Updated at: 14-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Bình luận câu thơ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn” chuẩn nhất 04/2024.

Dàn ý

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vị trí, nội dung đoạn trích.

2. Thân bài

a, Tình huống gặp gỡ – Lục Vân Tiên đánh cướp:

– Chủ tớ Kiều Nguyệt Nga trên đường bị cướp chặn xe, Lục Vân Tiên tình cờ đi ngang qua, thấy vậy liền ra tay cứu giúp.

– Cảnh đánh cướp thể hiện tài năng võ thuật, sự mưu trí, khỏe khoắn của Lục Vân Tiên:

+ “Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”: câu thơ thể hiện sự gan dạ, không do dự lao tới cứu người.

+ “Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ!/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”: hai câu thơ cho thấy bản tính quân tử, minh bạch của Lục Vân Tiên. Trước khi ra tay, chàng tuyên bố lí do sự ra tay của chàng là vì chính nghĩa, việc ra tay cũng minh bạch, không phải đánh lén.

+ Trận đánh gay cấn, “bốn phía bủa vây bịt bùng” vô cùng nguy hiểm, nhưng càng cho thấy tài năng của Lục Vân Tiên: “tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”.

⇒ Hình ảnh so sánh Lục Vân Tiên với nhân vật anh hùng Triệu Tử, tả đột hữu xung, câu thơ với giọng điệu nhanh, dứt khoát, tất cả thể hiện sức mạnh của nhân vật.

– Kết quả của trận đánh: kẻ cướp thua tan tác, bỏ cả gươm giáo, thủ lĩnh Phong Lai bị Vân Tiên tiêu diệt.

⇒ Lời thơ như tiếng reo hò trước sự thắng lợi của công lí. Hình ảnh Lục Vân Tiên qua trận đánh trở thành hình ảnh một người anh hùng thượng võ, bênh vực kẻ yếu, trừ gian diệt ác cho nhân dân

b, Cảnh Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga:

Tính cách, phẩm chất của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga thể hiện qua màn đối đáp trả ơn.

– Khi thấy tiếng than khóc trong xe ngựa, Vân Tiên hỏi chuyện, “động lòng” trước cảnh hai cô gái gặp nguy, khẳng định đã trừ hết kẻ gian.

+ Ngăn không cho hai cô gái ra ngoài: tư tưởng nam nữ thụ thụ bất thân thời phong kiến.

+ Hỏi thăm tên tuổi và lí do hai người bị nạn giữa đường.

⇒ Từ ngôn ngữ mộc mạc, giản dị thể hiện tinh thần võ tướng khi tả cảnh đánh kẻ ác, tác giả chuyển qua sử dụng ngôn ngữ trang trọng để xây dựng đoạn hội thoại. Từ đó cho thấy cả hai nhân vật đều là người có học thức, trọng tôn ti trật tự.

– Khi biết người cứu mình là một trang nam tử hán, Kiều Nguyệt Nga đã kể rõ sự tình: nàng cùng tì thiếp lên đường đến nơi cha đang làm quan, giữa đường gặp cướp may nhờ Vân Tiên cứu. Tính cách và sự giáo dục của nàng thể hiện qua những câu:

+ Làm con đâu dám cãi cha: đặt chữ hiếu lên trước tiên, không quản khó khăn vất vả của bản thân.

+ Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi: quan trọng danh tiết.

+ Muốn lạy tạ ơn cứu mạng của Vân Tiên, mong chàng đi cùng để cha con nàng báo ơn

⇒ Qua đây ta thấy một nhân vật Kiều Nguyệt Nga biết trước sau, hiếu thuận, lễ tiết, là một tiểu thư khuê các có học thức, nghĩa tình.

– Khi nhận được ngỏ ý tạ ơn của Nguyệt Nga, Vân Tiên liền từ chối: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn/ Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

+ Tô đậm thêm phẩm chất con người trượng nghĩa.

+ Thể hiện một phương châm sống của đấng nam nhi thời phong kiến: thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là anh hùng

⇒ Tác giả thông qua nhân vật Lục Vân Tiên nhắc lại những đạo lí làm người cần có ở một trang nam nhi, thông qua Kiều Nguyệt Nga ca ngợi vẻ đẹp chính chuyên của người phụ nữ Việt Nam.

c, Nghệ thuật đoạn trích:

– Nghệ thuật miêu tả nhân vật sử dụng nhiều đối thoại, hành động, ít miêu tả ngoại hình, nội tâm, bởi tác giả sáng tác trong hoàn cảnh bị mù lòa, ông đọc để người khác ghi chép lại nên truyện mang tính chất truyền khẩu. Qua lời nói và hành động, nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất.

– Ngôn ngữ thơ mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày, đậm tính Nam Bộ. Thể thơ lục bát dễ nhớ.

– Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, điển tích, triết luận.

3. Kết bài

– Đoạn truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khắc họa rõ nét phẩm chất tốt đẹp của một Lục Vân Tiên dũng cảm, xả thân cứu người, trọng nghĩa, khinh tài.

– Lời Lục Vân Tiên nói với Kiều Nguyệt Nga phản ánh rõ quan niệm về lẽ sống, về lí tưởng của con người anh hùng;

“Nhớ cầu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế áy cũng phi anh hùng”.

Bình luận câu thơ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn- Mẫu 1

        Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của miền Nam trong thế kỉ XIX. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là linh hồn của tác phẩm. Là hai nhân vật lý tưởng, đẹp đẽ: chàng trai văn võ song toàn “Văn đã khởi phụng đằng giao – Võ thêm ba lược sáu thao ai hì”, người thiếu nữ thì “vóc ngọc mình vàng”, đoan trang, giàu tình cảm và vô cùng chung thủy.

        Lục Vân Tiên cứu Kiền Nguyệt Nga là một đoạn thơ hào hùng, đầy kịch tính và rất hấp dẫn trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Chuyện đánh cướp, chuyện trai tài gái sắc gặp gỡ, nói với nhau những cậu chí tình chí nghĩa, làm người đọc cảm động và không bao giờ quên.

        Sau khi bọn lâu la “bốn phía vỡ tan”, tướng cướp Phong Lai bị Vân Tiên tiêu diệt, Kiều Nguyệt Nga được cứu thoát. Nàng vô cùng cảm động, muốn được đền đáp công ơn người anh hùng:

Gẫm câu báo đức thù công

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi

        Nhưng Lục Vân Tiên đã cười và khước từ một cách cao thượng:

Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

        Câu nói ấy biểu hiện một cách ứng xử tuyệt đẹp của Lục Vân Tiên. Đối với bọn bất lương, chàng nghiêm khắc lên án “chớ quen làm thói hồ đồ hại dân” và quyết đánh lan “lũ kiến chòm ong”, trừng phạt lên tướng cướp Phong Lai, làm cho hắn “thác rày thân vong”. Đối với nhân dân, chàng “xin ra sức anh hào, Cứungười cho khỏi lao đao buổi này”. Đó là hai thái độ yêu, ghét rõ ràng, dứt khoát.

        Còn đối với Kiền Nguyệt Nga, chàng đã xử sự như thế nào? Tinh thần dũng cảm đánh cướp của Lục Vân Tiên đã làm cho nàng vô cùng khâm phục và biết ơn. Nhờ chàng cứu giúp mà nàng thoát khỏi bàn tay bọn hung đồ, bảo toàn được phẩm tiết. Nàng đã làm đúng đạo lý muốn “báo đức thù công” người quân tử. Nếu Vân Tiên nhận sự đền ơn của nàng, thì đó cũng là một chuyện thường tình, chính đáng. Nhưng, Vân Tiên đã “cười”. khảng khái khước từ sự trả ơn của người mắc nạn, vì chàng đã hành động trong tư thế anh hùng, lấy việc cứu nhân độ thế làm niềm vui hạnh phúc. Chàng đã cười, đã chối từ sự trả ơn, nếu làm trái lại, đâu còn là anh hùng nữa? Câu nói của Lục Vân Tiên cho ta thấy chàng là một con người vị nghĩa, có tâm hồn rất đẹp, cao thượng, trọng nghĩa khinh tài, thấy việc ngang trái, quyết ra tay hành động, không từ nan trốn tránh:

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

        Qua câu nói của Vân Tiên, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đề cao tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp. Người giàu lòng nhân nghĩa có tình nhân ái bao la, biết căm thù cái ác, ghét bất công. Người nhân nghĩa vì hạnh phúc của nhân dân mà hành động dũng cảm bênh vực, che chở kẻ lầm than. Họ không màng danh lợi, vô tư, khảng khái, trọng nghĩa khinh tài, hào hiệp, vị tha…

Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

        Câu nói ấy thể hiện một lẽ sống đẹp, và nhà thơ đã ca ngợi một quan niệm anh hùng rất cao đẹp và tiến bộ. Lục Vân Tiên đã hành động một cách quyết liệt, vì một chân lý, như người xưa đã nói: “Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ” (giữa đường thấy việc bất bình, rút gươm ra giúp sức). Người anh hùng lấy cái nghĩa làm trọng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng dấn thân vào rừng gươm giáo để cứu người, cứu đời. Câu nói của Lục Vân Tiên phản ánh ước mơ khát vọng cháy bỏng của nhà thơ yêu nước miền Nam. Xã hội Việt Nam trong thế kỉ XIX là một xã hội loạn lạc, vô cùng đen tối: vua quan tham lam tàn bạo, cướp bóc nổi lên như ong, đạo đức suy vi, nhan nhản bọn bạc ác tinh ma, lừa thầy phản bạn như cha con Võ Thái Loan, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm… Nhà thơ mong chờ, hi vọng xuất hiện nhiều con người tài, đức như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Vương Tử Trực, Hớn Minh, những con người nghĩa khí như ông Quán, ông Tiều, lão bà, ông Ngư, tiểu đồng, v.v…

        Người đọc nhớ mãi câu nói của ông Ngư với Lục Vân Tiên:

Ngư rằng: lòng lão chẳng mơ,

Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn ?

Nước trong rửa ruột sạch trơn,

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.

        Truyện Lục Vân Tiên ra đời cách chúng ta trên 150 năm. Nhiều nhân vật trong truyện thơ có một sức sống lâu bền kì lạ, vô cùng hấp dẫn. Hành động anh hùng vị nghĩa của nhân vật Vân Tiên vẫn có nhiều ý nghĩa tích cực đối với nhân dân ta. Tinh thần hào hiệp, nghĩa khí chống phong kiến và đế quốc của nhân dân Nam Bộ là điều mà ta cảm nhận được qua văn thơ Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho nhân vật Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên nhiều ưu ái đặc biệt, vì đó là hình ảnh lý tưởng đẹp đẽ của nhà thơ. Bởi thế, Truyện Lục Vân Tiên có tính nhân dân sâu sắc.

Bình luận câu thơ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn- Mẫu 2

“Truyện Lục Vân Tiên” là truyện thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của Nam Bộ trong thế kỉ XIX. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là linh hồn của tác phẩm. Cả hai nhân vật đều mang vẻ đẹp lí tưởng. Lục Vân Tiên là người văn võ song toàn:

“Văn đà khơi phụng dằng giao,
Võ thêm ba lược sáu thao ai bì”.

Nhân vật Kiều Nguyệt Nga có nhan sắc tuyệt thế “vóc ngọc mình vàng “, đoan trang, thủy chung trong tình yêu.

Đoạn thơ “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ” rất hào hùng, hấp dẫn, đầy kịch tính. Chuyện anh hùng đánh cướp cứu dân, chuyện anh hùng, giai nhân tương ngộ được nhà thơ kể lại một cách sinh động, lôi cuốn, làm ta nhớ mãi.

Trên đường sang Hà Khê thăm cha, Kiều Nguyệt Nga bị lũ cướp Phong Lai bắt đem về sơn trại. Vân Tiên đã đánh bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga. Thoát khỏi tay bọn hung đồ, Kiều Nguyệt Nga chân thành và cảm động thổ lộ:

“Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng người”.

Nhưng Lục Vân Tiên đã “cười ” và khước từ một cách cao thượng:

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn “.

Câu nói ấy biểu lộ một cách ứng xử cao đẹp của Lục Vân Tiên, thể hiện phong cách của kẻ sĩ trọng nghĩa khinh tài. Đối với bọn bất lương, chàng nghiêm khắc lên án “chớ quen làm thói hồ đồ hại dân “. Chàng đã “ra sức anh hào ” dũng cảm đánh tan ‘lũ kiến chòm ong “, quyết trừng phạt tên tướng cướp Phong Lai. Vân Tiên đã đánh cướp để bảo vệ nhân dân, vì sự sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân:

“Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này!”.

Đó là thái độ yêu, ghét dứt khoát, rõ ràng, một quan niệm sống đẹp: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương “.

Đối với Kiều Nguyệt Nga, Vân Tiên đã xử sự như thế nào? Hành động dũng cảm đánh cướp của Lục Vân Tiên đã làm cho nàng vô cùng khâm phục và biết ơn. Nhờ chàng cứu giúp mà nàng thoát khỏi bàn tay bọn Phong Lai, bảo toàn được danh giá, phẩm tiết. Nàng đã làm đúng đạo lí, muốn được “báo đức thù công ” người quân tử. Nếu Vân Tiên vui vẻ nhận sự đền ơn của người đẹp, thì đó cũng là chuyện thường tình, chính đáng. Nhưng chàng đã “cười” một nụ cười rất tươi, khảng khái khước từ sự trả ơn của người mắc nạn được mình cứu giúp. Chàng đã hành động theo lí tưởng anh hùng, lấy việc cứu nhân độ thế làm niềm vui hạnh phúc. Chàng đã cười vui vẻ khi nghe người đẹp nói đến “bạc vàng “, đến “báo đức thù công “. Câu nói của Lục Vân Tiên cho ta thấy chàng là một anh hùng vị nghĩa, có tâm hồn đẹp, cao thưọng, giàu nghĩa khí, thấy việc bất binh, ngang trái, quyết ra tay hành động, không lùi bước trước mọi nguy hiểm. Câu nói vang lên như một lời thề:

“Nhớ cân kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hừng”.

Qua câu nói của Lục Vân Tiên, nhà thơ Nguyễn Đinh Chiểu đề cao tư tướng nhân nghĩa có tình thương bao la, ghét bất công, căm thù cái ác. Người nhân nghĩa sống vì lẽ phải, hành động vì tính mạng và hạnh phúc của nhân dân, dũng cảm bênh vực, che chở kẻ bị áp bức đau khổ. Họ không màng danh lợi, rất hào hiệp, vị tha.

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn “, câu nói ấy thể hiện một lẽ sống đẹp. Nguyễn Đình Chiểu đã ca ngợi một quan niệm anh hùng rất cao đẹp và tiến bộ, như người xưa đã nói: “Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ”, hoặc:

“Anh hùng tiếng đă gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Người anh hùng chân chính lấy cái nghĩa làm trọng, coi cái chết nhẹ tựa lồng hồng, sẵn sàng dấn thân vào rừng gươm biển giáo để cứu người, cứu đời. Câu nói của Lục Vân Tiên phản ánh ước mơ khát vọng cháy bỏng của nhà thơ yêu nước Nam Bộ. Xã hội phong kiến Việt Nam trong thế kỉ XIX vô cùng thối nát, loạn lạc. Vua quan tham lam độc ác, cướp bóc nổi lên như ong, nhan nhản kẻ bất lương bất nghĩa, lừa thầy, phản bạn như cha con Võ Thế Loan, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm,… Nhà thơ hi vọng mong chờ xuất hiện nhiều người tài đức như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Vương Tử Trực, Hớn Minh; nhưng con người hào hiệp nghĩa khí như ông Quán, ông Tiều, ông Ngư, Tiểu Đồng,…

Người đọc xúc động khi nghe Ngư ông nói với Vân Tiên, sau khi chàng gặp nạn được gia đinh ông cứu sống:

“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”.

“Truyện Lục Vân Tiên ” ra đời cách chúng ta khoảng 150 năm. Nhiều nhân vật trong truyện thơ có một sức sống lâu bền kì lạ và rất hấp dẫn. Hành động anh hùng vị nghĩa của nhân vật Lục Vân Tiên vẫn có nhiều ý nghĩa tích cực đối với con người Việt Nam xưa nay. Tinh thần hào hiệp nghĩa khí của người nông dân Nam Bộ kiên cường chống phong kiến và đế quốc là điều ta cảm nhận được qua những vần thơ Nguyễn Đinh Chiểu.

Bình luận câu thơ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn- Mẫu 3

Tác phẩm “Lục Vân Tiên” là một truyện thơ rất nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu – một nhà thơ lớn của miền Nam trong thế kỉ XIX. Sau khi Kiều Nguyệt Nga được Lục Vân Tiên cứu thoát khỏi bọn lâu la, tướng cướp Phong Lai, nàng đã vô cùng cảm động và muốn được đền đáp công ơn người anh hùng. Nhưng Lục Vân Tiên chỉ cười và khước từ một cách cao thượng “Làm ơn ơn há dễ trông người trả ơn”.

Câu nói trên của Lục Vân Tiên được trích trong đoạn thơ “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, đây là một đoạn thơ đầy hào hùng và kịch tính. Những cảnh đánh cướp, trai tài gái sắc gặp gỡ và những câu nói chí tình chí nghĩa đã để lại trong lòng người đọc những dấu ấn không bao giờ quên. Lục Vân Tiên có cách ứng xử rất cao đẹp, đối với bọn bất lương chàng không ngại lên án “chớ quen làm thói hồ đồ hại dân” và quyết ra tay đánh tan “lũ kiến chòm ong”. Còn đối với nhân dân, chàng lại ra sức anh hào “Cứu người ra khỏi lao đao buổi này”.

Riêng đối với Kiều Nguyệt Nga, tinh thần dũng cảm đánh cướp của Lục Vân Tiên đã làm cho nàng vô cùng khâm phục và biết ơn. Nhờ có chàng cứu giúp mà nàng thoát khỏi tay bọn hung đồ, bảo toàn được khí tiết và phẩm hạnh. Nàng muốn làm đúng đạo lý ơn nghĩa “báo đức thù công” cho người quân tử. Nhưng Lục Vân Tiên đã “cười” và khước từ sự trả ơn đó, bởi chàng hành động là xuất phát từ tấm lòng chứ không vì mưu cầu lợi lạc. Chàng hành động trong tư thế anh hùng, lấy việc cứu nhân độ thế làm niềm vui, nếu lấy đó để nhận ơn nghĩa, thì đâu còn là anh hùng nữa. Câu nói ấy của Lục Vân Tiên đã cho ta thấy chàng là một người anh hùng trượng nghĩa, tâm hồn cao thượng và trọng nghĩa khinh tài, thấy việc ngang trái quyết ra tay hành động không quản nguy nan.

Tác giả Nguyễn Đình chiểu đã đề cao tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp với tình nhân ái bao la, vì lợ ích của nhân dân mà sẵn sàng hành động dũng cảm bênh vực, che chở cho kẻ lầm than. Họ là những người chẳng màng danh lợi, rất vô tư và khảng khái, trọng nghĩa khinh tài và hào hiệp, vị tha. Câu nói của Lục Vân Tiên ” Làm ơn há dễ trông người trả ơn” còn thể hiện một lẽ sống đẹp, nhà thơ đã ca ngợi một quan niệm về người anh hùng rấ cao đẹp và tiến bộ. Lục Vân Tiên đã hành động một cách đầy quyết liệt, vì một chân lí cao cả “Lộ kiên bất bình, bạt đao tương trợ” – giữa đường thấy việc bất bình, rút gươm ra giúp sức. Người anh hùng ấy lấy cái nghĩa làm trọng, coi cá chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng dấn thân vào rừng gươm giáo để cứu người, cứu đời, dù có phải hi sinh cũng không hề chùn bước.

Câu nói ấy đã phản ánh ước mơ khát vọng cháy bỏng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Bởi hoàn cảnh đất nước bấy giờ là một xã hội loạn lạc, vô cùng đen tối, nhân dân vô cùng đau khổ, lầm than. Vua quan tham tàn bạo, cướp bóc nổi lên như ong, đạo đức con người suy vi, bọn bạc ác tinh ma đầy rẫy nhan nhản, những kẻ lừa thẩy phản bạn như cha con Võ Thái Loan, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Nhà thơ đã mong chờ sự xuất hiện của nhiều con người anh hùng tài đức như Lục Vân Tiên, những con người đức hạnh như Kiều Nguyệt Nga.

Tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã ra đời cách chúng ta trên 150 năm nhưng ý nghĩa của tác phẩm cũng như các nhân vật trong truyện có một sức sống lâu bền kì lạ, trường tồn với thời gian, thời thế. Hành động và câu nói của người anh hùng Lục Vân Tiên ngày ấy vẫn còn những ý nghĩa tích cực đối với nhân dân ta ngày nay. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã cho người đọc sống lại với những tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa chống phong kiến đế quốc của nhân dân Nam Bộ. Qua câu nói của Lục Vân Tiên cũng khẳng định được tính nhân văn sâu sắc của truyện.

Bình luận câu thơ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn- Mẫu 4

Trong đoạn trích Luc Vân Tiên cứu Kiều Ngyệt Nga, sau khi bọn lâu la “bốn phía vỡ tan”, tướng cướp Phong Lai bị Vân Tiên tiêu diệt, Kiều Nguyệt Nga được cứu thoát. Nàng vô cùng cảm động, muốn được đền đáp công ơn người anh hùng. Thế nhưng, Lục Vân Tiên đã cười và khước từ tấm lòng của nàng:

Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Câu nói đó đã toát lên tính cách cao đẹp của người quân tử, chàng hành động vì nghĩa, lấy việc giúp người là niềm hạnh phúc của bản thân chứ đâu mong việc được báo đáp công lao. Qua đấy thấy được Vân Tiên là con người dũng cảm, có tấm lòng trượng nghĩa, có nghĩa khí anh hùng. Từ câu nói của chàng đã khái quát lên một quan điểm sống tốt đẹp trong xã hội “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Bông hoa thơm sẻ chia hương sắc, con ong chăm chỉ hiến dâng những giọt mật cho đời, con người cho nhau tình yêu thương và sự quan tâm, đùm bọc. Sống là san đi những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, là đem tình yêu thương, quan tâm đến những người thân, bạn bè hay làng xóm, là cống hiến cho xã hội những tài năm và tâm huyết của chính mình. Cho đi mà không mong chờ sự đền đáp công lao, bởi khi bạn cho đi là bạn mở lòng mình để đón nhận tình yêu thương của tất cả mọi người. Bác Hồ – người cha già vĩ đạo của dân tộc, là một tấm gương điển hình. Bác đã hi sinh cả cuộc đời vì lí tưởng cao đẹp: Hòa bình, độc lập cho đất nước Việt Nam. Dù  Bác đã đi xa nhưng hàng triệu trái tim yêu thương vẫn hướng về Bác, bởi sự cho đi của người được được đổi lấy sự binh yên cho dân tộc hôm nay.

Quan điểm sống tốt đẹp được thể hiện qua câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện một quan điểm sống vô cùng nhân văn và cao đẹp, đó cũng chính là tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Bình luận câu thơ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn- Mẫu 5

Con người Việt Nam ta luôn nổi bật với truyền thống yêu thương giàu tình nghĩa. Chúng ta sống với nhau bằng cái tình làng xóm, tình anh em bạn bè, tình đồng bào đồng chí. Tất cả những tình cảm ấy thật sự vô cùng đẹp đẽ. Qua các mối quan hệ tình cảm ấy, người Việt Nam ta nổi bật với sự hành hiệp trượng nghĩa thấy bất bình thì không thể khoanh tay đứng nhìn. Nguyễn Đình Chiểu từng có một câu thơ trong truyện Lục Vân Tiên nói rất đúng về phẩm chất tình nghĩa tốt đẹp của nhân dân ta “: Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Vậy chúng ta hiểu câu nói đó như thế nào là đúng?

“ làm ơn há để trông người trả ơn”, đó là sự trượng nghĩa mà không cần đến ơn báo đáp, hành hiệp bảo vệ lẽ phải bằng chính nghĩa chứ không phải làm ơn để được báo đáp. Chúng ta thấy một chuyện bất bình mà ra tay bênh vực cho người yếu, bị bắt nạt thì đó là xuất phát từ chính trái tim yêu cái đúng ghét sự ngang ngược và một lòng muốn bênh vực kẻ yếu. Nói tóm lại câu nói đó thể hiện một cách khái quát tinh thần nghĩa hiệp trọng nghĩa của nhân dân ta.

Trong chinh ngay tác phẩm ta thấy Lục Vân Tiên chính là đại diện cho phẩm chất trượng nghĩa mà không hòng báo đáp đó. Nó được thể hiện khi Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, thấy bọn cướp ngang nhiên an ngày ban mặt mà dám cướp bóc giữa đường. một cô gái yếu đuối như thế thì làm sao có thể chống lại bọn chúng được. Nhìn thấy như thế Vân Tiên không thẻ nào đứng nhìn anh không do dự mà tả đột hữu xông lên đánh cho chúng một trận tơi bời. Chúng không những không làm ăn được gì mà còn chạy nhanh không mất mạng. Và khi được Kiều Nguyệt Nga ngỏ ý trả ơn đền đáp thì Vân Tiên khước từ và không bày tỏ quan điểm cứu vì thấy chuyện bất bình chứ không hòng mong trả ơn đên đáp gì cả. Hay những nhân vật khác cũng thế. Vân Tiên bị Trịnh Hâm đẩy xuống dòng sông kia thì ông Ngư đã không bỏ mặc, ông đã cứu Vân Tiên mặc dù nhà nghèo nhưng ông không thấy chết mà không cứu. Ông và bà săn sóc cho Vân Tiên tỉnh dậy. vậy đấy con người Việt Nam sống thật lòng và trượng nghĩa như thế đấy. Dẫu biết nơi nào hay cộng đồng dân tộc nào chẳng có mấy con sâu làm giàu nồi canh nhưng đó là truyền thống của dân tộc ta.

Hay trên thực tế cũng vậy, chẳng biết bao nhiêu lần khi nhìn thấy một đứa bé bị lạc đường hay lạc mẹ ta cũng không do dự mà sẽ đem em đến trị sở công an đẻ nhờ các chú công an tìm mẹ em giúp cho. Hành động ấy đâu mong em bé bị lạc ấy hay bố mẹ em đền đáp mà chỉ vì xuất phát từ một trái tim yêu thương con người mà thôi. Những cô cậu học sinh nhỏ tuổi thì thường thấy dắt những bà già qua đường hay đỡ bà khi đi trên đường mưa trơn trượt. đó cũng đâu mong bà báo đáp gì cho nó. Thậm chí nó còn không biết rằng làm như thế sẽ được báo đáp nữa. Vì nó được học rằng thấy người có hoàn cảnh khó khăn hay những người già thì quan tâm giúp đỡ chứ nhà trường, giáo dục nước ta không có một môn nào dạy rằng giúp đỡ người khác là được đền đáp bao giờ cả. Hay lớn hơn đến thời sinh viên chúng ta là những sinh viên cố gắng để đi học thoát hỏi cảnh đồng ruộng vì thế cho nên cũng chẳng giàu có gì. Nhiều lúc thèm ăn món này món nọ nhưng vì không có tiền lại đành thôi thế nhưng khi gặp cụ gia bên đường khó khăn, chân tay què quặt thì không thể đứng nhìn. Lúc đấy chẳng cần ai nói gì chúng ta cũng tự nhiên mang những đồng tiền tích góp biếu cho cụ.
Những người đã thành đạt thì họ có điều kiện để giúp đỡ người khác bằng đồng tiền của mình. Họ lập ra những quỹ hỗ trợ và để từ đó giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn mà không mong hòng những người nghèo ấy báo đáp. Điều đó giống như câu ‘ lá lành đùm lá rách”.

Tuy nhiên hiện nay nhiều khi lòng tốt không cần báo đáp ấy lại bị những kẻ hám tiền mà lười lao động lợi dụng để chuộc lợi. đó là chúng trả vờ như một kẻ đáng thương xin tiền mọi người. những vết sẹo hay những vết đau là do chúng tạo nên chứ không phải bị thương hay tật nguyền gì cả. Chính vì thế nhiêu khi xã hội nghi ngờ lẫn nhau làm cho phẩm chất tốt đẹp kia bị hạn chế đi.

Qua đây có thể thấy Nguyễn Đình Chiểu đã có một câu thơ hay tóm được hết phẩm chất tốt đẹp của ông cha ta cho đến nay. Tuy rằng cuộc sống ngày nay làm cho họ có thể bị nghi ngờ không tin tưởng lẫn nhau nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn thật sự thì vẫn được quan tâm của xã hội. Còn những kẻ lợi dụng lòng thương của mọi người ấy sẽ không có kết cục tốt đẹp đâu.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Bình luận câu thơ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn ( Truyện Lục Vân Tiên)” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!