Updated at: 19-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Bình giảng đoạn thơ thứ hai trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” chuẩn nhất 11/2024.

Dàn ý: Bình giảng đoạn thơ thứ hai trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Bài thơ là khúc hát ru về tình mẫu tử thiêng liêng cùng lòng yêu Tổ quốc của người mẹ dân tộc Tà – ôi
– Khổ thơ thứ hai là tình yêu thương con, và tình thương đồng loại.

2. Thân bài

* Tác phẩm được sáng tác vào chuyến công tác miền Tây Thừa Thiên của Nguyễn Khoa Điềm.
– Bài thơ chia ra làm ba khúc hát ru, mỗi khúc đều là lòng yêu con của người mẹ Tà – ôi đồng thời là lòng yêu nước, ước mong cuộc sống hạnh phúc tự do.

* Đoạn thơ thứ hai:
– Hình ảnh người mẹ hiện lên: trên rẫy trên núi ka -lưi, đang trỉa bắp -> công việc nặng nhọc, nhưng vẫn địu con trên lưng.
– Lời hát ru là lời gọi tha thiết với trái tim yêu thương chan chứa
– Hình ảnh đối lập: Lưng núi to – lưng mẹ nhỏ. Công việc dù vất vả mẹ vẫn cố gắng làm, chỉ mong em ngoan “đừng làm mẹ mỏi”
– Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời của mẹ”: Con là nguồn động lực, là ánh sáng giúp mẹ vượt qua khó khăn, gian khổ “mặt trời của mẹ”
– Tình yêu thương đồng loại: Thương con nhưng cũng “thương làng đói”: cố gắng làm được thật nhiều lương thực cho đồng bào.
– Ước mong về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và ước mong con của mình lớn lên sẽ trở thành chàng trai khỏe mạnh với sức mạnh phi thường
-> Đoạn thơ là tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con của mình và mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

* Kết luận chung:
– Ngôn từ bình dị, mộc mạc, nhưng tha thiết chứa chan yêu thương
– Tình mẫu tử thiêng liêng, ấm áp cùng ước mong cuộc sống ấm no.

3. Kết luận

– Khẳng định ý nghĩa của đoạn thơ
– Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ của những bài thơ ca ngợi đất nước và Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất.

Bình giảng đoạn thơ thứ hai trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ- Mẫu 1

    Lưng mẹ là chiếc nôi mềm, và tim mẹ đang cất lên lời hát. Em cu Tai ngủ say theo tiếng hát của mẹ hiền. Giấc mơ của em dào dạt tình thương mẹ. Thương mẹ vất vả phát rẫy tỉa hấp để có cái ăn cho con, để có nhiều lương thực. Lòng mẹ bao la: “‘Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói”. Con không chỉ mơ cho hiện tại mưa nắng thuận hòa “hạt bắp lên đều”, xanh đồi nương, thắm rừng rẫy; mà còn mơ ước trở thành một người lao động phi thường:

Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi.

Và đó cũng chính là mơ ước, là hi vọng của mẹ hiền về con thơ. Ước mơ “mai sau con lớn vung chày lún sân”, “mai sau con lớn phát mười Ka-lưi” là ước mơ thần kì. Con có thương mẹ, mẹ có thương con, tình thương có bao la mới có ước mơ thần kì ấy. Chất thơ mang vẻ đẹp vừa dân dã vừa anh hùng.

Đây là khúc hát ru thứ hai trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm. Hai câu thơ sau ba lần vang lên trong bài thơ; điệp khúc ấy là tiếng vỗ về yêu thương em cu Tai:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi!

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Người mẹ Tà-ôi vừa địu con, vừa làm rẫy tỉa bắp. Núi Ka-lưi hùng vĩ thuộc dãy Trường Sơn, ở miền Tây hai tỉnh Trị – Thiên. Một so sánh tương phản: “lưng núi thì to”, “lưng mẹ nhỏ” nhằm ca ngợi đức tính cần cù, tần tảo, đảm đang của người mẹ nghèo, người dân tộc:

Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ.

Mẹ vất vả tỉa bắp nuôi con để phục vụ kháng chiến. Tình thương của mẹ bao la: “Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói”, như một lời nhắc khẽ vỗ về, như một tiếng nói hồn hậu, cảm thông: “Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”…

“Mặt trời” là một hình ảnh được nói đến nhiều trong ca dao, dân ca, trong thi ca dân tộc. Ở đây, Nguyễn Khoa Điềm đã so sánh, ẩn dụ sáng tạo qua cặp câu thơ song hành để nói lên một liên tưởng đẹp, giàu ý nghĩa thẩm mỹ:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

“Mặt trời của bắp” là mặt trời của thiên nhiên vĩnh hằng, đem ánh sáng và sự sống cho muôn loài, đem lại sự tốt tươi cho lúa, ngô, khoai… Từ mặt trời vũ trụ, nhà thơ liên tưởng đến “mặt trời của mẹ”, đó là em cu Tai. Em là con yêu, là hạnh phúc, niềm tự hào của mẹ. Em là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, niềm tự hào của mẹ. Ca ngợi lòng mẹ, tình thương con của mẹ, câu thơ Nguyễn Khoa Điềm bình dị mà thấm thía biết bao! Đứa con là “mặt trời của mẹ”, một ẩn dụ rất sáng tạo làm rung động lòng người:

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

Bình giảng đoạn thơ thứ hai trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ- Mẫu 2

Nguyễn Khoa Điềm là một người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Thừa Thiên Huế. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm và trong một chuyến công tác ở miền tây Thừa Thiên, ông đã có cảm hứng để viết lên bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Bài thơ là tiếng ru của người mẹ dân tộc địu con trên lưng khi lên rẫy. Đó là khúc hát ru của lòng mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng cùng với tiếng hát vang của lòng yêu nước.

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ kể về một người mẹ Tà – ôi địu con trên lưng vừa giã gạo, tỉa bắp nuôi bộ đội, góp phần lương thực vào công cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc, vừa đạp rừng, băng suối để tránh những lần càn quét của giặc. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, người mẹ ấy cũng cất cao lời hát chứa đựng yêu thương với ước mong đứa con bé bỏng của mình sẽ lớn lên thành một người con khỏe mạnh, được sống hạnh phúc trong một đất nước tự do. Cũng qua đó, tác giả gửi gắm một tình yêu nước nồng nàn tha thiết của người mẹ Tà – ôi nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Bài thơ chia ra làm ba khúc hát ru, mỗi khúc hát ru đều là hình ảnh người mẹ đang trong công việc vất vả, và ước mong của mẹ với người con của mình, với quê hương, với đất nước. Trong đó, khúc hát ru thứ hai được cất lên như thế này:

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka – lưi

Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ

Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng

– Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi

Mẹ thương a kay mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười ka – lưi.

Hình ảnh người mẹ hiện lên khi đang làm công việc “trỉa bắp” trên nương. Công việc mà mẹ làm thật đẹp đẽ và cảm động. Mẹ làm vất vả, mệt nhọc là thế nhưng vẫn không rời xa đứa con của mình. Con nằm trên lưng của mẹ, lắng nghe tiếng hát ru của lòng mẹ bao la, lắng nghe tiếng yêu thương của lòng mẹ đang hướng về phía con mà cất lời:

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka – lưi

Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”

Mẹ đang gọi em bằng cái tên “em cu Tai”, hay là mẹ cũng đang cất tiếng gọi bằng trái tim đầy yêu thương của mình? Em cu Tai theo mẹ lên nương, làm rẫy, hãy ngủ ngon nhé, đừng rời xa mẹ, để mẹ có thêm động lực trỉa bắp để có thêm cái ăn, có thêm lương thực dự trữ dành cho dân bản, cho các chú bộ đội chiến đấu chống lại kẻ thù. Ngọn núi với lưng núi to để trồng được thật nhiều bắp, nhưng lưng mẹ thì nhỏ bé lắm, chỉ để dành cho em ngoan của mẹ thôi. Một hình ảnh tương phản được dựng lên ở đây, đó là hình ảnh lưng núi to và lưng người mẹ nhỏ. Núi lớn, to và rộng còn sức lực của người mẹ thì có hạn, chỉ mong con ngoan để mẹ có thể làm được công việc của mình. Người mẹ đang lom khom trỉa những chiếc bắp ngô còn cu Tai thì nằm ngủ thật ngon trên lưng mẹ. Câu thơ là sự khắc sâu nỗi nhọc nhằn của người mẹ vùng cao khi lao động sản xuất chuẩn bị lương thực cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những dòng thơ đầu cất lên với tiếng gọi dịu êm của người mẹ Tà – ôi đang địu con trên lưng. Tiếng gọi ấy thật ngọt ngào, sâu sắc, thấm đẫm tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Sau tiếng gọi ấy, người mẹ dặn đứa con chỉ mới biết nằm trong nôi của mình rằng: con hãy ngủ ngoan trên lưng mẹ để mẹ làm công việc, để mẹ có thể góp phần dựng xây đất nước, góp phần vào công cuộc chiến đấu chống lại giặc Mỹ xâm lược. Để tiếp theo đó, người mẹ dặn dò đứa con bé bỏng của mình rằng:

“Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”

Lời thơ như lời vỗ về trái tim tràn đầy yêu thương của Nguyễn Khoa Điềm. Cảm xúc bừng lên trong câu thơ thật da diết, đặc biệt là lời dặn dò chan chứa tình yêu của người mẹ:

“Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi”

Em hãy ngủ ngon nhé, bởi em chính là nguồn động lực thật to lớn để mẹ hoàn thành công việc của mình. Đối với mỗi người mẹ, dù phải vất vả nuôi con, tần tảo sớm hôm, nhưng chỉ cần con cái luôn ngoan ngoãn thì đó cũng là sự an ủi thật to lớn dành cho họ rồi. Và ở đây, Nguyễn Khoa Điềm đã dùng một hình ảnh ẩn dụ thật đậm đà tình mẫu tử. Ông ví đứa con như “mặt trời của mẹ”, bởi mỗi đứa con luôn là ánh sáng, là niềm tin giúp người mẹ vượt qua những gian khổ của cuộc đời. Đối lập với hình ảnh “mặt trời của bắp” là hình ảnh “mặt trời của mẹ” – một hình ảnh nhân hóa ẩn dụ giàu ý nghĩa. Mặt trời của bắp là nguồn nuôi dưỡng, cung cấp ánh sáng cho cây thì đối với người mẹ Tà – ôi này, em cu Tai cũng chính là ánh sáng đó.

Vẫn say trong tình yêu chan chứa, tình mẫu tử thiêng liêng, người ta lại thấy đượm lên khúc ca yêu thương ngọt ngào của người mẹ cất lên:

– “Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi

Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười ka – lưi.”

Đây là câu hát ru, lời hát ru của người mẹ đang ru cho con ngủ. “A kay” – con hãy ngủ ngoan, bởi mẹ yêu con bao nhiêu mẹ cũng thương những người dân làng bản ta phải chịu đựng đói rét bấy nhiêu. Vậy nên, người mẹ Tà – ôi mới cất tiếng hát mong cho con có giấc ngủ an yên, và trong giấc mơ ấy là hình ảnh của những cây bắp lên đều hạt, cho mùa bội thu để bản làng không còn những cơn đói. Và trong câu hát ấy cũng vang vọng lời mong ước của mẹ rằng con của mẹ sau này lớn lên sẽ trở thành một chàng trai mạnh khỏe với sức mạnh diệu kỳ để làm thêm được thật nhiều nương rẫy, có cuộc sống thật ấm no, hạnh phúc.

Câu hát ru thấm vào lòng người bởi nó chan chứa tình yêu thương của người mẹ đang vỗ về đứa con yêu của mình. Bằng những ngôn từ mộc mạc giản dị, Nguyễn Khoa Điềm đã nói lên khát vọng ấm no của những người dân tộc Tà -ôi qua tiếng hát ru, qua hình ảnh lời mong ước với cuộc sống sau này của đứa con của mình.

Khổ thơ thứ hai của Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là lời thơ thấm đẫm tình yêu thương của người mẹ dành cho con, cũng là tình yêu thương dành cho đồng loại của mình. Cùng với mong ước, khát vọng ấm no, người mẹ cũng mong ước con mình lớn lên thật khỏe mạnh để dựng xây quê hương, đất nước

Ở trong khổ thơ này, Nguyễn Khoa Điềm không dùng quá nhiều biện pháp nghệ thuật, thế nhưng chỉ bằng những lời thơ giản dị, mộc mạc nhưng chan chứa yêu thương, ông đã dựng lên được bức tranh người mẹ Tà -ôi đang địu con lên rẫy trỉa bắp để lấy lương thực. Sâu thẳm trong từng câu chữ hát ru ấy là tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ, tình thương với đồng loại mình, cùng ước mơ để mặt trời bé con của mình lớn lên thật khỏe mạnh, có được cuộc sống ấm no.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Bình giảng đoạn thơ thứ hai trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 11/2024!