ thơ cuối thật hàm súc biết bao. Vầng trăng tròn trên cao cứ im lặng chiếu rọi tâm hồn của người bạn của mình. Vầng trăng mà Nguyễn Duy miêu tả “tròn vành vạnh” như cái vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn, không bao giờ suy suyển dù trải qua bao năm tháng thăng trầm. Ánh trăng ấy cứ ngắm nhìn người bạn, chỉ vậy thôi cũng khiến cho người lính “giật mình”. Đó là cái giật mình của sự bừng tỉnh, giật mình tự hỏi tại sao mình có thể quên lãng những ngày tháng đó? Ánh trăng như tấm gương chiếu rọi con người, để con người qua đó mà thức tỉnh lương tri của mình, để con người nhận ra rằng, họ có thể quên đi bất cứ điều gì nhưng không được quên đi quá khứ, quên đi những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, quên đi những năm tháng máu lửa và xương máu của dân tộc ta đã đổ xuống để có được tự do hôm nay.
Bằng lời thơ được viết như một câu chuyện kể, Nguyễn Duy đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về sự thức tỉnh lương tri của một người lính già qua hình ảnh vầng trăng – người bạn tri kỉ. Những ngôn từ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng, không hề bay bổng, nó đã giúp ghim sâu vào tâm trí người đọc một hình ảnh vầng trăng tròn vành vạnh mang đầy nghĩa tình, sống với con người ta trải qua bao năm tháng. Qua đó, nhà thơ muốn gửi gắm những điều quý giá rằng: con người phải luôn trân trọng quá khứ, trân trọng những gì đã có ngày hôm qua, không được phép quên lãng đi những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc.
Thể thơ thất ngôn, cách viết thơ liền mạch, không viết hoa đầu dòng cùng những hình ảnh nhân hóa, so sánh ấn tượng đã giúp Nguyễn Duy sáng tác ra một tác phẩm thật giàu ý nghĩa. Bài thơ là lời nhắc nhở thức tỉnh mỗi chúng ta, nếu có lỡ quên đi những gì quý giá, hãy thức tỉnh, tìm lại chứng, giữ gìn chúng, đừng để những hào nhoáng xung quanh lấp đầy, che khuất chúng. Và mỗi chúng ta đừng bao giờ quên đi đạo lý sâu sắc của đời người: “uống nước nhớ nguồn”.
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy : Từ hồi về thành phố …cho ta giật mình- Mẫu 4
Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Bước ra từ cuộc chiến, hồn thơ Nguyễn Duy lại đau đáu, trăn trở với những miền kí ức xa xưa và ân nghĩa trong kháng chiến thuở nào. Bài thơ “Ánh trăng” thể hiện một phần tâm sự như thế của nhà thơ. Đoạn thơ sau đây thể hiện rất rõ điều đó:
… Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Thình lình đèn diện tắt
phòng buyn – đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Ánh trăng – Nguyễn Duy – SGK Ngữ văn 9 tập 1, 2008)
Bài thơ ra đời khi đất nước đã đi qua những cuộc chiến tranh gian khó. Nhà thơ rời những chiến trường để về với hoà bình, về với ấm êm. Cứ ngỡ rằng cuộc đời từ nay chỉ có phố phường, đèn điện; những năm tháng cũ đã qua rồi, tất cả một đi không trở lại…
Từ những năm tháng tuổi thơ bươn trải nhọc nhằn gắn bó với đồng, yới sông rồi với bể cho đến những năm tháng chiến tranh gian khổ sống với rừng, bạo giờ trăng cũng gần gũi, thân thiết. Giữa con người với thiên nhiên, với trăng là mối quan hệ chung sống, quan hệ thâm tình khăng khít. Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao nên trăng hiện điện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của kí ức chan hoà tình nghĩa. Người ta cứ đinh ninh về sự bền chặt của mốì giao tình ấy, nhưng:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Cuộc sống hiện đại với ánh sáng chói loà của ánh điện, cửa gương đã làm lu mờ ánh sáng của vầng trăng. Tác giả đã tạo ra sự đối lập giữa hình ảnh vầng trăng tri kỉ, tình nghĩa trong quá khứ và vầng trăng “như người dưng qua đường” trong hiện tại. Sự đối lập này diễn tả những đổi thay trong tình cảm của con người. Thủa trước, ta hồn nhiên sống với đồng, với sông, với bể, với gian lao “ở rừng”, khi ấy trăng chan hoà tình nghĩa, thiên nhiên và con người gần gũi, hoà hợp. Bây giờ, thói quen cuộc sống phương tiện đủ đầy khiến ta không còn thấy trăng là tri kỉ, nghĩa tình nữa. Nhà thơ nói về trăng là để nói thế thái, nhân tình.
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại luôn có những bất trắc. Và chính trong những bất trắc ấy, ánh sáng của quá khứ, của ân tình lại bừng tỏ, là lúc người ta nhận thấy giá trị của quá khứ gian lao mà tình nghĩa, thiếu thốn mà đủ đầy:
Thình lình đèn diện tắt
phòng buyn – đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Đây là khổ thơ quan trọng trong câu tứ của toàn bài, là sự chuyển biến có ý nghĩa bước ngoặt của mạch cảm xúc, bộc lộ rõ chủ đề tư tưởng của bài thơ.
Không chỉ là sự thay thế đúng lúc của ánh trăng cho ánh điện, ở đây còn là sự thức tỉnh, bừng ngộ về ý nghĩa của những ngày tháng đã qua, của những cái bình dị của cuộc sống, của tự nhiên, là sức sống vượt ra ngoài không gian, thời gian của tri kỉ, nghĩa tình. Các từ “bật tung”, “đột ngột” diễn tả trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, bất ngờ. Có cái gì như thảng thốt, lo âu trong hình ảnh “vội bật tung cửa sổ”, vầng trăng tròn đâu phải khi “đèn điện tắt” mới có? Cũng như những tháng năm quá khứ, vẻ đẹp của đồng, sông, bể, rừng không hề mất đi. Chỉ có điều con người có nhận ra hay không mà thôi. Và thế là trong cái khoảnh khắc “thình lình” đối diện với trăng ấy, ân tình xưa “rưng rưng” sông dậy, thổn thức lòng người:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
“Ngửa mặt lên nhìn mặt” viết như vậy để hai gương mặt – hai người bạn cũ nhìn thẳng vào nhau, để tự hỏi nhau rằng còn nhớ nhau chăng, để những kỉ niệm xưa chợt vụt về trong kí ức, để làm se thắt lòng người vì những vô tình hờ hững của chính mình. Quả có vậy, đôi diện với trăng là đối diện với chính mình, với con người hiện tại và cả với con người trong quá khứ. Vầng trăng mang ý nghĩa biểu tượng. Mặt trăng đối diện với mặt người, mặt trăng cũng là mặt người, là quá khứ đang sáng trong thực tại, trăng là tri kỉ, ân tình xưa,…
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Vầng trăng đột ngột hiện ra với một vẻ đẹp ám ảnh lòng người. “Trăng cứ tròn vành vạnh”, thời điểm trăng tròn chính là vào ngày rằm hàng tháng. Câu thơ gợi đến vẻ đầy đặn, tròn trịa của vầng trăng và cũng là vẻ sáng tươi hiền dịu của thứ ánh sáng trong lành nhất vũ trụ. Đêm trăng tròn, trăng để khắp không gian tràn đi ánh sáng vàng dịu, sóng sánh như mật ngọt. Trăng như rải bạc trên mặt nước. Trăng như tưới sạch, làm đẹp, làm bóng lên những lùm cây. Trăng làm mặt người hớn hở vui cười. Và nói như nhà văn Nam Cao: trăng làm mọi thứ đẹp lên! Nhưng vẻ “tròn vành vạnh” của vầng trăng còn gợi đến một suy tưởng khác: vầng trăng còn tròn đầy “vành vạnh” nghĩa là trăng vẫn còn trọn vẹn những ân nghĩa xưa với những người lính năm nào. Và điều đáng quý, đáng nghĩ là trăng vẫn tròn ngay cả khi người đã “vô tình”: “Trăng cứ tròn vành vạnh / Kể chi người vô tình”.
Câu thơ gieo vào lòng người đọc một thoáng giật mình để rồi thấy ăn năn, day dứt. vầng trăng kia cũng giống như bao con người, bao kí ức đẹp đẽ dã đi qua đời ta. Những con người của quá khứ, những kí ức xa xưa… tất thảy vẫn còn nguyên tâ’m lòng thuỷ chung trọn vẹn Còn riêng ta, mới một chút phù hoa, danh lợi mà đã quên đi nhũng ân tình, những thề nguyền thiêng liêng xưa cũ. Và rồi, ta càng thấy day dứt, băn khoăn hơn bởi khoảng lặng mênh mang của vầng trăng tròn cao thượng: “Ánh trăng im phăng phắc / Đủ cho ta giật mình”.
“Ánh trăng im phăng phắc” để ngân mãi những dòng ánh sáng toả đi khắp nhân gian. Điều đó cũng có nghĩa trăng mãi bao dung, hiền từ và độ lượng. Cái đáng sợ là cái im lặng của kí ức. Ta đã quên đi quá khứ, ta đã có lỗi với người xưa để sống một cuộc đời ồn ào, náo nhiệt nhưng tất cả vẫn im lặng dõi theo ta với cái nhìn bao dung, rộng mở. Và chính bởi sự cao thượng ấy đã khiến ta ’’giật mình”. “Giật mình/ để nhận ra sự cao đẹp của người xưa. “Giật mình” để nhận ra phần hờ hững, lãng quên đáng chê trách của mình. “Giật mình” còn để biết nhìn lại mình cho đúng. Tiền tài danh lợi, đó chưa phải là điều quý giá nhát ở đời. phải biết sống có tình, có nghĩa, thuỷ chung trọn vẹn trước sau mới khiến lòng người sạch trong và thanh thản.
Không – dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật cầu kì, tinh xảo, đoạn thơ của Nguyễn Duy đi vào lòng người bởi sự giản dị của quy luật tình cảm rất con người. Đọc khổ thơ, người đọc thấy thâm thìa triết lí sâu xa mà nhà thơ đã gửi gắm. Phải biết sống đủ đầy, trọn vẹn với những ân tình xưa cũ để chúng ta được sống đủ đầy, thanh thản trong cuộc đời.
Bài thơ giống như một câu chuyện riêng, một câu chuyện ân tình giữa người với trăng. Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình tạo nên giọng điệu tâm tình cho cả bài thơ. Nhịp thơ nhịp nhàng theo lời kể tự nhiên của nhân vật trữ tình, nhưng cũng có khi ngân nga, tha thiết hay có khi trầm lắng, suy tư.
Kết luận
Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “nêu Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy : Từ hồi về thành phố …cho ta giật mình” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.
Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 09/2024!