Updated at: 25-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Bình giảng hai khổ thơ đầu Sang thu của Hữu Thỉnh” chuẩn nhất 04/2024.

Dàn Ý Bình Giảng Hai Khổ Thơ Đầu Bài Sang Thu (Chuẩn)
1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ:
– Bài thơ “Sang thu” là bài thơ đặc sắc của Hữu Thỉnh.
– Hai khổ thơ đầu của tác phẩm đã khắc hoạ được một bức tranh thiên nhiên đang chuyển mình sang thu đầy gợi cảm.
2. Thân bài

– Hương thơm thanh nhã, nồng đượm “phả” vào trong gió
– Gió thì se se lạnh gợi những bâng khuâng và cả những yêu thương

– Từ “bỗng” đứng đầu câu diễn tả cảm giác bất ngờ, xao xuyến  khi thu sang
– Cụm từ “hình như” cất lên khi thấy mọi vật đổi thay là lúc tác giả nhận ra thu về
– Dòng sông không còn vội vã như xưa, giờ đây sông chảy chầm chậm, dềnh dàng
– Những cánh chim như vội vàng hơn, nhanh chóng hơn
– Đám mây mơ màng vương chút cuối hạ
3. Kết bài:

Khái quát giá trị đoạn thơ:  Hai khổ thơ nhẹ nhàng, ngắn gọn mà đã mở ra cho ta một bức tranh thu vừa sống động lại vừa nên thơ.

Bình giảng hai khổ thơ đầu Sang thu của Hữu Thỉnh- Mẫu 1

      Nếu mùa xuân đã đi vào thi ca với sự tinh khôi của đất trời khi khởi đầu cho một năm mới thì mùa thu bước vào thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi với những khoảnh khắc nhẹ đến nao lòng của thiên nhiên. Trước đây Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu: “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”, sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước một góc quê hương sang thu:

     “Bỗng nhận ra hương ổi

  Phả vào trong gió se

          Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

      Sóng được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

 Có đám mây mùa hạ

     Vắt nửa mình sang thu”

      Đoạn thơ có cái hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra là hương ổi phả trong gió. Mùi hương quê nhà mộc mạc được gió đưa trong không gian cứ lan tỏa, thoang thoáng bay. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ “Bỗng nhận ra”. Một sự bất ngờ mà như đã đợi sẵn, đợi từ lâu rồi, để giờ đây có dịp là buông ra ngay. Trong số chúng ta chắc chắn không ai chưa một lần nếm vị ổi giòn ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi. Cái dư vị của hương thơm đó cứ vấn vương lại trong ta khi chợt đọc câu thơ của Hữu Thỉnh. Có hương ổi. Và gió. Và sương. Mùa thu lại về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo sương mờ ướt lạnh. Dường như có thêm sương nên thu dễ nhận hơn. “Sương chùng chình qua ngõ” hay là chờ đợi gì đây? Cứ dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm mại như thế, thu đến tự lúc nào không hay. “Hình như thu đã về”. Nhà thơ giật mình, hơi bối rối. Tự bao giờ nhỉ? Thu về? Từ hương hay từ gió, hay từ sương? Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Thu về, thu lại về trên quê hương, trên những con đường bờ đê và trên cả những con sông, cánh chim trời.

      Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu:

      “Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

 Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu”

      Con sông quê hương dềnh nước mùa thu. Những cánh chim bay đi vội vã. Tất cả đều hối hả, xôn xao khi thu về. Không còn cái gay gắt của mùa hè nóng nực, chỉ còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi nhường lại cho mùa thu. Mùa thu vừa mới chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời đang cựa mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè qua:

“Có đám mây mùa hạ

   Vắt nửa mình sang thu”

      Mây trời vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo. Hình như trong đám mây đó còn có lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới “vắt nửa mình”. Thu về làm cho bao cảnh vật đổi thay và đám mây cũng khác lạ.

      Với một đoạn thơ ngắn vỏn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ láy: “chùng chình”, “dềnh dàng”, “vội vã” và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng, Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người. “Sang thu”- một hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của đất trời Việt Nam.

Bình giảng hai khổ thơ đầu Sang thu của Hữu Thỉnh- Mẫu 2

Mỗi năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông và thiên nhiên cũng vậy tùy theo thời gian mà đổi thay cảnh sắc. Mùa nào cũng đều đẹp, đều yêu, nhưng có lẽ mùa thu là một trong những mùa đẹp nhất, tình nhất. Bởi thế mà nhiều nhà văn, nhà thơ đều bị thu hấp dẫn mà viết nên những thi phẩm độc đáo, thành công. Bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh là một bài thơ hay như thế. Hai khổ thơ đầu của tác phẩm đã khắc hoạ được một bức tranh thiên nhiên đang chuyển mình sang thu đầy gợi cảm.

” Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Hương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Ổi là thức quả dân dã, quen thuộc ở mỗi vùng quê. Khi thu sang cùng là lúc ổi bắt đầu ra hoa, kết trái, hương thơm thanh nhã, nồng đượm mà vấn vương lòng người hòa quyện vào trong không gian nhờ ngọn gió se. Gió thì se se lạnh gợi những bâng khuâng và cả những yêu thương. Ta như cảm nhận được hương ổi cũng đang thong dong cùng gió đi khám phá những ngõ ngách của làng quê mình, câu thơ còn gợi liên tưởng về hình ảnh người thì sĩ đang đứng nơi nào đó, dùng khứu giác để cảm nhận, mà tận hưởng thứ hương ổi mê đầy mê hoặc ấy. Hương ổi không nặng nề hay quá đậm đà mà phả nhè nhẹ trong gió càng khiến người ta khắc khoải những thương yêu. Từ “bỗng” đứng đầu câu tựa như một sự bất ngờ khi thu sang, có lẽ người thi sĩ cũng từng chờ đợi giây phút thu về nên khi nhận ra những dấu hiệu ấy cảm thấy có chút ngạc nhiên phá lẫn sự mừng vui, đón đợi. Cụm từ “hình như” diễn tả sự mơ hồ, không chắc chắn nhưng trong câu thơ “Hình như thu đã về” lại được dùng để nhận định khoảnh khắc sang thu, chứa chan cảm xúc yêu thương, có chút náo nức, mong chờ của người thi sĩ.

Thu đã về rồi sao? Thu về trên quê hương, trên từng cánh đồng quê, từng dòng sông, bầu không khí và trên cả từng ngõ ngách đường làng. Thu về trong thơ bao thi nhân khác là sương giăng mờ kín lối, là lá vàng bắt đầu rụng cành, là gió heo may lành lạnh, thì với Hữu Thỉnh, thu mang một nét đẹp đầy riêng biệt:

” Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

Chia tay mùa hè, thu sang khiến đất trời và cảnh vật thay áo mới, nhẹ nhàng, thư thái và êm đềm hơn. Dòng sông không còn vội vã như xưa, giờ đây sông chảy chầm chậm, dềnh dàng,  mang cả vị thu trong từng làn nước xanh trong. Dòng sông nhẹ trôi gợi cảm giác nhẹ nhàng, yên bình nơi sâu thẳm tâm hồn của mỗi độc giả. Và trên không trung kia nữa, những cánh chim như vội vàng hơn, nhanh chóng hơn, dường như cánh chim cũng cảm nhận được cái chớm lạnh của đầu thu nên vội vã bay về phương Nam tránh rét.

Điều tuyệt vời nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho mùa thu là một sắc trời riêng biệt, vừa dịu dàng lại vừa mạnh mẽ, vừa như chùng chình, chậm dãi lại vừa như vội vã, hối hả. Bởi thế mà đứng trước khoảnh khắc giao mùa, Hữu Thỉnh không khỏi bị hấp dẫn trước vẻ đẹp ấy. Ta còn nhớ Nguyễn Khuyến từng viết về trời thu đầy đẹp đẽ:

” Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”

Hãy trong thơ Xuân Diệu, trời thu nhuộm một màu áo ” mơ phai” đầy huyền diệu:

” Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”

Thì đến với Hữu Thỉnh, trời thu có nét riêng độc đáo, thứ còn đám mây mơ màng vương chút cuối hạ:

” Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Phải chăng áng mây kia cũng đang rạo rực khi thu về, muốn được khoe vẻ ưu tư và trầm mặc đầy yêu thương của mình với thế gian nhưng cũng còn chút nuối tiếc khi phải rời mùa hạ, muốn giữ lại chút gì đó của nắng vàng ấm áp.

Hai khổ thơ nhẹ nhàng, ngắn gọn mà đã mở ra cho ta một bức tranh thu vừa sống động lại vừa nên thơ. Có lẽ, sự cảm nhận tinh tế cùng tài năng trong ngòi bút tài hoa của mình, Hữu Thỉnh mới viết nên hồn thơ đẹp đến nao lòng như thế.

Bình giảng hai khổ thơ đầu Sang thu của Hữu Thỉnh- Mẫu 3

Mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp, một hương sắc rất riêng. Và vẻ đẹp ấy, hương sắc ấy đã được nhà thơ Hữu Thỉnh bắt gặp. Ông đã cảm nhận được hơi thở của đất trời khi chuyển mình sang thu. Sự chuyển mình của mùa thu được nhà thơ thế hiện rõ ràng trong hai khổ thơ đầu:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Nhà thơ chợt nhận thấy thu về qua mùi hương ổi. Đó là một mùi hương đặc trưng, mùi hương nhè nhẹ, thoang thoảng nhưng lại làm thức tỉnh lòng người. Nhà thơ bắt gặp mùi hương ấy một cách rất tình cờ và rồi lại nhận thấy nó rõ ràng hơn trong làn gió thu se se lạnh. Động từ phả gợi cho ta cảm giác chỉ nhẹ thôi, nhưng lại rõ rệt, nó không mạnh mẽ nhưng lại đủ làm cho người đọc cảm giác đắm chìm trong đất trời mùa thu. Cùng với những làn gió thu nhè nhẹ, se se, từng màn sương chùng chình qua ngõ. Sương thu giăng đầy ngõ, di chuyển đủng đỉnh, chậm chạp. Từ láy chùng chình đã diễn tả cảm nhận đó của nhà thơ. Màn sương thu đã tạo cho nhà thơ cảm giác mờ ảo, thiên nhiên lúc này trở nên huyền bí. Với hương ổi trong vườn, làn gió se lạnh và làn sương chùng chình, nhà thơ như đã phần nào cảm nhận được hương sắc mùa thu. Tuy nhiên, cảm nhận ấy lại không chắc chắn, khiến nhà thơ đưa ra nhận định: Hình như thu đã về. Hình như là sự băn khoăn của nhà thơ. Và sự băn khoăn ấy lại được nhà thơ giải đáp trong khổ thơ thứ hai của bài thơ:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

Rõ ràng mùa thu đã đến. Sắc thu không chỉ len lỏi trong mùi hương ổi, làn gió, màn sương mà lúc này nó bao trùm lên toàn cảnh vật. Nếu như khổ thơ đầu chỉ là sự suy đoán thì khổ thơ thứ hai lại là sự chắc chắn của tác giả.

Một loạt hình ảnh được tác giả nhân hoá làm thu sang rõ ràng bơn. Đó là một bức tranh thu trong sáng vô cũng. Những cảnh vật được nhà thơ lựa chọn để miêu tả đất trời vào thu đều đang ở trong trạng thái ngập ngừng nhưng đầy chủ động. Dòng sông dềnh dàng, đàn chim vội vã, đám mây mùa hạ đang vắt mình sang thu. Đây đều là những hình ảnh đặc sắc, không chỉ hiện lên ở hiện tại mà còn đem người đọc trở về với quá khứ mùa hạ. Dòng sông không còn dữ dội như mùa hạ mà trở nên dềnh dàng, chim vội vã để tránh gió thu se lạnh. Đặc biệt hơn, nhà thơ sử dụng động từ vắt với đám mây. Dường như đám mây ấy vẫn còn lưu luyến với mùa hạ nhưng lại phải tuân theo sự tự nhiên của đất trời bước sang thu. Dòng sông lững lờ, khoan thai trôi, đúng như sự êm ả, nhẹ nhàng của mùa thu. Tất cả những cảnh vật thiên nhiên ấy gợi cho chúng ta một điều: Mùa thu đã đến thật rồi! Thu sang được cảm nhận bằng tâm hồn thi sĩ thật mơ mộng. Cái hình ảnh về những sự vật ấy được nhà thơ nhân hoá vận động nhịp nhàng theo sự chuyển mùa hợp lí qua cảm nhận hết sức tinh tế của nhà thơ.

Sang thu của Hữu Thỉnh làm ta chợt nhận ra hương ổi, làn gió, màn sương thu hay dòng sông, đám mây… những sự việc gần gũi, thân quen làm nên đường nét rất riêng của mùa thu Việt Nam. Không chỉ riêng nhà thơ, mà mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được mùa thu ấy – một mùa thu êm ả, lắng đọng, ấm áp

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Bình giảng hai khổ thơ đầu Sang thu của Hữu Thỉnh” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!