Updated at: 11-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Bình luận hai câu thơ trong Truyện Kiều: Đau đớn…lời chung” chuẩn nhất 04/2024.

Bình luận hai câu thơ trong Truyện Kiều: Đau đớn…lời chung- Mẫu 1

    Truyện Kiều của thi hào dân tộc Nguyễn Du là kiệt tác của nền văn học cổ điển Việt Nam. Truyện Kiều là tình yêu thương, niềm say mê lớn trong hàng trăm năm của hàng triệu con người. Vút qua năm tháng “đêm trường dạ tối tăm mù mịt”, nhiều câu thơ Kiều đọng trong tâm hồn nhân gian bao ám ảnh:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

1.    “Phận” là thân phận, số phận. Theo quan niệm cũ, số phận của con người được sung sướng hay đau khổ là do một thế lực huyền bí, thiêng liêng định đoạt. Câu thứ nhất là lời cảm thán cho số phận đàn bà đau khổ.

“Bạc mệnh” hay mệnh bạc là số phận, số mệnh tiền định mong manh, đen tối, trải qua nhiều đau thương bất hạnh “bạc mệnh” không chỉ riêng ai mà là “lời chung”, là số phận đáng thương của hầu hết mọi người phụ nữ trong xã hội cũ. Hai câu thơ trên là tiếng khóc của Thúy Kiều khi đứng trước nấm mồ Đạm Tiên một buổi chiều Thanh minh. Đó là tiếng khóc của nàng cho mọi người phụ nữ tài hoa bạc mệnh ngày xưa, và cũng tự khóc cho đời mình mai sau (dự cảm). Ý thơ mang tính chất khái quát rất cao, biểu hiện sâu sắc cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du qua Truyện Kiều.

2.   Hai câu thơ trên đã nói lên bi kịch về thân phận của người phụ nữ ngày xưa: đau khổ, bạc mệnh. Nguyễn Du đã sống trong một thời đại đen tối là lúc chế độ phong kiến suy tàn, đầy rẫy thối nát, bất công và dã man. Truyện Kiều đã phản ánh một cách sống động và chân thực cái hiện thực đen tối ấy của xã hội phong kiến:

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

“Phận đàn bà” trong xã hội ấy là “đau đớn”, là “bạc mệnh”, tủi nhục không kể xiết. Lễ giáo phong kiến khe khắt, cổ hủ nặng nề: trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), đạo “tam tòng” như sợi dây oan nghiệt thít chặt vào cổ người đàn bà (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Thân phận bếp núc, không được học hành, không có chút quyền hành gì ngoài xã hội. Nam nữ “thụ thụ bất thân”. Người con gái và nhan sắc chỉ để “mua vui” cho bọn vua chúa, quan lại, kẻ quyền quý… Hai chữ “bạc mệnh” trong lời thơ đã cực tả nỗi “đau đớn”, tủi nhục của khách “má hồng”.

Nguyễn Du đã phản ánh một sự thật đau lòng trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát. Nạn mất mùa, dịch bệnh, tệ áp bức bóc lột nặng nề của vua quan, chiến tranh, loạn lạc triền miên đã dìm người dân lành trong máu, nước mắt và đói rét. Phụ nữ và trẻ em là lớp người đau thương nhất: góa bụa, côi cút… Có người phải ăn xin “chết lăn rãnh đến nơi, thịt da béo cầy sói” (Những điều trông thấy). Có giai nhân “nổi danh tài sắc một thì” nhưng bạc mệnh:

“Sống làm vợ khắp người ta,

Hại thay thác xuống làm ma không chồng” (Đạm Tiên).

Có thiếu nữ hiếu thảo, tài sắc vẹn toàn nhưng phải trải qua số kiếp “đoạn trường” nên phải nếm đủ mùi cay đắng nhục nhã “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” (Thúy Kiều)…

Nguyễn Du bằng sự trải nghiệm của đời mình, đã từng mười năm trời lưu lạc, không thuốc men lúc ốm đau, vợ con chia lìa, anh em tan tác (Anh em tan tác nhà không có – Ngày tháng xoay vần tóc bạc rồi – Thơ chữ Hán), nên ông đã có sự đồng cảm sâu sắc, cảm thương vô hạn cho bao nỗi đau đớn của người phụ nữ bạc mệnh. Ông đã lên tiếng tố cáo những thế lực hắc ám, bạo tàn (quan lại, bọn lưu mạnh, lũ buôn thịt bán người, đồng tiền hôi tanh và bạo lực…) đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con người, của người phụ nữ. Truyện Kiều là tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng. Tiếng kêu thương ấy, nhà thơ đã gửi vào thân phận một người đàn bà “Những là oan khổ lưu li – Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!”.

Hai câu thơ:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bục mệnh cũng là lời chung.

úng như Tố Hữu đã nói “còn đọng nỗi đau nhân tình”; “Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều!…”. Nó chứa chan tinh thần nhân đạo cao đẹp.

3.  Câu thơ của Nguyễn Du cho đến nay vẫn còn làm xúc động lòng người. Cách mạng đã xác nhận quyền nam nữ bình đẳng. Người phụ nữ đã có vai trò rộng lớn trong xã hội. Đảm đang việc nước, đảm đang việc nhà, người phụ nữ đã và đang phát huy tài năng, đức hạnh trong sản xuất, học tập và chiến đấu:

Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử,

Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ.

(Huy Cận)

Hai cân thơ của Nguyễn Du tuy không còn ý nghĩa phổ biến nữa, nhưng trong xã hội hiện nay vẫn còn không ít bất công, tàn dư của tư tưởng phong kiến, đã và đang làm cho người phụ nữ bị thiệt thòi, đau khổ. Vì thế cuộc đấu tranh để thực sự giải phóng phụ nữ phải được tiếp tục.

Qua hai câu thơ:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Ta thấy trái tim yêu thương mênh mông của thiên tài Nguyễn Du, ta cảm nhận sâu sắc giá trị nhân bản tuyệt vời của Truyện Kiều. Một lần nữa trong Văn Chiêu hồn, Nguyễn Du lại thống thiết kêu lên:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu.

Hơn bất cứ nghệ sĩ nào, Nguyễn Du đã dành cho người phụ nữ những tình cảm thắm thiết, cảm động nhất. Nguyễn Du mãi mãi bất tử về tấm lòng nhân đạo mênh mông.

Bình luận hai câu thơ trong Truyện Kiều: Đau đớn…lời chung- Mẫu 2

” Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Câu ca dao ấy cất lên như lời than thân, thở dài của một người phụ nữ giữa xã hội đương thời phong kiến. Cái xã hội khi mà số phận của họ được định đoạt bằng những cuộc trao đổi, mua bán, bằng những cuộc hôn nhân chính trị chứ không phải bằng tình yêu. Xã hội ấy nơi mà nhân phẩm của họ bị đạp xuống tận bùn đen. Cảm thông, thấu hiểu sự đau đớn đó của người phụ nữ mà nhà thơ Nguyễn Du đã viết lên thiên kì cổ “Truyện Kiều”. Và trong tác phẩm ấy, chính tác giả cũng đã thốt lên hai câu thơ mà mãi tận sau này, người ta vẫn còn thấy nguyên giá trị của nó khi nhắc về thân phận của người phụ nữ trước lễ giáo phong kiến:

” Đớn đau thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Hai câu thơ này được Nguyễn Du viết – là lời cảm thán của Kiều khi đứng trước nấm mồ lạnh lẽo của Đạm Tiên – một người kĩ nữ. Hai câu thơ bật lên như một lời than thở của Kiều hay cũng chính là của Nguyễn Du trước nỗi đau mà người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu đựng. Không phải bất cứ từ ngữ nào khác mà là “đớn đau thay”! Lời thơ như một lời thở dài đầy đau xót của tác giả. Chính Nguyễn Du cũng đã có những năm tháng phiêu bạt giữa xã hội, phải chịu cảnh đói, cảnh nghèo, có lẽ vì thế ông hiểu được những số phận nghèo khó và cả hoàn cảnh đau khổ của những người phụ nữ nữa. Có lẽ chính vì vậy khi viết lên thiên “Truyện Kiều”, ông đã đem những xúc cảm chân thật nhất của mình vào trong những vần thơ ấy. Nguyễn Du hiểu rất rõ “phận đàn bà”, cái số phận của người phụ nữ xưa khi mà họ phải sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ, một xã hội luôn chà đạp lên nhân phẩm, nhân cách của người phụ nữ yếu đuối. Xã hội ấy cũng tước đoạt đi quyền được sống hạnh phúc, quyền được yêu thương và cả những mong ước nhỏ bé của họ nữa. Xã hội đó đã khiến họ phải trở thành những kẻ “bạc mệnh”. Đau đớn nào bằng?

“Đớn đau thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Đó là lời thương cảm của Nguyễn Du, là tấm lòng nhân đao đầy cao cả của ông dành cho những người phụ nữ Việt Nam xưa – những thân phận “thấp cổ bé họng” trong xã hội phong kiến đương thời.

Nếu hỏi những nguyên nhân nào đã tạo nên số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa thì điều đầu tiên đó chính là xã hội. Đó là một xã hội với Nho giáo là chủ, không có quyền bình đẳng dành cho người phụ nữ, xã hội mà đàn bà chỉ là một vật phẩm để trao đổi, mua bán, xã hội “trọng nam khinh nữ” khi mười người con gái chẳng đổi bằng một người đàn ông ” Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Chính xã hội bất bình đẳng ấy đã khiến cho thân phận người phụ nữ bị đẩy xuống tầng đáy. Họ không có quyền hành gì trong nhà, ngoài xã hội. Họ không được tham gia bất cứ công việc gì bên ngoài, không được học tập, chỉ biết quanh quẩn bên trong nhà để trở thành một người phụ nữ của gia đình. Họ bi tước đoạt quyền được bình đẳng như nam giới. Dù rằng trong xã hội xưa cũng có không ít những người phụ nữ tài giỏi như bà Trưng, bà Triệu, … dám đứng lên thể hiện ý chí của mình nhưng họ chỉ là một số ít những người phụ nữ dám đứng lên chống lại cường quyền để thể hiện khí phách của mình mà thôi.

“Phận đàn bà” mà Nguyễn Du đau xót than thở là kẻ “bạc mệnh” còn phải chịu những đày đọa về thể xác và tinh thần, bị chà đạp về nhân phẩm, về nhân cách, bị coi rẻ như một món hàng. Có lẽ thấu hiểu được điều này, Nguyễn Du mới có thể cô đọng tất cả tiếng lòng của mình thành hai câu thơ đau xót tới vậy! Người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị coi rẻ tới mức họ chỉ được coi như một món hàng ngoài chợ, được mua đi bán lại, được trao đổi, tặng biếu cho người khác.

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

Họ hoàn toàn không có quyền được lên tiếng, được bày tỏ nỗi niềm của mình. Cũng như Đạm Tiên mà Nguyễn Du xây dựng, nàng bất hạnh sinh ra trong sự nghèo khổ, phải bán thân, bán nghệ để nuôi sống mình. Vậy mà đến khi chết đi, chỉ có những ngọn cỏ xanh làm bạn, chẳng một ai tới thương nhớ, xót xa cho nàng dù lúc trước bao nhiêu bướm ong dập dìu:

“Sống làm vợ khắp người ta
Đến khi thác xuống làm ma không chồng”

Chẳng ai còn đoái hoài, thương xót gì người phụ nữ ấy nữa. Đến như Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, là một người con gái tài sắc vẹn toàn, thế nhưng cũng chỉ là một món hàng trong tay những kẻ ma cô buôn phấn bán hương:

“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”

Chính xã hội phong kiến ấy đã đẩy đưa nàng Kiều, buộc phải bán mình để cứu lấy người cha già và em. Nếu như xã hội ấy coi trọng người phụ nữ, coi trọng con người thì chắc có lẽ nàng Kiều đã chẳng mất mười lăm năm bôn ba khắp nơi, trở thành món hàng trong tay bao nhiêu kẻ, đến mức phải tìm đến cái chết. Và chắc hẳn nàng cũng đã có được một tình yêu thật đẹp với chàng trai hào hoa phong nhã Kim Trọng.

Có lẽ nỗi thương cảm của Nguyễn Du cho người phụ nữ không chỉ dừng ở đó, ông còn thương cảm cho những thân phận người phụ nữ yếu đuối, bị bất hạnh trong hôn nhân và tình yêu. Trong xã hội xưa, những cuộc chiến tranh nổi lên liên miên, đó là khi những người chồng, người tình lang phải rời xa nhà để lại người vợ hiu quạnh một mình bao năm tháng. Chiến tranh phi nghĩa trong xã hội phong kiến ấy đã tước đoạt đi hạnh phúc, tình yêu của bao người vợ hiền. Chúng ta biết tới một Vũ Nương hiền lành, đảm đang, xinh đẹp, thế nhưng sau khi chiến tranh qua đi, lại khiến nàng trở thành một người vợ bất hạnh nhất trần đời khi chồng nàng nghi ngờ nàng không đoan chính. Và rồi, nàng đã phải dùng cái chết của mình để rửa sạch nỗi hàm oan. Nếu như không có chiến tranh thì liệu số phận của Vũ Nương và của những người phụ nữ khác trog xã hội phong kiến có bi thương tới vậy hay không? Không chỉ Vũ Nương, chúng ta còn được chứng kiến hình ảnh người chinh phụ ra ngóng vào trông chờ tin người chồng trở về từ nơi chiến trận. Những hình ảnh “gương gượng soi lệ lại châu chan”, hay “lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”, … ghim vào lòng chúng ta về số phận đầy xót xa của những người vợ phải xa chồng. Chính xã hội đã cướp đi của họ hạnh phúc, cướp đi tình yêu của họ, khiến họ trở thành những “hòn vọng phu” chờ chồng.

Chúng ta ai cũng có mưu cầu được sống hạnh phúc, mưu cầu một cuộc sống được tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Thế nhưng, trong xã hội xưa, hôn nhân, tình yêu không phải do người phụ nữ quyết định. Họ phải làm theo lễ giáo, phải nghe theo lời cha mẹ, phải “môn đăng hộ đối”. Chính những thứ luật lệ hà khắc đó đã giết chết bao nhiêu tình yêu đẹp đẽ, đã lấy mất đi bao niềm hạnh phúc của người phụ nữ xưa. Đối với họ, hôn nhân của mình nhưng mình lại chẳng thể quyết định, tất cả đều được định đoạt bởi chữ “phận”, bởi lễ giáo, lề lối mà thôi. Đó chẳng phải là một nỗi đau xót lớn hay sao?

Có lẽ sau những năm tháng bôn ba, sống giữa những tầng lớp thấp kén nhất ngoài xã hội, được tiếp xúc, được nhìn, được nghe những câu chuyện về những người phụ nữ, Nguyễn Du mới có thể thấu hiểu người phụ nữ tới vậy. Ông đau xót trước thân phận nhỏ bé, “ba chìm bảy nổi” của người phụ nữ. Họ phải chịu sự bất công trong đối xử bình đẳng, bị tước đoạt mất hạnh phúc, tình yêu, tước đoạt mất cả nhu cầu được yêu thương đươc hạnh phúc nữa. Tất cả cũng chỉ vì những lẽ giáo hà khắc kia của xã hội đương thời. Qua hai câu thơ của Nguyễn Du, ta cũng thấy được niềm cảm thương của ông dành cho người phụ nữ xưa nhiều tới nhường nào, ông thấu hiểu họ tới nhường nào! Nếu không, sao ông có thể viết được những dòng thơ cô đọng, đau xót, đầy yêu thương tới như vậy được.

Sống trong xã hội ngày nay, chúng ta – những người phụ nữ đã được sống đúng với bản thân mình. Chúng ta được đối xử bình đẳng, được tự do yêu thương, tự do hôn nhân được mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Thế nhưng ở đâu đó, chúng ta vẫn phải chứng kiến hình ảnh người phụ nữ bị bao lực, bị khinh thường, bị hành hạ, bị tước đi những quyền cơ bản nhất của một con người. Những hành động ấy cần được lên án, cần được kết tội và chấm dứt.

Qua hai câu thơ ngắn gọn, nhưng Nguyễn Du cũng đã khiến cho chúng ta được cảm nhận sâu sắc về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Đó cũng là lời kết án xã hội phong kiến khi chính xã hội đó đã gián tiếp đẩy người phụ nữ tới tận cùng của sự đau khổ, bế tắc. Qua đó, ta cũng cảm nhận được tình cảm yêu thương mà Nguyễn Du dành cho họ – những người phụ nữ yếu đuối, cần được nâng niu, cần được yêu thương và bảo vệ.

Bình luận hai câu thơ trong Truyện Kiều: Đau đớn…lời chung- Mẫu 3

Nguyễn Du đã viết nên truyện Kiều bằng tấm lòng thiết tha đối với con người, đặc biệt là sự cảm thông sâu sắc trước số phận người phụ nữ. Thông quá nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa chịu bất công, đau đớn, khổ cực. Hai câu thơ mà ông viết về người phụ nữ đến nay còn đọng lại nỗi đau nhân thế: “Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạch mệnh cũng là lời chung”.

Xã hội phong kiến đã bóp nghẹt đi sức sống, tài năng và vẻ đẹp của biết bao kiếp hồng nhan. Một xã hội “trọng nam khinh nữ”, khi mà ở đó trai năm thế bảy thiếp, gái đoan chính một chồng. Họ xứng đáng được nhận hết sự cưu mang, yêu thương, chở che, nhưng cuối cùng chính họ lại lâm vào bị kịch, chịu kiếp chồng chung.

Số phận bạch bẽo, bấp bênh trôi nổi vô định của cuộc đời người con gái khiến Nguyễn Du phải thốt lên hai từ ” đau đớn’ đến nghẹn lòng. Đó là một Đạm Tiên tài năng, sắc đẹp vẹn toàn vậy mà số kiếp đau thương, cô đơn đến cõi chết: ” Sống làm vợ khắp người ta. Hạ thay thác xuống làm ma không chồng’. Một nàng Kiều vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, khiến hoa phải ghen , tuyết phải hơn, tài năng toàn diện cả cầm , kì, thi, hoạ. Nàng xứng đáng được yêu thương trân trọng, vậy mà số phận lại chịu nhiều oan trái, trải qua mười lăm năm lưu lạc, bao kiếp lầu xanh, những tưởng được hạnh phúc lứa đôi nhưng cũng không vẹn toàn. Một Hoạn Thư thông minh, khéo léo cũng không có được tình yêu của chính chồng mình. Một Vũ Thị Thiết tư dung tốt đẹp, nết na, sống đoan trang hết mực yêu thương chồng con cuối cùng cũng lựa chọn cái chết để rửa oan cho chính mình. Và còn bao nhiêu kiếp người khác nữa cũng chịu nhiều khổ đau, tủi nhục đến như thế. Họ chính là nạn nhân của một chế độ phong kiến hà khắc, quá đỗi bất công, tàn bạo.

Người phụ nữ thiếu tự do, không được nói lên tiếng nói, khát vọng của mình. Họ bị kìm hãm, chà đạp lên nhân phẩm danh dự, họ bị chà đạ lên thể xác và tinh thần, vậy mà vẫn cam chịu. Như Hồ Xuân Hương từng viết:

“Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son”

Số phân bạc mệnh, nhưng họ vẫn giữ lấy cho mình những phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ. Số kiếp tài hoa bạc mệnh, họ chịu sự điều khiển và phụ thuộc bởi những kẻ tàn bạo. Họ không được là chính mình, thân phận như trái bần trôi:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”.

Thông qua hai câu thơ, Nguyễn Du không chỉ tố cáo xã hội phong kiến độc ác, tàn nhẫn, bất công, chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do của con người. Mà thông qua đó, ông nói lên lời chia sẻ thiết tha với những kiếp người chìm nổi, là tiếng nói oán trách, tiếng kêu đầy xót thương thấy đối với xã hội kia. Là câu nói thức tỉnh lương tri của chế độ cũ, hãy biết trân trọng và yêu thương phụ nữ.

Đất nước ta ngày càng phát triển, công bằng nam nữ cũng ngày càng được cải thiện. Nhưng đâu đó, vẫn còn tồn tại nhữn hủ tục lạc hậu, chèn ép cuộc sống của người phụ nữ. Đâu đó vẫn còn tình trạng những gia đình chỉ vì muốn sinh con trai mà phá bỏ cái thai của mình. Chúng ta cần lên án những hành động như thế. Hãy trân trọng và đề cao những người phụ nữ bởi chính họ sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Hãy yêu thương tất thảy những người bà, người mẹ, người chị, người em trên thế gian này.

Bình luận hai câu thơ trong Truyện Kiều: Đau đớn…lời chung- Mẫu 4

Nguyễn Du (1765 – 1820) là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Ông đã được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Tuy xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến nhưng cuộc đời Nguyễn Du lại phải trải qua nhiều lưu lạc, đau khổ. Vì vậy, ông thông cảm với nhân dân, đặc biệt là với số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn lời Thúy Kiều, một cô gái tài hoa bạc mệnh để khái quát chung về số phận bi thảm của người phụ nữ:

Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Câu thơ xót xa, ai oán như một lời than phẫn uất trước định mệnh cực kì vô lí, bất công đối với phụ nữ. Tiếc thay, trong xã hội phong kiến, bạc mệnh đã trở thành số phận chung của bao kẻ hồng nhan.

Bạc mệnh là số phận mỏng manh, bạc bẽo, nói rộng ra là cuộc đời gặp nhiều tai ương, buồn khổ. Người bạc mệnh có kiếp sống long đong, lận đận hoặc chết yểu một cách thảm thương.

Nguyễn Du tan nát cả cõi lòng khi hạ bút viết những câu thơ như có nước mắt rơi, máu chảy. Đằng sau lời than thống thiết ấy là một hiện thực cay đắng, phũ phàng: xã hội phong kiến bất công chà đạp tàn bạo lên nhân phẩm người phụ nữ.

Trong xã hội trọng nam khinh nữ ấy, người phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng. Họ bị biến thành nô lệ của những ràng buộc nghiệt ngã từ phía lễ giáo phong kiến và những quan niệm lạc hậu như tam tòng, thủ tiết, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, nữ nhân ngoại tộc… số phận họ hoàn toàn phụ thuộc vào tay kẻ khác. Thậm chí, họ còn bị coi như hàng hóa, dùng để bán mua, đổi chác. Bài thơ Bánh trôi nước của Hổ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện thật sinh động những thân phận đau thương ấy.
Hồ Xuân Hương ví thân phận người phụ nữ như chiếc bánh trôi: Thân em Vừa trắng lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non, Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn… Nguyễn Du miêu tả quãng đời đầy truân chuyên, bão tố của nàng Kiều : Thoắt mua về thoắt bán đi, Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi; Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương… Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy lẽ ra phải được sống ấm êm bên cha mẹ, hạnh phúc bên người yêu, nhưng thế lực đen tối, bạo tàn trong xã hội mà đồng tiền là chúa tể đã cướp đi của nàng tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhẫn tâm xô đẩy nàng xuống tận lớp bùn nhơ dưới đáy xã hội. Mỗi lần Kiều cố gắng vươn lên để chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận là một lần nàng bị dìm sâu hơn nữa.

Từ kiếp bạc mệnh của Thúy Kiều, nhà thơ khái quát lên thành lời chung, kiếp đau khổ chung của người phụ nữ. Văn học thời ấy đã từng nói đến cái chết thảm thương, oan khốc của Người con gái Nam xương (Nguyễn Dữ); một nạn nhân của chiến tranh và lễ giáo phong kiến bất công. Hay một nàng Đạm Tiên nổi danh tài sắc một thì mà phải rơi vào cảnh: Sống làm vợ khắp người ta, Hại thay thác xuống làm ma không chồng. Trong xã hội cũ, hỏi có bao nhiêu nàng Đạm Tiên như thế?

Câu thơ: Đau đớn thay phận đàn bà… không chỉ là một tiếng kêu thương mà còn là lời tố cáo, lên án đanh thép cái chế độ phong kiến vô nhân đạo, chà đạp không thương tiếc lên nhân phẩm con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Bởi vậy nó chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả.

Trong chế độ mới ưu việt, người phụ nữ được gia đình và xã hội tôn trọng: Vai trò to lớn của họ được đánh giá đúng đắn. Chính những điều đó đã giải phóng người phụ nữ ra khỏi những ràng buộc phi lí xưa nay, khơi dậy tiềm năng vô tận của họ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Không phải trong cuộc sống hiện nay đã thật sự chấm dứt những quan niệm bất công đối với người phụ nữ, nhưng thái độ coi thường và những hành vi xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ đã và đang bị xã hội nghiêm khắc lên án.

Tuy ra đời cách đây đã gần hai thế kỉ nhưng những câu thơ tâm huyết của Nguyễn Du vẫn gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Nó vừa là lời than thống thiết về nỗi đau khổ to lớn của kiếp người, vừa là lời kết án tội ác của chế độ phong kiến bất công chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ. Người đọc bao thế hệ đã nhận được từ hai câu thơ này thông điệp của Nguyễn Du: Hãy cứu lấy phụ nữ, hãy bảo vệ phụ nữ và trả lại cho họ vị trí xứng đáng, thiêng liêng mà Tạo hóa đã ban cho họ là duy trì sự sống của loài người trên trái đất.

Bình luận hai câu thơ trong Truyện Kiều: Đau đớn…lời chung- Mẫu 5

Xưa nay biết bao người đã say mê, yêu thích Truyện Kiều. Nguyên nhân của sự say mê đó có lẽ trước hết là do tài nghệ của Nguyễn Du, như Đào Nguyên Phổ nhận xét : ” mực muốn múa, bút muốn bay, văn muốn nhyar, chữ muốn nói khiên người cười, khiến người khóc, khiến người đọc đi đọc lại hàng nghìn lần, càng thuộc long lại càng không thấy chán. ” Người ta còn say mê vì Nguyễn Du có tấm long nhân đạo cao cả, có những nhận xét sâu sắc về cuộc đời, số phận con người, đặc biệt là những người phụ nữ.

Đau đơn thay phân đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung .

Đó là hai câu thơ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều. Sau khi tác giả đã chứng kiến ” những điều trông thấy “. Đó là một tiếng kêu xé long thấm đầy nước mắt. Quả thật không ai có thể đau đớn xót xa hơn những người sinh ra làm phận má hồng trong thời phong kiến. Nỗi đau đớn không chỉ do nghèo khổ hay thiếu thốn vật chất. Nỗi đau đớn chủ yêu là bị khinh rẽ, chà đạp nhân phẩm, bị giày vò về tinh thần khi hạnh phúc tan nát, tình yêu lỡ dở … Nguyên nhân gây ra đau khổ chính là xã hội phong kiến gia trưởng trọng nam khinh nữ. Xã hội ấy đã trói buộc người phụ nữ bằng ” tam tròng “, đã coi thường họ bằng những quan niệm định kiến bất công ” nữ nhi nan hóa “. ” nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô “. Trong xã hội như vậy người phụ nữ tránh sao khỏi cuộc sống đau đớn xót xa. Nếu nói về tài sắc thì Đạm tiên là một người rất đẹp.

Nối danh tài sắc một thì
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh .

Thế mà đời Đạm Tiên là đời ca nhi ê chề đau đớn:

Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng .

Sau khi chết rồi, nấm mồ của Đạm Tiên cũng là một nấm mồ vô chủ, cô đơn hoang lạnh:

   Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Đâu chỉ có một mình Đạm Tiên. Thúy Kiều xinh đẹp, tài sắc ai bì, thông minh hết mực cũng chịu cảnh đánh đập chửi bới, ” thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần ” suốt mười lăm năm lưu lạc, đoạn trường. Mười lăm năm của một đời con gái mất đi tình yêu ban đầu tươi đẹp, mất đi trinh tiết ngàn vàng và cũng có lúc nàng mất đi cả cuộc sống của mình. Hết Mã Giám Sinh gian xảo, đến Sở Khanh trâng tráo rồi đến Hồ Tôn Hiến dâm ô. Từ mụ Tú Bà ” nhờn nhợt màu da “. đến Hoạn Thư ” sắc sảo nước đời “, ngay cả Bạc Hà, Bạc Hạnh … tất cả là một cái lưới quây tròn vây tỏa kín mít xung quanh nàng Kiều đang vùng vẫy trong khổ đau tuyệt vọng. Cả cái xã hội ấy từ bọn lưu manh đén bọn buôn thịt bán người và cả tầng lớp thống trị, những quan bà, quan ông cùng hè nhau dìm Kiều xuống bùn đen. Chúng muốn giết chết những tài năng, sắc đẹp như nàng. Nàng muốn yên phận làm vỡ lẽ cũng không được, muốn sống yên lành gần gũi mẹ cha cũng không xong.

Mấy lần lấy chồng rồi cuối cùng nàng cũng phải tìm đến cái chết, trầm mình trên song Tiền Đường để chấm dứt khổ đau.

Câu thơ của Nguyễn Du không phải là một nhận xét lạnh lùng khách quan, mà là tiếng kêu như xé lòng người. Đây là lời nhận xét của Thúy Kiều khi nghe chuyện Đạm Tiên, nhưng cũng có thể coi là suy nghĩ của tác giả về thân phận của những người phụ nữ. Đó không chỉ bao hàm ý xót thương mà còn là lời tố cáo đanh thép về sự tàn bạo của chế độ phong kiến.

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Cùng chung số phận với nàng Kiều, cũng phải tìm đến cái chết là Vũ Nương của Nguyễn Dữ ở thế kỉ XVI trước đây. Người phụ nữ xinh đẹp đứng đắn trong Người con gái Nam Xương gặp nỗi bất hạnh đầu tiên là lấy phải người chồng tính tình đa nghi, gia trưởng, đã thế lại ít học. Nàng phải chịu lệ thuộc vè kẻ khác hoàn toàn – chồng nàng. Bao nhiêu khó khăn vất vả trong ba năm chồng đi lình nàng đã chịu được tất cả. Nhưng nàng lại không thể chịu được sự đay nghiễn, nghi ngờ mù quáng của người chồng cục cằn, thô lỗ. Nếu nàng Kiều chịu nỗi đau phải dứt bỏ mối tình đầu thì nàng lại phải chịu nỗi oan cho chính chồng, con gây ra. Đau đớn phẫn uất, nàng gieo mình trên bến Hoàng Giang, để lại hận nghìn đời. Sau này Lê Thánh Tông có viết bài Miếu vợ chàng Trương nói lên số phận đau đớn của nàng.

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy tới nàng.

Đau đớn không kém là số phận của người phụ nữ trong thơ của ” Bà chua thơ Nôm. ” Những người phụ nữ phải sống trong cảnh lấy lẽ thật cay đắng :

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Họ xinh đẹp, thông minh nhưng cuộc sống phụ thuộc, vất vả ” bà chìm bảy nổi chin lênh đênh “.

Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.

Nói chung họ bị đè nén, áp bức, họ bị đối xử bất công. Ngang tàng, cứng cỏi như Hồ Xuân Hương, đấu tranh không mỏi mệt, nhưng có lúc phải buột miệng ao ước ” Ví đây đổi phận làm trai được. ” Muốn làm phận con trai vì phận đàn bà bao giờ cũng đau khổ, bị coi thường.

Ngoài ra ta còn gặp người phụ nữ sống cô đơn trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, hay người phụ nữ xa chồng mòn mỏi trong nhớ thước ( Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm ), người phụ nữ nghèo khổ với những đứa con nheo nhóc trong Sở kiến hành của Nguyễn Du, tất cả những người phụ nữ ấy đều sống trong đau khổ, nô lệ, bị xã hội đày đọa. Song như những bông sen nở trong bùn lầy, họ vẫn giữ được ” tấm lòng son “, giữ được hương thơm ngát của mình.

Nguyễn Du nói rất đúng và chính xác về số phận phụ nữ trong xã hội nam quyền phong kiến trước kia. Lời nhận xét như chính tâm huyết của tác giả trào ra đầu ngọt bút. Đó là nhận xét bằng con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời.

Đã mấy trăm năm trồi qua, Nguyễn Du đã trở về với cát bụi, không kịp chứng kiến đổi đời và sự vùng lên đấu tranh của người phụ nữ. Giờ đây người phụ nữ đã đứng lên đòi quyền sống, đòi quyền bình đẳng và họ đã đạt được mơ ước của mình. Người con gái Bắc Giang cũng sát cánh với con trai phá đường chặn giặc :

  Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét, nước làng em lo

Người phụ nữ chờ chồng trong Thăm lúa đã biến nỗi nhớ mong manh thành những vụ mùa say hạt nặng bông, giật giải thi đua cùng người tiền phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có bao nhiêu phụ nữ gánh vác việc ” ba đảm đang ” họ ” giỏi tay cày, chắc tay sung “. Phận đàn bà bây giờ không đau đớn nữa mà đang hạnh phúc nở hoa.

Nguyễn Du từng khóc cho những nàng Kiều, cho những người phụ nữ và cho cả chính mình.

Ba trăm năm lẻ về sau nữa
Thiên hạ ai còn khóc Tố Như?

Nhưng Nguyễn Du ơi xin hãy vui lên, hãy ngậm cười nới chin suối. Những nàng Kiều ngày xưa của ông đã hết đau khổ rồi. Họ không phải là những người ” nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa ” nữa. Dù không còn đúng hoàn toàn trong xã hội ngày nay, nhưng lời nhận xét của Nguyễn Du vẫn là một tấm lòng đầy ưu ái cảm thông với những người phụ nữ.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Bình luận hai câu thơ trong Truyện Kiều: Đau đớn…lời chung” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!