Updated at: 07-05-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích” chuẩn nhất 04/2024.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 1

Thời nay, mọi người, nhất là thanh niên học sinh, thường coi nhẹ lý tưởng sống, vì thế họ không còn yêu thích những nhân vật như Paven Coocsaghin (nhân vật chính trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” – một cuốn sách gối đầu giường của thanh nhiên Việt Nam từ những năm 60 đến 80). Riêng tôi, tôi vẫn không thể không yêu thích và trân trọng những người như các anh, những người luôn sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để sống vì cộng đồng, xây dựng một cuộc sống chung ngày càng tốt đẹp hơn. Và tôi tin, trong thời buổi này vẫn còn rất nhiều bạn trẻ có niềm yêu thích giống như tôi.

Nguyễn Thành Long là một nhà văn mà tên tuổi đã trở thành quen thuộc với bạn đọc yêu thích truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Tôi yêu thích truyện ngắn của ông bắt đầu từ truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Truyện đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc và giúp tôi có những suy nghĩ chín chắn hơn trong cuộc sống. Nói đúng hơn, tôi yêu thích truyện ngắn này chính bởi tôi yêu thích nhân vật chính của truyện.

Câu chuyện có một cái tên rất đỗi trữ tình, trữ tình như chính mảnh đất Sa Pa luôn ẩn hiện trong mây mờ với những vạt rừng trắng muốt hoa mận, hồng tươi hoa đào. Nhân vật chính của truyện là anh thanh niên trông coi trạm khí tượng. Anh hai mươi bảy tuổi, nhận công tác được bốn năm, sống một mình giữa núi cao heo hút, nơi đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Tôi thán phục anh vô cùng. Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng anh vẫn rất yêu đời, vẫn say mê làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao. Biết làm chủ cuộc đời, biết lo toan sắp xếp cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định, anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách. Anh anh là người có nghị lực phi thường, anh đã vượt qua được tất cả, vượt qua được nỗi buồn của sự nhàm chán và sự cô đơn ở nơi heo hút ấy. Điều đáng sợ nhất là nỗi cô đơn. Anh thèm người, thèm khát một điều đời thường nhất, nhưng cũng là quan trọng nhất đối với mỗi người. Vì thế, mỗi khi có khách, anh vô cùng vui sướng. Khi gặp ông bác sĩ già và cô kĩ sư trẻ, niềm vui của anh khiến cho cô gái vô cùng xúc động.

Tôi yêu mến người thanh niên ấy không chỉ bởi anh đáng yêu trong cách sống mà còn bởi anh cả sự đáng yêu trong những điều anh nghĩ. Anh cô đơn “thèm tiếng người” nên nghĩ ra cách lấy cây gỗ chặn đường để được nói chuyện trong giây lát với những người đi đường. Điều ấy chẳng có gì là xấu, không có nỗi nhớ người, nhớ nhà như vậy thì anh không còn gần gũi với chúng ta nữa.

Công việc mà người thanh niên ấy cùng bao nhiêu đồng nghiệp của anh đang làm cao cả xiết bao. Họ đã hy sinh những khát vọng, những ham muốn cá nhân, chấp nhận mọi nỗi khổ cực, mà nỗi khổ cực khó vượt qua nhất là sự cô đơn, để mang đến những bản tin dự báo thời tiết. Sự hy sinh của các anh làm nên hạnh phúc và cuộc sống bình yên cho mọi người. Các anh đã đánh đổi hạnh phúc của cá nhân mình để làm giảm đi những bất trắc cho cuộc sống của tất cả chúng ta. Cao cả vậy nhưng anh vẫn rất khiêm tốn. Khi người hoạ sĩ già muốn vẽ anh, anh đã ngượng ngùng và anh muốn giới thiệu với hoạ sĩ những người đáng được vẽ hơn anh. Bởi còn nhiều ngọn núi cao hơn và những người thanh niên có lí tưởng sống cao đẹp như anh.

Anh thanh niên ấy đã để lại trong tôi một niềm cảm mến vô bờ. Tôi không thể không nghĩ về cuộc sống cô đơn mà các anh phải chịu đựng. Chính tình yêu con người, tình yêu cuộc sống đã khiến anh có đủ can đảm để bám lấy trạm khí tượng và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình với tinh thần trách nhiệm và niềm say mê công việc. Nhà văn đã xây dựng được một nhân vật vừa thật đời thường, vừa thật cao đẹp. Nội dung câu chuyện đơn giản, lại thể hiện một tư tưởng cũng không mấy hấp dẫn, song với những chi tiết nghệ thuật đặc sắc nhà văn dùng để xây dựng nhân vật người thanh niên, câu chuyện đã khiến người đọc thích thú và xúc động.

Những trang viết của nhà văn Nguyễn Thành Long về một trong những người làm nhiệm vụ trông coi trạm khí tượng trên núi cao đã để lại trong tôi nhưng tình cảm tốt đẹp. Tôi đã nhận ra rằng: yêu thương con người và sống thật tốt đẹp sẽ mang lại cho ta một cuộc sống vui vẻ và thật sự có ý nghĩa.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 2

Cuộc khám phá đầy hấp dẫn dưới đáy đại dương được miêu tả vô cùng chân thực qua văn bản “Bạch tuộc”. Đọc đoạn trích, em cảm thấy ấn tượng nhất với nhân vật Nê-mô. Có thể nói, đây là một vị thuyền trưởng vô cùng dũng cảm, kiên cường.

Khi phải đối diện với con bạch tuộc, Nê-mô hết sức tỉnh táo “bày bố trận địa”. Ông nhận thấy việc tấn công bằng súng đạn là vô ích nên đã đưa ra giải pháp tấn công bằng rìu. Trong giây phút giao chiến, vị thuyền trưởng cũng không hề tỏ ra run sợ, nao núng. Ông mạnh mẽ dùng rìu, chém đứt cái vòi khổng lồ. Chứng kiến cảnh một thủy thủ đứng trước mình bị bạch tuộc dùng vòi nhấc lên, Nê-mô nhanh chóng xông đến, tấn công và chặt ngay cái vòi của nó. Hay khoảnh khắc Nét Len gặp nguy hiểm, Nê-mô đã dũng cảm dùng lưỡi rìu cắm vào miệng con quái vật. Không dao động, không sợ hãi, thuyền trưởng Nê-mô luôn vững lòng đối mặt với mọi thử thách, khó khăn. Từ đây, ta thấy nhân vật này sáng ngời vẻ đẹp trí tuệ và sức mạnh.

Bên cạnh đó, Nê-mô còn là người giàu tình cảm. Ông vô cùng đau xót, buồn bã khi nghĩ đến chuyện “biển cả vừa nuốt mất một người đồng hương của mình”. Đó không chỉ là người đồng hương mà còn là bạn đồng hành, người thuyền viên đáng tin cậy của ông. Cảnh tượng ông đứng lặng người nhìn xuống đại dương bao la mà “ứa lệ” thật cô đơn, lẻ loi làm sao.

Nhân vật Nê-mô sẽ mãi để lại trong em sự ngưỡng mộ, cảm phục về tinh thần dũng cảm và tấm lòng nhân ái. Ông cũng giúp em nhận ra sức mạnh to lớn của việc đoàn kết. Nếu đứng trước thử thách chung, từng cá nhân chỉ chăm chăm hướng tới lợi ích riêng thì tập thể ấy rất dễ đi đến thất bại.

Qua nhân vật Nê-mô, em đã rút ra bài học ý nghĩa khi gặp các tình huống khó khăn: bình tĩnh, dũng cảm đối mặt. Đồng thời, việc tất cả cùng đồng lòng, đồng sức cũng trở nên cần thiết, đáng quý hơn bao giờ hết.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 3

Truyện cổ tích là những giấc mơ đẹp của người xưa. Đó là giấc mơ được tự do trong hôn nhân. Giấc mơ có cuộc sống vật chất đầy đủ, ấm no. Giấc mơ chiến thắng được bệnh tật. Giấc mơ chiến thắng được giặc ngoại xâm. Giấc mơ cái thiện chiến thắng cái ác. Niềm mơ ước lớn nhất của con người đó là: Mơ ước cái thiện thắng cái ác. Nhiều câu chuyện cổ tích thể hiện niềm mơ ước đó, tiêu biểu nhất là truyện “Thạch Sanh”. Trong truyện “Thạch Sanh” tiếng đàn là một chi tiết nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa.
Thiện là cái tốt. Ác là cái xấu. Từ xưa, con người đã phân biệt thiện và ác như phân biệt ánh sáng và bóng tối. Thiện và ác mâu thuẫn gay gắt, như nước với lửa. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái thiện và cái ác, người bình dân mơ ước: Cái thiện sẽ thắng cái ác. Trong truyện Thạch Sanh, Thạch Sanh đại diện cho cái thiện, Lí Thông dại diện cho cái ác.
Nhân vật Thạch Sanh rất gần gũi với đời thường, chàng được sinh trong một gia đình nông dân nghèo. Thạch Sanh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Chàng kiếm sống bằng nghề đốn củi. Trong con người bình thường của Thạch Sanh có chứa đựng những yếu tố khác thường, tác giả dân gian khẳng định chàng được Ngọc Hoàng đầu thai, vì thế mà mẹ chàng mang thai đến ba năm mới sinh được chàng. Lớn lên Thạch Sanh được các thiên thần dạy võ nghệ và phép thần thông. Là người tốt nhưng cuộc đời của chàng lại phải trải qua nhiều gian truân, thử thách. Khi gặp thử thách Thạch Sanh lại lập nên những chiến công lớn.
Thử thách thứ nhất Thạch Sanh đã vượt qua, đó là: Chàng bị Lí Thông, người hàng rượu xảo quyệt độc ác nghĩ kế kết nghĩa anh em với Thạch Sanh, rồi lừa đưa Thạch Sanh đi nộp mạng cho Chằn Tinh. Sự việc diễn ra không như suy tính của mẹ con Lí Thông, Thạch Sanh đã diệt được Chằn Tinh, trừ hại cho dân. Diệt được Chằn Tinh, chàng có được bộ cung tên bằng vàng. Mẹ con Lí Thông lại lập mưu cướp công của Thạch Sanh để được hưởng vinh hoa phú quý. Thạch Sanh quay về sống nơi gốc đa. Sau này, Thạch Sanh đã nhận ra được bản chất xấu xa của mẹ con Lí Thông nhưng chàng đã tha thứ cho họ. Điều đó khẳng định người tốt thường có tấm lòng nhân hậu và bao dung.
Thử thách lần thứ hai đối với chàng đó là Thạch Sanh đánh Đại Bàng cứu công chúa. Thạch Sanh dùng cung tên vàng làm vũ khí để bắn chim Đại Bàng cứu công chúa. Do tin người mà Thạch Sanh lại bị cướp công lần thứ hai. Sau khi cứu công chúa lên khỏi hang, Lí Thông cho người lấp cửa hang, Thạch Sanh bị nhốt lại dưới hang. Thật tàn nhẫn, bất nhân. Thật không công bằng khi một người làm mà kẻ khác được hưởng lợi. Nơi hang sâu, một lần nữa Thạch Sanh thể hiện dũng khí của mình. Chàng đã cứu được thái tử con vua Thủy Tề khỏi sự giam cầm của Đại Bàng. Thạch Sanh đúng là dũng sĩ tài năng. Chàng được vua Thủy Tề chiêu đãi và biếu tặng nhiều vàng bạc, châu báu. Chàng chỉ xin cây đàn rồi trở về gốc đa. Thạch Sanh đúng là con người thật thà, tài hoa, giàu lòng nhân ái, không tham bổng lộc.
Thử thách lần thứ ba Thạch Sanh đã vượt qua, chàng đã dùng tiếng đàn chữa bệnh cho công chúa Quỳnh Nga. Đang sống yên ổn, Thạch Sanh bị hồn Chằn Tinh, hồn Đại Bàng báo thù. Điều này làm ta liên tưởng đến cuộc sống đời thường đã từng có bao người dân lương thiện bị tai ương, bị vu oan. Chằn Tinh và Đại Bàng đã lấy trộm của cải của nhà vua đem giấu ở gốc đa rồi vu cáo cho Thạch Sanh. Người đời thường nói “Trong cái rủi lại có cái may”. Ở trong tù, Thạch Sanh mang đàn ra gảy. Công chúa đã nghe được tiếng đàn ai oán của Thạch Sanh. Tiếng đàn như tiếng nói chân chính của con người gặp oan trái đòi công lí. Phép màu nhiệm của tiếng đàn là đã khiến công chúa cười nói trở lại sau thời gian dài sống câm lặng:
“Đàn kêu: Ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém xà vương
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lí Thông mày
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: Sao ở bất nhân
Biết ăn quả lại quên ân người trồng?”.
Tiếng đàn kì diệu còn có thêm một phép màu nhiệm, đó là: Giãi bày nỗi oan trái của Thạch Sanh. Âm thanh đó đã lọt đến tai của đức vua, người có quyền lực cao nhất trong xã hội lúc bấy giờ. Đức vua đã mang lại sự công bằng cho Thạch Sanh, người trừng trị kẻ có tội.
Trong truyện cổ tích thường có sự xuất hiện của yếu tố hoang đường kì ảo, như: Bụt có phép lạ, tấm thảm biết bay, tiếng đàn chữa được bệnh, một loài cây có thể cải tử hoàn sinh. Người bình dân gửi niềm mong ước vào các yếu tố thần kì. Vì sao ngày xưa con người không đặt niềm tin vào pháp luật, không đặt niềm tin vào những người được xem là trụ cột trong gia đình mà lại đặt niềm tin vào các thế lực siêu nhiên?
Người bình dân có thân phận thấp bé. Trong cuộc sống, chân lí luôn thuộc về kẻ mạnh. Truyện cổ tích Tấm Cám kể lại sự việc cô Tấm bị mẹ kế hãm hại. Vua biết, nhưng ông không làm gì để giúp Tấm. Trong xã hội phong kiến vua là người có quyền lực cao nhất. Vua phải mang lại sự công bằng cho dân chúng. Vua trong truyện Tấm Cám không mang được sự công bằng đến cho mọi người, không trừng trị được kẻ có tội. Ở truyện “Thạch Sanh”, Lí Thông làm quan, là người có quyền hành nhưng tâm địa Lí Thông độc ác. Như vậy, vua quan có cũng như không. Trong gia đình, người mẹ, người anh được xem là trụ cột. Thế nhưng người mẹ kế, người anh cả lại đối xử không công bằng với chính những đứa con, những đứa em của mình. Thực tế cuộc sống quá nhiều bất công. Không thể đặt niềm tin vào những người thừa hành pháp luật. Không thể đặt niềm tin vào người thân. Vì vậy cho nên người bình dân đặt niềm tin của mình vào thần linh, vào các thế lực siêu nhiên. Người bình dân hi vọng thế lực siêu nhiên sẽ cứu giúp khi họ gặp khó khăn.
Nhờ cây đàn, món quà vô giá mà vua Thủy Tề ban tặng Thạch Sanh đã giãi bày được nỗi oan ức. Tiếng đàn Thạch Sanh là tiếng nói đòi công lí xã hội: “Cái thiện nhất định thắng cái ác”, “Ở hiền nhất định sẽ gặp lành.”, đó là ước mơ, là niềm tin lớn lao về sự công bằng của người dân lương thiện mỗi khi họ gặp nạn. Được kết hôn cùng công chúa, điều đó đã khẳng định đạo lí “Người làm việc nghĩa nhất định sẽ có ngày được đền ơn”. Còn Lí Thông “Gieo gió ắt sẽ gặt bão”. Được Thạch Sanh tha chết nhưng mẹ con Lí Thông về đến giữa đường bị sét đánh. Mẹ con Lí Thông chết hóa thành con bọ hung, loài côn trùng sống nơi nhơ bẩn. Đúng là trời không tha cho kẻ bất nhân. Điều này còn khẳng định thêm chân lí “Ác giả ác báo”. Con người tham lam, hèn nhác, độc ác, tàn nhẫn, xảo quyệt, bội bạc nhất định sẽ có ngày bị quả báo. Tôi tin vào công lí. Cuộc đời còn nhiều cái xấu nên con người cần phải có niềm tin. Vì có niềm tin mới giúp con người vượt qua được khó khăn.
Thạch Sanh thật thà, tốt bụng, dũng cảm, tài năng xứng đáng để nhà vua gả công chúa. Sự việc đó đã làm cho hoàng tử của các nước chư hầu tức giận. Thạch Sanh đã vượt qua thử thách này một cách kì diệu. Chàng đã chinh phục được các nước chư hầu bằng vũ khí kì lạ, đó là tiếng đàn. Dùng lời nói, dùng lí lẽ để thuyết phục kẻ thù, khiến kẻ thù từ bỏ vũ khí, đó cũng là niềm mong ước của người bình dân. Thạch Sanh đã thuyết phục được kẻ thù, bảo vệ được đất nước. Một lần nữa nhân cách Thạch Sanh tỏa sáng. Sau khi chiến thắng, chàng đã thết đãi những kẻ thua trận bằng niêu cơm kì diệu “Ăn mãi không vơi”. Sự việc đó khẳng định Thạch Sanh đúng là người giàu lòng nhân ái, là người tha thiết yêu hòa bình.
Thạch Sanh chính là biểu tượng tuyệt đẹp của con người Việt Nam trong lao động, trong chiến đấu, trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.
Cuộc sống hiện tại, không có cây đàn thần kì, không có niêu cơm ăn mãi không hết, chỉ có tiếng nói và sức lao động của con người. Tiếng nói, sức lao động của con người mới chính là những yếu tố thần kì làm nên điều kì diệu.
Tôi có theo dõi thông tin, thiên đình đang vào hội. Ở chốn âm ti Lí Thông tự ứng cử. Lí Thông đang ráo riết vận động tranh cử để được mọi người bầu làm nghị viên đại diện cho đại biểu chốn âm ti.
Người như Lí Thông mà làm nghị viên đại diện cho chốn âm ti thì thật khổ cho những linh hồn tội lỗi.
Người sống có trách nhiệm với bản thân, sống có trách nhiệm với mọi người đó chính là những Thạch Sanh trong thời đại mới. Cuộc sống đã thay đổi nhưng con người vẫn còn mong đợi nhiều từ tiếng đàn của Thạch Sanh.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 4

Hình ảnh chú bé Phrăng trong văn bản ” Buổi học cuối cùng ” của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê đã để lại cho em những ấn tượng sâu sắc. Thật vậy, Phrăng là một chú bé vô tư và hồn nhiên. Tuy đã trễ giờ đến lớp nhưng vì mải chơi, Phrăng đã có ý định trốn học và rong chơi ngoài đồng cỏ. Phrăng cũng như bao đứa trẻ khác, cậu ham chơi, hiếu động và vô lo vô nghĩ. Nhưng điều đặc biệt khiến em vô cùng yêu mến Phrăng đó là tình yêu nước thiết tha ở cậu bé. Tình yêu nước ấy được thể hiện rõ trong buổi học Pháp văn cuối cùng. Khi nghe thầy Ha-men thông báo người dân vùng An-dát không còn được học tiếng Pháp nữa, Phrăng đã cảm thấy sửng sốt, choáng váng và tức giận. Tâm trạng của Phrăng đã có sự biến đổi sâu sắc, cậu cảm thấy ân hận vì đã lãng phí thời gian học tập, không nhớ các quy tắc phân từ của tiếng Pháp. Khi nghe thầy Ha-men giảng bài, Phrăng cảm thấy trân trọng thầy giáo của mình, cậu cũng chưa bao giờ thấy mình hiểu bài nhanh đến thế. Diễn biến tâm trạng của Phrăng trong buổi học cuối cùng đã cho ta thấy được tình yêu nước sâu sắc và mãnh liệt ở chú bé. Em vô cùng yêu mến chú bé Phrăng!

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 5

Đối với văn bản “Buổi học cuối cùng” nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất đó là thầy giáo Ha-men. Thấy giáo trong buổi học cuối cùng hiện lên trong ánh mắt của học sinh với  bộ lễ phục chỉ dùng vào những ngày đặc biệt khi có thanh tra hoặc phát thưởng: áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu. Thầy Ha-men hôm nay rất dịu dàng, không giận dữ quát mắng; kiên nhẫn giảng bài, chuẩn bị bài học rất chu đáo.  Thầy coi tiếng Pháp là vũ khí, là chìa khóa của chốn lao tù. Ca ngợi tiếng Pháp, tự phê bình mình và mọi người có lúc đã sao nhãng việc học tập và dạy tiếng Pháp. Thầy Ha- men xúc động mạnh, người tái nhợt, nghẹn ngào, không nói được hết câu, nhưng thầy đã dồn hết sức mạnh để viết lên bảng dòng chữ thật to: “Nước Pháp muôn năm”. Thấy được người thầy luôn yêu tiếng mẹ đẻ, dành hết tâm huyết cho những học sinh của mình. Người thầy chính là người truyền những năng lượng tích cực và tư tưởng cho những bạn đọc.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 6

Thạch Lam được biết đến như là một cây bút có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể loại văn xuôi trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Truyện ngắn Thạch Lam không hấp dẫn bạn đọc bằng những chi tiết xung đột gay cấn, mà gây xúc động độc giả một phong cách giản dị, trong trẻo và giàu cảm xúc. Đối với tôi, tác phẩm gợi nên những xúc cảm mãnh liệt nhất chính là truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam.

Dù Thạch Lam viết rất nhiều đề tài, nhưng chủ yếu ông vẫn dành nhiều sự ưu ái cho phụ nữ và trẻ nhỏ. Trẻ em trong văn chương của ông có nhiều gương mặt, nhiều hoàn cảnh, nhiều cách cư xử khác nhau nhưng lúc nào cũng thật đáng yêu, đáng mến với những cảm xúc quá đỗi trong trẻo, non tơ, ngọt ngào. Truyện “Gió lạnh đầu mùa” mở đầu vào một buổi sáng khi thức dậy, Sơn bỗng thấy cái rét mướt tràn ngập khắp đất trời. “Mùa đông đột nhiên đến, không báo trước” khiến cái sân đất trước nhà Sơn khô trắng, gió lạnh thổi vi vu như muốn “rót” cái buốt giá vào da thịt con người. Sau khi đã ấm áp trong hai chiếc áo rét cùng chiếc áo áo vải thâm dài mặc phủ bên ngoài, Sơn rủ chị Lan ra ngoài chợ chơi. Nơi đây có những đứa trẻ con nhà nghèo đang chờ nó ra để chơi đánh khăn, đánh đáo. Lũ trẻ vẫn tập trung ở cuối chợ, nô nghịch như mọi khi, chỉ có điều trong mắt Sơn hôm nay những thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc: “Môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau”. Thê thảm nhất trong đám trẻ con nhà nghèo là cái Hiên. “Con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”. Tuy rách rưới nhưng đó lại là chiếc áo duy nhất của Hiên để chống lại mùa đông giá rét. Nhà nó nghèo, mẹ nó chỉ có nghề mò cua, bắt ốc thì làm gì có tiền may áo ấm. Sơn thầm nghĩ vậy và thế là trong đầu đứa trẻ thơ ngây bỗng thoáng qua một ý nghĩ tốt đẹp và nhân văn biết bao. Không chút lưỡng lự Sơn bàn với chị Lan về nhà lấy chiếc áo bông cũ vốn là kỷ vật của đứa em gái đã mất cho Hiên: “Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”…

Tác giả đã vẽ nên trong tác phẩm hai mảnh đời đối lập, đó là Sơn – một đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, khi lo cho từng “chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm”. Sơn có đến những hai chiếc áo rét cực dày, “một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm và một cái áo dạ khâu chỉ đỏ”, tuy đã mặc từ năm ngoái, năm kia nhưng khi cầm chúng giơ lên Sơn vẫn “thấy mát lạnh cả tay”. Trong khi đó, những đứa trẻ kia vì nghèo khó phải vẫn phải đem da thịt trần trụi trong “bộ quần áo nâu bạc, đã rách vá nhiều chỗ” căng sức chống chọi với giá rét. Những chiếc áo rét năm ngoái, năm kia tưởng chừng như xưa cũ với Sơn nay lại là một niềm mơ ước, một món hàng xa xỉ với lũ trẻ. Chúng bỏ dở những trò chơi con trẻ, chỉ để được ngắm, được sờ và được ao ước, mộng tưởng về những chiếc áo của Sơn.

Tình yêu thương của Sơn đã xua tan đi mùa đông lạnh giá, những tưởng câu truyện kết thúc ở đó. Nhưng một ngày, mẹ cái Hiên đã đem cái áo bông đến trả cho bà mẹ của chị em Sơn và nói: “Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông, tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ…” Hành động này giúp ta cảm nhận được sự tự trọng của mẹ Sơn, tuy nghèo nhưng vẫn giữ cho mình một tâm hồn đẹp đẽ. Còn đối với mẹ của Sơn thì cái áo bông cũ là di vật thiêng liêng. Và rồi, mẹ của Sơn cho mẹ cái Hiên vay năm hào bạc để mua áo rét cho con như một cách giúp đỡ nhưng không hề có ý khinh thường người mẹ nghèo. Cuối cùng, mẹ của Sơn âu yếm ôm con vào lòng và bảo: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?” Lời trách móc này lại là lời trách yêu, và có gì đó tự hào lẫn yêu thương trong lời nói của người mẹ: Tự hào vì con mình đã có một tấm lòng thật đẹp đẽ.

Dù viết về cái nghèo, cái đói, cái khổ cùng quẫn, văn chương Thạch Lam vẫn thật đẹp. Giữa những sự khổ đau, giữa những tầng lớp xã hội khác nhau, vẫn luôn có những con người tốt bụng xóa mờ đi khoảng cách đó, tạo nên tình thương giữa người với người, sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá.

Trong sáng tác, Thạch Lam luôn quan niệm: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà người ta không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.” Và cái đẹp ấy, đã được nhà văn thể hiện trong tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa”, đó là cái đẹp của tâm hồn con người. Với ý nghĩa sâu sắc ẩn sâu bên trong tác phẩm, chắc chắn “Gió lạnh đầu mùa” sẽ mãi là một truyện ngắn gợi nên trong lòng độc giả bao cảm xúc mãnh liệt.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 7

Nếu tác giả J. K. Rowling đã đưa ta đến với thế giới phù thủy đầy huyền ảo với những chiếc chổi bay, những câu thần chú mầu nhiệm trong tác phẩm Harry Potter, thì nhà văn người Ý Edmondo De Amicis lại đưa ta đến với những dòng nhật ký của Enrico Bottini, một cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý. Enrico đã kể lại những sự kiện trong cuộc sống của cậu bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thấm đẫm tình người, từ đó, giúp tôi nhận ra những bài học sâu sắc trong cuộc sống, nhận ra những điều mình cần thay đổi trên hành trình trưởng thành của bản thân.

Trong cuốn nhật ký của mình, Enrico đã ghi lại những bức thư của bố, mẹ, những truyện đọc hằng tháng, những kỉ niệm sâu sắc, cảm động về thầy cô giáo, bạn bè, những mảnh đời bất hạnh, đáng thương mà cậu tình cờ chứng kiến… Cốt truyện diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico. Ở đó Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi tính cách như Garone là một người bạn to lớn, hào hiệp, luôn giúp đỡ mọi người, bênh vực kẻ yếu; De Rossi là một chú bé rất thông minh, luôn dẫn đầu lớp nhưng không hề kiêu căng; trong khi đó Votini lại luôn đố kị với De Rossi. “Từ biệt” là trang nhật kí cuối cùng ghi lại cảnh thầy giáo đọc danh sách những học sinh được lên lớp. Cảnh từ biệt thầy, cô giáo, từ biệt bạn bè và ngôi trường tuổi thơ được nói đến thật xúc động. Enrico ôm hôn các bạn. Bố cậu nhìn ngôi trường, giọng run run nói: “Vậy thì xin từ biệt!”. Mẹ cậu cũng nhắc lại: “Xin từ biệt!”. Còn Enrico thì quá xúc động, không thể nói lên được một lời, cậu đã 12 tuổi.

Qua những trang nhật ký của mình, không chỉ Enrico học được nhiều điều, mà độc giả cũng nhận ra được rất nhiều bài học trong cuộc sống. Những khi Enrico phạm một sai lầm nào đó, bố mẹ cậu không trách mắng, mà lại viết một bức thư nhắn nhủ, giải thích để con mình có thể tự nhận ra những lỗi lầm. Chẳng hạn bố Enrico đã viết bức thư động viên cậu học tập, nói cho cậu biết cậu đã may mắn thế nào khi được đến trường, bức thư cảnh cáo của bố khi cậu trả lời thiếu lễ độ với mẹ, ông nghiêm khắc viết: “Thà rằng bố phải thấy con chết đi, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ con…”, hay bài học mẹ hiền từ của cậu dạy khi thấy cậu thờ ơ với người nghèo khó. Không chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm còn kể về bài học về sự quả cảm quên mình của cậu bé lớp hai Robetti liều mình cứu một em bé ở lớp vỡ lòng thoát chết, cậu đã bị xe đè lên nát bàn chân nhưng khi vừa tỉnh dậy chỉ hỏi một câu“ cặp sách của cháu đâu rồi? ” Hay như chuyện các em nữ sinh đã cùng nhau gom tiền và hoa để giúp đỡ cậu bé nạo ống khói nghèo khổ, đáng thương khi cậu trót làm rơi toàn bộ số tiền mà phải vất vả lắm cậu mới kiếm được.

Trường học đối với Enrico là một thế giới thu nhỏ, nơi cuộc sống của bạn bè xung quanh hiện ra như những bài học trên đường đời. Đó là Coretti vác củi từ năm giờ sáng, vào lớp ngủ thiếp đi, thầy Pecboni để đến hết giờ mới đánh thức dậy, rồi ôm đầu cậu trong hai tay, hôn vào tóc cậu và nói. “Thầy không mắng đâu. Thầy biết là trước khi đến lớp con đã phải làm lụng nhiều.” Những người bạn như Precossi, Crossi, Coretti thì sinh ra trong gia đình nghèo nhưng luôn cố gắng vươn lên trong học tập và lao động. Ngoài ra còn có những nhân vật có tính cách đặc biệt như Stacdi lầm lì, ít nói, thậm chí bố cậu đã nói với thầy phải rất kiên nhẫn vì con ông "đầu đất", vậy mà cuối cùng Stacdi trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp; lại còn có tên Franti hư đốn luôn bắt nạt các bạn khác, thậm chí hỗn cả với thầy.

Tuyến nhân vật người lớn cũng được xây dựng ở nhiều tính cách như thầy chủ nhiệm thì không bao giờ cười nhưng rất thương yêu học sinh, thầy Coatti dạy lớp 2 thì rất vui tính, bố mẹ Enrico thì luôn chăm sóc con hết mực, dạy cho con nhiều bài học qua những lá thư, trong khi đó bố Precossi thì luôn say rượu và đánh đập con, phải đến khi cậu bé nhận huy chương xuất sắc của lớp ông mới tỉnh ngộ,… Các thầy cô trong tác phẩm đã nuôi dưỡng những đứa trẻ của mình bằng tất cả tình yêu thương, lòng yêu nghề, và học sinh cũng không quên những gì mà thầy cô đã hi sinh để dạy dỗ cho mình. Như trong ngày phát phần thưởng, ông bồi thẩm kết thúc buổi lễ, nhắc học sinh: “Ra khỏi đây các cháu không được quên gửi một cái chào và một lời cám ơn đến những người đã vì các cháu mà không quản bao mệt nhọc, những ngươi đã hiến tất cả sức mạnh của trí thông minh và lòng dũng cảm cho các cháu, những người sống chết vì các cháu, và họ đây này” Rồi ông chỉ tay về phía các cô giáo, thầy giáo. Những nhân vật trong tác phẩm đi vào lòng người đọc với những nét tính cách riêng biệt, họ đại diện cho những mảnh đời trong cuộc sống hiện thực ngoài kia, nơi cái tốt, cái xấu đan xen vào nhau, nơi những khó khăn gian khổ dạy cho ta những bài học về cách làm người. Những nhân vật ấy thể hiện nét tính cách của mình thông qua những sự kiện với các nút thắt, mâu thuẫn, nhưng rồi, mọi thứ được giải quyết bằng tình người, bằng những tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ. Không phải lúc nào cuộc sống cũng là màu hồng, nhưng trên hết, ta phải giữ cho bản thân trong sạch giữa cuộc đời, phải biết yêu thương bạn bè, cha mẹ, thầy cô, những người thân quen, những người lạ ngoài kia, và yêu thương chính bản thân mình.

Khép cuốn sách lại, ta vẫn còn một cuộc đời ở phía trước, dẫu rằng cuộc đời ngoài kia có quá nhiều khó khăn, hành trình trưởng thành có nhiều chông gai ta phải vượt qua; nhưng không vì thế mà ta ngần ngại không dám bước tiếp, ta sợ hãi thất bại. Tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” đã dạy cho tôi nhiều bài học sâu sắc, nhưng có một bài học mà tôi chắc chắn sẽ không bao giờ quên: Tình yêu sẽ hóa giải tất cả.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 8

Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão “không nên” sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự “sắp xếp” cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích- Mẫu 9

Trong những tác phẩm văn học đã được học ở cấp hai, truyện ngắn “Bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu (chương trình lớp 9) để lại trong tôi một ấn tượng rất mạnh mẽ. Tôi chưa đến tuổi của anh Nhĩ để thấm thía đủ cái triết lí sâu sắc mà nhà văn gửi gắm ở niềm kao khát hướng ra bên quê phía bên kia sông, nhưng tôi đã phần nào cảm nhận được nỗi niềm nuối tiếc của anh khi anh nằm trên giường bệnh đếm những ngày còn lại của cuộc đời mình.

Thói thường người đời vẫn coi thường hiện tại, mải mê đuổi theo những hư danh phía trước mà không nhận ra những giá trị đích thực của những gì mình đang có. Nhà văn Nguyễn Minh Châu qua Bến quê đã muốn nói với mọi người triết lí sâu xa ấy. Là nhà văn luôn có những phát hiện mới mẻ về những điều quen thuộc và giản dị của cuộc sống, ông đã phát hiện ra những nỗi băn khoăn, day dứt, nuối tiếc của con người khi đứng trước nhưng gì đã qua. Anh Nhĩ đã từng đi rất nhiều nơi, cả cuộc đời anh chạy theo danh vọng mà anh quên mất cái bến quê trước cửa nhà. Anh không có thời gian để ý đến nó. Khi nằm trên giường bệnh, không còn khả năng đi lại, anh mới nhận ra rằng cái bến quê ấy hấp dẫn biết bao nhiêu. Anhbừng ngộ ra rằng anh đã chạy theo hư danh mà bỏ qua mất một điều quan trọng và vô cùng quý giá với mình. Anh ân hận vì cả cuộc đời anh mới chỉ sang cái bến sông ấy có hai lần, và một lần là ngày cưới của anh.

Mỗi con người đều có một bến quê trong lòng mình, nhưng không phải ai cũng nhận ra nó quý trọng và thiêng liêng để mà giữ gìn trân trọng khi còn đủ sức. Nhĩ nuối tiếc khi anh nhận ra cái bến quê ấy hấp dẫn với anh biết nhường nào và anh đã gửi gắm cả niềm khao khát ấy vào đứa con trai. Anh nhờ nó đi đò sang sông để mua cho anh bất cứ thứ gì phía bên sông ấy. Nhưng thằng bé, cũng như anh khi còn trẻ, không thể nhận ra những tâm sự của cha. Nó lại mải chơi nên bị lỡ chuyến đò ngang cuối cùng trong ngày. Thằng bé không vội vã bởi nó còn quá nhiều thời gian để sống, bởi với nó cái bến sông ấy cũng rất bình thường. Thằng bé sẽ lại giống như cha và như tất cả mọi người, không thể nhận ra sự đáng quý và đáng trân trọng của những gì đang trong tầm tay.

Một người bệnh nặng, không còn khả năng đi lại, ngắm cái bến sông qua khung cửa sổ, khó khăn nhích từng tí một trên giường để được ngắm cái bến sông. Và nuối tiếc vì mình đã vô tình với quê hương, với những điều bình dị và vô cùng quý giá. Cốt truyện chỉ đơn giản vậy thôi nhưng chứa đựng cả một vấn đề nhân sinh rất lớn. Điều nhà văn nói đến trong tác phẩm này cũng không phải là hoàn toàn mới: Phải biết trân trọng những gì mình đang có và đã có, không nên quá mải mê với những hư danh mà quên mất gí trị của hiện tại. Văn học đã từng nói về điều này. Những Nguyễn Minh Châu đã có một cách thể hiện thật giản dị và sâu sắc. Bến quê là câu chuyện về sự bừng ngộ của một con người ở những ngày cuối cùng củacuộc đời. Vì thế sự bừng ngộ ấy òn có ý nghĩa như một sự thức tỉnh đối với những ai đang sống, hăm hở để tiến đến tương lai và còn tiếp tục bỏ lại phía sau những điều nuối tiếc.

Cuộc sống không thể không có những tiếc nuối. Song nếu để mình phải nuối tiếc quá nhiều hoặc nuối tiếcnhững điều thiêng liêng nhất mà mình trót đánh mất nghĩa là đã bỏ phí một quãng đời quý giá.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “nêu Cảm nghĩ về một nhân vật văn học mà anh (chị) yêu thích” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!